Tạp chí Sông Hương - Số 316 (T.06-15)
Từ buổi giới thiệu 'Huệ tím'
14:54 | 26/06/2015

VIỄN PHƯƠNG

Huệ tím(*) bao gồm 5 truyện viết theo thi pháp truyện cổ tích tiêu biểu cho bút pháp nghệ thuật của Hermann Hesse, nhà văn đoạt giải Nobel văn học năm 1946.

Từ buổi giới thiệu 'Huệ tím'

Các truyện Huệ tím, Chuyện chàng Augustus, Bích thảo hóa thân, Thi nhân, Tin lạ từ một hành tinh xa là kết tinh của tư duy nghệ thuật vừa phương Đông vừa phương Tây của Hermann Hesse. Sách được chuyển ngữ bởi dịch giả Thái Kim Lan. Ấn phẩm này vừa được Tạp chí Sông Hương phối hợp với Nxb. Kim Đồng tổ chức giới thiệu tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán - Huế vào chiều ngày 6/5.

Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc cho rằng: “Những câu chuyện được viết bởi thi pháp truyện cổ tích này không chỉ là món quà của một nhà văn lớn tầm nhân loại dành tặng cho tuổi thơ mà đó có lẽ là món quà dành tặng cho tất cả chúng ta. Những câu chuyện thần tiên của Hermann Hesse nhắc nhở chúng ta về ý nghĩa của cuộc sống, về tình yêu và về hạnh phúc. Rằng đau khổ không phải là do ngoại giới gây nên mà đôi khi đau khổ đến với chúng ta ngay trong tâm hồn nhiều trắc ẩn của chúng ta. Những truyện cổ tích này khiến cho trẻ thơ có cơ hội để mơ mộng, người lớn có cơ hội để im lặng chiêm nghiệm về cuộc sống… Với ngôn ngữ của thơ, hình ảnh sinh động, hình tượng đa nghĩa, sự sâu sắc trong các ý niệm, Huệ tím có thể được xem như một suối nguồn nuôi dưỡng cho sự mơ mộng. Suối nguồn đó cho ta biết được đâu là căn nguyên của đau khổ, đâu là nơi khởi đi của hạnh phúc, làm sao để được giải thoát và vươn tới tự do tuyệt đối. Suối nguồn Huệ tím chỉ ra cho ta thấy thế nào là hạnh phúc, quan niệm về hạnh phúc, cách thức để có hạnh phúc, thế nào là mất mát, tủi nhục, là đau khổ và làm sao để thoát khỏi đau khổ của hiện sinh”.

Qua buổi giới thiệu sách, dịch giả Thái Kim Lan đã cho người đọc biết những lý do sâu xa để bà chọn lựa dịch những truyện viết theo thi pháp truyện cổ tích này của Hermann Hesse. Bà cho rằng đọc truyện cổ tích của Hermann Hesse hôm nay là một lời mời cùng với tác giả đi thăm vườn hoa tuổi thơ trong hiện tại, để nhớ về tuổi thơ đã qua quý giá đến chừng nào và để yêu thương những nụ hoa non mới chớm nở, để rồi trẻ cùng già mở lòng từ bi, yêu mến vạn vật, mọi người trên thế gian.

Dịch giả Bửu Ý đã có những trải lòng về những khó khăn và vai trò của dịch thuật, đặc biệt là dịch những tác phẩm dành cho trẻ thơ, tương lai của một dân tộc. Với cái nhìn sâu sắc và nhiều kinh nghiệm, dịch giả Bửu Ý cho rằng đối với trẻ thơ thì món quà ý nghĩa nhất là sách, sách là nơi nâng đỡ cho những tâm hồn ngây thơ bay lên với những mộng tưởng. Qua đó, ông cũng đưa ra những nhận định về bút pháp cũng như tư tưởng văn chương của Hermann Hesse.

Đến từ Nxb. Kim Đồng, nhà văn Lê Phương Liên cũng đã cho bạn đọc thấy được những hi vọng cho việc giới thiệu, quảng bá văn học dịch cho thế hệ trẻ. Theo bà, Huệ tím không phải là một tác phẩm dễ đọc đối với tuổi thơ, những tín hiệu từ công tác phát hành đã cho thấy văn hóa đọc của giới trẻ vẫn còn nhiều điều để kỳ vọng, số lượng phát hành Huệ tím đã vượt xa sự dự tính. Đó là một trong những tín hiệu đáng mừng của văn hóa đọc trong bối cảnh hiện nay.  Suối nguồn Huệ tím bắt đầu với những dòng chảy đến từ những hồi ức thơ ấu của chúng ta, nó như đến từ tiềm thức, nó trả ta về với tư duy ngây vụng nguyên sơ của trẻ nhỏ. Tư duy nguyên sơ của trẻ nhỏ thì bao giờ cũng là tư duy của sáng tạo thực sự, bởi tư duy đó là kiểu tư duy duy nhất, một đi không trở lại, tư duy còn chưa nhuốm sự khô khan của túi khôn lý tính. Đọc Huệ tím, đôi khi ta nghe được tiếng thì thầm của mẹ, tiếng hát của cỏ cây, sự rạo rực hồi sinh của muôn loài trong cái nhìn hồn nhiên của những tâm hồn chưa vướng bụi trần, chưa vướng bụi thời gian. (Hầu hết chúng ta đều tìm thấy điều này qua những Truyện như Huệ tím, Chuyện chàng Augustus, Bích Thảo hóa thân, Thi nhân...).

