ĐỖ ĐỨC HIỂU
14 tháng bảy 1789, nhân dân Pari chiếm và phá ngục Bastille, biểu trưng của chế độ phong kiến đã tồn tại ở Pháp hàng chục thế kỷ. Nó là một "đại hồng thủy" cuốn sạch một thế giới cũ và mở đầu một thế giới mới ở Pháp, ở Châu Âu và vang dội trên toàn thế giới.
Về một phương diện, Cách mạng 1789 đã được chuẩn bị từ gần một thế kỷ trước, với các tác phẩm văn học, triết học của các trí thức vĩ đại Pháp: Montesquieux, Voltaire, Diderot, Rousseau... "Thế kỷ Ánh sáng" chiếu rọi vào đầu óc mọi người vì những tư tưởng Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Và, cũng về một phương diện, đến lượt nó, Cách mạng 1789 thức tỉnh trái tim và khối óc các nhà văn, các nghệ sĩ, tạo nên một thế kỷ văn chương khổng lồ, thế kỷ XIX, với các tên tuổi Lamartine, Musset, G. Sand, Hugo, Stendhal, Balzac, Baudelaire, Rimbaud, Verlaine v.v... - những người con tinh thần và những tài năng sáng tạo của xã hội Pháp sau Cách mạng 1789.
Âm vang của Cách mạng lan rộng trên thế giới và ngân qua các thời đại, đến nay là hai thế kỷ. Do những biến động lịch sử, văn hóa Việt Nam tiếp xúc với văn hóa phương Tây, nhất là với văn hóa Pháp, nhất là trong nửa đầu thế kỷ XX này. Nói như Hoài Thanh và Hoài Chân trong Thi Nhân Việt Nam, do cuộc tiếp xúc ấy, văn chương Việt Nam trải qua "một cuộc biến thiên vĩ đại". Thơ được tái tạo, trở thành Thơ mới; truyện, tiểu thuyết hiện đại hóa; kịch nói ra đời, phê bình và nghiên cứu văn học dần dần trở thành một khoa học; báo chí với phóng sự, tranh luận văn chương mang hơi thở của thời đại, và các diễn đàn văn học, và các nhà xuất bản, nhà in, quán sách... Và biết bao nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình họp thành một đội ngũ nghệ sĩ đông đảo: Tản Đà, Thế Lữ, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử.... Hoàng Ngọc Phách, Nhất Linh, Khái Hưng, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Thạch Lam.... Nguyễn Văn Tố, Đặng Thai Mai, Hoài Thanh... kể sao cho hết những tài năng đã đưa văn học và ngôn ngữ Việt Nam vào thế giới hiện đại.
Những mối quan hệ đa dạng, nhiều chiều giữa văn học Việt Nam và văn học Pháp nửa đầu thế kỷ XX là một đề tài khoa học bao la, đòi hỏi nhiều công trình nghiên cứu, và, có lẽ, của nhiều thế hệ. Người đọc hiện nay yêu cầu được tiếp xúc với nhiều "Kênh" tư tưởng, nghệ thuật để lựa chọn. Bài báo này sẽ đề cập đến một khía cạnh trong vấn đề phê bình văn học nửa đầu thế kỷ do cuộc tiếp xúc văn hóa Đông Tây; nói rõ hơn, sau đây là một số suy nghĩ về quyển Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân.
