Tạp chí Sông Hương - Số 312 (T.02-15)
Trái tim đàn bà nấc
08:31 | 25/02/2015

LÊ THỊ BÍCH HỒNG

Tôi sinh ra và lớn lên giữa một miền gió cát. Cát trộn lẫn đất, cát bồi lên gò, cát treo tít ngọn cây, cát phủ mái tranh, cát tung nhói mắt…

Trái tim đàn bà nấc
Minh họa: Phan Thanh Bình

Sàn sạn trong cơm, ràn rạt trong miệng, lạo xạo trong dép giày, trôi tuột vào dạ dày… vẫn là cát. Cát và gió xoắn quện. Gió rung rừng phi lao, gió mang hương biển mặn mòi, gió thốc tháo quất táp, gió vốc từng nắm cát, gió thổi làm màn sương mù cát. Và cả cái gió Lào mang tiết trời khô khốc, thổi rạc bờ tre, cùng cát cháy thốc tháo, hun hong, ngột ngạt như nằm trong chảo lửa, da mặt hầm hập như trong cơn sốt nhẹ.

Cha tôi là dân vạn chài. Mẹ quanh năm quần quật trồng cấy, đan, vá lưới. “Nhỡ” sau 8 năm không sinh nở, mẹ trở dạ em vào ngày bão. Cuộc “vượt cạn” không có cha. Bà đỡ vừa chạy theo mẹ, vừa chống chọi với bão. Lôi được em bị tràng hoa cuốn cổ, bà thở phào. Nghe tiếng phát vào mông đen đét, tiếng ọ ẹ yếu ớt, bấy giờ bà mới lên tiếng:

- Cha đẻ anh! Ngữ này là gan cóc tía đây. Lớn nhanh mà đi biển.

Vài ngày sau, mẹ chết vì băng huyết. Cũng trận bão đó, tàu của cha bị bão lốc cuốn chìm. Xác những ngư dân xấu số dạt vào bờ cát trên đảo Me. Bà con vạn chài đã đưa về chôn dưới chân núi Voi. Làng chài dựng một chiếc miếu nhỏ để thờ.

Anh em côi cút, bơ vơ. Bà o ruột ở đảo muốn đưa các cháu theo, nhưng dượng không vui. Không muốn làm khó o, anh em tôi càm cắp rau cháo nuôi nhau. Bà đỡ đón em về chăm sóc. Ngày ngày, tôi bế em đi bú rình. Thương em, họ cố bót nặn trong bầu ngực tong teo, chia chắt cho em từng giọt sữa. Em èo uột, bấy bớt. Chưa hết cấp I, anh phải nghỉ học...

Quê tôi là vùng trọng điểm giặc Mỹ bắn phá. Gia đình bé nhỏ của tôi bao lần chạy bom, lại trở về ngôi nhà giữa vùng cát nóng, nằm nép mình dưới rặng phi lao, mỗi khi trở trời, rặng cây oằn mình răng rắc. Chỉ có ở đó, chúng tôi mới tìm được những ký ức dấu yêu của mẹ cha. Đó là cái giếng cha đào, gặp đúng mạch nguồn. Miệng giếng chỉ bằng cái nong, đá xanh kè tròn trịa, sâu chừng hơn mét, nhưng nước tràn trề suốt bốn mùa, trong vắt, nhìn thấu đáy. Nó là nguồn nước nuôi cả làng. Người làng đặt cho nó cái tên là “Giếng Thạch Sanh”. Ngay đầu trái nhà là cây bưởi rất lạ. Từ gốc mọc lên hai nhánh, lớn lên thành cây bưởi đôi.

Chiến tranh ác liệt. Trai tráng nô nức tòng quân. Dù được miễn nghĩa vụ quân sự, nhưng anh Tùng vẫn xung phong ra trận, chưa kịp thi tốt nghiệp phổ thông (sau ngành giáo dục đặc cách công nhận tốt nghiệp). Mười lăm tuổi, tôi thay anh trở thành trụ cột gia đình. Lầm lũi trong tuổi thơ giữa vùng cát cháy. Không biết tự khi nào, tôi đã bỏ quên tuổi chơi chuyền, đánh chắt, để làm chỗ dựa cho đứa em côi cút như một người mẹ.

