Tạp chí Sông Hương - Số 35 (T.1&2-1989)
Mùa xuân với nỗi đau của đất
09:45 | 09/06/2015

PHẠM NGỌC CẢNH NAM

Thay vì cúi xuống đặt mũi dao đúng vào nơi quy định, giữa lỗ tròn của tấm khăn mổ trắng lóa thì anh lại bất giác nhìn lên mặt bệnh nhân.

Mùa xuân với nỗi đau của đất
Minh họa: Phạm Đại

Cô gái hai mươi tuổi, trán cao rộng, phẳng lặng, da trắng mịn tai tái, đôi mi khép chặt, ngực thở phập phồng. Một cơ thể sống, trẻ trung tươi mát, đang chìm sâu trong giấc ngủ thuốc mê. Một ý nghĩ thoáng qua: "Không biết hiện giờ cô ta ở đâu? Cô ta đang mơ thấy gì?". Lập tức anh run lên. Và thay vì rạch một đường dao thẳng góc ngang qua điểm Mac Burney, anh đã rạch chệch ra ngoài gần hai centimet và chéo một góc bốn mươi độ. Anh xấu hổ đến chín người trước các nhân viên phụ mổ hôm ấy.

Đường dao đầu đời của anh đã diễn ra như thế. Hóa ra, khi tiếp cận với sự sống mọi việc lại không đơn giản như anh tưởng. Bởi vậy những ca tiếp theo sau, anh đã dồn hết sức lực để tay khỏi run, đường dao khỏi lệch. Nhưng điều ấy đã thật khó khăn. Nhiều lúc tưởng như phải bỏ nghề. Anh bắt gặp ở mỗi cơ thể một cảm xúc mới lạ về sự sống, không ai giống ai. Anh cứ có cảm giác như đang thọc dao vào nhiều nơi trên cơ thể mình. Và cứ thế mà anh run tay, không tài nào khắc phục được.

Nhưng một việc đã xảy ra, xoay chuyển hẳn tình thế. Mấy ngày sau, trong phiên trực người ta đưa đến một con bệnh với chẩn đoán của tuyến dưới: "Bụng ngoại khoa". Một người đàn bà trạc bốn mươi tuổi, đẫy đà, ăn mặc diêm dúa, đang ôm bụng kêu la. Lập tức anh ở bên giường bệnh. Trước mắt, hay đúng hơn, ngay dưới bàn tay nhạy cảm của anh, rõ ràng là một cái bụng ngoại khoa. Một ca thủng dạ dày. Mọi triệu chứng kinh điển đều đã rõ rệt trên lâm sàng. Anh nhanh chóng chuyển bệnh nhân vào phòng mổ cấp cứu. Nhưng hội chẩn của phòng cấp cứu ngoại không nhất trí với anh. Người ta nghĩ tới một cơn đau do loét dạ dày - hành tá tràng thông thường và giữ trả bệnh nhân. Anh khám lại bệnh nhân lần thứ hai, thứ ba, rồi cuối cùng đâm ra hoang mang, không tin vào khả năng chuyên môn của mình nữa; và, thêm một điều mới mẻ là, anh không tin cả người bệnh lẫn căn bệnh của bà ta. Đêm ấy, Hải cứ mãi trằn trọc, cảm thấy nhục nhã xấu hổ cho bản thân mình, cho người bệnh ấy và cho tất cả mọi người. Sáng ra, đi ngang giường bệnh, thấy bà bệnh nhân đang ngủ ngon anh giận sôi lên, thô bạo đập vào vai bà ta, lắc lư cái đống thịt nung núc ấy cho đến khi bà mở mắt, vừa ngơ ngác vừa sợ hãi.

- Xin bà làm ơn đi ra cho! Xéo đi ngay! - Hải rít lên.

- Dạ, thưa bác sĩ, tôi còn đau mà!

Người đàn bà nói xong, liền ôm bụng oằn người nhăn nhó. Suýt nữa thì Hải đã đấm vào khuôn mặt nhớp nháp ghê tởm ấy. Nhưng rồi anh nhún vai, bỏ đi ra, lạnh toát người vì xấu hổ.

Thực ra việc ấy chẳng có gì đặc biệt. Ai đã từng làm nghề y, đều biết rằng có rất nhiều bệnh nhân thường giả vờ đau nhiều hơn để mong được hưởng một chế độ chăm sóc thuốc men đặc biệt. Và cái anh bác sĩ hai mươi bảy tuổi ấy, với lòng tin thơ ngây vào con người, đã dễ dàng bị mắc lừa, đưa đến chẩn đoán sai lầm nhục nhã. Càng nhục nhã hơn khi anh đã tốt nghiệp thủ khoa, với số điểm thi ra trường cao nhất từ trước tới nay.

Nhưng hai ngày sau, trong phiên mổ của mình, lần đầu tiên Hải đã không run tay, đã thể biện đầy đủ tài nghệ của một bác sĩ thủ khoa. Đó là cái giá đầu tiên anh phải trả cho cuộc sống.

Sau đó, anh đã gặp khá nhiều bệnh nhân giả vờ và không bị mắc lừa nữa. Người đã từng ra vô bệnh viện nhiều lần, giả vờ để kêu gọi lòng xót xa và quan tâm nhiều hơn của thầy thuốc. Người nông dân giả vờ để lấy cớ khất nợ nộp khoán, hoặc xin chuyển ngành nghề lao động. Anh công nhân giả vờ để được nghỉ ốm mấy hôm, chạy một mánh hàng béo bở. Người giáo viên giả vờ để lên rừng kiếm mấy bó củi mà vẫn được ăn lương. Gã thanh niên giả vờ để trốn nghĩa vụ. Bà hàng xóm giả vờ để bắt vạ kẻ đã đánh nhau với mình... Và, người thầy thuốc cũng giả vờ quan tâm, nhíu mày lo lắng bên giường bệnh để rồi vừa quay lưng đi đã nghĩ cách cho họ biết địa chỉ nhà riêng của mình, tính xem với con bệnh nầy có thể kiếm chác được bao nhiêu, có đáng bõ công không. Chẳng mấy chốc, Hải mất hẳn lòng tin nơi mọi người. Anh trở nên thờ ơ, ghẻ lạnh và chán ghét. Nỗi buồn chán hằn học tăng dần theo cuộc sống ngày càng khó khăn, như chiếc xe đạp lọc cọc mỗi ngày rệu rã của anh. Đồng lương bác sĩ chỉ đủ sống lưng nửa tháng. Còn lại cũng là cơm cha áo mẹ, giật gấu vá vai, đắp đổi sống cho qua ngày hết tháng. Một buổi sáng, với cái dạ dày lép kẹp, Hải còng lưng trên chiếc xe đạp lọc cà lọc cọc để đến bệnh viện với ý nghĩ là mình đang đi trả nợ cho hai bữa cơm hàng ngày của mình. Với tất cả sức mạnh của hai chữ "Trách nhiệm", người ta buộc anh phải làm việc, phải khám và chữa bệnh cho họ. Họ không để anh yên thân. Bất cứ lúc nào, và ở đâu, cần là họ đến đập cửa anh thình thịch. Không cần biết anh đang dở dang bữa ăn muộn màng, đang ngủ chập chờn giấc ngủ khuya khoắt. Anh đã thực sự sợ hãi, lẩn tránh họ một cách chua xót và cay cú. Anh trở nên khô khốc mòn mỏi, kéo rê đời mình qua những ngày tháng thờ ơ, chán ghét. Anh nhìn bệnh nhân với cặp mắt nghi kỵ, khinh bỉ, không một chút cảm thông. Vẻ đau khổ cầu xin của họ càng làm anh thêm bực mình, và đôi khi thích thú một cách ti tiện. Anh hằn học treo cao cái ưu thế thầy thuốc của mình. Những tiếng kêu khóc van vĩ, những cơn đau quằn quại của đồng loại không còn là nỗi lo lắng bận tâm của anh nữa. Mỗi ngày anh làm việc như cái máy, không suy nghĩ, không xúc cảm. Nhưng cũng hơn lúc nào hết, bàn tay cầm dao mổ của anh trở nên chính xác đến mức kinh ngạc. Anh mổ như làm trò ảo thuật. Đối với anh, luôn chỉ một đường dao. Không bao giờ rạch lại lần thứ hai. Một đường dao, qua lớp da và mô liên kết. Một đường dao, qua bó cơ. Một đường dao, qua màng bụng. Mũi dao của anh giờ đây cũng dửng dưng lạnh lùng như chính tâm hồn anh vậy.

Và thật đáng ghét, càng lún sâu càng ngụp lặn trong nỗi cô đơn buồn chán bao nhiêu, thì tài mổ của anh lại càng nổi tiếng bấy nhiêu. Tất cả bệnh nhân đều mong được anh mổ. Họ tin tưởng anh chẳng khác nào một Thượng Đế toàn năng. Và vị Thượng đế toàn năng ấy lại chẳng biết mình đang biến thành một thứ quỷ quái gì nữa.

Khi Hải đến ngỏ ý xin chuyển công tác lên bệnh viện X, giám đốc đang hí hoáy viết cái gì đấy, liền gở mục kính, nhìn sửng anh như nhìn một con quái vật. Ánh mắt ông, thoạt đầu lộ rõ vẻ nghi hoặc, lạ lẫm rồi cuối cùng giễu cợt.

- Cậu nói thật đấy chứ?

- Tôi nói thật! Tôi muốn đi! - Hải đáp lạnh lùng và chắc nịch.

- Vậy cậu đã nghĩ kỹ rồi chứ?

- Đã nghĩ kỹ!

