VÕ VINH QUANG
LTS: Từ lâu, việc giải mã nơi đặt lăng mộ Hoàng đế Quang Trung, cung điện Đan Dương là những vấn đề khoa học được giới nghiên cứu trong nước chú ý tìm tòi. Tuy nhiên, tất cả các công việc chỉ nằm trên những bài viết, chưa có sự khảo sát thực địa, khai quật để hiển lộ những kiến giải và cả nghi ngờ.
Nhà Nghiên cứu Võ Vinh Quang, dưới góc nhìn văn bản học đã đưa ra những nhận định khoa học bất ngờ, có hay không cái tên riêng “Đan Dương, Đan lăng để chỉ cung điện lăng mộ Hoàng đế Quang Trung hay đó chỉ là “danh từ chung” phiếm chỉ những công trình thuộc về vua chúa. Sự giải mã bằng văn bản học này dường như thay đổi cái nhìn của chúng ta về một vấn đề khoa học còn nhiều ẩn số, nếu thuyết phục sẽ mở ra hướng nghiên cứu mới về đặt lăng mộ Hoàng đế Quang Trung, cung điện Đan Dương trong tương lai.
Câu chuyện lăng mộ Hoàng đế Quang Trung được xem là một đề tài khá hấp dẫn, thu hút khá nhiều học giả quan tâm. Trong các cách tiếp cận và giải mã về lăng mộ Quang Trung, quá trình nghiên cứu nhiều năm nay của Nhà nghiên cứu (NNC) Nguyễn Đắc Xuân (NĐX) được xem là hướng giả thiết có nhiều ưu điểm. Với trên dưới 20 năm “rong ruổi” kiếm tìm, ông NĐX đã không ngừng nỗ lực khoanh vùng địa bàn vua Quang Trung được mai táng căn cứ vào tư liệu lịch sử hiện tồn cũng như những gợi mở từ các nguồn tư liệu văn thơ, thư tịch, bia ký và thực địa... Sự miệt mài nghiên cứu dựa trên các chứng lý khoa học khá phong phú của ông khiến chúng tôi rất nể phục. Ông cùng NNC Trần Viết Điền là những tấm gương sáng cho tinh thần nghiên cứu khoa học chân chính, bất vụ lợi và cống hiến tất cả vì đam mê.
Tuy vậy, khi đọc công trình Đi tìm dấu tích cung điện Đan Dương - sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung1 liên quan đến các tư liệu văn bản thơ văn, sử liệu... chúng tôi có một số cách hiểu khác với tác giả công trình trên vài khía cạnh, xin được trao đổi và tham vấn ý kiến của tác giả về vấn đề này.
1. Nên chăng cần nghiên cứu kỹ về văn bản học của các tư liệu được trích dẫn
Để triển khai đề tài Đi tìm dấu tích cung điện Đan Dương..., NNC Nguyễn Đắc Xuân đã tìm hiểu và dẫn liệu từ những trước tác của hai tác giả quan trọng triều Tây Sơn đó là Hi Doãn Ngô Thì Nhậm và Dụ Am Phan Huy Ích. Song, đọc qua công trình ấy, chúng tôi thấy dường như tác giả chưa xử lý kỹ văn bản học về văn thơ của hai vị đại quan Tây Sơn Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích.
Qua tiếp cận và tìm hiểu về các bộ sách đã kể trên, chúng tôi thấy đa số trước tác của Ngô Thì Nhậm đều không có bản gốc. Trong phần Lời nói đầu, các tác giả Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm, 2 tập đã cho biết: “Về mặt văn bản: các trước tác của Ngô Thì Nhậm đã được thu thập lại trong bộ sách lớn Ngô gia văn phái của họ Ngô Thì, nhưng chưa phải là đầy đủ và sắp xếp không hệ thống. Bộ Ngô gia văn phái toàn chép tay và có nhiều bản chép không giống nhau. Việc xác định văn bản vì vậy có rất nhiều khó khăn và đòi hỏi một sự nghiên cứu, tìm hiểu của nhiều người trong một thời gian dài...”2.
Theo nghiên cứu của các tác giả tại Ngô Thì Nhậm tác phẩm (2001), sự nhập nhằng văn bản không chỉ là sự ghi chép lẫn lộn, đảo ngược hệ thống giữa tập sách này với tập sách khác, mà còn là việc cóp nhặt rối rắm văn thơ của tác giả này với tác giả kia, đấy là chưa kể sự sai biệt, vô nghĩa về hệ thống chữ nghĩa trong từng văn bản (điển hình như tập Yên Đài thu vịnh, ký hiệu A.16973).
