LTS: Sông Hương số đặc biệt tháng 6 năm 2015 này, ngoài những chuyên mục thường kỳ, Ban Biên tập dành một số trang in để kỷ niệm 10 năm ngày mất của Thái Ngọc San (25/7/2005 - 25/7/2015), người thi sĩ luôn muốn đứng trước những cơn giông bão.
Đối với thế hệ Ban Biên tập Sông Hương hiện tại, ngoài tư cách đáng ngưỡng mộ đó, Thái Ngọc San còn là một trong những văn nghệ sĩ đứng tên thành lập Tạp chí Sông Hương, và đã góp công đưa tạp chí đến đỉnh cao. Anh là một thư ký tòa soạn luôn đặt chất lượng tờ báo lên hàng đầu, và ủng hộ quyết liệt những nhân tố mới. Thời anh đảm trách Thư ký tòa soạn Tạp chí Sông Hương, hàng loạt các cây bút trẻ ở Huế đã hình thành và phát triển thành những tên tuổi, đặc biệt là ở câu lạc bộ Văn Học Trẻ Huế.
Nhân số tưởng niệm này, ngoài một số thơ lai cảo do gia đình thi sĩ sưu tập được, SH còn tập hợp các bài thơ, truyện, tùy bút của những người bạn, người tình của Thái Ngọc San.
Sự tập hợp này chắc chắn chưa thật dày dặn, nhưng bạn đọc có thể thấy qua đó, hình dáng đáng yêu của chàng Goldmund luôn sẵn sàng từ giã để ra đi tìm cái đẹp khác ngoài sự hữu hạn. Hay nói một cách gần gũi hơn, của Nguyễn Miên Thảo: “Thái Ngọc San, chàng thi sĩ của sự khước từ”.
Ban Biên Tập
THÁI NGỌC SAN
Ngày tháng đen
Con chim non mọc lông cánh xù xì
những đêm ngủ một mình và khóc
lệ máu rỏ đầy hai con mắt ưu tư
con đường dài cho nỗi buồn rửa mặt
ôi mùa hạ và quê hương
những ngày đen
những tháng đen
những năm đen như đại ngục
những bàn tay giơ lên
những đôi mắt nhìn lên
những lời nói muốn bay lên không hết
ôi thân phận bèo ngày đêm trôi dạt
chở nỗi buồn không bến âu lo
và những oan khiên của một đời người khốn nạn
này những bần cùng của một kiếp sống bơ vơ
Con chim non lột xác
rồi những tháng ngày mòn mỏi bỏ đi
người ta đuổi nó rồi những đêm tàn nó khóc
hai con mắt đỏ buồn rầu
dĩ vãng chạy xa lìa giấc ngủ
và những chiêm bao
thôi những mọn hèn ngày hôm nay đứng dậy
cho một lần bỏ đi
thành phố như những loài sâu trong vòng bóng tối
thành phố như hai bàn tay gầy còn lại
và con chim non đứng khóc một mình
thôi những đêm và những ngày đen không ngủ
nỗi buồn nầy còn đứng lại làm thinh
cánh chim non sẽ rụng dần rồi chết
rồi tan nhanh và phủ lấp con đường
8/64
Những buổi chiều một mình
Những buổi chiều một mình gần muốn khóc
đời sống sao chưa yên bình được một lần
để cầm tay em đi qua sông
căn nhà gỗ trong ước mơ biền biệt
những bài thơ hoài hoài đi ngoài đời
như những chiếc lá bay
súng vẫn bắn và hòa bình vẫn được nói tới
tự do vẫn được vinh danh
tôi không biết trong hồn tôi biết đến bao giờ
biết đến bao giờ nở đóa bạch lan
để nói với em về một hà nội sương tuyết