- Cậu biết cái gì đang chờ cậu ở đấy không?

- Biết!

Ông đặt mục kính xuống bàn, bẻ bẻ mấy ngón tay múp míp nõn nà như tay đàn bà, tỏ vẻ nghĩ ngợi. "Bất ngờ thật! Anh chàng dở hơi nầy luôn luôn làm cho mình phải điên đầu. Mới hôm qua đây còn tuyên bố bẻ dao, không mổ nữa. Bây giờ lại xin đi miền núi, lên bệnh viện ấy. Ừ, mà hay đấy. Trên ấy đã có sẵn đồ mổ rồi. Đưa anh ta lên đấy thành lập khoa ngoại. Anh chàng thế mà độc đáo đấy chứ, luôn luôn như một quả bom. Anh ta đi thì cũng tiếc thật, nhưng lên đấy biết đâu lại được việc. Đưa khoa ngoại lên miền núi, hay quá chứ lỵ. Thế mới đổi mới tư duy chứ. Tỉnh ủy sẽ bất ngờ đấy, nhưng sẽ hoan hô mình cả hai tay. Kiếm được một tay mổ vững đưa lên đấy đâu phải dễ. Năm nay mình sẽ báo cáo thành tích rôm rã cho coi. Ông Châu giám đốc sở không bao giờ ngờ mình có thể làm táo bạo đến thế...".

- Ý nghĩ hay đấy! Tôi rất phục cậu! - Ông nói với tất cả sự hồ hỡi - Cậu thì lúc nào cũng như một quả bom. (Câu này thì ông nói rất thật lòng). Ít người có được suy nghĩ đúng đắn như cậu. Cậu sẽ được tăng một bậc lương. Lên đấy xem còn thiếu cái gì, tôi sẽ đưa lên. Nhưng... phải làm việc nghiêm túc đấy. Cố gắng phấn đấu...

Ông còn muốn nói nhiều nữa, nhưng Hải không muốn nghe. Anh chỉ có một ý muốn duy nhất là đi khỏi thành phố nầy, như một sự trốn chạy, thế thôi.

Và thế là bây giờ anh đang có mặt ở đây, trên chiếc xe chật ních người, hỗn độn bẩn thỉu.

Đến dốc Kiềng, hành khách phải xuống xe leo bộ. Cho đến bây giờ, cái dốc nầy vẫn giữ nguyên bộ mặt dã chiến của nó. Nó dốc đứng như cái cầu tụt trong các công viên thiếu nhi, từ đỉnh núi tụt thẳng xuống, không che chắn và được trải một lớp đá hoa cương lởm chởm, sắc cạnh đâm thủng cả chân người. Một bên là vách đá dựng đứng. Bên kia là vực tạo thành bởi hai quả núi. Từ ngày mở con dốc nầy, đã có hàng chục chiếc ô tô bị quặt tay lái, lao thẳng xuống hố, và đang nằm phơi xác lạnh lẽo dưới đáy sâu hun hút, bị lớp sương mù dày đặc quanh năm che phủ. Cần trục không thể câu chúng lên được. Nhặt được xác người là may lắm rồi. Cái dốc nầy là nỗi ám ảnh kinh hoàng của những lái xe. Ngay cả những tay lái rừng, những "con bò vàng" chuyên lùng sục kéo gỗ từ trong rừng sâu, khi qua đây cũng không dám lơ đễnh. Đây là con đường chiến lược từ đất Lào, xuyên qua cả trăm cây số rừng cheo leo hiểm hóc để đổ xuống thành phố cảng Đà Nẵng, một cảng giao lưu quốc tế quan trọng của miền Trung.

Leo bộ lên đã thấy khổ rồi, huống là ô tô. Với tư thế luôn luôn chúi người về phía trước để giữ thăng bằng trọng lực, người leo dốc phải vừa chăm chú tránh những viên đá nhọn lễu dưới chân vừa thỉnh thoảng phải nhìn lên xem có chiếc xe nào đang lao xuống để kịp thời né tránh. Người ta có cảm giác như đang mang một cái ba lô nặng mười ký trên lưng, và sức nặng ấy cứ muốn kéo họ ngã ngửa ra phía sau.

Buổi trưa ngập nắng. Bầu trời trong veo như mắt thiếu nữ. Vừa xuống xe, Hải đã choáng ngợp, lạ lùng trước khung cảnh hùng vĩ, xáng lạn nầy. Nó đập vào mắt anh như một giấc mơ, vừa dịu dàng vừa khốc liệt. Anh nghe trong lòng một nỗi gì đấy, đang cựa mình thức dậy, chưa tỉnh hẳn. Mùa xuân! Trước mắt anh, cái dốc cao ngất vừa nhìn lên đã thấy mỏi cổ, cái khe sâu đến rùng mình nổi gai. Tất cả, như một nỗi kinh hoàng đang được xoa dịu dần. Kìa! Cả vực thẳm là một động hoa vàng rực rỡ. Dường như thiên nhiên đang cố tình chơi khăm con người. Trên sườn vực, hàng chục cây Điệp đang trổ hoa. Và trên những đám mây vàng tỏa sáng ấy, vô số ong bướm đang tấp nập vào mùa thu hoạch, và đang nắm tay nhau nhảy vũ khúc xuân về. Cũng trên vách đá ấy, những đám dây leo um tùm dày đặc, chằng chịt níu kéo nhau từ dưới đáy sâu bò lên, đang nở vô số những nụ cười chào đón. Những cánh hoa như vành môi mở rộng, màu đỏ thắm thiếu phụ, màu hồng tươi con gái, màu vàng phơn phớt xanh hờn giận, màu trắng cả tin, màu tím khép nép. Cả đến ngọn cỏ cũng trổ hoa khoe sắc. Trước mắt anh, mùa xuân đang cầm cây cọ, đang bay lượn và không ngớt chấm phá lên trên cái nền xanh ngát kia, những màu sắc mỗi lúc một rực rỡ, mỗi lúc một lạ lùng biến đổi theo tầm nhìn ngày càng mở rộng của anh. Chim chóc ríu rít gọi nhau trong các lùm cây. Con diều hâu đang sải cánh bay là là nhàn rỗi trên đỉnh trời. Những bầy ong chia đàn thỉnh thoảng lại bay vù qua như những đám mây.

Và Hải sực nhớ ra, bây giờ đang cuối tháng giêng, vẫn còn mùa xuân. Nó khác hẳn với các thành phố ngột ngạt, tù túng, lừ đừ ngầy ngật, nửa tỉnh nửa mê mà anh vừa rời bỏ kia. Ở đó, mùa xuân chỉ có ba ngày, tất bật, gượng gạo và giả dối biết bao. Những bộ áo quần, những nụ cười câu chào xã giao chiếu lệ, những lời chúc tụng chẳng mấy ai tin. Và cả cuộc sống thường ngày đang diễn ra ở đó nữa. Như một thứ ao tù làm lịm tắt hàng trăm tiếng suối reo, hàng nghìn con sóng vỗ, để chỉ còn lại những lăn tăn trăn trở không ngõ thoát ra.

Và Hải bỗng cảm thấy mình như một thân cây héo rũ vì trời khô hạn, bây giờ đang èo uột sống lại dưới cơn mưa mùa xuân.

Mới leo được chừng năm chục mét, Hải đã thấy hai chân muốn quỵ xuống, ngực đập thình thịch, hơi thở dồn dập. Anh thận trọng đi sát vào vách núi. Nơi đó, vệ đường được phủ một lớp đất đỏ bằng phẳng dễ đi hơn. Ngay dưới chân, một cái rãnh khoét sâu hơn lòng đường, để cho nước thoát xuống trong mùa mưa lũ. Chiếc xe khách của anh, trống rỗng, đang ỳ ỳ gài số một chậm chạp bò lên. Thỉnh thoảng, mọi người dừng lại nghỉ chân để lấy sức, rồi leo tiếp. Hải chú ý đến một toán sáu người đàn ông ăn mặc giống nhau, những bộ quần áo lao động dày, bạc thếch, mang theo những đồ đạc lỉnh kỉnh chẳng biết để làm gì. Trông những cặp giò dẻo dai thuần thục của họ, Hải đoán chắc đó là những người thợ rừng, đã lăn lộn nơi đây nhiều. Đa số đều còn trẻ, chưa quá ba mươi, mặt mày rám nắng đen xỉn, tóc tai như cái bờm ngựa, đội mũ chụp bằng vải xanh ô liu cụp vành, bạc màu và bẩn thỉu. Họ không ngớt nói cười vui vẻ, chẳng lộ tí mệt nhọc nào. Và Hải ngạc nhiên khi tất cả đều hút một loại thuốc có cán rất sang, mà cả đời anh chẳng dám mơ tưởng đến. Anh tò mò nhìn kỹ từng khuôn mặt, và phát hiện ra trong đó có hai người dường như hai cha con. Người cha trạc bốn lăm tuổi, râu tóc lâu không cắt lởm chởm tua tủa như rễ tre, mặt vuông cằm bạnh, bắp thịt chắc nịch, đôi mắt hơi sâu buồn nhưng cởi mở, dễ chịu. Người kia, trông rất giống ông, nhìn kỹ hóa ra chỉ là một đứa trẻ, đâu khoảng 15-16 tuổi, mặt mày đen nhẻm, nhưng cặp mắt to sáng và hiền. Niềm vui thôi thúc, anh bắt chuyện với người cha:

- Đây quả là cái dốc tử thần phải không anh? Chắc anh thường hay lên vùng nầy lắm hay sao mà leo khỏe vậy?

