LAM PHƯƠNG
Làng Ngát có dòng sông Ngát quanh năm nước tràn trề, đầy ứ, nhưng mùa nào nước cũng đùng đục, cáu đỏ như thể nước lũ.
Nước như vậy mà dân làng Ngát vẫn ngày ngày kĩu kịt quang gánh, gánh về đổ đầy thùng đầy bộng để dùng. Nghe nói trước đây người làng cũng đã từng đào giếng để tìm mạch nước. Nước có tìm được, nhưng mạch lạ lùng, hễ túa ra là đen kịt, sìn sịt và đặc quánh, đem đun sôi lên nó càng keo dính lại. Sờ tay vào, rụt ra, bàn tay trở nên sậm đen, một thứ chất deo dẻo bám lấy lớp da, kì cọ mãi mà vẫn không tuột sạch thứ màu khủng khiếp ấy. Chọn mạch đông, mạch tây, mạch tả, mạch hữu, mạch nào cũng vậy, đành chịu. Từ đấy, không còn ai nghĩ đến chuyện động thổ đào giếng lấy nước nữa. Vậy là dòng Ngát nghiễm nhiên mang cái trọng trách vinh quang là trở thành cái “giếng” duy nhất, bát ngát nước mà bất cứ lúc nào, dù ai muốn, chỉ cần ngoảy đôi quang một cái nhè nhẹ là nước òng ọc vào thùng…
Bên dòng Ngát, cái gì cơ hồ cũng như đỏ lên. Và cả những điều bất thường nữa. Người ta bảo, căn nguyên mọi chuyện là do dòng sông Ngát. Dòng sông có làn nước tạp đục đỏ đã thấm vào da thịt, vào máu, vào cả từng cái bào thai non nớt khiến sinh ra cái không bình thường của con người nơi đây. Tiếng đời vô tình như lưỡi dao sắc lạnh cứa vào hiện thực. Dẫu nguồn cơn chưa biết, nhưng chỉ nhìn qua đã mười mươi, thật, con người nơi đây quả không bình thường. Đàn ông sinh ra, thường chưa đến tuổi mười hai đã không bệnh này thì tật khác, chết yểu. Số ít còn lại, may mắn lớn lên, tuy rất mạnh khỏe, vạm vỡ nhưng hiếm hoi nên quý giá vô cùng. Còn đàn bà, họ thường không bệnh tật, không chết yểu, vẫn khỏe mạnh lớn lên, có điều, từ lúc sinh ra, họ đã phải sở hữu bộ dạng khác thường. Những bộ dạng được đúc ra từ những cái khuôn không thước tấc mà giống y hệt nhau: Nước da sần sùi, thô ráp. Khuôn mặt bèn bẹt, cái mũi gần như không có sống, chỉ đùn lên hai cái lỗ bé tẹo. Còn đôi mắt he hé khiêm tốn bởi mí mắt sùm sụp lúc nào cũng chực kéo díp lại. Cái đầu thì to bè. Hai cánh tay quều quào gần chạm gối, u bắp, lông lá dài thượt. Càng dần về phía dưới, cơ thể họ càng nhỏ dần. Đôi chân bé tẹo, thấp chũn phải gánh cả cơ thể nặng nề, thật vất vả.
