Tạp chí Sông Hương - Số 320 (T.10-15)
Bà Trần Thị Đạo, có công lớn xây Cầu ngói Thanh Toàn, là phu nhân của Tứ Xuyên Hầu Phan Trọng Phiên
15:34 | 19/10/2015

TRẦN VIẾT ĐIỀN

Từ năm 1917, tạp chí B.A.V.H đăng bài “Cầu ngói Thanh Thủy” của R.Orban. Trong bài nghiên cứu này ngoài phần khảo tả cầu ngói, tác giả đã công bố bản dịch đạo sắc do vua Lê Hiển Tông ban khen bà Trần Thị Đạo, người có công đóng góp tiền của xây dựng cầu ngói Thanh Thủy.

Bà Trần Thị Đạo, có công lớn xây Cầu ngói Thanh Toàn, là phu nhân của Tứ Xuyên Hầu Phan Trọng Phiên
Cầu ngói Thanh Toàn - Ảnh: internet

Qua bài báo, tác giả R.Orban, thành viên ban biên tập B.A.V.H, đã đặt hai câu hỏi:

1. Phu quân của bà Trần Thị Đạo là ai?

2. Đoàn sứ giả nhà vua mà bà Trần Thị Đạo từng tham gia là đoàn nào?

Trong vài chục năm gần đây, có một số bài viết về cầu ngói Thanh Toàn, nhưng không tác giả nào trả lời hai câu hỏi hóc búa nêu trên, nghĩa là chưa giải quyết lịch sử của chiếc cầu rốt ráo. Vài vấn đề lịch sử cầu ngói được đặt ra gần 100 năm và các du khách đến thăm cầu ngói cũng thường thắc mắc, đến nay vẫn chưa có lời giải đáp!

Chúng tôi nghĩ rằng, nếu trả lời được hai câu hỏi trên thì di tích lịch sử này sẽ có giá trị gấp bội.

Vậy cách tiếp cận vấn đề như thế nào?

Trước hết chúng tôi tìm những thông tin về bà Trần Thị Đạo qua bản dịch sắc phong do vua Lê Hiển Tông ban. Tiếp theo chúng tôi rà soát trong chính sử và dã sử nhằm tìm những nhân vật có khả năng là phu quân của bà Trần Thị Đạo; bằng phương pháp loại suy để xây dựng một giả thuyết công tác khảo cổ học. Cuối cùng tìm cách kiểm chứng bằng điền dã, tìm thêm tư liệu, để đi đến kết luận.

THÔNG TIN HIỆN BIẾT VỀ BÀ TRẦN THỊ ĐẠO

R.Orban đã dịch đạo sắc của vua Lê qua tiếng Pháp, và dịch giả Đặng Như Tùng đã dịch qua tiếng Việt bản văn ấy như sau:

Vua Cảnh Hưng, Hoàng đế.
Chiếu chỉ:

Bà Trần Thị Đạo, chánh quán làng Thanh Toàn, huyện Phú Vang, phủ Triệu Phong là vợ của Khâm sai, Chủ sự Hoàng cung, Tổng chỉ huy bộ binh và thủy binh, Tổng đốc của ba huyện Hương Trà, Phú Vang và Quảng Điền, Nhất trụ triều đình và tước Hầu.
Bà này làm phước đức còn hơn các bà trong Đại nội. Đời bà được mọi người khen. Danh tiếng của bà không lời ca tụng nào xứng. Bà không ngần ngại vượt qua bao mệt nhọc để theo đuổi cuộc hành trình cùng với đoàn của vua. Bà đã dũng cảm làm trọn ba nhiệm vụ của phái nữ. Bà còn để lại cho làng bà nhiều ân huệ mà người ta cần lưu niệm.
Dân làng được miễn các dịch vụ như sau: miễn cung cấp nhân công để bảo tồn lăng tẩm vua chúa và đền miếu; miễn động viên lính thủy, lính bộ; miễn trưng dụng thuyền bè; tuyển nài, cắt cỏ cho voi ngựa ăn, tiều phu, thợ mộc đóng thuyền. Nói tóm lại họ không phải đóng góp gì về các dịch vụ bắt buộc nào cả. Họ chỉ lo chăm sóc cầu, con suối chảy qua và các con đường dẫn đến.
Chiếu sắc này nhằm mục đích nêu lên khen ngợi của triều đình đối với người đã xây dựng nên cầu này và để khuyến khích người khác nên tỏ lòng rộng lượng như bà.
Làng này sẽ biết bao sung sướng và tự hào là xứ sở của người đàn bà đáng kính trọng cao cả”
(B.A.V.H, R.Orband, tập IV, 1917, Đặng Như Tùng dịch, Nxb. Thuận Hóa, tr226).


