Tạp chí Sông Hương - Số 318 (T.08-15)
Văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế nỗ lực hết mình vì nền văn học nghệ thuật vùng đất Cố đô
15:13 | 19/08/2015

Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế đang có những bước chuyển mình lớn trong thời đại mới, phản ánh chân thật, toàn diện và sâu sắc vùng đất và con người Cố đô. Bầu không khí sáng tạo được ươm mầm, kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống trên nền cách tân khá mạnh mẽ. Để hiểu thêm về tình hình chung của hoạt động nghệ thuật, Sông Hương có cuộc trao đổi với một số văn nghệ sĩ đang nắm cương vị Chủ tịch các Hội chuyên ngành trước thời điểm diễn ra Đại hội lần thứ XII Liên hiệp các hội VHNT Thừa Thiên Huế.

Văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế nỗ lực hết mình vì nền văn học nghệ thuật vùng đất Cố đô

1. Trường Giang: Trước thời khắc của nhiệm kỳ mới, ông kì vọng và gởi gắm điều gì đến các thế hệ văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế?

@ Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc (Chủ tịch Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế): Nhiệm kỳ mới khởi đầu bằng việc văn nghệ sĩ Huế kỷ niệm 70 năm thành lập tổ chức Hội với các đặc điểm hết sức đáng tự hào: Hội ra đời sớm nhất và quy tụ những con người nổi tiếng tầm cỡ không chỉ trong nước mà cả quốc tế. Nhiều thế hệ văn nghệ sĩ Huế đã làm nên vóc dáng của VHNT Huế đầy trí tuệ, nhân văn, mang tính tiên phong rõ nét, đóng góp rất lớn vào thành tựu chung của VHNT nước nhà. Nếu nghiêm túc nhìn lại, chúng ta thấy rằng văn học nghệ thuật của Thừa Thiên Huế không bắt đầu từ một không khí ồn ào, so với hai đầu đất nước, chúng ta trầm lặng hơn, nhưng đó là cái trầm lặng của những người chịu khó quan sát và ấp ủ sự khai mở sáng tạo sau khi đã nhận ra chân giá trị. Nói về tinh thần của nghệ thuật tiên phong thì tôi cho rằng, chúng ta đã có một lớp nghệ sĩ dấn thân, sự dấn thân của họ đã để lại cho chúng ta nhiều tác phẩm có tầm vóc lớn về nội dung tư tưởng cũng như bút pháp nghệ thuật. Trong bối cảnh nghệ thuật nước nhà và nghệ thuật thế giới luôn có sự biến đổi không ngừng, tôi và nhiều anh em khác rất mong văn nghệ sĩ chúng ta phát huy truyền thống đó trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước hiện nay.

@ Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Phạm Văn Tý (Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế): Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế trong nhiệm kỳ vừa qua đã làm rất tốt các công tác chuyên môn, tập trung chỉ đạo, định hướng chương trình hoạt động cho các Hội chuyên ngành. Tuy nhiên, theo tôi, hiện nay việc chăm lo cho đời sống văn nghệ sĩ nói chung gặp nhiều khó khăn. Nhiều đề án được đưa ra nhưng gần như đều chìm vào quên lãng. Bên cạnh đó các đề án lớn, thời gian thực hiện có lộ trình lâu dài đã không được thực thi. Tôi nghĩ cũng không nên đưa ra nhiều vấn đề quá to lớn, vượt tầm của Liên hiệp Hội (LHH), thay vào đó nên đề xuất những vấn đề cụ thể, gần gũi hơn với đời sống văn nghệ sĩ như các quỹ đầu tư sáng tạo, sự quan tâm của nhà nước và xã hội, các hoạt động thực tế sáng tác... Ngoài ra, cần có cơ chế rõ nét, nhất là về mặt nhân sự, kinh phí cho bộ máy chuyên trách của các Hội chuyên ngành cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa. Bộ máy lớn, cơ chế cũ không thể đảm nhận và hoạt động một cách tốt nhất. Mặt khác chức vụ chủ chốt như Chủ tịch LHH còn thiếu sự “dài hơi” trong công tác quản lí, cần có cơ chế gia tăng tuổi hoặc tròn nhiệm kỳ để cống hiến lâu hơn, tránh các trường hợp có những định hướng quan trọng của LHH không được hoàn thành tốt và phát huy tối đa hiệu quả.

