Tạp chí Sông Hương - Số 324 (T.02-16)
Hình tượng con khỉ, con vượn trong truyện cổ Tà Ôi
15:42 | 05/02/2016

TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG  

Người Tà Ôi gọi con khỉ là alai, con vượn là avô. Trong đời sống kinh tế của họ không có thói quen nuôi hay thuần dưỡng loài thú này nhưng trong đời sống văn hóa thì hình tượng con khỉ, con vượn được xem là con vật linh thiêng, vật tổ của những người có dòng họ mang tên Avô (Yăq Avô), là hình tượng của tín ngưỡng phồn thực, là vị cứu tinh của dân làng từ thuở ban sơ.

Hình tượng con khỉ, con vượn trong truyện cổ Tà Ôi
Hình con khỉ được vẽ trang trí ở nhà rông thôn Chai, xã Đông Sơn, A Lưới

Trong kho tàng truyện cổ Tà Ôi đã có câu chuyện kể về dòng họ Avô liên quan đến con vượn rằng: “Ngày xửa, ngày xưa có hai anh em nhà nọ cha mẹ mất sớm. Hai anh em họ lúc còn nhỏ thì sống với nhau rất hòa thuận, càng lớn lên thì bản tính của hai anh em ngày càng đổi khác. Người anh thì hiền lành chất phác trong lúc đó người em thì đâm ra hay cáu kỉnh, gắt gỏng và trở nên keo kiệt.

Thế rồi hai anh em biết không thể sống chung với nhau được mãi nên người anh cưới vợ và ra ở riêng, dựng một căn nhà nhỏ ngay trong khu vườn nhà bố mẹ để lại. Còn người em vẫn sống trong ngôi nhà dài to lớn và giàu có về của cải. Có như thế thì mới thỏa được tấm lòng tham lam của người em.

Vì là tình cảm anh em ruột rà máu mủ nên vợ chồng người anh vẫn thường hay lui tới với người em và động viên em hãy mau tìm vợ và xây dựng mái ấm gia đình. Mỗi lần vợ chồng người anh sang chơi và động viên như vậy thì người em cứ tưởng là vợ chồng anh mình sang nịnh bợ để xin của. Thật ra bản tính của vợ chồng người anh không phải vậy mà là do người em ích kỷ nên thường hay nghĩ xấu đến người anh của mình.

Một ngày nọ người em mang chiếc tikek
(1), xách cung tên vào rừng thăm bẫy thì thấy trong bẫy mình có một con vượn to lớn, người em mừng lắm và trong bụng nghĩ thầm: Phen này ta sẽ có thịt khô để ăn trong mùa đông rồi và sẽ không cho thằng anh siêng ăn nhác làm kia đâu.

Người em hí hửng tháo bẫy, bắt trói con vượn, rồi chặt một khúc tre lớn để vác con vượn về nhà. Vì có sẵn tính xấu cho nên trên đường về, người em không trả lời bất cứ câu hỏi nào của những người đi rừng vì anh ta sợ họ xin chia thịt vượn. Hoặc cứ mỗi lần có người hỏi đặt bẫy ở đâu, đặt trong mấy ngày thì người em lại cáu kỉnh, gắt gỏng trả lời:

- Ở trong rừng chứ đâu. Hơn một tháng đấy. Có kiên nhẫn chờ đợi không mà hỏi vậy?

Chẳng mấy chốc người em vác được con vượn về đến nhà. Khi thấy bên nhà người anh của mình có khách ở xa đến chơi, người em vội đi vào đường sau nhà để con vượn trên sàn nhà rồi lặng lẽ đi tắm rửa. Người anh thấy em về liền vội hỏi qua:

- Em đi thăm bẫy về rồi à, có con gì mắc bẫy không?

Người em lặng im một lát rồi đáp:

- Vâng, nhưng chỉ có một con chim nhỏ thôi, em đã nướng ăn trong rừng rồi.

