Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.12-15)
Lụt Huế và khoảng trời ký ức
10:46 | 15/01/2016

NGUYỄN PHƯƠNG ANH

LGT: Chu kỳ biến đổi khí hậu khiến thời tiết Huế mấy năm gần đây thay đổi rõ rệt. Huế ít lụt hẳn đi, thậm chí lụt cũng thay đổi chu kỳ lụt, ai đời như năm nay, lụt (tiểu mãn) vào tháng hai ta.
Lụt Huế thay ngày tháng năm, nhưng ký ức thì khó phai mờ, như tùy bút dưới đây…

Lụt Huế và khoảng trời ký ức
Minh họa: Nhím

Hiếm nơi nào mưa nhiều như Huế. Mưa đến rất khẽ, và cũng rất dữ dội. Mưa lất phất từng hạt, mưa thâm trầm, mưa thối đất, làm cho lòng người nôn nao, xơ xác. Lang thang dưới những cơn mưa Huế, tôi thích được ngắm những hạt mưa dài, mưa lê thê mang cả tâm trạng mình cuốn theo những cơn nước. Cái cảm giác buồn nao nao khó tả của mưa, nhưng sao cái buồn ấy đẹp quá chừng. Đôi khi tôi hứng những giọt mưa ngòn ngọt thích thú vô cùng. Đã bao ngày rồi Huế không mưa. Tôi nhớ mưa Huế như nhớ người yêu, như nhớ chính mình; nhớ những tháng ngày xắn quần tận đầu gối, nhớ những lần tóc bết những hạt mưa cùng với đôi chân trần long nhong ướt nhũn bởi những trận mưa xối trời.

Ngày trước trời Huế hay lắm, đã không mưa thì thôi, mỗi lần mưa là cứ kéo dài, sẽ lụt, lụt nhỏ lụt to đều có cả. Thời tiết ở Huế đôi khi làm người ta khó chịu, nhưng đôi khi lại yêu đến lạ kỳ. Mưa Huế bắt đầu từ tháng chín, có khi mưa cũng đến sớm hơn từ tháng tám với những cơn mưa xối xả và kéo dài. Mưa Huế kéo dài lê thê đến khoảng cuối tháng mười hai. Có khi mưa cả tháng không thấy mặt trời, mưa làm ướt cả một khoảng trời ký ức, mưa làm đau bao kẻ thất tình. Mưa kéo theo cái lạnh buốt da buốt thịt. Rồi mưa mang theo những trận lụt, như những cơn giận vô cớ, lụt đến rồi đi, đôi khi rất gấp, mà đôi khi lại dầm dề.

Lụt ở Huế có nhiều “vị” lắm. Tôi may mắn được nếm cả “vị lụt” ở miền núi, “vị” lụt đồng bằng và cả lụt thành phố. Trong ký ức trẻ thơ, mỗi khi lụt về là một điều kỳ diệu, thỏa những thèm thuồng của những thú vui không dễ gì có được. Lụt nơi nào cũng có những đặc trưng, và nơi nào cũng cho tôi nhiều ký ức, mà khi nhớ về, lòng lại trào dâng những kỷ niệm. Lụt có khi dễ thương, có khi nhẹ nhàng nhưng có khi quá dữ dội làm tôi sợ hãi.

Lụt núi là cái lụt đầu tiên tôi thấy được. Lụt núi, nghe cũng lạ, đã trên cao thế kia nhưng vẫn có lụt thì nghe hơi khó tin. Lụt núi lại đến ào ạt, dâng nhanh như Thủy Tinh nổi giận, nhưng chốc lát lại đi ngay. Bởi vì núi cao, nước đầu nguồn đổ về, nhanh như chớp, những con suối nhỏ không đủ sức nên nước cứ dâng lên, rồi ngập những ngôi nhà xung quanh. Thực ra lụt núi mạnh, xoáy nhưng đi nhanh, không ăn dầm ở dề như lụt đồng bằng. Dù đến rồi đi trong thoáng chốc, nhưng cũng đủ để lại bao nhiêu ngấn nước trong mắt người già, để lại những tổn thất trong mắt người lớn và cả những nỗi sợ hãi trong mắt trẻ thơ.

