Tạp chí Sông Hương - Số 324 (T.02-16)
Đầu xuân nói chuyện bài tới bài chòi
09:30 | 29/01/2016

PHƯƠNG ANH

Một chiều đầu xuân, cơn mưa phùn lất phất và những giọt sương non kết thành một bức rèm mờ ảo. Tôi đi qua phố cổ Bao Vinh. Mùi cỏ cây thật ngọt. Những lộc non mới chớm như đang hò reo chào đón mùa xuân mới.

Đầu xuân nói chuyện bài tới bài chòi
Tranh Phan Ngọc Minh

Tôi đi bên những ngọn cỏ xanh, xung quanh là cả cánh đồng rau màu mới. Tôi ngửi được mùi cay cay nồng nồng của luống cải, của rau mùi, rau thơm. Mùi của đất đá hòa quyện với nhau. Tôi yêu những thứ dân dã, bình dị, yêu cả mùi đất ngọt lành, mùi mạ non và mùi rau cỏ mùa xuân, yêu cả nhang khói những ngày tất niên và cả những trò chơi dân gian. Ngày tết ở quê tôi không bao giờ thiếu hoa mai và bài tới, bài chòi. Những trò chơi đầy ắp tiếng cười và kéo mọi người gần gũi với nhau hơn.

Xuân về, vườn nhà nội lại nở rộ những cành mai vàng rực cả góc sân, trong nhà bày biện bao nhiêu mứt bánh. Thuở ấy khắp xóm làng, tết đến là cùng nhau chơi trò bài tới, bài chòi. Tôi cũng lăng xăng theo ông bà học cách chơi và nghe tên gọi của những con bài, càng nghe càng băn khoăn về ý nghĩa của chúng.

Bài tới với tôi là một sự tò mò khi nhìn ông bà cùng mọi người ngồi lại vòng tròn trên chiếu ngay trước nhà. Tôi luôn ngồi bên cạnh nghe những câu hò quen thuộc: Tôi đây vốn thiệt con ầm/ Ai to gan thì đánh ai sợ lầm thì thôi. Một bà lại đối rằng: Hai tay bưng đĩa mắm dầm/ Vừa đi vừa húp té ầm xuống mương. Khi đó ông bà sẽ gọi tên con bài Ầm rồi lần lượt người khác đánh tiếp những con sau. Những cái tên bài lạ lùng: Nọc đượng, Nhì nghèo, Ba gà, Tứ gióng, Năm dày, Sáu nút, Bảy sưa, Tám giây, Đỏ mỏ… nghe chẳng hiểu nhưng lại rất thân thuộc. Sau này trong cuộc chơi bài đôi khi ít còn những câu hò bài bản như các cụ ngày xưa, và cũng không công phu như bài chòi. Vào ngày mồng một tết, thường mỗi nhà đi chúc và hỏi thăm hàng xóm láng giềng, ông bà cha mẹ cùng uống trà với con cháu. Mồng hai, khi đã bày biện mâm cơm cúng tết nhà xong, ông bà lại mang bộ áo dài và cùng các cụ hàng xóm lại trải chiếu ngồi chơi bài tới; đặt bên cạnh là dĩa mứt bánh và trà để nhâm nhi hương vị ngày tết. Ở một số làng bên, trò bài tới được dựng một cách công phu. Giữa những ngã ba đường hay một vùng đất rộng, các cô bác sắp từng dãy ghế, mọi người lại hò đối đáp làm không khí càng trở nên rộn rã.

Một bộ bài tới thường có sáu mươi con và bắt thành ba mươi cặp quân bài dành cho sáu người chơi. Bộ bài tới ở Huế có ba pho: Pho văn gồm các quân bài: Gối, Trường hai, Trường ba, Voi, Rún, Sáu tiền, Liễu, Tám tiền, Xe. Pho vạn có các quân bài: Học trò, Tám cẳng, Ba đấu, Xơ, Quăn, Nhọn, Bồng, Thầy. Pho sách có các quân bài: Nọc đượng, Nghèo, Gà, Gióng, Giày, Sáu hột, Xưa, Tám giây, Đỏ mỏ. Ba cặp yêu là: Ông ầm, Thái tử, Bạch tuyết. Ở Huế người ta quen chơi bắt cặp, ai đủ cặp trước, hết bài thì tới và trò này tới rất nhanh, không đắn đo suy nghĩ nhiều như những loại bài khác nên người Huế gọi đó là bài tới.