- Anh có khách quý từ phương xa đến à. Họ có ở lại qua đêm không?

Người anh nghe em hỏi vậy liền trả lời.

- Có chứ, khách ở xa mà.

Nghe đến đó, người em liền đi nhanh đến cầu thang để lên nhà. Lên đến nhà rồi, người em đóng ngay các cửa lại. Sau đó người em nhóm lửa đặt chiếc giá chắc cột con vượn lên thui. Vừa lúc mới chuẩn bị thui thì nghe có tiếng gõ cửa. Nghe tiếng gõ cửa, người em biết người anh của mình cũng dẫn khách qua. Không biết làm thế nào, nếu có khách của người anh thì họ sẽ ăn hết thịt vượn của mình mất, người em nghĩ vậy.

Vừa lúc đó ý nghĩ chợt lóe lên trên đầu, người em vác ngay con vượn đôi lên tra, nhưng người em không biết rằng lúc đó trong tay con vượn có cầm một que củi đã ngấm lửa. Đôi con vượn lên tra rồi thì người em mới lên tiếng và ra mở cửa cho anh và khách vào. Mọi người ngồi cũng khá lâu thì bỗng nghe mùi khét của bắp và lúa, cùng mùi thịt. Thì ra que củi mà con vượn cầm kia đã ngấm vào trần nhà làm cho mọi thứ lương thực ở trên tra bốc cháy, lửa bén vào mái nhà cháy rừng rực. Mọi người vội la làng kêu cứu chữa cháy nhưng quá muộn, lửa cháy nhanh quá, bao nhiêu của quý cùng ngôi nhà dài hơn trăm tuổi đã ra tro.

Trong khi nhà cháy không còn gì cả thì người em lại quay trở mặt vu khống cho rằng khách quý của anh lợi dụng mùa hè gió to đốt nhà mình. Vợ chồng người anh và khách không tài nào giải thích được thì lúc đó có vị già làng bước đến, ông ta chỉ vào đống tro, thấy có một đống xương trắng hếu và nói rằng kẻ đốt nhà chính là con vượn mà người em đã đi thăm bẫy đem về ngày hôm nay.

Nghe đến đó, người em mới hoảng sợ và oà khóc, xin anh và khách tha tội. Rồi người em nói trước dân làng rằng:

- Tôi đã đổ oan cho người khác. Lỗi tại tôi, tôi bị trừng phạt và từ nay tôi sẽ không bắt và giết thịt vượn nữa.

Vợ chồng người anh, khách và toàn thể dân làng đều thông cảm điều đó cho anh ta. Và họ cũng nguyện lấy tên con vượn đặt tên họ cho cả làng gọi là Yăq Avô.

Ngày nay dòng họ này vẫn còn tồn tại và được người Tà Ôi ở A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế sử dụng để lấy đó làm họ cho mình”
(2).

