Tạp chí Sông Hương - Số 316 (T.06-15)
Truyện tranh Nhật Bản - một nền nghệ thuật quốc tế và bản địa
15:06 | 23/06/2015

LTS: Hiếm nơi nào trên thế giới, truyện tranh lại được công chúng đọc rộng rãi, được nghiên cứu và phê bình chuyên sâu như ở Nhật Bản. Truyện tranh xứ sở hoa anh đào đã vun bồn đức tính tốt đẹp của người Nhật, góp phần vào sự phát triển nền giáo dục, “trở thành tấm thẻ căn cước thông hành đa năng giúp văn hóa Nhật nối dài với văn hóa thế giới”.

Truyện tranh Nhật Bản - một nền nghệ thuật quốc tế và bản địa
Minh họa truyện tranh “Doraemon”

Sông Hương giới thiệu đến bạn đọc bài viết của TS. Phan Tuấn Anh về nền truyện tranh lớn nhất thế giới, đặc trưng là thể loại manga với những tác phẩm từng được xuất bản ở Việt Nam (như bộ manga Vua sư tử, bộ truyện tranh nổi tiếng Doraemon). Qua đây hẳn độc giả sẽ phần nào hiểu vì sao ở nước ta truyện tranh Nhật Bản lại được nhiều lứa tuổi yêu thích.


PHAN TUẤN ANH

Truyện tranh Nhật Bản - một nền nghệ thuật quốc tế và bản địa

Trong những lúc buồn chán và bi quan nhất của cuộc đời, hẳn rằng chúng ta sẽ rất cần được ủi an trong “niềm vui và sự hiền minh” của một “khoa học vui tươi” (Die frohliche wissenschaft) như cách nói nổi tiếng của Nietzsche. Một trong thói quen/thú vui giải trí hiện nay của con người hậu hiện đại nhằm tránh xa sự uy mật nghiêm túc của những đại tự sự, không chỉ đối với giới trẻ mà còn với toàn xã hội nói chung, đó chính là truyện tranh (comic). Trong các nền truyện tranh trên thế giới, truyện tranh Nhật Bản (manga) có sự phát triển vượt trội, tạo ra tầm ảnh hưởng quốc tế và khu vực, mà đặc biệt là đối với nền truyện tranh Việt Nam. Có thể nói, manga đã tạo ra được một sinh quyển văn hóa đương đại riêng, giúp Nhật Bản đối thoại với các nền văn hóa khác, nhưng đồng thời, manga cũng là cách để Nhật Bản bảo tồn và quảng bá căn cước dân tộc tính. Trong tiểu luận này, tôi sẽ xác lập một cái nhìn lưỡng thê về truyện tranh Nhật Bản, nhằm lý giải cho sự thành công của nền truyện tranh lớn nhất thế giới, từ đó rút ra những gợi ý nhằm phát triển truyện tranh Việt Nam.

1. Bản sắc Nhật Bản trong manga

Có thể nói, tinh thần và nền tảng triết học đầu tiên đã làm sản sinh ra truyện tranh ở Nhật chính là Phật giáo. Theo nhà nghiên cứu Ezi Izawa, trong suốt những năm cuối thế kỉ thứ VI và thứ VII sau Công nguyên, đi kèm với sự du nhập của Phật giáo vào Nhật Bản là sự xuất hiện của các di chỉ tranh tường hiện nay còn lưu lại trên những ngôi chùa cổ. Tiêu biểu là những bức tranh ở hai ngôi chùa cổ có tên Tooshoodaiji Hooryuuji có chủ đề thế tục và phồn thực. Có thể tinh thần phồn thực và hài hước của người dân bản địa đã hòa quyện và thống nhất với tinh thần Phật giáo mới du nhập vào trong những ngày sơ khai.

