TRIỀU NGUYÊN
Ông Tự ngước mắt lên nhìn bàn thờ. Cái bát hương đặt chính giữa từa tựa chiếc bình sứ lớn, hình như được trang trí bằng một cái đầu con rồng thì phải.
Ông thoáng nhận ra mấy cọng râu rồng màu xanh, uốn éo trên nền sứ vàng ngà. Những chân hương cắm lởm chởm trên đó, tàn rụng vất quanh miệng bát, khói ám một nửa chiếc khung kính, có in hình cây bách ở phía sau. Bụi hương bám dày lên hai chiếc đài gỗ nứt nẻ màu hồng nhạt, dùng cơi đĩa trầu cúng đặt đối xứng hai bên. Ngoài cùng kệ thờ, sắp thẳng hàng với cặp đài, là hai cái giá đèn bạch lạp cao lêu khêu, chiếc ẹo vào, chiếc ưỡn ra như muốn gọi chủ nó, chắc đã lâu không hề mó tới.
Ông Tự tháo kính, lấy khăn lau mắt. Thằng cháu ông tệ quá! Tệ không tưởng tượng nổi. Bố mẹ mất sớm, anh em ông tan nghé lạc đàn, mỗi đứa một phương. Rồi tai nạn, đói khát, chiến tranh... Bao nhiêu cái họa khủng khiếp đã giáng xuống gia đình ông. Để cái ngày ông khăn gói tới bến đò ngang, theo đoàn người tập kết ra Bắc, chỉ còn một người thân duy nhất tiễn đưa, đó là ông Ngộ, anh cả ông. "Chú cố gánh trọn nợ nước, dân. Chuyện lư nhang bát nước, mồ mả ông cha đã có phận anh lo. Mai đây, anh khó biết chú ở tận nảo nào, chứ còn nhà ta, quê cha đất tổ, thì dù trời long đất lở, chắc chắn cũng ở trên miếng đất ni thôi, chú nờ". Lời dặn dò, sự giao ước giữa hai anh em ông, được tóm tắt bởi câu nói sau cùng này của ông Ngộ. Lúc này thằng Tịnh mới năm tuổi, còn ông, tròn hai mươi. Ông ra đi, đinh ninh lời anh trong dạ. Mỗi khi con người tưởng vọng đến tổ tiên hoàn toàn an tâm về sự yên ấm của các "Ngài" họ được uống đều đặn những viên thuốc bổ về tinh thần và luôn luôn cảm thấy hạnh phúc. Những chiến công rực rỡ, những thành quả trong lao động, tình yêu và sự lạc quan... một phần đã bắt nguồn từ đó. Ông Tự không mảy may lo ngại về việc phụng thờ, hương khói. Người nhà quê như anh ông, sẵn lòng bỏ nửa cuộc đời để làm chuyện ấy. Hồi Mỹ leo thang chiến tranh ra miền Bắc, có lúc nghe tiếng bom rung trời chuyển đất, thật lòng ông cũng ái ngại khi nghĩ đến quê nhà. Ông mang máng thấy nó ngã nghiêng trong lửa đạn. Nó tiêu điều, xơ xác. Nhưng chỉ mang máng thôi, nên cái hình ảnh của con đò ngang rẽ nước, mái đình uy nghiêm soi bóng lên hồ sen, cánh cò chao xuống vạt đồng lúa mượt, tiếng gõ lốc cốc trên mạn đò dụ cá chiều hôm... không hề bị xóa mờ trong tâm tưởng ông, nó trở thành bất tử. Cái tính duềnh doàng ấy được công việc trấn an, xoa dịu. Việc Đảng, việc lãnh đạo cơ quan, rồi việc chuyên môn, đoàn thể, chuyện nọ xọ chuyện kia, ông còn thì giờ đâu nữa? Nói cho công bằng, thì ngay sau ngày quê hương giải phóng, ông Tự cũng tất tả lặn lội trở về làng cũ. Người ta thầm thì: "miền Bắc nhận hàng, miền Nam nhận họ", ông chỉ nhận thấy cảnh đổ nát, hoang tàn của thôn xóm và cái nheo nhóc của vợ con thằng Tịnh, từ trại lính ngụy quay về. Ông Ngộ đã mất vì đạn pháo ngay tại nhà mình. Hai chú cháu ông tranh cãi nhau vì một chuyện ngớ ngẩn.
- Cháu vừa gặp anh bộ đội gạ mua cái đồng hồ Citizen của cháu. Khi đưa xem, anh ta đòi được loại "hai cửa sổ, ba bù lon" mới mua, chả là, kiểu đồng hồ cháu dạng "đời mới", chỉ một trục mà thôi. Sau đó, chính cháu chứng kiến anh chàng vớ phải cái đồng hồ dổm, nhưng coi bộ hí hửng lắm. Sao có chuyện lất lơ vậy chú? - Thằng Tịnh vừa đi đâu về, tu xong ca cước, rồi mách với ông như thế.