ĐOÀN SỨ GIẢ CỦA NHÀ VUA MÀ BÀ TRẦN THỊ ĐẠO THAM GIA LÀ ĐOÀN NÀO?

Trong hai trăm năm Trịnh Nguyễn phân tranh, sau nhiều lần vượt sông Gianh không thành công, suốt mấy đời chúa Nguyễn cuối cùng, Đàng Trong và Đàng Ngoài tạm ngưng việc binh đao… Mãi đến tháng giêng năm Giáp Ngọ [1774], đoàn quân của Lê Trịnh do Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc thống lĩnh mới vượt sông Gianh, đánh chiếm Phú Xuân vào tháng chạp, chúa Nguyễn Phúc Thuần phải bỏ đô thành Phú Xuân để vào Nam… Tháng hai, Ất Mùi [1775], Việp Quận công đánh quân Tây Sơn đang chiếm giữ Quảng Nam, quân Nguyễn Nhạc thua ở Cẩm Sa, túng thế Nguyễn Nhạc phải hàng quân Lê Trịnh, sai thuộc hạ là Phan Văn Tuế đem ngựa tốt và gươm báu dâng Hoàng Ngũ Phúc, xin nộp cả ba phủ thuộc quyền Tây Sơn là Quảng Nghĩa, Quy Nhơn và Phú Yên mà chỉ nhận một chức tướng hiệu, tự làm quân tiên phong, giúp quân Lê Trịnh vào đánh Gia Định của chúa Nguyễn. Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc khải với chúa Trịnh Sâm về điều kiện xin hàng của Tây Sơn. Chúa Tĩnh Đô vương thuận ý, truyền Hoàng Ngũ Phúc lập đoàn sứ giả, trưởng đoàn là Nguyễn Hữu Chỉnh, mang sắc, ấn của vua Lê vào Quảng Nam để phong cho Nguyễn Nhạc làm Tây Sơn trưởng hiệu Tráng Tiết tướng quân. Đây chính là đoàn sứ giả nhà vua đầu tiên vào Nam và trong đoàn này có bà Trần Thị Đạo tham gia. Có thể bà Trần Thị Đạo được giao những nhiệm vụ như nấu ăn, têm trầu, ca múa, đàn hát, chuốc rượu… Thật vậy, Ngô Cao Lãng, trong Lịch Triều tạp kỷ từng chép về Nguyễn Hữu Chỉnh: “Chỉnh, người Đông Hải, huyện Chân Phúc, diện mạo đẹp, rất có trí tuệ, thuở nhỏ thiệp liệp sử sách theo học cử nghiệp, 16 tuổi đỗ hương tiến. Cha Chỉnh là nhà phú thương, hay ra vào nhà quận Việp nhân đó dẫn Chỉnh đến yết kiến. Quận Việp trông thấy, lấy làm lạ, thu nạp làm gia thần, tiến lên triều đình, bổ chức tự thừa. Chỉnh trội về thơ văn quốc ngữ. Vì hâm mộ sự nghiệp Quách Tử Nghi, Chỉnh có soạn bài “Quách lệnh công phú” được người nước truyền tụng. Tính lại hào hoa phóng đãng, giao thiệp rộng, trong nhà thường đầy những thi ông tửu khách vui chơi yến ẩm và nuôi nhiều ca nhi vũ nữ. Chỉnh thật là một nhân vật phong lưu bậc nhất ở kinh đô.

