Tạp chí Sông Hương - Số 316 (T.06-15)
Văn học thiếu nhi sau 1986 từ cái nhìn toàn cảnh
14:46 | 16/06/2015

BÙI THANH TRUYỀN

Tiến trình văn học dân tộc và thế giới cho thấy văn học “người lớn” và văn học “thiếu nhi” là những hiện tượng quan hệ lẫn nhau, cùng nằm trong một chỉnh thể thống nhất. Đó là hai dạng sáng tạo tương liên.

Văn học thiếu nhi sau 1986 từ cái nhìn toàn cảnh
Một minh họa truyện “Dế mèn phiêu lưu ký” (Internet)

Thiếu văn học thiếu nhi - phần viết trong trẻo nhất, lắng sâu nhất, và cũng có thể là cảm động nhất ở mỗi người - thì lịch sử, ý nghĩa của văn học dân tộc sẽ không toàn vẹn. Văn học thiếu nhi Việt Nam nếu tính từ những năm đổi mới, có thể phân thành ba đoạn: từ 1986 đến 1995, từ 1995 đến 2005, từ 2005 đến nay. Mỗi phân đoạn đều có những vận động để kiếm tìm những phương thức phản ánh mới, nỗ lực khắc họa hình ảnh con người mới in đậm dấu ấn của trẻ thơ trong muôn mặt cuộc sống thời kinh tế thị trường. Sáng tác cho các em đã có những chuyển biến đáng kể, cả ở phương diện tiếp cận hiện thực mới sôi động từ nhiều hướng, quan tâm một cách toàn diện đời sống vật chất, tinh thần trẻ thơ đến một quan niệm mới mẻ về đối tượng tiếp nhận, về trách nhiệm của người viết...

1. Những gam màu sáng

Sau nhiều năm phát triển trong hoàn cảnh bất bình thường của chiến tranh, mang cảm hứng chung là động viên, ca ngợi cuộc trường kì kháng chiến thần thánh của dân tộc, bắt đầu từ giữa thập niên 80 của thế kỉ XX, trong xu thế chung của văn học, các sáng tác cho thiếu nhi cũng dần trở về trạng thái phát triển bình thường với sự chuyển biến từ cảm hứng lịch sử dân tộc sang cảm hứng thế sự đời tư. Lúc này văn học viết cho tuổi thơ cũng đã có một cái nhìn thật hơn, sâu hơn, toàn diện hơn đối với cuộc sống. Sự nghiệp đổi mới cũng có vai trò quan trọng đối với sự chuyển hướng tích cực trong bản thân từng chủ thể sáng tạo - nhân tố quan trọng nhất của sự thay đổi diện mạo văn học thiếu nhi hôm nay. Ngoài việc tôn trọng cá tính, phát triển ý thức cá nhân của người cầm bút, chính đổi mới đã trả lại địa vị đích thực của nhà văn, vinh danh những sáng tác thực sự có giá trị mà Tuổi thơ dữ dội (Phùng Quán), Miền thơ ấu (Vũ Thư Hiên) là hai trường hợp tiêu biểu. Thử làm một phép đối sánh đơn giản với giai đoạn trước, ta sẽ dễ nhận ra những thay đổi mang tính đột phá, thể hiện rõ bản chất và chức năng của văn học thiếu nhi gần ba mươi năm qua. Những năm 50, 60 của thế kỉ XX, tuy xuất hiện một số nhà văn và tác phẩm vô cùng ưu tú nhưng văn học thiếu nhi, cũng như cả hệ thống văn học giai đoạn này về cơ bản là xoay quanh tư tưởng chính thống. Phương hướng của văn học thiếu nhi kết hợp hữu cơ với xây dựng hình tượng “trẻ em - chiến sĩ” như những con người mới xã hội chủ nghĩa. Con đường của văn học thiếu nhi thống nhất với văn học người lớn, vận hành theo quy ước của văn học người lớn, vì thế ngay như đồng thoại - một thể loại văn học giả tưởng ở thời kì ấy - cũng không thể phát triển đầy đủ.

