Tạp chí Sông Hương - Số 37 (T.5&6-1989)
Mấy điều cần nói về tiểu thuyết "Phía ấy là chân trời"
09:06 | 01/09/2015

PHẠM PHÚ PHONG

Trước khi đưa in, tôi có được đọc bản thảo tiểu thuyết Phía ấy là chân trời (1), và trong bài viết Đóng góp của văn xuôi Tô Nhuận Vỹ (tạp chí Văn Học số 2.1988) tôi có nói khá kỹ về tiểu thuyết nầy - coi đây là một thành công mới, một bước tiến trên chặng đường sáng tác của nhà văn, cần được khẳng định.

Mấy điều cần nói về tiểu thuyết "Phía ấy là chân trời"

Nay sách đã được in ra, được bạn đọc cả nước chào đón, tôi thấy cần phải nói thêm đôi điều.

"Tại sao anh lại không phải là con người tốt?" (tr. 236). Câu trách móc xót xa của Thư nói với Vĩnh được chọn làm đề từ cho tác phẩm, là ý tưởng xuyên suốt câu chuyện, bắt đầu từ huyền thoại dân gian về một chàng trai thác cuộc đời mình vào mục tiêu đi tìm "chiếc nhẫn của thần hạnh phúc ở phía chân trời xa xôi kia", nhưng vì chỉ một phút lo cho cá nhân, buông lơi điều "tâm niệm nghĩ đến xóm làng trơ trụi" (tr. 29-30), mà phải trả giá bằng sự nhận lãnh tai họa bi thảm. Với gần ba trăm trang sách, Phía ấy là chân trời là chuyện tình đau đớn đến tuyệt vọng của một đôi trai gái trên vùng biển đầy bão lửa tai ương - một thế hệ tuổi trẻ không yên buộc phải can dự vào cuộc chiến tranh vô tiền khoáng hậu. Có thể nói rằng, qua cái logic phổ biến của một câu chuyện tình yêu trong thời buổi chiến chinh,Tô Nhuận Vỹ đã lý giải được bước sa ngã và con đường đi đến cái ác, trở thành kẻ phản bội của Vĩnh.

Chiến tranh đã đưa đẩy hai con người có hoàn cảnh giống nhau (mồ côi cả cha lẫn mẹ) từ vùng biển khu Ba Phú Lộc vừa "mất an ninh" trôi giạt về cửa Thuận. Từ đây, Thư đã neo cuộc đời mình vào lý tưởng cao đẹp của cách mạng, trở thành ước vọng cháy bỏng ở phía chân trời kia mà Vĩnh không thể nào với tới được. Anh lùi dần, lùi dần và trượt dài trên bề mặt của cuộc đời; từ việc bỏ học đi làm kiếm tiền cho ngày cưới và cũng chính vì món tiền ấy mà anh ngập ngừng quay lui rồi hụt hẫng rơi vào vực thẳm: đi làm sở Mỹ, vào học ở Vũng Tàu trở thành tên biệt kích Mỹ dẫn quân lên rừng đánh phá các căn cứ tiền phương của cách mạng, bọn vượt biên... Từng bước lún sâu vào vũng lầy của tội ác của Vĩnh đều vì Thư, đều có lý cả, "nhưng cộng tất cả những cái lý ấy lại thì ra một tổng số vô lý lớn lao: anh không phải là con người tốt" (tr. 236). Nhân chi sơ tính bổn thiện. Cái tài của người viết là luôn giữ cho nhân vật đứng bên bờ của cái thiện, giữ cái bản chất tốt "Nhân chi sơ", nhưng việc làm của anh ta là xấu, là hèn nhát, là cái ác... tất cả đều như trò đùa trớ trêu của lịch sử chiến tranh và số phận của con người: cần phải nhận thức lịch sử trong con người để có thái độ đúng đắn đối với từng con người trong lịch sử, dưới sự tác động không mấy bình thường của chiến tranh. Từ trong bản chất, con người luôn khao khát vươn tới những gì tốt đẹp, nhưng không bao giờ nắm bắt được một cách trọn vẹn, như là cái chân trời xa thẳm kia, đi hoài mà không tới được. Thành công đáng ghi nhận của Tô Nhuận Vỹ không phải là ở việc chỉ ra được phía ấy là chân trời, là chiến khu, là cách mạng, là Thư và cái lý tưởng đẹp đẽ cô đang theo đuổi; mà là ở việc anh lý giải một cách rõ ràng sự nhất quán của một tính cách phi logic, cái logic của sự phi logic diễn ra trong thế giới nội tâm đầy phức tạp và biến đổi của một con người. Đó là hạt nhân cơ bản làm tư tưởng luận đề cho cuốn tiểu thuyết.