Mùa hạ, năm Giáp Ngọ [1774], Quận Việp đi Nam chinh, Chỉnh được đi theo làm mạc khách, coi quản đội Thiện tiểu, học tập việc quân (Chỉnh có thính mẫn tiệp và có khẩu tài, lại khéo nói những lời khôi hài có sáo sẵn. Khi mới coi quản quân lính đội Thiện tiểu, có người nói: “Sở quản hà tiểu dã!” (đội quân của anh cai quản sao mà nhỏ thế!). Chỉnh nói: “Vật dĩ thiện tiểu nhi bất vi” (đừng cho điều thiện là nhỏ mà không làm”. Cử tọa đều cười lăn ra. Quận Việp giao cho Chỉnh đem sắc và ấn đến trại Tây Sơn ban cho Nguyễn Văn Nhạc dụ Nhạc quy thuận. Chỉnh vì thế được Nhạc biết rõ. Nhạc nhận lãnh mệnh lệnh rồi sai người đi cùng với Chỉnh đến Phú Xuân đệ tạ ơn và dâng đất. Quận Việp rất yêu Chỉnh vì thấy là người có tài mẫn tiệp, giỏi biện luận và được việc
(sđd, quyển IV, tr. 225).

Lại thêm, gần đây chúng tôi tiếp cận Hương phổ Đồng Di, biết Văn miếu Đồng Di do Tuấn Đức Hầu Lê Cao Kỷ đóng góp nhiều công sức xây dựng, từng có một đội lễ nhạc gồm nhạc công, ca nhi vũ nữ, thường xuyên sinh hoạt ở Văn miếu Đồng Di. Thời trẻ bà Trần Thị Đạo, ở làng Thanh Toàn, sát gần Đồng Di, từng sinh hoạt trong đội lễ nhạc này. Khi vào Phú Xuân, quan tài hoa Nguyễn Hữu Chỉnh đã chú ý và tuyển ngay bà Trần Thị Đạo vào đoàn sứ giả do ông làm trưởng đoàn. Như thế một vấn đề mà Orband thắc mắc đã có câu trả lời.

NGUỒN GỐC CỦA ĐẠO SẮC PHONG, KHEN THƯỞNG BÀ TRẦN THỊ ĐẠO?

