Tạp chí Sông Hương - Số 320 (T.10-15)
Những khúc quành của văn học nữ Việt Nam đương đại
09:13 | 19/10/2015

ĐOÀN ÁNH DƯƠNG

Chiến tranh kết thúc, rồi đất nước đổi mới, cùng với bước ngoặt của cả dân tộc, văn học nữ Việt Nam cũng từng bước chuyển mình.

Những khúc quành của văn học nữ Việt Nam đương đại
Một số tác phẩm tiêu biểu của các cây bút nữ - Ảnh: internet

Trong chiến tranh, ở miền Bắc, văn học nữ tuy thực sự được giới lãnh đạo và quản lý chú trọng như một bình diện của chính sách văn hóa dân tộc chủ nghĩa nhưng thực sự cũng chỉ có được không nhiều những cây bút xuất sắc, như Hằng Phương, Anh Thơ, Thúy Bắc, Cẩm Lai, Phan Thị Thanh Nhàn, Xuân Quỳnh, Ý Nhi, Lâm Thị Mỹ Dạ trong thơ, và Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Thị Cẩm Thạch, Bích Thuận, Vũ Thị Thường, Nguyễn Thị Như Trang, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Lê Minh Khuê trong văn. Ở đô thị miền Nam, các cây bút nữ xuất sắc cũng không thật nhiều, chỉ có thể nhắc đến Tùng Long, Nhã Ca, Lệ Hằng, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Trần Thị Ng.H. Những kinh nghiệm thẩm mỹ khác nhau của văn học nữ hai miền đã không có cơ hội gặp gỡ để đem lại những bước tấn tới của nền văn học mới. Một số bỏ bút, một số tiếp tục viết theo quán tính văn học thời chiến, chỉ một bộ phận nhỏ trong số họ có những chuyển đổi trong sáng tác, mà đáng chú ý hơn cả là Ý Nhi và Lê Minh Khuê, hay duy trì được bút lực trong môi trường sáng tạo không thuần nhất như Trần Thị Ng.H., để sau đó là sự tiếp nối của nhiều nữ nhà văn thuộc nhiều thế hệ. Bắt đầu bằng những cách tân trong thơ, rồi xen gài giữa truyện ngắn và tiểu thuyết, nhất là với truyện ngắn, văn học nữ dần định hình diện mạo từ sau Đổi mới (1986). Hướng tới việc tinh tuyển những truyện ngắn đặc sắc của các nhà văn nữ giai đoạn này, phần tinh túy làm nên bản sắc của văn học nữ giai đoạn, chúng tôi muốn phác dựng trước hết cái không khí đổi mới chung của văn học nữ, nơi ở trong đó, truyện ngắn nữ có được sự bứt phá, làm nên một tư trào, vừa xác lập hình ảnh mới về phụ nữ vừa đột kích vào những cách tân về nghệ thuật.

Ý Nhi, với tập thơ Người đàn bà ngồi đan (1985), đã tạo một bước ngoặt để đưa thơ từ cộng đồng trong đời sống chiến tranh trở về với cá nhân trong đời sống dân sự. Không có thành tựu từ trong chiến tranh, Lý Phương Liên và Dư Thị Hoàn, ngay trong những sáng tác đầu tiên của mình, cũng cùng cất tiếng nói cá nhân mà Ý Nhi chú ý. Họ thực sự là những nhà thơ nữ đầu tiên góp tiếng nói vào đổi mới (văn học). Ở văn xuôi, Lê Minh Khuê là nhà văn chú tâm vào những đổi mới quan niệm và bút pháp nghệ thuật. Từ Cao điểm mùa hạ (thập kỷ 70) đến Một chiều xa thành phố, Bi kịch nhỏ (thập kỷ 80 - 90), Một mình qua đường (những năm 2000), rồi mới đây nhất là Nhiệt đới gió mùa (2012), Lê Minh Khuê đã luôn nhịp bước cùng với văn học đương đại, trở thành một đại diện cho những trăn trở và biểu hiện của văn học nữ Việt Nam suốt mấy chục năm này. Song trước và cùng với Lê Minh Khuê, nỗ lực đổi mới văn học nữ còn có sự góp sức đáng kể của Dương Thu Hương và Phạm Thị Hoài, hai nữ nhà văn cũng chỉ xuất hiện trước thềm Đổi mới và nhanh chóng có thành tựu.

