TRẦN DUY PHIÊN
Giữa năm học thứ hai, tôi mới để ý tới Công Tằng Tôn Nữ Phúc Hà - người bạn gái học cùng lớp. Kỳ thi cuối năm học vừa qua quá khe khắt, hai mươi giáo sinh nay chỉ còn mười ba. Phòng học bỗng dưng hóa rộng, vô tình chúng tôi bị gom lại, có lẽ vì vậy mà gần gũi nhau hơn.
Lớp có ba nữ, Phúc Hà có nhan sắc trội hơn hai bạn, nhưng không phải là trang tuyệt thế giai nhân. Da trắng, dáng gầy, tóc dày, giọng nói trong, đôi mắt xanh và sáng như hai viên bích ngọc. Nếu Phúc Hà chịu khó quan tâm về thời trang, gia cố tí xíu son phấn cho bớt vẻ xanh xao, chắc chắn còn cuốn hút người nhìn hơn nữa. Đằng này, cứ một mực giản đơn, cô ta phục sức y như nữ tu, khuất lấp phần nào dáng vẻ xuân sắc của một thời con gái.
Nhà ở Bến Ngự - bờ nam sông An Cựu. Khá xa trường, thế mà Phúc Hà cứ ngày hai buổi cuốc bộ, lâu lâu có xe đưa đón - một chiếc Peugeot cũ kỹ do cha cô tự lái đi làm. Có lần tôi hỏi sao không dùng xe đạp, Phúc Hà cho hay không thích, lại hơi phiền. Phiền gì? Tôi thắc mắc mà chưa bao giờ dám hỏi. Nhưng Hoài Linh - một bạn học của cô ta từ thuở ấu sinh đến giờ, tiết lộ Phúc Hà đi bộ để luyện tập thể hình. Vào cuối năm thứ ba, đôi khi Phúc Hà có đi xe đạp - một chiếc xe màu lam cũ kỹ, cũng đơn sơ như chủ - không chuông, không đèn, không lưới chắn giè. Nhìn Phúc Hà đi xe đạp, dáng chông chênh, có người tưởng cô ta làm bộ cho ra vẻ yểu điệu thục nữ, nhưng tôi nghĩ có một cái gì bất ổn trong con người ấy.
Bố Phúc Hà - một viên chức ở tòa đại biểu chính phủ, người dong dỏng cao, tóc chải ngược về sau, vẻ mặt lúc nào cũng đăm chiêu. Qua Phúc Hà, tôi biết ông rất nguyên tắc với con cái, khắc kỷ bản thân. Mẹ Phúc Hà là mẫu hiền thê điển lệ kinh thành, vâng theo tam tòng, chịu khép mình trong tứ đức1. Tuy về già, nhưng bà vẫn còn phảng phất dáng dấp nền nã của thời con gái.
Gia đình có bốn anh em, một trai đầu - đã thành đạt, Phúc Hà thứ hai, kế tiếp còn hai cô em gái. Phúc Hà học hành chăm chỉ, do có căn bản từ các lớp dưới nên kiến thức khá vững vàng - đặc biệt các môn Pháp Văn, Anh Văn, nói năng lưu loát và diễn tả như ông tây bà đầm.
*
Một buổi chiều, chúng tôi tới trường như thường lệ. Vào phút cuối, văn phòng cho hay giáo sư từ Sài Gòn không ra kịp do chuyến bay bị hoãn vì thời tiết xấu. Chúng tôi được tự do. Một số dùng thời gian để soạn bài thực tập, một số lấy sách ra đọc, một số lặng lẽ rời khỏi phòng, trong số đó có Phúc Hà và Hoài Linh.
Một anh bạn khôn khéo lái đề tài thẩm mỹ học đang tranh luận sang huyền thoại hiện sinh “Ainsi parlait Zarathustra”2 của Nietzche, tôi chán chường đứng dậy, lẩn thẩn bỏ ra hành lang. Quả thật, tôi không biết mình đi đâu cho tới khi xuống lưng chừng cầu thang, gặp Hoài Linh và Phúc Hà đi lên.
- Có thích kẹo không? Kẹo Nu-ga - Phúc Hà mời. Tôi chưa kịp đáp trả, cô đã cúi xuống mở chiếc ví da bé xíu rồi ngước mắt nhìn lên - Rất tiếc, chỉ còn một cái thôi! - Tôi liền đưa tay ra
- Không được hư! - Cô ta mắng, oai phong như một bà chị.
Hoài Linh mắc cỡ đập tay vào vai bạn, bỏ mặc bước thẳng lên, ý như không muốn chung chia cái trò con trẻ. Nhưng Phúc Hà chẳng hề để mắt đến bạn. Cô ta tỉ mẩm bóc kẹo - bóc rất cẩn thận, hai tay run run. Khi lớp giấy lụa sau cùng đã được vo lại ém vào lòng bàn tay, Phúc Hà cầm thỏi kẹo màu cánh gián đưa cao.
- Sẵn sàng tiếp thu chưa? - Cô ta hỏi.
- Rồi ạ.
- Năm mươi năm mươi nhé? - Cô ta gợi ý, mắt đăm đắm nhìn lên. Tôi chưa kịp bày tỏ đồng tình, Phúc Hà vội rút tay về, nhe răng xắn một nửa viên kẹo. Phần còn lại, cô ta ra hiệu bảo tôi há miệng cực to, rồi nhón tay đút vào như chim mẹ bón mồi cho con.
Tôi ngậm lấy nửa viên kẹo, rất ngại Hoài Linh đang ở đằng kia nhìn tới. Thú thật, tôi ngượng đến trân cả người, nhưng giả bộ như không việc gì, tẩn tản đi tiếp. Xuống hết hai cầu thang bộ, tôi vẫn không dám nhai, y như sợ cắn phải tay ai. Ngọt ngào khiến thần thái ngây ngất lím lịm. Chỉ là kẹo thôi mà! Quẩn quanh trong sân trường, tôi nhắc nhở tôi, cố định tỉnh. Không! Cái tôi vừa ngậm không phải kẹo. Sớm mồ côi mẹ, cha đi bước nữa, tôi sống lang bạt ngoài gia đình và thường nghe lạnh. Phong cách của Phúc Hà chiều hôm ấy như những giọt nắng ấm len vào góc vườn hoang vắng.
*
Sáng mồng sáu, tôi đến nhà Phúc Hà, không phải để thăm viếng và chúc tết. Tôi đi học đầu năm theo thông báo trong năm. Nhưng khi đến trường, tôi mới hay phòng học vụ đã điều chỉnh lại, chúng tôi còn hai ngày nghỉ lễ nữa. Tôi quay xe ra cổng và đến thẳng nhà Phúc Hà. Đầu xuân, nắng hồng rực rỡ từ ngõ vào sân, nhà Phúc Hà đang lúc tĩnh lặng. Tiếng chó vừa nhăng nhẳng, Phúc Hà đã nhảy tung tăng ra hiên. Điệu bộ này tôi chưa bao giờ thấy ở cô! Vừa chạm cửa, tôi đã cho Phúc Hà hay thông báo mới của trường, nhưng xem ra cô chẳng quan tâm tí ti về cái tin vui ấy.