Qua nội dung của đạo sắc phong, có thể biết bà Trần Thị Đạo đã làm tròn phận sự được giao khi theo đoàn sứ giả của nhà vua và đặc biệt bà là người đã đóng góp nhiều tiền của để xây dựng cầu ngói Thanh Toàn ở quê hương của bà, đã có ân huệ lớn với làng Thanh Thủy khi nhờ bà mà làng được miễn sưu dịch. Một vấn đề cần làm sáng tỏ là bà được nhà vua ban sắc khen thưởng khi nào; góp phần tìm ra vị phu quân của bà. Qua bài viết đã dẫn, chúng ta được biết đạo sắc phong đóng ấn vào ngày 17 tháng 10, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 37, năm Bính Thân (27/11/1776). Chính sử không ghi chép việc sắc phong này. Tuy nhiên nhờ phần nguyên dẫn của bài thơ “Đáo Phú Xuân Thành” của Phan Huy Ích có thể truy cứu được. Thật vậy, trong phần nguyên dẫn của bài thơ “Phụng Mệnh Nam Hành”, Phan Huy Ích viết: “Giữa mùa thu [Bính Thân], ủy viên Tây Sơn đến trấn Phú Xuân, dâng trình tờ biểu, đồng thời tiến sản vật quý của địa phương để cầu được giao hảo, trong đó có nhiều uẩn khúc khó phân biệt thực hay giả. Theo chỉ dụ thì phải chọn một quan văn mẫn cán, xứng đáng để sai đi cùng các quan địa phương giải quyết vấn đề biên giới. Lúc đó thân phụ tôi làm việc ở đồn Động Hải, chính phủ định tuyển vào chức. Khi trình lên bề trên đặc biệt đổi tên thân phụ tôi ra tên tôi, lại dụ tôi phải vào để dặn dò công việc, khi nào xong việc phải về triều trình bày, lại được tiện đường về thăm phụ thân, như vậy càng thỏa đáng đôi đường. Tôi mới nhận chức Thiêm Sai hơn một tháng, nhiều lần được gọi vào hầu để bàn phương lược. Được trên ban cơm, khen thưởng yên ủi đầy đủ, và truyền xuống để cho các trấn cử quan binh lần lượt bảo vệ nghênh tiếp. Ngày 2 bắt đầu đi, cả đi lẫn về gần ba tháng có tập thơ Nam Trình Tạp Vịnh, đại lược như sau” (Phan Huy Ích, Dụ Am ngâm lục, sách I, Dật thi Lược toản,tr 70). Đại Nam thực lục tiền biên chép: “Tháng 8, Trịnh Sâm vời bọn Bùi Thế Đạt, Lê Quý Đôn, Phan Trọng Phiên về. Quân cơ đội 13 hiệu cũng đều rút về cả. Sai Phạm Ngô Cầu thay giữ Phú Xuân và lưu bọn Nguyễn Lệnh Tân, Nguyễn Mậu Dĩnh để giúp việc. Đổi phái cơ hiệu đội 10 doanh đến đóng giữ” (sđ d, tr 258). Như vậy, khâm sai Phan Huy Ích vào Phú Xuân, đã truyền lệnh của triều đình Thăng Long, vời trấn thủ Bùi Thế Đạt, hiệp trấn Lê Quý Đôn về triều, nhưng lệnh cho Phan Trọng Phiên, khâm sai cũ, trong đoàn quân Nam chinh, dù đã có chỉ triệu về trước khi Phan Huy Ích vào, ở lại làm việc với Phan Huy Ích, trong thời gian khoảng ba tháng. Trong phần nguyên dẫn của bài thơ “Đáo Phú Xuân Thành”, Phan Huy Ích có chép việc này: “Đến địa giới Thuận Hóa, quan Trấn thủ trước đó đã lấy dân phu ven đường san bằng đường sá, giao cho thuộc tướng đem lính và voi chờ đón. Lính ở cơ Trung Bổ của đồn Động Hải, lính hai cơ Tả Nhuệ, Trung Kiên ở đồn Cát Doanh đi từ sông Bái Đáp vào. Lính của 10 cơ của bản đạo chỉnh đốn binh khí đợi để đón rước. Đến ngoài cửa thành Phú Xuân, quan Đốc Suất đại tướng là Tạo Quận Công, quan Đốc Thị là Nguyễn Mậu Dĩnh, quan Hiệp Đồng là Nguyễn Lệnh Tân cùng người cũ vua sai là Phan Trọng Phiên, khi ấy đã được chỉ vua gọi về, nhưng lại được lưu lại cùng tôi làm việc. Ông đem theo thuộc tướng là Trân Quận công, Thuộc sai cấp sự trung là Phạm Nguyễn Du ra đón vào thành, đến gác Triêu Dương nghỉ ngơi, cùng nhau bàn tính công việc. Lúc đó tôi được vua ban ba đạo sắc có ấn sẵn và hai đạo lệnh dụ có ấn sẵn, cho tôi được quyền tùy tiện xử trí. Nhân dó tôi điền vào sắc lệnh ban xuống phong cho: Trưởng Hiệu Tây Sơn là Nguyễn Nhạc làm lưu thủ Quảng Nam, tước Cung Quận công, người được phái đến là Đỗ Phú Tuấn làm Hộ Bộ lang trung, Nguyễn Mẫn làm Binh Bộ Viên ngoại lang. Lại viết lời dụ cùng các hạng kiếm vàng, chiên vàng của vua ban, giao cho các ủy viên đem về. Qua mười ngày thì xong việc. Nhân lúc rỗi đi thăm các cảnh ở Thiên Mụ, Hà Khê, Phủ Cam, Phố Lở. Mồng một tháng chạp thì chỗ đóng quân về triều” (sđd, tr 77). Tư liệu vừa dẫn này, cho thấy khi Khâm sai Phan Huy Ích vào Phú Xuân là tháng 8, Bính Thân thì Đoan Quận công Bùi Thế Đạt đã thôi giữ chức Trấn Thủ. Thật vậy, Phan Huy Ích viết “quan Trấn Thủ trước đó đã lấy dân phu ven đường…” thì vị ấy chính là Bùi Thế Đạt. Đạo sắc phong cho bà Trần Thị Đạo cũng được Phan Huy Ích thay mặt vua Lê cấp trong thời gian Phan Huy Ích làm việc ở Phú Xuân (tháng 9, tháng 10, tháng 11). Và lúc bấy giờ bà Trần Thị Đạo đã là hôn thê của quan Trấn Thủ Phú Xuân lúc ấy. Vị trấn Thủ Phú Xuân lúc Phan Huy Ích thay mặt vua Lê khen thưởng bà Trần Thị Đạo là Phan Trọng Phiên. Vì khi vua Lê lệnh cho Khâm sai cũ Phan Trọng Phiên ở lại làm việc với Phan Huy Ích khi Bùi Thế Đạt phải về thì ông Phan Trọng Phiên được cử giữ chức Trấn Thủ vậy. Và ông đã được thăng từ tước bá lên tước hầu, Tứ Xuyên Hầu. Vậy Phan Trọng Phiên hội đủ các tiêu chí về vị phu quân của bà Trần Thị Đạo có nêu trong sắc phong.