Ông ta cười nói tự nhiên, mà không nhìn anh:

- Tui đi chuyến ni là chuyến thứ sáu đây. Bữa đầu thì cũng như chú rứa thôi. Nhưng chừ quen rồi.

- Anh làm gì trên nầy?

- Tụi tui đi đãi vàng! - Người đàn ông đáp tỉnh khô.

- Sao? Đãi vàng? Vàng đâu mà đãi?

- Trên núi chớ đâu! Ở dưới mấy cái khe, chỗ con sông, con suối. Đâu đâu cũng có.

Hải bị lôi cuốn ngay vào câu chuyện.

- Có thật không? - Anh hỏi.

- Trời! Bộ tui giỡn hả! Không có mà chịu cực như ri!

- Vậy... đi một chuyến được bao nhiêu?

- Vô chừng lắm, khi nhiều khi ít. Có lúc chẳng được cái lông nào, về tay không.

- Vậy mà cũng đi?

- Còn hơn ở nhà chết đói.

- Ở nhà anh làm gì?

- Làm hợp tác. Nhà tui có tám người, vợ chồng tui với sáu đứa con. Thằng lớn mười lăm tuổi, nó đang đi phía trước đó - Ông chỉ thằng bé mà Hải đã đoán ra từ lúc đầu, rồi tiếp - Nhà quê khổ lắm chú ơi! Nộp khoán đã không đủ, còn bán nghĩa vụ nầy nghĩa vụ nọ, chi văn phòng, chi tiếp khách cán bộ... Ba đứa lớn nhà tui đều phải ra đồng. Đứa giữ trâu giữ bò cho hợp tác, đứa quét sân phơi lúa. Còn nó - ông chỉ cậu bé đang đi bên cạnh - mới mười lăm tuổi tui cũng cho làm lao động chính. Rứa mà không có mùa nào đủ ăn. Mình làm ra lúa mà không được ăn lúa, phải ăn khoai ăn sắn. Tui nghĩ cái đời thằng dân đen như tui còn khổ hơn con trâu. Con trâu còn lo nuôi cho mập cho béo, còn mình thì cứ vắt khô.

- Vậy anh đi như thế nầy có đỡ hơn không? - Hải bỗng thấy chạnh lòng, hỏi với tất cả sự quan tâm.

- Đỡ lắm chớ! Chừ thì tui không lo nữa. Tui có vàng, tui trả hết nợ hợp tác, còn mua sắm đủ thứ trong nhà.

- Mỗi chuyến đi như vậy là bao nhiêu ngày?

- Vô chừng! Có khi năm ngày, mười ngày, nửa tháng.

- Sao vậy?

- Gặp hên thì ở lâu, còn không có phải lo cuốn gói về chớ tiền đâu mà ăn. Nhưng nói rứa chớ không đến nỗi tệ lắm. Mấy chuyến trước, cha con tui kiếm được hơn lượng đó!

Hải trố mắt kinh ngạc:

- Vậy à? Vậy thì mừng cho anh. Nhưng mà, tôi xem chừng cũng không dễ ăn đâu, phải không anh?

- Chớ sao! Vàng mà! Chết như chơi! Có bảy thằng chết rồi đó!

- Sao vậy?

- Thì sụp hầm chớ sao! Tụi nó ngu, đào hầm ếch. Ham quá mà, tới chừng nước ngấm vô lở xuống, chôn luôn, không kịp ngáp.

Nghe ông ta kể, Hải cũng đã thấy ớn lạnh. Anh hỏi tiếp:

- Anh lên đến đâu?

- Chuyến ni đi sông Vàng. Trên nớ còn ít người, dễ kiếm ăn hơn.

Bệnh viện Hải đang đến cũng gần đó.

- Vậy là chúng ta cùng đường. - Anh nói.

- A! Cán bộ lâm nghiệp hả?

- Dạ! Hải đáp cho xong chuyện.

- Người đàn ông vụt ngó Hải chẩm bẩm:

- Lâm nghiệp... sao ngó hiền khô rứa?

Hải cười không nói gì.

- Họ nói nhứt kiểm lâm, nhì thuế vụ mà.

Hải chỉ cười. Nhân dân thường có những cách phát biểu ý kiến của mình rất hay. Nhưng anh không muốn người đàn ông nầy có ác cảm với mình. Anh nói:

- Kiểm lâm chỉ là một bộ phận của lâm nghiệp. Tôi không làm kiểm lâm. Tôi đi trồng rừng.

- Cái chi? Trồng rừng hả?

Ông ta bỗng cười ngặt ngoẹo ra chiều thích thú lắm.

- Rừng mà phải trồng sao? Thuở đời nay tui mới nghe nói.

Hải không biết nói sao nữa, đành cười xuề xòa. Lát sau, anh lại hỏi tiếp:

- Nhà anh ở đâu?

- Ở...

- Anh đi như vậy, hợp tác xã không nói gì à?

- Có chứ! Tui trốn đi, với lại cũng đút lót cho mấy chả. Chớ họ cấm ngặt lắm. Đi buôn còn không cho nữa là đi đãi vàng. Lao động nông nghiệp làm ra lúa gạo cho xã hội mà. Họ nói rứa! Nhưng tui biết chắc mẩm là mấy cha nội lo không đủ lúa nộp cho nhà nước, sợ mất chức mất quyền nên ép tụi tui phải làm. Tui đâu có ngu! Làm mà không được ăn, làm chi! Đi như ri có cực, nhưng mà sướng, vì tui có vàng, tui có tiền, tui mua nộp, còn ruộng thì bỏ. Chổng mông làm cả năm không bằng đi một chuyến. Tội chi làm?

- Vậy trên sông Vàng họ cũng để cho các anh tự do đãi vàng à?

- Có chớ! Mấy lần trước tui đi bên Quế Tân, Quế Thọ. Bên đó chừ họ cấm ngặt, tui lên đây. Lần trước, cha con tui bị công an nhốt năm ngày, mất hết năm chỉ vàng, chớ không tui còn khá nữa.

- Họ lấy vàng của anh có biên bản gì không?

- Trời! Ở đó mà biên với bản - Ông trợn mắt lên nói - Tui lạy mấy cha nội như rái để mấy cha thả ra, có bao nhiêu tui đưa hết. Mà cũng không giấu với mấy cha được đâu. Thôi thì coi như bỏ, mình đi làm ăn chuyến khác.

Im lặng một lúc, ông nói tiếp, giọng buồn bã:

- Sao mà hồi chiến tranh, mình thấy chú bộ đội, chú du kích mình thương như cắt ruột. Còn chừ mới gặp đã thấy cái mặt dữ chằng, cứ muốn bỏ chạy. Nhiều đứa mới bằng tuổi con tuổi cháu mình, mà nói cái giọng ông nội, cứ phùng mang trợn mắt, cứ nạt với nộ. Công an chừ còn lớn hơn ông trời. Muốn bắt ai thì bắt, đánh ai thì đánh. Vàng bắt được mấy cha ăn hết. Nhiều lắm chú ơi! có bữa cả chục người bị bắt, mấy lượng vàng chớ ít đâu. Sức chi đem nộp nhà nước. Chiều nào tui cũng gặp mấy cha ở quán nhậu. Tui biết mặt hết mà.

- Sao anh không tố cáo họ?

Ông ta lại trợn mắt lên:

- Cái chi? Tố cáo mấy chả hả? Ai công đâu mà làm mấy chuyện tào lao nớ?. Trông cho mấy cha thả ra để còn đi kiếm chút đỉnh bù lại...

- Mấy người kia có phải cùng nhóm với anh không? - Hải chỉ bốn người thanh niên đi trước hỏi.

- Tụi tui đó! Đâu dám đi một mình chú! Lên rừng lên rú phải có bạn. Tụi nó cháu tui hết đó.

- Vậy các anh làm chung rồi chia hay ai đãi được nấy hưởng?

Hải vẫn chưa hình dung ra được công việc nầy như thế nào.

- Làm chung rồi chia đều.- Người đàn ông đáp.

- Có cãi nhau không?

- Mấy tụi khác thì có. Nhiều khi đánh lộn bể đầu nữa chớ. Nhưng tụi tôi thì không. Bà con với nhau hết mà.

- Không hiểu sao, Hải rất có cảm tình với những người nầy. Ở họ, sao mọi cái đều giản dị quá, ngay cả chuyện đánh nhau, chết chóc cũng thế. Mới gặp đã thấy như quen thân từ lâu rồi. Không một chút ngại ngùng, giữ kẽ. Sự giản dị mộc mạc với cuộc sống mang đầy tính bi hùng của họ có sức cuốn hút lạ thường. Dường như lâu lắm rồi, Hải mới thấy lại nỗi nao nức bồn chồn như những ngày đầu tiên bước chân vào ngưỡng cửa Đại học y khoa. Như con ngựa bấy lâu bị nhốt trong chuồng, nay bỗng nghe tiếng hí gọi man dại của bầy ngựa hoang, nghe hàng trăm tiếng móng gõ dồn dập bồn chồn vọng về từ thảo nguyên xa xưa. Và anh cũng muốn lồng lên, tung vó đạp đổ những rào giậu đang vây hãm quanh mình để trả về với thời hoang sơ nguyên thủy ấy.