- Anh ta lất lơ thế, nhưng lại là người giải phóng cho bọn sống trong vũng bùn nô lệ, quen cảnh phồn vinh giả tạo như cháu. - Ông Tự đốp ngay.
- Cháu nói với ý khác kia mà! Thật tức cười khi miệng mấy anh chàng luôn bảo: "miền Bắc khối gì thứ ấy", trong lúc cố lùng sục cho bằng được chính "thứ ấy" để mang ra...
- Câm mồm!...
Cho đến bây giờ, mười năm sau, ông Tự vẫn còn nghe âm vang của tiếng quát nạt ấy. Tâm trạng của ông lúc đó, đáng để cho hai tiếng ấy bật ra, mà không hề áy náy. Dù hậu quả là hai chú cháu ông giận nhau, và cho đến bây giờ ông mới ghé thăm. Thời gian đánh dấu lên đầu ta bằng những sợi tóc trắng, và nung chín những quan niệm hời hợt. Ông Tự thấy mình không còn cớ gì giữ cái hờn mát với cháu lâu hơn nữa. Ông đã ngoài năm mươi tuổi đầu, thì thằng Tịnh cũng xấp xỉ bốn mươi rồi, trẻ mỏ gì? Ông Tự lại ngước mắt lên bàn thờ.
Tấm phên tre phía sau bị mọt đục lỗ chỗ, nhà mùn lay ray qua những khe hở dọi nắng. Ánh sáng cũng xuyên ngang tờ giấy in tranh ngũ quả, khiến nó phai màu, trông trái chuối như hình con chuột rúc. Trời oi quá. Mới chín giờ sáng mà ông đã thấy lịm người. Một phần cũng vì cuộc hành trình ngót bảy trăm cây số bằng ô tô từ Hà Nội vào đã làm ông phờ phạc, nhưng cái chính là ông đang ngồi trong căn nhà mái tôn chật chội, với sự bất ngờ về hoàn cảnh của đứa cháu. Nó nghèo xơ nghèo xác, nghèo rớt mùng tơi như người ta vẫn nói. Vợ chồng nó kéo nhau đi làm từ rạng sáng. Nó đi chặt củi đun ở rừng xa, phải gần tối mới về; vợ nó lặn hến miệt Bàu Ô. Đấy là theo lời bọn trẻ lúc nhúc đang mãi mê chơi trò "ô làng" ngoài hiên kể lại, khi ông hỏi về bố mẹ chúng và cho gói bánh. Chúng rách rưới và bẩn quá. Đứa nào cũng rụt rè không dám lại gần ông. Ngay con bé lớn nhất đám, cũng chỉ mang lên cho ông bát nước lá ngấy, sực mùi khói rơm rồi ù té chạy biến. Lát sau, thấy nó mót củi nè về đến sân, ông Tự vẫy lại:
- Mùa rồi, nhà cháu thu hoạch được mấy tạ lúa?
- Thưa ông - Con bé mặt tái mét, ngập ngừng nhìn ông vẻ nghi ngờ - Ông có bắt tội ba cháu không ạ?
- Ông là ông của cháu mà bắt tội ba cháu sao - Ông Tự cười xót xa - Ông hỏi cho biết các cháu của ông có no không thôi mà.
- Cháu nói thật với ông, và ông cũng đừng cho ai biết cả nhé - Con bé xích gần ông, nói nhỏ - Ba cháu có giấu ba tạ ở dưới các phuy trấu, với lại, trong đụn rơm ấy.
- Việc gì phải giấu đút kiểu ấy hả, cháu?
- Ba cháu bảo không làm thế, thì chị em cháu chết đói hết đó. Cháu lỡ miệng nói thật với ông, ông đừng nói lại với ai hết, nghe ông?
Ông Tự phải gật đầu mấy cái liền, nó mới yên tâm xuống bếp nhóm lửa, thổi cơm trưa. Quả là "Giữa đường hỏi mụ tra, vô nhà hỏi con nít!" như bà con quê ông vẫn nói lối. Dù con bé có vẻ khôn trước tuổi, nhưng còn cái chất thật thà không mất hết. Tội nghiệp nó và cũng tội nghiệp cho ông nữa. Là chuyên gia kinh tế nông nghiệp, từng xách cặp đi Đông đi Tây ông thấy mình tỏ ra mù tịt về thực trạng người nông dân ở chính quê nhà. Từ cách làm ăn ồ ạt, chia sản lượng bình quân đến khoán từng nhóm, từng người, bao nhiêu lần chuyển đổi, bấy nhiêu bận ông đến diễn đàn, và hàng loạt luận cứ tuôn ra từ cửa miệng ông, hùng hồn mà chặt chẽ. Ông định đi một lượt thăm bà con, tiện thể coi công việc sinh sống của họ luôn, nhưng ông lại chợt nhớ mấy câu đối đáp như sáng nay ở bến đò:
- Ai ngồi đằng mui ấy? - Một bà nháy mắt về phía ông, hỏi.
