Tạp chí Sông Hương - Số 324 (T.02-16)
Biểu tượng khỉ, từ biểu tượng văn hóa đến biểu trưng ngôn ngữ và văn học
15:19 | 11/02/2016

NGUYỄN VĂN HÙNG

1. Khỉ - biểu tượng xuyên văn hóa
Khỉ có nhiều đặc tính giống loài người, thuộc loại động vật có vú, sinh con, thường ở trong rừng, ưa nhảy nhót chuyền cành, sống từng bầy đàn, thông minh hơn các loài vật khác, và đặc biệt có tài bắt chước con người.

Biểu tượng khỉ, từ biểu tượng văn hóa đến biểu trưng ngôn ngữ và văn học
Ảnh: internet

Có lẽ vì vậy, trong các nền văn hóa, hình ảnh con khỉ biểu tượng cho sự nhanh nhẹn, hoạt bát, tinh nghịch, láu lỉnh; nhưng cũng có khi nó được người ta tôn thờ như một vị thần có sức mạnh vô biên trong hành trình tiễn trừ cái ác.

Từ xa xưa, khỉ đã có mặt trong đời sống văn hóa nhân loại. Trong Phật pháp, hình tượng khỉ (tiếng Phạn là Markata), dịch âm tiếng Phạn là ca tra, mang nhiều hàm ý thâm sâu. Khỉ xuất hiện khá nhiều trong các câu chuyện Kinh Phật: Vua khỉ lấy thân mình cứu chúng khỉ, Câu chuyện về vượn khỉ dâng mật ong, Con khỉ tự cho mình là thông minh, Vua khỉ trí tuệ; và những motif, từ vựng liên quan trong Phật giáo: “Khỉ bắt trăng”, “Sông Ma Các”, “Động đá cổ Ti Ô ở Trạch Dương”. Do tâm tính của nó vội vàng, tùy tiện, khó điều khiển, thường bỏ một chọn một, cho nên trong sách cổ thường dùng nó để so sánh với vọng tâm của người phàm trần. Trong quyển 43 của Tạp a hàm kinh đã dùng sáu loại động vật là chó, chim, rắn độc, dã can, thất thu ma la, khỉ để ví với Lục căn của chúng sinh. Khỉ được ví với cái tâm xấu xa, không thể tĩnh tại của con người qua hình ảnh “lục song nhất viên” (sáu cửa sổ một con vượn) [7, tr.116].

Từ nhân vật trong thần thoại Hindu, khỉ Hanuman trở thành nhân vật trung tâm trong hai bộ sử thi vĩ đại của dân tộc Ấn Độ - Ramayana Mahabharata, giúp đỡ cho người anh hùng Rama trong cuộc chiến chống lại vua quỷ Ravana. Trong các đền thờ ở Ấn Độ đều có hình ảnh Hanuman, vị thần khỉ nổi tiếng với vũ khí là quả chùy (gada), biểu tượng cho lòng dũng cảm và sự trung thành. Thần rất sùng bái người bạn của mình là Rama (vị vua anh hùng, hóa thân của Vishnu - Đấng bảo tồn trong quan niệm Trimurti của Ấn Độ giáo) và cũng được Rama tin tưởng, yêu thương nhất (trong nhiều bức vẽ về Hanuman có hình Rama xăm trên ngực). Hình tượng thần Hanuman mặt khỉ in bóng trong văn hóa Khmer. Chúng ta có thể bắt gặp hình ảnh Hanuman ở khắp nơi, trong sách vở, đền chùa, tranh tượng, tranh phù điêu chạm trổ, và trong tín ngưỡng cầu mưa của người Campuchia.

Truyền thuyết về Hanuman sau khi đến Trung Quốc thì diễn biến thành câu chuyện Tôn Ngộ Không nổi tiếng trong Tây du ký (Ngô Thừa Ân). Theo ý nghĩa Phật giáo, Ngộ Không là sự giác ngộ từ những cái không: không cha mẹ, nhà cửa, gia đình, vợ con… Theo ý nghĩa Lão giáo, Ngộ Không là con khỉ đá, sinh ra từ khoảng trống của Trời và Đất [3]. Con khỉ này là người đồ đệ/ bạn đường của cao tăng Huyền Trang trong cuộc hành trình đi thỉnh Kinh Phật. Nó không chỉ là người bạn đường hay bông lơn mà còn là một vị phù thủy Đạo giáo có pháp thuật cao cường.

