SERGEI BELOV
Tiểu truyện
Trên góc đường Malaya-Meschanskaya và Stolyrany có một chung cư trông thật khiêm tốn, đó là nơi nhà văn Dostoievsky với đứa cháu của người vợ đã mất cùng bà nhũ mẫu trung thành đang ở.
Trong phòng làm việc ông treo bức chân dung của người thiếu phụ mặc sắc phục màu đen, chân dung của Maria-Dmitriyevna-Iayeva, người vợ đầu của Dostoievsky đã từ trần cách đó hai năm rưỡi. Tình cảnh của ông lúc ấy là người độc thân, 44 tuổi, đang sống những ngày dài lo âu, buồn bã.
Trước đó một năm, khi những chủ nợ đến gõ cửa, đe dọa đưa ông vào tù... Đứng trước tai họa ấy, ông đã nhắm mắt ký một hợp đồng với nhà xuất bản Stellovsky để nhận 3.000 rup, không cần biết thủ thuật mà nhà xuất bản toan tính cướp đi sự sống của ông. Theo hợp đồng, Dostoievsky chấp nhận bán hai tác phẩm, đến ngày 1/9/1866 ông sẽ trao tác phẩm cuối cùng gồm 75.000 chữ, nếu không thực hiện đúng điều khoản, chẳng những ông phải chịu tiền phạt mà còn mất hẳn bản quyền trong vòng chín năm với những sáng tác mới của ông.
Cuộc sống túng thiếu và hình ảnh nhà tù không ngừng ám ảnh ông. Đứng trước viễn cảnh tối đen nầy thiên tài Dostoievsky đã thức dậy bằng cả ý chí sáng tạo, ông quyết tâm viết hai tác phẩm cùng một lúc. Cuốn đầu là Tội ác và hình phạt (Crime And Punishment) được đăng tải từng kỳ trên báo Rusky-Vetnik vào đầu tháng 1/1866, tác phẩm thứ hai còn nằm trong trí tưởng, đó là cuốn Con bạc (The Gambler).
Suốt thời gian từ những tháng cuối năm 1865 đến tháng 9/1866 ông say mê viết Tội ác và hình phạt. Vào ngày mà cô gái trẻ đẹp đánh tốc ký đến giúp ông, ông chỉ còn vỏn vẹn 26 ngày nữa là hạn chót giao tác phẩm Con Bạc cho Stellovsky. Khi tác phẩm vẫn còn phác thảo trong sổ tay, tất cả hy vọng ông trông mong là lòng tận tụy của cô thư ký trẻ đẹp Anna, người thiếu nữ có duyên tiền định với đại văn hào Dostoievsky.
Anna-Snitkina sinh ở Saint-Péterbourg ngày 30/8/1846, cha cô là Grigouivanovich-Snitkin, một viên chức chính phủ, mẹ cô là Anna-Nikolayevna- Snitkina sinh ở Miltopeus, bà gốc người Thụy Điển lẫn Phần Lan được Nga hóa. Bước đầu vào đời, Anna quyết định theo học ngành sư phạm, không may cho cô, giữa lúc ấy thì cha cô lâm trọng bệnh, cô phải thường trực bên giường để chăm sóc cha từ sáng tới tối cho đến khi ông chìm vào giấc ngủ Anna mới có chút thời gian theo học lớp tốc ký.
Cái chết của cha đã làm gia đình cô suy sụp, trước hoàn cảnh khó khăn ấy, Anna phải tìm kế mưu sinh. Hôm trước trong lớp học tốc-ký, thầy Pavel-Matreyev- ich-Olkhin có trao cho cô một số công việc gấp rút với nhà văn Dostoievsky kèm theo những lời dặn dò: “Nhà văn ấy là một người buồn bã hay gắt gỏng và khó tính.”