Ngay chiều hôm sau, Hải đã có mặt ở nơi nầy. Và anh lại xiết bao kinh ngạc sao mùa xuân vẫn cứ đẹp đến thế. Ở đây, trời vẫn xanh lam, nắng óng ả, và rừng núi bạt ngàn vẫn không ngớt ngạc nhiên thích thú, như một cô bé buổi sáng ngủ dậy bỗng thấy mình đang mặc một chiếc áo mới rực rỡ màu sắc. Rừng và núi dãy gần nối dãy xa, xa mãi, trùng điệp chẳng biết đâu là giới hạn. Và trên lớp áo xanh nồng nàn mùa xuân đã tô điểm lên những mảng màu sắc vàng, đỏ, tím rực rỡ của các loại hoa rừng, màu sữa trắng đến sửng sốt của những con suối mùa xuân, màu lá non của những cây vừa thay áo mới. Như gấm thêu hoa. Như bức hoành tráng hùng vĩ muôn màu điểm xuyết. Cây lim già trổ hoa vàng sáng rực bên khe đá ẩm ướt và mù sương. Cây kiềng kiềng thanh mảnh, rắn rỏi vươn thẳng cao vút trên sườn núi, mỗi chiếc lá là một mảnh trời xanh óng ả. Cây chò cao lớn đĩnh đạc, trùm khăn đỏ như một đám cháy, xoãi những chiếc rễ vạm vỡ gân guốc ôm choàng qua các tảng đá xám rồi thọc sâu vào lòng đất. Nó đang vui vẻ lắng nghe giòng suối trắng róc rách kể chuyện và tinh nghịch luồn lách chảy qua dưới chân. Ngay bên bờ sông, cách cầu khoảng năm chục mét, một cây si cổ thụ với hàng trăm chiếc rễ từ trên thân, trên cành cao chằng chịt đâm thẳng xuống đất. Có những cái đang lơ lửng chưa kịp đến mặt đất, đã hối hả thọc những ngón tay hồng hào múp míp, móng nhọn trắng ngà cố vươn xuống. Những chiếc rễ lâu ngày lớn dần thành thân cây sần sùi xanh xám, và trên đó, những chồi non đang tí tách nhú lên. Cây si cổ thụ ấy không còn mang dáng dấp của cây nữa mà trông như một quả núi đá vôi với vô số thạch nhũ, vô số hang động. Nó cũng đang trẻ lại, đang làm duyên làm dáng với cái mũ xanh non mơn mởn đội lệch trên đầu.

Dòng sông, từ một nơi nào đó giữa núi non bạt ngàn kia, đã luồn lách chán chê qua các khe đá, lao xuống những ghềnh sâu, quanh co trên các sườn núi, chìm khuất dưới những tàu cây dày đặc, giờ đang nhàn nhã chảy qua một thung lũng hẹp mọc đầy những bụi hoa Mua, hoa Sim, hoa Dẻ.

Chính nơi đây, bên cạnh cái đẹp hùng vĩ ứa tràn sức sống của thiên nhiên nầy, một vẻ đẹp khác cũng đang diễn ra không kém phần sôi sục, khốc liệt, mà dưới cặp mắt của Hải, nó chứa đựng đầy đủ mọi ý nghĩa của cuộc sống. Đó là cái đẹp của lao động con người, của sự khai quật tìm kiếm, của sự tàn phá để thoát ra. Chính nơi đây, mặt đất đang quằn quại rên rĩ, dưới chân hàng trăm con người, từ khắp nơi đổ về, đủ hạng, đủ mọi tầng lớp. Chỉ nhìn vẻ mặt và bộ quần áo trên người họ ta cũng có thể đoán ra họ là ai, đến đây để làm gì.

Đám người đi tìm vàng, với quần áo lao động đủ kiểu đủ loại, với những khuôn mặt khác nhau nhưng cùng có chung một vẻ nao nức, tìm kiếm thời vận. Với những cuốc xẻng, nồi niêu lỉnh kỉnh, họ cười nói ồn ào, tiêu xài phung phí. Đa số là nông dân, không sống nổi với đồng ruộng, phải bỏ làng đi tìm cuộc sống khá hơn. Với những bàn tay thô kệch chai sạn, những bắp thịt nổi to săn cứng, những bước đi chắc nịch, họ hòa mình vào cuộc sống sôi động nầy một cách tự nhiên mộc mạc, như cây về rừng để được xanh tươi. Như nước về biển để được mênh mông cuộn sóng. Ngỡ ngàng hơn là những công nhân viên chức bỏ việc, hầu hết là giáo viên đã đổi lòng yêu nghề yêu trẻ lao vào thời vận để tìm kiếm sự tồn tại. Họ đều còn trẻ, nhưng bắp thịt gầy, bàn tay mảnh mai còn trắng như viên phấn nhưng khuôn mặt khô khốc xác xơ tỏ ra chưa quen với công việc nặng nhọc. Quần áo họ mỏng manh hơn, màu sắc hơn, nhưng vá mông vá vai trông đến thảm hại, ít hơn nữa là những cán bộ hưu trí, có thể nhận ra ngay với chiếc áo ka-ki Trung Quốc có tay dài cài cúc màu rơm khô meo mốc. Một số ít công nhân đội bảo dưỡng cầu đường. Vài anh bộ đội quân phục lôi thôi lếch thếch, không quân hàm không quân hiệu. Dăm cán bộ địa phương tranh thủ ngày nghỉ, cũng xách cuốc đi cải thiện. Rồi đến đám thanh niên hư hỏng, không có việc làm, từ thành phố kéo lên giở nghề chôm chĩa lừa gạt. Chúng lượn lờ qua lại giữa các lều các quán, đầu tóc bờm xờm, mặt mày la lét nanh nọc. Chính bọn nầy thường gây ra những vụ rắc rối, đánh đấm nhau ác liệt.

Lẫn trong đám người hỗn tạp ấy, là bọn con buôn. Họ ngụy trang nhiều hình thức, trong lớp áo quần bộ đội, dưới bộ cánh bà ba đen. Họ thậm thụt trong các quán, sau gốc cây, tảng đá, hoặc ngồi chờ ngày trên bờ sông để mua vàng của những người vừa đãi được. Họ chập chờn, vo ve như những con ruồi đi kiếm ăn khắp nơi chốn.

Dọc hai bên bờ sông, những hàng quán mọc lên tạm bợ, và luôn luôn di chuyển theo bước chân của đám dân tìm vàng. Quán bán chủ yếu là các món ăn, rượu bia thuốc lá, rồi đến cuốc xẻng, bồn gỗ, nhang đèn... Giá cả ở đây leo thang vô tội vạ, thường là đắt gấp bốn năm lần ở thành phố. Từ các quán, tiếng cười nói rôm rã, tiếng la hét cãi cọ, gây gỗ, lẫn với tiếng nhạc xập xình của các băng nhạc ngoại ngày đêm không bao giờ dứt. Khoảng mươi cái lò rèn dựng sơ sài. Tiếng búa đe nện chan chát. Tiếng ống bể thở phì phò gấp rút. Cuốc, xẻng, máng, bồn, dao, búa các thứ đều đang được khẩn trương sản xuất hoặc sửa chữa để bán cho dân tìm vàng. Chốc chốc, những tiếng hò reo đá lại vang dội cả núi rừng, khác nào tiếng hô xung trận đầy khí thế tấn công của một đoàn quân.

Vô số lều bạt được dựng lên dưới những tàng cây cổ thụ, bên các tảng đá lâu đời. Trong đó, những nồi niêu lỉnh kỉnh, cuốc xẻng, dao búa, ba lô túi xách, áo quần lem luốc, những vỏ chai, vỏ bao thuốc lá, cơm gạo và thức ăn thừa, chén bát đũa đĩa lăn lóc ngổn ngang. Đây đó, những bó nhang cháy bập bùng kêu gọi thánh thần đưa đường chỉ lối cho dân tìm vàng, hoặc còn trơ lại nắm que đỏ im lìm, tư lự trước nỗi đói khát của con người. Người ta đi lại tấp nập, hoặc tụ thành từng đám, nói năng, cãi vả, mặc cả săm se cân đo những chiếc lọ đựng bụi vàng. Mọi mánh lới trong nghề mua bán được giở ra. Nghệ thuật phân kim được vận dụng triệt để. Thỉnh thoảng, một tên côn đồ vụt bỏ chạy, xô ngã mọi người, len lỏi biến mất trong đám đông như con chuột chũi, để lại phía sau những tiếng hô hoán, kêu la oai oái của người bị cướp.

Khắp thung lũng đang bị xéo nát từng mảng. Mặt đất bị đào xới tung lên. Những chiếc xe cải tiến chở đầy đất đỏ lấy từ các hầm hố lên được đẩy ra sông. Chúng cũng đang rên xiết, run rẩy, lừ đừ dưới sức nặng ham sống của con người. Những chiếc đòn gánh cong gập trên vai, cũng đang hối hả gánh đất xuống bến.