em đừng trách tôi tại sao vẫn hững hờ đi qua đời em như bóng mây
khi những buổi chiều tôi vẫn ngồi ngó qua cửa sổ nhà hàng xóm
thật tình nhớ xa xót ngày xưa
như những cọng rơm vàng lũ chim sẻ tha về làm tổ
là những hạnh phúc bình thường ấm êm của một đời giản dị
Ngày nào căn nhà gỗ bên đường cái quan
ngọn đèn dầu khuya em ngồi xõa tóc
đan áo cho mùa đông
tôi sẽ trồng một vườn rau xanh
gởi những chuyến xe hàng mang về thành phố
và những bài thơ sẽ không còn mang áo xác chết đạn bom
quan tài chủ nghĩa
bây giờ những buổi chiều còn lại một mình
em có biết chăng đời tôi rồi sẽ có một sớm mai nào
ra đi không ngày trở lại
tôi vẫn nhớ em khi đêm tối về
âm thầm khóc trong chiếu chăn
những giọt lệ vàng thánh thiện như nước mắt chim khuyên
tôi ngồi đếm lại tưởng nhớ
mù mưa bay ngoài đời
cũng muốn khóc theo cây lá rũ
Nếu có một ngày nào em sẽ đến đây
em nhớ mang theo chiếc áo lụa vàng
cho tôi lớn khôn thêm nguồn hy vọng đó
dù hà nội vẫn xa mù như khói sương
dù một ngày nào đó chiếc xe dodge có chở tôi vào trại tù binh
ôm những cục đá lăn vào vực tối
những buổi chiều còn lại một mình gần muốn khóc
nhớ em, người tình bé dại đi qua đời tôi như chiếc lá bay tình cờ
(Ý thức, số 3, ngày 1/11/1970, trang 34)
Về những con đường khô cây
Bây giờ người ta nhìn mặt nhau không rõ
Những nụ cười núp dưới manh áo rách
Mặt trời cháy nám thanh xuân ta
Và tình yêu buồn như viên gạch cũ
ở phía con đường kia
Tôi đã trở về nơi này
đi qua những con đường đã đi
sao mắt mờ như bụi đỏ bay
sao hồn chết giấc
sao gạch đá lăn lăn chảy mòn trí nhớ
cây đã khô, tình đã buồn
bây giờ là mùa hạ hay bây giờ là mùa đông
sao nghe mưa đỏ ngầu ào ạt
mộ người nào đó quên nghĩa trang
nằm im bên vỏ đạn
Tôi đã trở về đây tôi đã nghe
và tôi đã buồn như gã câm
nhìn mặt người tình phụ
người chết đi chắc là không thể vui
làm sao tôi có thể khóc
như bầy trẻ nhỏ
Mắc mớ chi mà bắc loa kêu như bầy vẹt
ôi tự do ôi hòa bình ôi quốc gia chủ nghĩa
tôi muốn ném đá vào chiếc xe
vỡ sọ người manh tâm lừa đảo
Hãy treo phất lá cờ trên ngọn cao
cho người đàn bà xấu xí trong đêm
hết kêu than Sài Gòn - Hà Nội
tôi thèm đi trên những con đường
có tiếng hát vành khuyên
những ngày lá mới
Bây giờ người ta ngó nhau bằng mắt xiên
Khi tôi trở lại thành phố nầy
những sách vở thương hàng cây khô
dòng sông khỏa đám lục bình
lũ con gái cúi mặt qua cầu giấu áo
ai hiểu được trong dòng xanh
có nguồn sữa nào u ám
ai hiểu được trong hồn tôi
có nỗi khổ tâm nào không nói được
Tôi trở về đây trong sổ tay bằng hữu
có đứa đã vĩnh viễn nằm yên
có thằng bỏ lên rừng
có thằng bỏ đi lính
Tôi không còn mơ mộng để đợi chờ
một ngày sum vầy đông đủ
Ôi mai này sau ngày kháng chiến
chắc rằng bạn bè tôi cũng không quên