Trong chính cái nôi Phật giáo ấy, một Hòa thượng đồng thời cũng chính là tác giả truyện tranh Nhật Bản đầu tiên đã thực sự xuất hiện. Nhà sư Toba sống vào đầu thế kỉ XII sau Công nguyên chính là người đã vẽ những bức manga khởi thủy cho Nhật Bản. Tác phẩm truyện tranh nổi tiếng nhất của ông có tựa đề là Chojugiga (Animal scroll), viết/vẽ về thế giới loài vật đã được nhân cách hóa một cách sâu sắc. Tác phẩm này cũng được xem là bộ truyện tranh có giá trị tương đương như một tác phẩm văn học viết. Đây là tác phẩm truyện tranh được trình bày bằng hình thức “tranh cuộn” (tiếng Nhật gọi là Emaki, tiếng Anh gọi là Picture scroll). Mặc dù nét vẽ trong Chojugiga còn hơi hướng mang phong cách hội họa Trung Hoa, nhưng nội dung thì rất hài hước và đời thường, khác hẳn với phong cách nghiêm trang của người Hán. Tác phẩm được thể hiện không theo cách phân chia trong những ô tranh như bây giờ, mà đó là một chuỗi tranh liên tục kéo dài gần 80 feet. Chojugiga có thể tạm dịch là Những bức tranh vui về động vật và chim chóc, đó là một tác phẩm được thể hiện không màu, giống hệt như manga hiện đại ngày nay mà chúng ta vẫn thường thấy (không tô màu trên trang truyện). Đây là một tác phẩm có vai trò cực kỳ quan trọng, bởi nó đã phản ánh một cách châm biếm xã hội phong kiến đương thời qua thủ pháp nhân cách hóa. Chính tinh thần hài hước này đã làm tiền đề cho việc hình thành thể Zenga sau này trong truyện tranh Nhật Bản.

Nói chung, có thể phân loại những tiền thân của manga theo hai tiêu chí chính, đó là dựa trên cơ sở phân chia đề tài và dựa trên cơ sở phân chia chất liệu thể hiện. Xét trên phương diện chất liệu, có thể quy các hình thức tiền thân của manga vào ba tiểu loại: chất liệu tranh giấy (XII), chất liệu tranh tường (thế kỷ XIII) và chất liệu tranh gỗ (XVI). Các tư liệu lịch sử cho rằng manga xuất hiện vào thời Edo (1603 - 1868) nhằm chỉ một phong cách nghệ thuật mới. Manga ngay từ khởi thủy, đã phản ánh những chủ đề đậm cảm quan văn hóa và tôn giáo Nhật Bản và đặc trưng này vẫn được bảo tồn, phát huy cho đến tận ngày nay. Ví dụ, ngay trong những truyện tranh Phật giáo như Jgoku Zoshi; Gaki Zoshi; Zamai Zoshi mặc dù miêu tả thế giới thiên đàng, địa phủ nhưng tính hiện thực, tinh thần thế tục và nét hài hước vẫn luôn được nhấn mạnh. Zenga là một thể loại kết hợp triết học Lão trang với Phật giáo trong một tinh thần hài hước ngụ ngôn, giúp manga ngay từ đầu đã là một nghệ thuật chống lại sự quy phạm và nghiêm túc. Các chủ đề nghịch dị, suồng sã, phồn thực xuất phát từ nền tảng văn hóa trào tiếu dân gian (như cách nói của M.M.Bakhtin) cũng được nhấn mạnh trong các bộ truyện tranh chủ đề thế tục như Hohigassen, Yobutsu hay cuốn Kurabe. Ngay từ sơ khai, yếu tố tính dục, phồn thực đã được đưa vào truyện tranh, biến manga trở thành một nghệ thuật mang đậm tinh thần dân gian và nó không chỉ dành riêng cho trẻ em đọc như truyện tranh phương Tây. Yếu tố kinh dị, bi kịch cũng là một trong những đặc trưng truyền thống Nhật Bản khác trong manga. Nó thể hiện cảm quan aware (bi cảm) đặc trưng trong tinh thần Nhật Bản. Gaki Zoshi là tác phẩm được viết vào những năm cuối thế kỉ XII (khuyết danh), tác phẩm này đã miêu tả nỗi đau đớn của con người dưới sự hành hạ của ma quỷ. Tám trăm năm sau, vào năm 1970, Juji Akiyama dựa trên tinh thần ấy đã sáng tác nên bộ truyện tranh về chủ đề ma quỷ nổi tiếng mang tên Ashura. Đây là những đặc trưng khác hoàn hoàn truyện tranh phương Tây.

