Tạp chí Sông Hương - Số 323 (T.01-16)
Tầm quan trọng của tính hiện thực trong tác phẩm nhiếp ảnh
09:23 | 29/01/2016

HOÀNG HỮU TƯ

Ngày đầu nhiếp ảnh du nhập vào Việt Nam chủ yếu là chụp ảnh chân dung con người, mục đích phục vụ cho vua quan sau đó lan rộng đến tầng lớp giới thượng lưu. Giữa thế kỷ 20 những người cầm máy đã có xu thế hướng ống kính vào thế giới tự nhiên.

Tầm quan trọng của tính hiện thực trong tác phẩm nhiếp ảnh
Mẫu giáo Tarin Nam Đông - Ảnh Huỳnh Mẫn

Ảnh là bài văn không lời, nghe và nhìn. Ảnh trong chiến tranh vừa tuyên truyền, vừa quảng bá tinh thần chiến đấu, sản xuất của quân và dân ta. Nhờ vậy, khắp năm châu bốn biển, thế giới biết đến Việt Nam.

Đến thời kỳ đổi mới, con người được cởi mở, giới văn nghệ sĩ được tự do sáng tác, bộ phận nhiếp ảnh cho ra đời nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị về thẩm mỹ, hình thức cũng như nội dung.

Nhiếp ảnh là hoạt động sáng tạo, nó chi phối bởi quy luật hình thức và nội dung. Mọi đối tượng nằm trong không gian ba chiều, nhưng khi đối tượng được ghi lại trong chiếc máy ảnh, nó nằm trong không gian hai chiều trên mặt phẳng mang tính chủ quan. Người cầm máy có ý đồ, phương pháp thể hiện cái thực của đối tượng, khi đã ghi lại được hình ảnh còn phải tu chỉnh về bố cục cũng như nội dung. Vì một lẽ nào đó, người cầm máy cảm thấy chưa thỏa mãn mong muốn, có thể tạo dựng lại với sự hỗ trợ tối đa của kỹ thuật, kỹ xảo để có bức ảnh đẹp về hình thức lẫn nội dung, nhưng phải xuất phát từ cái hiện thực.

Con người bất kể ai đều sử dụng được máy móc, ghi lại hình ảnh mà mình ưa thích. Họ đủ mọi thành phần đủ mọi tầng lớp, đủ cả các trình độ học vấn. Người cầm máy muốn có nhiều bức ảnh nghệ thuật để nói lên tư tưởng tình cảm của mình gửi gắm qua tác phẩm đến được với người thưởng ngoạn. Nhưng trong thực tế không phải ai cầm máy cũng chơi ảnh nghệ thuật được. Người cầm máy chơi ảnh nghệ thuật phải có năng khiếu nhất định, có tư tưởng tốt, có tình cảm dồi dào có kiến thức cơ bản về ảnh nghệ thuật.

Mỗi thành viên cầm máy chụp ảnh nghệ thuật khi cho ra đời đứa con tinh thần phải tự mình thẩm định về tư tưởng và nội dung của tác phẩm. Mối quan hệ giữa tư tưởng và nội dung như thế nào? Tiêu chuẩn một bức ảnh nghệ thuật đánh giá tư tưởng và cấu trúc nghệ thuật của đối tượng, dựa vào mối tương quan giữa hình thức và nội dung để đánh giá đạt hay chưa đạt. Ví dụ: Bức ảnh Nguyễn Văn Trỗi ra pháp trường. Cái chết trong tấc gang trước mũi súng kẻ thù. Hình ảnh anh rất hiên ngang, mặc dù đôi mắt anh đã bịt kín. Nhưng khuôn mặt anh lạc quan yêu đời. Anh ngẩng cao đầu hát bài ca cách mạng, thái độ của anh đã làm cho bọn cầm súng bắn anh phải run sợ. Qua hình ảnh đó ta thấy tính tư tưởng rất cao, cấu trúc đối tượng thể hiện con người chiến thắng, chiến đấu không lùi bước trước mũi súng quân thù. Qua sự phân tích, mới thấy bức ảnh đã đạt được nghệ thuật nhiếp ảnh.