Tôi không kịp nhận ra mình đã trở thành thiếu nữ, nếu không có đơn vị bộ đội về làng đóng quân. Những tân binh rất trẻ, phần lớn đang học đại học.

Hôm ấy, trong tôi có cảm giác rất lạ, mệt mỏi, bụng nhâm nhẩm đau. Định nghỉ, nhưng đôi mắt em Sơn dừng ở hiệu may phố huyện, cứ ám ảnh. Em chuẩn bị vào năm học mới. Tôi đọc được trong đôi mắt em những khát khao. Thương Sơn quá. Bằng ấy tuổi mà đã ý tứ, không dám vòi vĩnh chị. Giá mà cha mẹ... Tôi gạt vội nước mắt, với đôi quang gánh quay quảy ra rừng phi lao. Bác Tuân hẹn mang lá phi lao khô hun sửa thuyền từ tuần trước. Bụng đau chằn từng cơn, ngày càng dữ dội. Mồ hôi toát túa như tắm. Tôi ngồi phệt xuống cát. Cảm giác tưng tức, nhoi nhói, nhồn nhột... Kiểu đau bụng thế này, mới thấy lần đầu. Choi chói… Như có giọt nước đang lăn lăn, bò bò, chầm chậm. Một dòng máu đỏ hồng lướt xuống cổ chân. Bụng vẫn đau âm ỉ, chằn chằn, tưng tức... Tôi òa khóc.

Vừa lúc đó, một anh bộ đội trẻ măng trên vai toòng teeng đôi quang gánh, chạy đến. Tôi giật thót tim. Nín bặt. Nhưng chỉ được ít phút, đau không chịu nổi, tôi lại ôm bụng quằn quại, kêu thành tiếng “Mẹ ơ...i! Con đau…”. Máu chảy thành giọt. Trên cát, từng giọt cát hồng. Từng viên cát hồng...

- Em đau bụng phải không? Nhà ở đâu, anh đưa về! - Anh bộ đội quẳng ngay đôi quang gánh.

- Nỏ, nỏ có chi mô! - Vừa khoát tay, một tay vẫn vừa ôm bụng. Tôi đau, rất đau, đau từng hồi, đau từng cơn dữ dội, đau từng cơn tím tái. Người tôi lạnh toát. Mặt mày tái dại...

- Đừng sợ! Anh là bộ đội đóng quân trong làng Rồng. Anh cũng đi vơ lá phi lao về thổi cơm. Vừa nói, anh vừa cúi xuống đỡ tôi dậy.

Đã nhá nhem tối. Sơn đi học chưa về. Tôi lo lắng trở ra ngõ, định đi đón em, thì có một chị bộ đội vào. Chừng hơn 20 tuổi, chị tết tóc đuôi sam, đội mũ mềm. Trên ve áo gắn hình bình hành màu đỏ, nổi trên đó là vòng tròn có dấu cộng màu bạc. Tưởng chị đến xin nước. Nhưng không, chị khoác vai tôi vào nhà. Tôi trân trân nhìn chị. Như hóa giải cho sự ngạc nhiên của tôi, chị tự giới thiệu ngay khi vừa ngồi xuống giường:

- Chị là Thủy trong trạm Quân y mới về đóng quân ở làng. Em bao nhiêu tuổi rồi?

Chị hỏi gì, tôi kể nấy. Câu chuyện của tôi hình như khiến chị xúc động thì phải. Thỉnh thoảng, chị lại đặt tay lên vai tôi, nhìn âu yếm. Chợt chị hỏi:

- Em có… kinh nguyệt lâu chưa?

- Kinh nguyệt là chi rứa, chị? - Tôi tròn mắt hỏi chị.

- Ồ! - Chị tròn mắt ngạc nhiên, chậm rãi - Nó là...