2. Hiện đại hóa hay là quốc tế hóa manga

Trong thời hiện đại, từ nửa đầu thế kỷ XX trở đi, Nhật Bản bị “cưỡng ép” giao lưu với phương Tây (hậu quả từ việc thất trận trong Thế chiến thứ II), nhưng chủ yếu là do chủ động canh tân hội nhập (Cải cách Minh Trị thiên hoàng) với thế giới, mà chủ yếu là giao lưu với phương Tây, nên không chỉ văn hóa, kinh tế, khoa học mà cả văn học và truyện tranh cũng có những cách tân mạnh mẽ theo hướng hiện đại hóa và phương Tây hóa. Chúng ta có thể điểm qua một số đặc trưng như:

- Thứ nhất: Sự thay đổi về hình vẽ và cách thức đánh bóng tranh Chỉ từ khi có sự xâm nhập của văn hóa phương Tây, người Nhật mới vẽ các tác phẩm của mình một cách có chiều sâu hơn, biết chú ý đến các đặc tính biểu hiện không gian và các mặt phẳng hơn. Từ đó, manga đã được tiếp thu các kỹ thuật của hội họa hiện đại cùng những ứng dụng trên phương diện không gian và điểm nhìn của điện ảnh và nhiếp ảnh. Tezuka Osamu là người đi tiên phong trong việc áp dụng các kỹ thuật không gian vào manga.

- Thứ hai: Cách ghi lời thoại theo kiểu “bong bóng” của Phương Tây Các hình thức tiền thân của truyện tranh Nhật Bản chỉ ghi chú thích dưới các khung tranh. Bước vào giai đoạn này, các mangaka (tác giả manga) đã bắt đầu biết sử dụng các “bong bóng” trong việc thể hiện lời thoại như truyện tranh phương Tây. Đây là một bước ngoặt lớn, bởi nó cho ra đời hình thức đối thoại trực tiếp trong manga. Đưa nền truyện tranh Nhật Bản bắt kịp với trình độ hiện đại cũng như xích lại gần hơn với nghệ thuật hoạt hình.

- Thứ ba: Sự xuất hiện của kỹ thuật in hiện đại

Chỉ từ khi nghệ thuật in hiện đại đến từ nền công nghiệp cơ khí của người phương Tây thì vấn đề nan giải trong việc phổ biến và phát hành, sao chép manga mới thực sự được giải quyết triệt để. Ít nhất, nó biến manga từ một hình thức nghệ thuật trở thành một ngành công nghiệp thực sự (có ông chủ tư bản, có máy móc, có công nhân và hàng hóa). Sự xuất hiện của ngành in còn mang hai ý nghĩa to lớn khác đó là sao chép nhanh chóng và thiết lập mạng lưới phân bố, phát hành rộng khắp Nhật Bản, với những máy bán và in truyện tranh tự động, hoạt động 24/24h có giá thành các tập truyện cực kì rẻ do sử dụng giấy tái chế, không in màu - đây là đặc trưng rất khác của manga so với truyện tranh phương Tây.