Riêng về Hội Nhiếp ảnh chúng tôi đã đi vào nề nếp ổn định về mặt tổ chức, nhân sự hoạt động chỉnh chu. Ban Chấp hành xây dựng kế hoạch hàng năm, các nhiệm vụ cấp trên giao phó đều hoàn thành tốt. Vấn đề đáng quan tâm là giúp anh em có định hướng sáng tác, chưa tập trung đi sâu vào chất lượng, còn mang tính phong trào. Ban Chấp hành cố gắng hỗ trợ hết mình để nâng cao chất lượng tác phẩm cho anh em, hướng công việc sáng tác có tính chuyên nghiệp, phù hợp với xu hướng chung của nghệ thuật nhiếp ảnh.

@ Nghệ sĩ sân khấu Văn Thanh (Chủ tịch Hội Sân khấu Thừa Thiên Huế): Một nhiệm kỳ mới là dịp, để tổng kết một chặng đường đã qua, nhìn lại và củng cố tổ chức, phù hợp hơn, đổi mới hơn. Chúng tôi mong muốn có sự thay đổi theo xu hướng của thời đại, đặc biệt trong lĩnh vực văn học nghệ thuật với nhiều hình thức hoạt động quá đa dạng, phong phú mà chúng ta dường như chưa đuổi kịp theo xu hướng đó của thế giới.

Trong tình hình chung, đặc biệt nghệ thuật sân khấu ở Huế và cả nước càng ngày càng bị chững lại. Dư luận xã hội đã phản ánh nhiều, tựu trung là chưa bắt kịp được thời đại, chưa thu hút được công chúng hôm nay. Nghệ thuật sân khấu truyền thống có nhiều day dứt, trăn trở. Chúng tôi mong mỏi có sự thay đổi, từ đội ngũ Ban Chấp hành mới, trẻ, năng động hơn, nhiều tìm tòi, khám phá để mở ra những con đường vực dậy nền nghệ thuật sân khấu Cố đô. Muốn vậy, cần có sự đồng thuận của lãnh đạo các ban ngành hữu quan với sân khấu nghệ thuật truyền thống. Nguy cơ mai một ai cũng nhìn thấy nhưng đầu tư, phát triển chưa tương xứng. Đây là một bài toán khó, cần có một chiến lược phát triển toàn diện và cụ thể hơn.

@ Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức (Chủ tịch Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế): Với tôi, mỗi nhiệm kỳ là một giai đoạn sang trang mới, mang tính lịch sử. Điều tôi hy vọng nhất là các thế hệ văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế duy trì - kế thừa được những thành quả của quá khứ và tiếp tục làm rạng rỡ hơn những giá trị văn hóa nghệ thuật đã có của vùng đất này.  

2. Trường Giang: Xin ông cho biết tâm nguyện của ông khi nhận trọng nhiệm là chủ tịch một hội chuyên ngành của vùng đất giàu truyền thống văn học nghệ thuật - Cố đô Huế?

@ Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc: Các thế hệ đàn anh đi trước đã làm rất tốt công tác Hội, Ban Chấp hành hiện nay sẽ cố gắng học hỏi và nguyện hết tâm sức để động viên các nhà văn sáng tạo. Chúng tôi hy vọng hội viên sẽ chung sức chung lòng cùng Ban Chấp hành tạo dựng phong trào sáng tác, trên cơ sở đó hướng tới đỉnh cao của chất lượng tác phẩm văn học. Với một vùng đất rất dày truyền thống văn hóa, ngồn ngộn sự kiện lịch sử như Huế, rất nhiều nhà văn nhận ra mình đang mang nợ mảnh đất này. Nhiều người cũng đã tâm nguyện viết để trả nợ cho xứ sở đã trao không gian đất mẹ thiêng liêng cho người cầm bút. Tôi nghĩ mỗi hội viên đều bị ám ảnh điều đó và tin rằng sẽ có những tác phẩm xứng đáng. Tất nhiên, nếu chỉ dựa vào sức mạnh của tiền nhân thì rất khó có thể thoát khỏi chiếc bóng của họ để lại. Lấy văn hóa của vùng đất đã có hơn 700 năm lịch sử, từ Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế cộng với sự bung tỏa của văn minh đương đại, khi thế giới đã được làm phẳng bởi internet làm nền tảng cho sáng tạo nghệ thuật thì chúng ta mới mong đóng góp thêm cái mới cho nền nghệ thuật. Ban Chấp hành Hội mong muốn cùng hội viên tiếp tục xây dựng Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế xứng tầm với vùng đất văn hóa đã lưu dấu ấn của rất nhiều tên tuổi văn nhân lẫy lừng trong quá khứ. Chúng tôi mong muốn chúng ta có những tác phẩm khởi đi từ Huế nhưng tầm cao tư tưởng, nghệ thuật có sức lan tỏa rộng lớn, đóng góp vào dòng chảy VHNT Việt Nam.

@ Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Phạm Văn Tý: Tôi mong mỏi anh em đi sâu sát vào đời sống thực tế nhiều hơn nữa, phát triển chuyên môn theo hướng chuyên nghiệp hóa hơn nữa để tạo nên nhiều tác phẩm nhiếp ảnh để đời. Chúng ta cần nhận thức rằng, giải thưởng rồi qua đi, chỉ có tác phẩm là lưu lại mãi, chứng thực tài năng của một tay máy chuyên nghiệp, hết mình vì nghệ thuật. Hội Nhiếp ảnh đang xây dựng các đoàn thể bán chuyên nghiệp, hỗ trợ cho hoạt động của Hội như xây dựng hai câu lạc bộ nhiếp ảnh cho người cao tuổi và câu lạc bộ nhiếp ảnh trẻ. Mong muốn có những buổi tọa đàm nói về nghề để nâng cao chất lượng.

@ Nghệ sĩ sân khấu Văn Thanh: Không phải riêng cá nhân tôi mà tất cả những nghệ sĩ tâm huyết với nghệ thuật sân khấu tỉnh nhà đều nhận định không phải thấy khó khăn mà dừng lại, buông xuôi, ngược lại cần phải không ngừng nỗ lực để xây dựng chương trình hoạt động, duy trì và phát triển nền nghệ thuật sân khấu truyền thống của cha ông. Chúng tôi tiếp tục phấn đấu để tạo được các sân chơi cho hội viên, phối hợp với các đơn vị truyền thông, tổ chức sự kiện, làm các chương trình nghệ thuật để tổ chức biểu diễn nhằm phục vụ cho những người có nhu cầu tìm hiểu và thưởng thức bộ môn nghệ thuật này.

Tận dụng các điều kiện của LHH và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Trung ương để tổ chức các trại sáng tác. Và chúng tôi đã làm tốt công tác này, đã có 2-3 trại sáng tác để hội viên có điều kiện viết, giao lưu và sáng tạo các kịch bản. Trong nghệ thuật sân khấu, kịch bản là yếu tố tiên quyết, những người sáng tác kịch bản có kinh nghiệm trong tỉnh đã mất dần, còn lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chúng tôi mong mỏi những người trẻ có thể duy trì, yêu thích hoạt động sân khấu, bảo tồn các giá trị của nền nghệ thuật này.

Nhiệm kỳ trước, chúng tôi đã cố gắng duy trì 1-2 cuộc tổ chức tọa đàm về nghệ thuật sân khấu Thừa Thiên Huế và vấn đề cần thiết để duy trì, phát triển sân khấu tỉnh nhà hiện nay là tiếp tục tạo điều kiện sáng tác, tổ chức sinh hoạt, biểu diễn, kết nạp các hội viên mới, tạo điều kiện tham gia cuộc thi, hội diễn.

@ Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức: Tiếp tục giữ cương vị Chủ tịch hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế trong nhiệm kỳ mới từ sự tín nhiệm của đại hội, với tôi thực sự là một trọng trách lớn. Nó đồng nghĩa với việc tiếp tục gánh vác trách nhiệm từ sự kỳ vọng của anh em hội viên, của công chúng yêu mỹ thuật và của vùng đất giàu truyền thống văn học nghệ thuật này.

Tôi luôn tin với sự đồng lòng ủng hộ của số đông hội viên, với một Ban Chấp hành mới nhiều hứa hẹn, chúng tôi sẽ cố gắng cùng nhau viết tiếp một trang sử mới cho Mỹ thuật Thừa Thiên Huế.

@Nhà nghiên cứu VHDG Trần Đại Vinh (Chủ tịch Hội Văn học Dân gian Thừa Thiên Huế): Năm 2016, là năm kỷ niệm 25 năm thành lập Hội Văn nghệ Dân gian Thừa Thiên Huế. Chúng tôi mong rằng UBND tỉnh quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị của văn hóa dân gian trong đời sống đương đại, để có thể hỗ trợ hoặc đầu tư trực tiếp cho những công trình nghiên cứu bảo tồn. Nếu được như thế thì văn hóa văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế mới sáng tỏ và góp phần cho sự tiến lên của xã hội.  

3. Trường Giang: Các hoạt động chính nào đã được Hội chuyên ngành tổ chức và thu hút được sự quan tâm của xã hội hiện nay, và những nét chấm phá tiêu biểu về mặt thành tựu?

@ Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc: Trong những năm qua, Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế đã xây dựng được những nét “văn hiệu” rất hay, như Festival Thơ Huế; đưa thơ vào sân khấu Hoàng cung; tổ chức nhiều đợt sáng tác chất lượng với không gian mở rộng các vùng miền; tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo gây tiếng vang; quảng bá các tác phẩm của hội viên; lưu tâm đến các tác giả trẻ, các cây bút “tuổi hồng”; tổ chức giao lưu với các cây bút quốc tế… Đó là những thành tựu hết sức quý đối với phong trào.

@ Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức: Trong nhiệm kỳ qua, có thể thấy 2 mảng hoạt động chính của Hội Mỹ thuật tạo được dấu ấn là mảng hoạt động phong trào và hoạt động mỹ thuật “đỉnh cao” mang tính chuyên nghiệp.

Ở khía cạnh phong trào, Hội Mỹ thuật vẫn khẳng định được vị thế là hạt nhân đóng góp nhiều hoạt động mỹ thuật cho các sự kiện văn hóa, chính trị xã hội tại tỉnh nhà, tạo được sự quan tâm tích cực của công chúng, góp phần đáng kể vào việc giáo dục và nâng cao thị hiếu thẩm mỹ cho cộng đồng. Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động triển lãm thường niên, hội còn thu hút sự tham gia giới thiệu tác phẩm của nhiều người đam mê sáng tác ngoài hội, đặc biệt là giới trẻ, qua đó còn có cơ hội phát hiện và kết nạp nhiều hội viên mới. Chính mảng hoạt động này còn là nơi dễ thấy sự trưởng thành của nhiều hội viên trẻ bên cạnh các hội viên giàu kinh nghiệm, tạo nên một sự tiếp biến theo hướng kế thừa rõ rệt giữa các thế hệ nghệ sĩ trong Hội và đáng chú ý là mang lại hiệu ứng xã hội tốt.

Cũng tồn tại song song với mảng này là mảng mỹ thuật mang tính chuyên nghiệp hơn. Mặc dù không sôi động, nhưng ở mảng mỹ thuật đã bộc lộ mạnh mẽ và bền vững của nội lực hội viên trong hoạt động sáng tác. Đáng chú ý một số loại hình nghệ thuật mới đã bước qua giai đoạn thử nghiệm mang tính phong trào như trước đây, nay đã thành chuyên nghiệp gắn liền với những tên tuổi cụ thể hơn. Bên cạnh những hội viên kỳ cựu đã thành danh là sự rộ lên những tên tuổi mới xuất hiện và dần được khẳng định. Nhiều tên tuổi được giới chuyên môn trong và ngoài nước đánh giá cao, hay được xuất hiện nhiều trong bảng thành tích các giải thưởng quốc tế, trung ương, khu vực và của tỉnh nhà.

Với những hoạt động chuyên môn như trên, trong nhiệm kỳ qua Hội Mỹ thuật đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Đặc biệt một số họa sĩ, nghệ sĩ có tác phẩm được các bảo tàng trong và ngoài nước sưu tập như 1 họa sĩ được Bảo tàng Mỹ thuật Singapore sưu tập, 3 họa sĩ Huế được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sưu tập, 2 họa sĩ đã được Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng sưu tập.

@ Nhà nghiên cứu VHDG Trần Đại Vinh: Hội Văn nghệ Dân gian Thừa Thiên Huế, nơi có một bề dày văn hóa dân gian sâu sắc, Hội đã được hỗ trợ xuất bản Tổng tập VNDG hơn 100 triệu đồng và nhiều hỗ trợ khác..., hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Thừa Thiên Huế đã nỗ lực nghiên cứu và xuất bản được trên 60 công trình, đã đạt được giải thưởng của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam và giải Cố đô của UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế. Đó là nỗ lực rất lớn.  

3. Trường Giang: Qua kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với công tác Hội, theo ông, chúng ta cần làm những gì trong thời gian tới để tăng thêm sinh khí vào hoạt động của các văn nghệ sĩ hiện nay?

@ Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc: Ban Chấp hành cần dốc sức để cùng tất cả hội viên đoàn kết, cùng nhau vun đắp cho phong trào Hội. Những gì đã đạt được, Hội cần phát huy, cái gì có thể phát triển thêm, chúng ta mạnh dạn thử nghiệm để bớt đi sức ì, rập khuôn, xơ xứng trong các hoạt động. Ban Chấp hành tuy có tuổi đời trẻ nhưng cái may mắn là được hội viên tín nhiệm bầu, chúng tôi mong rằng sức trẻ của Ban Chấp hành sẽ nghĩ và làm được những công việc hết sức sáng tạo, từ đó tạo nên luồng sinh khí mới cho phong trào.