Thi Nhân Việt Nam ra đời cách đây gần nửa thế kỷ (1942) và, đến nay, vẫn long lanh như một viên ngọc trong hộp đá quý. Cùng với thơ, truyện, kịch nói, phê bình và nghiên cứu văn học những năm 20, 30 và 40 bồng bột phát triển. Trên diễn đàn, trên báo chí, trong sách in, biết bao nhà phê bình văn học đã tranh luận về nhiều vấn đề, triết học, văn học, bình luận văn chương. Một đội ngũ nhà phê bình, nghiên cứu, đông đảo chưa từng thấy. Đến nay, tưởng như còn nghe thấy từ trên các diễn đàn Hà Nội, Huế, Sài Gòn, tiếng tranh luận sôi nổi, gay gắt, tưởng như còn trước mắt những bài báo, những sách mới in của Ngô Đức Kế, Hải Triều, Đặng Thai Mai, Dương Quảng Hàm, Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Đổng Chi, Ngô Tất Tố, Thiếu Sơn... kể sao cho hết những ngôi sao! Trong nghiên cứu (văn học dân gian, văn học cổ Việt Nam, lịch sử văn học, văn học một thời đại), trong phê bình (một trào lưu, một nhà thơ, một nhà tiểu thuyết, một tác phẩm...) nhiều âm thanh xen lẫn nhau, nhiều giọng văn khác biệt nhau làm góc trời văn học này xôn xao, náo động, có thể tưởng như xô bồ, hay xáo lộn. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua. Lắng đọng với thời gian, nổi lên hai khuynh hướng, với hai phong cách: hoặc thiên về lý trí, lý luận, hoặc thiên về trái tim, cảm xúc, ở địa hạt này, cũng có thể nói như tác giả Thi Nhân Việt Nam, cả hai khuynh hướng trên đều do "một cơn gió mạnh" từ phương Tây mang lại. Các trí thức Việt Nam đã tiếp xúc với các nhà trường Pháp, và nhất là sau này, với sách Pháp, với phê bình nghiên cứu Pháp, với Lanson, Bédier, với Jules Lemaitre, Faguet, với Sainte-Beuve, H. Taine v.v... Những phương pháp phê bình khác nhau ấy, rất đa dạng và hấp dẫn, mở những con đường cho học giả Việt Nam. Có thể thấy Nguyễn Văn Tố, Dương Quảng Hàm, Đào Duy Anh, Vũ Ngọc Phan v.v... đi theo khuynh hướng khoa học, khách quan, chính xác; từ thời đại, lịch sử, tiểu sử tác gia, đến văn bản, giải thích, đánh giá, các nhà nghiên cứu, phê bình của chúng ta bước đầu có cái nhìn tổng thể về lịch sử văn học Việt Nam, "Văn học cổ đại Việt Nam", "Quốc văn đời Tây Sơn", văn học thời Đông Kinh Nghĩa thục, "Nhà văn hiện đại" v.v.... Trường phái Lanson in dấu ấn rõ rệt trong công trình của giáo sư Đặng Thai Mai, nhà nghiên cứu uyên bác, bộ óc bách khoa của Việt Nam. Khuynh hướng thứ hai là khuynh hướng tình cảm chủ nghĩa, in đậm dấu ấn chủ thể nhà phê bình; trái tim nhà phê bình ca hát theo những dòng cảm tưởng, cảm xúc do một bài thơ, một nhịp điệu, một rung động của câu thơ gây nên; và nhà phê bình xây dựng xung quanh một tác phẩm văn chương, một lâu đài tráng lệ, đưa người đọc vào thế giới của riêng mình. Các nhà phê bình Pháp như Sainte-Beuve, E.Faguet, nhất là Jules Lemaitre và các nhà sáng tác lớn, khi đột nhiên viết những trang sách phê bình văn chương, như Baudelaire, A. France, Valéry, Proust.... có ảnh hưởng sâu sắc đến một số nhà phê bình Việt Nam nửa đầu thế kỷ này. Phê bình ấn tượng chủ nghĩa ở Pháp, đứng đầu là Jules Lemaitre, được nhiều nhà phê bình, nhà thơ của chúng ta yêu thích. "Cơn gió mạnh" này (của phái ấn tượng chủ nghĩa) đã thổi vào Thi Nhân Việt Nam sự cảm nhận tác phẩm thi ca, phong cách đầy rung động và trí tưởng tượng bay bổng.
Cần khẳng định, dù là với tinh thần khoa học, khách quan, óc bách khoa như Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh (khuynh hướng thứ nhất, đang gọi là khuynh hướng Lanson hay dù là với những ấn tượng, rung động tinh tế như Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư… (khuynh hướng thứ hai, tạm gọi là khuynh hướng Jules Lemaitre) các nhà phê bình nghiên cứu Việt Nam đã viết tác phẩm của mình với một tinh thần dân tộc sâu sắc - truyền thống tư duy và tình cảm của người Việt Nam. Hiện đại hóa phê bình văn học trên "tinh thần nòi giống", đó là sáng tạo to lớn của các trí thức "tây học" trong lĩnh vực này.