Công trình Ngô Thì Nhậm toàn tập, 5 tập của Viện Hán Nôm (2003) mặc dù không khảo sát kỹ tình trạng văn bản học, song cũng có những trình bày tương đối cụ thể về thực trạng các bản như: “Ngô gia văn phái xuất hiện nhiều dị bản, gồm nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó chủ yếu vì nó được nhiều người đương thời hâm mộ, truyền tay nhau sao chép... Có lẽ cũng chính vì vậy mà nó không có điều kiện để khắc ván in, mặc dù Ngô Thì Điển từng có ý định làm việc này. Đây cũng là một điều kiện khiến tùng thư không được ổn định, gây ra nhiều biến động về văn bản. Chính quá trình không ổn định ấy, cộng với sự tùy tiện, chủ quan, luộm thuộm của những người sao chép, nhất là những người sao chép bổ sung về sau, đã làm cho bộ Ngô gia văn phái rơi vào tình trạng lộn xộn, nhầm lẫn, sai sót khá phổ biến...”.4
Tình trạng văn bản thơ văn trước thuật của Phan Huy Ích có lẽ cũng không nằm ngoài tình trạng sao bản khá rối rắm như thơ ca Ngô Thì Nhậm.
Thơ văn Hy Doãn công, Dụ Am công có tình trạng văn bản học khá phức tạp như thế, vậy nên, khi sử dụng nó, thiết nghĩ nên cứu xét kỹ càng để đưa ra những văn bản ưu tú nhất, chính xác nhất cho luận cứ khoa học nền tảng của công trình.
2. Bàn về tên gọi “Đan lăng”, “Đan Dương”, “Đan Dương lăng”, “Đan Dương cung điện?”
Như đã biết, bằng cách khảo cứu sự lặp đi lặp lại của “đan lăng” 丹陵, “đan dương lăng” 丹陽陵, “đan dương cung điện” 丹陽宮殿, NNC Nguyễn Đắc Xuân đã khẳng định sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung có tên gọi là “Đan lăng” 丹陵, “Đan Dương lăng” 丹陽陵 và bắt nguồn từ “Đan Dương cung điện” 丹陽宮殿. Cụ thể, một số tác phẩm xuất hiện các tên gọi về lăng mộ vua Quang Trung được tác giả sử dụng bao gồm:
1- Bài thơ Cảm Hoài 感懷 được sáng tác ở tập thơ Hoang Hoa đồ phả trên con đường đi sứ vào mùa xuân năm Quý Sửu (1793)5
2- Bài thơ Đạo ý 導意6 và Khâm vãn đan dương (/Đan Dương?) lăng 欽輓丹陽 陵 trong tập thơ Cúc Hoa thi trận (còn gọi là Cúc đường bách vịnh, Cúc thu bách vịnh). Đây là tập thơ xướng họa nguyên vận giữa Ngô Thì Nhậm với người bạn đồng liêu - người em rể Phan Huy Ích vào tết năm Bính Thìn (1796).
3- Bài thơ “Sóc vọng thị tấu nhạc Thái tổ miếu, cung ký” 朔望侍奏樂太祖 廟恭記 và bài “Tòng giá bái tảo đan (/Đan?) lăng, cung ký” 從駕拜掃丹陵恭記7 thuộc tập thơ Thu cận dương ngôn 秋覲颺言 (tập thơ làm lúc Ngô Thì Nhậm vào triều cận vua Nguyễn Quang Toản vào khoảng từ mùa thu Bính Thìn (1796) đến Kỷ Mùi (1799).
4- Bài thơ số 282 của Dụ Am ngâm lục (Thơ văn Phan Huy Ích, tập 3) cũng có nói đến “đan dương”, cụ thể là “khúc đan dương (/Đan Dương?) ở trước mặt, muôn nỗi cảm hoài”.
5- Bài điếu văn Lê Ngọc Hân do Phan Huy Ích soạn có đề cập đến “đan (/Đan) lăng”.
Trước những dẫn liệu của tác giả, chúng tôi thắc mắc rằng: “Đan lăng”, “Đan Dương” là danh từ riêng hay“đan lăng” “đan dương” là danh từ chung, Tức những danh xưng ấy có phải là tên gọi cụ thể của sơn lăng Hoàng đế Quang Trung hay không?
