Tạp chí Sông Hương - Số 35 (T.1&2-1989)
Điều bí ẩn về "Chim Phượng hoàng" của Shakespeare
10:30 | 25/05/2015

Hẳn là đã có rất nhiều người nghe nói đến cuộc tranh luận uyên bác kéo dài hơn 200 năm đề cập đến những bài Xô-nêt của Shakespeare và những cố gắng chưa có kết quả nhằm nhận ra những nhân vật chính trong các tác phẩm, đó là "Người đàn bà sầu thảm" và "Cậu bé dễ yêu".

Điều bí ẩn về "Chim Phượng hoàng" của Shakespeare
Ảnh: internet

Tuy thế, vẫn còn một bài thơ bí ẩn hơn nữa trong di sản của Shakespeare, bài thơ này đã được những học giả về Shakespeare tranh cãi trong ngót 100 năm vừa qua, và được xem như sáng tác bí ẩn nhất của nhà thơ lớn ấy.
 

Ảnh: internet

Dưới tựa đề "Chim Phượng hoàng và chim Gáy", bài thơ là một khúc bi ai của một đôi uyên ương nào đó, một khúc ai điếu cho đôi tình nhân mang những cái tên của các loài chim.

Vậy thì cái chết của ai đã được khóc than chua xót đến như vậy trong bài thơ? Điểm mấu chốt có thể góp phần gỡ rối cho vấn đề hóc búa đó là như thế này: Bài thơ ấy đã được ông Chester xuất bản lần đầu tiên trong một tập sách dành nói về cái chết không rõ ràng của một đôi tình nhân bí ẩn. Trong tập sách đó còn có sự đóng góp của các nhà thơ tên tuổi người Anh như Ben Johnson, George Chapman, John Marston và nhiều tác giả ít tên tuổi khác.

Trong số ba bản gốc còn lại đến nay của tập sách do Chester xuất bản, bản thứ nhất hiện được giữ ở Anh - và hai bản kia ở Mỹ. Trong một bản, ngày xuất bản đã bị cắt mất, bản thứ hai ghi năm 1601, và bản thứ ba ghi ngày xuất bản là năm 1611 mặc dầu rõ ràng là cả ba bản sách ấy được in từ một mẫu. Cuốn sách ấy, khác với "Những bài Xô-nêt", không đăng ký nơi bảo đảm tác quyền của nhà xuất bản, cũng không được một tờ báo định kỳ hoặc một xuất bản phẩm nào nói đến, mặc dầu nó đã được ông Edward Blount xuất bản, đây là con người mà sau đó chẳng bao lâu, đã ấn hành "Tập sách đầu tiên", tập sách đầy đủ nhất về những tác phẩm của Shakespeare vào năm 1623.

Các học giả đã không hề nghiên cứu về cuốn sách của Chester mãi đến năm 1878, kể từ sau đó, nhiều người đã đưa ra một khuôn mẫu có thể chấp nhận được của bài thơ, trong đó có cả của Nữ Hoàng Elizabeth. Tuy thế, phân tích cho đến cùng thì không có một lời giải nào do các nhà phê bình Anh và Mỹ đề nghị phù hợp hoàn toàn với sự miêu tả. Tổng kết cuộc tranh luận về bài thơ "Chim Phượng hoàng và chim Gáy", ông H. E. Rollins, một nhà chuyên môn Hoa Kỳ về lãnh vực văn học Anh đã đi đến kết luận rằng rất có thể bài thơ ấy sẽ mãi mãi là một điều bí ẩn.

Năm 1986, khi nhà phê bình Xô Viết llya Guililov xuất bản những thành quả việc phân tích cuốn sách của Chester trong cuốn "Tuyển đọc Shakespeare", cuốn sách do Viện Khoa Học Liên Xô ấn hành. Một trong những yếu tố giúp thực hiện nghiên cứu này tiến hành được là nhờ Thư viện lưu trữ Shakespeare, Folger và Nhà Bảo Tàng Anh đã gửi những bản sao micro phim cùng với những xuất bản phẩm quý hiếm khác trong thời đại Shakespeare.

Kết luận đầu tiên mà học giả Xô Viết này đưa ra là: Tất cả những bản dịch bài thơ ấy của các dịch giả Xô Viết và các dịch giả thời trước cách mạng đều đã nhầm lẫn chim Phượng hoàng với một gã đàn ông và chim Gáy là một phụ nữ, trong khi cả Shaksepeare và cả những tác giả khác trong cuốn sách đều viết về chim Gáy như một "chàng" và chim Phượng hoàng như một "nàng". Tất nhiên là người ta sẽ chuẩn bị một bản dịch tiếng Nga khác về tác phẩm này của Shakespeare, và nó đã được ủy thác nhiệm vụ ấy.