2.
Thi Nhân Việt Nam (1), bản thân nó, là một tác phẩm nghệ thuật, một công trình nghệ thuật đặc biệt, bởi vì nó được xây dựng trên thi phẩm của một giai đoạn lịch sử. Nguồn cảm hứng của nó không phải là cuộc sống, tình yêu, thiên nhiên, mà những bài thơ, những tập thơ. Với những cảm xúc dạt dào, những rung động tinh tế, Hoài Thanh và Hoài Chân(2) truyền cho người đọc thế giới tình cảm của mình bằng một bút pháp đầy chất thơ. Đọc Thơ mới, tác giả phát hiện biết bao màu sắc, âm thanh hương hoa mới lạ, biết bao từ ngữ, nhịp điệu, kết cấu mới, và, từ những chất liệu ấy, tác giả xây dựng một kiến trúc nghệ thuật riêng. Jules Lemaitre nói: "Phê bình là một dòng sông trong suốt, trôi và uốn lượn xung quanh những tác phẩm", có nghĩa là nhà phê bình, khi viết tác phẩm của mình, tạo nên một công trình khác, một "dòng sông trong suốt" - do giá trị và sức hấp dẫn của tác phẩm gợi nên. Phê bình ấn tượng chủ nghĩa quan niệm phê bình là nghệ thuật thưởng thức tác phẩm nghệ thuật làm phong phú thêm, tinh tế thêm ấn tượng của người đọc tác phẩm. Nhà phê bình ấn tượng chủ nghĩa ghi chép "những cảm tưởng chân thực", nói những ước mơ và những thế giới tưởng tượng gợi nên từ tác phẩm được bình luận. Nó mang tính chủ thể rõ rệt. Nó ít quan tâm đến thời đại, lịch sử hay tiểu sử tác giả, những cái mà ngày nay chúng ta gọi là "cái ngoài văn bản". Nó không khách quan, không giải thích, không đánh giá. Nó nói những cảm xúc, những cảm tưởng mà áng văn mang đến cho người đọc. Có thể coi phê bình ấn tượng chủ nghĩa là đối cực của học thuyết Lanson về phê bình, học thuyết này yêu cầu cái khách quan, những tư liệu cụ thể và chính xác, đòi hỏi những thống kê và ngàn, vạn "phích" ghi chép tỉ mỉ, sắp xếp có trật tự, hệ thống. Chủ nghĩa ấn tượng yêu cầu chủ yếu ở nhà phê bình một trái tim, những cảm xúc tràn đầy, những tình cảm tinh tế, một bút pháp uyển chuyển, sâu sắc và đậm đà.
Thi Nhân Việt Nam gây những ấn tượng như vậy; nó sáng tạo một thế giới thơ. Hoài Thanh nói rõ quan niệm của ông về "phê bình": "Điều tôi ngại nhất là mang tên nhà phê bình. Hai chữ phê bình sao nghe nó khó chịu quá. Nó khệnh khạng như một ông giáo gàn"(tr.348); có thể, cũng như các nhà phê bình ấn tượng chủ nghĩa Pháp, ông phản đối lối phê bình sách vở, "hàn lâm viện". Tiếp liền đó, Hoài Thanh gọi một cách dè dặt những bài phê bình của ông là "tùy bút, tùy hứng"; ông nói rõ thêm: "Tôi chỉ ghi cảm tưởng xem thơ" và "vui buồn theo ngòi bút hiện trên trang giấy". Quan niệm phê bình văn chương của Hoài Thanh thấm đượm tinh thần chủ nghĩa ấn tượng. Ông nhấn mạnh vai trò chủ thể nhà phê bình; ông công bố dứt khoát cái tôi của ông là tất cả sáng tạo của tập sách này. Cái tôi thoát ra ngoài những gông xiềng hạn chế, chèn ép, bóp nghẹt tự do