2.1. “Đan lăng” (danh từ riêng) hay “đan lăng” (danh từ chung)?
Gần như bất kỳ ai nghiên cứu về văn học trung đại cũng đều biết rằng một trong những yếu tố có tính khuôn mẫu thơ ca Đường luật và văn chương biền ngẫu đó là phép đối. Chính đối ngẫu là yếu tố căn bản tạo nên tính đăng đối chuẩn mực trong thơ ca thời kỳ này. Riêng về đối từ loại danh từ, nếu danh từ riêng ở vế đầu thì vế tiếp theo phải đối bằng danh từ riêng và ngược lại (danh từ chung-danh từ chung), như vậy mới đúng luật.
Hai cặp đối nói trên trong thơ Đường luật chính là tinh hoa của thi phẩm, giúp đo lường trình độ uyên thâm hay không của người làm thơ luật Đường. Một bài thơ thất ngôn bát cú mà không có 2 cặp đối ở thực và luận thì chắc chắn không thể là một bài thơ Đường luật. Hễ người nào được học tập đều phải nắm vững yếu tố căn bản ấy.
Sở dĩ chúng tôi nói nhiều về yếu tố đối ngẫu trong thơ Đường luật, bởi đa số những cụm từ được ông NĐX sử dụng để chứng minh tên gọi của sơn lăng Hoàng đế Quang Trung đều nằm trong các thi phẩm Đường luật của hai nhà Nho uyên thâm Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích, bởi thế không thể không xét đến yếu tố này ở thơ ca.
Trở lại vấn đề, xin đề cập đầu tiên là “Đan lăng” hay “đan lăng”?
Trong các tác phẩm được ông NĐX trích dẫn, chúng tôi thấy chữ 丹陵 (Đan lăng/ đan lăng) này được lặp lại liên tiếp ở hai bài thơ “Sóc vọng thị tấu nhạc Thái tổ miếu, cung ký” 朔望侍奏樂太祖廟恭記 và bài “Tòng giá bái tảo đan lăng, cung ký”, ngoài ra còn hiện diện trong bài điếu văn Vũ Hoàng hậu Lê Ngọc Hân do Phan Huy Ích sáng tác. Chúng tôi xin được ghi chép lại nguyên văn và phiên âm một trong các bài ấy:
Nguyên tác
朔望侍奏樂太祖廟恭記
一自橋山密八音
金蓮御燭雪花沉
九功七德留皇舞
百辟群公仰顯臨
清廟抬頭銀漢邇
丹陵拭目紫雲深
祇今法曲陳弦晦
淚落啣杯夜夜心
Phiên âm
Sóc vọng thị tấu nhạc Thái tổ miếu, cung ký
Nhất tự Kiều sơn mật bát âm
Kim liên ngự chúc tuyết hoa trầm
Cửu công thất đức lưu hoàng vũ
Bách tịch quần công ngưỡng hiển lâm
Thanh miếu đài đầu ngân hán nhĩ
Đan lăng thức mục tử vân thâm
Kỳ kim pháp khúc trần huyền hối
Lệ lạc hàm bôi dạ dạ tâm
Như thế, ta thấy hai câu luận: “Thanh miếu đài đầu ngân hán nhĩ/ Đan dương thức mục tử vân thâm” 清廟抬頭銀漢邇/丹陵拭目紫雲深 theo đúng thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật, tức rõ ràng nó phải đăng đối với nhau. Xin đi vào phân tích cụ thể tính chuẩn đối của câu này với sự đối ngẫu của từng cặp từ loại, gồm: (1) Đài 抬 (nâng lên) - thức 拭 (lau chùi): động từ chỉ hành động; (2) Đầu 頭 (cái đầu) - mục (con mắt): danh từ chỉ sự vật; (3) Ngân hán 銀漢 (dải ngân hà, chỉ nơi tốt đẹp cao quý) - tử vân 紫雲 (vờn mây tía, xưa lấy nó để báo điềm tốt lành); (4) Nhĩ 邇 (gần sát) - thâm 深 (độ sâu).
Từ phân tích trên, chúng ta thấy “đài đầu vân hán nhĩ ” rất chuẩn đối với “thức mục tử vân thâm”. Thế nên, Thanh miếu 清廟 và Đan lăng 丹陵 ở đầu hai câu tất yếu phải chỉnh đối với nhau mới đúng là bài Đường thi chuẩn mực.