NHỮNG VƯỚNG MẮC KHI ĐƯA GIẢ THUYẾT VỀ PHU QUÂN CỦA BÀ TRẦN THỊ ĐẠO

Vướng mắc một số chi tiết trong sắc phong:

Qua bản dịch sắc phong trên, có nói về chức tước của phu quân bà Đạo: Khâm sai, Chủ Sự Hoàng Cung… Khâm Sai đúng là chức của Phan Trọng Phiên trong đoàn quân của Việp Quận công. Nhưng Chủ Sự Hoàng Cung thì e rằng dịch từ bản Hán Văn qua Pháp Văn, rồi chuyển qua Việt Văn e không chính xác. Chúng tôi chưa từng gặp chức vụ này được chép trong chính sử. Phải chăng trong sắc phong ghi Chưởng Phủ? Xin được trích lại một đoạn trong Lịch triều hiến chương loại chí, viết về quan chế: “Hiển Tông, năm thứ 12 [1751] xét định chức vụ các quan. Từ khi có việc dụng binh, pháp luật nới lỏng, các ty trong ngoài chểnh mãng. Đến bây giờ Minh Vương [Trịnh Doanh ] cho rằng trong nước đã yên, mới sai Nhữ Đình Toản châm chước điển lệ triều trước định lại các chức cho rõ.

Phàm chức vụ các quan, quan to trong chính phủ, thì chưởng phủ, thự phủ gọi làm Ngũ Phủ, là đứng đầu võ giai, tham tụng gọi làm Phủ Liêu, đứng đầu văn giai, đó đều là chức nhiệm tể tướng… Chức vụ của các đại thần, chưởng phủ, thự phủ ở Ngũ Phủ, tham tụng ở Phủ Liêu:

Điều I: Uốn nắn lòng vua…
Điều II: Chọn lựa quan lại…
Điều III: Bàn phép trị dân…
Điều IV: Thẩm xét binh cơ…
Điều V: Chế định tài chính…
(sđd,tr 36)

