Tạp chí Sông Hương - Số 312 (T.02-15)
Thân phận của con dê
20:05 | 18/02/2015

LÊ QUANG THÁI

Ngày tháng vơi đầy đi qua, năm Giáp Ngọ đầy ắp nhiều biến cố trên mọi lãnh vực khắp nơi gây chấn động địa cầu. Tam dương khai thái vận, đó là niềm tin vào đầu Xuân mới Ất Mùi. Gió đưa mùi hương vị ngọt thoang thoảng lại về. Xuân này có ngày đến muộn hơn so với vòng quay ngày tháng của trái đất.

Thân phận của con dê
Con Dê trên Cửu Đỉnh

Thói thường trong dân gian vẫn quen gọi năm Mùi là năm Vị, là năm con dê. Vì vậy mà nghĩa lý vẫn chưa trọn vẹn, có đến 5 năm Mùi: Ất Mùi, Đinh Mùi, Kỷ Mùi, Tân Mùi, Quý Mùi. Lời chúc phúc đầu Xuân Ất Mùi - 2015 tốt lành nhất là cầu mong vạn sự như ý, vạn sự cát tường.

I. NĂM MÙI HAY NĂM VỊ?

Viết (羊), đọc “dương”, có nghĩa là con dê, loài dê kêu “be be” chào đời; cho dù là dê nhà, hay dê núi - con dê hoang dã với tên gọi chỉnh chu “sơn dương”. Lại có con dê trong thần thoại hoặc truyền thuyết được mệnh danh là “linh dương”. Tuy là gia súc, con dê vẫn có cái phận của nó khác nào con người có thân phận riêng của mình. Hơn nhau ở chỗ biết cái yêu của phận mình để chọn cách chuyển hóa thành thánh thiện, ung dung sống một đời tự tại trước những bất trắc và thử thách.

Ý nghĩa của lời chúc “vạn sự cát tường” (萬 事 吉祥). Cat tường đồng nghĩa với “cát dương” (吉羊), co nghĩa là “tốt đẹp”, “hoàn hảo”, “hạnh phúc”(1). Lời chúc phúc quý giá ấy như còn phảng phất, rơi đọng lại ít nhiều bản chất, thân phận và thiên chức đặc thù của loài dê mà tạo hóa đã ban phát cho nó.

Chữ Hán viết 未 , phat âm là “vị” hoặc “mùi”, đều có liên tưởng đến hình tượng và biểu trưng của con dê, địa chi thứ 8 trong 12 con giáp. Từ đó dựa vào thập can mới định được chuẩn tuổi tác của từng người. Tuổi Vị hay tuổi Mùi là tuổi con dê có nghĩa lý rất ý vị.

Cái khác nhau giữa Vị với Mùi là cùng một chữ mà từ thời Trung đại trở về trước đọc là “vị”, về sau đọc là “mùi”. Vào thời cổ, âm Hán Việt phát âm chữ 未 là vị. Nhưng về sau chữ vị được dùng để chỉ nghĩa mới là “chưa”, “chưa từng”(2). Nghĩa gốc ban đầu của chữ Vị không còn nguyên xi nữa! Đã bay hơi nhiều lắm rồi. Từ điển Hán Việt của Thiều Chửu khẳng định: Chữ 未 trước là “vị”, về sau đọc là “mùi”. Âm Bắc Kinh đọc là “wei”. Một câu hỏi được đặt ra: Vì sao? Có thể do kiêng tránh vì kỵ húy đến vua chúa, hoặc do ngôn ngữ đã chuyển hóa, biến nghĩa theo dòng chảy thời gian. Chữ nghĩa đời nay phần nhiều bị bể tiếng, bể nghĩa cả đó thôi. Điều này khiến cho ít người không quan tâm đến nghĩa gốc và nghĩa mới. Vàng thau lẫn lộn.

II. DÊ LÀ LINH VẬT TẾ THẦN

Thời cổ đại quy định rõ rệt: có 5 nơi cúng lễ. Cúng thần thần đãi, người dâng lễ hưởng phước đức. Lễ thần cửa dùng con dê, thần bếp dùng con gà, thần cổng dùng con chó, thần giếng dùng con lợn, thần Trung lưu dùng con heo con(3). Đó là việc cuối năm tạ lễ ở ngoài dân gian để cầu an lành.