Dưới sông, quang cảnh nền nếp, trật tự hơn. Những tấm lưng trần đen bóng dày đặc đang lom khom chăm chú, tỉ mỉ đãi đưa, gạn lọc những hạt bụi vàng nằm lẫn trong đất cát được đưa từ trên bờ xuống hay lấy từ đáy sông lên. Họ kiên trì, yên lặng làm việc. Họ gồng cứng đôi tay, chao đảo cái bồn gỗ qua làn nước trong. Họ căng mắt ra để tìm kiếm. Người ta tưởng chừng như nước sông cũng đang mặn lên vì những suối mồ hôi của họ đổ xuống. Và biết đâu, có cả máu nữa. Máu tươm ra từ những bàn tay nứt nẻ, từ những bàn chân bị sỏi đá đâm vào, từ những tấm lưng trần bị gai góc ven bờ hay những tảng đá ngầm dưới sông cào rách. Và, hơn tất cả, máu bật ra từ những tròng mắt đang mở căng, trợn trừng vì nỗi đói khát kiếm tìm. Rải rác một vài nơi, vẫn có người dùng xẻng thọc ngang bờ, khoét thành một đường hầm chạy thông vào đất liền. Khoét đến đâu, mang đất ra đãi đến đấy. Chốc chốc, tiếng ầm ào do các bờ đất từ những đường hầm ấy sụp xuống, vang lên trầm đục và dội xa theo sóng nước, lẫn với tiếng kêu thét hãi hùng tắt nghẹn của những kẻ bị chôn vùi dưới đó. Người ta dừng tay lại chốc lát, nghe ngóng, ngoái nhìn rồi tiếp tục cúi xuống làm công việc của mình. Cũng có một vài kẻ vác xẻng chạy đến. Nhưng cứu người thường là việc riêng của nhóm nào có người bị nạn. Điều quan tâm lớn nhất ở đây là vàng, chứ không phải mạng sống con người. Tất cả đều phải khẩn trương làm việc, lao vào hiểm nguy, cướp thời gian. Sự chậm trễ đôi khi dẫn đến những tai họa không lường trước được. Bị sụp hầm, bị cướp vàng cướp đất, bị công an bắt, bị người dân tộc đến gây sự.

Chưa bao giờ, và cũng không có nơi nào mà cuộc sống lại diễn ra với nhịp độ căng thẳng, khốc liệt đến vậy. Bao nhiêu sinh lực, bao nhiêu trí tuệ đều được dốc cạn. Bao nhiêu ham muốn, ước mơ; bao nhiêu buồn vui thương ghét; bao nhiêu lương tri và tình người, đều được phơi bày trần trụi dưới ánh mặt trời. Tất cả đều đã diễn ra một cách quá đỗi chân thực, quá đỗi sòng phẳng, y như nó phải thế. Nó phá tung những ao tù, nó đạp đổ những bức tường bưng bít sự yếu đuối ươn hèn. Nó bẻ gãy những lề thói, những nghi thức che đậy sự giả dối, biển lận, sự ác tâm. Ở đây không hề có sự thao thức, trăn trở. Mọi cái xấu đẹp, thiện ác đều rõ ràng, lồ lồ ra dưới ánh sáng trắng lóa của vàng. Nó khuấy động, đào xới ngay đến tận gốc rễ nỗi thờ ơ tịch mịch muôn thuở của những tâm hồn bạc nhược.

Và Hải bỗng choáng váng thực sự trong một cơn đau, một cơn đau đẻ, để tống khứ ra cho hết cái thứ nước đen hôi thối của ao tù thờ ơ chán ghét mà bấy lâu anh đã nặng nề cưu mang nó.

Anh len lỏi giữa đám đông để tìm người nông dân cùng đi với mình trong chuyến xe hôm qua.

Người đàn ông lớn tuổi đưa nhóm của mình tách xa mọi người, đi ngược theo dòng sông, tìm đến một quả đồi nằm cạnh khe núi, nơi mà dòng nước đang khuất mình dưới những tàng cây rậm, bỗng hiện ra mỉm cười lấp lánh dưới ánh mặt trời. Đây là rìa thung lũng, có nhiều cây lớn, nhiều bãi đá, và điều quan trọng là, có một loại đá giống đá tổ ong nhưng đã kết rắn lại thành khối đủ mọi hình dáng, kích thước. Trong ấy, nó cất giấu những hạt, những thỏi vàng lớn đông kết cùng với nhiều khoáng thạch khác. Ông phát hiện ra điều nầy nhờ những mảnh vụn của nó trôi dạt theo dòng nước xuống. Nơi đây ít người tìm đến, không khí ẩm ướt, cảnh sắc u tịch và huyền hoặc bởi các loại hoa rừng đang cố tỏa sáng dưới cái bóng âm u cố hữu của rừng già. Bầy ong vo ve, tấp nập lấy phấn. Tiếng gáy te te của lũ gà rừng. Tiếng nước chảy róc rách đâu đó. Tiếng con mang tác ngay bên cạnh. Và những cơn gió, thỉnh thoảng len lỏi, rầm rì qua kẻ lá. Tất cả, càng làm tăng thêm nỗi tịch mịch rừng rú, gieo vào lòng người một cảm giác vời vợi, nặng nề.

- Ghê quá đi cha ơi! - Người nhỏ nhất trong bọn bỗng lên tiếng.

- Con khỉ! Sợ cái chi? Có phước làm quan, có gan làm giàu. Mấy chỗ như ri mới có ăn chớ! Từ bữa qua đến chừ đã được cái chi đâu!

Người đàn ông lớn tuổi nói với con, giọng bực bội. Cậu nhỏ không dám nói gì nữa. Nhìn nét mặt tự tin của những người cùng đi, nhất là sự cứng cỏi vững chắc của cha, cậu thấy yên lòng. Họ chọn một khoảnh đất bằng giữa hai kè đá lớn để dựng lều, trông như một cái hang. Bốn người ở lại lo ổn định nơi ở và nấu cơm chiều. Người đàn ông, được coi như trưởng nhóm, vác con dao rừng lên vai, cùng với anh thanh niên to khỏe nhất đi tham quan xung quanh khu vực.

- Đất ni mà phá ra trỉa đậu thì phải biết! - Ông nói với người thanh niên cùng đi - Tau mà ở đây thì tau giàu. Cái thứ đất đỏ pha mùn đen ni, làm lúa sạ ngắn ngày, tau dám chắc cũng phải trên tạ rưỡi.

Ông nói, rồi thở dài xót xa. Dẫu sao, người nông dân nầy vẫn không quên được đồng ruộng. Nhiều lúc thấy nhớ, thấy buồn như mất đứa con. Ông được đẻ ra trên ruộng, ru ngủ trên bờ cỏ, lớn lên trên lưng con trâu con bò, quảy gánh lúa nặng đến gãy đòn xóc để cưới vợ, thức khuya trổ nước vào ruộng mà đẻ con. Gieo mạ nhớ từng ngày. Cấy lúa lo thời tiết. Phải biết sâu hạn, làm cỏ bón phân cho đúng lúc. Khi lúa trổ đòng đòng thì lo nơm nớp. Khi lúa gục đầu vàng chóe thì vui như mổ heo mổ bò. Những hả hê tất bật ngày mùa, câu hò đạp lúa đêm trăng. Buổi trưa hè nằm phanh ngực ngủ dài trên bờ ruộng dưới bóng tre xanh rì. Thức dậy ngắm mây trời, thấy cuộc đời sao mà sướng quá. Với một ví lúa đã thấy giàu. Có cái ra-dô, chiếc xe đạp đã thấy sang. Nhưng rồi tiếng kẻng ra quân, tiếng kẻng ra đồng, tiếng kẻng hết giờ, tiếng kẻng nộp lúa đã xáo trộn nền nếp cũ, đã trói tay trói chân mình. Hôm nay cày đám nầy, mai cấy đám nọ, mốt lại gặt ở đâu đâu. Tưởng tất cả là của mình, nhưng hóa ra không phải. Họp lên hành xuống, báo điểm báo công, sơ kết tổng kết, phê bình kiểm điểm, điên cả cái đầu. Và, ĐÓI! Rồi khoán! Lúc đầu tưởng đỡ hơn, nhưng mỗi ngày mỗi tăng mức, đeo thêm gánh nặng cho cây lúa, bắt nó phải cố sức đẻ tăng gấp rưỡi gấp đôi. Đến nỗi càng được mùa càng thấy xót. Chỉ tổ còng lưng gánh lúa giao nộp, tối về nằm vắt tay lên trán nghĩ mà tủi cái thân, mà thương cây lúa. Nợ khoán chồng chất như ngày xưa vay lúa địa chủ, lãi mẹ đẻ lãi con, lãi con sinh lãi cháu. Mình chết thì con phải trả, vắt khô cái xác ra mà làm cũng cứ nợ. Không trả đủ thì công an, xã đội xộc đến nhà dắt xe đạp, lấy ra-dô, bắt heo bắt gà để trừ nợ. Trong khi đó thằng kế toán có ba bốn tấn lúa trong nhà, thằng vật tư, ông chủ nhiệm bán phân mua vàng cất vô tủ. Nhưng mà đố ai có dám hé môi! Vừa than một tiếng là tiêu cực, là chạy chính sách, là phản động. Tù như chơi! Có ai dám bênh vực mình. Cách mạng mà như rứa sao? Tiến lên chủ nghĩa xã hội hiện đại hóa nông nghiệp, nhà ngói; Honda, máy nổ, đèn điện ai mà không ham. Ông cũng biết giàu đâu chỉ có ví lúa, sang đâu chỉ có ra-dô, xe đạp, sướng đâu chỉ ngắm mây trời. Giàu là phải nhà lầu nhà đúc. Sang là phải xe cúp, xe hơi, sướng là không ai áp bức bóc lột, là tự do làm chủ được cuộc sống của mình. Đâu phải như làm mướn cho địa chủ, đâu phải như quỵ luỵ dưới chân thằng ấp trưởng, đâu phải run như con chó ướt trước mũi súng của thằng dân vệ để nhìn nó bắt em gái mình dẫn vô miếu hiếp dâm, đâu phải như thấy thằng Mỹ là phải chạy trối chết mới còn thở còn sống. Có như rứa mới theo cách mạng chớ! Nhưng chừ sao thấy chán quá. Hết tin rồi! Thôi thì kiếm đường khác lo cái thân. Nghĩ đến lớp con mà tủi cho nó. Mình đã dốt nên không làm được thằng đội trưởng, thằng kế toán. Nhưng con mình, ăn không no lấy đâu mà học với hành. Đóng lúa đóng gạch làm trường tưởng con mình được học, ai ngờ chỉ có con nhà giàu, con chủ tịch, chủ nhiệm... Chừ thì không tin ai nữa, chỉ tin mình thôi. Đi như ri cực lòng lắm chớ. Sướng là có vàng, có tiền, nhưng nhớ cây lúa, nhớ cái ruộng lắm chớ. Mà nhớ thì cũng chịu. Phải có tiền, có tiền. Tiền là tất cả. Con mình sẽ được đi học, sẽ có một cái nghề gì đó, chớ không phải cái nghề nông chó chết như mình.