Tuy vậy, kết quả chính của công cuộc nghiên cứu của Guililov như sau: Sau khi phân tích hoàn toàn nội dung và nét riêng của bản in tác phẩm bí ẩn ấy cùng với luận văn của các học giả Phương Tây, Ilya Guililov đã chứng minh rằng ngày tháng xuất bản của cuốn sách ấy được chấp nhận từ trước đến nay - năm 1601 là sai. Theo ông ta, ngày tháng trái ngược ghi trên trang tựa đề của cuốn sách hoàn toàn là một sự lừa phỉnh. Ông ta lập luận rằng cuốn sách của tác giả Chester và tất nhiên là cả bài thơ của Shakespeare ra mắt vào năm 1612 hoặc 1613. Giả thuyết này củng cố thêm cho sự nhìn nhận rằng chim Phượng hoàng và chim Gáy biểu tượng là Roger Manness, Bá tước xứ Rutland và Elizabeth, con gái của nhà thơ Philip Sidney, những kẻ yêu nhau bằng mối tình trong sạch, vừa mới kết hôn đã sớm mất vào mùa hè năm 1612. Trong suốt cuộc đời, họ đã giấu kín hoạt động của mình, đặc biệt là việc theo đuổi sự nghiệp văn chương, trong vòng bí mật. Một điều khác thường là đám tang của họ đã cử hành riêng lẻ (cả hai đám tang đều tiến hành ban đêm). Không một ai được phép nhìn mặt người chết. Những điều người ta biết về cặp uyên ương này sau đó hẳn là dù để hoàn thành một cuốn tiểu thuyết hay, nhưng những công trình nghiên cứu về Shakespeare lại theo đuổi mục đích khác.

Đến nay, kể từ ngày bài thơ về chim Phượng hoàng và chim Gáy của Shakespeare được xuất bản lần đầu, đã ngót nghét bốn thế kỷ, và một học giả sống ở xa đất nước Anh hàng ngàn dặm đã tiến hành lột bỏ tấm màn thần bí. Những người thích thú với cái lịch sử rối rắm của việc nghiên cứu Shakespeare phải biết rõ cái tên Rutland. Đây là người đã theo học tại trường đại học Padua ở Ý cùng với những sinh viên Đan Mạch Rosencrants và Guildenstern, những cái tên về sau đã được Shakespeare đưa vào tác phẩm trong "Hamlet". Vào những năm 1920 giới phê bình văn học Nga đã quen thuộc với một giả thuyết của nhà sử học Bỉ, ông Demblon, ông này cho rằng Rutland là tác giả của nhiều vở kịch mà người ta đã gán cho là của Shakespeare. Vào thời đó, Anatôlư Lunatrátxki là một người bênh vực cho giả thuyết đó, về sau một tác giả người Nga làm việc ở Mỹ, ông P. Porokhovshchikov, đã nghiên cứu đề tài này.

Sự khám phá của học giả Xô Viết đã góp phần làm rõ nội dung bài thơ sầu thảm nhất của Shakespeare. Nó cũng mở ra một hướng cho việc nghiên cứu những tiền đề còn "nghi hoặc" khác trong văn học sử Anh thời Shakespeare, và trong sự phân tích cuối cùng những tư tưởng rất hiển nhiên trong việc nhìn nhận Shakespeare mà người ta còn ít biết đến. Ấn bản mới đây nhất của Ilya Guililov phơi bày thêm một loạt những trò đùa phỉnh văn chương liên hệ đến tên một nhân vật đồng thời với Shakespeare, Thomas Coryaté, nhà du lịch và cũng là nhà văn.

Những báo cáo từ Matxcơva chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của các chuyên gia nước ngoài về Shakespeare, đặc biệt là ở Anh và ở Mỹ, như một lời mời tranh luận trong cái hướng chúng tôi chắc là sẽ đạt được, là biết thêm những dữ kiện hay cũng như những điều mà chúng tôi không ngờ đến.

LÊ HÙNG VỌNG
(Dịch báo T.T Matxcơva 2-88)
(SH35/01&02-89)





 

Các bài mới
Đồng Hới (10/06/2015)
Các bài đã đăng
Ngày thứ sáu (13/05/2015)