Vào một buổi sáng mùa đông giá lạnh ở Saint-Péterbourg ngày 4/10/1866, một cô gái 20 tuổi, trẻ đẹp, mặc trang phục giản dị, với khuôn mặt trái xoan dịu hiền, đôi mắt sáng trong xanh bước đi dưới trời mưa tuyết đến căn nhà trên đường Malaya-Meschanskaya và Stolyrany-Lane. Cô đưa tay ngại ngùng gõ cửa... Đó là căn nhà Dostoievsky đang sống những ngày tháng phập phồng, ông đợi chờ cái giờ kết thúc của bản hợp đồng khốn kiếp? Ông đang đợi tai họa đưa ông vào tù vì các chủ nợ? Không! Dostoievsky đang đợi tình yêu cuối cùng bước vào đời ông. Và định mệnh đã đưa Anna đến với ông.
Ngày 4/10/1866, nhà văn và cô thư ký bắt đầu cuộc chiến chống lại thủ thuật của nhà xuất bản, ban đêm ông phác thảo Con bạc, hôm sau đọc cho Anna tốc ký, chiều tối về nhà Anna ngồi chép lại, sáng mai Dostoievsky duyệt qua một lần nữa, cả hai người đang chạy đua với thời gian bằng tài năng và nhiệt huyết của mình. Khi Anna nghe ông kể về cái hợp đồng trí trá ấy, cô tức giận, nguyện lòng sẽ giúp ông tới cùng, cô trở thành người trợ lực của ông, ông thường bông đùa gọi cô là: “Con chim câu yêu quý tài tình” hoặc là “người vệ binh chân tình của ông”. Ông đã đón nhận ở Anna rất nhiều ý kiến hay trong việc sáng tác của ông. Dần dần Anna không còn ngại ngừng với tình cảm của ông nữa, cô bắt đầu hỏi về quá khứ đời ông, nhiều khi giúp ông vài việc vặt vãnh trong nhà. Tình cảnh cô độc, lo lắng, nghèo túng mà Dostoievsky đang sống gây cho cô nhiều xúc cảm về đời sống của một nhà văn.
Tác phẩm Con bạc đến ngày 29/10/1866 là ngày ông đọc cho Anna những dòng cuối cùng, ông thai nghén cuốn tiểu thuyết nầy lúc còn sống với Maria-Dmitriyevna, nội dung hình thành qua mối tình thứ hai với Apollinariya, đến khi Anna xuất hiện thì tác phẩm bắt đầu khai sinh. Dostoievsky đã làm được một sự thực phi thường, chỉ trong vòng 26 ngày, ông viết xong cuốn tiểu thuyết 75.000 ngàn chữ, một sự thực trước nay chưa hề có trong thế giới văn chương, tuy nhiên ông hiểu rằng, nếu không có lòng tận tụy của Anna chắc chắn ông không thể viết nổi.
Tác phẩm Con bạc nói về một người Nga có thiên tư ném đời mình vào trong cuộc đỏ đen hoang phí. Dostoievsky thường tự vấn bao giờ một người Nga xuất hiện trong văn chương? Và đó là ý tưởng cho ông chủ đề kế tiếp Gã khờ (The Idiot) tác phẩm duyên nợ kết hợp đời ông với Anna.
Một hôm Anna thấy ông không được vui, cô dịu dàng hỏi:
- Sao ông không lấy vợ lại đi để tìm hạnh phúc trong đời sống gia đình?
Nhà văn ngạc nhiên hỏi cô:
- Thế cô nghĩ rằng tôi còn có thể lấy vợ nữa sao? Cô thấy ai bằng lòng lấy tôi chứ? Còn tôi! Tôi sẽ chọn lựa người vợ như thế nào đây? Một người thông minh hay tốt bụng? Tất nhiên là người thông minh! Ồ! Không! Nếu tôi chọn, tôi sẽ lấy người tốt bụng hơn, người ấy sẽ yêu tôi và sẽ đối xử tốt lành với tôi.
Sau đó ông hỏi cô sao chưa lấy chồng? Anna đáp rằng:
- Hiện có hai người đang theo đuổi cô, nhưng cả hai cô kính mến chứ không yêu! Cô muốn lấy người bằng tình yêu kia.
Dostoievsky khuyến khích cô:
- Đúng! Phải là tình yêu! Lòng kính trọng thôi không đủ làm cho cuộc hôn nhân hạnh phúc.