Vừa giảng giải, chị vừa kéo trong túi ra bọc vải màn. Tay thoăn thoắt cắt từng nửa mét, gấp dài. Tôi nhớ ngày mẹ sinh em, bà đỡ đã dùng nó... Ra đến cửa, chợt nhớ ra điều gì, chị quay lại lấy trong túi, đưa tôi quyển sách đã cũ:

- À, chị tặng em cuốn sách này. Em đọc ngay nhé. M... tặng khi chị ở tuổi em - (cái bậm môi định phát ra là tiếng mẹ, nhưng chị lại dừng ngay). Cuốn sách rất thú vị cho tuổi mới lớn đấy, Mai!

Chị tinh tế và khéo quá. Tôi cũng đã cố nén, nhưng không hiểu sao nước mắt cứ giàn giụa. Mẹ còn, tôi đâu có thế này. Đưa tiếp cho tôi cuốn lịch túi nhỏ xíu, chị dặn:

- Hàng tháng nếu “thấy” thì em đánh dấu vào đây… Mai trở thành thiếu nữ rồi. Còn cao hơn cả chị. Em có khuôn mặt dễ thương lắm...

Sự xuất hiện của chị khiến tôi cảm động. Và thấy vui khi được chị khen. Duyên gì? Giãn hết cỡ chiều dài cho chân tay dài ngoằng ngoẵng, khẳng khiu. Khiêm tốn bề ngang, để cô bé mười sáu tuổi vẫn nhỏ thó, gầy guộc, chẳng có vẻ gì thiếu nữ. Nhưng chị đến nhà, lại bày cho tôi “chuyện đó”, chắc là… Có phải cái người ấy nhờ chị… Chẳng dám nghĩ tiếp. Ngượng quá. Mấy ngày liền tôi nằm bẹp dí trong nhà. Chỉ sợ gặp người ấy.

Rồi, tôi cũng đã giáp mặt anh. Anh đến gánh nước. Tôi đỏ mặt định chạy, nhưng không kịp. Lúng túng mãi làm đài nước đưa lên chạm phải tay anh ấy, sóng sánh, đổ tràn. Suốt buổi chiều đó, tôi cứ thẫn thờ như người mất hồn. Thỉnh thoảng lén soi mình trong ang nước bên gốc bưởi vừa gánh đầy. Từ hôm ấy, trong căn nhà tuềnh toàng của chị em tôi thường trực người lính trẻ ấy. Anh tên Dũng, bằng tuổi anh Tùng, người Hà Nội, đang học năm thứ hai, khoa Vô tuyến điện, trường Đại học Bách Khoa.

Công trình đầu tiên là anh quây nhà tắm kín đáo ở góc vườn. Rồi, thưng lại vách, lợp thêm tranh, sang sửa bàn ghế, vườn tược, đóng chuồng gà... Chị em tôi thích nhất “chiếc đài bán dẫn” anh tự chế. Gian nhà nhỏ giữa cồn cát bỏng như bừng sáng lên âm thanh kỳ diệu. Em Sơn thuộc nhiều chương trình. Thỉnh thoảng nó dạo đàn miệng nhạc hiệu đã nghe đến quen “Đây là Tiếng nói Việt Nam...”. Sơn thích anh. Anh như giọt nước thần làm tươi mới ốc đảo, làm sáng trong cuộc sống của chị em tôi.