Vậy, Thanh miếu 清廟 là gì? Thanh miếu là tông miếu thanh tĩnh, dùng để chỉ tông miếu của bậc đế vương từ thời xưa, cũng gọi là thái miếu 太廟. Sách Kinh Thi 詩經, thiên Chu tụng 周頌· mục Thanh miếu có câu: “ư mục thanh miếu, túc ung hiển tướng” 於穆清廟,肅雝顯相 (ôi tông miếu tráng lệ yên tĩnh, công khanh được phối thờ trang trọng hiển hách). Rõ ràng, “thanh miếu” ở đây là danh từ chung dùng để chỉ “tông miếu của bậc đế vương”, và do đó, “đan lăng” cũng phải là danh từ chung dùng để chỉ lăng tẩm của bậc đế vương, chứ không thể là danh từ riêng dùng chỉ tên của ngôi lăng mộ được.
Bên cạnh đó, đan 丹 là màu son đỏ, cung điện của vua chúa đời xưa đều chuộng sắc đỏ, cho nên gọi sân hè của nhà vua là đan trì 丹墀, bậc thềm của nhà vua là đan bệ 丹陛. Do vậy, đan lăng 丹陵 ở đây chính xác phải danh từ chung là lăng mộ của vua (Quang Trung) nói chung chứ không thể là tên gọi riêng của ngôi lăng mộ nào. Cặp đối “đan lăng” - “thanh miếu” một lần nữa xuất hiện ở bài văn tế công chúa Lê Ngọc Hân theo thể tứ lục của văn biền ngẫu
“Nguyện cũ hẳn nay trọn vẹn, bên đan lăng quanh quất mạch liên châu
Khí thiêng dõi để dặc dài, trong thanh miếu ngạt ngào mùi quan sưởng”8
rõ ràng là cứ liệu đủ sức thuyết phục để góp phần chứng minh “đan lăng” không thể là tên gọi riêng lăng vua Quang Trung được.
2.2. “Đan Dương/Đan Dương lăng” (địa danh) hay “đan dương/đan dương lăng”
Tên gọi “đan dương” 丹陽/“đan dương lăng” 丹陽陵 được xuất hiện ở các bài thơ Cảm hoài 感懷, Đạo ý 導意 (hay Tuân ý 遵意) va “Khâm vãn đan dương lăng” 欽輓丹陽陵. Như trên đã trình bày, bài thơ Cảm hoài (nỗi lòng hoài vọng) là tác phẩm nằm trong tập thơ Hoàng Hoa đồ phả 皇華 圖譜, được sáng tác lúc Hy Doãn Ngô Thì Nhậm tuân mệnh vua Nguyễn Quang Toản sang Trung Hoa báo tang và xin sắc phong An Nam quốc vương cho tân vương (Cảnh Thịnh - Nguyễn Quang Toản). Theo phần tiểu dẫn của tập thơ, từ 20 tháng 2 năm Quý Sửu (1793), đoàn sứ bộ xuất phát và về đến Phú Xuân vào khoảng tháng 9 cùng năm. Nếu căn cứ vào thời gian đi về của đoàn sứ bộ ấy, đồng thời theo gợi điểm trong câu cuối của bài Cảm hoài: “đan dương cung điện nguyệt tam thu” 丹陽宮殿月三秋 ([xa cách] cung điện đan dương 1 tháng [mà dài bằng] 3 năm rồi9) thì có thể đoán định thời điểm sáng tác bài thơ là vào khoảng cuối tháng 3 năm Quý Sửu (1793).