- Vừa thấy từ xe con xuống, chắc lại tham quan tham kiếc chi chi... Mới dỡ nhà cho các ông chụp ảnh, không khéo lại dời mả để mấy cụ khỏi chướng mắt nữa đây? Cứ thấy ai trơn da láng tóc tới làng, cái lo bùng lên, không chuyện này cũng vày chuyện khác. Chán mớ đời...
Một người thanh niên tóc rủ khuất nửa mặt, tay ôm cái pít-tông máy nổ lem luốc mỡ, cố nói to cho mọi người nghe thấy, sau khi ném về ông một cái nhìn xấc xược. Ông Tự phớt lờ trước những đôi mắt xoi mói. Hôm qua, nghỉ đêm ở văn phòng huyện ủy, ông được biết làng ông có năng suất lúa cao nhất huyện, nhiều nơi đến học tập cách làm ăn, cách qui hoạch ruộng đồng, lẽ nào vì đó mà dân thán oán? Họ ngờ oan ông, chỉ vì ông nhân tiện quá giang xe huyện ủy về làng. May mà không ai biết ông, chứ có thì hẳn ông khó chịu lắm. Bởi thế, ông quyết định không đi đâu cho đến lúc thằng Tịnh trở về. Ông Tự kê gối lên sập ngựa nằm nghỉ, tay ve vẩy quạt nan xua đám ruồi vù vù trước mặt.
- Ông ơi, ông xuống ăn cơm với cháu! - Thằng bé thứ hai của Tịnh, chừng sáu bảy tuổi, lay lay bàn tay ông, gọi.
- Ừa... ừa... - Ông Tự nhổm dậy, đi xuống nhà dưới.
Mâm cơm dọn trên cái chõng tre thấp chân. Năm đứa trẻ ngồi bâu quanh chiếc soong gang và một trách tép kho nổi rỏ ruốc và lá ném, bốc mùi hăng hăng, khay khay. Con bé lớn xới ra bát những chén cơm lổm xổm sắn lát khô. Nó lừa bớt sắn, đơm riêng cho ông bát sau cùng. Ông Tự thấy ý tứ đứa cháu mà cảm động. Ông cười xoa xuýt:
- Ông thích nhiều sắn hơn. Nào, cháu đổi chén cho ông nào! - Ông tráo bát cho đứa bé nhất.
Đám trẻ ăn ngon lành, ham hố. Mắt chúng hau háu nhìn soong cơm vơi dần, tay chúng đảo lia lịa trên dĩa tép. Con nhà nghèo, cơ thể thiếu nhiều chất nên thứ gì vào cũng hấp thụ sạch. Có lẽ vì thế mà đám trẻ tuy chẳng hồng hào, nhưng không èo uột và tuyệt không vòi vĩnh, ỏng ẹo kiểu các cô, cậu bé nhà giàu. Như tụi con ông chẳng hạn, đã lớn sồng sồng mà vẫn còn nũng nịu, hễ tí là đòi bỏ cơm để yêu sách đủ điều.
Ông Tự cố nuốt hết bát cơm rồi buông đũa, lên chỗ sập ngựa nằm. Trời bên ngoài nắng dữ. Gió nồm bắt đầu thổi tới, rung rung đọt cây. Ông Tự rút tờ báo cũ trong xách ra đọc và thiếp đi.