Xét hành trạng của Phan Trọng Phiên thì biết khi ông lãnh chức khâm sai, theo đoàn quân Nam chinh, ông đã giữ chức tham tụng ở Phủ liêu của chúa Trịnh Sâm [1774] và trong đợt Khâm sai Phan Huy Ích mang chiếu chỉ vào Phú Xuân, mùa thu năm Bính Thân [1776] thì Phan Trọng Phiên được thăng chức từ tham tụng lên chưởng phủ do có quân công. Chính Phan Trọng Phiên là người viết hịch gửi quân dân Thuận Hóa năm Giáp Ngọ [1774]. Còn bản dịch sắc phong nói về cấp bậc “nhất trụ triều đình” cũng khớp với Phan Trọng Phiên. Có khả năng sắc phong nói về cấp bậc của Phan Trọng Phiên là “thượng trụ quốc”. Lịch triều hiến chương loại chí chép: “Cấp bực phong cho những người có công to như sau: Về văn ban: Chánh nhất phẩm thì thượng trụ quốc, tòng nhất phẩm thì trụ quốc… Về võ ban: Chánh nhất phẩm thì thượng trụ quốc, tòng nhất phẩm thì trụ quốc…” (sđd, tr 64).

Về tước thì trong sắc phong ghi tước của phu quân bà Đạo là tước hầu. Khi bắt đầu tham gia đoàn quân Nam chinh, Phan Trọng Phiên chỉ mới được tước bá, gọi là Tứ Xuyên Bá; như thế năm 1776 ông được thăng Tứ Xuyên Hầu cũng hợp lý.

Vướng mắc qua những dữ liệu trong bài viết của R.Orband:

Vấn đề tưởng đã ổn, nhưng trong bài viết của R, Orband, tác giả đã viết: “Vào năm 37 Cảnh Hưng niên hiệu [1776] một bà quý phái tên là Trần Thị Đạo, vợ quan đại thần Cần Chánh điện Đại Học sĩ (Nhất trụ triều đình) và chức Hầu, đã có lòng tốt cho xây cầu bằng tiền của bà”; làm vấn đề trở nên rắc rối. Rất tiếc R. Orband không nói rõ ông đã dựa vào tư liệu nào để nói rằng phu quân của bà Đạo là Cần Chánh điện Đại Học Sĩ, trong khi bản sắc phong không có chi tiết này (?).

Thư tịch họ Trần làng Thanh Toàn lưu giữ


TẠI SAO R.ORBAND BIẾT PHU QUÂN BÀ ĐẠO TỪNG GIỮ CHỨC CẦN CHÁNH ĐIỆN ĐẠI HỌC SĨ?

Trong đợt khảo sát điền dã vào tháng 10 năm 2006 tại làng Thanh Thủy Chánh, chúng tôi được tiếp cận gia phả của họ Trần làng Thanh Thủy Chánh. Quả bà Trần Thị Đạo, có tên trong gia phả họ Trần, bản gốc chữ Hán, có dịch ra quốc ngữ. Xin được trích lại: “Cần Chánh Hầu Phu Nhân Trần Thị Đạo Quý Nương Trước tặng Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò chi Thần. Việc phát hiện chi tiết này trong gia phả cổ của họ Trần, có thể hiểu được vì sao R. Orband viết như trên. Gia phả viết vào thời Tây Sơn cho nên có khả năng phu quân bà Đạo đã thay đổi chức tước là đại thần của triều đình Lê Chiêu Thống và Cần Chánh Hầu là tước cuối cùng vậy. Để làm sáng tỏ, thiết tưởng nắm lại hành trạng của Phan Trọng Phiên trong lịch sử vậy.

HÀNH TRẠNG CỦA PHAN TRỌNG PHIÊN

Tra cứu Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Lịch triều tạp kỷ, Lê quý kỷ sự, Vua Quang Trung (Phan Trần Chúc), Hoàng Lê nhất thống chí… có thể tóm lược hành trạng của Phan Trọng Phiên:

Ông Phan Trọng Phiên (còn gọi là Phan Lê Phiên) người làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội, hậu duệ của nhà sử học Phan Phu Tiên. Ông đỗ tiến sĩ khoa Đinh Sửu [1757] niên hiệu Cảnh Hưng. Trước năm 1774, ông từng giữ chức Hộ Bộ tả thị lang, tước Tứ Xuyên Bá. Vào năm Giáp Ngọ [1774] ông đã được giữ chức Tham tụng, đứng vào bậc đại thần ở Phủ Liêu của chúa Trịnh Sâm. Tháng năm, Giáp Ngọ [1774], Trịnh Sâm sai Việp Quận Công Hoàng Ngũ Phúc làm thống suất bình Nam thượng tướng quân, thống lĩnh ba vạn quân Nam chinh thì Phan Trọng Phiên được giữ chức Khâm sai, cùng với thuộc sai Nguyễn Hữu Chỉnh… để giúp họ Hoàng việc quân cơ. Tháng chạp năm Giáp Ngọ, quân Lê Trịnh đã chiếm được Phú Xuân - Thuận Hóa và tháng hai năm Ất Mùi [1775], Việp Quận công tiến đánh Quảng Nam, Phan Trọng Phiên vẫn tham gia trong đoàn quân. Giai đoạn này ban chỉ huy đã cử thuộc sai Nguyễn Hữu Chỉnh làm chánh sứ để vào phong cho Nguyễn Nhạc (và bà Trần Thị Đạo đã tham gia trong đoàn sứ giả này). Tháng mười Việp Quận công rút về Phú Xuân, sau đó bị bệnh, giao quyền chỉ huy cho Đoan Quận công Bùi Thế Đạt, Tứ Xuyên bá Phan Trọng Phiên, còn ông về Bắc nhưng bệnh chết trên đường về. Khi tình hình tạm ổn, Đoan Quận Công Bùi Thế Đạt với chức trấn thủ, cùng với khâm sai Phan Trọng Phiên về đóng bản doanh ở thành Phú Xuân. Năm 1775, Lê Quý Đôn được cử vào Phú Xuân với chức Hiệp Trấn. Và vào mùa thu tháng tám năm Bính Thân, Thiêm sai Phan Huy Ích được cử làm Khâm sai, mang chiếu chỉ sắc phong để vào phong cho các tướng lĩnh Tây Sơn vì sau khi họ hàng Lê - Trịnh đã có công đánh phá quan quân chúa Nguyễn và phong tặng khen thưởng những người có công trong mấy năm bình Nam. Trong dịp này ông Phan Trọng Phiên được thăng Chưởng Phủ Sự, tước Tứ Xuyên Hầu. Trước khi Khâm sai Phan Huy Ích vào Phú Xuân thì Phan Trọng Phiên đã có lệnh về triều cùng với Bùi Thế Đạt, nhưng triều đình Lê Trịnh lại đổi ý, giao chỉ mới để Phan Huy Ích truyền Khâm sai Phan Trọng Phiên thôi về, thay Đoan Quận công thống lĩnh ba quân và trấn thủ Thuận Hóa - Phú Xuân, vẫn giữ chức Khâm sai với tước Tứ Xuyên Hầu. Trong giai đoạn này ông đã kết hôn với bà Trần Thị Đạo và phu nhân của ông đã được khen thưởng như trên.

Từ đường họ Phan có tượng Phan Phu Tiên (tổ của Phan Trọng Phiên)