con người. Hoài Thanh nói: Bạn đọc đừng chờ ở quyển sách của ông những bài nghiên cứu khách quan: "Khách quan, không", bởi vì, ông viết, "chạy đi đâu cũng không thoát khỏi cái tôi thì tôi cứ là tôi vậy". Hãy xem các bài bình luận của ông; có những bài dài 150 dòng, ông chỉ để năm hoặc sáu dòng lơ thơ cho tiểu sử tác giả, bởi vì, với ông, "khi xem thơ, tôi chỉ biết có thơ". Chưa bao giờ trong phê bình, nghiên cứu cái tôi xuất hiện một cách tự hào, và có thể nói "ngạo nghễ" như vậy. Hãy giở trang 344: "... Tôi là người thời bấy giờ... tôi muốn sống thời bấy giờ... tôi say mê... tôi thích... tôi hết sức rộng rãi với tôi... tôi trích… tôi viết... tôi sợ thiếu... tôi muốn ghi hết những vui buồn của thời đại... tôi dè dặt"v.v... bấy nhiêu chữ TÔI to tướng trong một đoạn văn trên mười dòng. Song cái tôi của Hoài Thanh thật hấp dẫn, nó làm say lòng người, nó đưa người đọc vào một thế giới thơ lạ lùng, tràn ngập hương hoa và những run rẩy của trái tim trong tình yêu, trong cái buồn thương của cái tôi "bơ vơ", "tội nghiệp". Ông dẫn chúng ta vào một "mùa cổ điển" lúc đêm khuya, một mùa thu, một ngọn nến vừa đủ sáng và "ngoài kia có lẽ trăng sáng lắm"; đến "bến Phong Kiều sương tỏa" và "trăng sáng trên dòng Xích Bích"; vào thế giới hồi ức của "một thời xưa bừng tỉnh dậy"; vào thế giới "say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng.... nồng nàn, tha thiết". Đọc những câu văn xuôi trích bên trên, tưởng như nghe những vần thơ. Thi Nhân Việt Nam là một tập thơ từ đầu đến cuối. Hoài Thanh không những là một nhà phê bình sâu sắc, một ca sĩ trữ tình của Thơ mới, ông là một nghệ sĩ; điều này giải thích sức sống bền vững của Thi Nhân Việt Nam. Bút pháp, những suy tư và cảm xúc của ông tạo thành "một dòng sông uốn lượn" quanh những tập thơ. Phong cách Hoài Thanh do "cơn gió mạnh thổi đến" từ phương Tây cộng với tâm hồn dân tộc đậm đà của ông.
Trong Thi Nhân Việt Nam, Hoài Thanh dành nhiều trang nói đến "Cơn gió mạnh" này, cơn gió gây nên "cuộc biến thiên quan trọng", "cuộc biến thiên lớn nhất" (tr.9), "cuộc biến thiên vĩ đại" (tr.12), "cơn sóng dữ dội"(tr.41) những "năm đại náo trong làng thơ", "cuộc cách mạng về thơ ca"... còn biết bao từ ngữ dằn dữ như vậy để gây ấn tượng. Cơn gió đến, và "cả nền tảng xưa bị một phen điên đảo", "sự đụng chạm với phương Tây làm tan rã bao nhiêu bức thành kiên cố" (tr.105). Cuộc biến thiên làm mọi người "ngơ ngác" ấy, gây nên bởi việc tiếp xúc với phương Tây, chính xác hơn, với văn hóa Pháp, văn chương Pháp, Hoài Thanh không lập luận. Nói về lịch sử, kinh tế, về phong trào Đông Du, về tư tưởng thế kỷ Ánh sáng Pháp, về các trào lưu thơ lãng mạn, thơ tượng trưng chủ nghĩa Pháp, ông dùng những hình ảnh, những biểu trưng có khả năng gây những cú sốc trong trái