Lụt tới trong tôi từ ngày bé xíu. Một lần lụt rất nhỏ, tôi có dịp được lẽo đẽo theo anh trai đi cặm những lưỡi câu dưới ao. Trời lụt xong có nắng, nhưng vẫn lác đác những hạt mưa đủ làm tôi ướt nhũn. Anh tôi cắm câu, tôi cắp đôi dép bên hai khuỷu tay và lội, cá cứ đụng vào chân làm tôi hét lên vui thích. Mỗi lần lụt đến, cá đâu về nhiều lắm, người ta đi đặt những chiếc lồng bẫy cá nơi nước chảy, cá về và mắc kẹt trong đó, thế là hôm đó, họ lại mang cá đi ra chợ, lại có những đồng tiền nhỏ và lòng lại phấn khởi hơn. Anh tôi cũng cắm được một rổ cá đầy, tôi kiếm dây và xâu cá lại vừa đi vừa chế lại câu của chú gà trống mà tôi đọc được trong truyện của trẻ con: “Cúc cù cu cu, ta vác cá trên vai” rồi hí hửng mang về khoe với mẹ, và hôm đó nhà tôi có nồi canh cá tươi ngon. Đôi khi có những trận đòn bởi đi lội lụt về, thân hình đầy bùn đất và khuôn mặt lấm lem. Đó là khi tôi cùng bạn đến những nơi có bùn non, thi nhau lấy chân vẽ những hình thù kỳ dị lên đó. Ôi, nhớ lại vẫn muốn được quay về ngày xưa.

Tôi nhớ lụt, đôi khi cũng là nhớ những tang thương. Năm 1999, Huế bị cơn lũ tháng mười một hoành hành. Đó là cơn lũ lịch sử làm làm chấn động cả nước, những giọt nước mắt đều hướng về miền Trung, trong đó Huế hầu như ngập chìm trong mất mát nặng nề. Dù lúc đó chỉ là một cô bé lớp ba, nhưng tôi vẫn nhớ như in những giọt nước mắt của ba tôi trong đêm, những giọt nước mắt của mẹ tôi khi trời rạng sáng. Ngày đó tôi chưa đủ lớn khôn để hiểu về những vết thương lòng. Hôm đó nửa khuya, mưa to như trút nước, gió to đánh cả mái nhà tranh bay đi. Ba tôi thấy bất an, thức dậy bật đèn pin ra xem thì nước đã dâng khá cao. Ba gọi cả nhà dậy, rồi luống cuống, tay dắt anh, vai cõng tôi chạy đi sang nhà khác, nếu ở thêm nữa nhà tôi sẽ bị cô lập và nguy hiểm đến tính mạng. Mẹ tôi ở lại một mình lo đóng gói đồ đạc gác lên trên băng. Rồi ba bơi về nhà với mẹ. Bỗng dưng cúp điện, tôi khóc bởi ba mẹ vẫn ở bên ngôi nhà đã bị cô lập. Các cô chú đã dùng đèn pin và chiếc xuồng mỏng manh đi tìm ba mẹ tôi trong đêm tối. Mưa càng to, gió càng lớn, trong bóng tối tôi nghĩ về cái chết, tôi đã sợ điều đó xảy ra với ba mẹ. Nước càng dâng cao, trời cũng đã gần sáng, lúc đó ba mẹ tôi được đưa ra khỏi đó bằng ngả sau, có nhiều cây nên ba mẹ bơi qua níu vào đó thoát được. Gặp tôi, mẹ đã ôm choàng lấy khóc nức nở. Ba tôi lúc đó chạy đi cứu người, có nhiều nhà ngập đến nóc nhà rồi, người và vật cứ bị cuốn theo dòng nước. Nước mắt mẹ tôi chưa cạn, chưa hết hoảng hốt thì mẹ con tôi nghe tin ba bị đắm xuồng, mẹ gần như ngất đi nhưng rồi vùng dậy chạy đến bờ bên kia nhìn ba và la lớn. Các trai làng lúc đó bơi xuống cứu được ba và mọi người trên chiếc xuồng đó. Mẹ con tôi như rụng rời tay chân, mọi chuyện cứ như một cơn ác mộng trong đêm tối. Rồi những nỗi sợ với dần đi. Ngày đó, trong làng có một chiếc máy phát điện của nhà hàng xóm, khi đó nước đã đổ về hết đồng bằng và thành phố, mọi người tụ họp xem tình hình trận lụt này trên chiếc ti vi nhỏ xíu. Đang ở thành phố và đồng bằng, lúc đó chúng tôi nghĩ tới những người thân và họ hàng của cả khu kinh tế mới. Trên này nước đã rút, lòng lại đau khi chỉ biết nhìn thấy những người thân mình đang bị nhấn chìm trong biển nước. Không liên lạc, không đường về, chỉ biết cập nhật thông tin qua chiếc ti vi nhỏ, nước mắt và tim gan quặn thắt trên gương mặt của cả làng những ngày đó. Ai cũng thẫn thờ và xơ xác. Nhìn ánh mắt mỗi người, trong lòng con trẻ như tôi vẫn có gì đó buồn khó tả. Ký ức trận lũ lịch sử trong đôi mắt đứa trẻ lớp ba như tôi là một cơn ác mộng, không còn nghĩ tới việc lội lụt nghịch đùa với bạn bè như trước, mà thay vào đó là những nỗi buồn ám ảnh bám lấy tiềm thức xa vời.

