Tạp chí Sông Hương - Số 34 (T.11&12-1988)
Sigmund Freud hay là bản giao kèo với quỷ sứ
16:29 | 20/04/2015

L.T.S: Năm 1985 lần đầu tiên ở Pháp độc giả mới biết có một kịch bản văn học của Jean Paul Sartre viết từ 1959 mang tựa đề "Sigmund Freud hay là Bản giao kèo với quỷ sứ". Gần đây báo Văn học Xô viết số 22 tháng 6-1988 đã đăng kịch bản văn học đó kèm với bài viết của giáo sư A.Belkin - tiến sĩ y học, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tâm lý - nội tiết - thuộc Viện tâm thần học MOCKBA. Sau đây Sông Hương xin giới thiệu với độc giả kịch bản J.P.Sartre và bài viết nói trên của giáo sư tiến sĩ A.Belkin.

Sigmund Freud hay là bản giao kèo với quỷ sứ
Minh họa: Nguyễn Tuấn

A.BELKIN.

Ngày nay, thực khó tìm thấy trên hành tinh một người học thức nào không từng được nghe nói đến thuật ngữ phân tâm học. Người sáng lập học thuyết đó là Sigmud Freud (1856 - 1939) - Nhà tâm thần học và nhà tâm lý học người Áo, mà tên tuổi đã từng vang dội khắp nước ta từ những thập niên 20.

Tâm lý học về vô thức, theo Freud, là một trong những thành tựu trí tuệ vĩ đại nhất của loài người. Nó đã từng xâm nhập tuồng như từ thời thượng cổ chẳng những vào thực tiễn chữa bệnh, vào sinh học, mà cả vào tôn giáo, vào văn học, vào hội họa và các khảo cứu huyền thoại học. Cho đến đầu thập niên 30, lý thuyết phân tâm học, dưới hình thức này hoặc hình thức khác, vẫn được hầu hết các bộ môn về tâm thức học tiếp thu và đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của ý thức khoa học của đông đảo các tầng lớp trí thức Xô Viết thời bấy giờ. Sự thức nhận của Freud đã rọi sáng một cách hết sức sâu xa cho những địa hạt trí thức về nhân văn, như nhân chủng học và triết học, xã hội học và mỹ học.

Các học giả phương Tây, vốn coi Freud như một nhà cách tân và nhà phát minh, thường ví ông với Aristote, Copernic, Colombo, Newton, Darwin. Nhiều nhà văn và họa sĩ đã tỏ ra rất mực tôn kính nhà học giả lỗi lạc. Trong số bè bạn của Freud người ta thấy có Thomas Mann, Thèodor Dreiser, Romain Rolland, Stéphan Zweig, Herbert Wells, Albert Einstein, Rainer Maria Rilke.

Có thể nói không chút phóng đại rằng học thuyết Freud là một kích thích mạnh mẽ đối với sự phát triển của nhiều địa hạt tri thức khác nhau về con người, là một nguồn tiếp sức bất tận cho các hoạt động cách tân trong khoa học và văn hóa nhân loại. Học thuyết Freud cũng đã từng là nguồn kích thích cho những cách tiếp cận mới mẻ đối với nhiều vấn đề khoa học cụ thể, như y học về hành vi, sinh lý học thần kinh, nội tiết học về bệnh tâm thần, dân tộc học, khoa học về nhân cách, về xã hội... Nhưng ý nghĩ của học thuyết không chỉ có vậy bởi lẽ các trước tác của Freud còn trao cho chúng ta một chiếc chìa khóa hữu hiệu để hiểu rõ cội nguồn đích thực của nhiều loại động hình (Stereotype) tư duy khác nhau. Freud đã khảo sát các quá trình xã hội hóa mỗi cá nhân và những hiện tượng rất cơ bản như tự do và chủ nghĩa nhân bản. Nói cách khác, học thuyết Freud, với toàn bộ những mâu thuẫn và lầm lạc của nó, là một động lực mạnh mẽ đối với nhiều lĩnh vực tri thức nhân loại.

Ngày nay, vị tất đã có thể tìm thấy một người nào còn đang ngờ vực về tầm quan trọng của phân tâm học, về vai trò của lĩnh vực vô thức nơi con người, về sự tất yếu phải nhận thức chính mình và những người xung quanh về phương thức để chối bỏ các tín điều và khuôn mẫu, nhằm biến cái Tôi của chính mình thành hiện hữu.

Tuy nhiên, một vấn đề ắt nảy sinh: vì lẽ gì mà từ đầu thập niên 30 việc xuất bản các công trình nghiên cứu về phân tâm học ở ta lại sa sút nghiêm trọng như vậy; còn những sách vở được in ra thì thường thường đều thiếu hẳn những lời đề tựa của một học giả nổi danh, mà thay vào đó là những "Lời nhà xuất bản" vốn chẳng do một cá nhân nào chịu trách nhiệm thường tuyên bố một cách hàm hồ rằng "phân tâm học đã tự phơi trần cái bản chất phản động duy tâm, sặc mùi tư sản của nó ra", hoặc giả quan niệm đó "như một học thuyết tiểu tư sản tiêu biểu, nếu xét về mặt bản chất xã hội"? Sự phê phán nghiêm túc ở đây đã bị thay thế bằng những lời kết tội rập khuôn, bằng sự xuyên tạc các quan niệm khoa học xác đáng, bằng sự lý giải một chiều và phiến diện những kết luận khoa học của Freud, và bằng cách trích dẫn chắp vá thiếu khách quan và trung thực. Tiếp đến, phân tâm học đã bị gạt bỏ hoàn toàn. Những nỗ lực nhằm sử dụng các phương pháp phân tâm học để trị bệnh đã bị đàn áp thô bạo. Chỉ cần nhắc lại ở đây việc xử lý hành chính đối với nhà học giả Xô Viết tài hoa là giáo sư I.Sumbaer tận tâm, chỉ vì ông đã cố sử dụng phân tâm học và việc chữa trị các bệnh nhân luyến ái đồng tính, cũng đủ thấy tình cảnh bi đát của phân tâm học thời ấy ở ta.

Có thể lấy gì để cắt nghĩa việc cấm đoán phân tâm học bắt đầu từ những năm 1930 đến 1933 đó? Vì sao mà ở nước ta đã cấm xuất bản các trước tác của Freud và nhiều nhà phân tâm học nghiêm túc khác trong suốt nhiều năm, với cái cớ xem chừng rất nhân đạo: "ngăn chặn sự thâm nhập của các hệ tư tưởng xa lạ"?