Trong quan niệm Á Đông, Thân (con Khỉ) đứng hạng thứ 9 của 12 con vật trong Thập Nhị Địa Chi. Nó đi vào đời sống qua năm thân, tháng thân, ngày thân, giờ thân. Trong quan niệm của dân tộc Hán, khỉ được xem là con vật cát tường. Do chữ hầu (khỉ) và hầu được dùng chung và có âm giống nhau, nên trong nhiều bức tranh có vẽ hình con khỉ với ngụ ý phong tước quan hầu (“Phong hầu treo ấn”, “Đời đời phong hầu”, “Mã thượng phong hầu”). Ngoài ra, khỉ còn xuất hiện trong các nghi thức cúng tế (dân tộc Cao Sơn ở Đài Loan), võ thuật truyền thống (võ hầu quyền), trong nghệ thuật biểu diễn (sân khấu Kinh kịch với những tích tuồng cổ: Động Thủy Liêm, Náo thiên cung, Kim đao trận, Mượn quạt, Động Vô đáy…), nghệ thuật tạo hình (hội họa, điêu khắc), nghệ thuật ngôn từ (tục ngữ, thành ngữ, truyền thuyết, văn học viết)…

Ở Nhật Bản, do ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, motif “khỉ bắt bóng trăng trong nước” rất phổ biến trong nghệ thuật hội họa. Tại vùng Nikko (cách Tokyo chừng 140 cây số về hướng Bắc), trong đền Toshogu còn lưu giữ một bức điêu khắc cổ bằng gỗ của nghệ nhân Hidari Jingoro (thế kỉ XVII) rất nổi tiếng, có tượng 3 con khỉ tên Mizadu (bịt mắt), Kikazadu (bịt tai), Iwazadu (bịt miệng). Hình tượng 3 con khỉ vừa là sáng tạo nghệ thuật, đồng thời vừa ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu xa mà người Nhật muốn gửi gắm: bịt mắt để dùng TÂM mà nhìn, bịt tai để dùng TÂM mà nghe, bịt miệng để dùng TÂM mà nói. Khi TÂM ở trạng thái “Tĩnh”, không bị quấy rầy, phân tán bởi điều xấu, thì TÂM mới “ngộ” ra điều Thiện. Lúc này, hãy dùng cái TÂM thiện, TÂM đẹp… mà nghĩ/nói/làm.

Trong tín ngưỡng của người Ai Cập cổ đại, hình ảnh thần Thoth (vị thần Mặt Trăng, bảo trợ của các nhà thông thái và những người có học thức; “Vị thần của Thánh thư” chuyên ghi lại lời của Ptah - Thần tạo thế, cũng như những phán quyết của Anubis khi thần này cân linh hồn của người chết) được tạo dựng dưới dạng một con khỉ đầu chó trắng to lớn [1; tr.480]. Thần Thoth đồng thời là nghệ sĩ, bạn của hoa, của vườn tược và của hội hè; nhà ma thuật có hiệu lực nhất và tất nhiên là người dẫn linh hồn. Biểu tượng người đo lường, dẫn linh hồn cũng xuất hiện trong quan niệm của người Tây Tạng qua vị thần Shinje cũng có đầu khỉ [9; tr.58].