Tuy nhiên, nhắc đến văn học nữ Việt Nam sau 1975, phải nhắc đến thế hệ các nhà văn nữ xuất hiện vào cuối thập kỷ 80 và đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX. Và các nhà văn học sử cũng sẽ phải vất vả khi tìm hiểu giai đoạn này, khi chủ yếu đó là thập kỷ của văn xuôi, thơ nữ sau Dư Thị Hoàn, phải sang đến thế kỷ XXI mới xuất hiện thêm những cây bút có phong cách ấn tượng. Mươi năm cuối thế kỷ trước, gần như đồng loạt, có đến hàng chục nhà văn nữ xuất hiện, đem đến một phong khí mới mẻ cho văn chương nước nhà, những Phạm Thị Minh Thư, Lý Lan, Dạ Ngân, Đoàn Lê, Võ Thị Hảo, Trần Thùy Mai, Hiền Phương, Y Ban, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thị Thu Huệ, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Lập Em, Nguyễn Thị Ấm, Nguyễn Thị Anh Thư,… Những nhà văn này làm nên một bước ngoặt của dòng chảy văn học nữ Việt Nam. Không có nhiều trải nghiệm chiến tranh nhưng lại sống trong không gian của những tái nhận thức về cuộc chiến ấy, từ cái nhìn của người phụ nữ, những vấn đề mà họ đặt ra trong những Có một đêm như thế (Phạm Thị Minh Thư), Người sót lại của Rừng cười (Võ Thị Hảo), Tiếng rừng (Hiền Phương), Đàn sẻ ri bay ngang rừng (Võ Thị Xuân Hà),… chắc chắn là những tiếng nói không thể thiếu trong mọi nhìn nhận về văn học giai đoạn. Các nhà văn nữ cũng là người mở đường cho sự xuất hiện của các không gian cá nhân (trong những mối quan hệ gia đình, bạn bè, và với chính bản thân), vừa như một vấn đề tự thân, vừa như một nỗ lực thay thế các không gian xã hội thời chiến tranh (trong những mối quan hệ dân tộc, cộng đồng, đội ngũ) đang dần nhạt nhòa trước đời sống dân sự mới mẻ. Xuất phát từ các trải nghiệm giới và tính dục, đời sống đương đại trong tác phẩm của họ thể hiện những cảm nhận khác lạ, khó tìm thấy trong văn học của nam giới và trong nền văn học bị nam tính chi phối trước đó. Dạ Ngân với Trên mái nhà người phụ nữ, Con chó và vụ ly hôn, Y Ban với Bức thư gửi mẹ Âu Cơ, I’m đàn bà, Đoàn Lê với nhóm những sáng tác về xóm Chùa, Trần Thùy Mai với Dòng suối cạn nguồn, Thể Cúc, Phan Thị Vàng Anh với Khi người ta trẻ, Kịch câm, Nguyễn Thị Thu Huệ với Hậu thiên đường, Phù thủy, Võ Thị Xuân Hà với Lúa hát, Nhà có ba chị em,… là những sáng tác tiêu biểu từ những nhận thức mới ấy. Sự xen cài giữa màu sắc nữ quyền và nữ tính trong sáng tác của thế hệ các nhà văn nữ này, làm nên sức hấp dẫn riêng có của nó, mời gọi tiếp nhận nhưng đồng thời thách thức các nỗ lực diễn giải.