Ban đầu chúng tôi cùng ngồi cắn hạt dưa, uống rượu màu, tán gẫu đủ chuyện ở bộ bàn trường kỷ khảm xà cừ ngay lối vào, phía trong có một chậu hoa mai đang nở rộ. Sáng nay, Phúc
Hà diện bộ cánh ở nhà, hoa văn khá to và màu sắc sặc sỡ. Cách phục sức hơi khác thường này khiến thịt da cô như loang loáng sắc hồng.
- Ông trốn tận đâu những ba ngày tết? - Bất chợt, Phúc Hà quở.
Đang nâng tách trà lên, tôi mỉm cười chịu lỗi. Thì ra, trong ba ngày đầu năm, Phúc Hà có chờ mình đến, còn tôi, chẳng dám mang cái mảnh thân còi đi đâu. Bạn bè rộn rã về quê, chiếc bóng lẻ loi, dật dờ vào ra cư xá, đêm giao thừa tôi quấn chăn tận đầu, nằm khóc một mình. Sáng ra, ngu ngơ nhìn trời mây và thầm mong thời gian nghỉ lễ qua mau.
- Đã ăn sáng chưa? - Từ bẳn gắt, Phúc Hà bắt sang giọng chăm chút người thân.
- Chưa - Tôi tẽn tò thú nhận.
- Hỏi để thử xem người ta có thành thật không - Cô ta mỉm cười - Chứ nhìn mặt thôi cũng biết đói no thế nào…
- Tài thật! - Tôi khơm khen.
Thật ra, Phúc Hà nhắm mắt cũng bói được tôi chưa ăn gì! Mồng sáu tết, bếp tập thể cư xá sinh viên ngưng phục vụ, tiền bạc cũng đâu còn trong túi tôi nữa. Bốn nghìn rưởi học bổng mỗi quý, với một người có nhiều khoản chi tiêu, mua sắm bức thiết như tôi - sách báo, phim ảnh, phụ tùng xe đạp, áo xống, giày vớ… chẳng khác gì gió vào nhà trống. Những năm qua, mỗi đầu quý tôi có lai rai vào ra quán xá được năm ba bữa - thời điểm liền kề sau kỳ lãnh học bổng, những ngày còn lại, nhịn ăn buổi sáng dài dài. Đôi khi lao nhọc thái quá, tôi cũng có nghe bụng dạ kêu đòi, nhưng biết tìm đâu. Bạn bè đều mở sổ nợ ở quán tổng hội sinh viên phòng khi khó khăn thắt ngặt, nghĩ mình chẳng có nguồn phụ trợ nào khác, tôi không dám bừa bãi phiêu lưu.
Trong lúc tôi tẩn ngẩn, Phúc Hà ra ngõ. Vẫy gọi đâu đó, cô ta đưa vào một người bán rong bún gánh. Tôi theo Phúc Hà sang phòng ăn. Vừa ngồi vào bàn, người bán đã đặt xuống trước mặt tôi một tô bún bốc hơi và hưn hức mùi cay gia vị.
- Ăn đi! - Phúc Hà giục, ngồi vào chiếc ghế đối diện bên kia bàn.
- Khổ chủ nhịn a? - Tôi hỏi, chần chừ.
- Bánh tét chiên với dưa món đang đầy ắp cả bụng - Cô nhìn xuống tấm thân gầy xép trắng nõn của mình.
Tôi ngồi ăn chậm rãi, từng miếng thơm ngon, ngọt ngào, nuốt luôn cả ánh mắt âu yếm của Phúc Hà.
*
Cũng sáng đó, trong lúc cho đường vào tách cà phê, tôi thấy Phúc Hà có cái vẻ khang khác. Tự dưng, tôi lúng túng.
- Này, nhà chính trị trẻ tuổi - Cô ta lạnh lùng lên giọng chế giễu. Linh cảm, tôi nhìn thẳng vào mắt Phúc Hà, im lặng chờ đợi - Nếu có người hỏi, tại sao đã chọn con đường trồng người để đi, lại còn dính dáng tới chính trị làm chi, phải nói năng thế nào nhỉ?
Thoáng nghe, tôi cúi mặt, thở dài. Chẳng phải bức bí đâu! Bọn xuống đường chúng tôi đã nhiều đêm thức trắng, nằm gác chân lên bụng nhau, trăn trở, thảo luận một số vấn đề cho mình và cả cho xã hội. Nhưng liệu Phúc Hà có chấp nhận những thao thức đó không? Tôi bối rối trước ánh mắt róng riết chờ đợi của cô.
- Nếu thái tử Tất Đạt Đa sinh ra vào thời đại này, ngay trên mặt đất khổ đau và nhục nhã của dân tộc ta hiện nay - Sau một lúc đắn đo, tôi đưa mắt nhìn lên bàn thờ Phật - ngay chính gian giữa, mạnh dạn gạn hỏi - liệu có được một cội bồ đề cho ngài an nhiên thiền định?
- Không! Không! - Phúc Hà khẳng định, run rẩy - Một cụm cỏ, một hạt cát cũng không, cũng… huống hồ… - Cô đanh giọng, ngắc ngứ như nghẹn, như choáng, đưa tay đỡ lấy trán, che kín nửa khuôn mặt sắc nét.
- Vậy chúng sinh chúng ta làm sao mà bình thân tự tại! - Tôi nói - Có cách nào khác không!
- Nhưng… - Cô ta ngẩng cao đầu, run run, không nói nên lời.
- Biết rồi - Tôi đưa một bàn tay chặn lại, ý muốn bảo không cần phải diễn đạt thêm.
- Coi chừng các anh bị quỷ ám! - Cô ta vẫn gắng gượng lên tiếng.
- Có thể - Tôi nói - Nhưng bằng bất cứ giá nào, chúng tôi phải làm một cái gì đó để kịp thời cảnh báo chính quyền.
- Chỉ thế thôi?
- Vâng.
- Vậy ai dẫn đầu đoàn biểu tình cướp đài phát thanh thành phố? Ai xông lên gạt phăng lưỡi lê cảnh sát dã chiến cho quần chúng tiến theo? Ai thất thểu vừa nôn vừa chạy trong khói mù lựu đạn cay? Ai?…
- Tôi đấy. Nhưng đó không phải là hành động bạo loạn cướp chính quyền, mà là thái độ chính trị của một công dân trong một đất nước bị mất dân chủ. Làm ơn phân biệt “action” và “état” giúp cho!
- Nghĩa là anh không chịu lên núi như anh Tường, anh Trương, anh Thiết, anh Xuân, anh Thảo? Nghĩa là anh vẫn tiếp tục đi học và tiếp tục xuống đường?
- Vâng - Tôi khẳng định.
- Liệu có viên phấn trắng nào viết lên bảng đen thành những dòng máu đỏ? Liệu có lời chính giáo nào chất chứa căm thù?
- Không.
- Và liệu nhà nước đương quyền có chịu để yên cho anh không?
- Sẽ để yên nếu họ tôn trọng hiến pháp và biết xấu hổ với thế giới tự do.