Xuất phát từ các nền tảng hiện đại ấy, manga dần phát triển trở thành một nền công nghiệp, tác giả truyện tranh dần trở thành một nghề nghiệp phổ biến và nhiều người đã trở thành thần/biểu tượng văn hóa Nhật Bản đương đại. Người được xem là mangaka hiện đại đầu tiên ở đất nước mặt trời mọc chính là Shumboko Ono. Năm 1702, Shumboko Ono đã làm một cuốn sách bằng tranh đầu tiên có tên Tobae với các chương mục rõ ràng. Tuy nhiên, một cuốn manga đích thực theo phong cách hiện đại được xem đã ra đời vào năm 1815 của tác giả Hokusai (1760 - 1849). Trong suốt sự nghiệp của mình, mangaka này đã cho ra đời hơn 30.000 tác phẩm có giá trị. Hokusai cũng chính là tác giả của bức tranh khắc gỗ nổi tiếng Great Wave, một di sản văn hóa của người Nhật trong thời đại ngày nay. Cũng chính từ Hokusai, thuật ngữ “manga” đã chính thức ra đời. Người Nhật vốn có thói quen ghép âm để tạo ra từ mới. Không nằm ngoài tiền lệ ấy, từ “manga” theo nhà nghiên cứu Eri Izawa được cấu tạo từ hai thành phần có gốc Hán. Trong đó, “man” có nghĩa là: tự do, vô tình, ngẫu nhiên, tự coi mình là nhẹ, bất thường; “ga” có nghĩa là tranh. Như vậy, “manga” là một thuật ngữ dùng để định danh nghệ thuật biểu đạt câu chuyện một cách bất thường, độc đáo và sáng tạo qua hình thức tranh vẽ. Hokusai là một người theo trường phái hội họa châu Âu, ông thậm chí còn nổi tiếng ở nước ngoài hơn cả trong nước. Từ “manga” của Hokusai đã bắt đầu thông dụng vào những năm cuối thế kỉ XVIII qua các tác phẩm như Mankaku Zuhitsn của Suzuki Kankei (1771); Shiji no Yukikai của Santa Kyoden (1798) và Mang Hyakujo của Aikawa Minwa (1814). Mặc dù vậy, người được tôn vinh như cha đẻ của manga hiện đại không ai khác và không ai xứng đáng hơn Tezuka Osamu. Nhân vật Atom vĩ đại (tên tiếng Anh là Astro Boy), với ít nhiều ảnh hưởng từ phong cách Wall Disney đã đưa manga lần đầu tiên “vượt biên” ra khỏi quần đảo Nhật Bản để được hâm mộ trên toàn thế giới. Năm 1947, tác phẩm Shin Takarajima (Tân đảo giấu vàng - tên tiếng Anh là New Treasure Island) đã được xuất bản dưới dạng akahon (sách đỏ - tên tiếng Anh là Red Book) và đạt được 400.000 bản, chính thức mở màn cho sự bành trướng của manga hiện đại. Có thể thấy, nét vẽ của Tezuka mang hơi hướng phương Tây khá rõ, cụ thể là bị chi phối bởi phong cách Wall Disney ở các nét tròn trong phương thức khắc họa nhân vật. Ông cũng đã áp dụng nhiều kỹ thuật hiện đại của điện ảnh, nhiếp ảnh vào manga nhằm đưa loại hình văn học này thực sự trở thành một nghệ thuật hiện đại. Tuy nhiên, đóng góp lớn nhất của Tezuka đối với lịch sử manga không chỉ biểu hiện trong những phát kiến về hình thức. Các bộ manga nổi tiếng của ông trên khắp thế giới như Jungle Taitei (Kimba the White Lion, xuất bản ở Việt Nam dưới tựa đề Vua Sư Tử); Black Jack (Bác sĩ quái dị); Cậu bé ba mắt… đều thấm đẫm tinh thần nhân đạo, kêu gọi bảo vệ môi trường cũng như cảnh báo con người trước hành vi của chính mình. Tezuka cũng là người khai sinh ra Anime (hoạt hình chuyển thể từ truyện tranh) ở Nhật Bản. Chỉ từ Tezuka trở đi, manga và anime mới phát triển trở thành một nghệ thuật chân chính, một nền công nghiệp khổng lồ cũng như có tiếng nói quyết định trên thị trường truyện tranh thế giới.

3. Các thể loại manga hay là bài học phát triển truyện tranh

Ở Nhật Bản, truyện tranh là một nét văn hóa, một nền công nghiệp, một niềm tự hào dân tộc bởi người Nhật đã thiết lập được một hệ thống phân phối, quảng bá mạnh mẽ, công chúng đọc rộng rãi và nền phê bình, giáo dục phát triển, khoa học. Nhật Bản có rất nhiều tạp chí phê bình truyện tranh, các trường đại học, khoa nghiên cứu và đào tạo sáng tác chuyên về truyện tranh. Người đọc manga trải dài trên nhiều lứa tuổi, với sự phân loại theo độ tuổi và thể loại một cách rõ ràng. Ngoài ra, sự phổ biến của những thư viện, thư quán, sản phẩm lưu niệm, lễ hội hóa trang (cosplay), các viện bảo tàng cũng như nhiều hoạt động quảng bá của các đại sứ quán và tổ chức văn hóa được diễn ra thường xuyên, có chiến lược ở tầm quốc gia nhằm vươn ra quốc tế. Từ góc độ chuyên môn, tôi muốn nhìn nhận sự thành công của manga dưới quá trình phân tách thành những thể loại khác nhau, phù hợp với nhiều loại bạn đọc cụ thể, từ đó mở rộng đối tượng tiếp nhận ra mọi lứa tuổi. Căn cứ vào tiêu chí độ tuổi và giới tính, chúng ta có một số thể loại chính như sau:

- Thể loại Shounen

“Shounen” là một thể loại manga dành riêng cho phái nam ở độ tuổi thiếu niên với nhiều đặc điểm riêng trong nghệ thuật. Thuật ngữ “Shounen” vốn dùng để chỉ các tạp chí dành riêng cho nam thiếu niên, trải qua sự phát triển và đăng tải truyện tranh trên tạp chí, dần dần khái niệm này đã được hiểu theo một nghĩa khác. Ngày nay, người ta ai cũng quan niệm “shounen” là một thể loại truyện tranh Nhật Bản chứ không còn hiểu theo nghĩa là một loại tạp chí nữa. Một trong số các tạp chí đã góp phần vào sự hình thành của thể loại shounen như bây giờ phải kể đến Shounen Jump - đây là một ấn phẩm chuyên đề về manga dành cho nam thiếu niên trực thuộc nhà xuất bản Shueisha. Shounen Jump là một tuyển tập manga xuất bản hằng tuần với số lượng bản in lớn nhất Nhật Bản (3 triệu bản mỗi tuần). Được ra đời từ năm 1968, Shounen Jump đã cắm một mốc son quan trọng trong nền công nghiệp manga Nhật Bản. Đây chính là tạp chí lần đầu tiên đã đưa manga bước ra thôn tính thị trường thế giới. Truyện tranh thể loại Shounen luôn có chủ đề phù hợp với đối tượng độc giả như thể thao, trinh thám, chiến đấu như Dragon Ball; Yu Yu Hakuso; Slam Duck; Yu Gi oh!. Nhân vật nhấn mạnh đến hành động chứ không phải nội tâm và ngôn ngữ, cách vẽ luôn chú trọng đặc tả hành động, bỏ qua khung nền nhằm thể hiện sự lướt nhanh của không - thời gian. Một trong những đặc điểm lớn của shounen đó là các nhân vật chính thường ẩn chứa khả năng siêu năng lực. Có thể gói gọn siêu năng lực của nhân vật trong shounen bằng công thức 3T (teleport: di chuyển tức thời bằng ý nghĩ; telepathy: đọc được ý nghĩ của người khác; telekinesis: dùng ý nghĩ để di chuyển và phá hoại đồ vật).

- Thể loại Shoujo

Tương tự như “shounen”, khái niệm “shoujo” ban đầu cũng dùng để chỉ những tạp chí dành cho nữ thiếu niên tại Nhật. Trải qua lịch sử phát triển và chuyển mình, “shoujo” thực sự đã trở thành một thể loại tiêu biểu của truyện tranh Nhật Bản. Nhìn nhận lại cơ cấu giới trong xã hội Nhật, chúng ta có thể nhận thấy sự bất bình đẳng là một hiện tượng phổ biến. Qua manga, chúng ta có thể thấy rất ít nhân vật nữ có được khả năng tri giác ngoại cảm (extrasensory perception) và siêu năng lực như những nhân vật nam giới. Chính vì vậy, sự ra đời của thể loại shoujo chính là một biểu tượng lớn cho công cuộc đấu tranh bình đẳng giới. Mặc dù, ngay chính trong bản thân thể loại shoujo cũng vẫn còn tồn tại những quan niệm thiên lệch. Thông thường, trong các tác phẩm shounen, các nhân vật nữ chỉ đóng vai trò cổ vũ, động viên bạn trai mình chiến đấu. Ở một số trường hợp khác, họ là nạn nhân hoặc lặng lẽ âm thầm hy sinh cho sự nghiệp của người đàn ông. Người con trai chỉ dành phần lớn thời gian cho sự nghiệp chứ không phải để chăm sóc người con gái (VD các bộ manga: Katsu; Ultraman; Go Lion Voltroni; Cyborg 009).

Nhìn chung, shoujo đã đưa ra cách thể hiện hình vẽ hoàn toàn mới trong manga. Một phong cách mà ngày nay chúng ta nhiều khi nghiễm nhiên xem đó là một trong những đặc trưng cơ bản của manga hiện đại. Các nhân vật thông thường được thể hiện bằng khuôn mặt trái xoan, mắt được vẽ cực kỳ to và long lanh, mái tóc dài và rất cầu kỳ, mũi và miệng được giản lược rất bé. Kỹ năng sử dụng màu sắc trong shoujo cũng rất đặc biệt và mang tính quan niệm cao, câu chuyện thường có tiết tấu chậm, chú trọng khai thác nội tâm nhân vật kỹ càng là đặc trưng nghệ thuật thường thấy.