Sau trận lũ, nhà tôi mất sạch. Tấm ảnh cưới đen trắng mà ba mẹ tôi nâng niu cất giữ bây giờ đã trôi đi. Tôi khóc khi ngày đến trường, tay vân vê bộ quần áo nhàu nát. Nhà tôi thấp, nên trôi sạch, trôi cả sách vở. Một số bạn còn một vài quyển sách gói trong túi ni lông rồi đến lớp. Nghĩ lại, thật tội nghiệp. Cô giáo cũng ứa nước mắt bởi chúng tôi chẳng còn gì để bày ra học nữa. Có đoàn cứu trợ của tỉnh, trao cho tôi cả một bộ sách nguyên vẹn, bởi chỉ một mình tôi tay không đến lớp. Các bạn chia nhau tập vở, cuốn sách còn thiếu, vậy là chúng tôi lại hớn hở đến trường như xưa. Những ngày sau đó, gia đình tôi chia nhau những gói mì cứu trợ, tôi được vài bộ quần áo của những người hảo tâm. Mẹ tôi rớm những giọt nước mắt còn lại, ba tôi xơ xác trở về sau một lần suýt chết. Vùng đồi núi quê tôi hoang tàn hơn cả những tháng năm khói đạn chiến chinh.

Đã qua bao năm tháng, ký ức lụt trong tôi vẫn in sâu như hồi còn thơ bé. Lụt núi đã cho tôi những ký ức đẹp về tình người trong hoạn nạn và cả nỗi kinh hoàng về sự giận dữ của trời đất. Đôi khi tôi lại ngồi nhớ vị lụt đồng bằng, nơi đó là quê ngoại và quê nội, nơi vùng thấp trũng mà mỗi khi mưa về là lụt. Lụt vào rồi ở mấy ngày mới chịu rút lui, không như lụt núi, đến không ai ngờ rồi đi không ai hay. Hồi đó về quê ăn giỗ, ba tôi cọt kẹt chiếc xe đạp đèo tôi qua những cơn mưa. Mưa tháng mười rất lạ, nó dầm dề đưa những con nước từ ngoài sông vào những con hói, rồi tràn lên bờ. Thế là lụt. Anh chị em tôi hò reo, ông bà tôi lo nước vào lại hư ruộng lúa, hư đồng khoai. Lo cha con tôi không lên núi được rồi tôi lỡ việc học hành. Được dịp, tôi ở lại quê suốt cả ba bốn ngày. Không ngày nào người tôi được khô ráo. Có bạn, có chị có em, chúng tôi thi nhau chạy nhảy dưới mưa, xắn quần lội nước rồi nước thấm vào chân, ngứa ngáy, rồi về nhà ngồi ngoài thềm ngó nước và hành bà nội gãi chân cho. Nhớ hồi lụt to, ông nội chèo ghe đưa chị em chúng tôi cùng bà đi chợ. Mỗi đứa “sắm” một cây gậy nhỏ vờ làm mái chèo cùng ông khua nước, ba bốn cây gậy nhỏ hô hào dzô-ta như chiếc thuyền đua trong ngày hội. Ngồi trên ghe mành nhỏ nhắn của ông, chúng tôi trêu nhau rồi cười khúc khích, đưa cả hàm răng sún trên khuôn mặt đen nhẻm. Có lần mải mê khoát nước trêu nhau mà tôi bị rơi ra khỏi ghe, ông bà một phen hú vía, cũng may hôm đó nước đã cạn hơn. Người ướt sũng, tôi sợ đến xanh người, im lặng và không dám khóc. Lúc đó về nhà, ba cho tôi một trận no đòn.

Lụt đồng bằng vợi vợi với từng con nước, con đường quê không thấy đâu, chỉ thấy mênh mông nước, sông bỗng rộng hơn nhiều. Nước đổi màu, ruộng lúa đã ngã chìm, đồng khoai không thấy đâu, chỉ thấy bạt ngàn nước và nỗi lo của người lớn. Con trẻ chúng tôi thì cứ thế, cứ chạy đến khi cái bụng rỗng rồi lại về đòi ăn. Bữa cơm ngày lụt lúc nào cũng ngon, cá ngoài chợ là những con cá tươi người ta đi cất rớ. Bà nội mang về kho quẹo với đường, nấu bao nhiêu cơm chúng tôi ăn nhiều bấy nhiêu. Mỗi đứa lúc nào cũng hơn ba bát, ba tôi bảo lâu lâu ở với nội chứ ở hoài nội không có gạo cho mấy đứa ăn.