Chậm nhất là đến năm 1779 Phan Trọng Phiên mới hồi triều với chức Chưởng Phủ Sự, bậc thượng trụ quốc. Ông là người thảo cố mệnh thư, đưa Trịnh Cán nối ngôi chúa, sau khi Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm mất và ông là một trong những phụ chính đại thần. Loạn kiêu binh xảy ra ông bị buộc viết chiếu nhường ngôi chúa cho Trịnh Tông, tước Yến Đô vương. Nhưng sau đó Trịnh Tông đã bãi chức của Phan Trọng Phiên, cho ông về vườn. Tháng 6 năm Bính Ngọ [1786] Nguyễn Huệ đánh chiếm Phú Xuân, cùng Nguyễn Hữu Chỉnh kéo quân ra Thăng Long với danh nghĩa Phù Lê diệt Trịnh; dựng lại ngai vàng đã mục của triều đình lạnh lẽo vua Lê Hiển Tông. Chính giai đoạn này theo lệnh vua Lê và ý kiến của Bằng Lĩnh Hầu Nguyễn Hữu Chỉnh, Phan Trọng Phiên đã trở lại chính phủ của vua Lê Hiển Tông và sau đó là triều đình của vua Lê Chiêu Thống. Khi Nguyễn Huệ rút về Phú Xuân thì Bắng Lĩnh Hầu Nguyễn Hữu chỉnh bị bỏ rơi, phải tạo dựng sự nghiệp ở Nghệ An thì vua Lê Chiếu Thống bị Trịnh Bồng, dựa thế Đinh Tích Nhưỡng, Hoàng Phùng Cơ ép chế, nhằm phục hồi cảnh vua Lê chúa Trịnh ngày xưa. Khi thanh thế đủ mạnh, Nguyễn Hữu Chỉnh mang quân trở lại Thăng Long, giúp vua Lê và lần này vua Lê Chiêu Thống đã rửa hận bằng cách đốt hết cung phủ của chúa Trịnh và đặt đổi các chức tước mà chúa Trịnh từng đặt. Ví dụ chúc Chưởng Phủ Sự đổi thành Bình Chương Sự… và những tước do chúa Trịnh phong cho các đại thần cũng phải đổi, kẻo các đại thần vẫn hoài Trịnh. Trong bối cảnh ấy, bình chương Phan Trọng Phiên, làm việc ở nội điện vua Lê, hằng ngày ở cạnh vua và làm việc ở Điện Cần Chánh và được thăng Cần Chánh Đại Học Sĩ và có thể đổi tên tước thành Cần Chánh Hầu vậy. Về sau Phan Trọng Phiên từng bị giáng xuống Đông Các Đại Học Sĩ. Khi Vũ Văn Nhậm ra Thăng Long diệt Nguyễn Hữu Chỉnh, vua Lê chiêu Thống lánh nạn thì Phan Trọng Phiên được quan quân Tây Sơn cho về nhà nhưng vẫn bảo lưu tước hàm mà vua Lê đã phong. Và như thế con cháu bên vợ đã ghi gia phả ông là Cần Chánh Hầu.

THAY LỜI KẾT

Khi giải quyết các vấn đề nêu trên, chúng tôi thấy giá trị của một công trình kiến trúc độc đáo vào cuối thế kỷ 19 ở Phú Xuân được tăng lên nhiều lần. Lịch sử của Cầu Ngói Thanh Toàn ghi dấu một nét son của những ngày thống nhất đất nước Đại Việt, sau gần 200 năm Trịnh Nguyễn phân tranh. Dẫu rằng, dân tộc ta sau 1775, vẫn còn phải tốn nhiều máu xương, mồ hôi nước mắt khi các tập đoàn phong kiến tiếp tục cát cứ, tranh bá đồ vương. Một Nguyễn Huệ xuất hiện đúng lúc để vượt Hải Vân, sông Gianh, với khát vọng nhất thống thiên hạ, nhưng tiếc thay nhà vua đã làm chưa trọn; chỉ mới đặt nền móng cho sự thống nhất. Và người thiếu niên tài ba, nghị lực lớn Nguyễn Ánh đã tỏa sáng kịp thời, đã hợp lòng dân, tức ý trời, đưa Việt Nam bước vào thời kỳ thống nhất tự cường. Mối lương duyên tốt đẹp giữa Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ và Ngọc Hân công chúa là một nét đẹp của đoàn kết Bắc Nam, với đạo diễn Nguyễn Hữu Chỉnh vào mùa hè Bính Ngọ [1786] là do rút kinh nghiệm của một cuộc kết hôn giữa Khâm Sai đại thần Phan Trọng Phiên và người thôn nữ tài ba thuộc dòng họ Trần ở làng Thanh Toàn của xứ Huế trước đó. Những cuộc hôn nhân lịch sử ấy giữa người Đàng Trong, Đàng Ngoài đã góp phần xóa đi những mặc cảm nặng nề giữa Đàng Trong Đàng Ngoài trong hằng trăm năm huynh đệ tương tàn.

Huế, tháng 8/2015
T.V.Đ
(SH320/10-15)






 

Các bài mới
Huế và tôi (27/10/2015)
Xưng tội (20/10/2015)
Các bài đã đăng