Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.6-15)
Huế từng là trung tâm báo chí của miền Trung và cả nước
09:41 | 19/06/2015

LTS: Diễn ra từ 10/6 đến 22/6/2015, cuộc triển lãm “Thừa Thiên Huế: 90 năm báo chí yêu nước và cách mạng” do Hội Nhà báo tổ chức tại Huế, trưng bày các tư liệu báo chí hết sức quý giá do nhà báo, nhà nghiên cứu Dương Phước Thu sưu tập, đã thu hút đông đảo công chúng Huế. Nhiều tờ báo xuất bản cách đây hơn thế kỷ giờ đây công chúng được nhìn thấy để từ đó, hình dung về một thời kỳ Huế đã từng là trung tâm báo chí của cả nước. Nhân sự kiện hết sức đặc biệt này, Sông Hương đã có cuộc phỏng vấn ngắn với nhà nghiên cứu Dương Phước Thu.

Huế từng là trung tâm báo chí của miền Trung và cả nước
Ảnh: hue.vnn.vn


SH:
Cuộc triển lãm này, công chúng rất ấn tượng với những tư liệu báo chí hết sức phong phú, đa dạng. Anh có thể cho bạn đọc biết vài nhận định về lịch sử báo chí Huế, qua đó nói thêm về vị trí của Huế trong lĩnh vực báo chí?

- NNC Dương Phước Thu: Do yêu cầu của nội dung triển lãm, ở đây chỉ mới giới thiệu đôi nét về báo chí yêu nước và cách mạng xuất bản ở Huế mà thôi.
 

Theo nhiều nguồn tư liệu hiện có, so với Hà Nội và Sài Gòn, hai trung tâm lớn nhất của cả nước thì báo chí xuất bản ở Huế có hơi muộn. Vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có việc các “ông chủ tư bản Pháp” đầu tư vào Huế công việc in ấn theo công nghệ tiên tiến lúc bấy giờ bị chậm, cộng với sự cản trở của thực dân Pháp và Nam triều dưới chính sách bảo hộ và chút quyền cai trị còn lại của vua quan nhà Nguyễn với cuộc đất Kinh đô Huế. Nhưng trong quá trình vận động đòi dân chủ của những người trí thức tiến bộ, cuối năm 1913, đầu năm 1914, tờ báo Le Rigolo (tạm dịch: Những kẻ ngộ nghĩnh) - tờ báo đầu tiên được in bằng đông sương đã ra đời ở Kinh đô Huế. Kế đó là hàng loạt tờ báo độc lập, khoa học, văn hóa đã xuất hiện. Năm 1927, tờ Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng vừa mới trình làng đã gây tiếng vang trên cả nước. Tiếng Dân là tờ báo khổ lớn in bằng tiếng Việt đầu tiên của miền Trung; đến khi ngừng xuất bản vào ngày 24/4/1943, Tiếng Dân đã ra được 1.766 số.

Khác với báo chí nói chung, báo chí yêu nước và cách mạng xuất hiện ở Huế khá sớm. Ngay từ những năm 1928, tờ Thanh Niên của Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội do nhà báo Nguyễn Ái Quốc sáng lập đã có mặt ở Huế; tiếp đó là những tờ như Phụ Nữ Tùng San của bà Trần Thị Như Mân, Con Đường Đấu Tranh của Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên, Học Trò của thành phố Huế, Vô Sản, Chỉ Đạo, Tin Tranh Đấu của Xứ ủy Trung Kỳ... Tính đến năm 1932, Huế đã có trên 25 tờ báo chính trị, văn hóa, kinh tế, khoa học và tôn giáo, và với hàng chục tờ báo viết tay của những người hoạt động cộng sản ở Huế. Vai trò báo chí yêu nước và cách mạng lúc này ở Huế đã có một vị thế quan trọng không thể phủ nhận được. Báo chí đã tuyên truyền, hướng dẫn và hiệu triệu quần chúng đi theo cách mạng; nhiều cuộc bãi khóa, đình công chống thực dân Pháp và Nam triều; nhiều cuộc biểu tình ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh và các cuộc khởi nghĩa yêu nước khác liên tiếp nổ ra ở Huế dưới sự hiệu triệu của báo chí cách mạng.