Bẵng đi vài năm, từ giữa thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI, văn học nữ phát triển trở lại với một thế hệ khác hẳn: những nhà văn trẻ đã không còn gánh nặng trực tiếp của quá khứ chiến tranh và không chia sẻ với những suy tư hậu chiến đã làm nên thập kỷ rực rỡ của văn học nữ trước đó. Một lần nữa, văn học nữ trẻ này làm nên một đứt gãy trong dòng chảy mạch lạc của văn học nữ Việt Nam. Về thơ, có thể nhắc đến Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Nguyễn Thúy Hằng, nhóm Ngựa trời; về văn, là Phong Điệp, Đỗ Bích Thúy, Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Ngọc Tư, Phan Việt, Linh Bacardi. Cùng với đó là sự hợp lưu của các nhà văn nữ hải ngoại, những Mai Ninh, Miêng, Phạm Hải Anh, Lê Minh Hà, Thuận, Đoàn Minh Phượng,… Sự chia sẻ các nhận thức và trải nghiệm mang tính quốc tế bởi quá trình toàn cầu hóa, tính giải trí bởi sự quy chiếu của xã hội truyền thông, tính cá nhân từ sự kết tập các ý thức về giới và tính dục qua giao lưu văn hóa, nhất là bởi sự phát triển mạnh mẽ của xuất bản và internet, văn học nữ trẻ Việt Nam đương đại đứng trước ngưỡng cửa của rất nhiều phân hóa, ngay khi chưa định hình được diện mạo của mình.

Trở lại với biểu hiện rõ rệt nhất làm nên bản sắc của văn học nữ giai đoạn này, hình tượng người phụ nữ được tưởng tượng và kiến tạo, điều dễ nhận thấy là, trong không gian chuyển đổi và phân hóa nhanh chóng ấy, văn học nữ cũng phân hóa và chuyển đổi nhanh chóng để thích ứng và tạo lập căn cước cho nó. Sự phát triển nhanh chóng của đất nước sau chiến tranh, nhất là sau Đổi mới, đã thay đổi nhiều mặt đời sống của người phụ nữ, vị trí và hình ảnh của họ. Những hình dung và tưởng tượng về người nữ trong văn học lúc này có nhiều tương thông với thực tại ấy, nơi mà những phong trào chính trị và xã hội mang tính nữ quyền dần được ý thức và lan tỏa. Sự hiện diện của phụ nữ trong văn học như một thực tại được phản ánh, và như hệ quả của việc tăng tiến vị thế người phụ nữ trong cuộc đời và trong nghệ thuật, đã đem đến cho văn học đương đại nhiều sắc màu. Đầu tiên là sự phổ biến dần dần hình ảnh người phụ nữ không chỉ là người anh hùng trong kháng chiến và kiến quốc. Sau đó, sự đột khởi của các nhà văn nữ, ở cả số lượng nhà văn và tác phẩm của họ, nơi kinh nghiệm giới và ý thức nữ quyền mới nhen nhúm, trở thành sức mạnh trong sáng tạo của các nữ nhà văn, thể hiện trong đa dạng tâm lý và tính cách nhân vật.