Cùng với sự ưu ái của toàn xã hội, các sản phẩm văn hóa tinh thần, trong đó có văn học cho các em cũng thu hút nhiều hơn sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức, đoàn thể. Trong nhiều năm qua, Hội Nhà văn Việt Nam, Nxb. Kim Đồng đã phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các cơ quan có trách nhiệm về giáo dục trẻ em trong và ngoài nước thực hiện rất nhiều chương trình và kế hoạch hoạt động nhằm thúc đẩy, kích thích, phát triển việc sáng tác cho thiếu nhi. Xin đơn cử một vài ví dụ: các cuộc thi Viết cho nhi đồng năm 1986 - 1987, sáng tác cho thiếu nhi 1990 - 1991, Thơ - văn về quyền trẻ em năm 1991, Truyện ngắn và thơ cho trẻ em năm 1996 - 1997, Sáng tác văn học “Vì trẻ em” năm 2000 - 2001, Văn học thiếu nhi “Vì tương lai đất nước” năm 2001 - 2002, Văn học thiếu nhi “Tình bạn tuổi thơ” năm 2006 - 2007…, các cuộc vận động sáng tác mang chủ đề “Một ngày kì lạ” năm 2007 - 2008, “Bước qua hai thế giới” năm 2008 - 2009, v.v. Nhiều tên tuổi mới xuất hiện từ những hoạt động tích cực của các đơn vị xuất bản, báo chí trực thuộc các khối cơ quan kể trên. Nhiều tác phẩm được giải cao từ những cuộc thi này như O tròn như quả trứng vịt (Nguyễn Duy Quế), Lá thư (Trần Quốc Toàn), Đội cầu gian truân (Đào Vũ), Tuổi thơ của con (Dạ Thảo Phương), Bỏ trốn (Phan Thị Thanh Nhàn), Đường về với Mẹ Chữ (Vi Hồng), Bí mật hồ cá thần (Nguyễn Quang Thiều), Tí bụi (Quế Hương), Một thiên nằm mộng (Nguyễn Ngọc Thu- ần), Chuyện rừng Pha Luông (Nguyễn Thành Phong), Cùng tuổi với Thăng Long (Nguyễn Hoàng Sơn), Trạng Diều (Nguyễn Bùi Vợi), Cõng nhà đi chơi (Vương Trọng), Lá nhung và lá xanh (Phương Trinh), Hai con diều bay thấp (Nguyễn Thái Hải), Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (Nguyễn Nhật Ánh), Con ma da sau vườn (Nguyễn Ngọc Hoài Nam)... đã được độc giả nhỏ tuổi đón nhận và tạo hiệu ứng tốt trong dư luận. Ngoài ra còn có rất nhiều tặng thưởng, giải thưởng, trại sáng tác được tổ chức với quy mô cấp khu vực và cấp tỉnh diễn ra sôi nổi trong toàn quốc, nhằm khơi dậy niềm say mê văn học, định hướng thẩm mĩ, bồi dưỡng tâm hồn và phát triển năng khiếu, phát hiện và phát huy khả năng sáng tạo cho thiếu nhi. Kể từ năm 2001, Hội Nhà văn Việt Nam đưa văn học thiếu nhi vào xét chung giải thưởng với văn học người lớn. Từ đó đến nay, đã có tác phẩm Miền xanh thẳm của Trần Hoài Dương, Miệt vườn xa lắm của Dạ Ngân, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh được trao thưởng. Về phương diện xuất bản, ngoài Kim Đồng, hiện nay đã có thêm nhiều nhà xuất bản khác, là những “bà đỡ” mát tay cho sáng tác của các cây bút quen thuộc, mang lại nhiều sinh khí mới cho văn học thiếu nhi đương đại. Định hướng nâng cao thẩm mĩ, văn hóa đọc sách của trẻ cũng thể hiện rõ qua việc Nxb. Kim Đồng đã có hẳn một chiến lược lâu dài với quy mô lớn đầu tư cho sách văn học - mảng sách đang bị xem là ế ẩm trong thời điểm hiện nay.