- Anh chọn nhà trường, tôi e có ngày anh sẽ đi vào nhà tù! - Phúc Hà xẵng giọng.
Đó là tiên tri hay nguyền rủa? Đối với tôi lúc này không việc gì phải mất thời giờ và cả nhọc nhằn phân biệt. Tôi đứng lên, lạnh lùng bước ra ngõ. Có một vật gì như thể thủy tinh rơi vỡ phía sau cánh cửa.
Trưa đó, tôi không dám về cư xá. Đạp xe qua những đường phố đầy xác pháo, tôi cảm thấy lòng mình trơ vơ, hoang vắng đến kỳ lạ.
*
Trong lớp tôi có anh chàng tên Trần Đức - con nhà giàu, cao to, cận thị. Đức mê Phúc Hà như điếu đổ. Mê say đã đến hồi cao độ, nên chi Đức rất thẳng thắn và can đảm. Anh đã thú thật với bạn bè nỗi lòng si dại của mình không chút e dè. Nhưng trước mặt Phúc Hà, Trần Đức lại nhút nhát đến thảm thương. Vậy nên những lần đến nhà cô ta, bao giờ anh ta cũng kéo tôi theo. Và tôi sẵn sàng chiều bạn, thầm mong bọn họ sớm thành đũa ngọc mâm vàng.
Một sáng chủ nhật mùa thu, Đức tìm gặp tôi thật sớm, cử bộ nôn nao nhưng dáng vẻ bơ phờ. Anh rủ tôi đi dạo phố. Thời ấy, ở Huế ngày nghỉ người ta thả bộ dạo phố là một sinh hoạt bình thường. Nhưng khi ra tới ngã tư Lê Lợi - Duy Tân, Đức liền quày xe về hướng nhà Phúc Hà. Tôi không có ý kiến. Đã là rong chơi, đối với tôi đến đâu cũng được.
Phúc Hà đang ngồi rầu rĩ ở phòng khách. Tôi bấm chuông mấy lần, tiếng chó sủa nhặng xị ngoài cổng mấy lượt, cô ta cũng chẳng thèm động tĩnh. May thay cô em Phúc Hà phát hiện khách đang chạm ngõ, mở cổng giúp cho. Khi chúng tôi vào tới nơi, kéo ghế ngồi ngay trước mặt, Phúc Hà mới ngẩng đầu lên, mặt mày nhợt nhạt ủ ê đến lạ. Đến không đúng lúc, chủ như thế, khách chỉ biết lặng im. Nhưng nghĩ lại, cũng khá buồn cười! Bạn bè thăm viếng mà chẳng có lấy một lời chào hỏi. Và không bên nào dám nhìn thẳng mắt nhau. Rõ ràng nhầm thời khắc, nhầm nơi chốn, và cả nhầm người, nhưng chúng tôi ra về ngay thì khiếm nhã quá. Giá như hồi đó tôi biết hút thuốc như bây giờ, chắc đã có chút bộ điệu khỏa lấp khoảng trống ngu ngơ lạnh lẽo. Cố cho có sinh hoạt, tôi đưa mắt quan sát mấy chậu hoa kiểng, nhìn lên bầu trời ảm đạm mờ đục sắc mây qua ô cửa sổ, nhìn xuống dòng sông phẳng lặng bên kia đường… Nhưng hai tai tôi không thể bỏ qua một động tĩnh, một thanh âm nào đang bao quanh chúng tôi.
Chiếc đồng hồ treo tường tí tách đều đặn rồi đổ vang một hồi như lan tỏa bẽ bàng ra phòng khách. Phải nói gì cho ra vẻ hội ngộ chứ, dù một câu đơn sơ. Tôi thầm nghĩ, liếc mắt hối thúc Trần Đức lên tiếng. Nhưng anh ta cứ thin thít như một gã ngố lạc nhà! Là đầu mối, là động lực mà thế a! Có thể hôm qua hoặc sáng nay - trước khi chúng tôi đến chẳng bao lâu, đã có xẩy ra xung đột. Ai với ai, tôi không biết, nhưng chắc chắn đã tác động mãnh liệt lên Phúc Hà. Cũng có thể Trần Đức đã rõ được phần nào, hoặc đóng một vai có liên quan đến sự cố.
- Trong bất cứ tình huống nào, ta nên bình tĩnh… - Một lúc lâu, Trần Đức lên tiếng.
- Anh im đi thì hay hơn! - Phúc Hà quắc mắt nạt nộ Đức khiến tôi sửng sốt, ngỡ ngàng.
Nhưng nhờ đó mà tôi quyết chắc Trần Đức có dính dáng tới nội tình. Và sáng nay anh ta mang tôi theo để hỗ trợ chữa cháy. Thường tự hào là người thân thiết nhất với Phúc Hà, thế mà tôi chẳng hề hay biết! Hình như có một vành đai bảo mật? Ta quá chủ quan? Tự dưng tôi cảm thấy buồn, ghẻ lạnh vì bị đặt ra ngoài cuộc. Rồi tôi ấm ức Trần Đức không nói hết ý, mà mình gạn hỏi thì ngại. Biết đâu hôm qua, anh ta đã can đảm tỏ tình với Phúc Hà và cô ta cao ngạo, coi đó như một sự xúc phạm?... Cũng có thể họ đã phải lòng nhau từ lâu nhưng bị gia đình phản đối… Tình trạng cứ âm u lượn lờ trong đầu tôi như thế cho đến khi đồng hồ gióng chuông lần nữa, Đức đứng phắt dậy, luống cuống.
- Thôi nhé! Tôi về - Anh ta nói, giọng thảm não, có chút bực dọc.
- Về đi! - Đáp lại, Phúc Hà vẫn một mực xằng xẵng, Trần Đức lao ngay qua cửa như chim sổ lồng. Tôi đứng bật dậy, cũng muốn bươn theo.
- Phong ở lại! - Ngay tức khắc, Phúc Hà trừng mắt, hạ lệnh, chỉ tay vào chiếc ghế tôi vừa đứng lên - Tôi cần anh ở lại…
- Việc gì? - Tôi hỏi, lạnh lùng ngồi xuống, chờ đợi. Nhưng chỉ có lặng im cho tới lúc tôi ra về.
*
Tháng ba năm 1966, lại bùng nổ đấu tranh, lòng tôi bấn lên trong không khí của một thành phố đang sôi sục.
Buổi sáng, tôi đến trụ sở Tổng hội Sinh viên ở đường Trương Định nhận chứng minh thư kèm theo lộ phí hai ngàn năm trăm đồng, với yêu cầu vào ngay Đà Nẵng tăng viện cho đài phát thanh của lực lượng tranh đấu. Phó chủ tịch - một bạn đồng môn, đặc trách phát thanh tuyên truyền cho tôi biết, phương tiện đi lại mỗi cá nhân phải tự lo liệu, còn tình thế, Đà Nẵng đang bị phong tỏa - vòng ngoài lực lượng cách mạng, vòng giữa các đảng phái Quốc Gia, vòng trong cảnh sát dã chiến và mật vụ nhà nước. Tổ chức giới thiệu tôi đi cùng ba bạn sinh viên khác - một học luật, một học toán và một học văn khoa - tất cả dáng dấp có vẻ công tử, nhiệt tình có thừa nhưng thơ ngây cũng lắm nỗi.