Cũng chính vào thời ấy (tháng năm 1933), tại một nước châu Âu khác, trong một buổi hành lễ đốt sách, Gebbels đã trịnh trọng tuyên bố đại để như sau, khi đến lượt các trước tác của Freud bị lên hỏa dàn: phải quẳng những tác phẩm ấy vào lửa chính là để "phụng sự cho lợi ích cao cả của tinh thần nhân loại".

Rốt cục, một mảng lớn của văn hóa đã bị loại trừ, tuy rằng việc đào sâu thêm bản chất của học thuyết phân tâm vốn giúp khoa học khảo cứu được những ngõ ngách sâu kín trong mỗi cá nhân; và đồng thời, cũng bị loại bỏ nốt cả cái giả thuyết về sự chiến thắng của lý trí đối với các bản năng thú vật trong con người, một giả thuyết duy nhất khả dĩ cho phép hiểu rõ ngọn nguồn của nỗi sợ hãi, các tình huống hiểm nguy và sự bất lực về mặt tâm lý của con người trước lòng tin mù quáng vào sự bất khả sai phạm và sự sáng suốt, hiền minh của những cá nhân hoặc tổ chức vốn nắm giữ trong tay họ mọi thứ quyền lực. Freud từng viết như sau trong tác phẩm "NỖI SỢ" của ông: "Hiểu biết bằng bản năng những hiểm họa có cội nguồn ngoại tại vốn không phải là cái sẵn có trong mỗi con người kể từ lúc lọt lòng và càng không phải là một yếu tố bẩm sinh, dù chỉ với một chừng mực hết sức nhỏ bé".

Chỉ sau đại hội XX, các khảo cứu về phân tâm học mới bắt đầu lấy lại phong độ cũ tuy hết sức dè dặt. Lúc này, ta mới sửng sốt nhận thấy rằng đất nước đã lạc hậu trong nhiều địa hạt có liên quan đến việc tìm hiểu tâm lý con người, rằng trên thế giới học thuyết về vô thức đã tiến những bước dài về phía trước, và trong khi chúng ta cứ mê mải với việc phê phán Freud thì thế giới đã phát huy được nhiều mặt hợp lý của học thuyết đó và thu được nhiều thành quả rực rỡ. Hơn nữa, bấy giờ ta cũng bắt đầu thấy rõ rằng lĩnh vực vô thức là nguồn dự trữ to tát của tâm lý con người và từ bỏ việc nghiên cứu nghiêm túc và sâu rộng lĩnh vực ấy, chúng ta chẳng những đã tước đoạt mất của hàng trăm, hàng ngàn con bệnh cơ hội được sự trợ giúp về y tế, mà còn làm suy giảm năng lực lao động của cả một loạt thế hệ những người có khả năng tư duy sáng tạo.

Tôi rất mong bạn đọc hiểu đúng tôi. Tôi không hề chủ trương tiến hành gieo trồng đại trà những quan niệm được chế tác tại phương Tây trên mảnh đất mầu mỡ của chúng ta. Điều tôi mong mỏi ở đây chỉ là nhấn mạnh rằng: thái độ phủ định đối với Freud cho đến tận giữa thập niên 50, sự hưng thịnh quá ư dè dặt trong những năm ngắn ngủi tiếp theo và tình trạng trì trệ kéo dài suốt hai mươi năm ròng liền ngay sau thời kỳ ấy rõ ràng đã kìm hãm thực sự công việc của các nhà khoa học chúng ta trong lĩnh vực đang xét. Vào năm 1958, đoàn chủ tịch Viện hàn Lâm y học Liên Xô có tổ chức một cuộc họp lớn để bàn về những vấn đề đấu tranh chống học thuyết Freud hiện tại trên phương diện ý thức hệ. Sau cuộc họp đó, ta đã tiếp tục cho in ra nhiều tác phẩm, trong đó chứa đựng đầy rẫy những động hình đã quá lỗi thời khi kết tội Freud là đã lý giải một cách duy tâm lĩnh vực vô thức, và mưu toan chứng minh rằng sẽ rất tác hại, nếu đem áp dụng các phương pháp của phân tâm học vào thực tiễn nước ta, tuy rằng chưa có một tác giả nào trong số những người đã viết ra những dòng chữ ấy được tận mắt chứng kiến một buổi điều trị bệnh nhân bằng phương pháp phân tâm. Song tất cả những ai từng am hiểu các phương pháp của những phân tâm học cũng đều biết rõ rằng phân tâm học vốn có hai đòi hỏi cực kỳ nghiêm khắc: "không được làm phương hại" đến bất kỳ ai, và phải thành khẩn nói hết sự thật ra chứ đừng sợ ai đó có thích hay không thích sự thật ấy.

Sức mạnh của học thuyết Freud là ở chỗ nó đã khuấy động tư duy, đã thôi thúc việc tìm tòi chân lý, vốn không phải là một cái gì chết cứng và mang tính chất kinh viện. Giờ đây, khi những khả năng to lớn để phát triển nền khoa học về con người đã rộng mở, chẳng hiểu sao nhiều chuyên gia tâm lý học cá nhân của chúng ta vẫn còn lặng thinh.

Bình phục bao giờ cũng gian nan hơn là lâm bệnh. Tuy thế để một cá nhân, cũng như toàn thể một xã hội bình phục hẳn, cần phải vượt qua nhiều kháng trở bên trong, cần phải chế ngự được nỗi sợ hãi để thừa nhận công khai những sai lầm của chính mình và để hiểu những sai lầm ấy từ đâu mà ra, rồi phơi trần nó trên cấp độ tự giác. Và chẳng những chỉ phơi trần không thôi mà còn phải thấu hiểu, nguồn gốc phát sinh của nó nữa.

Bởi thế, bây giờ, theo tôi nghĩ, học thuyết Freud đang đòi hỏi ở mỗi chúng ta những cách tiếp cận mới, xuất phát từ việc nhìn nhận lại những thành tựu gần đây nhất của sinh học, tự nhiên học và khoa học nhân văn.