Sau thời gian khẩn trương luyện tập, đơn vị được lệnh lên đường. Anh đi vào đêm rằm. Gió từ biển ru hàng phi lao hát. Cát trắng bồn chồn xoa dịu cái nóng. Có cái gì dậy sóng lao xao. Thảng thốt, hẫng hụt, tôi như người mất hồn. Anh bước vào đời tôi nhẹ nhàng, dung dị. Tôi thấy ấm áp như được chở che, được tựa vào một bờ vai dịu dàng để khóc, để biết mình là con gái. Đã bao đêm tôi đợi tiếng lạo xạo trên cát, đợi bước chân quen thuộc, đợi tiếng gõ vách nhẹ như tiếng gió mà vẫn biết là anh... Ngôi nhà giữa vùng gió cát lưu giữ bao kỷ niệm. Cái giọng Hà Nội trong trẻo, ngọt ngào đến đắm say ấy đã bao lần tôi ao ước. Ngày mai không anh. Ngôi nhà thiếu anh. Con đường vắng anh... Chị em tôi sẽ sống thế nào? Lại trở về như những ngày trước đây, như anh chưa từng bước vào cuộc đời. Nhưng làm sao thế được. Một tình cảm tươi mới đang xâm chiếm tâm hồn. Nó như nguồn mạch căng tràn nhựa sống. Trái tim tôi lần đầu tiên biết run rẩy, thổn thức. Dưới gốc cây “bưởi chồng, bưởi vợ” (anh đặt tên), anh vội vã đưa tôi một túi sách:

- Em đọc những cuốn sách này đi. Gia tài sinh viên của anh chỉ có bấy nhiêu thôi. Giữ hộ anh Khuya rồi, chào em Sơn... Nó là đứa trẻ thông minh. Đừng để em thất học. Và em nữa, nên tiếp tục học, không có văn hóa thì cực lắm…

Rồi anh cứ trở tới trở lui. Trăng dồn mây hững hờ. Gió lao xao. Anh luống cuống đến lạ. Chợt anh ôm tôi vào lòng. Gấp gáp. Vội vã. Xiết chặt. Nghẹt thở. Nồng nàn. Đam mê... Anh hôn lên mái tóc phủ dày bờ vai nhỏ nhắn đang rung lên từng hồi. Xoay khuôn mặt của tôi dưới trăng, anh hôn lên đôi mắt đẫm nước mắt, thủ thỉ một lời hẹn:

- Nếu... anh sẽ trở lại...

Chợt anh ngồi thụp xuống cát. Tôi hoảng hốt:

- Chi rứa anh? Anh đau bụng phải không? Chờ em lấy dầu…

Trở ra, anh đã chạy ra cổng. Dáng điệu lom khom rất lạ. Tôi vụt chạy theo. Nghe tiếng tôi, anh càng chạy miết. Thả đôi chân trần trên cát, cứ thế đuổi theo anh như muốn khuỵu xuống. Tôi nhào tới ôm sau thắt lưng anh, dúi trong tay anh một chùm phi lao xanh còn ngai ngái, hăng hắc gói trong chiếc khăn tay và lọ dầu gió. Anh hốt hoảng, giãy nảy, quay đi “Anh… Em về đi…”. Người mô mà lạ rứa. Lại còn mắc cỡ. Vừa mới đó thôi, còn… Tôi sững lại giữa trăng, giữa cát, giữa gió. Trơ trọi. Đơn độc. Bóng đổ dài trên cát. Tôi muốn được cùng trăng theo anh về phía ấy...

Lời hẹn như một lời thề vàng đá găm sâu trong trái tim. Anh là người đàn ông đầu tiên giữ cho tôi bao điều bí mật. Giúp tôi hiểu được rằng trong cuộc đời này không có con đường cùng. Niềm tin thắp sáng đã tiếp cho tôi sức mạnh. Tôi thi đậu trường trung cấp tài chính. Rời vùng quê gió cát, chị em tôi lên tỉnh học. Nhờ bà đỡ trông coi nhà. Chị em tôi chỉ mang theo bài vị, di ảnh cha mẹ, Bằng tốt nghiệp phổ thông của anh Tùng…

Giữa khi đó, tôi biết tin anh Tùng hy sinh ở Quảng Trị. Lễ truy điệu anh được tổ chức trang trọng. Bà con làng chài đến rất đông. Anh bộ đội làm chế độ chính sách nói không tìm thấy tư trang của anh. Thấy chị thất thần, Sơn không khóc. Nó vốn lì, giờ thì lặng im như bức tượng đá. Trốn ra bờ phi lao, nó khóc ngằn ngặt, không khác gì ngày anh Dũng đi Nam. Tôi có thể gục ngã được không? Lời mẹ đã găm sâu trong ký ức cô bé 8 tuổi: “Chớ than phận khó ai ơi - còn da lông mọc còn chồi nảy cây”...