***
Vợ chồng Tịnh về đến nhà khi trời đã xế chiều. Vứt gánh củi đánh ịch lên sân, Tịnh ôm chầm lấy ông Tự, mừng mừng, tủi tủi. Hôm nay, vợ Tự gặp may, xúc được một oi hến to, chào hỏi ông xong, chị hí hửng đem ra giếng làng gần đấy chà đãi. Ông Tự lặng lẽ quan sát cháu, trong lúc Tịnh kể lể với ông bao chuyện rối rắm ở quê nhà. Tịnh có đôi mắt hau hau mấy đứa con ông, tóc loăn xoăn, râu mép râu cằm lởm chởm, tay chân lòng ngòng. Đặc biệt, hai mu bàn chân Tịnh dày và to hơn người bình thường, trong nhu thủy thủng. Hai bàn chân ấy là bệ đỡ cho cặp cẳng gân guốc, đen đủi, chắc quanh năm không phải tốn vải che, và phần thân hơi cứng sượng, một điểm riêng của dòng họ ông. Ở cái phần da được chăm sóc cẩn thận nhất của con người Tịnh nơi mặt và cổ, thoạt nhìn ánh màu xám tro như lá cây bị nắng xém, nhìn kỹ, thấy nỗi các lỗ chân lông to, vàng ỉu, màu vàng thiếu sinh khí này lấn hết khoảng tròng mắt, trừ có con ngươi đỏ đòng đọc của người làm việc quá sức. Tịnh đang kể chuyện mười tám căn nhà của xóm Thượng, trong đó, có ngôi nhà thờ họ Đinh, một dòng họ khai canh làng bị buộc phải dời đi cho đúng với qui hoạch của ông chủ nhiệm i tờ rít, và hỏi chú:
- Sau khi cho dân quân hốt nhà, phá hết cây lưu niên của người ta, rồi cắm lên đó những cây sắn xiêu vẹo lấy có, như vậy mà bảo đó là lối làm ăn mới, là cải tạo nông nghiệp, chú xem có ngứa mắt không chứ?
Ông Tự gãi đầu tóc muối tiêu, đáp lấy có:
- Để xem lại coi sao. Tệ nhỉ!
Tịnh chạy xuống bếp, bưng lên một ấm đất nước lá ngấy bốc mùi như thuốc bắc, vừa rót cho chú một bát đầy, vừa nói:
- À, này chú! May cháu lại quên mất, nhân chú vô thăm, chú cháu ta tính chuyện dời phần mộ của ông luôn thể, chứ vùng bãi ấy cũng sắp vào qui hoạch nốt, chú à.
- Hừ! Qui hoạch làm quái gì chỗ cồn bãi khô queo ấy? - Ông Tự thót người.
- Nhưng đó là lệnh. Không bốc đi thì họ cho xe ban sạch.
- Có biết họ bảo đưa mộ tới đâu không?
- Không!
- Nhỡ mai kia chỗ mình dời tới, họ cũng bảo đất nông nghiệp, thì làm sao?
- Ai mà biết cái đầu của các ông ấy sẽ nghĩ gì. Chưa tính đến chuyện khi hết ông Bí thư, Chủ tịch, chủ nhiệm, kiểm soát, kế hoạch... này, đến đời ông khác làm còn có cách qui hoạch khác nữa. Rồi cấp huyện, tỉnh. Ai mà biết chắc gì ngày mai được? - Tịnh nói một hơi, giọng uất nghẹn. Ông Tự ngồi lặng thinh. Tịnh xuống bếp khi thấy vợ hắn vào, lăm xăm bưng rổ hến đầy. Lát sau, ông Tự thấy mắt cay vì khói củi ướt, nên lãng ra sân. Mặt trời khuất sau mái tranh nhà láng giềng. Những đọt sắn gầy guộc đứng chong chong đợi gió, để trút bớt lá vàng. Chúng được cắm hai bên khoảng sân hẹp, có lẽ vào các thời điểm khác nhau nên cây già cây non, cao thấp không đều. Mọc xen với sắn là đám dền gai, cây cao chỉ gang tay mà ra hoa chơm chởm. Bờ tre bao quanh càng thảm hại. Chúng cong queo, già cỗi. Cây to nhất cũng chỉ bằng cán cuốc, cán rựa. Đất đã vắt kiệt sức nó cho con người, mà không được đền bù trở lại, nên khô cằn như những gốc tre trơ xác. Trong đầu ông Tự chợt nảy ra một dự án về qui hoạch ruộng đất ở quê. Ông lại giật mình bởi hai tiếng "qui hoạch" vừa thoáng qua óc. Tại sao dân quê sợ nó? Nó đụng tới mảnh ruộng khoán đang hời? Đến mồ mả ông cha và ngay cả mái nhà đang yên ấm? Hay chỉ vì đã quá nhiều kẻ lạm dụng nó để làm quấy làm càn, sách nhiễu bà con? Ông Tự không thể nào biết được cái điều đơn giản nhất, dễ hiểu nhất, nhưng khó có trong bụng của một chuyên gia mà chữ nghĩa và rượu thịt cũng đầy ứ như nhau. Cũng như một người no không bao giờ hiểu được anh đói đang nghĩ gì. Anh ta đang nghĩ tới miếng ăn. Có thế thôi. Thằng cháu của ông Tự suốt năm không nghe đài, không đọc báo. không đến quán hàng, không coi phim... cũng vì nó luôn phải chạy miếng ăn để cả nhà lấp lửng cơn đói. Nó không có sổ gạo, sổ thịt như ông dù nó làm ra gạo ra thịt thật đó. Bởi vậy, nó không nghĩ gì xa quá bữa cơm kế đó, và ít ra nó cũng có quyền được nghĩ như thế. Lỡ đói, bệnh thì cái chết dễ tìm đến viếng thăm nhà nó hơn chỗ ông, vì nó không có sổ khám, không có thuốc cấp không, không có phòng bệnh dành ưu tiên, không có... trăm thứ, kể cả thứ cần có là tiền. Ông Tự hoàn toàn không biết. Đến những cái rất giản đơn đó, nên ông lại chép miệng: "Thằng Tịnh quả là tệ quá. Đám vườn ông cha để lại có hai sào thổ cư, mà cũng không chăm sóc ra trò, còn làm ăn được cái nỗi gì?"