Nhà ngoại tôi cách nhà nội có đoạn đường, nhớ, tôi xin ba đưa về ngoại chơi. Ông ngoại là người khéo tay, vót những cây tre đan làm rổ làm thúng. Hôm đó lụt, tôi thấy ông đốn tre dằn lại mái nhà, ba tôi đỡ những bao đất đưa lên, cả hai cứ loay hoay chằng chằng chống chống. Bà ngoại lom khom bên bếp lửa chuẩn bị thức ăn cho những ngày lụt. Rồi nước cũng vào đến sân, ông lại ngồi đan cho cháu ngoại chiếc xuồng nhỏ bằng tre, tôi háo hức cho cả những cành hoa vào thuyền bé xíu, rồi lội ra sân chơi trò thả thuyền hoa. Ông bảo lớn lên cháu gái ông sẽ đi thuyền hoa về nhà chồng, tôi nghe vậy ngượng ngùng nấp sau lưng vỗ nhẹ vào ông nũng nịu. Dì tôi kêu lại rồi đo đo đếm đếm, sáng hôm sau thức dậy tôi lại có áo mới để mang, dì khéo tay nên áo tôi thật đẹp. Ngày lụt, vừa được chơi, vừa được ăn ngon và có áo đẹp, trong lòng đứa con trẻ như tôi ai mà chẳng thích. Và cứ thế, mỗi khi mưa tháng mười, tôi lại xin ba cho về quê, để lấy cớ được ở lại những ngày lụt.

Và tôi yêu lắm cái nắng sau ngày lụt. Không khí u ám đã được xua tan bởi cái nắng yếu ớt rọi xuống cho cả ngôi làng. Đường sá vẫn còn bẩn, nhưng tôi lại thích rón rén tìm chỗ sạch để đi, nhảy từ nơi này sang nơi khác, rồi những đứa em lại chạy theo vết chân của tôi làm tôi khoái chí vô cùng. Nắng sau lụt màu vàng nhạt, không đủ nóng nhưng cũng đủ khô để mọi người lại có thể giặt giũ sau bao ngày ẩm ướt. Nhưng rồi nắng lên, sự tiếc nuối lại tràn về, thế là mình phải rời xa cái lụt, theo ba về nhà và tiếp tục những ngày học.

Khi lớn lên, tôi biết rằng mỗi ngày lụt đến, lòng người đầy những nỗi lo. Rồi khi mưa bão đi qua, họ lại phải gồng mình chịu những mất mát, tìm lại những gì đã mất. Họ làm nhiều hơn để bù lại những ruộng lúa nương ngô đã nằm sâu dưới những đống bùn non ngày lũ. Rồi thời gian cũng trôi đi, tôi đã bắt đầu cuộc sống mới. Không còn ở quê vào những ngày lụt đến, nhưng không vì thế mà tôi quên, trong lòng luôn đầy ắp những kỷ niệm.

Tôi bắt đầu được nếm “vị” lụt ở thành phố. Tôi về thành phố phồn hoa khi đã lớn khôn. Khi tôi bước chân vào năm thứ nhất đại học, lúc đó mùa mưa vừa đến. Ở đây, tôi yêu mưa, mưa thành phố Huế đẹp tuyệt. Mưa làm cho tôi rung động, mưa làm tôi yêu và nhớ. Rồi mưa lụt. Tuổi thơ bì bõm với nước lụt, đến thời sinh viên, lụt cũng theo cùng. Nỗi nhớ cứ thế lại ùa về, da diết. Ngày đầu tiên xa nhà, ở một mình gặp mưa lớn, lòng trống trải lạ kỳ. Tôi khóc. Những ngày mưa, tôi đã quen với vùng quê nghèo khó, nhưng luôn được dựa vào ba mẹ. Giờ đây tôi phải tự lập hoàn toàn, và tôi biết mình cần mạnh mẽ hơn. Phòng trọ tôi nằm sát bên trường, khi mưa to kéo dài, trong lòng cứ nôn nao. Như có điều gì mách bảo, tôi chạy ù về phòng. Chao ôi, nước lênh láng. Lần đầu tiên tôi biết lụt thành phố. Tôi hốt hoảng chạy đến kêu các bạn nam về giúp tôi kê bàn học, kê giường lên cao để nước khỏi làm ướt đồ đạc; vừa dọn dẹp, tôi lại vừa đưa tay gạt những giọt nước mắt tủi thân khi một mình tự lập nơi thành phố.