Nhận tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi, tôi về nhận công tác tại ngân hàng tỉnh. Đúng lúc ấy, đất nước thống nhất. Tôi trông chờ tin tức của anh. Lời hẹn thề vàng đá không nguôi ngoai trong trái tim. Tuổi 20, đằm thắm như một bông hoa rừng, tôi nhận được bao lời tỏ tình. Mỗi tối thứ 7, gian nhà nhỏ dập dìu khách. Những người đàn ông vây quanh. Họ hứa hẹn tình yêu, hạnh phúc… Nhưng tôi đã bỏ qua rất nhiều cơ hội lựa chọn hạnh phúc cho mình.

Niềm hy vọng trong tôi vẫn mãnh liệt. 1 năm, 2 năm, 5 năm vùn vụt trôi qua. Thời gian như bóng câu qua cửa sổ. Tôi hoảng hốt. Nhưng trái tim vẫn vẹn nguyên như buổi đầu gặp gỡ. Thỉnh thoảng về quê, tôi thẫn thờ bên những kỷ niệm. Tưởng như anh vẫn quanh quất đâu đây, bên rặng phi lao, dưới gốc bưởi đôi, ngắm vầng trăng khuyết, ngắt lá phi lao đố tôi vết đứt. Mặt giếng loang loáng như có bóng hình anh...

Em Sơn mê anh đã quyết tâm thi vào Khoa Vô tuyến điện. Em đỗ thủ khoa, được chọn đi học Liên Xô. Thương em quá. Nó gan góc thế mà mềm yếu đến lạ. Chưa bao giờ chị em phải xa nhau. Nó mang theo chiếc áo cánh của tôi còn nguyên mồ hôi và dơm dớm nước mắt “Sơn chỉ ngủ được khi có mùi mồ hôi chị”.

Chiều thứ 7 hôm ấy, tôi về quê tranh thủ sang sửa mộ mẹ, ra đảo thắp hương cho cha. Bà đỡ thất thanh từ cổng:

- Mai ơi! Có anh bộ đội hỏi con!

Bà đưa 2 người khách vào nhà. Tôi giật mình. Một người thấp đậm, không phải. Người kia cao ráo đeo kính, mặc bộ quần áo bộ đội bạc màu, chân tập tễnh. Là anh? Anh không quên lời hẹn. Thế mà có lúc mình đã nghĩ… Trống ngực đổ dồn. Người khách bỏ mũ và đặt chiếc balo lên bàn. Mở nút balo đưa tôi gói nhỏ. Không phải anh... Tôi như quả bóng bơm căng xịt hơi. Tiếng thở dài đã nén rồi, mà vẫn rung lên thê thảm.

- Anh là Trung cùng đơn vị Tùng. Còn đây là y sĩ Thái của Quân y viện - người điều trị cho anh. Xin lỗi em đến bây giờ mới tới. Anh đã thất hứa với vong linh anh trai em. Chiến tranh kết thúc hơn 5 năm rồi. Chuyện... thì dài lắm.

Tôi nhận ra ngay nét chữ của anh Tùng: đều, đẹp, rõ ràng như chữ viết mẫu. Ấp cuốn sách lên ngực, tôi òa khóc…

Anh Tùng tôi và anh Trung được giao nhiệm vụ tìm hài cốt đồng đội vượt sông Thạch Hãn. Anh Tùng nhặt được một gói nhỏ, bọc nilong ướt mèm của đồng đội vượt sông dạt vào bến Nham Biều. Khả năng người ấy đã hy sinh. May quá, ngoài bì còn địa chỉ người nhận: “Kính gửi Mẹ: Nguyễn Thị Duyên... xã Xuân Đỉnh”. Hai anh giở ra, ngay đầu cuốn sách là dòng chữ “Đồng đội của tôi! Nếu ai nhận được, xin làm ơn chuyển giùm đến mẹ tôi theo địa chỉ…”.

