Tạp chí Sông Hương - Số 39 (T.9&10-1989)
Trở về với các nguồn đạo đức
08:29 | 11/03/2016

A. GELMAN(*)

Chúng ta là những người chứng kiến tình trạng lo ngại đang tăng lên của xã hội về khía cạnh đạo đức trong sinh hoạt của đảng ta.

Trở về với các nguồn đạo đức
Ảnh: internet

Kết quả đạo đức hôm nay là do quá khứ lịch sử cũng như chính trị hiện nay của đảng. Tình trạng lo ngại ấy trước hết diễn ra từ dưới lên, từ quần chúng đảng viên, từ nhân dân. Tình trạng lo ngại ấy là có cơ sở, đúng lúc, hơn nữa cũng là kịp thời.

Đảng và đạo đức, chính trị của đảng (đặc biệt sau khi Lênin mất) và đạo đức - đó là một sự va chạm lịch sử đầy tính kịch, đầy đau đớn và thất vọng. Đó là một chủ đề đòi hỏi nghiên cứu, phân tích và khảo sát. Ở đây cần phải tìm hiểu đến tận cùng.

Đảng bắt đầu từ cái gì? Không phải từ những người sáng lập đảng đã một lần đọc Mác. Đảng bắt đầu từ sự công phẫn của con người đối với tình cảnh nặng nề của giai cấp lao động, của đa số nhân dân, từ sự thông cảm, cùng chịu đựng với những người bị khinh rẻ và bị sỉ nhục. Đảng lớn lên từ khát vọng nhân đạo, đó là những gốc rễ của con người nói chung có tác dụng nuôi dưỡng nó. Nó nảy sinh ra như một sức mạnh đạo đức, tinh thần. Có thể nói rằng những yêu cầu đạo đức, cấu tạo đạo đức của loài người đã đi vào cương lĩnh chính trị của Đảng như một gốc rễ có tính bản chất, như một cơ sở cho tính nhân dân của đảng.

Nhưng sau khi Lênin mất đã xảy ra một tai họa: sự tha hóa của đảng diễn ra từng bước, đặc biệt ở ban lãnh đạo của đảng, khỏi những giá trị chung của con người, khỏi những gốc rễ ban đầu của nó. Trước hết, điều đó thể hiện mạnh nhất sự khinh thường ngày càng tăng lên đối với dân chủ như là hình thức tổ chức đời sống xã hội. Theo tôi, điều đó đã xảy ra do tuyệt đối hóa, phổ biến hóa quan điểm giai cấp, thuần túy đối với hiện thực. Đã quên mất rằng những biến đổi trong bản chất giai cấp của xã hội, việc biến mất của giai cấp bóc lột không loại trừ những mâu thuẫn chung, bản chất tự nhiên của con người, tâm lý của nó, không loại bỏ chủ nghĩa ích kỷ của cá nhân và nhóm, tóm lại những cái mà tôi gọi là quy luật khách quan của tính chủ quan. Mà chính những yêu cầu của các quy luật ấy, có thể nói là các quy luật vĩnh hằng ấy do nhiều thế hệ những nhà nhân văn chủ nghĩa khám phá ra, với chiều sâu chưa từng thấy của các công trình nghiên cứu ở nước Nga của Đôxtôiepski, Tônxtôi, Tsêkhôp, đã đẻ ra ngay từ thời cổ Hy Lạp tư tưởng dân chủ như là hình thức tổ chức của cuộc sống xã hội hợp lý nhất. Dân chủ, với tư cách một triết học quản lý, đã tính đến một điều không thể loại bỏ được là con người do bản tính của nó có thể tạo ra cái tốt cũng ngang như cái xấu. Tư tưởng dân chủ đã chú ý tới một điều là mỗi con người đồng thời là một bộ phận nhỏ của cơ thể chung của nhân dân là một trong nhiều người, nhưng cũng là một thực thể hết sức riêng biệt, tối thượng, không lặp lại, một cái độc nhất.

Tháng Mười đã mở ra những khả năng rộng lớn nhất trong các cuộc cải tạo, dân chủ, nhưng các cuộc cải tạo ấy ở mức độ quan trọng vẫn chưa được đảng, với tư cách lực lượng hướng dẫn xã hội, thực hiện. Trong lý luận và thực tiễn đã đề ra những hy vọng không có căn cứ và việc xã hội hóa đất đai và nhà máy tự lo bảo đảm sự phồn vinh kinh tế và tinh thần. Đã không thấy rằng nếu không có quản lý dân chủ thì về thực chất, sở hữu không phải của xã hội mà là không của ai cả. Một mặt, những người lao động không có quyền quản lý đầy đủ, mặt khác những người cầm quyền thì cảm thấy mình là kẻ tạm thời, từ trên phái xuống lãnh đạo một thời gian và có thể bị gạt khỏi chức vụ của mình, có duyên cớ và không có duyên cớ. Nhiệm vụ cao nhất của những người quản lý ở tất cả các cấp không phải là bảo đảm hiệu quả của sản xuất mà là nịnh bợ. Quản lý về cơ bản là "cho mình", là để nhẹ mình ra, để đơn giản hóa quá trình quản lý. Dù ai là thủ trưởng đi nữa, trong các cơ quan quản lý vẫn hoành hành thói trung bình.

Đã quên mất rằng cả sau khi tước đoạt đất đai và nhà máy cũng như sau khi tập thể hóa toàn bộ ở nông thôn, thì trong sở hữu cá nhân của con người vẫn còn lại và không thể tước đi được sức sản xuất mạnh mẽ nhất, công cụ sản xuất hùng mạnh nhất là bộ óc con người, cỗ máy vĩ đại ấy, kẻ sáng chế ra tất cả máy móc trên đời, nguồn ý chí lao động và khát vọng con người. Cũng đã quên mất rằng mỗi con người sử dụng của cải một cách riêng biệt, trong gia đình mình, và do đó, sự quan tâm lợi ích cá nhân của con người là không thể thủ tiêu được. Việc chà đạp một cách tự thị tất cả những nhân tố của con người nói chung ấy đã dẫn tới chỗ coi nhẹ các hợp tác xã, cấm hoạt động lao động cá thể, tới chủ nghĩa bình quân, tới chỗ không có cá nhân, tới thái độ hờ hửng đối với tài năng, coi khinh những phẩm chất nghề nghiệp và con người.

Việc phế thải con người đã diễn ra hết đợt này đến đợt khác cả lịch sử của chúng ta. Lúc đầu là phế thải những kẻ thù giai cấp, những kẻ thân thích của họ - kể cả những người họ hàng xa của họ; sau đó là phế thải những kẻ có xu hướng sai lầm khác nhau, những kẻ khác tư tưởng, những người bị bắt làm tù binh; đi tới chỗ thậm chí phế thải nhiều người khi thì vì tóc dài, khi thì vì quần loe, và mới đây chỉ vì một ngụm rượu vang. Những nét cá biệt về nhân cách, những sự việc riêng biệt trong tiểu sử, những biểu hiện riêng biệt, cục bộ của con người thì lại cho là có ý nghĩa toàn bộ. Đó là cái nhìn thô thiển, thiếu hiểu biết đối với con người như nó vốn có. Đó là tội lỗi sâu sắc đơn giản hóa bản tính tự nhiên và tâm hồn của con người. Đó là hệ tư tưởng của thói trung bình chỉ cốt đạt tới quyền lực, phán xét và đo lường mọi cái theo những thước đo của mình. Hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn người đã bị phế thải như thế.

Học thuyết bịa đặt, tự mãn về tính đạo đức riêng biệt của đảng đã đóng một vai trò thâm hiểm, khi đảng được so sánh với một dòng tu kín. Lại một lần nữa đã quên mất rằng cấu tạo đạo đức của loài người là thống nhất, nó chỉ là một đối với tất cả, nó được tạo ra bởi những quan niệm nhân văn chủ nghĩa trong toàn bộ lịch sử của các dân tộc. Trước đây cũng như ngày nay không có sự cần thiết phải tạo ra một bộ luật luân lý riêng biệt. Về mặt này, chủ nghĩa xã hội không được và không thể tạo ra những bộ luật riêng của mình, mà là mở ra những khả năng thực tiễn to lớn để tuân theo những di huấn của con người nói chung một cách tối ưu. Chính đó là sự khác nhau căn bản của chủ nghĩa xã hội với chủ nghĩa tư bản xét về nội dung đạo đức - mà điều này không phải là nhỏ, điều này đã là rất nhiều rồi. Ở đây những sự khác nhau về giai cấp được quy định bởi khối lượng những khả năng, những điều kiện để thực hiện lý tưởng đạo đức của con người nói chung.

Lề thói Stalin đã xuyên tạc những nguồn gốc đạo đức của đảng, đã phá vỡ, chia cắt, ngăn cách sự thống nhất của chính trị và đạo đức. Trong thời kỳ đình đốn, đã nảy nở thói lừa gạt, dối trá, chủ nghĩa thực dụng đê tiện của các nhóm nhỏ kiểu Mafia.

Sau khi Stalin chết, đảng đã định làm trong sạch mình, quay trở về với các nguồn đạo đức. Nhưng đã không tiến hành được công việc này đến cùng. Cách đây 30 năm mới bắt đầu một sự nỗ lực mới mạnh mẽ để thanh lọc - cuộc cải tổ bắt đầu. Đã làm được không ít điều nhưng các lực kìm hãm còn rất lớn, chúng đang tăng lên và có lẽ còn tăng lên nữa.

Cuộc cải tổ diễn ra thành những cơn giật. Cơn giật mới nhất nhân chuẩn bị hội nghị toàn quốc XIX ĐCSLX là rất mạnh, rất quan trọng. Đảng đã dám mạnh dạn ngắm nhìn kỹ lại mình trong gương soi, tuy không vội vã. Liệu có đủ đồng cảm, kiên nhẫn để nhìn cho hết, cho thật rõ đến cùng không?

Ở đây có một nguyên tố quyết định nhiều cái. Khi chúng ta mới bắt tay vào phân tích lịch sử đảng của chúng ta, chúng ta bối rối trước những sai lầm, những vi phạm pháp luật, những tội lỗi được vạch trần. Chúng ta đã sợ hãi, tưởng rằng việc phân tích khách quan triệt để về lịch sử đảng sẽ không để lại được một tia sáng nào; tất cả là màu đen, chí ít cũng là màu xám. Và chúng ta đi tìm lối thoát ở nơi không có và không thể có nó: tung ra nhiều lời buộc tội bôi đen, tô vẽ cho lỗi lầm không thể nào tô vẽ được, đánh giá Stalin chỉ như một nhân vật mâu thuẫn và cuối cùng công nhiên nói rằng, "các ngươi có biết không, có những điều còn quan trọng hơn sự thật nữa".

Thế nhưng, theo tôi nghĩ, tình hình hoàn toàn không phải bế tắc. Chẳng cần phải vật mình vật mẩy làm gì. Chỉ cần nhìn một cách bình thường, bình tĩnh, không thiên kiến vào lịch sử phức tạp đầy tính kịch, độc đáo và cũng là độc nhất của đảng ta. Cuối cùng, phải nhìn thấy và thừa nhận rằng tuy ở nước ta chỉ có một đảng, nhưng lịch sử của nó sau khi Lênin mất lại phân thành hai, đảng không phải chỉ có một hướng duy nhất, mà là hai đường hướng phát triển, dù có xoắn xuýt lấy nhau đi nữa cũng không hòa thành một, cũng khác nhau. Cần phải thấy rằng bên cạnh lề thói Stalin, sự phản bội trực tiếp đối với nguyên tắc đạo đức của Lênin ấy, trong đảng đã từng có và bao giờ cũng có đường hướng trung thành với Lênin, trung thành với sự cao cả của tâm hồn con người.

Đây không phải là nói tới những trường hợp cá biệt, những cá nhân kiên cường cá biệt, những chuyện nhân đạo cá biệt. Đấy chính là nói tới một đường hướng lịch sử, một đường hướng đạo đức trong lịch sử đảng ta.

Chúng ta biết rất ít, gần như chưa biết gì về mặt này của lịch sử đảng. Chúng ta hầu như không biết tới những anh hùng của nó, những vị thánh của đảng ta. Mà đó lại là hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn người. Đó là một phổ rộng lớn của những biểu hiện đạo đức ở các đảng viên. Đó còn là những trường hợp tự sát như là hình thức cực đoan của thái độ không chấp nhận lề thói Stalin. Đó còn là những lời tuyên bố trực tiếp, thẳng thắn về lập trường Lênin của mình trong những điều kiện có thể trả giá bằng cuộc sống. Đó còn là sự bảo vệ dũng cảm của những người vô tội, những trường hợp không phục tùng tập thể một cách dứt khoát, mà Stalin đôi khi cũng phải lùi bước trước sức mạnh của nó. Đó còn là những sự báo trước về nguy cơ đang xảy ra để cho con người có thể kịp ẩn náu, thoát thân. Đó còn là sự ủng hộ nhau về tinh thần ở trong những nhà tù của Stalin, là sự củng cố niềm hy vọng, là niềm tin vào sự phục hưng của những lý tưởng đã bị chà đạp, niềm tin vào một điều: những cuộc đàn áp hàng loạt không phải là quy luật của chủ nghĩa xã hội mà chỉ là một sự lùi bước bi thảm trước những mục tiêu của nó. Đó là sự căng thẳng chưa từng thấy của những sức mạnh bên trong, thậm chí khó lòng hiểu được những sức mạnh ấy từ đâu ra, để lao động cật lực, chiến thắng bọn chiếm đóng phát xít, góp phần củng cố sự hùng mạnh của Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, mà những người cộng sản trung thực đã tin tưởng, điều đó sẽ phán xét không phải chỉ tương lai của Stalin mà còn phán xét cả tương lai cao quý của con người, bất chấp những gì đã xảy ra.

Như vậy là không có sự bôi đen hoàn toàn, và để cho cảm giác ấy không được tạo ra, tuyệt đối không cần phải đánh tráo đi, tô vẽ thêm, bịt mắt mình trước những sự việc khủng khiếp nhất. Luồng điện tinh thần, đạo đức và sự ra đời của đảng đã làm bùng cháy lên và nó vẫn tiếp tục bùng cháy trong những năm chuẩn bị cách mạng, trong những ngày tháng Mười, sau tháng Mười, khi Lênin còn sống, luồng điện ấy mạnh đến mức nhân dân tin chắc rằng sức mạnh ấy không bao giờ kiệt, không bao giờ biến mất. Sức mạnh ấy không thể yếu ớt, không chỉ sống thoi thóp, mà đã có thể đưa đảng tới Đại hội XX, còn bây giờ là tới cuộc cải tổ cách mạng.

Mới đây, trên tờ "Ngọn lửa nhỏ" có đăng một bài về nhà xã hội học và nhà báo A.N.Alêcxêev ở Lêningrát, ở con người này, tính đạo đức bất khuất đã tỏ ra mạnh mẽ biết bao, việc bảo vệ nguyên tắc dân chủ là triệt để biết bao, và niềm tin sự thật sẽ chiến thắng tất cả là vững chắc biết bao. Alêcxêev bị khai trừ khỏi đảng, khỏi hội nhà báo, nhưng ở đâu anh cũng tỏ ra có những phẩm chất và hành vi cao cả mà những kẻ khác, trừ anh, cũng không mơ thấy được. Bây giờ anh đã được khôi phục trong đảng, một sự khôi phục diễn ra khó khăn, với những gián đoạn, với một sự chống đối. Cũng khó khăn, cũng gặp chống đối trong đảng khi ngày nay đảng thống nhất lại chính trị với đạo đức. Khối lượng công việc ở đây sẽ còn lớn. Nhân đây, xin trình bày hai điểm cực kỳ quan trọng.

Tính đạo đức gắn liền với các quá trình đánh giá. Việc đánh giá, những tiêu chuẩn và thủ tục đánh giá là một nhân tố giáo dục về đạo đức ở đây có quy luật của nó: nếu chúng ta muốn nâng trình độ tính đạo đức lớn, thì điều rất quan trọng là phải bảo đảm những khả năng rộng rãi cho việc đánh giá tự do, bình đẳng về hoạt động của những người cộng sản bất kể họ ở cấp nào. Trong nhiều năm đã xảy ra như thế này, và bây giờ vẫn còn như thế, những đảng viên cấp trên thì đánh giá một cách tự tin về đảng viên cấp dưới, còn những sự đánh giá ngược lại thì không được nói lên, không được công bố và sự tích dồn chúng lại đang gây ra một tác động phá hoại: bệnh cực đoan cứ leo thang mãi, những sự bất mãn lại bùng nổ, hoặc trái lại, đứng lặng lẽ, chậm chạp và vô hình hủy hoại những sức mạnh tâm hồn, đẻ ra một sự mỉa mai nặng nề, một sự hoài nghi kiên cố.

Đùa với các quá trình đánh giá lẫn nhau trong xã hội, nhất là trong đảng, là một điều nguy hiểm. Mà bây giờ thì vẫn như trước đây, nhiều cơ cấu bộ máy ở tất cả các cấp lãnh đạo vẫn còn bịt kín đối với những sự đánh giá ngược.

Tự do đánh giá hoạt động của nhau, nói cho đúng, chính là tự do xã hội chủ nghĩa thật sự. Tự do ấy mà đầy đủ, thì chúng ta có thể đi tới một sự thi đua nghiêm chỉnh, không bị đứt đoạn, đầy sức sống với bất cứ ai.

Điểm thứ hai, theo tôi, đụng tới một tiêu chuẩn phổ biến của sự đánh giá hoạt động của con người của tổ chức. Tôi muốn nói tới khả năng sử dụng một thực tế tuyệt đối xác thực về mặt này - độ ngắn của đời sống con người. Thực tế ấy bó buộc xã hội, Nhà nước, đảng về nhiều điều. Khi quy hoạch một cái gì đó, khi đưa ra một quyết định ở bất cứ cấp nào, đặc biệt ở cấp cao nhất, khi định ra những quy tắc, những thủ tục những trật tự khác nhau, điều đầu tiên cần phải nghĩ tới là con người chỉ được sống một thời hạn không dài dưới bầu trời này. Rốt cuộc toàn bộ hoạt động quản lý xã hội được quy thành việc xây dựng một cơ cấu nhất định của những chi phí thời gian sống ngắn ngủi của con người. Chúng ta có thể làm vì con người nhiều hơn, làm sao để cho con người khỏi phải xài phí những năm tháng của cuộc đời ngắn ngủi của mình một cách trống rỗng.

Thật đáng sợ khi nghĩ tới chủ nghĩa quan liêu ở nước ta đã và đang tiêu phí mất bao nhiêu giờ, bao nhiêu ngày, bao nhiêu năm: Đứng xếp hàng, đi lục tìm những tài liệu tra cứu, những bản nghị quyết xoay những chiếc vé xe lửa xem biểu diễn sân khấu - chẳng có gì là không đụng phải cả! Viết một vở kịch mất một năm, sau đó lại phải mất ba năm luồn lách. Thời gian sống của bất cứ người nào đều là vô giá, và của một tài năng bẩm sinh lại càng không phải nói tới. Các nhà sáng chế của chúng ta phải ba chìm bảy nổi biết mấy, và đó là những người tạo ra những cái kỳ diệu thật sự, một nhà sáng chế có thể mang lại cho nhân dân nhiều hơn cả một nhà máy. Và nếu như trong cuộc sống đầy thiếu thốn của chúng ta, còn phải để cho ai đó hưởng đặc quyền khác nhau, thì trước hết phải để cho họ hưởng.

Cần phải kiểm tra mọi cái theo tiêu chuẩn vững chắc ấy - vừa là tiêu chuẩn con người, vừa là tiêu chuẩn kinh tế. Những năm gần đây, rốt cuộc cũng đã chăm lo tới việc bảo vệ tự nhiên, nhưng trong tự nhiên của tổ quốc chúng ta, cái quý giá nhất - đó là những người cùng sống trong tổ quốc chúng ta, là thời gian sống ngắn ngủi của mỗi chúng ta. Đó là cái mà chúng ta cần thi đua với phương Tây, và cần phải thắng trong cuộc thi đua ấy - sử dụng thời gian sống của con người như thế nào, ai - chúng ta hãy cho họ - chi phí những năm tháng của cuộc đời có hiệu quả hơn. Có lẽ nên thành lập một cơ quan chuyên môn của Nhà nước về kiểm tra "các kế hoạch đồ sộ của chúng ta" theo quan điểm đó chăng?

Mới đây, tôi có giới thiệu một người tốt vào Đảng. Anh ta đánh máy tờ yêu cầu được vào đảng và đem nộp cho đảng ủy. Người ta nói: Chưa hợp lệ, phải viết tay. Anh ta lại viết bằng tay. Lại vẫn chưa hợp lệ, cần phải viết bằng mực tím kia. Tôi không thấy tiếc cho thời gian của mình nữa vì đã qua rồi, nhưng cảm thấy xấu hổ trước con người trẻ tuổi kia, anh ta mới tiếp xúc với đảng lần đầu, chưa vào đảng nhưng đã phải mỉm cười cay đắng ngạc nhiên vì tệ giấy tờ của đảng ta.

Giết chết thời gian sống của con người là một tội ác. Hình thức tội ác ấy ở nước ta đã lan tràn rộng rãi, đã đi vào thói quen. Phải chăng vì chúng ta vẫn còn không thương xót vì thời gian sống của con người, cũng như cách đây chưa lâu chúng ta cũng đã không thương xót gì đối với chính cuộc sống của con người như nó vốn có?

Cuộc cải tổ đang diễn ra một cách khó khăn, theo từng cơn giật. Tiếc thay trong đảng cũng thế. Hai truyền thống lịch sử đang đối thoại nhau: truyền thống Stalin phản dân chủ và truyền thống Lênin, dân chủ. Thật ra, đó là hai thứ văn hóa chính trị trong đảng, hai bộ mặt của đảng ta. Một bộ mặt do những người cộng sản như Alêcxêev ở Lêningrát đại diện, nó hứa hẹn một sự phục hưng của những giá trị đạo đức, một sự hòa lẫn giữa chính trị và tình người sau một thời kỳ chuyển tiếp rất khó khăn.

Tất nhiên, hiện nay mới chỉ nói được điều đó như là nói đến một triển vọng. Nhưng đó là một triển vọng thực tế. Và, về thực chất, đó là triển vọng duy nhất. Vì rằng cái chết tinh thần đang chờ đợi đảng ta nếu như các quá trình dân chủ hóa bị cắt đứt, nếu như cuộc cải tổ bị vất bỏ, ít ra đó cũng là niềm tin vững chắc của cá nhân tôi. Hoặc cải tổ trở nên không đảo ngược được. Những lực lượng lành mạnh sẽ rời bỏ đảng nếu các sự kiện xẩy ra không như thế. Hoặc là người ta sẽ tống cổ họ.

Như vậy, đối với chúng ta, cuộc cải tổ này là quyết định, không có lối thoát nào khác ngoài việc đưa cuộc cải tổ này đến sự hoàn tất.

LÊ DIÊN
Dịch theo tạp chí Cộng Sản (LX) 8.1988
(TCSH39/09&10-1989)


-------------------
(*) Nhà viết kịch bản điện ảnh và sân khấu Xô Viết nổi tiếng






 

Các bài mới
Tĩnh vật (16/03/2016)
Các bài đã đăng