Quay trở lại với “Đan dương cung điện” 丹陽宮殿 hiện hữu ở bài thơ này: Đây là bài thơ tác giả làm trên hành trình đi sứ báo tang và xin phong vương hiệu cho tân vương Quang Toản. Khi tiên hoàng Quang Trung - Nguyễn Huệ băng hà, triều đình Quang Toản đã giữ tuyệt mật tất cả những thông tin liên quan đến cái chết của Quang Trung cũng như nơi nhà vua được an táng. NNC Nguyễn Đắc Xuân cũng từng trình bày rất kỹ về câu chuyện “giữ bí mật tuyệt đối về cái chết của vua Quang Trung” đến với 5 trang sách (từ trang 31 đến 35) tại công trình Đi tìm dấu tích cung điện Đan Dương - Sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung10, trong đó bằng các nghiên cứu cụ thể, ông đã chứng minh rằng triều đình Quang Toản đã giữ bí mật với: (1)- Lực lượng Nguyễn Nhạc ở Quy Nhơn, (2)- Đối với cả quần thần, những người có công với triều đại như La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, (3)- Với các giáo sĩ Thiên chúa giáo. (4)- Giữ bí mật đối với nhà Thanh... Ở mục “giữ bí mật với nhà Thanh”, ông NĐX dẫn theo Trương Chính và Chương Thâu (dẫn lại của Trương Chính) chứng tỏ rằng triều đình Quang Toản đã lập mộ giả “ở làng Linh Đường, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội”11
Như thế, việc tạo nên ngôi mộ giả ở làng Linh Đường và khai báo, mời sứ giả Trung Hoa đến là có thật. Nếu đã thực sự “tung hỏa mù” đối với Thanh triều bằng bức thư phúc trình do Phan Huy Ích soạn, khiến nhà Thanh không rõ ngôi mộ thực ở nơi nào, thì liệu một sứ thần mang trách nhiệm đặc biệt như Ngô Thì Nhậm liệu có “khờ khạo” đến mức “khai báo” thực rằng có “Cung điện Đan Dương” ở Phú Xuân ngay trên bước đường đi sứ vào đất Trung Hoa hay không?
Chúng tôi cho rằng điều ấy là không thể được, mà chính do chúng ta có cách cảm thụ không chuẩn xác đối với câu thơ “Đan Dương? cung điện nguyệt tam thu” này.
Như mục “đan lăng” 丹陵 chúng tôi đã trình bày, “đan dương” này chỉ có thể là danh từ chung, chỉ về cung điện - lăng mộ của vua chúa, chứ không thể là danh từ riêng gọi tên 1 cung điện cụ thể nào. Đan 丹 là son đỏ, dương 陽 là khí dương - khí nóng, mạnh; là mặt trời; là hướng nam (như câu: thiên tử đương dương 天子當陽: Thiên tử ngồi quay về hướng nam). Trong trường ý nghĩa của đan dương 丹陽, thuật ngữ này còn có ý nghĩa là thuật tu luyện linh đơn trong đạo giáo. Tác giả Lý Chí 李贄 đời Minh 明 trong bài Phục Khâu Nhược Thái thư 復丘若泰書 (hồi đáp thư của Khâu Nhược Thái) có câu: “Đan dương tuy thượng tiên, an năng khí luân hồi, xá nhân duyên, tự thoát ư nhân thế khổ hải chi ngoại da?” 丹陽雖上仙, 安能棄輪迴,舍因緣,自脫於人世苦海之外耶? (nghĩa là: cảnh giới siêu thoát (đan dương) tuy là cõi thượng tiên, song há lẽ bỏ được luân hồi, dứt nhân duyên, tự giải thoát cho con người vượt ra ngoài bể khổ của nhân thế này ư?).
Thế nên, chúng tôi cho rằng “đan dương” 丹陽, “đan dương lăng” 丹陽陵 có trong các bài thơ đã dẫn là cách gọi phiếm chỉ ngôi lăng mộ của hoàng đế Quang Trung, chứ không phải là danh xưng để chỉ tên gọi của ngôi lăng mộ “Đan Dương” như cách hiểu của NNC họ Nguyễn.
Để chứng minh rõ thêm, chúng tôi xin trình bày tên gọi “đan dương” ở các bài thơ liên quan như Đạo ý 導意 (/Tuân ý 遵意) và “Khâm vãn đan dương lăng” 欽輓丹陽陵.