Ngay từ buổi đầu, Dostoievsky đã rất yêu mến Anna, ông thấy lòng mình bị thu hút qua sự bén nhạy, sự mẫn cảm, quán xuyến trong công việc và trên tất cả là lòng tốt của cô. Không những Anna kính yêu ông, cô còn quan tâm đến cái ăn cái mặc, giấc ngủ và mọi sinh hoạt hằng ngày của ông. Đã từ lâu ông thiếu vắng sự chăm sóc của một người đàn bà chân thật, người cuối cùng cho ông sự chăm sóc ấy là mẹ ông, nhưng bà đã mất cách đây ba năm. Sống với người vợ đầu, ông hiếm khi thấy bà dịu dàng yêu mến ông, cả hai người đàn bà trước đây không hiểu nổi ông, họ đã không giúp ông được gì trong việc sáng tác, trái lại họ còn quấy rầy ông. Ông cảm thấy trái tim mình sống lại qua bóng hình Anna, nhưng sự khước từ của người đẹp Suslova còn in đậm trong tâm trí ông, ông không thể quên sự thực chuyện tình cay đắng ấy. Trong truyện ngắn Ước mơ của một người chú, ông tự chế nhạo mình qua nhân vật trong truyện “Một người quý tộc đứng tuổi đi tán tỉnh cô gái còn tơ” nên đối với Anna ông không dám mạo hiểm lần nữa. Những năm sống cô độc, ông luôn khát khao một tổ ấm gia đình. Trong bức thư mới đây gởi cho Alexandre-Vrangel có đoạn: “Chí ít anh cũng sống được hạnh phúc trong đời sống gia đình, còn tôi số phận đã khước từ niềm hạnh phúc lớn lao nầy của con người”.
Một hôm Anna đang ngồi chờ ông đọc nốt phần kết của Tội ác và hình phạt thì Dostoievsky bắt đầu nói với cô về những giấc mơ ông hằng tưởng. Điều làm cô kinh ngạc là ông quyết định viết một tác phẩm mới nữa, lời của ông cảm xúc như khi ông đọc cho cô tốc ký tác phẩm Con bạc, nhân vật chính trong truyện là một nhà văn lớn tuổi, hay bệnh hoạn, đã trải qua nhiều biến cố trong đời, đã mất đi cả gia đình lẫn bạn hữu. Dostoievsky diễn tả chi tiết về cuộc đời người nghệ sĩ ấy làm Anna nghi hoặc ông đang nói về chính ông. Khi ông nói với cô rằng nhà văn trong truyện đem lòng yêu một cô gái tên là Anna, cô nghĩ rằng ông đang tưởng nhớ về Anna-Korvin-Krukovskaya, một cô gái trẻ đẹp, thông minh mà có lần ông nói với cô. Vào lúc cô quên mất tên mình là Anna thì ông hỏi cô rằng:
- Nếu như đó là chuyện thực, cô gái Anna ấy yêu nhà văn lớn tuổi, bệnh hoạn nầy, người hoàn toàn khác cô về tính tình cũng như tuổi tác, như vậy về phần nàng phải chịu sự thiệt thòi ghê gớm, cô nghĩ xem có được không?
Anna trả lời ông rằng:
- Nếu nàng có lòng tốt thì yêu một người như vậy không phải là chuyện hy sinh đối với nàng. Lòng tốt không sợ hãi bệnh tật hay nghèo khổ, người ta thường lấy nhau vì dáng vẻ bên ngoài, vì của cải phù phiếm, nhưng như vậy đâu phải là tình yêu. Nếu Anna yêu nhà văn ấy, nàng sẽ hạnh phúc và không bao giờ hối tiếc cho quyết định của mình.
Khuôn mặt Fyodor trông thật hoang mang như có nỗi dằn vặt bên trong, liền ngay tôi hiểu rằng đây không phải là cuộc bàn luận văn chương bình thường, tôi sẽ gieo vào lòng cao thượng và tự trọng của ông một tai họa ghê gớm nếu tôi từ chối, tôi nhìn khuôn mặt lo lắng của Fyodor, khuôn mặt quá thân yêu với tôi và nói rằng:
- Câu trả lời của em là... em sẽ yêu anh và yêu anh trọn đời.
