NGUYỄN QUANG HÀ
Tranh của họa sĩ Trương Bé chưa nhiều. Sau hai mươi năm kể từ khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội, số tranh anh vẽ khoảng chừng hai chục bức. Nhưng người xem tranh luôn luôn bị đột ngột về bước đi của anh.
Từ các bức "Đường Trường Sơn", "Đông Hà giải phóng" đang bề bộn cái hiện thực nóng hổi của chiến tranh, ta đã gặp ngay "Hòa bình". Trương Bé bắt đầu thể nghiệm với những hình khối biểu tượng. Để biểu tượng cái tan nát của chiến tranh, bức "Chứng tích chiến tranh" bằng suy nghĩ về màu sắc ta cảm được cái lạnh, cái hoang vu, cái đau của những vùng đất bom đạn vừa đi qua, tan tác. Bức "Nhịp sinh tồn" màu sắc khá đơn giản, ngòi bút của tác giả lúc này lại chuyển qua những đường nét. Ta lại bắt gặp cuộc sống đang tồn tại, đang phát sinh từ thuở manh nha đến niềm vui hạnh phúc bây giờ. Đến "Màu thời gian" đường nét mảnh mai đơn giản cốt để tôn lên những mảng màu chủ đạo, bật lên cái muôn màu muôn vẻ của thời gian, tất cả bừng lên, lấp lánh. Dẫu lúc đó có nhắm mắt vào, ta vẫn như cảm thấy hết những ánh sáng dẫn dắt tồn tại mãi mãi trên thế gian này.
Có thể nói "Màu thời gian" chấm dứt giai đoạn mày mò, tư duy để khám phá của anh. Trương Bé đã chuyển dần từ cái thực sang cái ảo. Ngòi bút anh cố gắng thể hiện cái nội tâm đang day dứt trong lòng. Riêng hình khối, riêng màu sắc, riêng đường nét không thỏa mãn được tâm hồn anh. Nhưng hầu như anh tìm thấy rất rõ trong đó sức biểu cảm của từng thể nghiệm tìm tòi ấy, để bật ra cái sâu sắc rất đa nguyên trong hàng loạt bức tranh trừu tượng của anh bây giờ.
Ta còn bắt gặp trong phòng tranh của Trương Bé các bức: "Nhịp thế kỷ", "Cấu trúc xám"... với một sự sáng tạo hoàn toàn mới: những đường nét phát triển gồ ghề, phức tạp và với những mảng màu như được bật ra từ một khái quát lớn đang bộn bề trong tâm trí tác giả. Những mảng sáng dẫn ta bay bổng, những mảng tối bắt ta dừng lại định hướng lại đường đi, những mảng xanh, đỏ, vàng như xòe mở bung ra, vừa như khép lại hướng vào trung tâm của tâm trạng dồn nén để rồi những mảng màu đầy hòa sắc vừa đam mê, vừa như giải thoát cho tâm hồn ta.
Ngay từng đề tranh đã thấy ngay những hình ảnh thực không có sức thể hiện nổi. Nó phải được khái quát hóa lên thật cao, và chỉ có nâng lên tầm trừu tượng mới biểu hiện đầy đủ những khía cạnh rất đa dạng trong tác giả.
Tôi hỏi anh:
- Anh thích tranh trừu tượng ư?
Trương Bé đáp:
- Không gian và thời gian vĩnh hằng như thế, cụ thể làm sao thỏa đáng được.
Tôi hỏi:
- Anh nghĩ gì về tính dân tộc trong tranh?
Trương Bé đáp:
- Đã rất chậm khi nói rằng chúng ta rất cần tiếp cận với các nền văn minh lớn của nhân loại. Các nền văn hóa lớn ấy của nhân loại, mà chúng ta là một thành viên. Thời buổi này ta chỉ tự vỗ ngực mình e không phải lẽ mất rồi.
- Về quan hệ giữa tác giả và người thưởng ngoạn ngày nay anh nghĩ sao?
Trương Bé đáp:
- Người họa sĩ hoàn toàn chìm nghỉm trong bóng tối để đưa ra ánh sáng bản thể của chính mình. Nghệ thuật có sứ mệnh cao cả là hướng con người đến những khát vọng về cái chân, cái thiện và cái sáng tạo. Phải khơi dậy sức mạnh nội tâm tiềm ẩn trong tiềm thức con người để con người ý thức sức mạnh của chính mình. Nghệ thuật tạo hình có ngôn ngữ của nó. Nó có những chuẩn mực của nó. Khi đạt được chuẩn mực ấy thì tự thân tác phẩm hiện hữu như một thực thể. Và chính tác phẩm phải chứng minh sự hiện hữu của nó. Nó độc lập với người sáng tạo ra nó. Người thưởng thức cố gắng hiểu nó, thâm nhập vào nó, liên tưởng và khám phá về nó để rồi tiếp tục tư duy và sáng tạo. Đó là sức mạnh của nghệ thuật tạo hình.
Quả thực tôi cũng chưa sành về tranh trừu tượng. Song trên thế giới tranh trừu tượng đã trở thành một trường phái càng ngày càng có vị trí trong nghệ thuật tạo hình. Đó không phải là một sự ngẫu nhiên. Mà phải khẳng định rằng đó là một quy luật tất yếu của tư duy. Những tâm trạng hết sức phức tạp thì phải có một nghệ thuật để thể hiện trạng thái ấy của tâm hồn. Trong hội họa thì có tranh trừu tượng.
Có lẽ chính vì vậy tranh của Trương Bé triển lãm ở Hà Nội rất được hoan nghênh và được coi là người góp phần đặt tiền đề cho một trường phái ở Việt Nam.
Mác nói: "Muốn thưởng thức nghệ thuật phải được sự giáo dục về nghệ thuật". Đối với nghệ thuật cũng phải có con đường của nó chứ không thể lấy cái cá nhân của mình mà áp đặt được.
Nhớ lần xem triển lãm tranh của ba họa sĩ tại thành phố Hồ Chí Minh, Trịnh Cung đã viết giới thiệu, có đoạn: "Họa sĩ ném lên mặt vải những tảng màu, những đường nét như nhà tu hành gởi vào cõi hư vô tiếng mõ, tiếng chuông. Âm điệu tụng niệm hay một tình khúc có đến được cõi vô tận và đem lại điều gì cho nhân gian? Điều quan trọng nhất đối với họ và cũng là đối với Đinh Cường, Đỗ Quang Em, Trịnh Công Sơn là không phải đem lại được điều gì cho ai mà chính là sự hiến tặng trái tim mình để đánh đổi những khoảnh khắc vĩnh hằng khi ngồi trước giá vẽ".
Với tâm niệm ấy, triển lãm tranh của Trương Bé và Đỗ Kỳ Hoàng tại Huế lần này có ý nghĩa biết bao. Trương Bé đang cố gắng tìm ra chính mình ngay trong sáng tạo của anh. Những tảng màu, những đường nét trong tranh tạo hình của anh, như Trịnh Cung nói: "Điều quan trọng nhất là sự hiến tặng trái tim mình để đánh đổi những khoảnh khắc vĩnh hằng khi ngồi trước giá vẽ".
N.Q.H
(SH37/05&06-89)