Thông qua câu chuyện kể trên là một đơn cử trong nhiều truyện nói về đề tài mang yếu tố bái thờ vật tổ theo hình thức tôtem giáo của người Tà Ôi và đã có một sự đánh giá cho rằng “Ở người Tà Ôi dấu vết của tổ tiên còn đậm nét trong các tổ chức dòng họ”(3). Về vấn đề bái thờ vật tổ của người Tà Ôi, các nhà nghiên cứu đã nói rất rõ: “Hình thức cơ sở nhất là tôtem, là ông tổ huyền tho- ại thường là con vật, cây cối hay vật dụng nào đó. Những người cùng một ông tổ huyền thoại này đều coi nhau là anh em, cùng kiêng cữ không ăn hoặc sử dụng tôtem của mình có các tập tục liên quan khi cúng lễ vật tổ và thường không có quan hệ hôn nhân... Hình thức vật tổ này còn thấy khá phổ biến trong các tộc nói ngôn ngữ Môn - Khmer vùng Trường Sơn - Tây Nguyên”(4). Mỗi Yăq (họ) của người Tà Ôi vì thế với tên gọi của mình thường có một truyền thuyết đi kèm giải thích nguồn gốc của dòng họ mình như trường hợp câu chuyện Yăq Avô nói trên là một điển hình. Một điểm chung nhất trong việc giải thích dòng họ của người Tà Ôi là mọi người đều nguyện không bắt, giết, ăn thịt con vật nằm trong sự kiêng cữ về vật tổ (như: con chó, mèo, rắn nước, rắn mối, ếch, trút, thằn lằn, ong, cua, chó sói, heo rừng, sóc, chim Tutiết, chim Kậtxích, chim Amoong, con Ariêng, chim bìm bịp, con Tulom, con Pahu, v.v). Nhưng lại có một sự khác biệt mà chúng tôi cũng đồng ý với các nhà nghiên cứu khi nghiên cứu về những vấn đề có liên quan đến văn hóa dòng họ các dân tộc thiểu số như sau: “Sự phân biệt giữa các dòng họ thể hiện rõ nét trong phong tục tập quán, trong lễ thức tôn giáo và huyền thoại về nguồn gốc, về sự kiêng cữ vật tổ”(5). Đối với người Tà Ôi việc giải thích nguồn gốc các dòng họ thông qua câu chuyện cổ một phần nào đã nói lên những tính cách đậm nét của người Tà Ôi là “Tự hào về dòng họ mình, thờ tổ tông theo dòng họ, dùng gián tiếp bằng cách lấy bộ phận của con vật tổ để gọi”(6).

Hình tượng con khỉ xuất hiện trong truyện cổ Tà Ôi thường là những người bị biến thành khỉ như trong truyện Apơơng và Auông, truyện kể rằng “Apơơng và Auông là con gái của thần Mặt trời, lấy hai anh em người trần là Apất Ârlâng và Âpất Ârlieng, họ sống với nhau rất hạnh phúc trong suốt một thời gian dài, con cái đủ đầy. Nhưng trong vùng có một con quỷ cái tên là Kârchoq chuyên đi phá hoại hạnh phúc của những người khác, và đôi vợ chồng Apất Ârlâng - Apơơng bị nạn. Chàng Apất Ârlâng vì bị mê muội mà nghe lời và theo ở với quỷ cái Kârchoq mà đánh đuổi vợ mình và Apơơng bị quỷ cái Kârchoq cho biến thành khỉ rồi Apơơng vào rừng ở với bầy khỉ.

Kể từ khi cùng đàn khỉ vào rừng, Apơơng lúc nào cũng theo đàn khỉ leo trèo hái quả chín khắp nơi. Ngày đó, đang hái quả, Apơơng nghe tiếng trẻ khóc, nàng cảm thấy xót lòng, nàng nhớ đến con mình và mỗi lúc một nghe sao giống tiếng khóc của con mình quá. Nàng nghĩ chắc đúng vậy, nàng cố chuyền từng cây một để tìm đến gần tiếng khóc của đứa bé. Nàng Apơơng thương con quá, nàng thấy đứa bé rồi nên đứng rình xem chứ không dám đến gần, nàng thấy có một cô gái đang cõng đứa trẻ, nàng không biết người đó là nàng Auông em mình, đứa trẻ đó là con mình.

Ngày nào cũng vậy, nhân cơ hội khi đứa trẻ đặt nằm một mình ở trên chòi và nàng Apơơng rón rén đến, bỏ trộm vào chỗ đứa trẻ nằm vài quả ngọt cho con và còn cho con bú. Khi xong việc nàng lại trở lại ra xa để tránh khỏi bị mọi người thấy. Cứ mỗi lần làm xong rẫy, Auông trở lại chòi cõng cháu về thấy xung quanh người cháu có nhiều quả rừng ngọt lịm, thơm lừng nàng đem lòng hoài nghi rằng Apơơng còn sống cho nên mọi người liền tìm cách giết Kârchoq. Nhờ sự giúp đỡ của con thằn lằn thần linh đã giết chết con Kârchoq, xác của nó được các trai làng băm nhỏ cho cá ăn.