Anna chấp nhận tìm hạnh phúc trong đau khổ của đời ông. Cô biết ông người mang bản án đại hình từ địa ngục Sibérie trở về, hiện ông thường xuyên bị mật vụ theo dõi, lệnh theo dõi đến năm 1875 mới hết hiệu lực. Mặc dầu ông là nhà văn tài năng, nhưng đời sống của ông nghèo túng, bấp bênh, bên cạnh gánh nặng nợ nần người anh ông chết đã trút lên vai ông, và cái điều bất hạnh hơn nữa là chứng động kinh không phương cứu chữa, nhưng Anna đã nói rằng “lòng tốt không sợ hãi bệnh tật hay nghèo khổ, lấy nhau vì điều kiện bên ngoài đâu phải là tình yêu”. Quả thật thời gian làm việc với Dostoievsky cô đã thầm yêu ông.
Riêng Dostoievsky, khi ông cởi lòng bằng câu chuyện tình ấy, ông hiểu rằng đây là cơ hội cuối cùng để có một tổ ấm gia đình với người vợ hiền và con cái, nếu Anna từ chối không hiểu vết thương mà Suslova gây nên sẽ sâu xa đến chừng nào. Nhìn từng nét biểu lộ trên khuôn mặt yêu kiều của Anna, chăm chú nghe từng lời cô nói, ông hiểu cô yêu ông bằng lòng chân thật. Sau nầy Dostoievsky kể lại: “Khi tôi kết thúc câu chuyện, tôi thấy Anna tỏ lòng yêu tôi thật chân thành, mặc dầu nàng chưa bao giờ thể hiện điều ấy, còn phần tôi, tôi càng yêu thương nàng hơn nữa, ngày anh tôi mất đi, cuộc đời đè lên tôi những gánh nặng khủng khiếp, vậy mà tôi dám hỏi nàng làm vợ và tuổi tác còn là sự chênh lệch ghê gớm nữa chứ! Nàng 20, tôi 45t, nhưng dần dần tôi tin chắc rằng nàng sẽ hạnh phúc, vì nàng có trái tim cuồng nhiệt của tình yêu”.
Tuy nhiên cuộc hôn nhân của họ không thuận buồm như tình yêu đã đến. Bà vợ của anh ông và Pasha, cháu trai của người vợ đầu cùng đàn đúm con cái của bà phản đối kịch liệt; họ biết rằng sau cuộc hôn nhân, họ sẽ không còn nương tựa vào sự sống của ông nữa. Về phần bên họ hàng bạn bè cô dâu, tất cả đều phản đối kịch liệt, nếu họ không vì tình yêu thì khó vượt qua nổi, tất cả đều không bằng lòng để Anna lấy Dostoievsky, một người nghèo khổ bệnh tật, đã qua hai đời vợ, tuổi tác đã đến cùng vận may của đời người, nhiều năm sau con gái Anna hỏi mẹ: “Sao mẹ yêu được người mà tuổi đời bằng tuổi ông ngoại vậy mẹ?” Anna mỉm cười trả lời con “Nhưng cha con tính tình trẻ trung lắm, nếu con biết cha con thế nào!... Cha con rất thích cười đùa, cha con nhiệt tình như thanh niên, cha con còn vui vẻ và nhạy cảm hơn lớp trẻ đương thời, những thanh niên tập thói quen đeo kính trông nghiêm nghị như những vị giáo sư ấy”.
Trong 44 năm sống trên đời, thời kỳ hứa hôn với Anna là những ngày tháng tươi đẹp nhất của đời ông, trái tim cuồng nhiệt tuổi trẻ của cô đã hồi sinh cõi lòng băng giá của Dostoievsky. Ông thú thật rằng, Anna đã hoàn toàn biến đổi con người ông, cô đem đến cho ông nhiều cảm xúc mới, nhiều ý tưởng mới và kết quả là ông trở thành con người tốt đẹp hơn, điều ấy ông thể hiện qua phần cuối trong Tội Ác Và Hình Phạt. Rakolnikov trong tình yêu của Sonya-Marmeladova đã hồi sinh trở lại, về sau không phải vô tình mà ông đặt tên con gái đầu lòng là Sonya.