(ĐỨC DƯƠNG dịch)
Trích Báo "Văn Học" Số 22 Tháng sáu 1988 tr. 15


JEAN PAUL SARTRE

Sigmund Freud hay là bản giao kèo với quỷ sứ

(KỊCH BẢN)

Vienne. Tháng Mười 1886. Hội Y học. Phòng học, thiết kế theo kiểu giảng đường, với những hàng ghế càng về cuối càng cao. Trên bục chủ tọa chễm chệ ông chủ tịch và viên thư ký Hội. Còn Sigmund Freud thì đang đứng đọc báo cáo trên diễn đàn.
Người dự ngồi chật cả gian phòng, nhưng không thấy bóng một phụ nữ nào.
Mainert ngồi ở hàng thứ hai. Hàng ghế trước mặt ông là Breuer. Người dự đều hết sức đạo mạo (tuổi trung bình là 50) để râu, có học thức cao và dáng dấp rất nghiêm trang. Nhiều người còn giương cả kính kẹp mũi lên nhìn cho rõ.
Freud vừa đọc xong câu cuối trong báo cáo, và đang đứng yên bên chiếc bàn phủ một tấm dạ xanh. Trên bàn chơ chỏng một bình nước với vài chiếc cốc con, ông bất giác đã phải dùng đến cái giọng thách thức, khiến cử tọa phải sững sờ.
Bởi vậy vẻ tự tin của viên thầy thuốc non choẹt ấy chỉ gây thêm ác cảm ở những thính giả đứng tuổi ở đây - dẫu sao họ cũng tự coi mình là những kẻ đã trải đời nhiều. Tuy cử tọa vẫn giữ thái độ bình thản và chăm chú ngồi nghe Freud nhưng giữa họ và diễn giả không hề nảy sinh một mối thiện cảm nào.


FREUD: Những kết quả quan sát lâm sàng, do chính bác sĩ Charcot (1) thu được sau khi điều trị cho hàng trăm bệnh nhân nam, đã cho phép bác bỏ dứt khoát luận đề - mà tôi hiện vẫn nghe người ta nhắc đến suốt ở bất cứ đâu từng được giới y học ở Vienne tán thưởng nồng nhiệt, khẳng định rằng chứng ưu uất (hystérie) bao giờ cũng chỉ gặp các bệnh nhân nữ.

Mainert bình thản nghe Freud trình bày! song ông cứ liên tục đưa tay trái lên vuốt vuốt bộ râu.
Còn Breuer thì chốc chốc vẫn nhìn trộm, xem phản ứng của thính giả.

FREUD: Sau những thí nghiệm xuất sắc ấy rõ ràng không thể còn ngờ vực gì về bản chất tâm thần của chứng hystérie. Chứng ấy, bởi thế, tất phải được quyền nhận giấy thông hành để vào cư ngụ trong vương quốc các chứng tâm thần, và công lao của những bộ óc lỗi lạc, dù lớn đến mấy, cũng buộc phải cúi đầu thần phục trước THỰC NGHIỆM: Hystérie tuyệt nhiên không phải là thứ bệnh tưởng của nam giới, về hội chứng thể chất, bệnh ấy thường phát lộ dưới hình thức buông thả thân xác, giúp cho các xung khắc về tâm lý có một lối thoát trên phương diện thân xác thông thường.

Tính chất tự kỷ ám thị đó, một đặc điểm khiến chứng hystérie khác hẳn với tất cả các căn bệnh tâm thần đã được biết, đã cho phép tôi chứng minh cùng quý vị rằng: các phương pháp điều trị hiện có đều hoàn toàn bất lực. Hystérie dứt khoát không thể chạy chữa bằng cách xoa bóp, tắm nước ấm từ vòi hương sen Charcot, và phương pháp trị liệu vật lý quen thuộc, như ta vẫn làm lâu nay. Để kết thúc, tôi tha thiết mong rằng rốt cục ta phải sớm sử dụng đến thuật thôi miên và lợi dụng tính chất tự kỷ ám thị đặc biệt đó của con bệnh, để bằng thủ thuật ám thị, giải thoát cho con bệnh khỏi những bệnh tật mà họ vẫn tự ám chính họ.

Freud ngừng đọc, rồi cúi chào. Vài tràng vỗ tay thưa thớt nổi lên, nhưng lập tức im ngay. Chỉ một mình Breuer là cứ vỗ tay.
Mainert ngồi bất động, ông bứt rứt tì cả hai tay lên lưng tựa chiếc ghế để trống trước mặt.

Freud tuồng như rất bối bối, chưa biết nên làm gì, ông không hiểu đã nên về chỗ chưa, hay cứ phải đứng nguyên ở đây, bên chiếc bục báo cáo viên. Để kéo dài thời giờ, Freud thong thả sắp xếp lại tập báo cáo, xếp ngay ngắn vào một chiếc cặp cáctông mỏng. Toàn bộ công việc đó điều diễn ra trong bầu không khí lặng như tờ. Sau khi thu xếp xong, Freud toan bước xuống thì lập tức bị ông chủ tịch ngăn lại.

CHỦ TỊCH HỘI (giọng lạnh như băng) Bác sĩ Freud, xin cảm ơn ông về bản báo cáo ông vừa trình bày. Nhưng tôi tin chắc sẽ có nhiều vị đồng nghiệp lên tiếng nhận xét và họ sẽ phản đối ông. Ai có ý kiến?

Ba viên bác sĩ giơ tay lên:

CHỦ TỊCH HỘI: Bác sĩ Rosental. Bác sĩ Bomberg. Bác sĩ Stein.

Mainert không giơ tay; ông cứ ngồi tại chỗ xin phát biểu. Tại cuộc họp này, rõ ràng ông là thính giả có uy tín hơn hết thảy.

MAINERT: Tôi chỉ muốn thêm một vài ý nhỏ thôi mà.

CHỦ TỊCH HỘI: Mời Bác sĩ Rosental

BÁC SĨ ROSENTAL (đưa tay chỉ Mainert) Trong những vấn đề đang bàn tôi hoàn toàn chia sẻ ý kiến với vị đồng nghiệp xuất sắc đó. Và tôi tin chắc ông ấy sẽ diễn đạt hay hơn tôi điều mà tôi đang định nói ở đây. Tôi xin nhường lời cho ngài Mainert.