Văn học viết cho thiếu nhi sau năm 1986 đã có không ít tác phẩm kết tinh. Về truyện có Tuổi thơ dữ dội (Phùng Quán), Côi cút giữa cảnh đời (Ma Văn Kháng), Đường về với mẹ Chữ (Vi Hồng), Kính vạn hoa, Chuyện xứ Langbiang, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (Nguyễn Nhật Ánh), Bí mật hồ cá thần (Nguyễn Quang Thiều), Miền xanh thẳm (Trần Hoài Dương), Chú đất nung (Nguyễn Kiên), Chiếc vé vào cổng thiên đường xanh (Quế Hương), Bí mật giữa tôi và thằn lằn đen (Lý Lan),  Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ (Nguyễn Ngọc Thuần), Cha và con (Hồ Phương),… Về thơ có các tập: Dắt mùa thu vào phố (Nguyễn Hoàng Sơn), Mèo đi guốc (Trần Mạnh Hảo), Cầu chữ Y (Đặng Hấn), Cánh cửa nhớ bà (Đoàn Thị Lam Luyến), Cưỡi ngựa đi săn (Dương Thuấn), Tắc kè hoa, Đất đi chơi biển (Phạm Đình Ân), Mèo khóc chuột cười, Con chuồn chuồn đẹp nhất (Cao Xuân Sơn), Mùa chim (Nguyễn Ngọc Phú),… Đặc sắc của chúng không chỉ ở nét đa dạng trong đề tài, thế giới nhân vật, chủ đề tư tưởng thấm đẫm tình thương, trách nhiệm đối với độc giả nhỏ tuổi mà còn thể hiện ở nghệ thuật viết điêu luyện, gần gũi với thiếu nhi, ở việc tái hiện những môi trường văn hóa có tính chất giáo dục, nuôi dưỡng tâm hồn thơ bé. Nỗ lực áp sát cuộc sống trẻ thơ, nói bằng chính cách nghĩ, cách giao tiếp của các em, mảng sáng tác này đã khẳng định được sự cập nhật, không lệch pha với đời sống văn học Việt Nam đương đại, cho thấy cái tâm và trách nhiệm của người cầm bút để tạo ra những trang viết làm giàu tâm hồn trẻ, nâng cánh ước mơ tuổi thơ. Thành công của Nguyễn Nhật Ánh liên tục trong mười năm qua là một ví dụ.

Sự đa dạng, mới mẻ, giàu tính thời sự trong đề tài, chủ đề (trẻ em thành thị, nông thôn, loài vật, môi trường, tình bạn, xúc cảm giới tính của tuổi mới lớn, quan hệ giữa người lớn và trẻ em,…), kết hợp giữa hiện thực với kì ảo, phi lí và có lí, ngôn ngữ vừa hồn nhiên, thơ trẻ vừa triết lí hóm hỉnh kiểu trẻ con, dung lượng gọn nhẹ, hình thức trình bày bắt mắt, chiến lược quảng bá bài bản của nhà xuất bản và nhà văn,… tất cả mang lại thành công vượt trội cho hầu hết những truyện dài đều là sách bán chạy của tác giả giai đoạn này như: Tôi là Bê Tô, Đảo mộng mơ, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Lá nằm trong lá, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Ngồi khóc trên cây, Chúc một ngày tốt lành, Bảy bước tới mùa hè,…

Thời mở cửa, sự giao lưu với nước ngoài cũng có ảnh hưởng tới sáng tác, xuất bản văn học thiếu nhi. Trước hết là dấu ấn để lại từ cách lựa chọn, xử lí đề tài, bút pháp, phong cách,… Côi cút giữa cảnh đời, Chó Bi đời lưu lạc của Ma Văn Kháng có nét gần gũi với tác phẩm Không gia đình của Héctor Malot về văn phong, tình cảm và cả mô típ lưu lạc - đoàn viên của nhân vật chính. Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (Nguyễn Nhật Ánh), Chiếc vé vào cổng thiên đường xanh (Quế Hương) ít nhiều lấy cảm hứng từ bài thơ Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của Robert Rojdesvensky. Nhiều trích đoạn của Không gia đình, Những tấm lòng cao cả, Totto-chan, cô bé bên cửa sổ, truyện thiếu nhi của Puskin, Lep Tonxtoi, Andecxen, Xukhomlinxki... đã được đưa vào giảng dạy trong chương trình phổ thông hiện nay. Kho tàng văn học thiếu nhi nước ngoài này chính là vốn kinh nghiệm quý báu đối với các nhà văn viết cho tuổi thơ của chúng ta. Vừa tiếp thu văn học thiếu nhi thế giới, vừa cố gắng giữ “thương hiệu” của chính mình, để không bị tình trạng “lấn sân” của bạn là một nỗ lực đầy tính nhân văn của người viết cho trẻ em hôm nay.