Tất cả ước mơ của ông là thế. Ông chấp nhận cảnh khổ vì dốt, cha mẹ nghèo. Nhưng còn con ông, nó không thể cứ như vậy được. Ít ra nó phải làm được cái chủ nhiệm hợp tác, cái anh kế toán, nếu không được là giáo viên, là kỹ sư, bác sĩ. Chính vì thế mà ông đã bỏ làng lăn lộn hết núi nầy qua núi nọ từ nửa năm nay. Ông đã tìm được lối thoát cho mình. Trước kia, ông cứ trông chờ ở Đảng, ở Nhà nước. Nghe đài nói thấy sướng cái lỗ tai, nhưng đói vẫn cứ đói. Chừ nói cải tổ, đổi mới, khoán, không ăn chia theo ngày công lao động nữa, để xã viên trực tiếp thanh toán sòng phẳng với Nhà nước, nghe thì sướng đó. Nhưng rồi có cho làm thiệt rứa không. Làm rứa thì ông chủ nhiệm, thằng kế toán thằng vật tư lấy chi ăn? Nó có chịu để mình làm không? Đảng thì xa quá. Nhà nước thì sợ quá. Mới tới xã xin chứng cái đơn đã thấy ớn rồi.

- Mua công trái chưa? Nộp khoán đủ chưa? Chưa hả, về đi! Mua công trái, nộp khoán đủ rồi mới chứng.

Bây giờ thì ông hoàn toàn không nghĩ đến những chuyện đau tim ấy nữa. Ông đào đất đãi vàng, bán lấy tiền trả nợ, mua sắm, ăn ngủ. Khỏe! Ông chủ nhiệm, ông chủ tịch, thằng công an có nói chi, mua biếu nó cái đồng hồ, tút thuốc "ba số" là im re à! Đơn giản quá! Rõ ràng quá mà lâu nay mình không biết. Cám ơn miếng đất cho hột vàng, cũng như lúc trước nó cho mình hột lúa. Chuyến ni, chắc phải xúc ít đất đem về cho vô cái hộp để trên bàn thờ thờ chung với ông bà.

- Nè Tuấn! - ông chợt hỏi người thanh niên - Mầy có nghe chuyện xã mình giao đứt ruộng cho xã viên làm, rồi đóng thuế thẳng với Nhà nước không?

- Có.

- Mầy thấy rứa có ăn không?

- Thì... cũng đỡ hơn trước đây. Nhưng thôi chú ơi! Bộ chú tính về làm ruộng lại hả?

- Không tau hỏi là hỏi rứa thôi! Mình không làm chớ cũng mừng cho bà con. Bà con có hột lúa mình cũng nhờ được. Chớ ai cũng bỏ ruộng như mình thì lấy chi ăn?

- Ôi! Thân ai nấy lo chú ơi!

Người đàn ông lớn tuổi nghĩ ngợi một lúc, rồi tiếp:

- Tau nghe nói ai muốn lãnh bao nhiêu ruộng cũng được, không lãnh cũng được. Nói rứa chớ cái nghề đãi vàng của mình đây ăn xổi ở thì thôi, không lâu đâu. Trước sau chi họ cũng cấm. Để mầy coi, tau mà nói sai...

- Cấm mình cũng có chút vốn rồi, khỏi lo.

- Ừa! Tau tính... nếu được rứa tau về tau lãnh lại ruộng cho bả làm, thuê thêm người, mình có tiền. Bỏ đất cũng uổng.

- Người đâu thuê?

Ông không biết trả lời sao. Coi vậy chớ không dễ. Đến lúc ấy thì ai cũng có việc làm nhưng dẫu sao ông cũng thấy mừng.

Đột nhiên ông dừng lại, quỳ xuống dùng dao nạy một hòn đá màu nâu sẫm ngay dưới chân. Ông bê nó lên ngắm nghía:

- Nó đây! Thứ ni đây!

Hòn đá nhỏ bằng viên gạch ống, méo mó, lởm chởm lổ chổ trông như ổ tò vò. Ông trở sống dao đập mạnh mấy cái. Dao dội ngược trở ra. Nó giống một khối đá tổ ong đông kết, rắn như bê tông. Ông đặt nó qua một bên, tiếp tục đào sâu xuống. Một lát ông đứng lên, lấp đất lại như cũ, ôm hòn đá lấy được định quay về thì chợt nghe có tiếng chân lạo xạo trên lá khô. Ông nắm chặt cán dao, huých cùi chỏ vào lưng Tuấn ra hiệu. Từ sau bụi cây, một người đàn ông hiện ra. Anh ta cao gầy, trắng trẻo, đội mũ lưỡi trai, mặc bộ quần áo ka ki xám bạc thếch, vai đeo cái túi vải màu xanh bộ đội. Trông thấy hai người, anh ta đứng lại ngỡ ngàng, rồi bỗng tươi cười bước thẳng tới, hỏi một cách vui vẻ:

- Các anh ở đây hả? Nhớ tôi không?

Mãi lúc lâu, người nông dân mới nhận ra anh bạn đã cùng đi chuyến xe với mình hôm qua.

- Ông lâm nghiệp! - Ông nói - Trồng rừng ở đây hả?

Hải cười, vỗ vỗ vào lưng ông nói:

- Không đâu! Tôi đi xem đãi vàng.

- Coi làm chi? - Ông hỏi, mắt nhìn chằm chằm nghi hoặc.

- Thì coi cho biết vậy mà! Anh đừng lo, tôi không đãi vàng, cũng không làm phiền các anh đâu.

- Nghĩ một lát anh nói tiếp:

- Tôi đi điều tra quy hoạch rừng để khai thác gỗ. Thấy các anh ở đây nên đến chơi.

Hai người tin ngay vào điều bịa đặt của anh.

Đêm hôm ấy, Hải ngồi bên cạnh xem họ đào vàng. Họ tranh thủ làm đêm để sáng đưa xuống sông đãi. Họ để riêng hai đống đất và đá, mỗi lúc mỗi khoét sâu vào lòng núi, lần theo dấu vết của loại đá quý ấy mở ra những ngóc ngách không thể biết trước được. Họ thay phiên nhau vừa làm vừa ăn uống suốt đêm. Phải nhìn họ làm việc mới thấy được sức khỏe dẻo dai và lòng kiên trì hiếm có của họ.

Trong thung lũng, đèn sáng như thành phố. Người ta vẫn đang làm việc. Họ tranh thủ đào lấy đất đưa ra sông để ban ngày tập trung đãi cho nhanh. Số khác đang ăn uống, nhậu nhẹt trong các quán. Bia tuôn như suối. Khói thuốc nồng nặc. Tiếng cười nói, cãi nhau rang rang. Đâu đó một giọng nam trung cất lên nghe hay lạ kỳ: "Anh đến thăm em, ngày qua bên bờ bến cảng. Mà lòng nghe xao xuyến, khi những con tàu nhả khói ra khơi. Anh đến thăm em, giữa mùa hoa phượng đỏ, nắng vàng còn bỡ ngỡ, trên những cung đường xuyên đảo tới nơi. Em ơi! Em ơi! Anh sẽ là tia nắng..."

Đêm sâu hun hút. Núi dường như gần hơn, cao to hơn, thành những khối đen lù lù ma quái dọa dẫm con người. Thỉnh thoảng vọng về tiếng gầm gừ của con thú nào đó đang tranh mồi. Con Cù-Hắc ru con ai oán, con Mang tác đơn điệu, buồn tẻ. Tiếng đập cánh hoảng hốt của chú gà rừng bị thú vồ. Ánh lân tinh lập lòe giữa bụi rậm. Đàng sau một tảng đá, con chồn lông xám có đốm đen đang đỏ mắt đứng nhìn bóng đèn sáng. Lát sau, nó buồn bã bỏ đi, mà chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra trên mảnh đất của mình.

Đến trưa, Hải đang ngủ mê mệt trong lều sau một đêm thức trắng, thì một tiếng ầm rung chuyển mặt đất làm anh thức giấc. Anh mở mắt, chưa tỉnh ngủ hẳn, nhưng một linh cảm chẳng lành khiến anh bật dậy, bổ nhào ra khỏi lều. Cách anh năm chục mét, hầm đã sập. Một đám bụi đỏ mù mịt đang bốc lên. Một cây lớn đổ nằm chỏng chơ trên miệng hầm. Một giây bàng hoàng, rồi như trong mơ, anh đạp bừa lên các bụi cây, phóng qua các tảng đá, loạng choạng chạy trên triền dốc. Ông Ba đang đứng như trời trồng ngay trước cửa hang.

- Ai ở trong đó? - Hải hỏi nhanh.

- Bốn đứa nó! Trời ơi! Làm răng chừ!

Ông la khản giọng, chạy quýnh quáng như người điên.

- Thằng Hiền đâu? Ông khủng khiếp hét lên - Hiền ơi! Con ở đâu?

Con ông không ở trong hầm. Ông vừa sai nó đi lấy cái búa tạ. Không lẽ nó chui vô hầm làm chi.

