Tạp chí Sông Hương - Số 39 (T.9&10-1989)
Hoài niệm, mặc cảm và định kiến trong ‘Những thiên đường mù’
09:51 | 07/04/2016

ĐẶNG ANH ĐÀO

Có thể nói rằng Những thiên đường mù là một câu chuyện dệt bằng những mảnh ký ức trên nền hiện tại.

Hoài niệm, mặc cảm và định kiến trong ‘Những thiên đường mù’
Ảnh: internet

Chưa hoàn toàn là thời gian đồng hiện - một kỹ thuật du nhập từ phương Tây và sản phẩm của thế kỷ điện ảnh - nhưng kết cấu truyện là sự đan cài, song song của quá khứ và hiện tại, thậm chí hiện tại nhiều khi chỉ là một cái cớ để ký ức tuôn chảy. Nếu tính số lượng trang giấy thì những trang quá khứ dày hơn hiện tại. Cho đến khi với cái chết của người cô (dù người mẹ vẫn còn) thì thật lạ lùng, dĩ vãng đã chấm dứt đối với nhân vật chính: “dĩ vãng chỉ là dĩ vãng”, ký ức của cô gái gặp gỡ hiện tại, và câu chuyện được đóng lại: lần đầu tiên hình ảnh của tương lai xuất hiện với những “giảng đường và phi trường xa xôi” lại cũng chính là lúc kết thúc trang cuối cùng của Những thiên đường mù.

Cả ba người đàn bà án ngữ trong câu chuyện - Hằng nhân vật chính, mẹ Hằng và bà cô tên là Tâm xuất hiện qua lời kể của Hằng - đều mang nặng ký ức. Đối lập lại là một số nhân vật của truyện: mụ Nần, người đàn bà tham ăn khác thường như trong cổ tích và ca dao, hoặc cậu Chính, em trai của mẹ Hằng… Những người này có thể có quá khứ nhưng không có ký ức, hoài niệm: mụ Nần lập tức quên ngay những thứ mụ vừa ăn xong; còn cậu Chính thì dường như chẳng nhớ gì về kinh nghiệm của cải cách ruộng đất khi trở thành thủ trưởng của một cơ quan tuyên huấn ở Hà Nội và để rồi lại quên hết của hai thời kỳ ấy khi thái thịt và “cuốn nem thoăn thoắt”, nấu ăn thuê (?) cho một nhóm thanh niên tại một cái “ốp” nào đó ở Moskva nhân dịp xuất dương du học tận trường AON.

Cũng như tất cả những người đàn bà, điểm sáng quy tụ những nhớ nhung và hoài niệm ở Hằng và bà Quế (mẹ Hằng) cũng như cô Tâm, đó là tình yêu, là hình ảnh một người đàn ông đã tan biến. Và ở đây họ có chung một điểm sáng, dù với mẹ là “một tình yêu không thể đo đếm, không thể tìm kiếm lại”; với Hằng đó là “bố tôi, một tình yêu chưa kịp biết mặt đã chôn vùi trong bùn đất”; và với người cô, đó không chỉ là “niềm trìu mến, tình yêu khắc khoải”, mà là cả một dòng máu, “một phiên bản đã thất lạc”, một quá khứ vĩnh viễn tan biến mà cô đang “xé xác mình ra” để phục hồi lại cho đứa cháu… Cho dù dưới mắt Hằng, đó chỉ là một thiên đường mù, một thiên đường muộn mằn, phung phí.

Trong ba người đàn bà, mẹ của Hằng đã tìm thấy một phần nào quá khứ trong hiện tại, dù không phải là sự tiếp nối hình ảnh người chồng dòng họ Đỗ qua người em trai là cậu Chính và những đứa cháu. Bởi vậy ký ức của bà không dày bằng hai người kia. Còn ký ức của cô Tâm có mỏng hơn Hằng, nhân vật chính đồng thời là người kể chuyện xuất hiện ở ngôi thứ nhất - một lợi thế để kể lại ký ức - nhưng ở cô Tâm nó có phần nặng nề hơn, “kỳ bí” và lạnh lẽo hơn. Quả là bên Hằng, đến con chó già cũng “ngửi thấy lờ mờ cái mùi của quá khứ”.

Nhưng ký ức của Hằng không gắn liền với một huyết thống, một ý chí phục thù, mà đó là cả một thế giới phong phú màu sắc, âm điệu, mùi hương của tuổi ấu thơ tràn ngập thi vị quê hương, vả lại không hoàn toàn là quá khứ. Điều lạ lùng là dường như hiện tại lần đầu tiên trông thấy những bông tuyết, một khúc hát của Pugatrova, hoặc một đám đông dân Nga “hàm chứa cái gì đó trì đọng… một thứ an bình của làn nước hồ không gió bão, không luân chuyển”, lại cũng không phải là cái gì hoàn toàn mới mà cũng đang biến thành những ký ức đã gợi lại qua những ao bèo, hay một khúc hát Việt Nam từng làm các cô gái đi lao động ở xứ người gào lên vì thương nhớ. Điều đáng chú ý nữa là khi được gặp lại hình ảnh của quá khứ từng khiến Hằng khắc khoải thì nỗi buồn vẫn không chấm dứt: ở cô không bao giờ đạt tới tình trạng thỏa mãn khi nắm bắt được quá khứ trong hiện thực. Bởi thế, tôi tạm gọi đây là hoài niệm về những thiên đường đã mất, có nghĩa là không hẳn về những gì đã có trong thực tế. Bởi quá khứ ở đây dù có là những mảnh của thiên đường, thì vẫn là thiên đường mù, đó không phải là thiên đường mơ ước. Mọi thứ đều đã thấm thía len lỏi “độc tố của nỗi sầu không thể cắt nghĩa”, của định kiến, trì trệ. Triền sông xưa đã “khắc khoải tiếng kêu của lũ chim di trú bay…”; mùi hoa nhài tỏa hương… bên dòng nước tiểu nồng nặc của đám người say bia; khu vườn của thiên đường tuổi trẻ là một khu đường đầy cỏ, hoang dại; âm điệu đầu tiên vọng vào giấc ngủ đứa bé là tiếng rao hàng ời ợi và câu hát gào lên của một kẻ tàn phế tật nguyền, để trang sức, những bông tai của đứa bé gái lên 10 đã “lạnh lẽo băng giá” như “hoa tàn rải xuống nấm mồ hoang”… Và hoài niệm ám ảnh nhất, than ôi, lại là một ao bèo tím ngát hoa nhưng ngưng đọng, mệt mỏi, một thứ nước “làm chết ngạt dễ dàng những kẻ không biết bơi”. Và “ánh mặt trời chói chang nhất cũng chỉ hâm nóng được làn nước mỏng bên trên”.

Bởi tất cả những gì đã đè nặng lên mình trong quá khứ, nên khi tiếp xúc với một cái gì không giống với thế giới của mình, những mặc cảm xuất hiện ở Hằng. Và không chỉ của riêng Hằng, của riêng những cô gái nghèo, những cánh chim di thực, mà ở đây, ngòi bút của Dương Thu Hương đã điểm được phần nào nét tâm trạng của nhiều người Việt Nam hiện nay. Vốn đã bao năm tưởng mình hơn hẳn về mọi mặt - tâm lý đặc biệt của những người ít được phép tiếp xúc - nay có cơ hội so sánh một trạng thái ngược lại xuất hiện. Mặc cảm từ chiều cao của mình, từ thân hình gầy còm, từ sự nghèo khổ âu lo, tới những “cuộc chia ly nham nhở” ở sân bay Nội Bài… Ôi, nỗi đau của chúng ta! Còn cậu Chính có cái diễm phúc là bao giờ cũng thỏa mãn, gần như không mặc cảm, có lẽ bởi chính điều đó đã nói trên ở cậu, không có nhiều ký ức hoài niệm.

Và trong Những thiên đường mù không phải ít định kiến. Riêng ở đây tôi muốn phân biệt định kiến của nhân vật Hằng với định kiến của Dương Thu Hương. Đành rằng nhà văn có quyền xây dựng những nhân vật đầy định kiến. Đành rằng Hằng có quyền nhìn cậu Chính và cải cách ruộng đất từ góc độ cảm nhận ấy. Vả chăng vấn đề xung đột giữa các thế hệ (đại diện qua cậu Chính và Hằng) là vấn đề nóng hổi hiện nay. Cũng không thể nói mọi sai lầm đã qua đều là tất yếu của lịch sử - nếu vậy thì ta đã chẳng nói đến chuyện “sửa sai” và việc nhìn lại quá khứ sẽ là thừa. Và nếu cứ mỗi người tự thấy mình, đặc biệt là ngành mình, cơ quan mình, thế hệ mình v.v… lại bị chạm nọc mỗi khi gặp phải nhân vật phản diện (tương ứng với các thứ trên) trong tác phẩm thì thật khốn khổ cho nhà văn. Song thật sự là ở tác phẩm này, tôi thấy tác giả có chỗ định kiến, “xâu chuỗi”, đơn giản hóa. Có cái gì đó khiên cưỡng, gò ép trong sự hư cấu, những nhân vật nguyên phiến, một chiều như cậu Chính, mợ Thành và hai nông dân cốt cán nọ. Vô phúc cho những ông già, vô phúc cho những kẻ “đã nghiên cứu xong chủ nghĩa Mác-Lênin”, những kẻ mà vinh quang, quá khứ được tính bằng những chục năm tuổi Đảng: họ không thể có một số phận khá hơn trong tiểu thuyết này! Vô phúc cho những kẻ đã được đội cải cách xâu chuỗi! Nhưng có lẽ định kiến đã không cho phép Dương Thu Hương thấy rằng thực tế, nông dân không phải hoàn toàn bị dắt mũi bởi những con người như cậu Chính, mụ Nần, gã Bích. Tôi nghĩ rằng hiện tượng ấy là sự thể hiện một phần bản thân người nông dân, là cái chất của họ. Mặt khác, trong cuộc đời cũng như trong tác phẩm, dù sao, vẫn có những con người xấu hơn cậu Chính, mợ Thành… nhiều. Cái chính là tôi mong được thấy họ bớt cứng đờ vì phải minh họa cho một ác cảm của nhà văn và mong họ cũng tự nhiên như phía “bên kia” của tác giả (như Lãng Tử, như Hằng, như cô Tâm…).

Cảm giác chung toát lên từ cuốn tiểu thuyết là một tâm hồn cuồng nhiệt, sự nhạy bén với những gì đang diễn ra. Sức hấp dẫn ấy đã biện hộ một phần nào cho những cái vội vã, thiếu thận trọng của Dương Thu Hương.

Định kiến của tác giả có thể khiến hư cấu nên những nhân vật thiếu tự nhiên, nguyên phiến. Song những định kiến của các nhân vật như cô Tâm và nhất là Hằng và một số thanh niên khác của câu chuyện không phải không phản ánh một thực trạng hiện nay. Đặc biệt là những mặc cảm nỗi sầu xứ, hoài niệm về một xứ sở cội nguồn, một thiên đường đã mất (vả chăng đã bao giờ thực sự nó tồn tại?) bàng bạc trong suốt tác phẩm niềm mơ ước về những gì tốt đẹp xứng đáng hơn, đó chính là những nét tâm trạng rất sâu sắc không chỉ của những kẻ tha hương (ở bất kỳ phương trời nào) mà còn của nhiều người dân Việt Nam bình thường hiện nay đang sống trên quê hương mình đột nhiên bừng tỉnh, ý thức lại về mình.

Huế - Hà Nội - Tháng 4 - 1989
Đ.A.Đ
(TCSH39/09&10-1989)





 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Tĩnh vật (16/03/2016)