Tại chốn Triều miếu, quan Đại Phu đứng chủ lễ hoặc có khi nhà vua thân hành chủ tế. Theo điển chế tế tự, dùng ngũ đỉnh (còn gọi là vạc) chứa 5 loại thịt dê, bò, lợn, cá và nai. Nhưng kỳ thực dê, bò, lợn mới là lễ vật chính, còn cá và nai là phụ làm tăng vẻ sang trọng. Về sau, tam sinh là dê, bò, lợn bắt buộc phải đủ, giảm trừ đi con cá, con nai. Vì trọng nghĩa mới dâng lễ tiến cúng. Ấn tích ấy được khắc ghi vào sách Thất bát câu: “Ân trọng như sơn, ngũ đỉnh tam sinh vị túc hà”, có nghĩa là “ân nặng như núi, dẫu có cúng dê béo, bò ngon, heo lớn cũng chưa đủ đáp đền(4). Vì vậy mà trong dân gian xuất hiện thành ngữ “Như dê tế thần”. Dê trở thành một linh vật. Thần thoại phương Đông cho biết “thần gió Vàyu” được coi là hơi thở của lửa, có nhiệm vụ thanh tẩy và cùng với lửa chuyển lễ phẩm lên các thần linh. Thần tướng của linh thần Vàyu như thế nào? Vàyu là một vị thần mình trắng, dũng mãnh, cưỡi con linh dương mang theo cung tên. Tất cả các trang phục khác đều màu trắng cả(5).

Trọng nghĩa lớn, ân sâu dày mới dâng lễ, hiến lễ, tế lễ. Chữ “nghĩa” (義) bao gồm chữ (羊) dương là con dê, đặt phía trên chữ (我) nga là cái ta, cái thân mình chịu hy sinh để làm phẩm vật tế thần linh. Tại các làng xã, do không có điều kiện kham nổi việc dùng dê để tế lễ thì con dê được thay bằng con vịt để có đủ bộ ba: dê - bò - lợn đã được thánh tẩy.

Thời xưa, người Chiêm Thành có nghi thức tế lễ khác với người Việt, họ thường tổ chức lễ tế linh đình tại các tháp cổ hoặc đền tháp là phổ biến. Lễ phần gồm một con dê và cơm canh. Lễ tế thần biển là lễ trọng, dùng đến 5 con dê và 21 con gà, ngoài ra còn có những thứ khác như trái câu, củ quả, bách ngũ cốc… Hạt nổ đủ màu được chế biến từ lúa gạo là đặc sản tất yếu phải có. Nghi thức cúng đất, cúng thần sông, thần biển, thần núi còn chịu ảnh hưởng phần nào của phong cách Champa(6).

III. HÌNH TƯỢNG CON DÊ TRONG VĂN HỌC - NGHỆ THUẬT

Nguyễn Tường Bách xuất thân từ vùng đất Bao Vinh - Địa Linh thuộc huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Đất này lại tiếp giáp với Thanh Hà, liên thông với ngã ba Sình đổ nước ra cửa Thuận An - Ấn tích Chiêm Thành còn để lại mờ nhạt ở các làng quê trũng ở 4 bờ hợp lưu của sông Hương sông Bồ tại ngã ba Thanh Phước cách thủ phủ Hóa Châu xưa chẳng bao xa. Lớn lên từ làng quê nửa phố thị nửa cảng sông, Nguyễn Tường Bách có điều kiện đi du lịch các kỳ quan khắp năm châu bốn biển. Viết về Phật giáo Tây Tạng, ông cho biết ở đền JOKANG có một Bức tranh dê nổi tiếng. Bức danh họa này diễn tả cảnh dê chở đất đổ xuống hồ như để minh họa cho công lao đầy khó nhọc của người và dê đã giàu thiện tâm để xây dựng ngôi đền kỳ lạ này. Đặc điểm của đền JOKANG lại nằm ngay giữa chợ! Đền này thờ các vị ác thần, ma quái đã được hàng phục và sẵn sàng hỗ trợ chánh pháp. Đó chính là chủ trương của Liên Hoa Sinh và là đặc trưng nổi trội của Phật giáo Tây Tạng. Hộ pháp Palden Lhamo với cặp mắt to tròn(7) có sức hấp dẫn du khách chiêm ngưỡng. Bái phục, ai đã khai quang điểm nhãn cho bức danh họa ấy.