@ Nghệ sĩ sân khấu Văn Thanh: Riêng lĩnh vực sân khấu, sự cần thiết hơn cả là tiếp cận với công chúng để nắm bắt nhu cầu, xu hướng thưởng thức nhằm tạo ra những sáng tạo mới phù hợp. Nghệ thuật sân khấu phải thuyết phục công chúng và có những hiệu quả nhất định và không biện pháp nào hơn là phải tăng cường các hoạt động để sân khấu tiếp cận với công chúng. Hiện nay chúng tôi đã làm việc với Đài Truyền hình Việt Nam tại Huế để có bản ghi nhớ về chương trình biểu diễn các bản kịch ngắn, vui hằng tháng; đang xây dựng đề án đề nghị chính quyền tỉnh, thành phố có những điểm biểu diễn nghệ thuật sân khấu cho anh em biểu diễn. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất là cần nguồn hỗ trợ cho các chương trình biểu diễn sân khấu phổ biến như thế hiện còn rất hạn hẹp và thiếu vắng. Đành rằng chủ trương của tỉnh là cần nâng cao nghệ thuật sân khấu truyền thống, nhưng chính sách cụ thể thì chưa có, chưa xây dựng quy chế cụ thể để các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho anh em nghệ sĩ có thể tổ chức biểu diễn, tiếp cận với công chúng một cách tốt nhất.

@ Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức: Chúng ta không thể phủ nhận sức sáng tạo bền bỉ là bản năng vốn có của văn nghệ sĩ. Theo tôi, điều quan trọng nhất của Hội là làm sao tạo được điều kiện tốt nhất để quan tâm, thúc đẩy và hỗ trợ để sức sáng tạo đó tỏa sáng và tạo nên những giá trị cộng hưởng mang tính lan tỏa tích cực cho cộng đồng, cho xã hội. Chính vì thế Hội phải tạo những “sân chơi” để vun đắp, nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo, là nơi các văn nghệ sĩ thấy cần thiết phải gắn bó, nơi họ có thể có sự đồng cảm để cùng chia sẻ, cùng giới thiệu và được công nhận những giá trị sáng tạo xứng đáng.

Để làm được điều này cần sự quan tâm từ cơ chế của nhà nước, các cấp quản lý, những người đứng đầu các Hội phải không ngừng tìm tòi, sáng tạo linh hoạt các nội dung hoạt động phù hợp để kích thích và trân trọng các nỗ lực sáng tạo của văn nghệ sĩ bằng những hoạch định cụ thể.

@ Nhà nghiên cứu VHDG Trần Đại Vinh: Hiện nay nội lực của cá nhân hội viên về kinh phí xuất bản hầu như đã cạn, cần thiết phải có sự đầu tư kinh phí trực tiếp của Nhà nước. Đó chính là trách nhiệm của chính quyền đối với việc bảo tồn và phát huy các giá trị của văn hóa dân gian. Trải qua nhiều năm, năm 2012, Hội Văn nghệ Dân gian Thừa Thiên Huế mới được chính quyền tỉnh đầu tư để xuất bản một công trình Tổng tập Văn học Dân gian Thừa Thiên Huế gồm 6 tập, 2400 trang với kinh phí khoảng 150 triệu đồng để in 150 bản. Đó là một con số khá khiêm tốn.

Chúng tôi mong rằng khi có các đề xuất dự án của Hội Văn nghệ Dân gian Thừa Thiên Huế, UBND tỉnh tạo điều kiện đánh giá, nếu đạt được yêu cầu, thì xin cấp kinh phí để nghiên cứu và xuất bản.

Về mặt nội bộ, Hội Văn nghệ Dân gian Thừa Thiên Huế phải đầu tư trí tuệ để hoạch định dự án khả thi, trình UBND tỉnh phê duyệt để cấp kinh phí thực hiện. Có như thế thì việc nghiên cứu văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế mới có kết quả tập trung.  

4. Trường Giang: Trong nhiệm kì tới đây, Hội có định hướng gì trong hoạt động đối ngoại cũng như mở rộng mối quan hệ giao lưu với các tổ chức VHNT quốc tế?

@ Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc: Trong nhiệm kỳ qua, chúng ta đã gắn kết được với nhiều cây bút trong cả nước. Chúng ta cũng đã có những buổi giao lưu đầy hứng khởi với các nhà thơ, nhà văn đến từ các nước Mỹ, Nga, Nhật Bản… Chúng ta đã làm được điều đó khi kết nối hoạt động cùng với Tạp chí Sông Hương. Nhiệm kỳ này chúng ta sẽ tiếp tục duy trì sự kết nối đó để tăng cường giao lưu nhiều hơn nữa.

@ Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Phạm Văn Tý: Vấn đề giao lưu với bên ngoài luôn được Hội Nhiếp ảnh và anh em hội viên quan tâm. Trong nước, hằng năm có liên hoan giao lưu của ba thành phố Huế - Sài Gòn - Hà Nội. Nhiều đợt thực tế sáng tác, giao lưu với anh em nghệ sĩ nhiếp ảnh các tỉnh bạn.

Riêng hoạt động đối ngoại chưa đi vào quy chế cụ thể vì chức năng hoạt động của Hội chưa hội đủ yêu cầu. Anh em hội viên Hội Nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế chỉ tham gia các cuộc thi, liên hoan quốc tế.

Chúng tôi rất mong muốn có nhiều cơ hội giao lưu với bạn bè trong nước và quốc tế nhiều hơn nữa. Một sự thật là nhiếp ảnh Việt Nam đã có nhiều thành tựu trên trường quốc tế với nhiều huy chương, giải thưởng lớn. Tuy nhiên, nhiếp ảnh quốc tế tiến rất sâu về nhiếp ảnh chuyên nghiệp, đào tạo bài bản. Việt Nam chỉ có khoa Nhiếp ảnh của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, một số bộ môn nhỏ của các trường trung cấp nghề. Ngoài ra, trình độ khoa học kĩ thuật bên ngoài tiến bộ hơn, các kĩ năng nghề nghiệp cũng phát triển về chiều sâu. Chúng ta nhận thấy rằng, máy móc, thiết bị của nhiếp ảnh Việt Nam không thua gì bên ngoài nhưng nền tảng, trình độ của họ lại vượt trội so với chúng ta. Thiết nghĩ, việc mở rộng giao lưu với bên ngoài là sự cần thiết đối với nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế.

@ Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức: Thật ra, hoạt động đối ngoại cũng như mở rộng mối quan hệ giao lưu với cộng đồng quốc tế của hội trong các nhiệm kỳ qua vẫn chưa được quan tâm đúng mức với nhiều lý do khách quan. Trước tiên với cơ chế điều hành kiêm nhiệm (không ăn lương) của Ban Chấp hành, Hội khó lòng hình thành bộ phận chuyên trách cho hoạt động đối ngoại, giao lưu quốc tế. Thêm nữa với kinh phí hoạt động hạn hẹp hằng năm là trở ngại lớn cho việc xây dựng các hoạt động chuyên môn vượt qua khỏi địa bàn địa phương lẫn quốc gia.

Hội chỉ có khả năng ủng hộ hay tạo điều kiện giới thiệu để hội viên tham gia các sự kiện mang tính chất quốc tế. Trong những năm vừa qua, nhiều hội viên đã linh hoạt mở rộng hoạt động chuyên môn ra nước ngoài bằng những dự án mang tính cá nhân hoặc thông qua các chương trình giao lưu từ Trường Đại học Nghệ thuật Huế hoặc nhận tài trợ khác từ các tổ chức đơn vị trong và ngoài nước.

Tuy nhiên trong nhiệm kỳ sắp đến, Hội sẽ cố gắng tranh thủ các cơ hội, các mối quan hệ thông qua các cơ sở đào tạo, các tổ chức trong và ngoài nước để mở rộng hoạt động đối ngoại trong lĩnh vực chuyên môn cho hội viên khi có điều kiện.  

5. Trường Giang: Để tiếp tục giữ vững và phát triển “văn hiệu” của vùng đất văn học nghệ thuật Cố đô, ông có quan điểm nào về vấn đề này với tư cách là một văn nghệ sĩ?

@ Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc: Các hoạt động phong trào hội là để tạo nên và nuôi dưỡng bầu không khí sáng tạo trong không gian VHNT do chúng ta kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống. Cái chính là mỗi một nhà văn phải nỗ lực sáng tạo để có được những tác phẩm vừa thỏa mãn khát vọng chính mình vừa đáp ứng trông đợi của công chúng. Bởi suy cho cùng, tác phẩm hay là cứu cánh cuối cùng của mỗi một cuộc đời sáng tạo của văn nghệ sĩ.  

6. Trường Giang: Trong nhiệm kì này, Hội sẽ có những chương trình cụ thể, phương hướng hoạt động gì để có thể phát huy thế mạnh của lớp trẻ một cách cụ thể nhất, thưa ông?

@ Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc: Ban Chấp hành Hội sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan, tranh thủ sự giúp đỡ của các địa phương để tổ chức nhiều trại sáng tác trẻ; tham gia cùng với Ban Biên tập Tạp chí Sông Hương tổ chức bài vở trong chuyên mục Trang viết đầu tay; in các tập san văn nghệ trẻ để động viên các em; giới thiệu các tác giả trẻ qua các buổi tọa đàm, giao lưu, đêm thơ… Chúng tôi tin là sẽ phát hiện và nuôi dưỡng được thêm nhiều cây bút trẻ để cho tương lai dòng chảy VHNT vùng đất Cố đô được dồi dào và lưu lượng mạnh mẽ hơn. Tất nhiên, sự tác động của chúng tôi chỉ có một phần ý nghĩa nào đó mà thôi. Đối với con đường sáng tạo của các bạn trẻ, đó là những con đường thăm thẳm, cần chính sự ý thức dấn thân, đánh đổi của các bạn nếu các bạn thấy sáng tạo nghệ thuật là bản mệnh của chính mình. Các bạn đã có rất nhiều huyền thoại về nghệ thuật để ngưỡng vọng, nhưng không nên chỉ dừng lại ở sự ngưỡng vọng, các bạn phải tự viết nên huyền thoại của chính mình trước khi các bạn không còn trẻ nữa.

@ Nghệ sĩ sân khấu Văn Thanh: Chúng tôi làm hết sức mình, đưa ra nhiều hoạt động hội để khai thác mọi khả năng của hội viên tham gia biểu diễn như sáng tác kịch bản, diễn viên biểu diễn, nhạc công, đặc biệt là nghệ sĩ trẻ. Cái gì liên quan đến sân khấu đều mong muốn những nghệ sĩ trẻ tham gia, đóng góp. Những nghệ sĩ trẻ như Ngô Sinh, Lê Tất Đính, ... (biên kịch sân khấu); Kiều Oanh, Phong Thủy, Hoàng Hằng (Tuồng Huế); Hoàng Hà, Trần Thị Loan (Ca kịch Huế)….

Tuy nhiên, vấn đề trở ngại lớn nhất, khó khăn lớn nhất là việc hâm nóng sự nhiệt huyết với nghề. Sinh hoạt đời sống, cơm áo gạo tiền đã ảnh hưởng nhiều đến việc chăm lo, đầu tư nghệ thuật của các nghệ sĩ. Không riêng gì Hội Sân khấu mà các nhà hát nghệ thuật trong lĩnh vực này cũng đều rơi vào hoàn cảnh tương tự, lo mưu sinh nhiều hơn lo nghệ thuật. Đây là vấn đề chúng ta cần quan tâm và có cách giải quyết trọn vẹn hơn nữa trong tình hình chung này.

@ Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức: Qua kinh nghiệm làm công tác hội, với tôi lớp trẻ luôn là đối tượng được quan tâm và đánh giá cao. Ngay chính trong Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới, đại hội cũng đã định hướng bầu chọn vào 3 thành viên trẻ tích cực vào Ban Chấp hành. Tôi hy vọng họ sẽ cùng Ban Chấp hành mới tạo nên những điều mới mẻ cho các hoạt động chuyên môn nhằm phát huy được thế mạnh của đội ngũ hùng hậu các hội viên trẻ trong Hội. Cụ thể hơn là trong nội dung hoạt động chuyên môn hằng năm sẽ có những sự kiện dành riêng cho các hội viên trẻ, ưu tiên cho các loại hình nghệ thuật đương đại mà anh em hội viên trẻ đam mê; tạo điều kiện để các hội viên trẻ đóng góp nhiều hơn các hoạt động nghệ thuật cộng đồng, nghệ thuật đường phố… trong các sự kiện văn hóa, lễ hội của tỉnh nhà. Phối hợp với các câu lạc bộ họa sĩ trẻ các tỉnh thành trong nước tổ chức các Liên hoan họa sĩ trẻ toàn quốc tại Huế (như đã tổ chức 1 lần tại Huế, năm 2013).

@ Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Phạm Văn Tý: Hội Nhiếp ảnh chúng tôi luôn tạo điều kiện tối đa cho các nghệ sĩ nhiếp ảnh trẻ như ưu tiên cho họ tham gia trại sáng tác, hỗ trợ các nguồn đầu tư. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh trẻ như Nguyễn Đức Trí, Văn Đình Huy… có nhiều nỗ lực và gặt hái nhiều thành tựu đáng kể.  

7. Trường Giang: Thời gian qua, chúng ta thấy nền mỹ thuật, nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế có những thành tựu nhất định. Điều đó cho chúng ta thấy tín hiệu lạc quan của nền mỹ thuật tỉnh nhà đã bắt kịp với xu hướng trong nước và thế giới?

@ Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Phạm Văn Tý: Đến giờ phút này, nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế đã khẳng định tên tuổi trên mặt bằng chung của cả nước. Tại các cuộc thi lớn, Huế năm nào cũng giành được giải thưởng, nhiều tên tuổi nghệ sĩ nhiếp ảnh được biết đến. Hội Nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế là một trong những hội mạnh của cả nước.