Có tiếng thử loa phóng thanh phát ra đầu xóm. Kế đó, ông Tự nghe đọc lệnh của Ủy ban nhân dân xã về việc trừng phạt những kẻ "cố tình không nộp đủ sản lượng thóc khoán cho hợp tác xã". Sau những cái tên nửa lạ nửa quen, ông Tự giật mình nghe tên cháu ông: "Đoàn Tịnh, thiếu năm tạ rưỡi". Ông Tự quay ngoắt vào nhà, định hỏi cháu hư thực ra sao, nhưng thấy Tịnh loay hoay nấu nướng cùng vợ, lại thôi.
Bữa cơm đoàn tụ được dọn lên khi trời sắp tối. Cây đèn dầu không bóng lập lòe lúc sáng lúc tối. Ông Tự húp thìa canh hến nấu dưa chua có mùi ai ải, tanh tanh, cái món ăn mà thuở xưa ông rất thích, nhưng giờ đây hơi khó nuốt. Duy hến xào mặn có nhiều ớt thì ông ăn được. Trong lúc cả nhà đang tíu tít ăn uống, trò chuyện, bỗng có tiếng chân người dồn dập từ ngõ, và một giọng nói rất hách cất lên:
- Thằng Tịnh đâu! Bây vào tóm lấy nó lên ủy ban cho tao!
Ông Tự đánh rơi đũa. Còn Tịnh trong lúc hoảng sợ thổi phụt ngọn đèn khiến gian nhà tối đen như mực. Trong khoảnh khắc, ông Tự thấy có ba bóng người ập vào chụp lấy ông, gài hai tay lại phía lưng và ép vào đó một thanh tre kẹp đôi. Ông định la lên việc bắt nhầm người, nhưng chợt nghĩ, như thế có nghĩa ông muốn người ta bắt cháu mình đang trốn, nên thôi. Ngặt nỗi, cái kẹp tre quặp tay ông đau quá. Giá gì được cái còng số tám thì thoải mái biết bao. Càng vặn mình, phương tiện bắt giữ con người càng dễ chịu hơn. Ít ra, thay được cái kẹp tre đang bóp lấy xương ống tay này. Bọn họ lôi ông đi xềnh xệch như lôi một con chó chết. Ông Tự chân này vấp chân kia, có khi giẫm lên cả họ, khiến họ nổi giận chửi rủa và trả thù bằng cách xoay cái kẹp tre.
- Xin các đồng chí... - Khi đi hết con đường hẻm, ông Tự rên rỉ, bật ra thành tiếng.
- Ai đồng chí với mày? - Một tiếng nạt.
- Ủa! Mày là ai? Vậy thằng Tịnh đâu rồi? - Một giọng khác kêu lên.
- Bưng đèn ra đây!
Từ nhà hàng xóm của Tịnh, một người bưng cây đèn bão đi ra. Khi ánh đèn lại gần, ông Tự nhận ra người mang nó trên tay là Ngỗi, hiện làm chủ nhiệm hợp tác xã. Cái chức của Ngỗi, ông mới được thằng Tịnh nói cho biết, còn người thì ông quen từ tấm bé. Ngày trước, Ngỗi là một cậu bé hư hỏng, hắn cầm đầu một đám trẻ chuyên gây gổ, đánh nhau giữa các xóm, đã có lần ông phải bỏ học vì bọn Ngỗi chận đường "kiểm soát". Nay Ngỗi đứng trước mặt ông xoay xoay cái đèn bão, hất hàm:
- Mày là ai? - Ngỗi trợn mắt nhìn chòng chọc vào người ông Tự như người ta nhìn vào con lợn thịt. Thấy câu hỏi của mình chậm được trả lời, y nghiến răng, huơ mạnh cái đèn - Câm hả?
Ông Tự bị người áp giải xoay cái thanh tre đau quá, mới kêu lên:
- Đoàn Tự, chuyên gia kinh tế nông nghiệp của Bộ đây! Mở, mở ra mau lên!