Một minh họa truyện “Chiếc lược ngà” (Internet)


2. Những sắc diện chìm

Ngoài những tác động tích cực ở trên, cơ chế thị trường, tình trạng thương mại hóa khiến văn học thiếu nhi, mặc dù đã nhạy bén điều chỉnh và định hướng theo nhu cầu tích cực của bạn đọc, nhưng cũng chịu không ít lao đao. Sáng tác cho trẻ em dường như không mấy được chú trọng, không còn gây được thanh thế như giai đoạn trước giải phóng.

Gần ba thập kỉ qua, nền văn học, nghệ thuật nước ta đã dành nhiều ưu tiên phục vụ thiếu nhi. Tuy vậy, phải thừa nhận rằng, so với nhu cầu thực tế thì các em vẫn thiếu và đói văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là trẻ ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Hiện tượng bành trướng và sức hấp dẫn từ văn học thiếu nhi nước ngoài được dịch sang tiếng Việt, nhất là mảng truyện tranh cũng là nhân tố quan trọng đẩy văn học thiếu nhi đương đại Việt Nam vào tình thế lép vế, mất mùa, thua ngay trên sân nhà. Một nguyên nhân cơ bản là đề tài của chúng thường khá phù hợp với thị hiếu, tâm lí trẻ em hôm nay bởi chủ yếu là thế giới thần tiên, huyền thoại với phép thuật, phù thủy. Những tác phẩm ăn khách nhất thời gian qua đều có nội dung liên quan đến thế giới huyền ảo như Harry Potter, Hậu duệ thần đèn, Pendragon, Doraemon, Archie, Phù thủy xui xẻo, Tôi là Coriander, Vương quốc bí mật... Trong khi truyện nội thiếu chất tưởng tượng, kì ảo bay bổng, đôi khi lại quá chú trọng chức năng giáo dục nên giọng điệu không khỏi có phần kẻ cả, răn dạy. Trong bối cảnh hiện nay, khi các phương tiện truyền thông (màn ảnh nhỏ, internet) đang phát triển mạnh mẽ, thì văn hóa nghe - nhìn có phần lấn át văn hóa đọc. Với trẻ thơ, điều này rất dễ nhận thấy, bởi đó là lứa tuổi mà trong nếp nghĩ, nếp cảm còn khá giản đơn, thường hứng thú với những thứ mang đậm tính trực quan, sinh động, giàu hình ảnh hơn là các trang viết dài dòng. Và hậu quả tất yếu phải xảy ra: Những câu chuyện vốn được xem là giàu tính văn chương, nghệ thuật dễ dàng bị lọt thỏm, khuất lấp, chìm đi giữa dòng thác mạnh mẽ của luồng truyện tranh đến từ bên ngoài. Hình thức hưởng thụ sang trọng nhất là đọc sách văn học phần nào bị quên dần ở giới trẻ. Một cuốn sách hay, nói như nhà văn Mỹ Katherine Paterson, sẽ mở toang trí tưởng tượng của trẻ em và cho chúng thấy ý nghĩa cuộc đời. Nhưng với thực tế trên, chẳng lẽ trẻ em Việt Nam sẽ phải khai tâm mở trí với văn hóa xem chứ không phải là văn hóa đọc, với những cái tên, địa danh và hoàn cảnh không phải Việt Nam?

Sự sống còn của một tờ báo, tạp chí cũng khiến người ta ngại ngần khi lựa chọn văn học thiếu nhi. Thơ văn của các cây bút chuyên viết cho tuổi thơ rất khó được in trên báo, tạp chí. Những nơi đăng tải đã ít lại khá chật chội, nên tác phẩm văn học cho các em hiếm có cơ hội được giới thiệu. Dưới hình thức kì ảo, truyện Cuộc đời khốn nạn của một bản thảo của Lê Anh Hoài gần đây thêm một lần làm người đọc ái ngại và không khỏi hoang mang trước tình cảnh mất giá, bi hài của văn chương thời nay, trong đó ám gợi nhất là số phận một câu chuyện thiếu nhi bị lạc, bơ vơ, hãi sợ, yếm thế giữa một rừng thơ truyện dành cho người lớn đang mốc mục nơi xó phòng.