Trong nền văn hóa phương Tây, hình ảnh con khỉ xuất hiện khá mờ nhạt bên cạnh các con vật thần thoại như nhân mã, nhân sư, mỹ nhân ngư… Con khỉ, tên cướp đường, kẻ liều lĩnh vui tính, nó chọc tức gây nổi cáu nhưng lại làm nguôi bằng những sự đùa cợt của nó, được minh họa trong thần thoại Hy Lạp về những Cercopes (Kercrốp - giống quỷ lùn chuyên sống bằng nghề cướp đường) [1; tr.481]. Khỉ trở nên gần gũi hơn trong nền văn hóa đại chúng phương Tây qua hình tượng King Kong - con khỉ đột khổng lồ trong bộ phim khoa học giả tưởng cùng tên của đạo diễn Mỹ Ernest B. SChoedsack (1933, sau đó tiếp tục được làm lại vào 1976 và 2005). Mặc dù xuất hiện muộn hơn rất nhiều so với tổ tiên của nó, nhưng King Kong lại có sức lan tỏa vô cùng nhanh trên khắp thế giới nhờ những ưu thế tuyệt vời mà nghệ thuật điện ảnh hiện đại đem lại.

Như vậy, từ Đông sang Tây, tự cổ chí kim, dù có đậm nhạt khác nhau ở các nền văn hóa, khỉ trở thành một biểu tượng xuyên văn hóa, có sức mạnh biểu trưng phong phú, đa dạng cho những ý niệm đa chiều, đa diện và thâm sâu về nhân dạng, nhân/tâm tính, nhân sinh. Biểu tượng này làm nên độ sâu, sức nén, tiếng vang ngân trong sự tri nhận của mỗi tộc người gắn với mỗi đặc tính tư duy, mỗi nền văn hóa khác nhau.

2. Khỉ trong ngôn ngữ đời sống người Việt

Các nhà khoa học đều thừa nhận rằng giữa ngôn ngữ và văn hóa, ngôn ngữ dân tộc và văn hóa dân tộc có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ. Ngôn ngữ là một trong những thành tố đặc trưng nhất của bất cứ nền văn hóa dân tộc nào. Nói một cách biểu tượng như P.M. Dostoievski thì: “ngôn ngữ là dân tộc”, hay Albert Camus: “Tổ quốc của tôi là tiếng Pháp”. Chính sự đặc thù của văn hóa được biểu hiện trong ngôn ngữ đã quy định đặc trưng văn hóa - dân tộc của hành vi nói năng ở những người thuộc cộng đồng văn hóa - ngôn ngữ khác nhau.

Người Việt vốn thoát thai từ nền văn hóa lúa nước, bên cạnh hình ảnh con trâu, con cò vốn rất gần gũi, thân thuộc trong tâm thức mỗi người dân Việt; con khỉ hiện diện như một loài vật mang lại nỗi lo lắng, bất an. Bởi ngày xưa, khi ruộng đồng đang còn gần rừng núi, khỉ hay đến phá hoại hoa màu, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống con người. Mặc dù vậy, người Việt lại không sợ và không ghét khỉ. Trong 12 con giáp, nếu như hình ảnh con Rồng, biểu tượng gần chúng ta nhất về mặt tâm linh, tinh thần, thì Khỉ lại là biểu tượng gần chúng ta nhất về mặt vật chất, thể xác. Người Việt nghĩ đến rồng với tâm thế “kính nhi viễn chi” bởi sự linh thiêng, linh ứng của nó, còn với khỉ người Việt lại tỏ ra thân thiện, suồng sã, có thể bông lơn, đùa cợt.

Trong tiếng Việt có 11 từ được dùng để chỉ khỉ: hầu, khỉ, khởi, khẹc, khọn, tườu, nỡm, bù dù, đười ươi, vượn và nghề; gợi lên ấn tượng về thói láu táu, nghịch ngợm, phá phách và phét lác. Trong cuộc sống hằng ngày, những lời mắng liên quan đến khỉ xuất hiện khá nhiều, nhưng hầu hết mang một sắc thái nhẹ nhàng - mắng yêu, cùng một chút bỡn cợt: “Đồ khỉ!”, “Đồ khỉ gió!”, “Đồ con tườu!”, “Đồ con khẹc!”, “Đồ nỡm!”, “Đồ bú dù!”, “Này, làm trò khỉ gì đấy!”, “Đồ khỉ đột, thấy mà ghét!”, “Khỉ mốc, đừng tưởng bở!”… Gặp phải chuyện chẳng vừa ý, thì “Khỉ thật!”, “Khỉ họ!”, “Bố khỉ”…; thất vọng, bực bội khi việc chưa xong: “Chẳng được việc khỉ gì cả”, “Chẳng ra cái khỉ khô gì cả!” 37 năm đi thi với tám khoa thi đều hỏng, Tú Xương đã giễu mình, rủa đời, tung hê những cái nhố nhăng, bất công, phi lí của xã hội bằng lời than thở sâu cay: “Cử nhân: cậu ấm Kỷ/Tú tài: con đô Mỹ/Thi thế mà cũng thi!/Ới khỉ ơi là khỉ!” (Than sự thi - Tú Xương).