tim người đọc: "một cái đinh" để nói việc xâm nhập kinh tế, hàng hóa; "Montesquieu, Rousseau" để nói tư tưởng Ánh sáng và cuộc duy tân; "Khát vọng", "tâm hồn", "trái tim", để nói thơ ca. Nhà phê bình Hoài Thanh không sử dụng những khái niệm lý luận trừu tượng, "tinh thần kỷ hà học" để thuyết phục người đọc; ông không phải là người tán thành lối sống "phải lẽ" (tức là sống theo lý trí, lương tri, kiểu chủ nghĩa duy lý Descartes) bởi vì, - ông viết, "muốn cho phải lẽ, tôi sẽ giết nửa lòng tôi" (tr.347). Nói cách khác, ông trò chuyện, ông tâm sự, ông để trái tim ca hát cùng những bài thơ ông yêu thích. Sức thuyết phục của Thi Nhân Việt Nam chính là ở sự hòa hợp, sự tương ứng diệu kỳ giữa phong cách Hoài Thanh và linh hồn Thơ mới. Để gây ấn tượng và chấn động trong lòng người đọc, ông sử dụng nhiều lần một số từ, nó điệp trùng, nó ám ảnh, nó xoáy sâu vào tâm hồn. Để biểu đạt ảnh hưởng sâu sắc của phương Tây đến phương Đông, ông viết: "Chúng ta ở nhà tây, đội mũ tây, đi giày tây, mặc áo tây, và, liền sau đấy, dầu tây, diêm tây, vải tây, chỉ tây, kim tây, đinh tây, để đi đến "tư tưởng phương Tây" và văn tây". Đoạn văn ngắn này chứa đựng một lượng chữ "tây" đậm đặc, có tác dụng gây những cảm tưởng bất ngờ, xoáy mạnh, da diết. Hoài Thanh kết luận đoạn này bằng một ngoa dụ: "Bấy nhiêu sự thay đổi trong khoảng năm, sáu mươi năm! Năm, sáu mươi năm mà như năm, sáu mươi thế kỷ!" Mặc dù có hai dấu than liên tiếp, nhận định ấy không phải là một nhận định của lý trí, của lương tri khoa học; mặc dù vậy, nó vẫn lôi cuốn người đọc; nó không gây những ảo ảnh.
Trong cảnh tượng thơ mới đua nở rộn rã, phát triển tưng bừng, Hoài Thanh cho rằng cái chung rõ rệt của Thơ mới là nó "chịu ảnh hưởng phương Tây, hay đúng hơn, ảnh hưởng Pháp" (tr.25). Với bút pháp riêng của ông, ông vẫn sử dụng lối nói điệp trùng ; "ảnh hưởng Pháp đậm lạt khác nhau", "ảnh hưởng Pháp rất đậm"... "ảnh hưởng Pháp đến Xuân Diệu là cực điểm"; ảnh hưởng Pháp ở giọng hùng tráng, ở cái kín đáo, ở nghệ thuật tinh vi, ở không khí mơ màng; ông nói đến ảnh hưởng thơ lãng mạn, chủ nghĩa tượng trưng, phái Thi Sơn; ông kể tên nhiều nhà thơ Pháp: Lamartine, Musset, Hugo, De Noailles, Samain; Valéry, Rimbaud, Verlaine và hàng chục nhà thơ khác: Baudelaire được nhắc đến sáu hay bảy lần, Hugo ba hay bốn lần. Hoài Thanh nhìn nhận cuộc tiếp xúc thơ Pháp với thơ Việt Nam dưới nhiều khía cạnh, từ những nhà thơ cụ thể, đến âm điệu, chất thơ và trào lưu thơ. Điều này chứng tỏ sự am hiểu thấu đáo, uyên bác và nhất là sự cảm thụ vô cùng sắc và nhậy của Hoài Thanh đối với thi ca Pháp. Và tài năng của ông biểu hiện ở phong cách ông, duyên dáng, đậm đà, tha thiết, thơ mộng, với những nét bút sắc gọn và rất cơ bản, như ở những bức họa cổ phương Đông.
3.