Trọng lượng, khuôn khổ cuốn sách cũng không thể vô can trước tác động gay gắt của cơ chế thị trường. Nhiều người không khỏi e ngại cho bạn đọc nhỏ tuổi khi thấy không ít tuyển tập với bìa cứng, dày cả gang tay như Kho tàng truyện cổ Grim do Nxb. Văn hóa Thông tin ấn hành năm 2003; tình hình cũng diễn ra tương tự với Kính vạn hoa của Nguyễn Nhật Ánh, khiến giá sách phải đẩy lên cao ngất. Sự “thâm canh” trên cánh đồng văn học thời kinh tế thị trường vốn dĩ đã nhọc nhằn, trên mảnh đất chẳng mấy màu mỡ là văn học thiếu nhi càng nhọc nhằn gấp bội.

Lực lượng viết cũng là một nỗi canh cánh của những người quan tâm đến mảng sáng tác này. Đội ngũ sung sức nhất thì đa phần cũng đều ở vào tuổi “tri thiên mệnh”. Đội ngũ trẻ hơn, có cảm tưởng họ chưa đủ mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng để đảm đương “ngọn đuốc” của các bậc đàn anh trong cuộc chạy tiếp sức này. Dẫu có nhiều mới mẻ trong suy nghĩ, hiện đại, mạnh dạn, táo bạo trong tìm tòi và đã mang lại cho văn học thiếu nhi những nét trẻ trung, tươi tắn nhất định, nhưng trước sự ba động của đời sống, yêu cầu họ sống chết với văn học tuổi thơ thì quả là khó lắm thay!

Ngay như hiện tượng Nguyễn Nhật Ánh cũng chẳng lấy làm vui bởi con đường nhọc nhằn anh đã và đang đi chẳng có nhiều bạn đồng hành, hỗ trợ, tiếp bước. Sẽ khó có người thay thế được vị trí của Nguyễn Nhật Ánh, nhưng chẳng lẽ vì thế mà ai cũng nản lòng, lỏng bút khi tìm về địa chỉ tuổi thơ để mang lại niềm vui, sự trưởng thành cho các em bằng trang viết thấm đẫm tin yêu của mình? Nhà nghiên cứu hàng đầu về văn học thiếu nhi Việt Nam - Vân Thanh - đã phải chạnh lòng trước tình trạng này: “Nếu như trước đây chúng tôi từng mong ước sẽ có một đội ngũ những nhà văn chuyên viết cho văn học thiếu nhi thì giờ đây có lẽ khiêm tốn hơn, chỉ dám mong có được những người tâm huyết, hết lòng với những trang sách cho trẻ”.

Thực tế đáng buồn là nhiều người cầm bút vẫn coi thường việc viết cho trẻ em, xem đó là loại sáng tác nhỏ lẻ, vụn vặt, là sản phẩm loại hai, loại ba, không thể đề cập đến những vấn đề quốc gia đại sự, khó giúp bản thân thành đạt nên ít có ai dám sống chết với ngòi bút. Ý thức lập danh của nhà văn là vấn đề chính đáng, nhưng cách nhìn nhận tiêu cực ấy cũng đã khiến cho số lượng những cây bút thiết tha viết cho thiếu nhi rơi rụng dần. Rất nhiều tác giả không thể chuyên tâm sống được bằng nghề nên viết văn cho thiếu nhi vẫn chỉ coi như một nghề tay trái bên cạnh những công việc chính khác: Trần Quốc Toàn tận lực làm báo; Nguyễn Ngọc Thuần chuyển sang viết truyện người lớn (Chuyện tào lao, Cơ bản là buồn); với Phan Hồn Nhiên, nghề phóng viên vẫn là nghề tay phải; Nguyễn Thị Châu Giang thì dường như dành trọn đam mê cho hội họa... Một trong những cuộc từ giã sân chơi văn học dành cho tuổi thơ khiến người ta thực sự tiếc nuối và trăn trở cho tương lai của văn học thiếu nhi Việt Nam đương đại thuộc về Nguyễn Ngọc Thuần - nhà văn được bình chọn là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu nhất Việt Nam năm 2004. Những tác phẩm đã được giải thưởng cao của anh gồm: Giăng giăng tơ nhện, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, Một thiên nằm mộng, Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ. Sự chuyển hướng của cây bút gốc Ninh Thuận này cũng như của nhiều nhà văn khác từng ghi được dấu ấn trong sáng tác cho trẻ em xuất phát từ một nguyên nhân chủ yếu: không có sự khuyến khích, không có phong trào viết cho thiếu nhi.