Dân gian tạo dựng kho kinh nghiệm sống (“túi khôn”), quan niệm sống, triết lý nhân sinh sâu sắc liên quan đến con khỉ. Đó là lời nhắn nhủ thận trọng, cân nhắc khi ứng xử với khuyết điểm của người khác: “Con chó chê khỉ lắm lông/ Khỉ lại chê chó ăn dông ăn dài”; “Chuột chù chê khỉ rằng hôi/ Khỉ lại trả lời: “Cả họ mày thơm”; khi nhìn người và dùng người: “Nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà”, “Nuôi khỉ giữ nhà, nuôi nai cái dái dọc già”. Đó còn là lời chê bai những việc làm không hiệu quả, chẳng đi đến đâu, chỉ làm mọi việc trở nên rối rắm: “Giết gà dọa khỉ”, “Rung cây nhát khỉ”, “Đồ dạy khỉ leo cây”; những lời hứa suông, hứa để mà có, cho qua chuyện: “Hứa hươu hứa vượn”; nhắc khéo về thái độ cau có, khó chịu: “đồ khỉ dính mắm tôm”, “nhăn nhó khi khỉ dính mắm tôm”, “mặt nhăn như khỉ/tườu”, “nhăn nhó như khỉ ăn gừng”, “khó tính như con nỡm”,...

Dân gian còn gửi gắm những bài học mang triết lý nhân sinh sâu sắc: phải biết bằng lòng với những gì đang có, chê bai thứ này lại gặp thứ khác tồi tệ hơn: “Khinh khỉ (lại) mắc độc già”; gọi tên đúng sự vật với bản chất của nó, vật nào chỗ ấy, đều có vị trí của mình, đứng đúng vị trí của mình là thuận, ngược lại là nghịch: “Khỉ lại là khỉ, mèo lại hoàn mèo”.

Ngôn ngữ là linh hồn của dân tộc, là hình ảnh trực tiếp của tư duy. Hình tượng khỉ ánh xạ trong lời ăn tiếng nói hằng ngày của người Việt phần nào đã thể hiện nét văn hóa cũng như tâm hồn Việt qua cách nói, cách nghĩ, cách làm. Lắng nghe từ những lối/điệu nói ấy, chúng ta sẽ nhận ra gương mặt, tiếng nói của dân tộc. Gần gũi, bình dị, có khi thông tục nhưng mỗi câu từ lại mang một chiều sâu của thứ triết học văn hóa - nhân sinh sâu sắc.

3. Biểu trưng khỉ trong ngôn ngữ văn chương Việt

Từ ngôn ngữ đến văn hóa hay từ danh xưng đến biểu tượng, không phải lúc nào hình ảnh con khỉ cũng bao quát hết ý nghĩa “mẫu gốc” của nền văn hóa. Tùy theo sự tri nhận, đặc trưng tư duy của từng dân tộc mà có những nét biểu trưng nổi trội, được hiện thực hóa qua các từ - biểu tượng. Điều này nó “tạo nên sự khác biệt về cấp độ trong sự chuyển hóa của các “mẫu gốc” thành các biểu tượng ngôn ngữ - văn hóa ở các dân tộc khác nhau” [5; tr.50]. Qua đó nó phản ánh đặc trưng văn hóa - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy trong tiếng Việt, văn hóa Việt và người Việt. Hình ảnh khỉ không chỉ xuất hiện trong ngôn ngữ đời sống người Việt, mà còn đi vào ngôn ngữ văn chương với những biểu trưng đa diện, đa sắc thái.