- Hễ cứ nói về mẹ, anh thường thấy nó xúc động như thế. - Anh Trung kể tiếp. Tùng bảo anh: Chúng mình phải sống để đưa về cho mẹ anh ấy.

Nhưng Tùng chợt quay đi, nhìn xa xăm:

- Chiến tranh. Mọi cái đều có thể. Nếu có mệnh hệ gì... cậu nhớ chuyển hộ mình đến tay em gái, mình nhờ nó...

- Phỉ phui cái miệng của cậu - Anh mắng Tùng. Chiều tối, Tùng đưa anh ba lo của nó, trong đó có thư gửi của người lính gửi cho mẹ ở Hà Nội, em mở ra xem có đúng không? Anh cất vào ba lô của mình. Ngay tối hôm đó, bọn anh nhận nhiệm vụ đưa bộ đội sang bờ Nam... Trên đường bơi từ bờ Nam về, anh Tùng em đã nhường phao, thuyền cho anh để chở thương binh, tụt lại phía sau yểm hộ. Anh đưa được thương binh đến bờ bên kia, nhưng quay lại không thấy Tùng. Bỗng ùng... ùng... oàng oàng... Trên sông, dưới ánh sáng như ban ngày của pháo sáng địch rất nhiều ba lô, mũ cối của đồng đội nhấp nhô trên mặt sông bị băm nát. Anh trai em đã không kịp sang bờ Bắc…

Anh Trung đứng lên, đi đi lại lại, rồi chậm rãi nói:

- Anh hứa với Tùng, nếu may mắn sống sót, sẽ trao tận tay chiếc ba lô này cho gia đình. Rồi ngay đêm hôm sau, chính anh đã bị thương... bị mất trí nhớ. Anh đã “ngủ” suốt 8 năm qua. Hiện trong hộp sọ này còn găm mảnh pháo. Anh sống được để đến gặp em hôm nay là một kỳ tích. Ký ức chiến tranh đã giúp anh nhớ lại... Trí nhớ mới phục hồi lại. Và đó là lý do, hôm nay anh mới đến...

Tôi áp má vào chiếc ba lô của anh, nâng niu từng kỷ vật. Một cuốn sổ nhỏ đã ngả màu, loang máu. Nét chữ trang đầu đã bợt: “Các anh đã vượt sông, ba lô buộc chặt làm phao, đạn bắn như vãi trấu trên sông, pháo sáng bắn đầy trời, cứ bơi, cái đích phía trước là Thành Cổ. Nhìn đồng đội hy sinh nuốt nước mắt mà tiến về phía trước. Có những lúc bom đạn quanh mình, vì nhiệm vụ mà không sợ chết... Mai ơi! Nếu nhận được những dòng này, em hãy giúp anh chuyển bọc nhỏ gửi cho mẹ của đồng đội anh ở Hà Nội (anh cũng không biết tên). Phần người gửi bị thấm nước, chỉ luận được một chữ D thôi”. Tôi giật mình. Là... Không... Lạy trời. Hãy cho Dũng được sống. Kể cả việc anh ấy có quên con...

Nhân chuyến công tác Hà Nội, tôi tìm đến nhà mẹ Duyên. Linh cảm không sai. Nhìn hình anh trong tấm Bằng Tổ quốc ghi công, tôi khựng khuỵu như hóa đá. Trái đất quả là hẹp. Ngẫu nhiên hay sự sắp đặt số phận? Người đâu mà duyên phận lại gắn với anh em tôi kỳ lạ thế. Anh khôn thiêng đã cho tôi gặp mẹ. Tay mẹ run run mở bọc ni lông. Có 2 cuốn sổ và một gói nhỏ xíu. Mẹ cầm lên. Cuốn sổ đã hoen mủn, từng tờ ố màu rơi ra khỏi gáy bìa. Bà vuốt lại từng tờ, xếp lại, rồi chăm chú đọc. Thỉnh thoảng, bà lại giở kính ra lau. Anh đi đã 8 năm, nhưng ký ức người con trai vẫn vẹn nguyên trong mẹ. Bất giác, mẹ nhờ tôi đọc tiếp “Mẹ giúp con đến gặp cô Hoàng Thanh Mai ở làng Rồng... và nhận Mai và Sơn là con nhé. Mai là người con gái của con. Chị em Mai mồ côi từ nhỏ...”. Bà cầm lên cuốn thứ hai “Thân yêu gửi Mai...”. Bà giở tiếp. Mảnh vụn nát màu nâu trong chiếc khăn tay. Hộp dầu lăn ra... Tôi không kìm được... Bà linh cảm:

- Thằng Bi của mẹ nhắc tên Mai? Có phải là...

- Là con đây, mẹ!

Bà run run ôm tôi vào lòng... Từ hôm đó tôi trở thành con gái mẹ. Bà khuyên tôi hãy nghĩ đến tương lai của mình. Người chết thiệt phận đã đành, người sống không vì ám ảnh mà quên đi hạnh phúc riêng. Tôi cũng đã nghe lời mẹ khuyên. Nhưng hình như trái tim đã khép kín. Tình yêu đầu đời tôi dành trọn cho anh. Vẫn nguyên đó cảm xúc buổi đầu gặp gỡ…

Tôi dành hết thời gian cho công việc. Hoàn thành lớp hàm thụ đại học. Sơn đã về nước, kết hôn cùng đồng nghiệp ở Hà Nội. Vợ chồng em thuyết phục tôi ra Hà Nội sống. Mẹ cũng mong vậy. Nhưng tôi quyết định nhận công tác ở Huế với lý do gần quê, còn hương khói cho cha mẹ, cho anh Tùng...

*

Tôi có cảm tình đặc biệt với người Hà Nội. Cùng phòng tôi có chị Hương - người thủ đô theo chồng về Huế sau năm 1975. Chị em thân thiết, đi đâu cũng có nhau…

Rồi, chị mắc căn bệnh nan y, để lại 3 đứa con nhỏ dại (đứa lớn lên 10, đứa bé chưa tròn 2 tuổi). Trước lúc lâm chung, chị cầm chặt tay tôi “Hãy thay chị chăm sóc các con. Chúng còn nhỏ quá”. Chị đặt tay tôi vào tay anh Trúc - chồng chị như lời cầu cứu:

- Hãy giúp chị chăm sóc bố con anh ấy. - Hướng về chồng, nước mắt giàn giụa, chị nghẹn lời:

- Xin lỗi ba con anh... Em đi trước... Nuôi các con... S...ống h...ạnh phu... úc...”.

Chị ra đi... Và người ở lại day dứt với lời giối giăng.

Cảnh “gà trống nuôi con”, các cháu ngơ ngác như gà lạc mẹ. Sau khi “thay áo” cho chị, cơ quan đứng ra tổ chức đám cưới. Mẹ từ Hà Nội vào lo lễ cưới cho chúng tôi. Lần đầu tiên cầm bó hoa cô dâu, tôi òa khóc. Anh Trúc hiểu nỗi niềm ấy. Chưa một lần làm vợ, nhưng hình như tôi rất có duyên làm mẹ - người mẹ của đứa em sơ sinh và 3 đứa con thơ dại.