Còn điển tích liên quan đến con dê thì lại độc đáo nếu không muốn nói là “đáo để” để đời cho hậu thế học tập. Nhớ Tô Vũ đi sứ rợ Hung Nô vào năm 100 trước Công nguyên. Ông đã nói lắm điều làm cho rợ ấy bất bình, bắt ở lại xứ người, rồi bị đày đi chăn dê đến 10 năm, nhất thiết không cho về với nhà Hán. Mãi tới lúc hai bên hòa hoãn, vua Hán Võ Đế hỏi Hung Nô: Sứ thần Tô Vũ hiện ở đâu và làm gì? Rợ Hung Nô trả lời: Nó chết rồi. Vua Hán vấn kế hỏi ý kiến của các đại thần tìm cách cứu Tô Vũ. Mưu sĩ của vua Hán hiến kế cho sứ thần đi sứ Hung Nô, nói với họ như vầy: Tô Vũ bị đày đi chăn dê có bắt được con chim nhạn; rồi tự mình xé áo lụa viết thư buộc vào chân chim, thả nhạn bay về cố quận. Vua nhà Hán đi săn, bắt được con chim nhạn ấy và biết rõ Tô Vũ hãy còn sống. Hung Nô tưởng chuyện bắn nhạn có thật; bèn sợ, liền trao trả Tô Vũ về nước.

Nói đến cung nhân thì không thể nào quên “Chiếc xe dê”. Tấn Thư chép: Vua Hán Võ Đế thích dê, lại ưa có nhiều cung nhân. Nào là đại thần, nịnh thần cầu danh, cầu lợi cũng ham đem con gái đẹp ở độ tuổi xuân thì để tiến cung, nhập cung mà cầu cạnh quyền lực. Còn vua thì tham cái ấy, chuyện ấy. “Ấy” sao những cho vừa lòng vua. Chính vua Gia Long đã không ít khó khăn mỗi khi phải phân xử cho “được lòng” với “một bầy quỷ cái” thay vì nói “những cung phi mỹ nữ”.

Mỗi khi muốn đến với cung nhân nào, vua ngồi trên chiếc xe dê được khảm châu ngọc do con dê kéo, để tùy thích dê muốn vào cung nào thì vào. Đời có mánh mung, trong cung cấm mà “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, chỉ trừ quan Thái giám thôi vẫn có mánh mung. Cung nhân thường để nước, rắc muối, cắm lá tre, lá dâu ở cửa cung. Con dê vốn ưa thèm các vị ấy thì bắt mùi rồi tìm đường vào. Tam sao thất bổn, có sách chép lá tre, có sách chép lá dâu… Thôi thì chấp gì, lá tre hay lá dâu, lá gì cũng là lá cả. Đó là kiểu cách luận lý của Công Tôn Long ngày xưa bên Tàu!

Trong Cung oán ngâm khúc, Nguyễn Gia Thiều đã vận dụng điển tích sinh động ấy để viết:

Ngấn phượng liễn chòm rêu lỗ chỗ,
Dấu dương xa đóm cỏ quanh co.
Lầu Tần chiều nhạt vẻ thu
Gối hoan tuyết trắng chăn cù gió dăng.


Và, trong văn chương bình dân cũng nổi trội lên hình tượng con dê trong việc cấy cày, việc bán mua sản vật bằng lời lẽ chơn quê:

Buồn ngủ buồn nghe,
Bán bò tậu ruộng, mua dê về cày.
Đồn rằng dê đực khỏe thay,
Bắt ách lên cày, nó lại phá ngang.


Kinh nghiệm rút ra từ cuộc sống đã được người xưa đúc kết thành những câu nói ví von với lời văn giản dị mà nghĩa lý thật sâu lắng: Mất dê mới lo làm chuồng, treo đầu dê bán thịt chó, người mà vô lễ khác gì muông dê…

Cứ ngắm nhìn cái cảnh đường làng, và ngay cả đường cái quan có độ ngắn dài, rộng hẹp khác nhau; rồi suy ra cho cùng sẽ thấy cảnh tượng ấy như còn hàm ẩn hình tượng của con trâu, con dê. Đọc hồi ký Khúc tiêu đồng của Hà Ngại (1890 - 1976), một vị quan triều Nguyễn, mới thấm thía qua việc tìm ra độ dài của một dặm đường: “Cứ một đoạn xa, người dòm thấy con trâu bằng con dê, gọi là dặm”(8).