Lụt thành phố chúng tôi thường gọi là lụt sinh viên. Bởi chẳng có ai được vui, được phá như những đứa sinh viên chúng tôi. Có những kỷ niệm không bao giờ quên, một thời đại học gắn với những niềm vui nỗi buồn, xen lẫn nỗi lo. Rồi nước lên nhanh hơn, chúng tôi đứa mang ô, đứa xắn quần đi mua mì tôm, mì ổ rồi về phòng trọ của đứa bạn, nơi đó lụt không đến. Bọn con gái con trai chúng tôi rủ nhau lội lụt. Lụt, xe ngập nước, máy lại không chạy được, họ lại gồng mình dắt qua dòng nước. Có những chiếc ô tô, gắng đạp ga chạy qua đoạn đường bị ngập, nước lại bắn tung tóe hai bên, bắn vào lũ chúng tôi ướt sũng. Nước ngang đầu gối, mưa cũng đỡ nhạt nhòa, khuôn mặt mỗi đứa lại hớn hở dắt tay nhau hát nghêu ngao, đứa cười không thấy đất trời. Chúng tôi rủ nhau lội sang gần cầu Gia Hội, nhìn xuống con đường Huỳnh Thúc Kháng, nước ngập hơi cao, kẻ đi bộ người chèo thuyền, nói cười rôm rả. Hình ảnh hiện ra như con đò của ông đưa tôi đi khắp làng ngày lũ. Những đứa trẻ con được thỏa sức tung tăng gợi cho tôi nhớ nhiều về thời thơ bé. Ở thành phố tôi nhớ cả những đêm cúp điện, thắp nến và ngồi rán bánh khoai, bánh chuối, rồi kể chuyện. Trong đêm tối mùa lụt, chúng tôi tâm sự những khó khăn, những mơ mộng và có đứa kể về sự rung động đầu đời. Chao ơi, những ngày lụt sao yêu đến thế. Tôi thấy mình ấm lòng hơn bên những người bạn khi xa nhà.

Năm đầu tiên đi làm, tôi chuyển đến một phòng trọ mới. Có một lần, mưa trong đêm tối, nước tràn nhanh, nước cứ dâng nhanh làm tôi không trở tay kịp. Nước dâng nhanh lên bụng, tôi luống cuống chống chọi. Cả xóm trọ xôn xao. Tôi loay hoay chồng bàn ghế lên cho những tập sách và quần áo đỡ ướt, đưa xe vào phòng rồi lội đến trú nhờ nhà người quen, vừa tủi vừa lạnh, lòng nặng trĩu. Rồi khi lụt rút, một mình xoay xở với căn phòng đầy bùn đất, tất cả đều ngập nước. Cả xóm trọ giăng dây phơi chiếu phơi màn, loay hoay quên cả ăn uống, cứ muốn làm cho xong để căn phòng được như xưa. Nhiều khi tự hỏi, lụt có gì sao đáng yêu đến thế? Tôi cũng tự trả lời đó là cả một vùng trời ký ức. Vùng trời của tuổi thơ cùng nỗi buồn miên man của tuổi mới lớn.

Đôi khi thèm một con đường ngập nước nào đó để chạy xe qua và ngắm, hay để đôi chân này nhúng xuống những vệt bùn non. Ngày lụt bây giờ chẳng có gió mạnh để những chiếc lá rụng bỏ lại nhành cây khẳng khiu; chẳng có những hạt mưa lung linh rơi trên nền của nắng. Ngày xưa lụt mùa, người lớn lo nhưng trong lòng vẫn thầm vui, có khi lụt làm con người lại gần nhau hơn. Bây giờ khác quá, lụt đến bất ngờ làm bao người hư ruộng ngô, đồng lúa đang thời phất cờ. Lụt bây giờ chỉ còn là con nước. Không ai muốn thiên tai đến, nhưng nhiều khi nhớ, tôi vẫn ước một lần được trở về. Về với con lụt mùa. Về với những ngọn đèn dầu hiu hắt bên mái nhà tranh. Đôi khi thầm cảm ơn đời đã cho tôi có những ký ức, cho tôi tháng ngày gian khó đầy những thương yêu.

N.P.A  
(SDB19/12-15)





 

Các bài mới
Thi ca căn bản (18/01/2016)
Như là... (15/01/2016)
Các bài đã đăng
Quên (08/01/2016)
Quên (07/01/2016)