Đây là hai bài thơ được trích trong tập thơ Cúc Hoa thi trận 菊華詩陣. Theo nhóm tác giả Lâm Giang: “Cúc hoa thi trận, theo lời bạt của Nguyễn Cát Du ở cuối sách thì đây là tập thơ họa nguyên vận với Phan Huy Ích sáng tác nhân ngày tết chơi hoa cúc năm 1796”12
Để tìm hiểu kỹ hơn về “đan dương” ở các bài này, chúng tôi xin chọn trích nguyên văn và phiên âm bài Đạo ý 導意 (Tuân ý 遵意) được chép ở sách Ngô Thì Nhậm Toàn tập, tập 2, trang 188 - 189:
Nguyên tác:
遵意
往事如夢,吾徒已為禘灌中人。 想起前年知遇,再得良難,接到題示 皇華光景,不禁增懷,遵意奉賡,希 惟存注
憶昔明良會一堂
香江御蹕扈仙塘
皇華歲遣傳金馬
睿藻時褒奉寶章
年箭侵尋成白叟
鼎湖縹緲望丹陽
操弧邀幸重遭遇
卻笑烏鬚未得方
Phiên âm:
Tuân ý
Vãng sự như mộng, ngô đồ dĩ vi đế quán trung nhân. Tưởng khởi tiền niên tri ngộ, tái đắc lương nan, tiếp đáo đề thị Hoàng hoa quang cảnh, bất cấm tăng hoài, tuân ý phụng canh, hy duy tồn chú
Ức tích minh lương hội nhất đường
Hương Giang ngự tất hỗ tiên đường
Hoàng hoa tuế khiển truyền kim mã
Duệ tảo thời bao phụng bảo chương
Niên tiễn xâm tầm thành bạch tẩu
Đỉnh hồ phiêu miểu vọng đan dương
Thao hồ yêu hạnh trùng tao ngộ
Khước tiếu ô tu vị đắc phương
Đây là bài thơ Thất ngôn bát cú Đường luật, và cũng giống như phần “đan lăng” trên đã được chúng tôi phân tích, hai cặp câu thực, luận phái đối ngẫu với nhau. Câu có chữ “đan dương” của bài thơ là câu thứ 6 trong cặp câu Luận. Thế nên, với yếu tố đăng đối, chữ “đan dương” 丹陽 của câu 6 phải đối với chữ “bạch tẩu” 白叟 của câu 5. Từ đó để xét, nếu “đan dương” 丹陽 là danh từ riêng (sẽ viết hoa: Đan Dương), thì tất yếu “bạch tẩu” không thể là danh từ chung được. Vậy thì bạch tẩu là gì? Bạch tẩu là ông già đã tóc bạc (bạch phát tẩu ông 白髮叟翁). Với ý nghĩa như vậy, bạch tẩu ở câu thơ này không thể là danh từ riêng chỉ một địa danh nào, mà chỉ là sự thể hiện quá trình chiêm nghiệm về thời gian về cuối đời của thi nhân (niên tiễn xâm tầm thành bạch tẩu 年箭侵尋成白叟: năm tháng như mũi tên [bắn đi] dần dà thành lão ông tóc bạc). Cùng trong dòng mạch đối xứng ấy, câu thứ hai trong vế câu luận này có nghĩa là: chốn Đỉnh hồ13 xa tít vọng ngóng [linh hồn hoàng đế] ở ngôi lăng mộ [của bậc đế vương].
Từ lý giải trên, chúng tôi cho rằng “đan dương”, “đan dương cung điện”, “đan dương lăng” là những từ dùng để phiếm chỉ lăng mộ của bậc quân vương (lăng mộ của Hoàng đế Quang Trung) chứ không thể là một địa danh cụ thể với tên gọi “Đan Dương” được.
3. Một số góp ý (thay lời kết luận)
Công trình Đi tìm dấu tích cung điện Đan Dương - sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung của NNC NĐX thực sự là một công trình thể hiện tâm huyết và sức nỗ lực khôn cùng của tác giả. Suốt nhiều năm trời, ông đã vượt bao khó khăn, trở ngại để đi đến cùng với hướng nghiên cứu mà mình đã vạch ra. Và, hướng tiếp cận ấy cùng với cách khoanh vùng khu vực tọa lạc sơn lăng của hoàng đế Quang Trung, theo chúng tôi là hướng tiếp cận khả dĩ đáng tin nhất. Tuy nhiên, để tránh tình trạng phí hoài công sức, thiết nghĩ NNC NĐX nên quan tâm nhiều hơn đến vấn đề văn bản và nguồn tư liệu được trích dẫn. Mặt khác, bên cạnh việc khảo cứu thực địa, đo đạc thám sát, phát hiện khảo cổ vật... mong rằng tác giả cần lưu tâm hơn đến hệ thống văn bản làng xã (như địa bạ, điền bạ, gia phả, hương phả, và các tư liệu liên quan khác) xung quanh địa bàn khảo sát, đồng thời phải có những bước xử lý tư liệu cụ thể (để loại trừ tình trạng sai lệch do tam sao thất bản). Bởi nguồn tư liệu ấy cũng rất cần thiết để góp phần giải mã vấn đề.
Việc xác định địa bàn nghiên cứu theo hướng “vu Hương Giang chi nam” (phía nam của sông Hương) rõ ràng có cơ sở khá vững. Tuy nhiên, khi dẫn liệu, tác giả nên kiểm tra kỹ tư liệu được dùng để căn cứ. Đặc biệt, điều quan trọng hơn hết là khảo cứu về chữ nghĩa của những địa danh có liên quan, cũng như nơi tọa lạc của các di tích di vật theo chiều lịch đại. Điển hình như: khi ông dẫn bài thơ Kinh Thiền Lâm phế tự cảm tác 經禪林廢寺感作 (cùng với ảnh bản chữ Hán của bài thơ, ở sách Đi tìm dấu tích cung điện Đan Dương... trang 55 - 56) để làm căn cứ chứng minh rằng “chùa Thiền Lâm ở núi thuộc xã Dương Xuân”.
Khi xem xét bản chữ Hán có bài thơ trên, chúng tôi thấy văn bản này dường như có vấn đề. Bởi, mở đầu văn bản là đoạn “Tự tại Dương Xuân xã sơn” 寺在陽春社山 (xin xem ảnh được trích từ Đi tìm dấu tích cung điện Đan Dương..., tr.56 dưới đây).
Bài thơ “kinh Thiền Lâm phế tự, cảm tác” (sách của NNC NĐX, tr.56) |
Xem ảnh trên, chúng tôi thấy phần địa danh có vấn đề. Đó là “tự tại Dương Xuân xã sơn” 寺 在陽春社山. Chúng tôi thử tra cứu từ tư liệu thực địa lẫn tư liệu chính sử, liên quan đến khu vực đồi núi phía Nam kinh thành (vùng Trường An, Thủy Xuân... hiện nay) chỉ thấy có Dương Xuân xã 楊 春 社, Dương Xuân sơn 楊春山 với chữ Dương 楊 (bộ mộc 木+ dương 昜), chứ không thấy chữ Dương 陽 (bộ phụ 阝+ dương 昜) như phần của bài thơ cung cấp. (Xin xem các ảnh dưới).
Mộc bản của Kỳ Viên thiền tự, núi Dương Xuân (khắc năm Cảnh hưng thứ 33 [1772]) |
Sách Đại Nam nhất thống chí (bản Duy Tân), quyển 2 - Thừa Thiên phủ, mục Từ miếu, tr.234 |
Mặt khác, như tác giả dẫn liệu ở Đại Nam nhất thống chí thì gò Dương Xuân (楊春崗 Dương Xuân cương) không thể là “núi của xã Dương Xuân” (陽春社山) được (ảnh dưới).
Văn bia Từ Hiếu tự bi ký (1849), mở đầu bài văn bia ghi: “Tự tại Thừa Thiên phủ Hương Thủy huyện, Dương Xuân xã” 寺在承天府香水縣楊春社 |
Đại Nam nhất thống chí, q.2 - Thừa Thiên phủ, tr.208, Dương Xuân cương 楊春崗(gò Dương Xuân) |
Sắc phong thành hoàng làng Dương Xuân (Bắc), phường Hương Sơ, Thành phố Huế (Ảnh tư liệu của ThS. Lê Văn Thi, ĐHKH Huế) |
Cũng qua khảo cứu tư liệu, chúng tôi phát hiện có một địa danh ở Huế từng được gọi Dương Xuân xã 陽春社 là làng Dương Xuân (Bắc), thuộc phường Hương Sơ, thành phố Huế hiện nay. Tuy nhiên, địa điểm này thì là phía bắc kinh thành Huế, không thể là phía nam để xác nhận thuộc khu vực khảo sát.
Như vậy, chúng tôi thấy rằng văn bản thơ Phan Huy Ích tác giả trích dẫn ở sách của mình chưa đủ tính chính xác khoa học để xác định chùa Thiền Lâm nằm trên vùng núi của xã Dương Xuân.
Nói tóm lại, để góp phần giải mã địa điểm lăng mộ Hoàng đế Quang Trung, chúng tôi cũng đồng thuận với NNC NĐX về việc triển khai công tác khảo cổ ở vùng đất có nghi ngờ.
Tuy nhiên để công trình này đảm bảo tính khách quan khoa học, kính đề nghị tác giả công trình cùng đồng sự tiếp tục triển khai thêm các hướng nghiên cứu văn bản học những nguồn tư liệu căn bản dùng để trích dẫn, cũng như nghiên cứu kỹ càng về hệ thống tư liệu văn bản của làng xã hiện tồn. Điều đó sẽ góp phần không nhỏ cho việc giải mã các vấn đề còn tồn nghi.
Huế, tháng 10 năm 2015
V.V.Q
(SH321/11-15)
--------------------
1. Nguyễn Đắc Xuân, Đi tìm dấu tích cung điện Đan Dương - Sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung, Nxb. Thuận Hóa, 2015.
2. Cao Xuân Huy - Thạch Can (Cb), Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm, tập 1, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1978, tr.7.
3. Xin xem phần trình bày chi tiết của các tác giả đối với vấn đề văn bản học này tại: Mai Quốc Liên (Cb), Ngô Thì Nhậm tác phẩm, tập 1, Sđd, tr. 56 - 62.
4. Lâm Giang (Cb), Ngô Thì Nhậm toàn tập, tập 1, Nxb. Khoa học Xã hội, H, 2003, tr.32 - 33.
5. Trong công trình Đi tìm dấu tích cung điện Đan Dương - Sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung của mình, NNC Nguyễn Đắc Xuân không trình bày cụ thể thời điểm đi sứ chính thức của Ngô Thì Nhậm. Chúng tôi căn cứ vào bài Tiểu dẫn của tập thơ Hoàng Hoa đồ phả được các tác giả sách Ngô Thì Nhậm toàn tập, tập 3, trang 17 - 18 để bổ sung. Cụ thể phần tiểu dẫn có đoạn: Mùa xuân năm Quý Sửu (1793) là năm đầu Hoàng thượng (Quang Toản) lên ngôi, tôi phụng mệnh đi sứ cầu phong. Ngày 20 tháng 02 lên đường, ngày 27 qua cửa ải, ngày 08 tháng 05 đến Yên Kinh, ngày 20 tháng ấy về nước, tháng 9 mùa thu về đến kinh đô.
6. Các sách Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm (1978), tập 1, tr.196 - 198 và Ngô Thì Nhậm tác phẩm (2001), tập 2, tr.244 - 246 viết tiêu đề thơ là Đạo ý 導意 (ý dẫn dắt), trong khi đó, sách Ngô Thì Nhậm toàn tập, tập 2, tr.188 - 190 của Viện NC Hán Nôm thì viết: Tuân ý 遵意.
7. Sách Ngô Thì Nhậm toàn tập, tập 2 (Viện NC Hán Nôm), tr.244 - 246 viết tiêu đề là “Tòng giá bái tảo đan lăng, cung vãn” 從駕拜掃丹陵恭挽 (Theo xa giá đến kính quét dọn “đan lăn”, kính viếng) chứ không phải “cung ký” (kính ghi).
8. Nhiều tác giả, Phan Huy Chú và dòng văn Phan Huy, Sở VHTT Hà Sơn Bình xuất bản, 1983, tr.278.
9. Nguyên tác là “nguyệt tam thu” 月三秋: 1 tháng dài như 3 năm. Không rõ vì sao một số nhà nghiên cứu lại đọc là “nhật tam thu” 日三秋 (1 ngày dài như 3 năm).
10. Nguyễn Đắc Xuân, Đi tìm dấu tích..., Sđd, tr.31 - 35.
11. Chương Thâu, “Phan Huy Ích, con người và sự nghiệp chính trị” trong Phan Huy Chú và dòng văn Phan Huy, Sở VHTT Hà Sơn Bình xuất bản, 1983, tr.198.
12. Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Ngô Thì Nhậm toàn tập, tập 2, Nxb. Khoa học Xã hội, H, 2003, tr.141.
13. Đỉnh hồ 鼎湖: là địa danh, theo truyền thuyển thời cổ đại là nơi Hoàng đế Hiên Viên 黄帝軒轅 cưỡi rồng bay lên trời. Tác giả Cố Huống 顧況 đời Đường trong bài Đoản ca hành 短歌行 có câu: “Hiên Viên Hoàng đế sơ đắc niên, Đỉnh hồ nhất khứ tam thiên niên” 軒轅皇帝初得仙鼎湖 一去三千年 (Hoàng đế Hiên Viên thị xưa được lên cõi tiên, chốn Đỉnh hồ một lần đi đã ba ngàn năm). Về sau, Đỉnh hồ 鼎湖 dùng để chỉ việc băng hà cũng như nơi băng hà của các bậc đế vương.