Khỉ biểu trưng cho sự hoang vắng, xa xôi, tĩnh lặng: Môi trường sống tự nhiên của khỉ chủ yếu là núi rừng xa xôi, hiểm trở, nên nó được dùng biểu trưng cho sự vắng vẻ, hoang liêu, cô tịch. Để diễn tả cảnh hoang dã, buồn thảm, hẻo lánh, không có bóng dáng người, nơi sơn cùng thủy cốc, người Việt thường dùng thành ngữ: “Khỉ ho cò gáy” hay “Vượn hú chim kêu”. Không gian ấy còn phủ lên tâm trạng, tình cảm của con người. Đó là nỗi lòng trắc ẩn của người con gái khi lấy chồng xa: “Má ơi đừng gả con xa/ Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu”; nỗi cô đơn, lẻ bạn của “phận gái” đơn chiếc: “Khỉ bồng con lên non kiếm trái/ Cảm thương nàng phận gái mồ côi”; niềm khắc khoải, lo lắng, hoảng hốt trong từng bước chân của người vợ vượt núi băng đèo chạy theo bóng dáng của chồng mình đang dần xa khuất: “Mồ hôi gió đượm/ Thiếp thương chồng thiếp phải chạy theo/ Con ơi, mẹ dắt lên đèo/ Chim kêu bên nọ, vượn trèo bên kia”; hay nỗi lòng u buồn, luyến tiếc của người thi sĩ khi sắp sửa ly biệt mùa đẹp nhất trong năm: “Nhạn về én lại bay đi/ Đêm thì vượn hót, ngày thì ve ngâm” (Cảm thu, tiễn thu - Tản Đà).

Không gian ấy còn gợi lên nỗi ám ảnh, hoang mang bởi những sự heo hút, vắng vẻ, rợn ngợp: “Chiều chiều dắt bạn qua đèo/ Chim kêu bên nớ, vượn trèo bên ni (Lý qua đèo - dân ca Huế), “Đêm í là đông sương tai em nghe con vượn/ nó kia à còn à năn nỉ à đương ư hự du con i hi” (Ăn ở trong rừng - dân ca quan họ Bắc Ninh); hay những hiểm nguy rình rập trong từng bước chân trở về của Kiều Nguyệt Nga giữa rừng sâu sau khi được Lục Vân Tiên cứu: “Trải qua dấu thỏ đường dê,/ Chim kêu vượn hú tứ bề nước non” (Lục Vân Tiên - Nguyễn Đình Chiểu).

Khỉ biểu trưng cho cảnh sắc và niềm u hoài nguyên thủy: Hình ảnh khỉ/ vượn thường gợi cho chúng ta nghĩ đến thời mông muội, man dại khi loài người chưa tiến hóa, vẫn “ăn lông ở lỗ”, chung sống với các loài động vật khác trong rừng xanh núi thẳm. Nó gợi không khí tiền sử mịt mùng, tịch mịch, u ám, rợn người: “Rồi những đêm sâu bỗng hiện về,/ Vượn lâm tuyền khóc rợn trăng khuya./ Đâu đây u uất hồn sơ cổ,/ Từng bóng ma rừng theo bước đi (Những hướng sao rơi - Mê hồn ca/phần I. Thơ nguyên thủy - Đinh Hùng); gọi về trong hoang tưởng, mộng mơ một vùng nguyên sơ: “Ta mê tiếng vượn sầu muôn kiếp/ Chim núi cầm canh, hoẵng gọi bầy (Lâm tuyền viễn mộng - Đinh Hùng), cùng một trời tình thái cổ xưa, u mộng: “Trải sông nước, vượt qua từng châu thổ,/ Ta đến đây nghe vượn núi kêu sầu (Người con gái thiên nhiên - Đinh Hùng).