Khi biết Kârchoq đã chết, người nhà của Âpất Ârlâng bắt đầu lập kế để tìm cho được Apơơng về. Như thường lệ Auông cõng đứa trẻ lên rẫy, đặt cho nó nằm một mình trên chòi còn mọi người tìm chỗ ẩn nấp. Như thường ngày, chọn giờ không có người ở cạnh đứa trẻ, nàng Apơơng lại xuất hiện bên con, nàng Apơơng chẳng để ý gì xung quanh, nhân cơ hội đó, chàng Âpất Ârlâng lực lưỡng nhảy lại ôm chặt vợ trong vòng tay, bà lão thì đọc câu thần chú, còn Auông thì mặc ngay chiếc váy vào cho chị mình, Apất Ârlieng liền ôm đứa trẻ đi nhanh xuống chòi. Thế là Apơơng đã được mọi người cứu về từ cánh rừng hoang vu. Apơơng thật sự chia tay đàn khỉ để trở về với chồng con với em gái mình, với em chồng và bà lão nhân hậu. Điều quan trọng là nàng được quay trở lại làm người như trước, sống cuộc đời hạnh phúc bên chồng con và những người thân”
(7). Thông qua câu chuyện này tuy mang yếu tố thần kì nhưng lại thể hiện rõ nét cuộc sống xã hội của người Tà Ôi là họ có ước mơ chinh phục tự nhiên (lấy con thần Mặt Trời), đấu tranh chống lại cái ác (giết quỷ cái Kârchoq), xây dựng cuộc sống gia đình.

Hoặc câu chuyện Người vợ vượn kể lại rằng “Đã qua không biết bao nhiêu mùa rẫy rồi, từ thuở con người và các loài cầm thú còn sống chung với nhau, có chàng trai nọ chuyên nghề săn bắn. Thời gian đầu chàng chỉ quẩn quanh nơi mình ở cũng đủ thịt ăn. Nhưng rồi muông thú xa lánh chàng ta dần, lắm lúc chàng phải lặn lội vào rừng sâu mới mong săn bắt được con mang, con thỏ.

Một hôm, trong lúc đuổi theo một con nai, tình cờ chàng trông thấy một con vượn rất đẹp và bắn chết nó đem về. Con vượn được đưa vào lửa nướng. Nhưng lạ lùng thay càng già lửa, lông da của con vượn càng vàng rực lên mà không hề bị cháy. Bực tức, chàng ném con vượn lên giàn bếp, rồi tiếp tục vào rừng.

Chiều tối, chàng trai về nhà thì vô cùng ngạc nhiên khi thấy nhà cửa gọn gàng và một bữa cơm ngon lành đã dọn sẵn ở nhà. Chàng ta lục tìm xem, ai đã đến nhà mình làm việc này, nhưng chẳng được một manh mối nào. Chàng ngồi ăn. Đây là bữa cơm ngon nhất mà chàng được ăn từ nhỏ đến giờ. Thêm mấy hôm nữa cũng xảy ra như thế.

Chàng trai quyết rình xem. Hôm ấy, đi nửa đường thì chàng quay lại, theo đường tắt về nhà và núp sau cửa bếp chờ xem. Từ trên giàn bếp, nơi xác con vượn đang nằm, bỗng xuất hiện một người con gái xinh đẹp vô cùng. Cô gái cầm lấy chổi quét dọn nhà cửa.

Đợi người con gái quay lưng về phía mình, chàng trai nhẹ nhàng bước tới, chụp lấy tay cô và khẩn thiết mong được cùng cô thành đôi vợ chồng. Cô gái cảm động nhận lời với điều kiện:

- Từ nay, chàng trai không được săn bắt loài vượn nữa.