Như đã nói đến ở trước, di sản văn học (về) nữ giới thời chiến là không mấy giàu có cho sự tiếp bước của văn học (nữ) thời hậu chiến, ấy là chưa kể đến sự phân rã của các truyền thống văn học nữ sau chiến tranh trong sự quy chiếu của ý hệ thống trị. Ở trong di sản được tiếp thuận, văn học chia sẻ gia tài chung với hội họa, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh,… khi người phụ nữ chỉ được hiện diện như những con người dựng xây cuộc đời mới bên cạnh hình tượng người nữ thanh niên xung phong, những người nữ chẳng khác gì người nam, cũng tay búa, tay liềm, tay bay, tay thước, không quản ngại khó khăn tô điểm cho thành thị, nông thôn, hay xung kích tới những vùng sâu xa của Tổ quốc trong biết bao tranh ảnh, ca khúc, kịch và phim. Thoắt cái, người phụ nữ trong văn học hậu chiến thay đổi. Họ đột ngột hiện ra trong không gian đời thường, nơi họ làm chủ nó, trong khi người lính hậu chiến vẫn còn quá bỡ ngỡ, lạ lẫm để chen chân vào. Và ngạc nhiên, họ không còn đẹp một vẻ tinh thần như trước nữa, một tinh thần được biểu thị thông qua thân thể sạch đẹp, tươi tắn, khỏe khoắn của những “gót chân bóng hồng” giữa chiến trường, bàn tay nhỏ nhắn mà rắn rỏi giữa miền Tây Bắc hoang vu, hay giọt mồ hôi và nụ cười tỏa rạng nơi công trường thủ đô. Người nữ hiện lên trong những eo sèo của cuộc sống, với vật lộn bát cơm manh áo hàng ngày, với tất tả toan lo chồng con, với chanh chua họ hàng làng nước,… dù họ đang là chủ nhân của cuộc sống hậu chiến, vị “nội tướng” không chỉ trong gia đình ở một xã hội bao cấp luôn ngấp nghé “xé rào” ở đêm trước đổi mới. Đó là một ảnh xạ từ đời sống, hiện hình trong văn học, đặc biệt trong những sáng tác của nam nhà văn, từ Bùi Hiển đến Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng và ngay cả Nguyễn Huy Thiệp. Một truyền thống gia trưởng, sự bất bình đẳng giới và những văn bản văn hóa khuôn định phụ nữ trong tam tòng tứ đức, trong không gian nội thuộc gia đình đã vô thức kiến tạo nên hình ảnh những phụ nữ chao chát một thời, bằng một thái độ vừa rẻ rúng vừa trọng vọng, vừa lên án vừa ngợi ca, vừa yêu thương vừa ganh ghét, với giọng điệu nghiêm ngắn đến đáng ngạc nhiên nếu so sánh với cái cả cười tự trào của Tú Xương những năm đầu thế kỷ: Cha mẹ thói đời ăn ở bạc/ Có chồng hờ hững cũng như không (Thương vợ), bất chấp đó là những tiếng nói nước đôi, lấp lửng hai mặt.