Nhưng giữa mùa xuân của mối tình mới chớm, những người bà con trong gia đình ông là đám mây che lấp niềm vui của họ, Pasha và Emilia thường xuyên xúc phạm đến Anna, họ vẫn bám lấy ông, tiền bạc tờ báo Rusky-Vestnik trả cho cuốn Tội Ác Và Hình Phạt và nhà xuất bản thanh toán về cuốn Con Bạc đều dần dần đi vào túi của họ. Anna bất lực không thể làm gì được, cô biết rằng Dostoievsky không thể chối từ trước lời xin của những người bà con, ngay cả những nhu cầu cần thiết của riêng ông, ông không còn nghĩ tới. Cô lo ngại nếu tình cảnh ấy kéo dài, một ngày ông sẽ xác xơ. Khi cô nói cô yêu ông và sẽ yêu ông trọn đời, tất nhiên cô đã có nhiệm vụ thiêng liêng của người vợ đối với chồng, còn những người trong gia đình chỉ xem ông là hiện thân của một chuỗi thất bại triền miên, tù đày, bệnh tật, nợ nần, vợ con dang dở, còn sứ mệnh mà ông đem linh hồn thắp sáng cho cuộc đời, họ là những kẻ mông muội, riêng Anna cô biết rằng “Dostoievsky chỉ có con đường duy nhất là sáng tạo”. Đau khổ, tù đày, nghèo túng trở thành chất liệu, nội tâm ông là ngọn núi lửa đang âm ỉ dưới khổ nạn, những gì ông thể hiện từ trước tới nay chỉ là bước đầu trên con đường đánh thức thiên tài. Năm 1839 thời Dostoievsky còn là cậu thanh niên 18 tuổi, ông đã viết thư cho anh ông rằng: “Con người là một hiện thể huyền bí phải được kiến giải, nếu anh sống trọn đời để kiến giải điều ấy thì đừng nói anh đã hoang phí cuộc đời, em đang dấn thân để giải thích sự huyền bí nầy, vì em muốn được làm người”.
Dostoievsky đã chọn lựa định mệnh của mình, sống đến tận cùng, đẩy đưa mình chuyện trò với cái chết, dũng cảm đu bay giữa địa ngục và văn chương là suối nguồn phản chiếu nội tâm của ông qua cuộc đời để khai phóng sự huyền bí của con người, từ tội ác học đến nhân bản học cho đến cõi siêu hình.
Một buổi sáng tháng 9 giá lạnh, ông mặc phong phanh chiếc áo mùa thu đến thăm Anna, đi giữa trời mưa tuyết, ông run cầm cập, cảm thấy cái lạnh của mùa đông cực độ nhức buốt xương da, đến nhà gặp Anna ông không thốt ra lời. Anna vội vã rót cho ông hai chén trà nóng, bưng tiếp hai ly rượu hồ đào, uống xong ông mới tỉnh người lại. Anna hỏi ông áo lạnh đâu sao không mặc? Giọng cô đầy trách móc hờn giận, không giấu được ông mới thú thật rằng, “Pasha và Emilia cần gấp một số tiền nên đã xin ông cầm chiếc áo đi”, nghe xong Anna ràn rụa nước mắt:
- Thế nầy làm sao anh sống nổi với mùa đông?
Dostoievsky sung sướng vuốt tóc cô:
- Bây giờ anh mới hiểu em yêu anh chừng nào! Em không thể khóc như thế này nếu anh không được em yêu!
Từ hôm đó Anna tìm đủ mọi cách bảo vệ cuộc sống của ông và đó là cuộc đấu tranh không dễ dàng. Cô nói với ông phải cưới nhau sớm chừng nào tốt chừng ấy, chắc chắn trước tổ ấm mới dựng xây, những người bà con sẽ buông tha cho ông, nhưng đám cưới lấy đâu ra tiền bây giờ? Cả Anna lẫn Dostoievsky không đủ sức tổ chức ngày vui thiêng liêng của họ. Cuối cùng ông quyết định đi Moscow gặp M.M. Katkov chủ bút tờ báo Rusky-Vestnik để điều đình với ông ta xin ứng trước một số tiền về tác phẩm Gã khờ ông sẽ viết.