Nhìn chung cả nước cũng như riêng Hội Nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế, có ai được học qua trường lớp, đã có ai được đào tạo bài bản. Cấp trung ương thì có học trường lớp nhưng số đó không nhiều. Vì sao số hội viên được đào tạo bài bản ít vậy? Thứ nhất do cơ chế lúc bấy giờ người nào được vào trường lớp nhiếp ảnh được lựa chọn khá kỹ lưỡng về thân nhân, người ra nước ngoài cũng khá khó khăn trong lựa chọn. Đó là lớp người trước thời kỳ đổi mới. Thời kỳ đổi mới có rộng rãi hơn, số người được học đông hơn, nhưng chỉ chú trọng về ảnh báo chí, còn Hội Nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế có mấy ai có bài bản. Hội viên đến với nhiếp ảnh nghệ thuật đa phần tự phát.

Thời gian qua có nhiều hội viên được giải vàng, bạc, huy chương quốc tế; tại các cuộc liên hoan khu vực, tỉnh thành trong cả nước đều có ảnh đoạt giải từ khuyến khích trở lên. Nhờ vậy Hội có tiếng vang trong giới nhiếp ảnh nghệ thuật cả nước. Thành tích ấy đáng kể, đáng trân trọng. Song nhìn lại một số ảnh đạt giải còn nhiều bất cập, còn nhiều khiếm khuyết. Có hai bức ảnh của hai tác giả chụp ở đầm phá Vinh Hiền, tương tự nhau về hình thức cũng như nội dung. Một người gửi đi nước ngoài thì được huy chương Vàng, một tác giả gửi đi khu vực chỉ được triển lãm. Ngoài ra ảnh được triển lãm chưa có gì mới lạ, chưa mang tính điển hình.

Nhiều bức ảnh tôi được xem còn nặng về hình thức, không chú trọng nội dung, thiếu tính khách quan, tách thực tế xa rời cuộc sống. Tính cấu trúc đối tượng chưa nhịp nhàng, chưa có mối liên hệ chặt chẽ nên người xem không mặn mà với ảnh nghệ thuật. Vì vậy qua các kỳ triển lãm ảnh nghệ thuật lượng người đến không đông.

Ngày nay, nhu cầu con người cảm thụ cái hay, cái đẹp nhiều hơn, nhất là đối với môn ảnh nghệ thuật bởi tính chân thực của nó. Bức ảnh nghệ thuật đã đánh động lòng người xem chưa?; khi xem họ ủng hộ hay phản đối, họ vui mừng hay sợ hãi… Ảnh nghệ thuật nhìn và nghe, bởi vì khi nhìn ra ảnh nghệ thuật trong ta có cảm giác nghe tiếng động nội tâm của đối tượng. Ví như ta thấy bức ảnh thác đổ từ vùng cao, trong ta đã nghe róc rách nước luồn qua kẻ đá cho nên người cầm máy cần chú trọng tính tư tưởng và nội dung, nếu không tấm ảnh nghệ thuật đó không đánh thức lòng người.

Trong xu thế nhiếp ảnh thế giới đang sử dụng nhiều thủ pháp thủ thuật hiện đại, chúng ta nên áp dụng để triển khai khám phá cái đẹp của nó để theo kịp trào lưu thế giới về môn ảnh nghệ thuật. Nhưng chớ quên: Nếu xa rời cuộc sống, những bức ảnh nghệ thuật chỉ là trò chơi màu sắc.

H.H.T
(SH323/01-16)






 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Chùm thơ Cát Du (27/01/2016)
Chùm thơ Cát Du (26/01/2016)
Phúc Hà (25/01/2016)
Thông điệp (25/01/2016)