Bên cạnh sự chi phối của đời sống đương đại, vai trò của cha mẹ cũng là nhân tố quan trọng góp phần hình thành văn hóa đọc cho các em. Khá nhiều vị phụ huynh không muốn hướng con đến với văn học. Không ít người trong số họ chưa có những định hướng tốt để giúp trẻ lựa chọn loại sách mà các em cần đọc. Khi đưa con đi hiệu sách, các bậc phụ huynh thường bỏ mặc chúng lựa chọn tùy thích mà không hề khuyên nhủ, tư vấn cho thị hiếu đọc sách của trẻ. Đây là một lí do khiến tình trạng trẻ em tìm đến truyện tranh, phim hoạt hình, trò chơi điện tử ngày càng tăng. Nhiều ông bố bà mẹ chẳng những không khuyến khích, không tạo điều kiện, mà còn cản trở con em sáng tác, coi đó là việc làm viển vông, vô bổ, thiếu thực tế.

Riêng về nhà trường thì trong chương trình bậc tiểu học hiện nay không có môn Văn học mà chỉ có môn Tiếng Việt. Chương trình lại quá nặng, người dạy lẫn người học đâu còn cơ hội để dạy và học văn qua môn Tiếng Việt như chủ trương hiện đại, tích cực mà Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các chuyên gia hàng đầu về giáo dục tiểu học đặt ra.

Sự kém mặn mà của trẻ em hôm nay với văn học, khách quan mà nói, có một nguyên nhân khá quan trọng từ phía nhà văn. Dường như vẫn còn đó một khoảng cách khá lớn, ngày càng rộng dần giữa người viết và độc giả nhỏ tuổi. Đó là lí do cho thấy vì sao những cuốn sách như Miền thơ ấu (Vũ Thư Hiên), Tuổi thơ im lặng (Duy Khán), Miệt vườn xa lắm (Dạ Ngân), Năm đêm của bé Su (Nguyễn Thị Minh Ngọc), Khúc đồng dao lấm láp (Kao Sơn), Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ (Nguyễn Ngọc Thuần), Đối thủ còi cọc (Tạ Duy Anh), Ngày thơ dại (Trịnh Thanh Phong), Trẻ con Phố Hàng (Bạch Ngọc Hoa)… dù có thể đã được giải thưởng cao trong nước hoặc quốc tế, nhưng cũng phần nào kén bạn đọc. Bởi lẽ, các tác giả viết về trẻ em nhưng đôi chỗ xem ra không phải cho trẻ em, nhất là sự miêu tả những không gian, sự việc quá xa lạ với các em, những trường đoạn độc thoại nội tâm, dòng ý thức và triết lí chiêm nghiệm lẽ đời vượt quá tầm của tuổi thiếu niên, nhi đồng. Có thể người lớn đọc thì thích nhưng nhiều bạn đọc nhỏ tuổi đã không còn hứng thú, sức bền để đi tới những trang cuối cùng.

Sáng tác cho thiếu nhi còn chậm thay đổi và chưa thực sự thích nghi với mong muốn, nhu cầu của trẻ em thời đại mới. Dễ thấy nhất là sự thiếu vắng các thuộc tính rất phù hợp với đặc trưng của lứa tuổi các em: tính kì ảo, chất giả tưởng và chất hài hước, hóm hỉnh. Văn học thiếu nhi đương đại vẫn chưa tìm được lối đường phù hợp để đi vào tâm hồn trẻ em do chưa kết hợp được cái hư cấu với những vấn đề hiện tại song hành với đó là một kĩ thuật viết, cách kể chuyện, lối hình thành câu chuyện giản dị nhưng mới lạ và không ngừng biến hóa. Thơ văn cho lứa tuổi này vì thế đôi chỗ còn nghiêm nghị, mô phạm, nặng tính giáo dục cứng nhắc. Khác với trẻ em giai đoạn trước không có nhiều cơ hội, điều kiện để lựa chọn các “món ăn” tinh thần, giờ đây thiếu nhi có sự chủ động, dễ dàng trong việc tìm đến với những sản phẩm văn hóa, văn học mà mình ưa thích, không phải dễ dàng “ấn” bất cứ thứ gì vào tay chúng là có thể “hành” cho trẻ đọc. Những cuốn sách xấu xí, nội dung nghèo nàn, áp đặt thô bạo lối dạy dỗ khô cứng sẽ chỉ làm được một việc: biến sách văn học thành… nỗi ám ảnh kinh người của trẻ. Bước chuyển của văn học thiếu nhi cũng tạo động lực không nhỏ đối với sự thay đổi trong hoạt động nghiên cứu, phê bình. Những năm gần đây, một số sách dạng này đã được xuất bản (Văn học thiếu nhi nửa thế kỉ một con đường, Một lần và mãi mãi, Phác thảo văn học thiếu nhi Việt Nam, Nẻo vào văn học thiếu nhi, Truyện viết cho thiếu nhi sau năm 1975,…). Nhiều tác phẩm hay viết cho các em cũng đã được giới thiệu, nhưng so với tình hình chung thì vẫn còn quá mỏng và không đều, thường chỉ nở rộ vào dịp Quốc tế Thiếu nhi và Tết Trung thu. Mảng nghiên cứu văn học thiếu nhi đương đại vẫn chưa được quan tâm và đầu tư tương xứng. Điều đó một phần do thiếu chuyên gia trong lĩnh vực này. Một phần khác cũng không kém quan trọng là sức hút của văn học thiếu nhi đối với những người làm công tác giảng dạy, nghiên cứu văn học vẫn chưa đủ mạnh so với văn học dành cho người lớn. Tất cả những áp lực trên đã trở thành gánh nặng đè lên văn học thiếu nhi Việt Nam.