MAINERT: (Vẫn ngồi tại chỗ, hai tay bíu chặt vào lưng tựa ghế trống trước mặt; giọng ông đầy uy thế, pha lẫn cả vẻ châm chọc sâu cay). Tôi rất biết ơn sự tín nhiệm của các bạn đồng nghiệp của tôi, và tôi sẽ cố không phụ lòng họ. Niềm vinh dự mà tôi được hưởng đó tôi coi là một ưu thế - nó cho phép chúng ta nhanh chóng chấm dứt cuộc tranh luận này. Thực tình, tôi không cho rằng - tuy tôi rất làm tiếc về điều này - bản báo cáo của bác sĩ Freud là một báo cáo đáng được chúng ta chú ý và dành nhiều thời gian để tranh cãi ở đây.

Trong bản báo cáo đó của bác sĩ Freud, tôi đã tìm thấy nhiều ý tưởng mới lạ và nhiều ý tưởng đúng đắn hoàn toàn. Tiếc thay những ý tưởng đúng thì đã cũ lắm rồi; còn những ý tưởng mới thì lại hoàn toàn sai lạc.

Freud bình tĩnh đứng yên, nghiêm sắc mặt lắng nghe bản "cáo trạng" đó với thái độ dửng dưng.

MAINERT: Những ý tưởng đúng, đại để như cho rằng ở một vài con bệnh đã bộc lộ những rối loạn thần kinh, tương tự như những rối loạn mà trong báo cáo ông ta vừa miêu tả, với chúng ta. Nhưng nhân thể, tôi muốn có vài lời với những vị đồng - nghiệp trạc tuổi mình hoặc cao hơn mình ít nhiều, những hội chứng đó vị tất đã chưa từng được y học biết đến kể từ độ ta vừa mới đặt chân đến trường đại học?

Quí vị đồng nghiệp thân mến, tất cả chúng ta đều biết, sau những chấn thương bất ngờ, chẳng hạn, như một tai nạn hỏa xa, một bệnh nhân có thể phát lộ trong một thời gian nào đó, những hội chứng này khác trong số những hội chứng kia. Một cú sốc về tình cảm, một nỗi sợ hãi có thể dễ dàng dẫn đến những thương tổn thần kinh rất nhỏ nhặt mà hiện thời vẫn chưa có thể phát hiện được chúng bằng kính hiển vi quang học. Nhưng những thương tổn rất chóng khỏi đó, - đại để như: bán manh, nghễnh ngãng về phương diện tâm lý, những cơn co giật, một cơn mê sảng hoang tưởng, và thậm chí cả những bại liệt này nọ nữa - xưa nay vẫn được xếp vào nhóm các chứng bệnh tâm thần, và bao giờ cũng được xem là hậu quả của những rối loạn tâm lý, do một tai họa gây nên.

Tôi không nghĩ rằng ta cần phải kéo cuộc tranh luận. Thưa quí vị, tôi chưa bao giờ gặp một bệnh nhân nam nào mắc chứng hystérie. Nhưng nếu hystérie quả là một căn bệnh, thì tôi đành phải thú thực rằng cái may mắn mà vị diễn giả trẻ của chúng ta vẫn gặp, tôi chưa hề được gặp bao giờ, và thậm chí cả những nữ bệnh nhân hystérie nữa, tôi cũng chưa gặp nốt, nếu ta không dùng cái tên đó gọi những phụ nữ không may, vẫn cố dùng những câu chuyện dối trá và những lời kêu ca nhăng nhít để lôi cuốn sự chú ý của những vị thầy thuốc ngây thơ. Chứng hystérie không hề - có - ở - bất - kỳ - ai.

Vỗ tay ran, Breuer không vỗ tay.

MAINERT: Tôi chỉ xin kết thúc vắn tắt thế này. Tôi không bài bác thuật thôi miên, trái lại. Nhưng tôi vẫn nghĩ: kẻ thôi miên và người được thôi miên vốn chỉ là hai con bệnh, mà về mức độ bệnh trạng thì người được thôi miên tuyệt nhiên chẳng trầm trọng hơn kẻ thôi miên chút nào. Và tôi rất lấy làm ái ngại cho những vị đồng nghiệp nào, chẳng qua chỉ vì lòng ưu ái mà ngay trước mặt bệnh nhân đã tự hạ mình xuống hàng những chị vú em, tất tưởi bên những trẻ sơ sinh.

Thưa quí ngài và các bạn đồng nghiệp thân mến, chúng ta hãy trở lại với chức nghiệp thầy thuốc của chúng ta, cái nghề đẹp đẽ nhất trong mọi nghề. Chừng nào sinh lý học còn chưa khám phá được những thuộc tính mới của thần kinh hệ, thì chừng ấy ta hẵng cứ tạm bằng lòng với những phương pháp điều trị đã được thử thách lâu nay. Xoa bóp, tắm nước ấm, trị liệu vật lý - những phương pháp chạy chữa đó có thể khiến vị đồng nghiệp trẻ vừa đọc báo cáo có thể phì cười, song kinh nghiệm dẫu sao vẫn chứng tỏ rằng thiếu chúng thì đừng hòng nói đến chuyện điều trị. Phải kiên nhẫn, và cái chính là phải khiêm nhường, thưa quí vị! Đó chính là bổn phận cao cả nhất của giới thầy thuốc và của các vị học giả!

Vỗ tay ran hồi lâu

CHỦ TỊCH HỘI: (với Freud). Bác sĩ Freud, ông có định trả lời bác sĩ Mainert gì không?

FREUD (giọng cứng cỏi tự tin). Bác sĩ Mainert vừa cho tôi nghe bản tuyên án, không cho phép nài xin một sự ân xá nào. Ông ấy cũng đã tước đoạt nốt của tôi quyền phản bác về mặt khoa học. Trong tình thế đó, tôi thấy không thể nào phản bác ý kiến của ông ta. Và vì tôi nghĩ bổn phận mình là phải kính nể tuổi tác và những cống hiến to tát của ông ấy, nên tôi muốn giữ im lặng.

Freud giằng lấy tập báo cáo trên bàn, rồi về chỗ, không chào. Sau chuyện tẩu thoát đó, nhiều người thấy cân não chùng xuống ngay. Tiếng cười khúc khích lan khắp phòng cho đến lúc thính giả lục tục đứng cả lên. Vài người hồ hởi chạy đến bên Mainert bắt tay bày tỏ sự hân hoan. Quanh vị bác sĩ ấy nổi lên nhiều lời khen ngợi:

- Ngài kết án hắn tuyệt quá...