Tôi về nhà báo tin, người chị họ ngoại - nơi tôi vừa nhận dạy kèm trẻ để được ở trọ miễn phí, có ý ngăn cản. Biết tôi sắp đi vào chỗ hiểm nguy, chị khóc, nhưng tôi không một mảy may dao dộng. Đột xuất, nhà chẳng có gì, chị luộc vội cho tôi mấy quả trứng gà, dự phòng lỡ khi đói khát dọc đường. Giao thông Huế - Đà Nẵng mấy hôm nay bị gián đoạn. Đang lơ ngơ ở bờ nam đầu cầu An Cựu, chúng tôi vớ được một chiếc Renault - loại xe cỡ trung mười sáu chỗ, đang đón khách. Chúng tôi có được may mắn này do chủ xe tham tiền coi thường hiểm nguy.
Khi xe lên đèo Phước Tượng, chúng tôi bắt kịp đoàn Sinh Viên Quyết Tử - cũng vào yểm trợ cho lực lượng đấu tranh Đà Nẵng, hai phóng pháo cơ đột ngột xuất hiện trên bầu trời, vòng vòng rồi phóng những quả rốc-két xuống mặt đường. Có lẽ chúng chỉ được lệnh bắn chặn, bắn xen kẽ, chiếc này lên chiếc kia xuống. Những cột khói xám bùng bục mọc lên, thẳng tắp, trông rất đẹp mắt. Đoàn xe vẫn không chịu quay đầu, lại còn cất tiếng hát như muốn thách thức. Khi chúng tôi xuống tới chân đèo Hải Vân, máy bay bỏ đi, trời quang mây tạnh trở lại. Đến Liên Chiểu, gặp khách trong ra, chủ xe đổ ào chúng tôi xuống giữa đường. Trời nắng như đổ lửa. Đất cát hực hơi như chảo rang. Chẳng biết kêu ai cứu giúp, chúng tôi đành cuốc bộ trên một đoạn đường chừng mươi lăm cây số. Vừa đói vừa khát, muốn nghỉ lấy sức nhưng tìm khắp chẳng thấy một bóng cây. Mãi tới xế trưa, chúng tôi xáp mặt một tốp thanh niên ở một ngã ba - có lẽ ngã ba Huế, ngõ vào thành phố. Trên tay áo anh chị nào cũng có mang băng vải đỏ, họ đang làm công tác kiểm soát và giữ trật tự giao thông. Khi biết chúng tôi là sinh viên Huế vào tăng viện, các anh chị đón một chiếc xe chở gia súc vừa từ vùng cao xuống, gởi chúng tôi vào thành phố.
Khoảng bốn giờ chiều, chúng tôi có mặt tại đài phát thanh tranh đấu ở đường Quang Trung. Vừa trình chứng minh thư, chưa ráo mồ hôi, đói và mệt đến lả người, thay vì cho ăn cho uống, phụ trách đài hối hả giao ngay nhiệm vụ. Đài phát thanh tranh đấu vốn là đài phát thanh của chính quyền thành phố.
Cách nay ba hôm, trước khí thế của lực lượng, giám đốc đài cùng toàn thể nhân viên được lệnh tẩu tán và tháo gỡ một số bộ phận thiết yếu để vô hiệu hóa vận hành. Nhưng ngay hôm sau, đài đã sinh hoạt trở lại do tay nghề thiên phú của Lê Văn Xương - một sinh viên lớp dự bị Lý Hóa. Và anh ta hiển nhiên là giám đốc điều hành. Đài tranh đấu Đà Nẵng phát mỗi ngày ba cữ, bằng bốn thứ tiếng - Việt, Pháp, Anh, Hoa. Tôi được bổ sung vào tổ phóng sự.
Những ngày ở Đà Nẵng bận rộn, căng thẳng, không thiếu ăn nhưng thiếu ngủ… Chúng tôi được nhân dân yêu mến quý trọng. Đáp lại, chúng tôi làm việc như những cỗ máy không biết mệt mỏi, không biết thời gian, cận kề với gian nguy nhưng chẳng anh chị nào nao núng. Có tin mật báo, đối phương sẽ tìm cách dập tắt đài phát thanh tranh đấu bằng biện pháp cho người ám sát chúng tôi. Lãnh đạo quan ngại, chiến đoàn Trần Hưng Đạo - gồm một số sĩ quan và hơn ba trăm binh lính ly khai, muốn trang bị súng ngắn cho chúng tôi lỡ khi ngộ biến phòng thân. Nhưng trong anh em chúng tôi không một ai biết bắn! Có người đề nghị mở khóa cấp tốc tác xạ cho sinh viên. Tốt! Rất tốt! Nhưng công việc trước mắt không biết giao cho ai dù chỉ một phút một giây. Thôi, sống chết, nhờ trời!
Vào giữa tháng tư, khí thế đấu tranh của toàn thành phố đang lên ngùn ngụt, đùng một cái, phong trào bị dao động, có nguy cơ phân hóa. Nguồn cơn này bắt đầu từ Sài Gòn loan ra. Chiến đoàn Trần Hưng Đạo cho hay tướng Tôn Thất Đính đã đưa bốn tiểu đoàn dù ra Sơn Trà, chuẩn bị vượt sông Hàn đàn áp phong trào. Trung sĩ Cát - đại diện hạ sĩ quan và binh lính, đề nghị cho lực lượng ly khai tấn công trước. Lãnh đạo dùng dằng. Chúng tôi biểu tình phản đối và tỏ rõ quyết tâm tiếp tục tranh đấu.
Nhưng tình hình cứ mỗi ngày một xấu. Sau cùng, chúng tôi phân tán thành từng tốp nhỏ chừng năm ba người, tìm cách rút dần ra Huế.
*
Vừa về đến nhà trọ - nhà người chị họ, tôi gặp bé Loan - đứa cháu gái anh chị nhờ kèm cặp, đang đứng chơi ở ngõ. Thoạt nhìn, nó quở tôi đen và gầy xọp như cá khô. Tôi gượng cười, trao túi xách cho cháu.
- Có dì Hà ở trong nhà - Vừa sấn lên trước, bé Loan vụt quay lui mách bảo.
- Dì Hà nào? - Tôi chững lại.
- Dì Công Tằng Tôn Nữ í mà! - Nó níu lấy thắt lưng, đấm thình thịch vào vai tôi như thể muốn trừng phạt cái tội dám quên một người đáng nhớ như thế
- Dì tới bữa ni là lần thứ ba rồi đó!
- Có việc gì?
- Làm răng cháu biết được! - Nó cười, nhí nhảnh để lộ chiếc răng khểnh thật đáng yêu.