Nói đường thiên lý dài ngàn dặm, vì từ Kinh sư đến trấn thành Thăng Long dài: 308.383 tầm 4 thước tức 1427 dặm rưỡi, dư 43 tầm 4 thước; từ Kinh sư đến thành Gia Định: 506 507 tức 2344 dặm rưỡi, dư 95 tầm. Một tầm bằng 8 xích, tương ứng với độ dài 1m8(9). Trên đường thiên lý Bắc Nam còn có tên khác đường cái quan (tiền thân quốc lộ 1), tiền nhân ta đã phải trải qua đường dài ngút ngàn để đi mở cõi tiến về Nam. Gian nan nhất là vượt sông rộng, núi đèo cheo leo, khúc khuỷu. Với trí tưởng hồn nhiên, thâm hậu người xưa đã ví von đường vượt qua đèo Hải Vân, có tên gọi trước là đèo Ngãi Lãnh là “đường ruột dê”. Thuật ngữ Hán Việt dùng để đặt tên cho đường hiểm trở là “dương trường” mà sách Thuyền uyển tập anh đã viết: Dương trường long thế dực tương trùng, nghĩa là “Ruột dê, rồng thế phụ nhau vờn(10). Ca dao đã từng diễn tả thế đất, thế nước của đường đi qua núi cheo leo có chân đâm ra thành vũng biển có nước chảy xoáy làm thuyền bè dễ bị chìm đắm:

Đi bộ thì khiếp Hải Vân
Đi thủy thì sợ sóng thần Hang Dơi.


III. CÁC SẢN PHẨM LẤY GỐC TỪ LOÀI DÊ

Trước thời Lý, đã có “loại túi da dê”. Túi này không phải là túi thời trang để dựng đồ dùng cá nhân cho tướng chiến trường như trà, thuốc, gương soi, điếu đóm hoặc thuốc men cho binh lính lúc xông trận mạc, mà là để đựng chiến lợi phẩm. Đó là thủ cấp của tướng giặc Chiêm Thành xâm lấn biên thùy nước ta, phá tình giao hảo tốt đẹp giữa hai dân tộc láng giềng. Bỏ đầu giặc bị giết chết vào trong những túi ấy để binh lính nước Đại Cồ Việt, cẩn mật chuyển về Kinh đô Hoa Lư ở Tràng An. Đó là chiến lợi phẩm sau cuộc hành binh chống giặc quấy phá và ngang nghiên bỏ lệ triều cống nước ta vì Chiêm Thành là phiên quốc lại phản phúc đi đêm thông đồng với nhà Tống với mưu đồ xâm chiếm nước Việt. “Công Uẩn sai thu những thủ cấp giặc bỏ vào những chiếc túi da dê đem về Kinh, vì đó là món đồ giải trí của Ngạo Triều(11).

Thắng trận, triều đình tổ chức lễ khao quân để ca khúc khải hoàn, tiểu thuyết lịch sử có tựa đề Cái hạt mận đã tả lại cảnh tượng hân hoan đón mừng và biệt đãi ba quân tướng sĩ đã anh dũng xông trận, chém đầu các tướng giặc: “Khi quân trở về gần cửa Nam Kinh thành, một vị võ tướng vâng mệnh của Thiên tử, đã chực sẵn với dê, trâu, bò để khao quân”(12). Thì ra, thịt dê nhiều chất đạm, có sức bồi dưỡng làm tiêu tan chướng khí ở miền sơn lam, khói lửa chiến trường làm tổn hại đến sức khỏe của tướng sĩ và binh lính đã từng nằm gai nếm mật. Thời bình quan văn sáng giá, thời chiến quan võ được trọng dụng. Vua ban ngự tửu, trao cờ mao tiết và thượng phương bảo kiếm “tiền trảm hậu tấu” kể cả phí tướng không tuân lệnh. Trên cán cờ có gắm một chùm lông trắng của dê, cừu, hươu. Cái phất trần của các đạo sĩ hay pháp sư dùng để hành lễ ra uy yểm trừ ma quỷ trong các lễ tống táng, ma chay giống như cột cờ mao tiết của quan văn đi nhậm chức ở miền trọng yếu của đất nước, tướng võ ra chiến trường chống giặc. Phía bên trên cột cờ mao tiết có gắn một chùm lông dài của các loài gia súc như hươu, dê, cừu, ngựa.  