- Gã dốt nát ấy muốn lên mặt răn dạy cha xứ của hắn ta.

- Miệng còn hơi sữa mà đã đòi...

Sau lưng Mainert, có hai viên bác sĩ tranh cãi rất hăng hái.

BÁC SĨ I: Thế anh muốn gì ở hắn! Hắn là một gã Do Thái chính cống kia mà?

BÁC Sĩ II: (Thành thực sửng sốt) Thảo nào!

BÁC SĨ I: Chính thế, tuy rằng tôi không phải là một kẻ bài Do Thái, tôi chỉ muốn nói: phải là một gã Do Thái thì mới cất công lặn lội mà sang tận Paris để đào bới những thứ lý thuyết cũ mèn mà ai ai cũng biết tỏng ở Vienne và đã bị lật đổ từ đời nảo đời nào...

BÁC Sĩ II: (rầu rĩ lắc đầu). Thế đấy! Thảo nào mà bọn chúng đến cả Tổ quốc cũng chẳng có.

***

Viên. 1892.

Phòng riêng của Mainert. Trần thiết hết sức choáng lộn, tuy rằng phảng phất cái thị hiếu Đức khá tầm thường thời ấy.

Ngọn đèn ngủ rất đẹp, đặt trên chiếc bàn tròn con chỉ soi rõ cái giường đã bày biện tinh tươm để đón bệnh nhân. Cạnh giường kê một chiếc ghế xa lông lớn, êm, nơi đang chễm chệ đích thân bệnh nhân.

Mainert đã già đi nhiều: mặt chằng chịt những nếp nhăn sâu hoắm, râu tóc đều bạc trắng. Nhưng điều khiến ta sửng sốt nhất không phải là cái vẻ già nua ấy, mà chính là sắc mặt vàng bủng của ông ta. Sắc vàng ấy thậm chí còn phủ cả lên hai tay, nhất là ở mười đầu móng tay. Ông ta khoác áo choàng ngủ bên ngoài một chiếc sơ mi mỏng. Dưới đầu, kê một chiếc gối; còn hai chân quấn chặt trong một mảnh chăn dày.

Duy ánh mắt Mainert thì vẫn không hề mất đi tí nào vẻ nghiệt ngã và quyền thế ngày xưa. Lúc này ông ta đang lim dim ngủ. Nhưng hễ ông ta vụt mở mắt, thì từ đôi đồng tử u tối vẫn bắn ra những ánh sáng hết sức thông minh tuy có hơi thảng thốt, lo âu.

MAINERT: (rất khẽ) Anh đấy hả, Freud? (Không đợi trả lời). Vào đi...

Freud đi vào. Ông cũng xanh bủng hệt như Mainert, và ánh mắt cũng ủ dột y như của ông ta.

MAINERT: (khẽ đưa tay chỉ chiếc ghế). Ngồi dịch lại đây, tôi bị họ cấm...

Freud nhấc chiếc ghế lại sát bên Mainert.

MAINERT: Anh vẫn mê mải với việc tìm kiếm các con bệnh hystérie nam giới như trước đấy chứ?

Nghe nhắc đến bản báo cáo mình đọc năm 1886 và cuộc tranh cãi giữa họ, Freud cau mày, khẽ lắc đầu, ngụ ý bảo: "không".

MAINERT: (hiểu cử chỉ ấy ngay). Tiếc quá. Chứ không, tôi sẽ giới thiệu với anh ngay một ca tuyệt vời.

FREUD: (ngạc nhiên và đầy nghi hoặc, bởi lẽ đã đoán trước được câu trả lời). Ai thế?

MAINERT: (Nụ cười cay đắng, mai mỉa lại xuất hiện trên khóe môi, ông nói bình thản, gần như kiêu hãnh). Tôi đây.

Freud im lặng. Ông không rời mắt khỏi kẻ đang cùng trò chuyện.

MAINERT (Vẫn với vẻ kiêu hãnh, nhưng ủ dột) Các hội chứng hystérie tôi còn biết trước cả Charcor kia. Tôi đã phải trả giá cho sự hiểu biết ấy: tôi đã nếm trải tất cả các hội chứng. (Vẻ còn kiêu hãnh hơn trước). Tất cả. Nhưng chẳng ai hay biết tí gì.

FREUD: (Giọng nghiệt ngã: nỗi căm tức đối với Mainert vẫn chưa nguôi). Ngay cả khi ngài đuổi tôi ra khỏi bệnh viện của ngài, ngài đã biết là mình đang bị chứng hystérie hành hạ?

MAINERT: Tôi biết đã hơn hai chục năm nay rồi.

FREUD: Thế mà ngài vẫn khinh tôi, coi tôi như một lão phù thủy và một gã bịp đời.

MAINERT: Anh còn nhớ mẩu truyền thuyết về ông già Noé đấy chứ? Con không được nhìn thấy bố ở truồng. (Nhìn Freud không hẳn ra trìu mến, cũng không hẳn ra ái ngại). Mà anh lại chính là đứa con tinh thần của tôi.

FREUD: (Giọng đượm buồn). Đúng. Và ngài đã nguyền rủa tôi. Đã làm tan nát đời tôi. Tôi là một học giả, chứ đâu phải một thầy thuốc. Tôi căm ghét y học, tôi không thích hành hạ con người, viện cớ rằng họ tuồng như đang ốm đau. Thế mà đã sáu năm nay, tôi chẳng ngó ngàng gì đến khoa học. Tôi chỉ làm tội làm tình các con bệnh tâm thần mà tôi không thể chạy chữa được.

MAINERT: (Cười khẩy) Bằng vật lý trị liệu, tắm nước ấm và xoa bóp?

FREUD: (rầu rĩ). Phải. Bằng chính những trò xoa bóp, tắm nước ấm với trị liệu vật lý!

MAINERT: (Phá lên cười). Tất cả những phương pháp ấy đều là trò cho voi uống thuốc gió. Chẳng được tích sự gì.

FREUD: Tôi biết. Nhưng chẳng dám chỉ định dùng một phương pháp nào khác ngoài mấy phương pháp kia.

MAINERT: (Cười mỉa). Những phương pháp ấy được cái đều vô hại.