Ngỗi cười khẩy:
- Tưởng Bí thư, Chủ tịch chứ chuyên gia là cái cóc khô gì mà la to dữ thế?- Y xoay sang người đứng bên cạnh, lệnh - Đem hắn lên ủy ban rồi xét sau!
Từ con hẽm Ngỗi ra ban nãy, một ánh đèn pin lóe sáng và tiếng la lớn của ai đó, xem rất oai vệ:
- Khoan! Các ông lầm to rồi!
Người này đi nhanh đến trước cả đám, nghiêm giọng:
- Mở trói ra!
Ông Tự cảm thấy cánh tay của mình được giải phóng, nhưng nó đau buốt quá, co giật như bị cóng, vừa xấu hổ, vừa giận:
- Các anh làm ăn quá lắm.
Người cầm đèn pin nói:
- Xin lỗi đồng chí. Chúng tôi nhận được điện của huyện nhắc phải tiếp đón đồng chí chu đáo vào ban chiều, thì nay bỗng nhiên gặp đồng chí trong hoàn cảnh này, thật là lỗi lớn - Quay sang đám người đứng quanh, anh ta nói - Các anh đợi tôi chỗ văn phòng hợp tác, nghe.
Ông Tự nắm cây đèn bão khi thấy ông Ngỗi định quay đi:
- Anh Ngỗi quên tôi thật ư?
Ngỗi giựt lấy đèn bước đi, không trả lời nửa tiếng. Ông Tự cảm thấy mình bị xúc phạm, tê tái cả lòng, quay về người đã cứu mình, ông lắp bắp:
- Xin lỗi, đồng chí là...
- Vâng. Em là chủ tịch xã nhà. Xin anh bỏ qua chuyện vừa rồi. Ngày mai xã có hội nghị tổng kết công tác khoán trong nông nghiệp, nhân tiện thăm quê, mời anh đến dự và cho ý kiến.
Bóng Tịnh thoáng nhanh qua chỗ hai người, rồi đứng khựng lại, kêu lên:
- Chú! Trời ơi, chú đây mà họ bảo với cháu đã điệu lên ủy ban...- Chợt thấy ông chủ tịch, Tịnh hốt hoảng bỏ câu nói nửa chừng, nắm tay ông Tự xoa xoa - có đau không chú?
Ông Tự thấy dáng điệu của cháu thật tức cười, gạt tay Tịnh ra, nói:
- Anh đừng làm trò trẻ con. Chứ nãy giờ anh ở đâu?
Tịnh đưa tay vò đầu. Dưới ánh trăng mờ mờ, ông Tự thấy những mẩu rơm từ mái tóc rối của cháu ông đổ xuống, bay xoăn xít trước mặt. Đưa mắt về phía ông chủ tịch ông thấy ông ta vờ nhìn chỗ khác, cây đèn pin vẫn lăm lăm trên tay nhưng không bật sáng. "À ra thế!", ông Tự nghe tiếng nói thầm trong đầu, chớp mắt liền mấy cái, quay sang ông chủ tịch:
- Tôi quả bất ngờ nên chưa chuẩn bị gì. Chuyện này xin dành dịp khác. Ông Tự bấy giờ mới quan sát kỹ người chủ tịch quê ông. Đó là một anh trung niên, vẻ hơi khắc khổ, bộ áo quần một màu vàng ngà hay da cam ông không phân biệt được, nhưng nó vừa vặn, bó khít khổ người thấp, gầy, nên thoạt trông như loắt choắt, lanh chanh. Điều dễ nhận ra chức vụ anh ta là giọng nói đầy uy quyền và vẻ quyết đoán. Ông Tự vốn không thích mẫu người như thế, lại gặp gỡ trong hoàn cảnh trái khoèo này, nên càng có mặc cảm lớn. Ông chủ tịch, dĩ nhiên không hiểu được chuyện ấy, nên nài:
- Em nghe các đồng chí lãnh đạo ở huyện đánh giá rất cao những cống hiến của anh về cách khoán sản, cách quản lý trong các hợp tác xã nông nghiệp. Lẽ nào gặp dịp họa hoằn này, mà anh làm ngơ với quê hương? Vả lại cũng nhân dịp để các đồng chí lãnh đạo tỏ chút tình với anh luôn thể...
Ông Tự không đợi nghe hết câu, nói:
- Cảm ơn đồng chí, dẫu sao tôi cũng cần về chỗ cháu Tịnh đây và ở lại.