Hai người sống với nhau rất hạnh phúc. Họ sinh được hai đứa con thì xảy ra chuyện chẳng lành. Hôm đó, người chồng lặn lội suốt ngày trong rừng mà chẳng được con thú nào. Anh lo lắng không biết ngày mai vợ con sẽ lấy gì mà ăn. Về gần tới nhà, thấy bầy vượn nhảy nhót vui vẻ trên cành, chàng lắp tên vào nỏ, bắn một con vượn bé nhất. Đàn vượn rú lên kinh hoàng. Người vợ ở nhà nghe tiếng rú, chạy tới chỗ đàn vượn thì thấy chồng đang xách cổ con vượn nhỏ, đó cũng chính là con của nàng. Nàng đau khổ, than khóc thảm thiết rồi bỏ nhà ra đi. Nàng về với đàn vượn của mình mặc cho người chồng van xin nàng tha thứ.

Dù không chung sống với chồng nhưng nàng vẫn thương yêu hai con. Mỗi khi người chồng đi khỏi nhà, nàng lại lẻn về lo cơm nước cho con. Người chồng khá lâu sau mới phát hiện ra chuyện người vợ mình thường trở về chăm sóc cho con. Anh ta cũng đi vào rừng như mọi ngày nhưng chỉ một đoạn là quay lại đợi ở góc vườn. Khi người vợ đến nấu nướng cho con, anh liền xuất hiện, van nài nàng ở lại. Người vợ thấy thương cho chồng, đồng ý và không quên nhắc lại lời hứa cũ, mong chồng đừng sai phạm. Người chồng rối rít bằng lòng.

Thế nhưng chỉ một thời gian sau, người chồng lại quên lời hứa một lần nữa. Đó là lúc anh ta đi ngang qua dòng suối về nhà, thì đàn vượn nhớ lại chuyện cũ, hò hét ném trái cây vào anh. Người chồng nổi nóng lắp tên bắn. Và một con vượn cái to nhất đàn rơi xuống dòng nước, máu ra lênh láng. Người vợ đang giặt dưới suối, thấy nước lẫn máu tươi, chạy ngược lên xem thì thấy chính mẹ của mình đã bị bắn chết. Nàng đau đớn chạy biến vào rừng.

Ít hôm sau, người chồng cảm thấy hối hận nhưng không còn cách níu kéo nữa, mới làm chiếc bè để cùng hai con xuôi theo dòng suối ra đi. Đàn vượn kéo nhau la ó đánh đuổi dọc hai bờ suối, khiến anh ta rất khiếp sợ, đẩy bè thật nhanh. Người vợ từ rừng sâu chạy về, thấy chồng đem con bỏ đi, lao xuống để giành hai con lại, chẳng may trượt chân ngã vào tảng đá, chết tươi. Anh chồng thấy vậy, dừng bè hòng quay lại nhưng đàn vượn hú dọa, ném trái vun vút vào người, đành thả bè trôi theo dòng nước trong tiếng kêu thê thảm của hai đứa con thơ”
(8).

So với câu chuyện Apơơng và Auông thì thông qua câu chuyện Người vợ vượn, cả hai nhân vật đều là người đội lốt thú nhưng lại là thông điệp gửi đến cuộc sống chúng ta là nhắc nhở mọi người bài học phải biết ứng xử tốt với môi trường tự nhiên. Mặc dầu sinh hoạt kinh tế của người Tà Ôi là săn bắt, hái lượm sản vật từ rừng núi nhưng họ cũng biết tái tạo lại thiên nhiên, biết kiêng cữ những loài thú là vật tổ của cộng đồng. Thông qua những câu chuyện trên cho thấy đây là một kho tàng tri thức bản địa của người Tà Ôi tạo ra bằng hình thức kể chuyện để giáo dục con cháu phải biết yêu quý thiên nhiên và động vật hoang dã quanh mình.