- Thể loại Kodomo

Đặc điểm lớn nhất của kodomo chính là đối tượng tiếp nhận mà trường phái này hướng đến là thiếu nhi. Kodomo thực sự là một trường phái mang tính giáo dục cao, nó khác hẳn trường phái shounen thường xuất hiện yếu tố bạo lực hoặc shoujo thường có yếu tố tình cảm bi lụy. Ngay từ thuở sơ khai, giới quản lý và những mangaka hàng đầu của Nhật đã rất chú trọng phát triển kodomo. Sở dĩ có sự ưu ái ấy là vì người Nhật quan niệm rằng truyện tranh chính là một phương tiện giáo dục hiệu quả và trực quan nhất. Hệ thống giải thưởng Shogakukan Comics Award (giải thưởng truyện tranh lâu đời nhất ở Nhật Bản) ngay từ buổi ban đầu đã dành riêng một hạng mục dành cho kodomo, hạng mục đó mang tên Jido muke bumon (manga dành cho độc giả nhỏ tuổi). Hệ thống giải thưởng của Nhà xuất bản Kodansha và hệ thống giải thưởng của Bộ giáo dục Nhật Bản cũng có những hạng mục dành riêng cho thể loại kodomo (Children’r Manga Category). Qua hệ thống giải thưởng đồ sộ này, những tác phẩm manga kodomo lừng danh đã được tôn vinh, chúng ta có thể kể đến một số tác phẩm tiêu biểu như như Nhóc Marưko (Momoko Sakura); Asari tinh nghịch (Mayumi Muroyama); Yaiba (Gosho Aoyama); Doraemon (Fujiko. F. Fujio)… Đặc trưng quan trọng nhất trong thể loại kodomo là lòng nhân ái và tính giáo dục cao mà tiêu biểu như bộ truyện tranh Nhật Bản nổi tiếng nhất Việt Nam là Doraemon. Để phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi, hình vẽ trong kodomo luôn đơn giản hết mức có thể, các đồ vật và tình tiết được ước lệ để giảm tính căng thẳng (như máu, xác chết) hoặc ghê rợn (ma quỷ).

- Thể loại Hentai và Ecchi

Hentai và Ecchi là truyện tranh dành cho người lớn. Không đơn thuần biểu thị những vấn đề về tình dục, nhiều tác phẩm thuộc trường phái này vẫn thể hiện được tính nhân bản của nó, một khi libido chỉ còn là cái cớ để tác giả có thể triển khai những dụng ý nghệ thuật.

Ngoài ra, chúng ta cũng có thể kể đến hai thể loại truyện tranh nữa cũng rất được thịnh hành ở Nhật, đó là trường phái seine và redisu. Seine là một trường phái dành cho nam ở độ tuổi thanh niên trở lên, nó là một bước phát triển nối dài của shounen. Trong khi đó, redisu là bước phát triển của shoujo lên độ tuổi cao hơn dành cho giới nữ. Nhìn chung, cả redisu và seine đều mang những đặc điểm nghệ thuật cơ bản như shounen và shoujo nên chúng tôi sẽ không tiến hành phân tích kỹ. Sau đây là sơ đồ mối quan hệ của các trường phái truyện tranh Nhật Bản.



Có thể nói, qua quá trình hình thành và phát triển của mình, manga đã trở thành tấm thẻ căn cước thông hành đa năng giúp văn hóa Nhật nối dài với văn hóa thế giới. Nhà hoạt hình vĩ đại nhất thế giới Walt Disney đã từng tặng một bộ tranh vẽ thuộc những tác phẩm kinh điển của ông cho Bảo tàng quốc gia mỹ thuật hiện đại ở Tokyo. Trải qua nhiều thập kỷ, bộ tranh vẽ ấy vẫn được cất giữ nguyên vẹn. Bao giờ cũng vậy, sự trân trọng văn hóa thế giới sẽ làm cho mọi nền văn hóa bản địa có được sự giao lưu và chia sẻ. Chính từ dòng hải lưu văn hóa mới được thiết lập đó, những tinh hoa truyền thống của một dân tộc sẽ đồng thời được thế giới thừa nhận và tôn vinh. Văn hóa và biểu tượng văn hóa đôi khi không đến từ những công trình vật chất đồ sộ như tháp Tokyo, tinh xảo như xe hơi Lexus, hùng mạnh như giá trị của đồng yên. Đôi lúc, văn hóa chính là một cánh hoa anh đào thoắt nở thoắt tàn giữa lúc nhiệm màu nhất của mùa màng, là một trang manga bé nhỏ không màu sắc đang thầm lặng ngợi ca về cuộc sống.

P.T.A
(SH316/06-15)

 





 

Các bài mới
Các bài đã đăng