Vừa bước lên bậc cấp, tôi nhận ra Phúc Hà đang ở phòng khách, phẳng lặng đến nguội lạnh. Trước khi ngồi vào, tôi kéo lê chiếc ghế, âm vang rít réo, Hà vẫn bất động. Tự dưng, tôi thở dốc, đưa tay vuốt mặt, chăm chăm nhìn Phúc Hà. Thế ngồi ngay ngắn, hai bàn tay mở hờ trước mặt vừa tầm mắt nhìn xuống, bóng mi đậm in lên da mặt trắng bệch, áo lụa vàng vắt chéo phủ kín đôi chân. Dễ chừng mười lăm phút, cô vẫn bất động, khô khốc như gỗ đá. Phải nói một điều gì đó! Tôi nhủ thầm như thể thúc giục tôi và cả cô ta. Nhưng cả hai không ai buồn lên tiếng.
Thú thật, Phúc Hà đã thế nào mà ứ nghẹn, còn tôi, còn gì nữa mà phải nói năng. Một anh chàng bãi khóa, bươn theo phong trào, quyết sống mái với nhà nước đương quyền, biểu tình khắp các đường phố, tuyệt thực ở ngay cổng tòa hành chính tỉnh, đốt phòng thông tin, đốt tòa lãnh sự Mỹ… Và biết bao nhiêu chuyện tầy trời khác, những tưởng một sớm một chiều dân ta độc lập, hòa bình, tự do, dân chủ. Và, thường đêm mơ màng, sáng mai thức dậy, đau thương tủi nhục của cả một dân tộc cuốn theo gót giày ngoại bang… Nay phong trào đang hồi xuống dốc, bạo lực chưa ập tới, hàng ngũ đã thật sự chao đảo… Nhưng tại sao một Phúc Hà an bình thanh thản lại có mặt nơi đây, lúc này? Phải chăng người ta đến như đón lõng làm chứng chúng tôi thua cuộc? Và để hãnh hách vênh vang mình đã tiên nghiệm thế sự thăng trầm thế nào?
Bé Loan mang nước lên mời khách, tôi đón lấy, uống một hơi đến cạn, đặt mạnh chiếc ly xuống mặt bàn.
- Hôm qua ở thư viện, tôi cá cược với Đan Thanh ngày hôm nay thế nào anh cũng quay đầu về Huế.
- Vậy là… đã thắng lớn?
- Vâng - Phúc Hà nhếch mép nhưng không phải để cười - Nhưng xin chớ đi sâu vào tiểu tiết ấy, tuy thắng lớn nhưng có dấu hiệu tôi thua đậm - Ngừng một lúc, cô ta nghiêm giọng nói tiếp - Tôi đã lấy vé máy bay vào Sài Gòn cho anh.
- Để làm gì? - Tôi bực dọc hỏi. Cô ta vẫn im lặng, bình thản. Tôi đâm gắt
- Để trốn phải không?
- Có thể là như vậy. Nhưng… để anh khỏi phải xấu hổ lên bưng.
- Nếu tôi chọn vào tù thì sao?
- Không tốt đâu! Nhưng cũng còn tùy…
Phúc Hà mở ví, tách lấy chiếc vé máy bay màu xanh đặt lên mặt bàn, lặng lẽ ra về. Xuống chưa hết bậc cấp, cô ta cúi gập người, đưa tay vóc nước mắt.
Mấy cái trứng gà luộc người chị họ đưa cho ngày tôi vào Đà Nẵng, tôi muốn ném tất cả xuống rãnh khi ra khỏi ngõ, nhưng không ngờ đã cứu đói tôi và các bạn dọc đường, đủ sức cuốc bộ vào tới ngoại thành. Tấm vé máy bay Phúc Hà để lại tôi muốn xé nát thành trăm mảnh khi cô ta vừa đứng lên, nhưng chính nó đã đưa tôi đi lánh nạn trót lọt. Rồi từ Sài Gòn, tôi tháo ngược lên Đà Lạt, vào vai một đại đức trẻ trụ trì một ngôi chùa nhỏ. Tuy ẩn cư, nhưng đêm nào tôi cũng nghe đài BBC, đài VOA để theo dõi tình hình thời sự. Đòn cuối cùng của thượng tọa Trí Quang, đưa bàn thờ xuống đường ở Huế, trụ được một tuần thì chính quyền cho binh chủng Lôi Hổ hốt sạch, đổ đi đâu chẳng ai biết. Chính quyền cần chứng tỏ với trong và cả ngoài nước, đã vãn hồi trật tự xã hội, thu hồi lệnh giới nghiêm, kêu gọi bình thường sinh hoạt chợ búa, phố phường.
Cũng may, hơn hai phần ba thời gian tham gia xuống đường tôi thường xuất đầu lộ diện ở Đà Nẵng. Với hy vọng mình chưa lọt vào tầm ngắm của chính quyền sở tại, tôi về lại Huế với ngụy tín nhãn mác của người ngoài cuộc do đi xa về, hạ quyết tâm không để ở lại lớp, và cũng hạ quyết tâm đỗ luôn hai chứng chỉ đã ghi danh từ đầu niên khóa ở đại học Văn Khoa. Đó là một phấn đấu vượt mức bình thường, gần như hoang tưởng, nhưng cũng là cách nhắn nhe với mật vụ - nếu trước đó đã có tên trong sổ đen, tôi không còn tơ tưởng tới phong trào nữa. Muốn thế, tôi chọn một góc khuất ở thư viện, tránh la cà quán xá, và cả họp hội đoàn thể. Buổi sáng, tôi mang theo trong cặp một ổ bánh và chai nước lã. Khi người quản thủ thư viện bấm chuông, khóa cửa nghỉ trưa, tôi ra ban công, vừa gặm bánh mì vừa học. Dạo này Phúc Hà mỗi bữa gặp tôi, mặt cứ dửng dưng, gần như hờn dỗi mà không nói ra. Thế càng hay. Nếu Phúc Hà không chọn Trần Đức, mà một đám khá giả nào đó, càng tốt. Làm thân con gái, lớn lên phải lấy chồng.
*
- Phong phải biết, Phúc Hà đang bị áp lực của gia đình ghê lắm - Nhân khi đang ngồi ở thư viện, Hoài Linh rót khẽ vào tai tôi.
- Thế à? - Tôi giả bộ giật mình, cũng là cách khơi gợi để được nghe thêm.
- Ông bà cứ thúc ép Phúc Hà phải nhận lời - Cô nói tiếp - Người ta thuộc hàng danh gia vọng tộc nhưng sao ả ta cứ bắc bậc làm cao, tảng lờ hoài. Con người nhu mì thế ấy mà ương bướng đến khiếp! Hay còn tơ tưởng nơi đâu?
- Nói xong, Hoài Linh nhìn chăm vào tôi như đã bắt được thóp rồi cười tủm tỉm.
Chính cái cười xoi mói ấy làm tôi khó chịu. Hay còn tơ tưởng nơi đâu? Đây không phải đánh đố vu vơ. Có thể cô ta đã biết tỏng tòng tong mà cứ lập lờ nhấn nhá, ngầm buộc tôi phải thốc tháo ruột gan.
- Bạn phải chịu lấy một phần trách nhiệm - Sau cả giờ tập trung vào bài vở, bỗng dưng Hoài Linh khai thác trở lại chuyện riêng tư, lần này lời lẽ sắc bén như muốn mổ xẻ tận nơi.