Vĩnh là con người trái với sự phân định rạch ròi các phạm trù phẩm chất, một sự đối chọi dễ thấy lâu nay: trắng đen, nóng lạnh. Vĩnh đứng ở sắc độ trung gian, một sự hòa lẫn âm thầm, kín đáo mà mạnh mẽ. Ngược lại, Thư - cột neo lưu giữ, phần tốt trong con người Vĩnh và cũng là nguyên cớ tạo ra bước sa chân của Vĩnh - lại là con người tốt ròng, là sự sáng trong, trung thực, luôn bảo vệ những nguyên tắc đạo đức chuẩn mực đến độ khắc kỷ. Cô là "người con gái còn trẻ, nhưng thử thách cuộc đời đã khiến cô mất hẳn tính bồng bột, như đã bao lần, cô hiểu rằng trong vòng tay cô không chỉ là một trái tim mà cả một cuộc đời" (tr. 17). Cô là cái chân trời xa thẳm thành đường viền thẳng tắp ngoài kia, trên đó có đính những điểm sáng lấp lánh, là chân lý, là đại biểu cho phần tốt trong mỗi con người, nơi Vĩnh luôn hướng về với một tình yêu cháy bỏng, tha thiết đến vô bờ. Sớm có ý thức căm thù giặc, cô lao về phía nhân dân, phía chân trời cách mạng, sau ngày miền Nam giải phóng cô trở về làm phó chủ tịch xã kiêm hiệu trưởng trường cơ sở, thì người cô yêu dấu đã lún sâu vào tội lỗi không thể kéo chân lên được. Sự ổn định trong tính cách của Thư là nền tảng cho sự phát triển đa chiều của ý tưởng, nơi giao thoa của các tín hiện thẩm mỹ, song lại gợi nên sự khô khan, thiếu đi sự dịu dàng tươi mát của một thiếu nữ đang yêu, dáng dấp mà ta đã gặp ở Mẫn (Mẫn và tôi) của Phan Tứ, ở Cúc (Miền cháy Những người đi từ trong rừng ra) của Nguyễn Minh Châu và nhiều người khác nữa. Đã có lần nhà văn tỏ ra không đồng tình với nhận định nầy, bởi lẽ nhân vật có đời sống riêng tương đối độc lập, nhà văn không có quyền buộc nhân vật phải như thế nầy hoặc như thế kia. Nhưng ý đồ sáng tạo và quyền lực chủ quan của người viết là một việc, còn hiệu ứng thẩm mỹ đối với người đọc lại là một việc khác; cái tài của nhà văn là ở chỗ làm sao cho hai bình diện nầy trùng khít lên nhau, hoặc tạo được bình diện thứ hai (phía người đọc) lớn hơn bình diện thứ nhất; tham số càng lớn hơn bao nhiêu càng thành công bấy nhiêu.

Khác với tiểu thuyết sự kiện Dòng sông phẳng lặng (3 tập) trong các tiểu thuyết luận đề của Tô Nhuận Vỹ thường chỉ gói gọn không gian nghệ thuật trong một xóm chân đồi (Ngoại ô), một vùng cửa biển (Phía ấy là...) và chỉ thể hiện thông qua vài ba nhân vật - nơi chứa đựng những vấn đề trung tâm của tác phẩm. Hệ thống quan niệm đạo đức là tấm áo khoác của thời đại. Nếu những trang viết về chiến trường Tô Nhuận Vỹ xoay quanh chủ đề đạo đức ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng - người anh hùng là người mang lý tưởng thẩm mỹ - đạo đức nhất thời đại - thì giờ đây, con người với tất cả những biểu hiện phức tạp như nó vốn có là nhân vật trung tâm cần soi tỏ. Điểm mạnh của nhà văn là biết chọn lọc trong cái vốn sống đầy ắp của mình những chi tiết sinh động, khảm vào trong trường tư tưởng đã được kéo giản ra như một đường viền sáng rõ, để tạo nên một chỉnh thể nghệ thuật. Đối với người viết văn xuôi, không có chi tiết nào của đời sống mà không quan trọng. Được đặt đúng chỗ, mỗi chi tiết nhỏ đều có thể ánh lên vẻ sáng rực rỡ của một viên kim cương. Những trang miêu tả về sông nước, biển khơi, chuyện câu cá úc, cá đù... là những đặc tả giàu chi tiết có sức lôi cuốn người đọc.