những khói thuốc khói bay vàng cửa sổ
Tôi không còn tuổi trẻ để yêu đương
bên đống gạch vỡ
Tôi thèm có một lần
vắt nắm cơm cho người bạn cũ
những hy vọng nào xanh mái tóc
mắt dù đã sâu ngày chờ đợi
tôi vẫn nhớ bạn bè tôi
dù mỗi thằng đi mỗi hướng
và tôi vẫn tin rằng
không có sự thù hằn nào giết được kỷ niệm
Tôi vẫn đi qua những con đường
khô dấu cây in hằn dấu đạn
có những hình người thật lạ lùng
có những khẩu súng thật lớn
những hố bom thật sâu những mộ phần thật lạ
có những tiếng cười thật nhăn nheo
in dấu tình rạn vỡ
Tôi nhìn tôi thật đau thương
cẳng chân dài đi qua phố chết
những chữ viết ai còn sót lại trên tường vôi kia
một thời quá khứ
tôi muốn hát cho cây cỏ nghe
lời giun dế khóc trong đêm lửa cháy
Ai đi ngược chiều tôi không ngước mắt lên
nhìn nắng đỏ phai hy vọng
tôi đã nắm tương lai hằn học
trên vĩa hè đá nám
sao trời không mưa cho những cây khô
rửa mặt mày lem luốc
có đoàn người nào vừa đi qua phố
chu mỏ thổi kèn vang như đám ma
Tôi trở lại thành phố này
Tôi đã trở lại thành phố này
Khóc âm thầm trong chiều vắng
đợi tiếng loa vang khắp mọi đường
một ngày tốt trời hy vọng
Xin cỏ cây hãy mọc lại
xin những cây khô hãy trổ mầm lộc mới
xin hãy hát cho tôi nghe
xin hãy hát cho tôi nghe âm thầm
tiếng đạn bom bỏ đi xa và thanh bình trở lại
Bây giờ tôi đi qua thành phố
dưới bóng cây khô tàn nhớ một người
âm thầm hét trong ngày viễn xứ.
T.N.S
Thạch Chuôn, nguồn vũ bão của rừng nhiệt đới
Hắn đẻ ở một vùng nắng cháy rực da trâu
Thiên nhiên cười với dã thú
Và hắn chết bằng viên đạn người da trắng
Trên thành lũy một ngày bùng lên
Vũng máu đỏ ngời lồng ngực sạm
Hắn đã vang ầm trước khi chết
Đạn cơ khí bắn vào thiên nhiên
Thạch Chuôn, Thạch Chuôn
Rừng nhiệt đới hát trên thân xác mày
Lũ ngu ngốc không hề biết
Nguồn vũ bão trong hồn mày
Thổi hùng hồn về mai sau
Thổi dậy rừng cờ báo động
Thạch Chuôn, Thạch Chuôn
Mày chết và máu loang rừng núi thẳm
Một đời không hề biết chiến tranh là gì
Xã hội là gì
Một đời không hề biết gì hết
Và mày đã chết thánh thiện như một thiên thần
Mày đã chết cho cao vút trời đông
Vùng nhiệt đới sục sôi lịch sử.
Thạch Chuôn, Thạch Chuôn
Ngày nào mày còn cười ngạo mạn với đạn reo
Nhảy bập bùng với dã thú
Ngày nào mày còn nhếch mép trợn mắt với hư không
Ngày nào mày còn hãnh diện màu da mày cuồng nộ
Ngày nào mày còn nói giòng giống mày vũ bão
Hãy đứng dậy, Thạch Chuôn
Hãy hét đầy trời nhiệt huyết
Hãy hét với mặt trời phương Đông
Mặt trời phương Đông đỏ máu
Cơn mê bừng một trăm năm sống dậy
Vỗ vào mặt tư bản
Cơn mê bừng một ngàn năm sống dậy
Cháy trong người cần lao
Thạch Chuôn đã chết
Hỡi nguồn vũ bão của rừng nhiệt đới
Sài Gòn, 1969
(SDB17/06-15)