Trong thần thoại của thổ dân Bororo cho rằng “Con khỉ thuở xưa đã như là một con người, được coi như một người hùng khai hóa, nó đã phát minh ra kỹ thuật lấy lửa bằng sự cọ xát”(9). Trong đời sống tinh thần của người Tà Ôi họ thường xem con khỉ là mang lại nhiều điều tốt lành, niềm vui, là nhân vật hay làm chứng trong tình yêu của những người nghèo, tiếng hú của khỉ, của vượn là thay thế cho tiếng chiêng, tiếng trống trong những đám cưới của những đôi vợ chồng nghèo. Tại ngôi nhà sàn cộng đồng thôn A Hưa, xã Nhâm, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện có 1 tượng khỉ bằng gỗ quý, cao lớn. Dưới bàn tay tài hoa của 2 nghệ nhân đẽo tượng Tà Ôi là Quỳnh Vân và Quỳnh Nam họ đã tạc nên hình con khỉ vạm vỡ mang đậm dấu ấn của tín ngưỡng phồn thực, đó là bộ sinh thực khí nam lộ rõ, thân hình con khỉ đang ở tư thế phô diễn hình thể. Các vị già làng trưởng bản Tà Ôi ở xã Nhâm cho rằng họ luôn gửi gắm những ước mơ của cá nhân, dòng tộc, cộng đồng qua hình tượng con khỉ để cầu mong cho gia đình, dòng họ, cộng đồng làng bản được sinh sôi nảy nở con cháu đông đúc để giữ gìn và bảo vệ bản làng, quê hương. Và từ thuở xa xưa, trong khi đi tìm những vùng đất mới, người Tà Ôi thường xem con khỉ, con vượn là những người bạn đường của mình. Chính sự thông minh, nhanh nhẹn những con khỉ, con vượn đã biết chỉ đường đi lối lại trong rừng, biết đấu tranh chống lại cái ác, kẻ thù, cho nên người Tà Ôi coi nó như là những người bạn.

T.N.K.P
(SH324/02-16)


--------------------
1. Tilek: Chiếc gùi 3 múi thông dụng của người Tà Ôi.
2. Trần Nguyễn Khánh Phong: Chàng Phuật Nà (Truyện cổ Tà Ôi, Cơtu). Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2006.
3. Nguyễn Quốc Lộc (Chủ biên), Nguyễn Hữu Thông, Nguyễn Thị Hòa: Truyện cổ Tà Ôi. Sở Văn hóa thông tin Bình Trị Thiên, Huế 1985, trang 12.
4. Bế Viết Đẳng (Chủ biên): Các dân tộc thiểu số trong sự phát triển kinh tế xã hội ở miền núi. Nxb. Chính trị quốc gia, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội 1996, trang 99.
5. Bế Viết Đẳng (Chủ biên)..., sđd, trang 104.
6. Nguyễn Thị Sửu: Đôi nét về hoa văn trên trang phục Tà Ôi. Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 8 (218), 2002, trang 44, 45.
7. Trần Nguyễn Khánh Phong, Lê Thị Quỳnh Tường: Truyện cổ dân tộc Tà Ôi. Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2009, trang 118 - 130.
8. Trần Nguyễn Khánh Phong, Rahchơlan Măng Téo, Lê Hồng Phong, Lâm Quý, Mã Thế Vinh: Truyện cổ một số dân tộc thiểu số. Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2012, trang 69, 70, 71.
9. Jean Chevalier, Alain Gheerbrant: Từ điển Biểu tượng văn hóa thế giới. Nxb. Đà Nẵng, Trường viết văn Nguyễn Du, 2002, trang 480, cột 2.




 

 

Các bài mới
Cơn giông (24/02/2016)
Huế ngủ (19/02/2016)
Các bài đã đăng
Cổ tích… (04/02/2016)
Chợ Xuân (02/02/2016)
Quê Mẹ (02/02/2016)
Tết quê xưa (31/01/2016)