- Tôi có phản bội ai đâu?
- Ô hay! - Cô ta giả bộ lỡ lời - Ý tôi không phải thế.
Vừa lúc đó chuông thư viện báo tan tầm. Nhân khi đưa Linh về, tôi băng luôn qua đường Lê Lợi, dọc theo bờ sông, chọn một chiếc ghế đá dưới tán cây to. Ban trưa, nắng vàng rực rỡ, nước sông xanh trong như ngọc. Giờ này, công viên vắng vẻ. Tiếng ve râm ran hòa cùng tiếng gió lao xao tít tận ngọn cây.
Một chuyến đò ngang vừa cập bến Thừa Phủ, trong đám khách lên bờ, tôi nhận ra một người đàn ông mang kính đen. Không cớm thì cũng mật vụ, đặc tình. Tôi thầm đoán. Khi anh ta ngang qua, tôi rờn rợn cả thịt da. Nhưng rồi tôi cười thầm. Thì ra, mình đã lâm vào thế cảnh giác gần như tâm bệnh. Tôi không còn bình thản nhìn mọi người như trước đây. Quả thật, quá đa nghi, ai tôi cũng dè chừng. Những nơi thân thiết bấy lâu tôi chẳng hề lui tới, kể cả Phúc Hà.
Trong lúc tôi lan man, một chuyến đò ngang khác cập bến. Và lần này, tôi thấy có một người rẽ đám băng qua bồn cỏ nhắm tới phía mình. Khi cô ta lại gần, đó là Phúc Hà. Chỉ theo có mỗi chương trình sư phạm, ba tháng thư thả ở nhà, giờ trông cô ta hết sức nhàn nhã. Đó là chưa lý tới những lúc chúng tôi xuống đường, cô ta vẫn đến lớp, có chịu lãn khóa buổi nào đâu.
- Tôi cứ tưởng giờ này Phong còn chết gí trong ấy chứ - Phúc Hà kéo vạt áo ghé ngồi xuống bên tôi, đặt cái xách lưới đựng các thứ vừa mua sắm vào khoảng giữa hai chúng tôi.
- Đến giờ, họ đuổi tôi ra.
- Nội quy mà! - Cô ta khẽ cười - Nghe nói dạo này anh quyết vùi đầu học để vớt vát bù trừ…? - Tôi gật đầu. Cô ta nói tiếp - Tốt! Những cũng phải biết giới hạn của một con người!
Tôi hiểu Phúc Hà nói gì, nhưng quyết không phản ứng hoặc biểu lộ thái độ. Đáng ra tôi phải nói không hẳn thế, chính yếu là học để quên, thứ yếu mới là đỗ đạt. Nhưng tôi không muốn để ngỏ cho cô ta nhìn thấy tâm tư tao loạn, buồn thảm của mình lúc này. Phúc Hà mở túi xách đan bằng lưới, đưa ra một lúc ba quả cam, vừa cười vừa ra dấu bảo tôi bóc vỏ.
- Nếu tôi có thóc mách, có vói dài tay chút đỉnh, xin anh đừng giận nghe!
- Trong lúc tôi cắm cúi với làn vỏ dày cui, bỗng dưng cô ta lên tiếng - Người ta nói với tôi chính anh là người đề xuất khẩu hiệu, và khi được tập thể đồng ý, anh còn tự tay kẻ thật to dòng chữ American, go home, rồi đem giăng treo ở ngay đầu hồi lầu ba - nhánh trổ ra bờ sông của trường ta, có đúng thế không? - Tôi gật đầu xác nhận. Phúc Hà nói tiếp - Rồi lính Mỹ - lúc đó đang đổ bộ và đồn trú ở bờ nam sông Hương, bu lại đọc. Xầm xì một lúc, chúng bắc thang tháo gỡ. Hôm sau lực lượng đấu tranh mở phiên họp khoáng đại bất thường ở giảng đường C - nguyên là rạp cinéma của nhà hàng Morin cũ, đưa ra tối hậu thư buộc lính Mỹ phải trả lại băng-rôn và yêu cầu chính phủ Mỹ phải chính thức xin lỗi Lực Lượng trong vòng bốn tám tiếng. Tổng thống Johnson và cả tòa lãnh sự Mỹ làm ngơ. Thế là đưa đến việc đốt bỏ, tàn phá và cả cướp bóc phòng Văn Hóa Thông Tin Mỹ? - Tôi lại gật đầu - Anh có tham gia không?
- Có! Nhưng chúng tôi chỉ đốt bỏ - Tôi xác nhận.
- Tại sao anh chống Mỹ đến cùng?
- Vì qua nhiều đời tổng thống, Mỹ luôn luôn sai lầm đối với Việt Nam ta.
- Thù dai thế a!
- Không phải thù, chỉ là cảnh giác đối với các thế lực đế quốc để khỏi mất nước.
*
Cuối năm học ấy, không ai ngờ tôi khá thành công về thi cử - không những đạt điểm tốt ở học kỳ Sư Phạm, tôi còn đỗ luôn cả hai chứng chỉ nổi tiếng khó nuốt ở Văn Khoa, hoàn tất văn bằng cử nhân giáo khoa. Đổi lại, người tôi gầy xép như xác ve, xanh mét như tàu chuối.
Một buổi sáng, tôi đến trường sư phạm để chờ xem thông báo bổ nhiệm vào cuối năm học. Khi vào tiền sảnh - nơi hợp lưu ba nhánh, không rộng lắm nhưng thông thoáng, tôi nhận ra nhiều người đã tề tựu, gần như đủ mặt sinh viên bảy ban cùng khóa, và nhiều ánh mắt nhìn tôi khác lạ. Tới khi xáp mặt bạn bè cùng lớp, tôi còn ngỡ ngàng hơn nữa. Tất cả không tự nhiên như thường ngày, họ lấm lét nhìn tôi, kín kẽ cả lời ăn tiếng nói. Chuyện quái gì thế hả? Tôi bực dọc, cắm mặt tìm lối lên cầu thang.
- Phong! Phong này! - Tôi nghe có ai gọi mình.
Quay lui, tôi thấy Trần Đức rẽ đám bước tới. Mặt anh ta ủ ê tím tái như gà vừa rời sới trận. Thấy vậy, tôi liền quày trở lại, tiến về phía anh ta. Nhưng khi còn cách nhau một tầm với, Đức đưa tay ngăn tôi lại như muốn thủ thế.
- Thôi! Thôi! Không cần nữa...
Không cần nữa, vậy trước đó cần cái gì? Trò đùa ngớ ngẩn, giỡn mặt không đúng lúc đúng nơi! Tôi rủa thầm. Nhưng trước mắt, rõ ràng Trần Đức là một con bệnh với dáng vẻ u ám khác thường. Vừa lúc ấy, Hoài Linh không rõ từ đâu đột ngột xuất hiện, đẩy tôi về phía cửa thông ra sân sau. Ở đây, đất trời yên ắng, chỉ một khoảng cách ngắn, cả hai tách hẳn đám đông.