Nhưng, số phận không ngừng trêu đùa, thách thức. Bó hoa cô dâu vẫn còn trong phòng cưới. Hương hoa vẫn phảng phất trong chăn đệm, trên giường cưới, áo cưới... Đôi chim bồ câu đang cắn mỏ trên chiếc gối đôi trắng muốt. Làm vợ chưa trọn 2 tuần, rồi nối dài sau đó là 10 năm, 15 ngày chăm sóc người chồng bệnh tật với vai trò “người bảo mẫu”. Anh bị tai biến, liệt nửa người, không đi lại, chẳng nói năng. Mọi sinh hoạt hằng ngày của anh... cũng chỉ có mình tôi. Tôi không dám khóc. Nỗi đau âm ỉ như hóa đá. Lòng tôi ngổn ngang, dăng dện như tơ vò. Có ai tin được, làm vợ, mà tôi vẫn đồng trinh. Sau “tuần trăng mật”, đến cơ quan, chưa bước vào phòng, tôi đã nghe cánh lái xe rì rầm “Ba mươi tuổi mới làm “lễ hạ chầy”. Mạ già, ruộng ngấu... cứ là phải biết... Có 4 chân giường gẫy một... còn ba...”. Ngậm cười chua chát. Cứ để cho mọi người nghĩ thế. Tôi lang thang ra bờ sông. Khóc như chưa bao giờ được khóc. Nước mắt sẽ vơi đi nỗi đau. Tôi không muốn mang diện mạo tã tượi này về nhà. Không muốn mẹ biết. Cũng không muốn chồng tôi buồn. Anh đã từng là người lính Đường 9. Gần đây, vết thương cũ tái phát. Tôi hiểu nỗi đau của người đàn ông không “được làm đàn ông” với người phụ nữ của mình.

Tình nồng chưa bén, lại thêm gánh nặng một ông chồng bệnh tật và 3 đứa con thơ dại. Tôi có thể chối bỏ trách nhiệm này? Sợi dây gắn kết giữa mình và các con là gì? Máu mủ: không. Ràng buộc: không... Tôi sẽ sống thế nào đây. Lời hứa với người quá cố. Chị ấy mãn nguyện ra đi... Còn tôi? Tình thế trớ trêu… Rồi, tôi thoát khỏi mớ bòng bong, thành mẹ của 3 đứa trẻ và là “bảo mẫu” cho chồng tôi cũng nhờ mẹ. Mẹ vào ở với tôi, chăm sóc các con tôi. Mẹ giúp tôi bình tĩnh để suy nghĩ thấu đáo hơn.

Có bệnh thì vái tứ phương. Lặn ngòi ngoi ngóp, tôi đi khắp nơi tìm thuốc cho anh... Anh đờ đẫn. Cười cũng như mếu. Tôi đã nén lòng mình để làm tròn phận sự “người bảo mẫu bất đắc dĩ” của anh. Ở lâu với cái khổ, rồi cũng thành quen. Rồi anh cũng bỏ mẹ con tôi...

Các con thương quý tôi, nhưng chỉ gọi tôi bằng mợ. Mợ với mẹ thì có khác gì nhau. Tốt nghiệp đại học, đứa con gái lớn theo chồng ra Hà Nội. Con gái thứ hai ở lại Huế và tôi xin nghỉ trước để có biên chế cho con vào cơ quan tôi. Cô út học xong năm thứ nhất, được nhận học bổng du học tại Mỹ. Mẹ vào đón mẹ con tôi ra Hà Nội. Đến sân bay Nội Bài, con gái út cứ ôm riết lấy tôi. Cả ba đứa gục vào ngực tôi:

- Mẹ, mẹ cho cha con con nhiều quá...

Ôm các con vào lòng, cảm giác thật lạ. Số phận đã neo chúng tôi lại với nhau. Là mẹ các con từ lâu rồi, nhưng tôi vẫn chờ tiếng gọi ấy. Hạnh phúc được làm mẹ. Trái tim rỏ máu như được hồi sinh…

Các con đi rồi, giờ chỉ còn lại mình tôi. Chiều chiều, dọn dẹp ngõ vườn, tôi như thấy có chồng tôi và anh Dũng. Hai người đàn ông tội nghiệp bước vào đời tôi, đã cho tôi tình yêu, nhưng đều bỏ tôi lại một mình. Nhưng lúc nào tôi cũng nghe rõ tiếng đập của trái tim khắc khoải, tiếng thầm thì văng vẳng bên tai:

Thanh Mai của anh! Trên mặt đất không có con đường cùng. Muốn chiến thắng phải vượt lên chính nó…”.

L.T.B.H
(SH312/02-15)





 

Các bài mới
Hạnh phúc (25/02/2015)
Các bài đã đăng
Tết trên sông (17/02/2015)
Nồi bánh tét (15/02/2015)