Không chỉ gợi không gian hồng hoang, Bùi Giáng còn đẩy niềm u hoài tiền sử của mình lên xa hơn nữa trong thời gian tiền sử, qua hình ảnh “đười ươi” - người chưa thành người. Trong bản chất của thân phận làm người, thi sĩ đau nỗi đau của kiếp nhân sinh, nỗi đau của sự thất bại trong nỗ lực vượt qua sắc không, ngũ uẩn, vô thường. Ông không sao đặt được bước chân vào cõi thanh tịnh vô vi. Thi sĩ tự dày vò mình trong hình hài “đười ươi, con vật, giống khỉ, ngửa mặt cười vu vơ” (hình ảnh “điên” của Bùi Giáng). Nhận ra “tinh thể đười ươi” trong phận người là một giác ngộ tư tưởng của Bùi Giáng [8]. Nhà thơ nhận ra Phật Tánh trong hình hài đười ươi của người, của “tôi”. Vũ trụ, thời gian là nhất thể, tự tại, không sinh không diệt: “Hoặc rằng người cũng là tôi/ Hay là tôi cũng là tôi như người/ Ấy rằng tinh thể đười ươi/ Lời rằng quyết tuyệt và tươi vui và…” (Xóa nhòa).

Vượn biểu trưng cho tâm hồn quân tử, khí phách người tu hành, ẩn dật chỉ làm bạn với vượn (và hạc) ở chốn lâm tuyền: Tiếng vượn kêu ai oán, thảm thiết, có “nỗi hận” là một cảm xúc nằm trong “thất tình”: “hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục”. Những yếu tố khiến con người sinh vọng niệm, mê kiến. Hình tượng “Mã ý tâm viên” (ý ngựa, lòng vượn) là một ẩn dụ của Thiền học chỉ người phóng túng như con ngựa, con vượn, không bao giờ ở yên một chỗ, mà luôn dao động, vọng cầu. Hình ảnh Thiền nhân trong bài thơ Yên Tử sơn Long Động tự (Nguyễn Trung Ngạn) đã chạm được cái khoảnh khắc đốn ngộ diệu kì của bậc trí giả, khi tâm đã hoàn toàn tĩnh lặng, an nhiên, không bị “tạp nhiễm”, khiến cho mọi vọng niệm đã bị diệt trừ: “Cách lâm hữu hận viên minh nguyệt,/ Ỷ tháp vô ngôn tăng đối san” (Bên rừng có tiếng vượn ai oán kêu dưới trăng/ Tựa vào giường không nói, nhà sư nhìn núi).

Không gian thơ mộng, thanh thoát, u tịch, sâu lắng là nơi chốn để vạn vật cùng quy tụ về dưới bóng Thiền để chiêm nghiệm, thanh lọc, dưỡng tâm: “Chim óc bạn cắn hoa nâng cúng/ Vượn bồng con kề cửa nghe kinh/ Nương am vắng Bụt hiện từ bi, gió hiu hiu, mây nhè nhẹ/ Kề song thưa thầy ngồi thiền định, trăng vằng vặc, núi xanh xanh” (Vịnh Vân Yên tự phú trong Thiền Tông bản hạnh - Thiền sư Thiền Quang). Đó cũng là chốn bình yên, nguồn suối lành để dưỡng nuôi, xoa dịu tâm hồn người quân tử vốn đã từng chịu nhiều sóng gió, bi kịch trong cuộc đời: “Dấu người đi là đá mòn/ Đường hoa vấn vít trúc luồn/ Cửa song rãi xâm hơi nắng/ Tiếng vượn vang kêu cách non” (Bài số 21, Quốc Âm thi tập - Nguyễn Trãi). Chính cũng nơi đó, người quân tử tự nhủ với lòng, thề cùng “viên hạc”, chọn tâm thế lánh xa cõi trần tục, để hòa cùng thiên nhiên, trở về với bản nguyên/bản thể: “Thề cùng viên hạc, trong hai ấy,/ Thấy có hai han chớ đãi đằng” (Mạn thuật - Nguyễn Trãi).