- Đã biết tin này chưa? - Hoài Linh vít đầu tôi xuống, rót khẽ vào tai như sợ ai nghe thấy. Tôi lắc đầu, biểu tỏ chẳng hiểu ất giáp mô tê - Này, Phúc Hà đã có nơi dạm hỏi! - Cô ta nói tiếp, vẫn ý tứ nhìn quanh.
- Thế à?
- Không lẽ đến bây giờ mà bạn…? - Hoài Linh dửng mắt, đập khẽ vào vai tôi.
- Vâng - Tôi thú nhận.
- Đừng giả vờ nữa! Người ta có thể buông trôi một xã hội, nhưng không ai trốn được mình đâu - Cô ta muốn tôi thành thật thú nhận.
Bỏ mặc Hoài Linh, tôi quay lại đám đông. Nhưng khi chưa kịp hòa nhập với bạn bè, tôi thấy Phúc Hà đang nhẩn nha bên ngoài tiền sảnh, vẫn với dáng vẻ chông chênh như thường ngày. Tự dưng tôi có một ham muốn được nghe cái tin ấy từ đôi môi của đương sự. Và vừa lúc cô ta vào cửa, tôi đi thẳng tới.
- Phúc Hà, tôi muốn hỏi… - Bỗng dưng tôi líu giọng.
- Hãy hít thở rồi nói tiếp đi! - Cô ta bình tĩnh hướng dẫn.
- Có phải… Có phải…?
- Là chuyện gì mà cứ ấp a ấp úng? Tôi tắt tị đứng đơ. Nhưng ngay tức khắc Phúc Hà đã tinh tế giúp tôi thoát khỏi đám đông. Không lẩn ra sân sau như Hoài Linh, mà hướng thẳng tôi lên lầu. Tới tầng một, tôi có ý dừng lại, cô ta ra hiệu đi tiếp. Tôi ngoan ngoãn theo lên, mỗi bước một nghe lạnh. Phúc Hà bước khá nhanh, mạnh mẽ, khác hẳn bộ tịch thường ngày. Tới tầng ba, cô ta dừng lại, đưa mắt nhìn quanh. Khi yên trí chẳng có ai khác, cô ta quay lại gí một ngón tay vào chính giữa trán tôi - ngay vị trí tam tinh.
- Chúng nó nói bậy, đừng có ngu mà tin! Phúc Hà này mà có tin vui thì người biết đầu tiên là Phong đấy! Rõ chưa? Đừng có ngu, ông ngố ạ!
Mắng xong, cô ta thoăn thoắt đi về phía cuối hành lang hun hút, lộng gió.
*
Đời sinh viên trường chuyên nghiệp, những ngày chờ đợi nhận sự vụ lệnh là khoảng thời gian khá thong dong, thoải mái hơn cả - nợ sách đèn vừa trả xong, giờ đang háo hức vào đời. Không ai bảo ai, chúng tôi tự cho mình được phép lêu lổng bỏ quên những ngày phấn đấu theo sát thời biểu, khép mình trong kỷ luật và cả trong bốn bức tường. Với cảm giác rưng rưng sắp sửa giã từ mái ấm, chúng tôi cảm thấy cần phải gấp rút sống với nhau thế nào cho trọn tình trọn nghĩa trước khi mỗi người một nẻo. Theo đề nghị của Nguyễn Tùng - trưởng lớp, chúng tôi thống nhất bày cuộc vui chơi trong khả năng cho phép. Một chương trình dã ngoại khá hấp dẫn - thăm chùa, viếng lăng, tắm biển... Suốt một tuần, chúng tôi chỉ có đi và đi. Và khi đã đi mỏi, chúng tôi đổi sang chương trình ngồi - ngâm thơ, bình văn, ca hát... Với số tiền của quý học bổng cuối cùng vừa lãnh, chúng tôi sẵn sàng dốc hết hầu bao.
Tới phiên Trần Đức đăng cai, anh ta đề nghị một cuộc nhàn đàm văn học tại phòng trọ của mình, đề tài: Bản chất của mối tình đầu. Thoạt nghe đã thấy rất hấp dẫn. Hoan hô! Hoài Linh, Đan Thanh hưởng ứng, đưa cao cả hai tay tán thành.
- Bản chất của mối tình đầu là phải tan vỡ - Kết thúc cuộc thảo luận hôm đó, Trần Đức nghiêm chỉnh cao giọng đúc kết.
- Vì sao?
- Vì là buổi ban đầu bao giờ cũng thơ ngây, trong sáng nhưng do cả hai đương sự thiếu kinh nghiệm nên an ninh tình yêu khá mong manh mà cuộc đời thì luôn luôn sóng gió và xã hội rất nhiều lưu manh xảo trá chực chờ.
- Nếu không tan vỡ thì không phải là tình đầu hả? - Ai đó gây gắt phản biện.
- Vâng! Nó phải tan vỡ - Trần Đức quả quyết - Nhưng tan mà không tiêu, vỡ mà không nát - Anh ta nhấn mạnh - Rạn vỡ của mối tình đầu sẽ là nhân tố nhiệm màu cho cuộc tình sau, là mùi hương đầu nguồn kích thích bao lứa đôi vượt lên chông gai tiến về phúc hạnh...
- Vậy thì cho tôi được hỏi riêng anh như một kiểm chứng viên nhé - Đan Thanh đột ngột chen ngang - Anh đã đi qua mối tình đầu của mình chưa?
- Rồi ạ!
- Và anh đang tiến đến đâu?
- Tình cuối.
Vứa dứt cuộc chất vấn của Đan Thanh, tất cả đều ồ lên, rộn ràng tung hô con người can đảm. Tôi nhìn sang, Phúc Hà tĩnh lặng như tượng, nhưng hai mắt ngấn lệ.
- Xin cám ơn các bạn - Kết thúc mạn đàm, Trần Đức nói lời tạm biệt.
Chúng tôi ra về.
- Nhớ để cửa, mình sẽ trở lại - Theo Phúc Hà tới hiên, tôi quay lui dặn Đức.
*
Chúng tôi tản bộ dọc theo đường Phan Đình Phùng. Ham vui, khuya khoắt nào hay, bây giờ mới biết, trước sau lặng ngắt như tờ. Bầu trời thấp, đen kịt, không một mống sao, lâu lâu được soi sáng bằng những ánh chớp. Đèn đường thưa thớt, vàng vọt trên những đầu trụ xỉn xám, cô quạnh.
Tôi có thói quen đi nhanh, giờ là lúc phải tranh thủ thời gian. Đối lại, Phúc Hà khoan thai nhẩn nha. Hình như, với tôi đêm nay đã tàn cuộc, nhưng với cô ta, nhàn đàm rôm rả vừa rồi chỉ là phút dạo đầu. Bụng dạ nôn nao nhưng tôi vẫn cố ghìm mình chậm bước, nhẫn nhịn chiều lòng người bạn gái cho trọn một ngày tốt đẹp.