Về quốc tế, nhiều nghệ sĩ đã gặt hái được các thành quả, giành được những giải thưởng danh giá và danh hiệu quốc tế như Hồ Ngọc Sơn, Phạm Bá Thịnh, Trương Vững... Tuy nhiên, đường đến quốc tế thường trải qua những cuộc thi đòi hỏi nhiều chi phí mà anh em nhiếp ảnh không mấy khi đủ trang trải bằng vốn ít ỏi của mình để tham gia, đó là một trở ngại không nhỏ.

@ Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức: Mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng chúng ta có quyền lạc quan rằng Mỹ thuật Huế vẫn được đánh giá là một trong 3 trung tâm của cả nước (cùng với Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh) từ lực lượng cho đến chất lượng. Mỹ thuật Huế không rầm rộ, ồn ào nhưng có nền tảng truyền thống vững vàng và có những mũi nhọn nhiều triển vọng. 

8. Trường Giang: Hiện nay, không chỉ các nhà mỹ thuật mà các nghệ sĩ nhiếp ảnh đang trăn trở về sự thiếu hẳn các không gian nghệ thuật như bảo tàng, nhà triển lãm,... để trưng bày, quảng bá các tác phẩm đến với công chúng. Ông nghĩ như thế nào về thực trạng này và ý kiến của ông về nhà triển lãm để giới thiệu, trưng bày các tác phẩm mỹ thuật và nhiếp ảnh của tỉnh nhà?

@ Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức: Tôi cho rằng vấn đề này nên dùng từ “bức xúc” thì chính xác hơn “trăn trở”. Vì khó lòng chấp nhận được một thành phố như Huế đến nay vẫn chưa có một Bảo tàng Mỹ thuật - nơi sẽ có cùng chức năng trưng bày, triển lãm nghệ thuật lớn. Lý do tại sao tôi xin không bàn ở đây vì chúng ta ai cũng đều hiểu tính cần thiết như thế nào. Nếu chúng ta không có giải pháp kịp thời thì mọi việc sẽ trở nên quá muộn, vì cuối năm nay (2015) Tp. Đà Nẵng đã khánh thành Bảo tàng Mỹ thuật; và hiện nay họ đang ráo riết sưu tập tác phẩm các họa sĩ miền Trung, trong đó có Huế. Như vậy trước mắt cái Huế mất là những tác phẩm mỹ thuật tốt - lẽ ra phải nằm ở tại Bảo tàng Mỹ thuật Tp. Huế - tiếp đến Huế sẽ mất nữa là vị trí trung tâm Mỹ thuật của miền Trung. Nếu đúng thật như vậy thì thật là quá xót!!

Thêm nữa, qua kinh nghiệm hoạt động hội tôi nhận thấy rằng một nhà trưng bày triển lãm đúng nghĩa đối với Huế là hết sức cần thiết. Những năm qua Hội không thể xây dựng các hoạt động chuyên môn mang tính quy mô lớn vì không có không gian tổ chức. Các không gian triển lãm, trưng bày thời gian qua đều là “dùng tạm” không đạt chuẩn, hoặc phải “nắn” các tác phẩm lại cho “vừa” với những không gian khiêm tốn hay phải chấp nhận những không gian vốn không phải của trưng bày nghệ thuật... Tình trạng này là phổ biến và ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần người sáng tác cũng như chất lượng các hoạt động.

Với một thành phố Văn hóa của ASEAN, một thành phố Festival của Việt Nam, tôi nghĩ Huế không thể không có Bảo tàng Mỹ thuật và Trung tâm trưng bày triển lãm tương xứng. Vậy bao giờ mới có? Câu trả lời xin dành cho những người có trách nhiệm.

@ Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Phạm Văn Tý: Nhà triển lãm là một mơ ước lớn của anh em nghệ sĩ nhiếp ảnh tỉnh nhà. Chúng tôi hiện tại không có một địa điểm triển lãm cụ thể, phần nhiều là “ở trọ” tại các đơn vị, không gian phần lớn chưa chuyên nghiệp, nhiều lúc bất tiện trong các khâu tổ chức, trưng bày tác phẩm. Nếu có nhà triển lãm, cơ hội tiếp cận công chúng sẽ cao hơn, quy trình tổ chức triển lãm chuyên nghiệp hơn và có cơ hội giao lưu rộng rãi với bên ngoài.

Xin cảm ơn các ông vì cuộc trò chuyện này.

T.G thực hiện
(SH318/08-15)  



 

Các bài mới
Tiểu đội D (24/08/2015)
Các bài đã đăng
Ngũ Điền Xanh (18/08/2015)
Ký ức sóng (18/08/2015)
T&P (17/08/2015)