Hai chú cháu quay trở lại. Vầng trăng vàng vọt hiện ra giữa cánh đồng vắng lặng: mùa gặt đã qua, đất còn nghỉ ngơi chờ vụ mới. Xóm thôn chìm trong những lũy tre dày. Con đường như lọt sâu xuống dưới, bởi ánh trăng nằm phơi trên những ngọn tre, chỉ đổ thành vũng hay chảy dòng ở giữa tựa chiếc cầu lắt lẻo. Không ai lên tiếng trước để phá đi cái âm hưởng của sự việc vừa xảy ra đang còn đè nặng tâm tư mỗi người.
Đến nhà, ông Tự thấy mâm cơm vẫn còn nằm trên sập. Ngọn đèn đã được châm lại, bẻ bai trước gió. Vợ Tịnh từ nhà bếp chạy lên, mặt cắt không còn hột máu, ngập ngọng mãi mới nói ra thành tiếng:
- Họ có làm hỗn với chú không... hả chú? Ôi! Ba mày... nhát... nhát như thỏ đế! Để chú phải gánh tội thay... Nhát... nhát...
- Ai nhát? - Tịnh lườm vợ.
Ông Tự vờ trông ra ngõ, dọa:
- Bọn họ lại đến nữa kìa!
Người đàn bà nhón chân, hốt hoảng đi thụt lùi vào buồng. Trông cô cháu dâu thật tội nghiệp và tức cười làm sao, ông Tự dàn hòa:
- Mình sợ họ có gì là xấu hổ đâu. Ngay chú đây cũng thấy run nữa là...
Vợ Tịnh biết chú đùa mình, có ý thẹn, lầu bầu mấy tiếng cho hả hơi, rồi quay qua nói với chồng:
- Lại còn đứng lớ ngớ như kẻ mất hồn nữa à? Mời chú ăn cơm tiếp đi chứ!
Ông Tự huơ tay:
- Anh chị cứ ăn tiếp đi, chú no lắm rồi!
- Chú đã ăn được bát nào đâu! - Tịnh thở dài thành tiếng, chần chừ một lát rồi bảo vợ - Thôi, bưng vào!
Không khí gia đình trở nên tẻ nhạt sau bữa cơm dang dở. Ông Tự bảo cháu mang chõng tre ra đặt trước sân nằm nghỉ. Vầng trăng méo chẹo ghé xuống đọt tre, đọng trong mắt ông như một nụ cười nhạo báng của bức tranh biếm họa. Ông Tự chớp chớp mắt, phe phẩy quạt nan, dù làn gió lùa trong những khóm sắn, hất tung mớ tóc khá dài để phủ bớt dấu hỏi của ông ra phía trước, khiến ông phải đưa một tay lên giữ cho khỏi che mắt. Nằm trong thư thế này, trông ông có vẻ trầm tư ghê lắm. Tịnh chắc cũng cảm nhận điều đó, nên khá lâu sau. khi thấy mắt chú vẫn còn thao láo nhìn trời, mới đặt ghế ngồi cạnh, nói:
- Chú đừng để bụng chuyện ấy làm gì. Với cháu, nó như bão, lũ gặp thì nấp tránh, qua khỏi lại vùng dậy lần mò kiếm ăn. Cháu chỉ lấy làm lạ một điều là thu hoạch được mười hột lúa, hợp tác lấy hết bảy phần, gặp lúc được mùa còn đắp đổi, chứ mất mùa, họ không chỉ đòi lấy cả số mình làm ra, mà còn buộc phải cầm bán đồ đạc, nhà cửa, để nộp cho đủ lượng khoán thì biết sống cách nào hả chú?
- Có ai phải bán nhà để nộp phạt kiểu hụt sản lượng ấy chưa? - Ông Tự nhổm người dậy, hỏi.
- Nói bán nguyên cái nhà thì chưa, còn bảo bán từng phần như dỡ mái tồn, bán máy móc, bán tủ bàn, dỡ toang cửa thì khối người phải làm. Có người như chú Bái ở xóm ta, thấy lúa chín mà hoảng quá, bỏ quê trốn đi, chỉ vì biết gặt xong không đủ nộp mà còn chịu phạt. Đã lỗ tiền công thuê người gặt, lại phải bán vợ đợ con để có lúa bù thiên tai, hạn hán, hỏi không chạy làm sao sống nổi?
- Họ chạy đi đâu?
- Vào rừng đãi vàng, tìm trầm. Vào Nam ra Bắc kiểu tha phương cầu thực. Cách nào cũng khổ, nên cháu thà chịu nhục với bọn họ mà sống với vợ con chứ đi kiểu ấy càng nhục hơn. Mà tại sao lại có chuyện hiếp dân đến mức này hả chú?
- Tại sao ư?