Cùng một bộ bài tới, nhưng có cách chơi khác công phu và được sắp xếp hoành tráng hơn gọi là bài chòi. Những cây bài được dán trên những thanh tre hoặc gỗ để dễ cầm tay. Mỗi lần tới ngày hội, đặc biệt là ngày tết, trước sân đình hay một khu đất rộng, người ta sẽ dựng những cái chòi bằng tre mái tranh. Có sáu chòi dành cho người chơi, những chòi còn lại sẽ dành cho những người tham dự và cổ vũ. Người điều khiển thường là những người có nhiều kinh nghiệm và lớn tuổi trong làng. Các cây bài được đựng trong những chiếc ống bằng tre hay trong những chiếc lon rồi người điều khiển sẽ đi phát cho người chơi. Những cây cờ xanh đỏ được treo lên bên cạnh mỗi chòi, có cả những chiếc lọng đỏ treo trước cổng. Bên cạnh những chòi giản dị đó điểm thêm những hội cua bầu của đám trẻ con, những gian hàng đồ chơi màu sắc rực rỡ. Khung cảnh hiện ra thật gần gũi với thú vui tao nhã của làng quê và khắc họa được bản sắc dân gian qua những câu hò, câu đáp. Trò chơi bài chòi, bài tới làm cho con người xích lại gần nhau hơn, cho làng quê những ngày rộn rã tiếng cười, đầm ấm tình và lòng hân hoan trong tiết xuân, xua tan bao sự mệt nhọc vất vả sau một năm làm lụng.

Trò bài tới, bài chòi ở Huế vẫn còn đang phổ biến và rất giá trị với văn hóa làng quê. Đằng sau những con bài đẹp mắt là cả một sự thầm lặng, vất vả của người làm nên chúng. Họ đã góp phần không nhỏ trong việc gìn giữ nét văn hóa mộc mạc của miền quê. Tôi biết có những người phụ nữ âm thầm từng ngày tạo ra những con bài tới với mong muốn được bảo tồn trò chơi này.

Đầu xuân tôi tìm về làng Địa Linh, một ngôi làng với khá nhiều gia đình còn giữ nghề làm bài tới. Nhà dì Nguyệt, trong khuôn viên sân nhỏ nhắn, cành mai đang chớm những nụ hoa e ấp. Sinh ra trong một gia đình làm nghề bài tới đến nay đã ba đời. Trải qua gần bốn mươi năm gắn bó, bao nhiêu khó khăn vất vả dì vẫn cứ chung thủy với nghề. Ngoài dì, vẫn còn một vài người trong xóm của dì vẫn làm nghề này, nhưng cũng vì phải mưu sinh cuốn theo cơm áo gạo tiền nên nghề làm bài tới đối với họ không còn mặn mà như trước.

Những ngày giáp tết, xóm làng rộn ràng, người xới cỏ, người treo hoa, người làm bánh chưng bánh tét. Trong nhà, dì Nguyệt vẫn cẫn mẫn làm những con bài. Là một người phụ nữ chăm lo chu toàn cho gia đình, khuôn mặt phúc hậu cùng nụ cười duyên dáng. Dì vừa làm vừa kể cho tôi nghe về cách làm bài tới. Ngày xưa, khi cùng cả nhà làm bài tới, các công đoạn vất vả hơn bây giờ. Những tấm giấy rất mỏng được quét bột sắn hoặc bột lọc rồi dán vào nhau thành bốn đến năm lớp để cây bài được cứng. Mỗi tấm giấy in được mười lăm con bài. Những con bài được cắt nhỏ cho khớp với mộc bản, dùng mực xạ đổ vào mộc bản rồi tra giấy vào khuôn. Sau một phút thì mang giấy ra phơi khô để hình in được hiện lên rõ nét. Mặt sau của bộ bài tới được dán bằng những loạt giấy rất mỏng màu xanh đỏ. Sau này, khi công nghệ tiên tiến hơn, dì thay những tờ giấy mỏng thành những tấm bìa cứng và in họa tiết màu đỏ trông bắt mắt và cây bài được cứng hơn. Bây giờ dì không in bằng mộc bản như trước nữa bởi tốn rất nhiều công sức và không kịp cung cấp cho các cửa hàng, mà thay thế bằng phương pháp in trên phim, quân bài nhìn rõ và công đoạn cũng đã được thu gọn lại. Bài được làm xong thì đóng thành từng thùng chở ra bỏ hàng cho những tiệm tạp hóa ở chợ Đông Ba. Ở Huế, dì là người cung cấp duy nhất loại bài này và từ chợ Đông Ba các cửa hàng phân phối khắp nơi. Nhiều nơi chơi bài chòi, bài tới nhưng lại không có nghề in bài, nên một số nơi như ở Hội An, Đà Nẵng đều mua bài tới từ Huế.