Nếu dùng trí khôn, lý tính của một nhà phê bình để soi chiếu vào Huệ Tím, không khéo chúng ta sẽ làm đánh mất những nét đẹp vô hình của Huệ tím bằng chính ngôn từ trần trụi của chúng ta. Bởi những truyện ngắn trong tập sách nhỏ xinh này đạt đến một cái ngưỡng của sự im lặng để cảm nhận, im lặng để những cảm xúc lan tỏa trong nội giới chứ không phải là dùng những ngôn từ đao to búa lớn để giải thích cho những sự hiểu của mình. Nếu gạt đi cái cốt truyện mà chỉ chú tâm vào những chi tiết, những hình ảnh xuất hiện rồi biến mất trong Huệ tím thì chúng ta cảm giác như mình rơi vào trong những khoảng trống, những khoảng trắng của tranh Thủy mặc, ở đó là khoảng không gian của vô ngôn, hay nói đúng hơn ngay chính bản thân ngôn ngữ của chúng ta cũng khó diễn đạt hết được cái đẹp trong ngôn ngữ của Hermann Hesse. Với chúng ta thì Hermann Hesse là một nhà văn lớn tầm nhân loại vì thế chắc chắn khó có thể nhìn thấy được sự triển nở vô tận trong ngôn ngữ của nhà văn này.

Qua Huệ tím chúng ta thấy ngôn ngữ của Hermann Hesse tinh tế, nắm bắt sâu sắc linh hồn của sự vật, đánh thức mọi giác quan của chúng ta. Ngôn ngữ giàu tính thơ, tuy là truyện nhưng đôi khi ngôn ngữ có nhịp điệu, nhạc tính. Ngôn ngữ giàu chất thơ bởi nó đi ra từ sự bay bổng, từ những khoảng trắng, khoảng lặng trong mỗi câu chuyện được kể. Huệ tím, khi thì đưa ta trở về với hương thơm từ tiềm thức thơ ấu, khi lại đưa ta rong ruổi cùng với các nhân vật đi qua những tháng ngày trần trụi của hiện sinh, khi lại đưa ta vào không gian huyền ảo của trí tưởng tượng, của không gian mơ tưởng... Dù bất cứ ở thời điểm nào, không gian nào thì tính thơ cũng nhuộm lấy tất cả. Khi chàng Anselm, sau những mỏi mệt để mong thấu hiểu một điều rằng hạnh phúc là gì, tình yêu là gì, khi chàng bước vào đóa Huệ tím, cũng chính là khi chàng bước vào trái tim của Iris và cũng tại thời điểm này giây phút mặc khải của chàng đã tới. Chàng biết được chàng đến từ đâu, càng cần điều gì và điều gì quan trọng nhất đối với sự hiện hữu của chàng.

Cái âm hưởng của cốt truyện trong mỗi truyện khiến ta liên tưởng đến những bài thơ giàu tình nhân ái. Những bài thơ có đau khổ, có hạnh phúc, có mất mát và có cả những tiếng cười. Một điều có chung trong tất cả các truyện trong Huệ tím là ở tác phẩm nào tác giả cũng đưa ra một câu hỏi rằng: Hạnh phúc là gì? Rồi tác giả bằng những chi tiết, những hình ảnh, những hình tượng, biểu tượng... trả lời cho câu hỏi đó của mình. Hạnh phúc trong Huệ tím chính là khi ta tìm được cái ta muốn chạm vào đó, khi ta tìm được chốn để ta quay về. Hạnh phúc trong truyện Chuyện chàng Augustus chính là hành động đem tình yêu thương của mình hiến dâng cho người khác. Hạnh phúc trong truyện Thi nhân đó chính là khi thi sĩ chạm vào được thể tánh của thi ca...

Truyện của Hermann Hesse luôn có một cái lõi, cái lõi này đã được nhà văn chuẩn bị từ trước khi tác phẩm ra đời, đó chính là ý niệm. Ý niệm trong mỗi truyện được làm nên bởi những triết lý nhân sinh. Những hình ảnh, chi tiết, những biểu tượng thông qua ngôn ngữ, va đập với nhau cùng nhau cộng hưởng để tạo nghĩa, để hướng tới nhằm làm sáng tỏ cho một ý niệm nào đó về cách hành xử của tha nhân với cuộc đời, về những con đường đưa tới hạnh phúc và về những chân trời tự do tuyệt đối và về cả những giới hạn mà con người không vượt qua được.

Đọc Hermann Hesse để thấy rằng, một nhà văn lớn bao giờ họ cũng truy vấn nhiều về phương thức sáng tạo. Ngoài việc nghĩ tới kể chuyện gì thì vấn đề phương pháp, cách thức kể câu chuyện đó như thế nào luôn được họ xem trọng hàng đầu. Với họ thì phương thức kể một câu chuyện đôi khi cũng đã là một thứ mỹ học sáng tạo. Truyện của Hermann Hesse thì cốt truyện có lẽ không phải là điều quan trọng nhất mà có lẽ đó là sự dung hợp rất nhiều yếu tố cộng hưởng xung quanh cốt truyện để cốt truyện tự mở rộng sự lan tỏa biến giới của nó. Kỹ thuật sử dụng thi pháp truyện cổ tích của Hermann Hesse đã kết hợp với hơi thở của cuộc sống hiện đại, nối dài hơi thở của thi pháp huyền thoại, khiến thể loại truyện cổ tích vẫn phát huy được vai trò của nó trong văn chương hiện đại của nhân loại.

V.P
(SH316/06-15)


------------------
(*) Huệ Tím của Hermann Hesse, Thái Kim Lan chuyển ngữ, Nxb Kim Đồng, 2015.








 

Các bài mới
Các bài đã đăng