FREUD. Một niềm an ủi quá ư nhỏ mọn (Im lặng). Bây giờ thì ngài sẽ gọi ai là gã bịp đời? Anh chàng bác sĩ trẻ, thành tâm tin vào tác dụng chữa bệnh của thuật thôi miên ngày xưa, hay là gã đàn ông đạo mạo bây giờ - kẻ vẫn chỉ định dùng những phương pháp điều trị mà chính hắn chẳng chút tin tưởng?

Mainert nhắm mắt lại, nín thinh.
Freud nhìn ông ta, lòng lo lắng càng lúc càng tăng.
Được vài phút, ông lặng lẽ đứng dậy, định cúi sát xuống, nhìn người bệnh.

MAINERT: (Lên tiếng, mắt vẫn nhắm nghiền). Ngồi xuống. Tôi vẫn thức đây... tôi chỉ sắp xếp lại những điều đang ngẫm nghĩ thôi. Tôi yếu lắm rồi. Tôi phải nói hết với anh mọi cái. Đừng ngắt lời tôi đấy. Các con bệnh tâm thần vốn tạo thành một thứ hội hữu của những kẻ - dâng hiến. Họ chẳng quen nhau mấy, nhưng nhận diện được nhau ngay. Ngay khi mới gặp lần đầu. Luật lệ duy nhất của họ là nín lặng. Người khỏe mạnh, Freud ạ, tất cả đều là cừu địch của chúng tôi. Tôi đã giữ điều bí mật đó... suốt đời. Ngay cả với chính mình. Tôi đã cự tuyệt dứt khoát việc tự nhận thức chính mình (mở mắt, nhìn chằm chằm Freud) Anh cũng là hội viên của cái hội hữu ấy, Freud ạ. Hoặc đang sắp sửa nhập hội nay mai. Tôi căm thù anh bởi lẽ anh muốn phản bội chúng tôi... Tôi đã nhầm (Im lặng). Đời tôi là cả một chuỗi dài những trò gian giảo. Tôi đã hoài phí cả đời mình để bưng bít sự thật. Đã tự xỏ mũi mình. Đấy là bản tổng kết của đời tôi... Tôi đang hấp hối trong kiêu hãnh và dốt nát. Freud ạ. (Cười cay đắng). Bởi lẽ một học giả nhất thiết phải biết chân lý, đúng không? Thế nhưng tôi nào biết mình là ai. Kẻ sống cuộc đời của chính tôi lại chẳng phải tôi: Cuộc sống ấy do một KẺ KHÁC sống.

Mainert lại nhắm mắt. Freud rất xúc động. Mainert mở mắt: ông ta hoàn toàn kiệt sức, nhưng lần đầu tiên đã nhìn Freud bằng ánh mắt yêu thương.

MAINERT: (Giọng yếu ớt, gần như thều thào). Đừng ngồi im thế, Freud. Hãy phản bội chúng tôi. Phanh phui điều bí mật của chúng tôi ra! Lôi nó ra ánh sáng, cho dù làm thế anh cũng đã phải tự tố giác điều bí mật của chính anh. Tìm điều bí mật ấy sẽ phải đi thật xa và đào bới thật sâu. Tìm nó trong bùn nhơ ấy, Freud.

Nghe những câu đó, Freud có những cử chỉ mơ hồ, như thể muốn lùi lại đằng sau.

MAINERT: Chuyện đó chẳng lẽ anh còn chưa biết?

FREUD: Tìm trong bùn nhơ chứ gì? Biết chứ, điều đó thì tôi biết.

MAINERT: Và anh sợ phải làm thế?

FREUD: Phải, Tôi... bởi lẽ tôi đâu phải là một thiên sứ nhà trời.

MAINERT: Càng hay. Các đấng thiên sứ chẳng ai hiểu nổi con người đâu.

Nét mặt Freud thay đổi hẳn; ông ủ dột hẳn đi, nhưng đôi mắt vẫn sáng long lanh.

FREUD: Nếu tôi không đủ sức...

MAINERT: Nếu anh mà cũng thế thì chẳng còn ai khác nữa đâu.

(Hơi cao giọng). Anh đã vật vã đầu sợi nhợ câu - sáu năm nay rồi Freud ạ... Hãy dấn thân vào, tính anh, vốn thế, tôi biết. Đừng lùi bước trước bất cứ thứ gì. Nếu không đủ sức, anh cứ ký hẳn với quỷ sứ bản giao kèo. (Rất khẽ, nhưng bừng bừng khí thế tự tin). Còn gì đẹp đẽ bằng là tự mình lao xuống hỏa ngục, để cho tất cả thiên hạ đều được sống trên chín tầng trời hả Freud? (Mainert chồm hẳn người tới trước, làm chiếc gối kê dưới đầu tuột đi. Freud đứng dậy, sửa lại). Còn tôi, tôi đã thua cuộc. Freud ạ, vì không đủ can trường... Bây giờ đến lượt anh ra quân đấy. Vĩnh biệt! (Mainert há hốc mồm ra thở, tiếng thở khàn khàn. Hai mắt ông ta mở to, chú mục vào một điểm trong không trung, rất khẽ như thể tự nói với mình, ông nhắc lại). Tôi đã thua cuộc...

***

Vienne. 1892

Fliess và Freud đang đi giữa quảng trường Ring ngập nắng mai. Quảng trường tấp nập người qua kẻ lại, thấp thoáng những trang phục mặc lót của phụ nữ, những dãy tủ kính bày hàng của các cửa hiệu sang trọng sáng rực.

Một thiếu nữ xinh đẹp đi qua, táo tợn nhìn chòng chọc vào mặt Fliess. Fliess nhìn thiếu nữ bằng ánh mắt của gã Don Juan, và thậm chí còn dõi trông theo cho đến lúc người đẹp đi khuất.

Họ tiến về phía bờ sông Danube, băng qua dãy phố dọc bờ, rồi bước lên một chiếc cầu. Lối đi dành cho khách bộ hành trên cầu vắng tanh. Ra đến giữa cầu họ dừng lại.

FLIESS: (đột ngột ngăn Freud bước tiếp). Không đâu lý tưởng hơn chỗ nầy: trên cầu, ngay giữa trung tâm thành phố.

FREUD: Lý tưởng thật.