Dì Nguyệt kể cho tôi nghe trong niềm hân hoan vì đã bảo tồn nghề bài tới theo lối kỹ thuật in mộc bản, được các chuyên gia Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đánh giá là chỉ còn tồn tại độc nhất ở Huế. Đây là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng hồ sơ “Nghệ thuật Bài Chòi miền Trung Việt Nam” trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nhìn những quân bài tới đang còn cắt dang dở, tôi lại nghĩ đến sự vất vả của dì với đôi mắt thâm quầng trong những ngày giáp tết. Dì chia sẻ, ngày thường cũng làm nhưng túc tắc để bỏ đủ hàng ngoài chợ; sắp tết nhu cầu của người chơi nhiều, những mối hàng đặt nhiều hơn nên đôi khi phải làm thâu đêm. Dì hiểu rằng với việc mình đang làm một phần giúp trò bài tới luôn luôn được giữ gìn như chính những đam mê của mình. Đã từ lâu dì Nguyệt không coi trọng thu nhập với nghề làm bài tới nữa. Với dì, giờ già rồi, làm được thì cứ làm để có thể lưu giữ những giá trị của nghề. Ngày tết, duy chỉ có bàn thờ tổ tiên được dì bày biện thật trang trọng và ấm cúng, ngôi nhà vẫn còn bề bộn với bao nhiêu giấy tờ dụng cụ làm nghề. Dì bảo khi những cửa hàng đã đủ hàng cung cấp, dì mới yên tâm và bắt tay vào lo cho ngôi nhà của mình. Ngày ba mươi tết, dì trang trí cho ngôi nhà thật đẹp bằng những chậu hoa cúc mà các con mua về. Trước cổng nhà, hoa mai cũng đang nở rực cả một góc vườn. Dì nhanh tay cùng các con gói bánh chưng bánh tét. Người đi chặt lá, người ủ nếp, người làm nhụy, chẳng mấy chốc những chiếc bánh hoàn thành và chỉ đợi đêm giao thừa cả nhà ngồi quây quần bên bếp lửa ấm. Vui vì đón xuân về, vui vì những con bài mình làm ra đang ở trên tay bao người cùng nhau chơi trong những ngày tết.

Giới trẻ chúng tôi không còn nhiều người biết chơi bài tới như thế hệ trước và ít có cơ hội tiếp xúc với văn hóa dân gian. Cuộc sống hiện đại cùng bao thứ hấp dẫn, mấy ai còn theo nghề như dì Nguyệt. Ba ngày tết, những chuyến đi, những cuộc gặp gỡ bạn bè khiến thú vui dân gian không còn mấy hấp dẫn. Dẫu sao, vẫn còn đâu đó những bạn trẻ yêu mến giá trị văn hóa dân gian qua những trò chơi thú vị như bài tới, bài chòi, mặc dù chưa thấm vào tâm hồn như người xưa. Những thế hệ đi trước như dì Nguyệt vẫn hy vọng con cháu đời sau có thể giữ gìn và lưu truyền giá trị của trò chơi đầy ý nghĩa này.

P.A
(SH324/02-16)





 

Các bài mới
Cơn giông (24/02/2016)
Huế ngủ (19/02/2016)
Các bài đã đăng