Nhưng ngay khi người phụ nữ dám xắn váy lội vào xã hội, gánh gồng cho cả đời sống gia đình đang tao tác vì đói nghèo, khủng hoảng thì họ cũng can đảm dấn thân vào cuộc viết. Thơ Ý Nhi, Dư Thị Hoàn như tiếng tạc đạn nổ giữa thời bình, găm thương tích vào truyền thống trọng nam khinh nữ và vị thế bị động của người nữ trong quan hệ tình yêu, tình dục. Tất cả rồi sẽ qua đi, qua đi/ Chúng mình sẽ thành vợ thành chồng/ Nếu không có một lần…/ Một lần như đêm nay/ Sau phút giây/ Êm đềm trên ghế đá/ Anh không cài lại khuy áo ngực cho em (Tan vỡ). Những dòng thơ này của Dư Thị Hoàn đã là khởi đầu cho một dòng chảy sâu và mạnh trong thơ nữ Việt Nam đương đại, những vần thơ (vì/bởi/của) đàn bà hiện diện hầu khắp các tập thơ nữ, đậm đặc trong Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh, Nguyễn Thúy Hằng, nhóm Ngựa trời, một thế hệ hấp thu nhiều nguồn văn hóa để bộc lộ so với những trực cảm mạnh bạo của những nữ nhà thơ chỉ tới trước họ mươi mười lăm năm. Song bước ngoặt của văn học nữ, của hình ảnh người nữ trong văn học, gắn bó sâu đậm hơn rất nhiều với sự xuất hiện của những nữ nhà văn chuyên chú ở văn xuôi, nhất là truyện ngắn. Bắt đầu bằng khúc quành của Lê Minh Khuê, lãng đãng qua Dương Thu Hương, Nguyễn Thị Minh Thư, Đoàn Lê, Lý Lan, Dạ Ngân, để nổi sóng từ Phạm Thị Hoài, Võ Thị Hảo, Trần Thùy Mai, Y Ban, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thị Thu Huệ, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Thị Anh Thư, Trần Thanh Hà, Phong Điệp, Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Ngọc Tư, Linh Bacardi,… Văn xuôi nữ thời đổi mới, ở chặng những năm 90 của thế kỷ trước và mươi năm lại đây của thế kỷ này, đã làm thành một khúc đoạn lạ lẫm trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại, nhất là bổ trợ với họ, có sự hòa giọng của những cây bút nữ hải ngoại tìm một luồng xuất bản trong nước, những Mai Ninh, Phạm Hải Anh, Lê Minh Hà, Thuận, Đoàn Minh Phượng, Phan Việt đã được nhắc đến ở trên. Lần đầu tiên trong lịch sử văn học, văn học nữ Việt Nam thực sự sống trải trong các không gian, các quan niệm về giới và nữ quyền được chính những người nữ kiến tạo và vun đắp. Sự trải nghiệm mới mẻ này đem đến sự khác biệt trong hình ảnh về người phụ nữ, khi chính họ là người phác vẽ nên khuôn diện của mình, thủ đắc những phương cách giới, những ngôn ngữ từ thân thể họ, mà nhà văn nam không bao giờ khuynh loát và chiếm đoạt được. Tạo tác hình ảnh của mình, bằng ngôn ngữ và trải nghiệm của mình, văn học nữ đã rọi chiếu cái nhìn mới vào quá khứ dân tộc, vào hiện tại hỗn độn bất bình quyền vẫn còn trong bóng đổ của truyền thống được kiến tạo ấy. Và cùng với đó, cũng là lần đầu tiên, thân thể của người nữ được hiện diện tự thân, đẹp riêng màu nhục thể. Tất cả làm nảy sinh một hình ảnh về người phụ nữ mới, nuôi giấc mộng bất tòng thuộc các quy chiếu của truyền thống nam quyền cũ và mới, để hiện diện như chính họ mong muốn, chính họ tạo ra, từ cái nhìn riêng thuộc về họ - người đàn bà viết về/vì người đàn bà, không chỉ dành cho đàn bà.

Dẫu vậy, dù với nhiều nỗ lực, văn học nữ Việt Nam đương đại mới thường chỉ đi tìm một sự hài hòa trong sự vây bọc ấy nhiều hơn là đi đến ý hướng lật đổ “sự thống trị của đàn ông”. Nó làm cho văn học nữ giai đoạn này đẹp một cách vừa vặn nhỏ xinh, cho một khoảnh khắc bất ngờ được lịch sử trao tặng vị thế và tự do vừa đủ cho sự thổ lộ, bộc bạch, về một hình ảnh đàn bà được tưởng tượng, cái ốc đảo của người nữ giữa sa mạc đàn ông, mà ngay cả trên bầu trời vẫn vẩn lên đám mây mang hình bóng của người nữ xưa cũ, của truyền thống nam quyền xưa cũ. Gần 40 năm sau chiến tranh, gần 30 năm sau Đổi mới, văn học nữ đã phát triển với những khúc quành: từ sự quy chiếu của diễn ngôn dân tộc qua diễn ngôn dân sự đến diễn ngôn đặt nền tảng ở nhìn nhận về tính cá thể. Trong dòng chảy ấy, những sáng tác xuất phát từ ý hệ dân sự có được thành công hơn cả, bởi nó dung hợp được cả nguồn cội văn hóa, ý chí xã hội và sức mạnh giới. Nhưng nó là một ốc đảo, không trao truyền năng lượng cho giai đoạn kế tiếp, để chỉ trở thành một điểm nhấn kỳ lạ, như chính sự phát triển lạ kỳ của văn học Việt Nam đương đại.

Đ.A.D
(SH320/10-15)







 

Các bài mới
Huế và tôi (27/10/2015)
Xưng tội (20/10/2015)
Các bài đã đăng