Hoài Thanh tiếp thu những tinh hoa của phê bình ấn tượng chủ nghĩa Pháp và tiếp tục cùng phát huy "hồn dân tộc", truyền thống nhân văn chủ nghĩa Việt Nam, thương yêu con người, tâm hồn nồng nàn, tha thiết của dân tộc. Mở đầu Thi Nhân Việt Nam là nhà thơ Tản Đà với lời ngợi ca chân thành, trân trọng. Thi Nhân Việt Nam ngợi ca "cốt cách vững vàng", "tâm hồn cao khiết", "con người trượng phu" của Tản Đà, tức là hồn thơ Việt Nam xưa, "quá khứ của giống nòi". Và "Cung chiêu anh hồn Tản Đà", và "Tiên sinh đã dạo những bản đàn mở đầu cho cuộc hòa nhạc tân kỳ đương sắp sửa"; xiết bao rung động của đáy lòng phổ vào lời văn đầy tính nhạc của Hoài Thanh. Và Thề non nước, mở đầu những bài thơ, véo von ca bài ca hồn nước thủy chung, tình nghĩa đậm đà, tình yêu gắn bó: "Dù cho sông cạn đá mòn, Còn non, còn nước, hãy còn thề xưa". Tiếng ca mở đầu này sẽ vang dội trên khắp các trang Thi Nhân Việt Nam. Và lời đề từ in trên đầu sách (tiếc rằng lần xuất bản này, tìm đâu cho thấy): "Của tin, gọi một chút này làm ghi", câu thơ đầy tình nghĩa của Nguyễn Du và cũng đầy tình nghĩa của người đề từ. Và "Nhỏ to" tha thiết ân tình kết thúc tác phẩm bằng mấy lời tâm sự của một cái tôi hết sức chân tình, đầy nhiệt huyết. Nhà phê bình cảm hóa người đọc từ đầu đến cuối sách (sách được kết cấu như một bản xônát), bằng lời văn thánh thót biểu đạt một tâm tư sâu kín, khắc khoải của một tâm hồn thiết tha với đất nước và con người Việt Nam.
Nói đến "Cơn gió mạnh phương Tây", "ảnh hưởng Pháp", bao giờ Hoài Thanh cũng ngợi ca tài năng sáng tạo của Thi Nhân Việt Nam, - sáng tạo trên cơ sở tinh thần dân tộc. Những câu bất ngờ ngắn gọn và mạnh mẽ khẳng định: "Hồn thơ Pháp hễ chuyển vào thơ việt là Việt hóa hoàn toàn", "thi văn Pháp không làm mất bản sắc Việt Nam", "Những sự mô phỏng ngu muội lập tức bị đào thải" (tr.29). Ít khi hơi văn Thi Nhân Việt Nam cứng và dứt khoát như vậy ("hễ... là", "hoàn toàn", "lập tức"...). Thơ mới vì vậy, "đã đi sâu vào hồn giống nòi" (tr.35) và "tinh thần nòi giống không sao tiêu diệt" (tr.46). Ông muốn nhà Thơ mới luôn luôn "có liên lạc với quá khứ của giống nòi", và thơ Xuân Diệu xúc động lòng người vì nhà thơ "diễn đạt được tinh thần cố hữu của nòi giống". Hồn nước, tinh thần dân tộc, nòi giống, giống nòi, nước non nặng một lời thề, những tiếng ấy đánh những nhịp mạnh cho "cuộc hòa nhạc" của Hội Tao đàn. Cũng dễ hiểu khi Hoài Thanh dí dỏm chế giễu "những cái ngông cuồng trái với tinh thần tiếng Việt", những câu thơ mới mười hai chân, "thơ bí hiểm" đi vào "con đường tối tăm", mà ông gọi là "mầm chết". Có nhà thơ "đến giữa làng thơ với chiêng, trống, xập xoèng, inh cả tai. Chúng ta đổ ra xem. Nhưng chúng ta lại tưng hửng trở vào"; người đọc hiểu là Hoài Thanh giễu cợt cái hình thức tây loè loẹt của một thi sĩ trống rỗng hồn Việt Nam.