Có người cho rằng những nhân vật thành công của Tô Nhuận Vỹ là những cán bộ như chị Hạnh, anh Thất, anh Hòa (Dòng sông phẳng lặng), ông Hãn, anh Thạch (Ngoại ô)... tôi cho rằng có thể gộp thêm cả Thư trong tiểu thuyết này nữa; là những con người được đúc theo một mẫu có sẵn, về tập hợp đứng chật trong sáng tác của nhiều nhà văn thế hệ chống Mỹ. Đóng góp riêng của Tô Nhuận Vỹ là ở nhân vật trung gian: Diệu Linh, Nguyễn Khoa Bảo, (Dòng sông...), Bửu Sanh, Huệ (Ngoại ô) và đến tiểu thuyết nầy là Vĩnh - trung úy biệt kích Mỹ, được người viết chọn làm nhân vật trung tâm của tác phẩm. Phía ấy là chân trời không chỉ là sự tiếp tục chủ đề về thái độ nhu nhược của người trí thức vùng tạm chiến ở Dòng sông phẳng lặngNgoại ô mà đi tận cùng chủ đề nầy là chặng đường sau của người trí thức miền Nam trong giai đoạn cách mạng mới. Đó là những con người đến với cách mạng phải trải qua con đường đau khổ, là thái độ tích cực của lớp trí thức trở thành những cán bộ xuất sắc như Thạch (Ngoại ô) hoặc tiêu cực, trở thành con người suy tưởng nhiều hơn là hành động. Hoặc giả anh nói tốt mà việc làm của anh thì xấu, anh nghĩ hay mà anh hành động lại dở (tr. 235). Những con người như vậy có tầm khái quát cho nhiều loại người trong đời sống chúng ta hôm nay, cần phải phê phán tận gốc rễ.

Ngoại ô hướng người ta một cách nhìn đúng đắn về nhân dân. Phía ấy là chân trời lại hướng cái nhìn tập trung hơn: một bộ phận nhân dân chới với giữa dòng của cuộc chiến, lỡ bước sa chân đến với kẻ thù, phải thức tỉnh, giành giựt lại, đừng đẩy họ ngày càng xa rời nhân dân.

Kết cấu của Phía ấy là chân trời so với Ngoại ô chưa có gì mới, chủ đề, nhân vật là sự đi tiếp, nhưng phải nói đây là bước khẳng định quan trọng dọc đường văn học của nhà văn. Người viết không chỉ dừng lại ở vốn sống nặng đầy bút pháp xác thực mà còn vươn lên tầm khái quát sắc sảo của một nhận thức thẩm mỹ chín nồng, một cách lập ngôn văn học xác tín đến mạnh mẽ, từng câu, từng chữ mang sức nặng của tâm huyết. Tôi tin rằng, khi viết quyển này, anh đã rút ruột mình ra, vắt kiệt cả những gì đã nếm trải, nên lần giở từng trang sách tôi mới có cảm giác trì kéo bởi sức nặng những trang đời. Điều quan trọng hơn, lần này anh lộ rõ tư tưởng chủ đạo thôi thúc nhà văn: làm sao để con người trở nên tốt hơn. Đó là nỗi ám ảnh sáng tạo, niềm day dứt khôn nguôi, được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong nhiều tác phẩm (Dòng sông phẳng lặng, Ngoại ô, Gió vẫn thổi trên dòng sông) đến nay lại vang lên, trở thành niềm hữu thức đau đời: Tại sao anh không phải là con người tốt, con người lẽ ra phải tốt như nó vốn có?

Điều tôi xin nói thêm sau cùng là Tô Nhuận Vỹ cần phải tránh một nhược điểm không ít các nhà văn thường mắc phải là sự tự lặp lại chính mình. Sự tiếp tục ý tưởng của một hướng chủ đề không có nghĩa là quay lại với kết cấu cũ, dầu tầm khái quát có được nâng cao hơn, hoặc tạo dựng những anh em sinh đôi, sinh ba như kiểu mụ Lép và mụ Béo (Dòng sông phẳng lặng Ngoại ô), cu Buồn và cu Ri (Ngoại ô Phía ấy là chân trời)...

Với bút pháp xác thực và sắc sảo, đóng góp tích cực trên chặng đường hơn hai mươi năm cầm bút của Tô Nhuận Vỹ là tiêu biểu, đáng trân trọng. Năm nay anh đang ở độ tuổi chưa đến ngũ tuần, tôi tin rằng đối với một văn xuôi, ở tuổi này anh đang còn ở độ sung sức.

Huế, 11-1988
P.P.P
(SH37/05&06-89)


------------
(1) Tiểu thuyết của Tô Nhuận Vỹ, Nxb Thuận Hóa, 1988.






 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Cún (12/08/2015)