Khỉ biểu trưng tâm trạng, cảm xúc đa chiều của con người: Trong số các loài vật, khỉ là loài giống người nhất. Nó không chỉ có nhiều nét gần gũi với con người về thể xác, mà cả cách biểu hiện cảm xúc, tình cảm. Điều đó lí giải tại sao người ta hay so sánh những trạng huống cảm xúc của con người với loài khỉ. Người đang có nỗi lòng không vui, khổ tâm, cau có, khó chịu với mọi người thì “Mặt nhăn như khỉ ăn ớt” (hoặc “Nhăn nhó như khỉ ăn gừng”); “Rầu rĩ như khỉ chết con”; “Vượn lìa cây có ngày vượn rũ/ Anh xa nàng mặt ủ mày chau”. Trong Truyện Kiều, để tả tiếng đàn của Kiều khi nàng phải mua vui cho tiệc mừng công của Hồ Tôn Hiến, kẻ mới giết chồng mình, Nguyễn Du đã viết: “Một cung gió thảm, mưa sầu,/ Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay/ Ve ngâm vượn hót nào tày/ Lọt tai Hồ cũng nhăn mày rơi châu (câu 2569 - 2572). Đánh đàn bên cạnh xác chồng, mình mới vùi bên bờ sông, cảm xúc của Kiều gần như chết rồi.

Như vậy, từ một biểu tượng xuyên văn hóa, khỉ đã bước vào trong đời sống con người qua lớp ngôn từ đời thường và ngôn ngữ nghệ thuật. Quá trình dịch chuyển, thẩm thấu từ “mẫu gốc” ấy đã thể hiện đặc trưng văn hóa, dân tộc trong cách nghĩ, lối nói của người Việt. Nghĩ về biểu tượng khỉ trong ngôn ngữ và đời sống cũng là cách để chúng ta tiếp cận, khám phá và luận giả những biểu hiện đa diện, nhiều chiều, phức tạp của văn hóa, tâm thức dân tộc Việt. Bằng điểm nhìn văn hóa, triết học nhân sinh, tinh thần nghiệm sinh, biểu tượng khỉ đã gợi dậy, nối kết những kí ức văn hóa của nhân loại với cuộc sống hiện đại, từ tộc người này đến tộc người khác về các vấn đề thế giới quan, nhân sinh quan sâu sắc của mỗi cá nhân, dân tộc, nhân loại.

An Hòa, cuối 2015
N.V.H
(SH324/02-16)


..............................................
1. Jean Chevalier (chủ biên, 2002), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb. Đà Nẵng.
2. Jean - Francois Froger, Jean - Pierre Durand (2012), Biểu tượng và ý nghĩa của các loài thú trong Thánh Kinh, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
3. Hoàng Phủ Ngọc Phan (2004), “Những con khỉ có nhiều tính người nhất”, nguồn website: vnexpress.net.
4. Trần Văn Sáng (2013), “Biểu tượng rắn, từ ngôn ngữ đến văn hóa”, Tạp chí Sông Hương, số Xuân Quý Tỵ, (1).
5. Trần Văn Sáng (2014), “Biểu tượng ngựa, từ văn hóa đến biểu trưng ngôn ngữ”, Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống, số 1 (219), tr.48-51.
6. Daisetz Teitaro Suzuki (2011), Thiền luận (Quyển thượng, Quyển trung, Quyển hạ), Nxb. Tổng hợp tp. Hồ Chí Minh.
7. Thích Điền Tâm (2012), Các loài động vật trong Phật giáo, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
8. Bùi Công Thuấn (2007), “Bùi Giáng, ai người chia xẻ”, nguồn website: vanchuongviet.org.
9. Bardo Thodol (2011), Người chết đi về đâu? (Người tây tạng nghĩ về cái chết), Nxb. Thời đại, Hà Nội.
10. Đặng Tiến (2004), “Chuyện khỉ năm thân”, nguồn website: chimviet.free.fr.
11. Nguyễn Đức Tồn (2010), Đặc trưng văn hóa - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội.
12. Trần Quốc Vượng (2003), Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, Nxb. Văn học, Hà Nội.






 

Các bài mới
Cơn giông (24/02/2016)
Huế ngủ (19/02/2016)
Các bài đã đăng
Khỉ ơi (07/02/2016)
Mệnh con khỉ (07/02/2016)
Thơ Xuân 2016 (05/02/2016)
Cổ tích… (04/02/2016)