Ông Tự lẩm bẩm, xoay người ở tư thế cũ. Mặt trăng lại lia ra tiếng cười chế nhạo ông từ đọt tre mà ông nghe rất rõ trong tâm thức. "Tại sao ư". Dĩ nhiên là không phải tại ông rồi! Ông có đầy đủ chứng lý để khẳng định điều đó. Vậy thì bởi đâu? Do ai? Ông Tự làm bài toán trừ mà số trừ đầu tiên là ông, rồi đến cơ quan ông và sau cùng là không còn ai phải chịu trách nhiệm cả. Cuối cùng, ông đi tới kết luận: Tại vì dân ngu quá! Như thằng Tịnh cháu ông chẳng hạn, làm ăn chẳng ra làm sao để phải thua lỗ, người ta bắt thì trốn vào đụn rơm mà không biết xấu hổ. Ê mặt ông quá! Biết bao nhiêu người ăn nên làm ra, há chẳng khẳng định phương sách khoán trong nông nghiệp như hiện nay là đúng đắn đó sao? Ông Tự thở dồn dập vì giận. Và khi trái tim không chịu đựng nổi cơn giận nổi lên, ông đã mang nó vào giấc ngủ. Ông tự mơ thấy những người lãnh đạo ở quê ông đều lịch thiệp, vồn vã đón và tiễn ông chu đáo. Họ rất tốt, rất đáng tin tưởng để thực hiện những sách lược của ngành mà ông là mưu sĩ...
***
Buổi hội nghị tổng kết công tác khoán sản phẩm đến người lao động trong nông nghiệp được tổ chức long trọng. Nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt của huyện và hơn mười xã bạn tham dự. Hàng trăm xã viên lũ lượt kéo đến hội trường với đủ băng cờ, khẩu hiệu. Người ta chú ý nhiều đến bài phát biểu của ông Đoàn Tự, vì ông được giới thiệu như một thiên tài của quê hương, là "Người Trung Ương", chuyên gia chuyên giết lợn kia. Ông Tự tán dương cách làm ăn tốt đẹp của quê hương, biểu thị sự đồng tình trong việc kiên quyết xử phạt đối với những người làm ăn thua lỗ, mà theo ông do ngu ngốc, vụng tính, dối trá, dựa dẫm tập thể, chây lười lao động vân vân và vân vân... ông nói mình đã đi thăm nhiều nơi, ở đâu cũng minh chứng tính đúng đắn của lối khoán từng khâu trong sản xuất. Biểu hiện ở đây là có nhiều gia đình trở nên khá giả, nhiều công trình mới mọc vân vân và vân vân... Cuối cùng, ông nhấn mạnh về việc sớm có quy hoạch ruộng đất, bố trí đúng cơ cấu cây trồng, huy động vốn đầu tư... Ông cũng không quên hứa hẹn sẽ giúp đỡ mặt này mặt nọ.
Mọi chuyện xảy ra đúng như giấc mộng báo trước đêm qua, ông Tự được đón tiễn chu đáo, và lên xe đi ngay. Hai chú cháu ông không có dịp để từ biệt nhau. Bởi ông luôn có nhiều cán bộ huyện, xã vây quanh chào hỏi rối rít, còn Tịnh thì ngồi từ cuối hội trường và sau đó, phải ngồi lại họp riêng chuyện hợp tác xã, và rời đi sau cùng.
Lúc ra về, ông Kiến, người hàng xóm của Tịnh nắm tay anh lại, hỏi:
- Ông chú của mày nói vuốt đuôi, nghe thì kêu mà rỗng toẹt. Kiểu này bắc thang cho người leo, thôi, rút ruột ra mà nộp phạt cho yên, mày ơi!
- Mình cứ tức ênh ách lên, không biết ông vì ai mà nói lên điều ấy.
- Vì ai à? - Ông Kiến cười khẩy - Chắc chắn không phải vì tao và mày, hay đa số những người nghèo khổ ở hợp tác này.
Hai người im lặng đi một đoạn đường dài. Lúc sắp rẽ vào đường xóm của mình, ông Kiến vỗ tay vào vai Tịnh, nói:
- Tao nghĩ ra rồi! Ông Tự vì sự giàu có của thằng cha Ngỗi mà nói. Vì trừ hắn ra, ở đây có ai là xã viên mà khá giả đâu?
Tịnh không nói gì thêm, anh không biết cái dụng ý châm biếm trong câu nói của ông Kiến, người hàng xóm đã trông thấy tất cả những gì xảy ra với ông Tự đêm qua. Tịnh chỉ băn khoăn tại sao chú không đỡ cho mình lấy nửa lời, và sao lại bỏ đi khi còn bao nhiêu chuyện nhà chưa nói hết.
7. 1988
T.N
(SH34/12-88)