Hình tượng con dê được người xưa tinh tuyển, nâng cấp để đưa vào mọi ngóc ngách, mọi lãnh vực của đời thường, kể cả đời sống văn hóa tâm linh. Dê gần gủi với người. Con dê được thăng hoa tên gọi và như có một chức năng phục vụ dân sinh tốt đẹp.

Tự thân, Tư Mã Thiên là người tài trí, giàu khí tiết đã chịu nhục vì bị thiến(13), chịu nhẫn vì bị đày ra ngoài ải xa ngàn dặm để chăn dê tốt, nuôi dê béo. Rồi ung dung tự tại theo lời cha dặn viết cho xong bộ sách Sử ký nổi tiếng để đời cho hậu thế. Sứ thần Tô Vũ đi sứ đất người nói lời khẳng khái rồi bị đày đi chăn dê mà vẫn xem đó việc thường tình. Cả hai vị đã chịu đựng, chịu trận những lắm oan khiên. Người từng mắc nạn thì sớm muộn gì cũng qua khỏi vì trời xanh có mắt. Oan khiên trút hết, cây lành nở hoa. Tiền hung hậu cát thì tâm hồn nhẹ tưng: VẠN SỰ CÁT TƯỜNG.

L.Q.T  
(SH312/02-15)

--------------------
(1)  (2) Tìm về cội nguồn chữ Hán, Lý Lạc Nghi, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 1997,  tr 860. “Vạn sự cát tường”, chữ “cát” còn đọc là kiết, “kiết tường”.
(3) Lê Quý Đôn toàn tập, tập 2, Viện Sử học dịch, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 1977, trang 10.
(4) Tự học chữ Hán, Trần Văn Chánh, Lê Anh Minh, Nxb Trẻ, Tp. HCM, 2008, tr 662.
(5) Thần thoại Ấn Độ, Doãn Quốc Sĩ, Nxb. Sáng tạo, Sài Gòn, 1970, 24 -25.
(6) Lễ nghi cuộc đời của người Chàm, Nxb. Tp. HCM, 2009, tr 168, 169.
(7) Mùi hương trầm, Nguyễn Tường Bách, Nxb. Trẻ, Tp HCM, 2005, tr 315, 317.
(8) Khúc tiêu đồng, Hà Ngại, Nxb. Trẻ, Tp HCM, 2014, tr67. Trong dân gian còn có lời khuyên: “Phải  học ngàn quyển sách, phải đi ngàn dặm trường”.
(9) Tạp chí Huế xưa & nay số 32 năm 1999, Lê Quang Định và bộ địa chí đầu tiên của triều Nguyễn,  Phan Thanh Hải, Thừa Thiên Huế, 1999, tr 81, 82.
(10) Nghiên cứu thiền uyển tập anh, Lê Mạnh Thát, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 20004, tr 269.
(11) (12) Cái hạt mận, lịch sử tiểu thuyết, Lan Khai, 1938, tr 16, 100, 102 và 145.
(13) Sử ký Tư Mã Thiên, Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê giới thiệu, trích dịch và chú thích, Nxb. Lá Bối,  Sài Gòn, 1970, tr 31 – 32.
Bị thiến là một cực hình vừa nhục vừa bi thảm, lại còn bị đày ải đi xa. Nhờ vậy Tư Mã Thiên nén  lòng chịu nhẫn, chịu nhục đã viết xong bộ sách Sử ký.






 

Các bài mới
Hạnh phúc (25/02/2015)
Các bài đã đăng
Tết trên sông (17/02/2015)
Nồi bánh tét (15/02/2015)
Yếm Đào (14/02/2015)
Băm lăm con dê (14/02/2015)