Hoài Thanh đã làm sáng tỏ khái niệm và tinh thần Thơ mới. Cuộc tiếp xúc với thơ Pháp đã "giao trả hồn ta lại cho ta"; nó giải phóng cái tôi. Cái tôi ca hát nỗi niềm sâu kín, khát vọng tự do, tình yêu cuộc sống, nỗi buồn mênh mang, "sầu vạn kiếp". Thơ mới khơi gợi biết bao nguồn cảm hứng mới, được diễn đạt với nhiều từ ngữ mới, câu thơ mới, vần và nhịp mới. Những tình cảm trong Thơ mới được Hoài Thanh cảm nhận hết sức tinh tế và ông truyền cho người đọc những xúc cảm bằng những câu văn xuôi nhịp điệu êm ái như thơ và gợi mở như thơ. Như thơ, các bài bình luận của ông nói đến những thế giới khác, những chân trời khác. Như thơ, Thi Nhân Việt Nam, sách phê bình nghiên cứu, ít nói đến những sự kiện một thời kỳ lịch sử rối ren, đau đớn, mà dành nhiều trang cho những rung động, cảm xúc. Cùng các nhà thơ, ông ca hát những mơ ước tự do, những xứ sở thơ mộng của tình yêu, của thời xưa, của ca dao đồng quê, của non sông chúng ta. Chắc hẳn Xuân Diệu là một trong mấy nhà thơ Hoài Thanh say mê hơn cả, bởi vì Xuân Diệu mang lại từ phương Tây "những ý tứ mượn trong thơ Pháp" và vẫn giữ "cái yêu kiều", "cái phong nhã", một cái gì rất Việt Nam"(tr.102). Có ai lắng nghe được như Hoài Thanh trong các bài thơ những "luồng run rẩy rung rinh lá", "cành biếc rung rung chân ý nhi", những âm "r" tinh vi khẽ rung động. Có ai như Hoài Thanh nghe được trong nắng vàng "tiếng lòng lẻ để tơ chùng" của một nhà thơ hát ca hát nỗi nhớ nhung. Và Hoài Thanh nghe thấy cả cái "rung rinh" trong thơ tình yêu của Xuân Diệu. Rồi các màu sắc rung động trong văn xuôi của ông, màu sắc "lung linh vàng dội cung Quỳnh" sáng ngời cả tập sách của ông. Rồi hương thơm qua hoa mai, bông hồng, "búp nhài mở nửa", của cả "Khúc nhạc thơm". Nói về tính đa dạng và cái buồn thăm thẳm của Thơ mới, Hoài Thanh viết: "Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mạc Tử, ta đắm say cùng Xuân Diệu... Ta ngơ ngẩn buồn... cả trời thực, trời mộng vẫn nao nao bên ta...".
Hoài Thanh biết chọn lọc tinh hoa của phê bình ấn tượng chủ nghĩa Pháp, hòa nó vào tâm hồn, ngôn ngữ Việt Nam, tạo thành một "siêu văn bản" đậm đà "hồn nước". Ông sáng tạo một loại phê bình rất thuyết phục; ông sáng tạo biết bao từ ngữ, hình tượng, nhịp điệu câu văn xuôi để biểu đạt những xúc động của một lớp người, một thời đại. Hoài Thanh là một nghệ sĩ phê bình đầy sáng tạo.
***
Bên trên là cách nhìn nhận Thi Nhân Việt Nam từ một góc cạnh; còn biết bao nhiêu góc cạnh khác để nhìn tác phẩm của Hoài Thanh và Hoài Chân; và cũng còn bao nhiêu cách nhìn khác. Và còn biết bao nhiêu vấn đề nữa chưa bàn tới: cái toàn diện của cuộc tiếp xúc phương Đông, phương Tây, hồn dân tộc; sáng tạo của Hoài Thanh trong phê bình Việt Nam v.v...
Cách mạng Pháp 200 tuổi. Ảnh hưởng của nó vang rất lâu và trên toàn thế giới.
Đ.Đ.H.
8 tháng ba 1989.
(SH38/07&08-89)
-------------
(1) Bài này căn cứ vào Thi Nhân Việt Nam xuất bản năm 1988, NXB văn học, Hà Nội, Hội nghiên cứu giảng dạy Thành phố HCM.
(2) Từ dưới đây, tôi gọi tác giả Thi Nhân Việt Nam là Hoài Thanh ngầm bao gồm cả Hoài Chân.