Họ tì tay lên thành cầu. Bên tay phải họ san sát những tòa nhà viền dọc dãy phố ven bờ. Cao vút trên các nóc nhà ấy là chiếc bánh xe to tướng của quỷ sứ ở giữa công viên Prater.
Fliess móc trong túi ra hai chiếc nhẫn. Trên mặt nhẫn chạm hình một con rắn ranh ma.

FLIESS: Một chiếc cho anh, còn một - cho tôi. (Mỉm cười, ngụ ý mình nói đùa). Hai chúng mình sẽ lập một hội kín (nghiêm sắc mặt). Hôm nay, ngày 13 tháng bảy, năm 1892, tại Vienne, trên một chiếc cầu bắc qua sông Danube, có hai người đang đứng, và chỉ hai người ấy là biết được một điều bí ẩn của tạo vật: cái cai quản thiên hạ là tình dục. (Nhìn chăm chăm Freud. Đôi mắt to đầy mơ mộng của Fliess lóa sáng đầy hăng hái). Nào, Freud, ta ký giao kèo đi thôi. Anh sống ở Vienne, còn tôi ở Berlin. Anh là bác sĩ tâm thần, còn tôi là nhà sinh lý học và toán học. Các con bệnh sẽ thông báo cho anh các sự kiện; còn tôi, tôi ngẫm xem những sự kiện ấy đã xảy ra vào lúc nào. Anh cầm lấy chiếc nhẫn đi. (Trao cho Freud chiếc nhẫn, mà Freud vẫn phân vân, chưa biết có nên nhận hay không). Anh làm sao thế? Sợ hả?

Như chạm phải một vật sống. Freud quay hẳn sang phía Fliess, cầm lấy chiếc nhẫn, nhưng chưa vội đeo ngay, mà giữ nó trên tay.

FREUD: (giọng run rẩy). Hừm, anh đúng... Tôi sợ. (Ông sợ hãi, và không dấu giếm nỗi sợ hãi của chính mình). Phải chui xuống bùn mà đào. Lại vẫn thế mãi, như muôn thuở. Điều đó khiến tôi phát hoảng... (Fliess lặng lẽ nhìn ông). Hơn nữa, tôi đang sợ mất Martha. Cô ấy chưa biết gì, nhưng rồi sẽ đoán được ngay thôi. Tôi chắc rồi thế nào cô ấy cũng sẽ oán tôi lắm. Tôi yêu cô ấy bởi lẽ cô ấy cũng nghiêm khắc và cả thẹn như tôi. Cô ấy sẽ nhân danh những đức tính tôi hết sức tôn thờ mà nhiếc móc tôi. (Ngắm chiếc nhẫn cưới của chính mình và chiếc nhẫn của Fliess), Cô ấy rồi sẽ sống bên tôi như thể một người xa lạ vậy.

FLIESS: Dưới chân chúng mình là dòng Danube xinh đẹp. Nếu chối bỏ, anh cứ vất quách nó xuống sông.

FREUD: (Nói bằng một giọng khàn khàn. Rất khẽ, như thể sợ Fliess nghe được). Nhưng cái chính là tôi sợ bản thân mình hơn hết thảy mọi thứ trên đời.

FLIESS (với vẻ kiêu căng khinh thị). Gia đình, thành phố, những thứ ấy thì đâu có ý nghĩa gì? Bởi lẽ chúng mình sẽ trở thành hai đấng toàn năng, (Chỉ vào dòng người và xe cộ tấp nập trên đại lộ bờ sông). Ta sẽ biết hết những bản năng bí ẩn của đám chúng sinh ấy, những cội rễ của cái mà bọn họ gọi là thiện và ác, và nhờ lý, ta sẽ thống lĩnh tất thảy chúng sinh.

Freud bỗng phá lên cười.

FLIESS: (bối rối). Anh làm sao thế?

FREUD. Tôi sực nhớ tới ông Mainert đáng thương. Ông ấy có bảo tôi thế này: "Hãy ký với quỷ sứ một bản giao kèo" (Đeo chiếc nhẫn vào ngón tay trỏ), Xong, thế này là tôi đã hạ bút ký rồi.

***

Vienne. 1892.

FREUD: (với Breuer). Ca này là ca thứ 13.

BREUER: (giật mình, bởi đang nghĩ đến chuyện khác). Cái gì?

FREUD: Ca thứ 13 bị loạn thần kinh chức năng. Tôi đã phát hiện được rằng hồi nhỏ bệnh nhân đã bị người lớn cưỡng hiếp.

Breuer nghe một cách hờ hững.

BREUER: Ban sáng anh có ghé thăm Magda đấy à?

FREUD: Có. Nhưng sao cơ?...

Nhìn Breuer. Freud thốt ngừng bặt, ông sợ hãi, không dám hỏi tiếp nữa.

BREUER: (Giọng lãnh đạm, nhưng sự lãnh đạm ấy không sao giấu nổi vẻ đắc thắng trong thâm tâm mình). Bố cô ấy vừa mời tôi đến nhà xong. Cô ấy mới nhảy qua cửa sổ.

FREUD: (Chật vật lắm mới mở được miệng). Cô ấy chết rồi ư?

BREUER: Chết thì chưa. Chỉ bị chấn thương nặng, xương gãy nhiều chỗ, nhưng chắc sẽ bị tàn phế, nếu không xảy ra tình trạng xuất huyết nội.

FREUD: (Quay mặt đi, rồi thong thả tiến đến bên chiếc bàn viết không dám nhìn thẳng mặt Breuer). Hồi sáng, cô ấy vừa thú thật cùng tôi là cô ấy đã bị ông bố làm nhục, khi mới tròn sáu tuổi.

BREUER: (phẫn nộ). Ông ấy hiện là ủy viên Hội đồng tối cao đấy nhé! Cô ấy đã nói với anh một điều dối trá bẩn thỉu; anh đã đẩy cô ấy đến chỗ phải tự thú!

FREUD: (quay ngoắt lại phía Breuer nhưng trả lời hết sức mềm mỏng, giọng rất đỗi buồn rầu). Breuer! Ông bố lúc ấy cũng có mặt; ông ta đã khóc nấc lên. Nhưng không hé răng phản đối, dù cho một lời.

BREUER: (Sửng sốt, nhưng gần như là khôi hài). Ông ấy hiện là ủy viên Hội đồng tối cao đấy! (Nhìn vẻ mặt bối rối có thể biết ngay ông ta bao giờ cũng kính nể những nhân vật quyền cao chức trọng và những kẻ mạnh thế ở đời). Điều đó không thể có được! (Đầy tự tin). Phải vất cái chuyện đó đi, Freud ạ.