Mấy năm gần đây, rất nhiều tư liệu quý từng được công bố về Huế và cả nước (đã bị thất lạc) lại được tìm thấy và dẫn ra từ những tờ báo như thế. Nhiều khoảng trống về tư liệu, nhất là giai đoạn cận hiện đại, nhờ có báo chí “kịp thời ghi lại” mới sáng tỏ nhiều vấn đề của lịch sử. Điều ấy chứng tỏ vai trò quan trọng của báo chí và Huế từng là trung tâm của báo chí, đã là trung tâm báo chí và sẽ còn là một trong mấy trung tâm báo chí của miền Trung và cả nước.

SH: Để có “kho” tư liệu về báo chí Huế từ xưa đến nay, anh đã phải rất công phu và kiên nhẫn. Việc đó diễn ra như thế nào?

- NNC Dương Phước Thu: Nói là “kho” thì to tát quá, chúng tôi mới chỉ sưu tập được khoảng gần 200 tờ báo nhỏ, xuất bản ở Huế, có một số tờ từ những năm 1926, nay được xem thuộc về loại quý hiếm. Nhưng để tìm ra được những tờ báo như thế quả là khó nhọc và gian nan về nhiều mặt, nhất là về kinh phí và thời gian. Vì có những tờ chỉ ra được vài kỳ, thậm chí chỉ được một đến hai kỳ với số lượng khiêm tốn thì bị chính quyền thực dân đình bản, hoặc tự nó đình bản do không bán được. Nhiều tờ ở vào lúc xuất bản xem ra rất bình thường, nhưng trải qua thời gian sau 90 đến 100 năm lại thành quý hiếm. Nó trở nên quý vì đấy là văn hóa và giá trị của lịch sử.

Có nhiều tờ báo do chính quyền thực dân Pháp cấp phép, những người hoạt động cộng sản tổ chức mua lại để tiếp tục ra báo nhưng với nội dung chỉ đạo theo đường lối của cách mạng, cũng còn lại rất ít.

Nhiều tờ báo cách mạng được in ở chiến khu kháng chiến rồi chuyển về đồng bằng, đưa vào nội thành phát hành nay cũng hơi khó tìm.

Ở Huế có một mảng khá lớn, số lượng có thể lên đến vài chục tờ, gọi là “báo chí phong trào” do các nhà giáo, công chức, sinh viên, học sinh, các đoàn thể yêu nước, các tổ chức tôn giáo và cả tư nhân chủ trương xuất bản. Để tìm được đủ số những tờ báo này là rất khó. Đấy là chưa kể những tờ báo do phía bên kia xuất bản, hay nói cách khác là những tờ báo “chống cộng”, mà theo danh mục thì ở Huế trước năm 1975 cũng có đến vài chục tờ.

Sau nhiều năm mày mò, chúng tôi mới gom được một số tờ báo như vậy. Vì không gian nên ở triển lãm này cũng chỉ mới trưng bày được một phần. Điều mà chúng tôi mong muốn nhất là làm sao đưa được những tờ báo của Huế về lại với Huế...

Tóm lại, sưu tầm tư liệu nói chung hay sưu tầm báo chí đều là một công tác khoa học, có những phương pháp của nó. Ngoài chuyện kinh phí, thời gian, cần phải có lòng say mê và sự dấn thân của mỗi người; đôi khi quên đi tất cả chỉ mê mẫn với hiện vật mà thôi. Vì lẽ sống của mỗi người tự lựa chọn, đối với tôi, đấy cũng là một cách học, một niềm vui riêng...

SH: Cảm ơn anh!  
(SDB17/06-15)






 

Các bài mới
Hỏa tâm (24/07/2015)
Đời tóc (10/07/2015)