Hai bức thư ông viết cho người vợ chưa cưới từ Moscow có những dòng cảm xúc về lòng thủy chung của Anna và tương lai tổ ấm của họ như sau: “Anh tưởng nhớ em, nhớ bóng hình em từng giờ từng phút. Vâng! Anna! Anh yêu em vô cùng, hôn em một triệu lần hơn... Năm mới và mùa hạnh phúc mới đang đến gần đây, cầu phúc cho tình yêu của chúng ta... cho thiên thần của anh... Anh sẽ làm việc với cả sức lực, tất cả đều vì em, vì lòng chân thành của em, lòng chân thành vô bờ không thay đổi, anh tin em và nhắc lại tương lai của anh với em, Anna, người bạn vĩnh cửu của anh, ngày cưới của chúng ta đã quyết định rồi, chúng ta phải có tiền và lấy nhau lúc nào có thể, anh yêu em biết bao! Yêu em vô cùng, điều ấy làm anh sung sướng quá! Với người vợ như em hỏi sao anh không hạnh phúc chứ? Yêu em, Anna, anh yêu em mãi mãi”.
Ngày 15/2/1867, hôn lễ của họ cử hành tại nhà thờ Thánh Ba Ngôi Izmalovo, đó là ngày Dostoievsky ghi khắc vào tim mình: Ngày 15/2/1854 ông trở về từ địa ngục Osmk-Sibérie, “Tự Do! Tự Do! Ôi! Cuộc đời mới, sự hồi sinh từ cõi chết. Và ngày ấy! Anna-Grigousyevna, đây là cuộc đời mới, là tất cả tương lai, hy vọng, chân thành, hạnh phúc và huyền diệu của đời anh”.
Ông hưng phấn giới thiệu Anna cùng tất cả bạn bè, bà con dòng họ: “Nàng là người của tình yêu, người kỳ diệu, nàng có trái tim bằng vàng”.
Mười năm trước đây trong đêm tân hôn với người vợ đầu, Maria-Isayeva, ông đã lên cơn động kinh làm cô dâu hoảng sợ và đó là một trong những nguyên nhân gây tan vỡ những mối tình trước kia của ông. Và Anna trong đêm ấy, cô cũng gặp trường hợp như vậy. Nhìn ông quằn quại trong cơn đau, Anna không sợ hãi chút nào, trái lại cô còn chăm sóc yêu thương ông hơn nữa, mặc dầu đó là lần đầu cô chứng kiến, sau nầy cô hồi tưởng lại: “Giữa lúc ấy tôi không hề hoảng sợ, dù đó là lần đầu tôi thấy cơn động kinh tấn công, tôi vội ôm lấy đôi vai Fyodor, dùng sức đặt anh ấy nằm trên divan, nhưng khủng khiếp quá! Thân thể chồng tôi vật vã lìa khỏi chiếc ghế mà tôi không đủ sức giữ lại... Tôi đành để Fyodor nằm trượt xuống sàn nhà rồi quỳ người xuống hết sức ghì anh ấy vào chân tôi... Dần dần cơn co giật hạ bớt, Fyodor bắt đầu tỉnh táo lại, nhưng tôi lo âu biết bao! Khi một giờ sau cơn động kinh lại tấn công, dữ dội như thế, khủng khiếp như thế, khoảng hai giờ sau chồng tôi mới tỉnh lại, anh ấy kêu lên thật đau đớn, đó là chứng bệnh thật ghê gớm. Ôi! Một đêm kinh hoàng biết bao! Đó là lần đầu tiên tôi chứng kiến Fyodor chịu đựng cơn đau với chứng bệnh ấy, nghe những tiếng kêu la rên rỉ không dứt của anh, nhìn khuôn mặt hổn hển biến đổi, đôi mắt điên dại của anh và hoàn toàn không hiểu nổi những lời ngắt quãng thều thào, tôi đau lòng nghĩ rằng người chồng thương yêu của tôi sắp hóa điên, ý nghĩ nầy ám ảnh tôi ghê gớm”.