FREUD: (Không ngẩng đầu, giọng buồn rầu). Vất cái gì kia?

BREUER: Tất cả, toàn bộ cái chuyện đó.

FREUD: Nhưng đó là phương pháp của anh.

BREUER: Không, xin anh! Tôi cự tuyệt công nhận điều đó.

FREUD: Anh đã từng phơi bày với vô khối bệnh nhân sự thật về chính họ.

BREUER: Chỉ khi nào họ đủ sức chịu đựng những sự thật về chính họ.

FREUD: (hạ giọng, nhìn vào khoảng không trước mặt).
Không ai có đủ sức chịu đựng một sự thật đích thực về chính mình.

BREUER: Anh tưởng thế thôi!

FREUD: Chúng ta cùng có mặt ở đây chính là để tìm cho ra sự thật ấy và giúp con người không chút sợ hãi nhìn thẳng vào bản thân mình. Có chúng ta giúp sức người ta mới dám làm thế. Gà mà đã gáy là lũ vampir sẽ cuốn xéo hết - bởi lẽ chúng không thể nào chịu đựng nổi ánh sáng ban ngày.

BREUER: Magda - muốn tự sát, bởi lẽ cô ấy đã mất trí vì ngượng ngùng và vì những cơn ác mộng dày vò cô ta. Có chán vạn trường hợp, nói dối vẫn nhân đức hơn nhiều.

FREUD: Magda vị tất đã đỡ mất trí, khi cô ấy tự dối mình?

BREUER: Dĩ nhiên là không rồi, nhưng dẫu sao cô ấy cũng đỡ bất hạnh hơn.

FREUD: Việc chạy chữa chỉ mới mở màn. Tôi phải ghé lại đằng cô ấy và...

BREUER: Chẳng ai thèm tiếp anh đâu.

FREUD: (sửng sốt). Sao thế?

BREUER: Ông bố đã tuyên bố với tôi thế đấy.

FREUD: Nhưng làm thế là phạm tội ác! Nếu bây giờ mà ngừng chạy chữa, thì mọi thứ sẽ đổ vỡ tan tành.

BREUER: Mọi thứ đều sẽ đổ vỡ tất, cho dù anh có dốc sức làm bất cứ trò gì (lm lặng). Magda mà chết, thì tôi thà chịu xuống hỏa ngục, chứ không đời nào xin đổi lấy cái địa vị của anh.

FREUD: (bối rối). Mọi thầy thuốc đều phải dấn thân vào chuyện may rủi.

BREUER: Nếu trò may rủi đó được cân nhắc kỹ lưỡng, thì họ sẽ chẳng chút phân vân. Nhưng không ai lại dại dột liều lĩnh như anh. Họ biết nên liều lĩnh với những gì; còn anh anh chẳng biết.

FREUD: (Bị sự nghiệt ngã của Breuer đè bẹp, nhưng ông ấy vẫn nói với Breuer bằng một giọng rất thân tình). Breuer, tôi đang phải sống những giờ phút rất nặng nề... Ước gì anh hãy giúp tôi...

BREUER: (Xúc động bởi lời van nài khẩn khoản đó, ông bỗng nhớ đến cái thời mình đã từng đứng ra đã đầu cho Freud). Tôi rất muốn thế nhưng thử hỏi tôi còn có thể giúp được gì? Nhìn vào đâu, anh cũng chỉ cảm thấy có mỗi một thứ là tình dục; đã thế, tôi còn mặt mũi nào dám theo sát gót anh...

FREUD: Vì vụ Magda này ư?

BREUER: Đúng, vì cô ấy. Rất có thể cách lý giải của anh về căn bệnh của cô ấy là đúng. Nhưng nếu chỉ có vậy, thì đâu đã ăn thua!

Cách lí giải ấy đâu đã đúng cho tất cả các ca sẽ gặp nay mai. (Đầy uy lực, nhưng vẫn thân tình). Anh toàn đánh lừa các con bệnh của mình. Anh bức bách họ, Freud ạ! Dừng ngay đi, khi còn chưa muộn. Hãy tin tôi, tôi biết rất rõ thế nào là sự dằn vặt của lương tâm...

FREUD: (Tự chủ trở lại; sự thú nhận của Breuer khiến ông trở nên táo bạo). Khoa học rồi sẽ hóa thành cái gì, nếu các nhà khoa học không còn dám nói lên những điều mà họ thấy là chân lý? Kinh thành Vienne này đã mục ruỗng đến tận xương tủy rồi! (Đứng dậy và bắt đầu đi tới đi lui trong phòng). Anh tưởng tôi thích thú lắm chăng, khi nhúng cả hai tay vào cái cống nước thải kia? (Im lặng). Ủy viên Hội đồng tối cao! Một quan chức khổ hạnh cấm dục! (Lỗ mãng). Một gã súc sinh thì có! Nếu Magda mà chết, thì kẻ giết cô ấy là hắn, chứ chẳng phải tôi. (Lại gần Breuer). Chúng ta hoặc phải thanh lọc cái kinh thành này, hoặc phải cho nó nổ tung lên, tung hê đi tất cả. (Giọng tự tin sâu xa). Tôi không thể nào hình dung nổi một xã hội lành mạnh mà lại dựng lên trên sự dối trá gian manh. (Hắng giọng). Ủy viên Hội đồng tối cao! (Freud nhấp mấy ngụm nước, rồi nói tiếp, giọng vẫn tự tin, nhưng rất buồn rầu). Có những ngày người ta toàn gieo vào lòng tôi bao nỗi kinh hoàng.

ĐỨC DƯƠNG dịch
(Theo bản tiếng Nga của L.Tokarev)

(SH34/12-88)


------------------
(1) Jean Martin Charcot (1825-1893) - Bác sĩ tâm thần danh tiếng người Pháp: năm 1886, S.Freud có đến làm việc hơn bốn tháng rưỡi tại phòng khám tâm thần kinh của ông, trực thuộc bệnh viện Salpertrier ở Paris và dịch sang tiếng Đức cuốn sách của ông: Những bài giảng mới về các căn bệnh của hệ thần kinh.







 

Các bài mới
Các bài đã đăng