- Con ơi! Hiền ơi! Trời ơi! Con tui đâu? - Ông dậm chân vừa la vừa chạy nhớn nhác. Rất nhanh, Hải trấn tỉnh lại. Bốn người trong hang thì chắc khó sống. Hầm sụp từ nóc, do một tảng đá ngầm bằng chiếc xe con đè xuống làm cho toàn bộ khung trần phía dưới đều sập. Họ đã bị chôn sống. Bây giờ muốn đào lên, cả chục người thật khỏe chưa chắc làm kịp. Nhưng còn thằng bé?

- Thằng Hiền đâu? Anh nắm vai ông Ba lay mạnh, hét vào tai ông. - Nó có vô hầm không?

- Không! Không! Tui mới biểu nó đi kiếm cái búa.

- Búa để đâu?

- Ở... ở...

- Trời ơi! Để đâu anh không nhớ à?

Hải đang nghĩ đến khả năng thăng bé có thể bị đất đá đè phải. Một giây bây giờ là một mạng sống. Nhưng ông Ba như người mất trí. Hải đấm thật đau vào vai ông mấy cái cho ông tỉnh lại.

- Cái búa, cái búa để đâu? Nói mau?

Ông Ba sực tỉnh, chạy vụt đến chỗ góc cửa hang. Thằng bé đang nằm đó, tay chân xoãi rộng, máu ướt sũng cả tóc. Nó bị một cành cây lớn quật ngã, va đầu vào tảng đá cạnh đó. Hải lôi người cha ra, hét lớn:

- Dang ra! Dang ra cho tôi xem!

Nhưng người nông dân nầy không còn tỉnh táo nữa khi thấy con như thế. Ông nhào tới như con thú, bế xốc nó lên. Thằng bé nấc lên mấy tiếng yếu ớt rồi nôn ra một đống thức ăn. Máu từ trên đầu chảy xuống thành giòng.

- Đặt nó xuống! Anh đặt nó xuống để tôi xem. - Hải nói nhanh, rồi chợt nhớ ra, anh nói tiếp như hét - Tôi là bác sĩ đây, nghe không? Tôi là bác sĩ đây, anh đặt nó xuống để tôi khám. Anh ôm thế thì nó chết mất.

Nhưng ông Ba không thể nào tin anh được. Khi nói trồng rừng, lúc nói khai thác gỗ. Chừ thì hô là bác sĩ. Chắc thằng cha ni điên! Ông dùng cả bàn tay to của mình bịt chặt chỗ máu chảy rồi ôm thằng bé chạy như điên xuống thung lũng. Nhanh như chớp, Hải phóng theo, dùng bàn tay chặt mạnh vào gáy ông ta. Người đàn ông khựng lại, lảo đảo ngã xuống trong tay anh. Hải đặt cả hai người nằm xuống đất, bắt mạch thằng bé. Anh vạch tóc xem xét vết thương trên đầu. Da đầu dập nát, xương sọ lõm xuống bằng dấu ấn của đầu ngón tay cái. Ngoài ra không có tổn thương nào khác. Bất giác, Hải ngẩng nhìn lên trời như muốn hỏi xem phải làm gì. Anh vụt đứng dậy, bế ngửa thằng bé trên hai tay bước nhanh về lều. Anh mở vội túi xách, lôi ra cái hộp dụng cụ luôn luôn mang theo bên người. Anh cắt hết tóc chỗ vết thương, xem xét tỉ mỉ một lần nữa. Anh vạch mi mắt xem đồng tử, quan sát nhịp thở để cuối cùng có một chẩn đoán sơ bộ. Khi anh dùng gạc băng nhẹ để cầm máu vết thương thì ông Ba chạy xộc vào.

- Đi! Đi theo tôi đến bệnh viện ngay! May ra còn kịp.

Hải vừa nói vừa dùng hai cái xẻng cán dài, buộc chéo những quần áo lao động vào đó làm thành một cái cáng cứu thương dã chiến. Hai người cáng thằng bé chạy qua thung lũng lên đường cái, trước những cặp mắt tò mò bàng quan của mọi người.

- Sụp hầm! Vô mà cứu giùm họ! Mau lên! - Hải la lớn và chỉ về phía sau - Chúng tôi phải đến bệnh viện đây!

Dường như cung cách cáng người bị nạn và tiếng la của Hải đã gây xúc động trong đám người vốn dửng dưng trước cái chết nầy. Một số đông thanh niên vác cuốc xẻng chạy về hướng xảy ra tai nạn.

Hơn nửa giờ sau họ đến bệnh viện. Bệnh viện nằm trên một quả đồi thấp đã được ủi bằng, cạnh ngõ vào nông trường Dứa. Đang giờ nghỉ. Hải khiêng thẳng nạn nhân vào phòng cấp cứu.

- Ai trực đây? - Hải hỏi lớn.

Chẳng có ma nào cả. Hai người đặt thằng bé nằm trên bàn. Hải chạy đi tìm ông giám đốc. Ông ta đang nghỉ trưa ở nhà riêng phía sau.

- Báo cáo anh! - Hải vừa nói vừa thở - Có một ca chấn thương sọ não, bị lõm sọ. Tình trạng rất nặng, cần mổ gấp anh ạ!

Bác sĩ Tô, giám đốc bệnh viện, vừa bực mình vì bị phá giấc ngủ, vừa ngạc nhiên khó chịu khi thấy Hải chạy xộc vào, quần áo lem luốc bẩn thỉu trông chẳng ra làm sao cả.

- Mổ xẻ gì ở đây? - Ông gắt - Ai mổ?

- Tôi mổ! Hải nóng nảy.

- Này! Đừng có điên! - Bác sỹ Tô đã tỉnh táo hẳn - Mổ sao được?

- Tôi mổ! Tôi sẽ mổ! Xin anh giúp cho! - Hải dịu giọng, cố trấn tỉnh - Một đứa bé anh ạ! Rất đáng thương. Mời anh ra xem!

Bác sĩ Tô uể oải khoác áo vào rồi đi theo Hải. Năm nay ông năm mươi tuổi, người to cao, chậm chạp và đeo kính trắng. Ông gây cho người ta cái không khí tẻ ngắt, nặng nề, giữ kẻ và muốn xa lánh. Thật ra ông chẳng có điều gì đáng chê trách, luôn luôn đâu ra đấy, mực thước, làm hết bổn phận mình. Ông sống yên ổn, bình lặng, đóng khung trong những công thức chặt chẽ, mà ông đã xây dựng được từ những kinh nghiệm rút tỉa trong cuộc sống. Ông biết cách làm vừa lòng cấp trên nhưng không tỏ ra dua nịnh, biết cách bắt kẻ dưới phải tuân phục mà không oán trách, khiến kẻ khác ký những giấy tờ, công văn, quyết định theo ý muốn của ông mà họ vẫn vui vẻ. Ông làm được tất cả những việc ấy là nhờ vào những công thức. Ông chẳng bao giờ, và cũng không dại gì mà bước ra khỏi cái khung ấy. Nó là cái vỏ thép bất khả xâm phạm. Ông kịch liệt phản đối cách làm bừa bãi vô tổ chức và rất đề cao tính khoa học. Từ hai mươi ba năm nay, ông đã sống và làm việc như thế, chưa bao giờ không hài lòng về mình.

- Trực đâu? - Vừa ra đến nơi ông đã hỏi.

- Em đây anh Sáu! - Y sĩ Thành, phụ trách trực cũng vừa mới đến.

Nhưng bác sĩ Tô không quan tâm đến anh ta. Ông xem xét nạn nhân chấn thương sọ não đang nằm trên bàn, rồi nói với Hải:

- Không được! Nặng lắm! Làm sao mà bị thế nầy? - Ông quay nhìn ông Ba đang đứng bên cạnh.

- Đào vàng bị sập hầm!- Hải đáp - Nặng lắm, phải mổ ngay mới sống được anh ạ!

- Dụng cụ thì có đấy, nhưng trước nay không ai sử dụng, bụi bám đầy.

- Tôi đề nghị anh cho phép tôi mổ ca nầy! - Hải cố gắng giữ cho giọng mình khỏi có vẻ van nài.

- Cháu là gì của anh? Bác sĩ Tô hỏi Hải.

- Người quen.

- Bệnh viện có xe đấy! - Bác sĩ Tô nói - Cho chuyển cháu xuống Tam Kỳ thì tốt hơn. Dưới ấy có điều kiện.

- Không kịp đâu anh! - Hải quả quyết - Tụ máu nhanh, hôn mê ngày càng sâu thế nầy...

Đến đây, còn có một điều nữa anh không nói ra. Đó là, chẳng phải anh không tin khả năng chuyên môn của các bác sĩ khác, mà anh không tin rằng họ có sẵn một tấm lòng. Trong khi nạn nhân đòi hỏi tài nghệ, kiên trì, và đôi khi phải dũng cảm hy sinh để có những táo bạo cần thiết, lao vào cái chết để tìm sự sống.

- Nhưng làm sao được! Mình chịu thôi! - Bác sĩ Tô nhún vai, phác một cử chỉ bất lực rồi toan bỏ đi, nhưng Hải đã kịp níu tay ông lại.

- Này này! Tôi sẽ mổ, tôi xin chịu trách nhiệm. Anh nhất trí đi!

- Không! Không được đâu! Phải chuyển ngay thôi, càng sớm càng tốt! - Nói xong, ông quay đi.

- Tôi xin chịu trách nhiệm! Tôi xin chịu trách nhiệm! - Hải bám theo đón đường ông, sè hai bàn tay ra trước mặt cầu khẩn - Anh sẽ không dính dáng gì vào đây đâu!

