Tạp chí Sông Hương - Số 323 (T.01-16)
Chuyên đề NHIẾP ẢNH HUẾ
15:47 | 20/01/2016

Huế, vùng đất màu mỡ cho thơ, nhạc, họa cùng nhiều ngành nghệ thuật khác thỏa sức sáng tạo. Năng lực dồi dào của giới nhiếp ảnh khá đông đảo ở đất Cố đô đã cho ra đời nhiều tác phẩm đạt giá trị nghệ thuật cao, phản ánh sinh động hơi thở cuộc sống vượt khỏi sự “chiêm nghiệm” của vùng miền, nhận nhiều giải thưởng danh giá trong nước và quốc tế.

Chuyên đề NHIẾP ẢNH HUẾ
Cụ Đặng Huy Trứ - ông tổ của nền nhiếp ảnh Việt Nam - Ảnh: wiki

Ngoài trang bìa 3 thường kỳ giới thiệu Khoảnh khắc đẹp, Sông Hương cũng từng có nhiều bài viết về Nhiếp ảnh Huế qua những cuộc thi và dấu ấn của từng cá nhân trong mỗi tác phẩm. Chuyên đề lần này tiếp tục ghi nhận những thành tựu mà Nhiếp ảnh Huế gặt hái trong nhiều năm qua; đồng thời mở ra hướng nhìn về nghệ thuật nhiếp ảnh giữa sự phát triển không ngừng của máy móc hiện đại và các loại hình mới như ảnh ý niệm, ảnh ý tưởng, ảnh lắp ghép, ảnh sử dụng phần mềm, v.v.

Với quan niệm: mỗi loại hình nghệ thuật để có “sức công phá” đều phải xây dựng, bồi đắp quanh mình hệ thống lý luận định hình cho phương pháp sáng tạo; phần lý thuyết về nghệ thuật nhiếp ảnh sẽ cung cấp đến độc giả góc nhìn về “cuộc đụng độ với truyền thông, với các phát minh kỹ thuật tạo ra hình ảnh ngoài máy ảnh. Chẳng hạn từ các video và phim, muốn có một bức ảnh đơn thuần chỉ là “kết quả của một khung đóng băng”, là “sự lấy cắp những gì làm cho nhiếp ảnh trở nên đặc biệt”. Điều này đã khiến giới nghiên cứu nghệ thuật nhiếp ảnh mong muốn trở về với sự thật chân xác, như là “cuộc hồi hương” về với nhiếp ảnh truyền thống, hay cụ thể là loại ảnh báo chí rất được đề cao giữa thời đại nhiều xáo trộn và bất an; cũng chính bởi nếu “xa rời cuộc sống, những bức ảnh nghệ thuật chỉ là trò
chơi màu sắc”.

Dẫu sao sự phát triển của kỹ thuật sẽ không thay thế được nghệ thuật nhiếp ảnh, mà có lẽ sẽ khiến Nhiếp ảnh phải tự mở ra những chân trời mới, gửi vào khung ảnh những thông điệp và theo đó còn phải gói ghém một ý tưởng lớn, một tầm triết học phổ quát. Điều này trước hết đòi hỏi người nghệ sĩ phải tự trang bị cho mình vốn sống thực tế; và vốn sống cũng có thể hiểu là phông nền văn hóa, sự am hiểu nói chung về nhiều lĩnh vực khác nhau. Có vốn sống thực tế không những khiến nhiếp ảnh gia tìm bắt được sự chuyển động tinh tế hồn cốt sự vật trong sự hội tụ của ánh sáng, góc độ; mà còn giúp người thẩm định trong các cuộc thi lớn không loại ra những tác phẩm nghệ thuật ghi lại chân thực cuộc sống vốn có ở đâu đó song xem qua ngỡ phi lý…

Chuyên đề, dĩ nhiên sẽ có cái nhìn bước đầu về lịch sử nhiếp ảnh Huế, khởi từ cụ Đặng Huy Trứ, một người Huế được xem là ông tổ của nhiếp ảnh Việt Nam. Từ đây phát hiện ra xứ thiền kinh vốn có duyên với nhiếp ảnh từ rất xưa và trở thành một nét văn hóa xuyên suốt đến hôm nay. Theo đó, Hội Nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế đã đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sáng tác của hội viên. Và sự thành công của nhiếp ảnh Huế nói chung, đã góp phần giới thiệu với du khách trong và ngoài nước hình ảnh về một vùng đất thơ mộng, quyến rũ.

SÔNG HƯƠNG
(SH323/01-16)



 

Các bài mới
Các bài đã đăng