Tạp chí Sông Hương - Số 39 (T.9&10-1989)
Tĩnh vật
09:20 | 16/03/2016

LÊ THỊ HOÀI NAM

Nàng ngả đầu trên một chồng gối chăn cao ngất. Hai tay vòng ra phía gáy. Rõ là nàng đang ở trong tư thế hoàn toàn không thoải mái. Nhưng nàng thích thế. Cặp mắt nàng bất động nhìn dán vào bức tường màu khói hương mà dưới ánh sáng của ngọn đèn néon dễ gợi cho người ta cảm giác trong suốt, trong suốt đến trống rỗng.

Tĩnh vật
Minh họa: Bửu Chỉ

Ai thấy nàng ở trong cái dáng này chắc cũng sẽ nghĩ "có lẽ nàng đang có điều gì suy nghĩ hung lắm". Thực ra thì nàng chẳng nghĩ gì sất. Đầu nàng trống rỗng, trống rỗng như bức tường trong suốt kia.

Bỗng một con bọ ngựa xuất hiện trên mảng tường ấy. Từ cái dáng kềnh càng của nó hắt ra một cái bóng lớn, trông ngồ ngộ. Hai chân trước của nó nghếch lên làm người ta liên tưởng đến cái dùi trống. Nó gõ vào khoảnh khắc chết trong đầu nàng. Mắt nàng chuyển động và ánh lên một nụ cười trẻ thơ. Nàng nhớ đến ngày xưa, khi nàng hãy còn rất bé, mỗi khi bóng đêm vừa làm nhòe đi những dấu vết mỏng manh còn vương lại của buổi hoàng hôn, nàng đã nằm gọn trong lòng người vú già mà nàng rất đỗi yêu quí, nghe bà hát những bài ca cũ kỹ, và khi đêm xuống, nàng còn vòi vĩnh vú làm cho nàng hình con chim, con cua, con chó từ bàn tay vú in lên vách tường. Giờ đây, trong vô thức, nàng lại giơ hai bàn tay chụm lại trước ánh đèn. Nàng đang lặp lại cái điệp khúc của tuổi thơ trong trẻo ấy.

Bỗng nàng chồm dậy. Miệng nàng há ra. Nàng muốn kêu lên một điều gì đó, nhưng như người bị bóng đè, cái điều diễn ra trong đầu nàng không thể thốt thành lời. Có một đôi mắt đang nhìn nàng. Trong khoảnh khắc, đôi mắt ấy và nàng như bị thôi miên lẫn nhau.

Có lẽ một người nào đó hay suy diễn sẽ nghĩ rằng, cái tiếng không thể thốt ra ấy của nàng sẽ là "cứu tôi với". Không, nàng không muốn nói thế vì nàng không phải là một cô gái yếu bóng vía - "lính Trường Sơn mà!". Nàng không hề sợ nhưng ngạc nhiên. Linh cảm mách bảo nàng gọi tên người có đôi mắt ấy, nhưng miệng nàng vẫn câm lắng và nàng bỗng quẫn: "ta đã gặp đôi mắt ấy ở đâu nhỉ? quen quá, ở đâu? không, không thể nhớ được".

Trong khi nàng đang cố lục lọi cái trí nhớ tồi tệ của mình thì hình như bức tường trong suốt trước mặt nàng chuyển động. Nó đang tách ra. Đôi mắt ấy dần dần hiện rõ hình hài: một người con gái, có lẽ cũng xấp xỉ tuổi nàng. Người con gái từ trong bức tường bước ra.

Hình như cảm nhận được sự bất lực của nàng. Người - con - gái - từ - trong - bức - tường - bước -ra lên tiếng trước:

- Chào nàng! Chẳng nhẽ nàng không nhận ra tôi sao?

Nàng vẫn bất động, nhưng từ miệng nàng muốn thốt lên "không, chị ở đâu ra thế?”.

Người- con-gái- từ- trong- bức- tường bước- ra mỉm cười và nhích lại gần nàng hơn chút nữa:

- Nào, nàng hãy nhìn lại xem. Tôi là ai? Này nhe, vẫn là khuôn mặt nàng trong khuôn mặt tôi; vẫn là cái mũi của nàng trong cái dáng mũi của tôi; vẫn là đôi mắt nàng trong đôi mắt tôi. Tôi chính là cái bóng của nàng.

Nàng nhắm mắt lại "Thật thế ư?" Xem nào! Ừ, mà có lẽ đúng thật. Đúng là đôi mắt nàng. Đôi mắt mà bạn nàng mỗi khi gặp nàng bao giờ nó cũng cao giọng đùa giỡn "Hỡi nàng Hê-ra có đôi tay trắng như ngà và cặp mắt bò cái". Đôi mắt to, nâu hiền, trông lúc nào cũng hoang vắng. Còn cái mũi kia thì không thể lẫn được. Đích thị là cái mũi hếch của nàng. Chính cái mũi tai vạ này mà khi còn là cô nữ sinh trung học, nàng đã một mực từ chối lời mời của một họa sĩ muốn được vẽ chân dung nàng, mặc cho ông ta đã hết lời an ủi cái mũi tội nghiệp của nàng "Tôi sẽ vẽ em trong cái dáng nhìn nghiêng. Em chỉ cần hơi cúi xuống một chút như đang đọc một cuốn sách nào đó. Ở góc độ này, cái mũi của em sẽ trở nên dọc dừa".

Nàng đấy!

Chỉ riêng giọng nói là nàng cảm thấy xa lạ. Sự nghi ngờ lại gieo vào lòng nàng. Nàng cộc lốc:

- Thế chị cần gì tôi?

Người- con- gái- từ- trong- bức- tường bước- ra vẫn bình thản:

- Tôi chẳng cần gì, nhưng tôi thấy rõ là nàng đang cần sự có mặt của tôi.

- Thật thế ư! Thú thực, đó là điều mà tôi ít nghĩ đến nhất nếu tôi không muốn nói là chưa bao giờ. Nhưng dẫu sao tôi cũng cảm ơn chị và bây giờ...

- Nàng định nói là chị hãy đi đi chứ gì (!). Nàng đừng xua đuổi tôi. Đó là một việc làm vô ích. Làm sao tôi có thể xa nàng được. Nàng thử hình dung xem nếu con người sinh ra mà không có bóng?

- Không, tôi đâu muốn xua đuổi chị. Nhưng xin chị hiểu cho, lúc này tôi chỉ muốn có một mình cùng với lũ chim chóc cua chó của tôi kia. Chị hãy biến đi!.

- Lẽ nào nàng lại một mực lánh xa tôi. Nàng thèm khát sự cô độc đến thế kia ư? Điều gì đã xảy ra với nàng thế? Tâm trạng này thường chỉ thấy ở những cuộc đời sau khi đã trải qua nhiều nỗi đau. Dostoievski sau khi ở tù về cũng mang một tâm trạng như vậy.

- Điều đó chẳng liên quan gì đến tôi - Nàng vẫn bướng bỉnh.

Người- con- gái- từ- trong- bức - tường bước- ra không nghe câu nói ấy. Giọng nói chậm rãi, khúc chiết của một triết gia vẫn đều đều rót vào cái tai thông thống của nàng.

- Tôi hiểu. Nàng tìm đến với cô độc không phải nàng thèm khát nó mà chính là nàng sợ nỗi cô đơn. Phụ nữ chúng ta đều thế cả nàng ạ. Chính nỗi cô đơn ấy đã đẻ ra giới tính: Sự nhẹ dạ, cả tin, nỗi yếu mềm trong trái tim phụ nữ. Lý trí không thể thắng được trái tim của chúng ta đâu. Và giờ đây nàng đang khổ sở. Tình yêu đang thiêu đốt lòng nàng.

Câu nói ấy như một mũi kim điểm huyệt. Nàng hét lên:

- Không, tôi không yêu. Tôi không yêu. Tình yêu, hừ- nàng gằn giọng - Với tôi chỉ là một lũ chuột. Nó gặm nhấm hết mọi thứ. Nó là thứ trang sức phù phiếm nhất trong các thứ phù phiếm mà thượng đế đã ban cho con người. Chị hãy đi đi. Hãy đi đi. Nàng miên man trong nỗi hoảng loạn.

Nàng định tuôn ra một lô, một lốc gì nữa, nhưng Người- con- gái- từ- trong- bức- tường- bước- ra đã cắt lời nàng.

- Nàng đừng hét lên như vậy. Điều đó chỉ duy nhất chứng tỏ rằng: Tôi đã đúng. Nàng đang khổ sở mà. Xin lỗi là tôi đã chạm đến nỗi đau của nàng. Tôi đã làm tan đi cảm giác trong trẻo của nàng trong buổi tối nay, nhưng biết làm sao được hở nàng khi tôi là cái bóng của nàng.

Còn bây giờ, nào, nàng hãy nghe lời tôi nhé. Nàng hãy im lặng. Thật im lặng. Tay nàng đâu? Nàng hãy đưa bàn tay nàng cho tôi. Đây rồi. Người con-gái- từ- trong- bức- tường- bước- ra nhẹ nâng bàn tay nàng đặt vào phía trái ngực - Nơi mà trái tim nàng đang loạn nhịp.

- Nàng nghe thấy gì?

*

Vâng, tôi đã yêu! Tôi đã yêu anh ấy tự bao giờ không biết nữa. Chỉ nhớ rằng, ấn tượng đầu tiên tôi đem đến cho anh là bức ký họa chân dung về anh mà tôi đã dại dột vẽ dưới bàn tay sắp đặt của định mệnh (?).

Tôi sinh trưởng trong một gia đình nghệ thuật. Cha, anh tôi đều là họa sĩ. Từ nhỏ, tôi đã quen với sự bừa bộn và bút vẽ. Sau khi xuất ngũ từ chiến trường về, tôi đến ngay ban tuyển sinh tỉnh xin được nộp đơn thi vào trường mỹ thuật. Nhưng khi tôi làm xong thủ tục xuất ngũ để về dự thi thì đã quá chậm trễ. Trước ban tuyển sinh, tôi đứng chết lặng.

Một người đàn ông luống tuổi bước vào (sau này tôi mới biết đó là ông hiệu trưởng). Sau khi đưa mắt nhìn bộ quan phục đã bạc màu của tôi (vì tôi chưa có thì giờ để thay bộ cánh mới); nhìn những giọt mồ hôi đang rịn lấm tấm hai bên thái dương giữa tiết trời đông lạnh, ông tỏ vẻ cảm thương.

- Sao, cô bé quân nhân. Cô cần gì thế?

Sau giây lát ngập ngừng, tôi đã bộc lộ nguyện vọng của tôi. Tôi nói tha thiết (chừng như có rớm nước mắt). Ít ra lúc ấy ông cũng hiểu vào học trường hội họa là nguyện vọng lớn của đời tôi; là truyền thống tốt đẹp của gia đình tôi.

Một thoáng nghĩ ngợi, ông báo tôi:

- Thế cô bé có đem theo "tác phẩm" nào không?

Sở dĩ tôi phải đóng ngoặc từ tác phẩm vì đối với tranh tôi, nghe nó to tát quá, mặc dầu tôi hiểu ông hoàn toàn không có ý giễu cợt. Giọng ông toát lên vẻ hài hước, hóm hỉnh, vui vui dễ gần.

Cũng may là tôi đã mang theo tập tranh mà tôi đã vẽ trong những ngày còn ở quân ngũ. Mà may gì, lúc nào tôi chẳng kè kè nó bên người, gan ruột đời tôi đấy, không mang thế nào được?

Ông xem. Tôi đứng lặng trong nỗi chờ đợi hồi hộp. Một bức, hai bức, ba bức... cảm xúc đang chạy trên ông. Tôi lại xuýt phát khóc. Nhưng rồi mày ông nhíu nhíu, mắt ông dừng lại ở bức phác thảo hãy còn rất sơ sài mà tôi khắc họa chân dung một thiếu phụ trong cái dáng của nàng Eva - Người mẹ của nhân loại. Bầu vú của nàng căng mọng, từ nguồn sống ấy những giọt sữa trắng đục, nặng chĩu rơi lã chã. Khuôn mặt thiên thần của nàng hằn lên nỗi đau khắc khoải. Hai tay nàng chới với lên khoảng không như muốn gửi vào vô cùng câu hỏi "con tôi đâu?". Phía dưới bức tranh, tôi ghi đậm dòng chữ "Nỗi đau người mẹ”.

Có lẽ bức tranh ấy đã gợi lên trong ông niềm day dứt. Ngay sau đó, ông đề nghị tôi gửi hồ sơ lại để xét đặc cách cho tôi. Tôi thầm cám ơn ông. Cám ơn số phận đã mỉm cười với tôi và... tôi cũng có anh từ đó.

Ngày xưa, khi mà linh cảm được xem là điều hết sức nhảm nhí trong ý nghĩ của không ít kẻ, tôi đã đọc Janerơ. Lúc đó cái đầu tộc ngộc của tôi cũng đã thốt lên "Rõ bịa". Nhưng khi gặp anh, yêu anh tôi mới nhận biết rằng, linh cảm là một điều kỳ diệu nhất trong những điều kỳ diệu của con người.

Trước khi bước vào học môn hình họa, giáo vụ thông báo cho lớp chúng tôi: môn này sẽ do một giảng viên ở Hà Nội vào giảng dạy. Chẳng hiểu sao mấy ngày đó, tôi rơi vào cảm giác hụt hẫng. Lòng tôi bồn chồn một nỗi chờ mong. Và cái đầu hay tưởng tượng của tôi bắt đầu phác họa chân dung người thầy trong tương lai: Một ông giáo sư chắc chẳng còn trẻ, mái tóc màu muối tiêu mà người tây phương rất đỗi ưa chuộng. Bộ com lê bó chật một thân hình đã bắt đầu "phát tướng” thường bắt gặp ở độ tuổi ngũ tuần trở lên. Một ý nghĩ cũ kỹ, nghịch ngợm lăn nhanh qua đầu tôi "Người như ông ta chắc chắn phải "bốn mắt" rồi”. Nghĩ vậy, tôi liền ốp vào đôi mắt thầy trong bức tranh tưởng tượng của tôi cặp kính dày cộm, dễ phải đến "chục cái đi-ốp".

Thầy đấy!

Nhưng khi anh bước vào bục giảng, nỗi xấu hổ mà chỉ mình tôi gặm nhấm làm má tôi thắm lại, thắm cả tai nữa. Người tôi nhột nhạt như bị cù. Trước mắt tôi là một chàng trai hãy còn rất trẻ, với khuôn mặt thanh tú. Anh không khoác com lê mà thay vào đó là một cái áo sọc nhã màu, chiếc quần Jeans bó gọn thân hình mảnh, cao trắng trẻo trông đến là "cậu".

"Chết chưa! Đồ con yêu bánh nậm!” Tôi tự nguyền rủa mình, nguyền rủa cái tính hay tưởng tượng không đâu. Tính tôi vẫn thế. Hồi còn ở rừng, một lần qua tổng đài tôi bắt gặp một giọng nói mới trong trẻo dễ mến làm sao. Và từ bên này dây nói, tôi hình dung ra một bông hoa cái của rừng. Tôi mong được gặp người bạn có giọng nói ấy, nhưng gặp rồi, tôi cảm thấy ân hận "Thà không gặp còn hơn". Người đứng trước mặt tôi lúc ấy chẳng dính dáng gì đến khuôn mặt mà tôi đã hình dung. Đây là lần thứ hai cảm giác đánh lừa tôi. Nó muốn chơi khăm tôi lần nữa.

Bài kiểm tra đầu tiên mà anh ra cho chúng tôi là vẽ theo đề tài tự chọn. Các bạn tôi xông xáo tỏa đi khắp nơi để chọn đề tài sở trường. Còn tôi thật không may, tôi bị bong gân chẳng đi đâu được. Đôi chân sưng tấy được dịp tranh thủ vùi vào chiếc chăn bông đầy cám dỗ mà chúng tôi vẫn gọi đùa là cái lồng ấp. Cái cặp vẽ nhỏ nhắn nằm gọn trên hai đầu gối. Tôi chưa biết sẽ chọn đề tài nào, trong khi đó, cái bút vẽ cứ bản năng nguệch ngoạc đưa lên trang giấy hết khuôn mặt này đến khuôn mặt khác và không biết tự bao giờ đôi mắt anh hiện lên trên bản vẽ của tôi. Lại thêm cái miệng, cái mũi thanh tú, cái cằm chẻ. Trong loáng chốc, anh đã hiện ra trước mắt tôi với một nụ cười dễ mến.

Như một đứa trẻ tìm ra được chỗ nấp của bạn trong trò chơi trốn tìm, tôi túm lấy anh như chết đuối vớ phải cọc. Tôi reo lên "Đề tài đây rồi!”.

Tôi bắt đầu phác thảo có chủ ý. Sự hứng thú vì chọn được đề tài "độc đáo" làm tôi đâm ra quá khích. Cái chất lính trong tôi trỗi dậy. Nó lấn át những gì mỏng manh là Huế còn vương lại trong tôi. Trí tưởng tượng của tôi bị kích thích. Tôi phóng tay vẽ liền một mạch. Những đường nét đầy nữ tính trong tranh tôi biến mất, nhường chỗ cho nét bút sắc, gọn, phóng khoáng, trước tiên là tôi vẽ đôi mắt, đôi mắt của anh thường ngày mơ mộng là thế giờ đây tôi cho một mắt anh nhắm lại còn mắt kia lại được phóng to lên. Rồi tôi phệt một mảng màu đen thủi lên cái môi trên tươi tắn của anh và cuối cùng là chụp vào mái tóc "chịu chơi" của anh một chiếc mũ phớt đội lệch. Xong!

Như người đến tuổi dùng kính viễn, tôi đưa bức tranh ra xa. Trước mắt tôi bây giờ bức chân dung đã trở thành biếm họa. Anh giống hề Sạclô hơn là một ông giáo. Tôi cười một mình thỏa thích trong nỗi hả hê. "Chẳng riêng gì mình bị nhầm đâu, anh ta cũng sẽ không ngờ là "chính hắn" đấy cho mà xem".

Tính hiếu thắng trong tôi được mơn trớn, vỗ về. Nó bắt đầu lim dim ngủ.

Tôi đưa bức biếm họa ấy cho lũ bạn xem. Chúng nhận ra "thầy” ngay. Cả lũ cười ngất. Chúng thách tôi: "Đố nộp đấy"! Tôi bốc lên "Chả phải thách".

Tôi nói liều thế, chứ khi còn lại một mình, nghĩ đến chuyện nộp bức biếm họa tôi phát ớn: "Thầy trù chết”. Nhưng ngày mai đã hết hạn rồi, biết làm sao bây giờ? Thôi cứ liều mình cứ đặt tiêu đề xa xa "vùng cấm địa" một chút là ổn thôi mà.

Sau lần ấy, tôi bị "thầy trù thật". Càng ngày, anh càng "quản lý", "giám sát" tôi chặt chẽ hơn. Đến là dễ ghét!

Cứ thế, tôi đi vào cuộc đời anh. Gần nhau, chúng tôi khám phá ở nhau những điều lý thú không ngờ. Tôi yêu anh. Tôi đặt niềm tin trong trẻo vào tình yêu và tôi cũng được đền đáp. Những ngày ấy tôi như bay lên...

Bỗng Người- con- gái- từ- trong- bức- tường- bước- ra cắt ngang lời nàng.

- Này nàng ơi, xin lỗi nàng nhé. Lời nàng kể thật hấp dẫn, câu chuyện của nàng thực sự đã cuốn hút tôi. Thú thực là nàng đã làm mất đi trong tôi tính kiên nhẫn rồi đấy. Tình yêu của nàng thật đẹp, thật hồn nhiên, hồn nhiên như cuộc đời nàng. Vậy điều gì đã làm cho nàng buồn khổ thế? Lẽ nào bi kịch là một thuộc tính của ái tình chăng?

- Vâng, đến bây giờ thì chị thấy rõ là tôi đã không dối lòng. Tôi thực sự muốn được chia sẻ cùng chị mọi nỗi buồn vui của tôi. Nhưng vì sao chúng tôi lại chia tay nhau ư?. Cho đến bây giờ tôi vẫn không đủ dũng cảm để nhớ lại. Chỉ biết rằng niềm tin trong tôi bị khủng hoảng. Tôi không thể yêu mà không có niềm tin.

Những ngày tiếp nối, tôi như con chim bị nhốt trong lồng (dù là cái lồng vàng đi chăng nữa). Tôi luẩn quẩn ở mặt đất. Nỗi buồn nhớ về khoảng trời mà chúng tôi đã bay đã đánh gục tôi. Mảnh đạn gần trái tim tôi chưa được gắp ra giờ đây như cứa vào da thịt. Tim tôi nhức nhối.

Mẹ tôi buộc tôi phải vào viện. Trong cái màu trắng lạnh lẽo của phòng bệnh, trái tim tôi ngày càng trở nên giá buốt. Ngày ngày, một chị bác sĩ đến đo nhịp tim của tôi. Tôi để mặc chị ấy muốn làm gì thì làm, chỉ cười thầm "Chị nghe thấy gì nữa sau những tiếng rè rè mà trái tim tôi bị tổn thương? Cái ống nghe chỉ giúp chị hiểu tôi đau như thế nào? Còn vì sao tôi đau có lẽ chẳng một máy móc nào nói được".

Những lúc không bị "quấy rầy" tôi lại vẽ. Nhưng ở đâu cũng chỉ bóng dáng ấy. Nó như một bóng ma ám ảnh ngòi bút tôi. Kỷ niệm dồn về tuôn chảy trên ngọn bút.

Đây là bức tranh tôi vẽ hình trái tim đỏ hồng in lên cái nền lấp lánh xanh đến là huyền bí. Đường viền của trái tim như chánh theo nhịp võng. Đó là kỷ niệm lần đầu tiên chúng tôi chạm vào nhau. Anh đã nâng bàn tay tôi đặt lên trái tim anh, trái tim đang run rẩy, trái tim không biết dối lừa, trái tim của người đang yêu.

Kia là bức tranh phong cảnh. Bố cục tranh thật đơn giản. Một cây đại già oằn xuống vệ đường dưới đêm trăng mờ ảo. Phía cuối gốc, một vết thương lâu ngày, thành sẹo, lưu giữ một khuôn mặt trẻ con đang ngoác cái miệng ra cười. Sẽ không ai ngoài chú bé ấy, biết được nơi đây, trong một buổi hoàng hôn, chúng tôi đã trao cho nhau nụ hôn đầu tiên. Chúng tôi lạc vào nhau từ đó. Chú bé cười chúng tôi đấy!

Và đây nữa, cảnh đêm trăng thật huyền diệu. Có lẽ chị sẽ ngạc nhiên tại sao tôi lại gọi tên bức tranh này là "Hương cỏ mật". Chị có nhận biết những mảng mây xốp giữa trời đêm kia không? Nếu tinh tế, chị sẽ cảm nhận được đám mây quần tụ ấy mang dáng một chú ngựa và trên lưng nó là một chàng trai và một cô gái có mái tóc bung ra như sóng lượn. Mỗi khi đưa tôi vẽ, anh ấy thường đặt tôi ngồi trong cái dáng như thế đấy. Ngậm những sợi tóc thề buông xõa ngang vai tôi, anh bảo "Tóc em như hương cỏ mật ấy, anh uống nó".

Còn bức này, chị không hiểu chứ? Anh ấy đấy. Lần này tôi vẽ anh, nhưng không hiểu sao tôi lại không vẽ mắt, miệng mà hình anh hiện ra như một bóng ma không hồn. Lúc đầu, tôi định ghi tiêu đề của bức tranh này là "Hoài niệm". Nhưng rồi tôi lại nghĩ còn đâu là kỷ niệm, hãy chôn vùi cái kỷ niệm đáng nguyền rủa ấy. Tôi lại chuyển sang cái tên "Ảo ảnh", nhưng làm sao lại có thể là ảo ảnh? Muộn mất rồi. Anh ấy đã in dấu quá đậm lên cuộc đời tôi rồi, làm sao tôi có thể xóa nhòa đi được. Lòng tôi vẫn điên đảo. Phải, đối với tôi, anh ấy đã chết rồi, chết thật rồi. Tôi chì chiết phết vào bức tranh hai chữ thật đậm, đen nhẻm: Tĩnh vật. Phải, Tĩnh vật. Không hiểu sao ngày xưa Lê-vi-tan rất ít khi vẽ người mà chỉ vẽ phong cảnh. Có phải vì Lê-vi-tan yêu thiên nhiên hơn con người hay vì Lê- vi-tan sợ con người. Con người - trời ơi, nếu chỉ là đường nét, là màu sắc thì sao có thể gọi là con người được. Còn tâm hồn họ, bóng tối của họ. Những khúc khuỷu thác ghềnh trong lòng họ làm sao có thể miêu tả được...

Ôi! Sao tôi lại nói lung tung thế này, tôi đã nói gì với chị thế. Thôi tôi xin chị hãy để cho tôi được nói năm ba câu vô nghĩa lý. Để ngày mai tôi có thể thanh thản mà trở về với công việc. Tôi thực lòng muốn được giải thoát. Nhiều lần, tôi đã muốn đốt tất cả những bức tranh ấy - Tôi muốn chôn vùi kỷ niệm. Nhưng khi ngọn lửa bùng lên, chực le cái lưỡi đỏ vào anh tôi lại hốt hoảng. Tôi sợ con người bằng xương, bằng thịt của anh cũng tan đi trong ngọn lửa ấy. Tôi đã chùn tay. Tôi chưa thoát khỏi anh!

Anh vẫn viết thư đều cho tôi mặc dầu không có hồi âm. Và đã hai lần anh vào Huế tìm tôi, nhưng niềm tin bị tổn thương đã níu giữ tôi lại. Tôi một mực xa lánh anh, mặc dầu tôi nhớ anh đến phát cuồng. Trong tôi lúc này như có hai con người. Một người bảo tha thứ, một người bảo không tha thứ. Bi kịch đời tôi là ở chỗ đó. Cái rất người trong tôi là ở chỗ đó. Cái rất không người trong tôi cũng là chỗ đó!

*

Năm tháng cứ rải những bước chân dài của nó đi qua mọi biến cố, đi qua mọi cuộc đời. Với người này, nó là liều thuốc thần diệu. Với cuộc đời kia nó lại là căn bệnh nan y. Tôi đã ngoài ba mươi tuổi, vẫn tình suông. Bề ngoài, tôi tỉnh bơ như không có chuyện gì xảy ra, nhưng khi đêm xuống, nỗi buồn trong tôi được nhổ neo. Nó căng buồm tiến ra biển đêm, hòa vào đêm, không còn giới hạn. Nhưng ai sẽ là người bạn đồng hành của cuộc đời tôi?

Sinh nhật lần thứ ba mươi hai. - Cái ngày tôi không chờ đợi. Nó đến nhanh hơn bao giờ hết. Tôi muốn phanh nó lại nhưng chẳng thể... Hình như nó đã nép sẵn ở cửa phòng tôi đêm hôm trước và khi chuông đồng hồ điểm không giờ ngày mồng tám tháng hai là nó lao ngay vào. Nhưng chẳng phải vì nó đáo để thế mà tôi nhượng bộ. Tôi đóng cửa, nằm dài cả ngày trong phòng: Một ngày như mọi ngày.

Đọc sách chẳng vào, mắt tôi lại luẩn quẩn với những bức tranh bày la liệt trong phòng và bao giờ như bây giờ, dù chẳng cố tình, tôi vẫn dán nhìn vào "Tĩnh vật".

Mới đó mà đã bốn năm rồi. Tôi nhớ lần đầu tôi đưa "Tĩnh vật" lên trường, anh trai tôi đã nhận xét, có lẽ trách móc thì đúng hơn:

- Cô thật là độc địa.

Chao ôi! Tôi mà độc địa ư. Tôi đã làm gì nào? Chẳng lẽ anh lại không hiểu được lòng tôi. Sao anh không hiểu rằng, sau những nỗi đau ấy, nếu không bản lĩnh, vững vàng người ta có thể sẽ dẫn đến những hành động tồi tệ và điều đó không loại trừ tội ác. Còn tôi, một cô bé đa cảm! yếu đuối, tôi đã làm gì? Tôi giết chết anh ấy ư (!?) hay chính anh ấy đã giết chết tôi?

- Cộc, cộc, cộc - có tiếng gõ cửa.

- Cứ vào - Tôi chẳng buồn ngồi dậy - Lại một đứa bạn nào đấy thôi, tôi nghĩ.

Ba tôi bước vào cùng với một người đàn ông xa lạ.

- Thưa ba, con xin lỗi.

- Không sao, con gái của ba. Con mệt à. Con không nhớ hôm nay là ngày gì sao. Không đợi tôi trả lời, ông đặt gói quà sinh nhật vào lòng tay tôi và đặt lên bàn một bó hoa cỏ màu tím biếc - Con gái tôi bao giờ cũng thích màu hoa này. Ba tôi nói với khách. Rồi ông quay lại phía tôi: - Đây là anh Hưng con ạ, anh Đoàn Quốc Hưng, vừa tốt nghiệp cao học mỹ thuật ở Budapest về. Hiện nay nhận công tác giảng dạy cùng khoa với ba. Anh ấy có nhã ý đến thăm gia đình ta.

Tôi nhìn Hưng đáp lễ. Lần này thì đúng là anh chàng cận thật. Nhưng Hưng không có cái vẻ ngơ ngác kiểu Pierre Bezoukhov. Mắt anh ánh lên cái nhìn sắc, lạnh, điềm tĩnh.

Sau năm ba câu xã giao, ba tôi giới thiệu tranh tôi với Hưng. Ba tôi vẫn thường làm thế. Có lẽ ông tự hào về cô con gái cưng lắm. Có lần mẹ tôi phàn nàn!

- Đẻ bọc gì như nó mà lớn rồi cứ như trẻ con ấy. Ngơ quá!

Ba tôi lại bảo:

- Sao bà lại nhận xét kỳ thế. Còn tôi, tôi nghĩ, điều tôi tự hào về con cái không phải là các anh nó mà là nó. Con bé nhân hậu và đầy cá tính.

Hưng bước theo cha tôi. Cặp kính cận cứ lướt từ bức tranh này đến bức tranh khác. Lại "Tĩnh vật". Tôi quan sát Hưng - Sao Hưng dừng lại "Tĩnh vật" lâu thế. Vẻ mặt trầm ngâm khác thường như muốn cố hiểu ra một điều gì đó. Vừa xem, Hưng vừa nhả những bụm khói thuốc lớn vào "Tĩnh vật" như một kẻ đang cố hà hơi tiếp sức cho người bị chết đuối.

Suốt buổi trò chuyện, Hưng không đá động gì đến "Tĩnh vật" nhưng khi chia tay, Hưng đột ngột buông lời:

- Tôi chưa thấy bức chân dung nào lại có cái tên "Tĩnh vật” cả. Cô thật là độc đáo.

Rồi Hưng ra đi như một cơn lốc, để lại trong tôi một thoáng ngỡ ngàng. Tôi quay vào phòng, hình như những bụm khói thuốc của Hưng còn vương lại đâu đây. Anh bảo gì nhỉ: "Cô thật là độc đáo". Độc đáo chứ không phải độc địa? Có lẽ anh hiểu tôi chăng. Lẽ nào, con người có cái nhìn sắc lạnh này lại có khả năng thông cảm với người khác đến thế!

Và bây giờ, cuộc đối thoại giữa tôi với "Tĩnh vật" không chỉ là hai. Hưng đã xen vào giữa chúng tôi bằng sự hiện diện của những bụm khói thuốc ấy. Hưng như nhòe đi trước "Tĩnh vật" hay "Tĩnh vật" nhòe đi trước Hưng, có lúc không dễ dàng gì phân biệt được.

Rồi Hưng đến ngày một nhiều. Nỗi đau trong tôi như dịu lại và tôi đã nhận lời đi chơi với Hưng... Tôi còn nhớ rất rõ đêm ấy, một đêm trăng đầm đìa. Hoàng cung im lìm trong giấc ngủ mùa thu. Chỉ còn những gốc đại già là vẫn thức, vươn những cánh tay gân guốc nâng hứng những bông đại trắng nõn đẫm trăng. Sự tương phản ấy làm người ta gợi nhớ đến khoảng trời của những huyền thoại...

Chúng tôi đi, đi mãi. Khi hai cái bóng như nhòe làm một. Khuôn mặt tôi, gần khuôn mặt anh hơn bao giờ hết. Tôi bỗng chững lại.

- Anh!

Tôi buông tay Hưng ra, trước sự ngơ ngác của Hưng. Cặp mắt Hưng lần đầu tôi thấy dại hẳn đi. Vẻ si mê làm Hưng chưa hết ngỡ ngàng.

- Em! em lý trí quá. Tiếng Hưng nghe vừa buồn vừa tha thiết. Tôi vẫn câm lặng, đứng trơ ra. Rồi như ý thức được một điều gì đó thật khủng khiếp, tôi quay người lại và cắm đầu chạy trong nước mắt. "Ôi, sao lại có một đêm bất hạnh thế này Hưng ơi! Anh bảo em lý trí ư? Không, em là một cô gái yếu đuối. Xin Hưng hãy tha lỗi cho em. Em trân trọng những tình cảm mà Hưng đã dành cho em. Nhưng đến bây giờ em mới hiểu rằng trái tim bướng bỉnh của em không thuộc về Hưng. Em vẫn đi tìm anh ấy nhưng lại lạc vào Hưng".

Lúc ấy, tôi muốn quay lại để nói với Hưng "Anh, em là một con bé lừa dối". Chao ôi, trước đây tôi đã căm thù sự lừa dối biết chừng nào thì bây giờ chính tôi lại là kẻ lừa dối. Ôi! lừa dối. Cái gì đẻ ra nó thế?.

Tôi chạy, chạy miết, không biết bàn chân sẽ đưa tôi tới đâu nếu như trước mắt tôi không gặp phải vật chắn. Ba-rie chăng? không cây đại già đây mà. Cái cây đại già oằn xuống vệ đường mà có lần tôi đã mô tả nó trong tranh tôi, cây đại đã gắn liền kỷ niệm đời tôi. Tôi rũ xuống, hôn lên cỏ, hôn lên mảnh đất đã một lần in dấu chân người tôi yêu. Bàn tay tôi lần tìm dáng anh trong hư ảo. Tôi rên rỉ "Anh! Hãy đến với em! Hãy cứu lấy em!".

Trong phút chốc, hình anh hiển hiện, vẫn mái tóc đẹp đã bao lần tôi được vuốt ve ấy; vẫn đôi môi đã bao lần thấm đẫm tình tôi ấy và tôi lại lịm đi trong những nụ hôn cháy bỏng ngày nào! Tôi lại bay. Tôi đã bay đến với khoảng trời thuở trước. Bay bằng đôi cánh của một tình yêu đầy khát vọng.

Huế, chớm hè tám chín
L.T.H.N
(TCSH39/09&10-1989)







 

Các bài mới
Các bài đã đăng