Đến cầu Bến Ngự, đáng ra rẽ phải, Phúc Hà ngập ngừng, chần chừ rồi ngoặt trái. Tôi đứng sững, suýt kêu lên. Dù màn đêm có tối tăm đến mức nào - huống hồ cầu có hai dãy đèn chiếu sáng, chúng tôi đều thuộc nằm lòng, qua khỏi cầu, rẽ phải rồi đi thêm trăm mét, tới nhà Phúc Hà. Thế mà! Tôi ém bụng thở dài, lặng lẽ lê bước theo bạn, bám đường hướng thẳng ra sông Hương. Trong lúc tôi đang rối rắm, một chiếc xe tuần cảnh lù lù chiếu đèn vào hai chúng tôi rồi rú ré lao đi...
Khi cả hai chìm trở lại trong bóng đêm, tôi đâm ra hoang mang. Với đà này, không biết mình phải theo Phúc Hà đi tới tận đâu? Muốn lên tiếng nhắc nhở, nhưng miệng mồm tôi tê cóng trước cái vẻ kiên định, kín kẽ như bưng của cô ta. Ngang qua một ngã tư - phía sau trường Quốc Học, Phúc Hà dừng lại, ngơ ngác nhìn quanh rồi lần vào rẻo xéo hoa viên ở góc bùng binh. Tôi cũng dừng lại, nhưng đứng yên tại chỗ, trì trịch nhìn tới. Phúc Hà bình thản ngồi xuống chiếc ghế đá, khoanh tay, ngước mắt nhìn trời. Thấy lạ, tôi cũng nhìn theo, nhưng chẳng thấy gì ngoài một vòm đêm âm u xầm xập.
Rồi từng chặp, chúng tôi hết nhìn nhau lại đăm đắm nhìn trời! Ngô nghê dễ chừng quên cả giờ giấc! Cô ta một mực dướn cao cần cổ đăm đắm như cò vạc ngơ ngác giữa ruộng đồng. Còn tôi, ngoắt nghoéo, hực hả như chó dại lấm lét vườn hoang. Tới lúc, hết chịu đựng, tôi bươn vào áp cận. Phúc Hà đang cung tay che mặt như bị chói nắng. Ánh điện từ xa không đủ sáng cho tôi quan sát rõ thần sắc bạn gái. Nhưng tôi quyết chắc Phúc Hà đang trong tâm thái bất bình thường.
- Có sao không? - Tôi cúi xuống, khẽ hỏi.
- Xin để tôi yên!
- Có biết chúng ta đang ở đâu?
- Biết - Cô ta vẫn dùng tay che mặt.
- Làm ơn đứng lên cho! - Tôi van xin, bứt tung hai tay cô ta ra khỏi mặt. Phúc Hà đang khóc. Tôi điếng lặng.
Chịu đựng một lúc, tôi đâm giận Trần Đức. Cái đề tài khốn kiếp do anh ta đề ra và bây giờ nó đang hành hạ Phúc Hà. Tôi cũng giận mình ngu ngơ, tại sao không nhanh trí nhận đưa Hoài Linh về, và bán cái con người phức tạp này cho Nguyễn Tùng cưu mang.
- Là xương máu hoàng gia, nhưng tôi sinh ra khi nước mất nhà tan, vương triều đổ nát - Cô ta bắt đầu kể lể - Tôi lớn lên mang tiếng cành vàng lá ngọc nhưng cội rễ đã đến hồi lụi tàn... Tôi được dạy dỗ sống đời vương giả, an bình trong khi đất nước loạn lạc. Đọc sử nước nhà, tôi đớn đau theo bước chân các tiên đế Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân… Nhưng là phận gái, tôi không dám vượt quá nghi môn, nói chi đến bãi khóa, xuống đường, xung trận…
- Đã biết như thế thì đừng vận vào người mà thêm khổ! Không ai oán trách Phúc Hà đâu.
- Tại sao không? Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách mà!
- Nhưng Phúc Hà là nữ giới.
- Anh muốn tôi là đứa thất phụ a? Hèn gì, tôi bị bỏ lại. Và rất đớn đau. Bọn Tôn nữ hãy về bảo ban tôi tớ nấu nước rửa chân rồi đi biểu tình, anh có nghe người ta bêu giếu thế không?
- Vậy hãy đứng lên và bước ra khỏi bóng tối! - Tôi nói nhưng không muốn Phúc Hà hiểu hết ý mình.
- Sau đó thì sao?
Tôi đứng lặng im. Cô ta bật cười như điên dại.
*
Bất chợt một tiếng nổ lớn từ lưng trời, mưa trút xuống như thác. Trong ánh chớp ngoằn nghoèo, Phúc Hà lảo đảo đứng lên. Tôi vội cởi áo khoác, đắp lên người cô ta.
- Anh tưởng Hà này sợ mưa gió à? - Cô ta ngoái nhìn lui - Không! Tôi không cần anh chở che bằng lớp vỏ giả tạm ấy - Cô ta bứt áo, ném trả - Anh nghĩ tôi có thể chết vì một cơn mưa đột ngột đầu mùa hả?
Tôi cúi nhặt chiếc áo, ôm lấy, ngồi xuống chiếc ghế đá ngay chỗ cô ta vừa đứng lên. Rõ ràng Phúc Hà đang ở đỉnh điểm bức xúc. Nhưng tôi biết làm gì đây? Những sợi mưa xiên xiên vút qua ánh điện mờ. Những cơn dông dồn dập xuống thấp hơn nữa. Vụn nước tung tóe từ mặt đường lên tới mái nhà, khuất mờ phố xá, cỏ cây.
- Về! Chúng ta phải về thôi! - Đến một lúc, chợt nghĩ tới cha cô ta, tôi bật dậy, bước tới, van xin.
Ra tới đường, chúng tôi im lặng đi bên nhau. Mãi tới khi đặt chân lên mố cầu, tôi mới hay trời đã ngớt mưa nhưng gió mỗi lúc một lạnh. Tôi lại mở áo khoác đắp lên người Hà, cô ta không từ chối. Đến nhà, tôi lần mò mở then cài cổng, khẽ đẩy Phúc Hà qua cửa. Cô ta quay lại trả áo. Có tiếng chó sủa nhắng. Tôi đứng nép vào trụ cổng, thử xem bên trong nhà cô ta động tĩnh thế nào. Cho đến khi đèn tắt, tôi vắt áo lên vai, chạy bộ dọc theo bờ sông.
Đi chưa đến cầu, tôi linh cảm có người theo dõi. Và khi vừa xuống khỏi dốc bên kia, hai người đàn ông từ trong bóng tôi lần ra, hươi mũi súng chận tôi lại.
- Đi theo hướng này! - Họ ra lệnh. Nửa đêm về sáng, thân cô thế cô, tôi khuất phục.
Được một đoạn ngắn, họ đẩy tôi lên chiếc xe bít bùng đỗ cách đó chẳng bao xa. Trong rét mướt tối tăm và cả xiềng xích, tôi mừng, dù gì cũng đã đưa được Phúc Hà về tới tận nhà.
T.D.P
(SH323/01-16)
.............................................
(1) Tam tòng: tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử (ở nhà mình vâng lời cha, lấy chồng nghe theo chồng, chồng chết theo con). Tứ đức: công, dung, ngôn, hạnh.
(2) “Zarathustra đã nói như thế”.