Bác sĩ Tô sững sờ nhìn anh với tất cả vẻ khó hiểu. Anh chàng nầy điên thật rồi. Có ai dại như vậy đâu.

- Sao không? - Ông đáp, hơi tỏ vẻ khinh bỉ - Tôi là giám đốc ở đây mà!

Hải nổi giận thật sự:

- Anh không muốn để bệnh nhân chết ở đây phải không? Anh sợ trách nhiệm, trách nhiệm lại lớn hơn mạng sống của con người à?

- Tôi không sợ gì cả! - Bác sĩ Tô vẫn nói bình tĩnh - Nhưng đây là nguyên tắc. Làm việc phải có nguyên tắc chứ! Rõ ràng là chúng ta không có điều kiện mổ. Hơn nữa, cũng không phải là nhiệm vụ của mình.

Ông đã bực lắm rồi. Cái tay Hải nầy thật là vô tổ chức. Nghe đâu hắn là một tay mổ giỏi, nhưng bướng bỉnh lắm, chẳng coi ai ra gì. Mới về, chưa kịp phân công tác mà đã thế thì... Hắn bị đẩy lên đây không phải là không có vấn đề. Mình chưa kịp xem lý lịch, không biết thế nào. Từ trưa qua tới giờ hắn biến đi đâu không biết. Xem quần áo bộ dạng thế kia, chắc là đi đào vàng về. Hừ!

- Anh ở đâu về đây? - Ông hất hàm hỏi - Đào vàng phải không?

Hải toan gật đầu, nhưng chợt thấy nụ cười mỉa của ông Tô, Hải liền vội nói:

- Không! Tôi đi chơi, xem người ta đãi vàng, thấy xảy ra tai nạn nên đưa về đây.

- Thế hôm qua nay anh đi đãi vàng à?

- Không! Anh đừng hiểu lầm tôi, anh Tô ạ!

- Chú Hải theo tụi tui chơi - Ông Ba thấy hai người căng thẳng, liền xen vào - Tụi tui đào vàng ngoài sông, rủi ro hầm sụp, bốn đứa chết trong nớ. Còn con tui thì bị rứa đó. Xin Bác sĩ cứu giùm nó. Tui đội ơn! Tui có vàng, tui trả đàng hoàng, mấy chỉ cũng được.

Bác sĩ Tô nhìn người đàn ông rắn chắc nhưng mặt mày hốc hác kia, rồi nhìn Hải. Ông hơi nhếch mép cười:

- Không! Ở đây không mổ được. Ông nên đưa cháu xuống Tam Kỳ thì hơn. Đừng tin ông Hải nầy mà chết oan đứa con đấy!

Ông Ba nhìn Hải dò hỏi. Hải đang căng thẳng đến cực độ. Mồ hôi đầm đìa trên mặt. Da tái xanh. Anh biết chuyển đi thằng bé sẽ chết. Nhưng chưa bao giờ anh cảm thấy bị xúc phạm nặng nề đến vậy. Anh đưa mắt nhìn ông Ba, muốn biết ông đang nghĩ gì. Nhưng hơn ai hết, người nông dân nầy, với tấm lòng mộc mạc của mình đã thấu hiểu lòng tốt của Hải.

- Chú Hải, chú cứu con tôi đi! - Ông Ba kéo tay anh - Tui biết chú cứu nó được mà. Tui tin chú, chú Hải!

Bác sĩ Tô quay đi với nụ cười khinh khỉnh. Không còn nghi ngờ gì nữa, cái tay Hải nầy đang lóa mắt vì vàng, hết cả trí khôn. Không phải nhiệm vụ của mình mà cứ khăng khăng đòi mổ cho kỳ được. Có thể cứu sống thằng bé, nhưng nếu chết, ai dám chắc được điều nầy, lại phiền phức cho mình. Hắn cứ tưởng hắn là ông thánh, cái gì cũng làm được. Phách lối thế...

Hải chạy vào xem lại thằng bé rồi lập tức phóng theo bác sĩ Tô, chặn đường ông:

- Thằng bé có thể chết đến nơi anh ạ! - Anh run lên - Ông... giám đốc, chẳng lẽ ông... không còn chút lòng nhân đạo nào sao?

- Nhân đạo là phải chuyển nó đi gấp. - Bác sĩ Tô đáp gọn lỏn.

Hải lùi lại một bước, nhìn xoáy vào mắt ông dữ dội rồi nói rành rọt từng tiếng một:

- Té ra, ông chỉ là một con thú đội lốt người!

Hai người lườm lườm nhìn nhau trong giây lát, rồi bác sĩ Tô khẽ cau mày:

- Này! - Ông nói với giọng tỉnh đến lạnh người - Chưa ai dám nói với tôi như thế đâu nhé! Anh hãy nhớ như thế! Còn bây giờ, tôi ra lệnh, chuyển bệnh nhân đi - Ông nói lớn câu nầy cho cả phiên trực nghe - Còn nếu anh muốn mổ thì đó là chuyện của anh. Tôi không biết. Tôi cấm không ai được dính vào chuyện nầy.

Nói xong, ông thản nhiên bước thẳng về nhà. Một cô y tá nãy giờ đứng trong hiên chứng kiến cuộc nói chuyện giữa hai người, bây giờ mới bước ra.

- Anh xem kỹ lại có mổ được không - Cô nói với Hải, giọng nhỏ nhẹ - chớ ông Tô ấy thì luôn luôn như vậy. Ông ta lúc nào cũng nguyên tắc, mệnh lệnh và rất sợ trách nhiệm. Thấy thằng bé thương quá, để nó chết thì tội nghiệp lắm. Nhưng nếu nó chết trên bàn mổ thì chính anh phải chịu trách nhiệm đấy. Em rất hiểu anh, có thể giúp anh được, nhưng phải cho chắc mới làm. Trách nhiệm đấy!

Cô càng nói, Hải càng ngạc nhiên. Cô ta không đẹp nhưng dễ coi, mặt mang nhiều dấu ấn khắc khổ của rừng núi, đôi mắt to mênh mông như bầu trời xanh.

- Cô là gì? - Hải hỏi.

- Em là y tá trung cấp, chuyên ngoại, phụ trách tiểu phẫu ở đây. Em có thể phụ mổ, còn biết gây mê nữa.

Hải mừng như người trôi sông nắm được cây sào:

- Vậy thì ta tiến hành ngay.

- Nhưng có chắc cứu được nó không đã? - Cô y tá hỏi lại.

- Cô đã làm nghề y sao hỏi lạ vậy? Còn nước còn tát chứ!

- Nhưng trường hợp này không phải vậy. Đây mình mổ là sai nguyên tắc, phải chịu trách nhiệm.

Hải nóng nảy gắt:

- Trách nhiệm là phải cứu người. Nếu không mổ thằng bé sẽ chết ngay bây giờ.

Anh cúi đầu suy nghĩ một phút, rồi ngẩng lên nhìn trời, nói tiếp như nói với cao xanh:

- Trách nhiệm... trách nhiệm... không thể như thế được...

Anh vụt nói to:

- Mổ! Tôi chịu trách nhiệm. Cô hãy giúp tôi!

Năm phút sau, Hải đã chỉnh tề trong bộ đồ mổ, bước vào phòng cấp cứu và biết rằng mình đang đặt tất cả sinh mệnh của mình lên một bàn cân, mà đĩa cân bên kia là hai chữ "TRÁCH NHIỆM".

Hai ngày sau thằng bé tỉnh lại. Nhưng phải một tuần lễ sau nữa mới chắc là nó sống được. Ca mổ đã thành công như một phép lạ, nhiều lúc chính Hải cũng không tin. Suốt phiên mổ, thần chết không ngớt bay lượn trước mắt anh. Có lúc anh đã run tay (điều nầy rất lâu rồi, chưa hề xảy ra với anh). Nhưng cô y tá Ngà, với đôi mắt to mênh mông như bầu trời xanh ấy, thỉnh thoảng lại nhìn anh đầy tin tưởng và khích lệ. Dường như nhìn những ngón tay đang run rẩy ấy, cô hiểu được những gì đang xảy ra trong lòng anh. Và thế là anh lấy lại được bình tĩnh để tiếp tục công việc. Có lúc vì quá mệt mỏi, anh hoa mắt trước cái hố sâu lượn lờ những lọn tổ chức não mềm nhũn, trắng phiếu, loang loáng máu, và đã loạng choạng một ngón tay. Lập tức anh cảm giác được tia nhìn như nắng ấm của Ngà đang chiếu tới. Và thế là anh sáng mắt ra, vững vàng trở lại. Lần đầu tiên anh mổ mà không cảm thấy cô đơn. Nhưng khi Hải vừa vá xong hộp sọ, hoàn tất ca mổ, thì Ngà cũng vừa buông rơi cái bóng ôxy, loạng choạng đến đứng gục đầu, bấu hai tay vào tường thở nặng nhọc như sắp chết. Cô cũng vừa trải qua một cơn thử thách quá lớn. Nếu không có niềm tin và lòng yêu thương đứa bé, thì chắc cô đã bỏ cuộc.

Và Hải cũng thấy mình như một thân cây bị khô hạn, vô số cành lá đã chết mục đã mất đi cái bề thế sum suê của thuở ban đầu. Nó chỉ còn trơ cái gốc, và còn ngắc ngoải sống được là nhờ những chiếc rễ đã bám khá sâu, khá chắc vào tận mạch nguồn nguyên thủy của đất.

P.N.C.N
(SH35/01&02-89)






 

Các bài mới
Đồng Hới (10/06/2015)
Các bài đã đăng
Ngày thứ sáu (13/05/2015)