Ngày Anna lấy Dostoievsky cô vừa tròn 21 tuổi, cái tuổi chưa thể nói là đã đủ kinh nghiệm để lo toan bao việc đời rối rắm, lòng cô vẫn ngây thơ như cô gái mới dậy thì. Chứng bệnh của ông sau ngày cưới là một mất mát lớn lao cho hạnh phúc của cô, nhưng bối cảnh cuộc sống hiện tại còn đe dọa họ hơn nữa. Những người bà con bây giờ trở thái độ thân thiện với Anna, họ quanh quẩn bên cô từ sáng tới chiều, cuộc sống riêng tư của vợ chồng bị mất mát phần lớn tự do và bao nhiêu công sức Dostoievsky cùng Anna hợp tác làm việc dần dần biến thành những nhu cầu đòi hỏi của những người bà con đến nỗi Anna muốn xây dựng hạnh phúc nơi một cảnh đời khác. Phải rời khỏi Saint-Péterbourg ồn ào nầy, rời khỏi bao nhiêu nỗi phiền hà... rời khỏi những khuôn mặt chủ nợ thỉnh thoảng xuất hiện trước ngưỡng cửa. Thế là đôi vợ chồng mới cưới quyết định tìm hạnh phúc ở đất nước khác một thời gian, họ chuẩn bị ra nước ngoài.
Hai vợ chồng cùng nhau đi Moscow để điều đình với Katkov một khoản tiền ứng trước nữa, chủ bút Rusky-Vestnik đồng ý trao cho họ 1000 rúp khác. Anna vui mừng quá đến nỗi quên lời hứa với chồng sẽ không bao giờ làm ông buồn như những người đàn bà trước đây. Lúc ở nhà người chị, cô đã thân mật chuyện trò với một người trẻ tuổi ngoài mức bình thường, cô quên những người trẻ tuổi là nguyên nhân làm tan vỡ những mối tình của ông trước đây. Ông từng đau khổ vì hình ảnh Vergurov, người giáo sư trẻ tuổi trong lòng Suslova, hai người đàn bà trước không che giấu sự ngoại tình của họ với những người khác khi họ đang sống với ông, nhưng thuở ấy Dostoievsky không tỏ thái độ ghen tuông, ông chỉ âm thầm chịu đựng, ông còn tìm cách vỗ về họ nữa. Còn với Anna, mối tình làm ông hồi sinh thì thái độ của ông khác hẳn, ông giận dữ ghen tuông đến nỗi Anna phải ôm mặt khóc, nước mắt trong trắng cũng như tấm lòng của cô làm ông thấy rõ sự phi lý của mình. Ông hối hận suốt đêm dằn vặt khiến Anna phải trìu mến an ủi ông. Chuyện rắc rối ấy không phải là bóng mây che bớt niềm vui của Anna, trái lại điều ấy chứng tỏ Dostoievsky yêu cô khôn cùng và điều sung sướng là họ đang có tiền để ra nước ngoài. Những ngày ở Moscow đôi vợ chồng sau tân hôn mới thật sự hưởng được tuần trăng mật ở khách sạn Dusso, ông thấy đời mình trẻ lại như thuở ban đầu được yêu.
Dự tính ra nước ngoài của họ bị những người trong gia đình phản đối kịch liệt, họ đòi hỏi nếu muốn ra đi thì phải để lại cho họ một số tiền trả dần cho các chủ nợ, thế là trong số tiền ấy ông phải trích bớt 400 rúp, ông buồn bã sợ chuyến đi sẽ không thành. Nhưng Anna đã quyết tâm, không gì ngăn cản được cô. Cô thu góp những gì mình có, từ đồ đạc, áo quần, vàng bạc đem bán và cầm cố đi. Thế là với số tiền ấy, ngày 14/4/1867 hai vợ chồng như đôi chim xổ lồng cất cánh bay sang trời Âu.
VƯƠNG KIỀU lược dịch theo bản tiếng Anh
(Còn nữa, kỳ sau đăng hết)
(SH316/06-15)