3. Hướng đến của văn học thiếu nhi

Bước ngoặt chuyển mình của lịch sử - xã hội đã cung cấp cho văn học thiếu nhi một mặt bằng chuyển biến nghệ thuật nhất định. Tiến trình văn học thiếu nhi Việt Nam đương đại thể hiện rõ đặc trưng của văn học đổi mới nói chung: Từ dựa dẫm và chạy theo văn học người lớn đến con đường nghệ thuật độc lập. Nếu văn học Việt Nam là một dòng sông lớn thì văn học đương đại cho thiếu nhi là một nhánh hòa vào dòng sông ấy. Là một thành tố mang tính lịch sử - xã hội, nó không thể đứng ngoài những vận động, thay đổi, tác động nhiều chiều từ thực tế cuộc sống thời đổi mới. Chỉ đơn thuần quan niệm đây là một “thiên đường xanh” (mượn chữ Paradis vert của nhà văn Pháp Pierre Gamara), một ốc đảo tách biệt khỏi xã hội bao quanh với những phải trái, tốt xấu đan xen đến khó nhận diện sẽ là cách nghĩ ngây thơ, ảo tưởng. Những chuyển biến của văn học thiếu nhi thời gian qua cũng là điều tất yếu, thể hiện rõ mối quan hệ hai chiều giữa văn học và hiện thực. Gần ba thập kỉ, văn học thiếu nhi đã kinh qua nhiều cái “trở về”: Trở về với cá tính nghệ thuật của nhà văn và sự trở trăn tìm con đường ngắn nhất để đến với độc giả nhỏ tuổi, làm sao để văn học thâm nhập thế giới tinh thần của thiếu niên nhi đồng hôm nay một cách hiệu quả. Văn học cho thiếu nhi thời đổi mới đã có những thay đổi đáng kể trên nhiều phương diện. Đó là sự đủ đầy về thể loại: truyện, thơ, kịch, kí, tản văn; sự phong phú, đa dạng về chủ đề, đề tài: truyền thống lịch sử, cách mạng, kháng chiến, sinh hoạt gia đình, xã hội, học tập, lao động, vui chơi, tình bạn, tình thầy trò, mối quan hệ trẻ em và người lớn, những rung động tế vi của tuổi mới lớn,... Chuyển từ cái nhìn đậm tính sử thi sang cái nhìn thế tục, đời thường, sáng tác cho trẻ em hôm nay có những đổi thay nhất định cả về nội dung phản ánh và cách thức thể hiện, cho phép ta lạc quan mà nhìn vào hiện trạng và tương lai của văn học thiếu nhi đất nước trên tiến trình đổi mới với gương mặt văn hóa - tinh thần giàu hứa hẹn. Nhưng đánh giá một cách khách quan, công bằng, gần ba mươi năm qua, mặc dù văn học viết cho thiếu nhi đã có sự gia tăng về số lượng, cải thiện về chất lượng nhưng vẫn chưa thực sự đáp ứng sự kì vọng của toàn xã hội vào vị thế, vai trò của nó với sự nghiệp đổi mới văn học dân tộc.

B.T.T  
(SH316/06-15)


 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng