Tạp chí Sông Hương - Số 322 (T.12-15)
Giải Goncourt văn học Pháp 2015: Mathias Énard hay là cuộc đối thoại văn hóa Đông - Tây?
09:10 | 17/12/2015

TRẦN HUYỀN SÂM

Vì sao phương Đông đã trở thành chủ đề trung tâm trong tiểu thuyết Pháp đương đại? Đó là nội dung bàn luận trong mùa trao giải văn học năm nay ở Paris.

Giải Goncourt văn học Pháp 2015: Mathias Énard hay là cuộc đối thoại văn hóa Đông - Tây?
Mathias Énard và H. Balzac

Một số nhà văn gần đây đều hướng về miền đất Trung Đông với một nỗ lực lý giải những xung năng về văn hóa, chính trị và tôn giáo. Với tiểu thuyết Boussole (La bàn), Mathias Énard đã nhận được giải Goncourt văn học danh giá của Pháp năm 2015. Boussole có một cái nhìn mới mẻ về văn hóa Trung Đông, nhất là Hồi giáo. Ở đó, Mathias Énard đã thiết lập một cuộc đối thoại ngầm ẩn giữa hai nền văn hóa Đông - Tây.

Mathias Énard là một nhà văn dấn thân và trải nghiệm. Ông từng nghiên cứu tiếng Ả Rập tại Viện ngôn ngữ Đông phương và du hành khắp nơi như Liban, Syrie, Iran để kiếm tìm cảm hứng sáng tạo. Và mảnh đất Trung Đông đã trở thành nỗi ám ảnh trong toàn bộ tác phẩm của ông. Trả lời báo giới, Mathias Énard nói rằng: Trung Đông đã mang lại cho ông những trải nghiệm sâu sắc trong vấn đề “hành xử” văn hóa.

La bàn là niềm khao khát giao hòa giữa văn hóa phương Tây và phương Đông. Ở đó, tác giả bộc lộ một niềm say mê khám phá miền đất bí ẩn phương Đông. Đó cũng là một cuộc dò “tìm kẻ khác” bằng chính sự phân tích bản thân của chủ thể. Nhân vật chính trong câu chuyện là Franz Ritter - một nhạc sĩ người Áo, say mê văn hóa Đông phương. Franz Ritter mắc chứng bệnh mất ngủ và trong một đêm tại thành Vienna, nhân vật đã hồi ức lại một chuỗi kỷ niệm về các cuộc du hành xa xôi. Dọc theo đêm dài cô độc, Franz Ritter như sống lại những khoảnh khắc khác nhau của những nơi chốn đã qua: nhiều số phận, nhiều cuộc đời đã hiện lên như những thước phim sống động thông qua lối tự thuật của người kể chuyện chứng nhân/đồng sự. Tác phẩm gợi ra một thế giới huyền bí như miền đất Đông phương, và có khả năng dẫn dụ bạn đọc vào sự khám, kiếm tìm các nền văn hóa khác nhau. Và dĩ nhiên, ở đó còn là những dự báo, những thách thức về “sự xung năng của văn hóa”.

La bàn - như giải thích của tác giả, đó là một “đính chính” về cái nhìn thô thiển của người phương Tây đối với văn hóa phương Đông, đặc biệt là đạo Hồi. Xưa nay, chúng ta hay quen với một mệnh đề: Phương Đông đã được “sáng tạo lại” bởi phương Tây. Mathias Énard cho rằng, cần phải thay đổi tư tưởng sai lầm này. Và ông đã đi từ căn nguyên văn hóa phương Đông để lý giải điều đó. Trong một bài trao đổi với Georgia Makhlouf trên báo Le Jour (8/2015), Mathias Énard đã biện minh sắc bén cho tư tưởng Đông phương của mình. Bằng việc phỏng tả lại “số phận” của truyện kể Nghìn lẻ một đêm, Mathias Énard đã chứng minh rằng: vô số “tài nguyên văn hóa” của phương Tây đã có cội nguồn từ phương Đông. Văn bản truyện kể này được viết bằng tiếng Ả Rập/arabe và đã bị lãng quên một thời gian dài ở chính xứ sở nảy sinh của nó. Sau đó, Nghìn lẻ một đêm được xuất bản lần đầu tiên ở Pháp và nhanh chóng lan ra các nước phương Tây phụ cận. Và một cách nghiễm nhiên, người ta xem truyện kể dân gian nổi tiếng này là một thắng lợi phi thường của văn hóa phương Tây. Một thời gian sau, Nghìn lẻ một đêm mới du hành trở về nơi xuất phát: xứ sở phương Đông. Như vậy, Nghìn lẻ một đêm là một minh chứng hùng hồn cho hành vi “chiếm hữu văn hóa” của phương Tây. Vậy nên, theo Mathias Énard: thế giới đương đại cần có một cái la bàn để dò tìm và soát xét lại cội nguồn của văn hóa nhân loại. Không nên đặt định vị trí văn hóa trung tâm ở bất kỳ một quốc gia nào như Đức, Pháp hay Tây Ban Nha. Không nên đối đầu và chiếm hữu văn hóa. Chúng ta cần hướng đến một giải pháp: Thế giới giữa những thế giới/ monde entre les mondes (Chữ dùng của Mathias Énard).

Thật không quá lời khi cho rằng Mathias Énard là một Balzac thời hiện đại. Báo chí Pháp đã đưa ra những lời bình luận thú vị về hai nhà văn này: Mathias Énard không chỉ giống Balzac về hình hài, diện mạo (xem ảnh trên), mà quan trọng hơn họ gặp nhau ở tầm tư tưởng và ý chí của một người cầm bút. Đó là những nỗ lực vươn lên của bản thân trong sáng tạo nghệ thuật, là tầm khái quát và khả năng phân tích, phê phán những ung nhọt của xã hội phương Tây của hai nhà văn thuộc hai thế hệ khác nhau. La bàn được xem như một biểu tượng, một ký hiệu có khả năng dò tìm những căn bệnh xã hội đương đại. Và dĩ nhiên, đó còn là khả năng dự báo những biến động của thế giới trong tương lai.

Mathias Énard sinh năm 1972 ở miền Tây nước Pháp. Sau nhiều năm chu du ở Trung Đông, Mathias Énard đã định cư cùng vợ tại Tây Ban Nha. Ngoài sáng tác, ông còn dịch thuật và giảng dạy tiếng Ả Rập tại trường Đại học Barcelona. Và để tạo một chốn giao lưu văn hóa, Mathias Énard đã mở một nhà hàng chuyên các món ăn nổi tiếng của Ả Rập. Trước Goncourt 2015, Mathias Énard đã nhận được nhiều giải thưởng khác nhau, đặc biệt là giải Năm châu của cộng đồng Pháp ngữ (2004) và giải Goncourt trung học/Goncourt des lycéens (2010). Có thể kể đến một số tác phẩm tiêu biểu như: La perfection du tir (2003), Remonter l’Orénoque (2005), Zone (2008), Parle-leur de batailles, de rois et d’éléphants (2010), Rue des Voleurs (2012) và Boussole (2015, do nhà xuất bản Actes Sud ấn hành). Trong đó, tiểu thuyết Remonter l’Orénoque (2005) đã được chuyển thể thành phim vào năm 2012 với tựa đề À coeur ouvert (Trái tim rộng mở).

Mathias Énard có một lối viết “phá thể” táo bạo. Giọng văn của ông linh hoạt, uyển chuyển: phóng túng và humour, khi thâm trầm, dìu dặt, khi hào sảng, say mê. Với tác phẩm “Zone”, Mathias Énard được ví như bậc thầy tiểu thuyết Jame Joyce/Zone un nouveau Joyce. Tác phẩm xuất bản năm 2008 và được xem là một sự kiện của văn học Pháp. Zone có độ dài 500 trang, viết về chủ đề chiến tranh và văn bản được triển khai chỉ một câu duy nhất, không chấm câu, không xuống dòng. Đó là dạng tiểu thuyết dòng ý thức, là “ký ức thể loại” của Jame Joyce, Marcel Proust và William Faulkner. Sáng tạo cũng là một cuộc dấn thân “dò tìm thể loại”. Mathias Énard đã chứng tỏ sự bứt phá táo bạo trên lãnh địa của thể loại tiểu thuyết.

Chủ đề đối thoại văn hóa Đông - Tây không phải là mới, nhưng Mathias Énard đã mang lại cho độc giả một cái nhìn mới về Đông phương. “Niềm khát khao dung hòa trong sự đối thoại thân mật giữa con người với con người” sẽ trở thành một định đề lý thuyết sáo rỗng, nếu chúng ta không truy tìm căn nguyên đã tạo ra cái thế giới bất ổn này. La bàn vì vậy, có một nghĩa kép thú vị: vừa dò tìm những căn bệnh của thế kỷ, vừa xây dựng lại bản đồ mới về một thế giới “khả thể hơn trong tương lai.

T.H.S
(SH322/12-15)




 

Các bài mới
Sắp đặt lửa (29/12/2015)
Huế mưa (29/12/2015)
Các bài đã đăng