Ở nơi đây, đàn ông qua được cái đốt tuổi mười hai, cái đốt giằng xé với tử thần, họ nghiễm nhiên trở thành những ông hoàng. Họ chẳng cần động chân động tay đến bất cứ một việc gì. Nếu bất kì ai để đàn ông phải động việc, tất có tội nặng với sự tôn quý đặc biệt này. Mà phạm đến điều tôn quý thiêng liêng, kẻ đó sẽ bị lên án, mỉa mai, khích bác thậm tệ. Có sống cũng không thể ngóc được đầu lên. Mà có cố ngóc đầu lên cũng chẳng ai thèm đoái hoài ngoái cổ nhìn. Người ta chẳng thèm nhìn, chỉ chửi trổng, chỉ ngọt nhạt nói đong nói đưa cạnh khóe đến gan ruột cũng muốn thảy hết ra bên ngoài. Tục đã thành, chuyện đã bao đời nay chẳng ai phạm phải. Đến tuổi, mỗi một người con trai trưởng thành là chốn rập rình đi lại của hàng đám gia đình con gái. Nườm nượp, người gánh gạo, kẻ đem mắm, người gánh củi, đem vải… đem tất tật những cái gì có thể đem. Gia đình nhà trai tự do lựa chọn. Nhận tín vật của ai thì coi như đã bằng lòng với đám đó. Mà tín vật đem tới nhiều lắm, nên sự lựa chọn cũng phong phú lắm. Khi đám cưới diễn ra, một chàng rể có rất nhiều cô dâu. Càng nhiều cô dâu, chàng rể càng được người làng tôn vinh và vị nể. Sau đám cưới, vị thứ những người đàn bà được người chồng tùy nghi chọn lựa, sắp xếp. Và những người đàn bà vô cùng hạnh phúc theo sự sắp xếp của chồng. Người ra đồng, người bấp bênh theo triền sông thả lưới tung câu, người cặm cụi cơm nước và tất cả họ đều giống nhau ở một chỗ, ấy là hòa thuận và hết lòng hết sức cung phụng chồng. Có người đàn ông để cùng cung phụng là hạnh phúc lớn nhất, coi như mĩ mãn nhất của đàn bà làng Ngát. Nói như vậy, có nghĩa là trong số đàn bà làng Ngát ấy, vẫn còn không ít người không thể chen chân có được tấm chồng chung, cùng cung phụng một tấm chồng chung. Có thể họ không thóc gạo củi mắm, cái đó là do hoàn cảnh gia đình. Có thể họ không được nhà trai nhận tín vật, cái đó là do gia đình nhà trai chê bai một vài điểm của nhà gái. Và nói chung, vẫn còn nhiều cảnh phận lẻ loi, thua thiệt và vẫn phải cắn răng chịu suốt một đời. Coi như là số mệnh.
Quý giá như vậy, được vinh tôn như vậy, nhưng nhiều đàn ông làng Ngát không cảm thấy hạnh phúc. Trong con mắt của người đàn ông, trong cái thèm khát bản năng của người đàn ông, thật lòng, họ không mấy mặn mà với những người đàn bà trong làng. Có người nghĩ đến những cái gì đấy, xa xăm hơn, lộng lẫy hơn, vượt xa những thân hình kì dị, vượt ra khỏi làng Ngát, vượt khỏi dòng sông Ngát, qua đến bờ bên kia mà những chàng trai thì thầm vào tai nhau có những người đàn bà da trắng, cổ cao và thân hình thon thả. Họ đẹp lắm. Da thịt thơm tho, nhẵn mịn, mềm mại. Không khăn khẳn sần sùi như đàn bà làng Ngát. Không như cái gốc cây khô, đầy rễ, đầy vỏ mà nhiều lúc ngủ say, giật mình dậy cứ tưởng đang lên núi đẵn về làm củi đốt. Họ còn nói lâu nay đàn ông làng Ngát chưa biết làm đàn ông. Vậy là rậm rịch những cuộc chạy trốn. Một bên là núi. Núi sát núi, đi mãi vẫn là núi. Những dãy núi kế tiếp nhau khô chằng, cằn cỗi, lởm chởm đá. Còn lại bên kia, chỉ cách có con sông, một vùng đất màu mỡ thẫm xanh màu cây xa lạ và bí ẩn. Có những người đã quay lưng lại với làng Ngát, nhoai ra dòng sông, ù một hơi, qua đến bờ bên kia rồi mất hút. Họ không quay về. Nói đúng hơn họ không dám quay về cùng người đàn bà của họ. Đám đàn bà con gái làng Ngát, hăm hở khi họ chưa đầy mười sáu. Gánh gạo, gánh mắm nặng gánh tình. Mà nặng nợ tình; đám đàn bà tưởng khép nép khi sống bên đàn ông, sẵn sàng răm rắp tuân lệnh, răm rắp kính cẩn cung phụng nhưng khi cần, họ cũng có thể là một đội quân rùng rùng hùng mạnh để bảo vệ những gì họ coi là của họ, để hất tung những gì coi là địch thủ của họ.
Như mạch bị vỡ, chảy không ngừng. Có thể, đến một lúc nào đấy, đám đàn ông hiếm hoi của làng Ngát cứ mê hồn theo đám đàn bà con gái da trắng, cổ cao và thân hình thon thả ở một chốn xa lắc xa lơ nào đó thì các dòng họ ở trên làng Ngát chắc chắn sẽ bị triệt tiêu. Đàn bà không thể cùng đàn bà mà sinh con, mà duy trì nòi giống. Đám đàn bà chỉ cùng đàn bà, dần dà không mống đàn ông thì chỉ còn ngơ ngác với nhau, chẳng còn bụng dạ nào để chăm con gà, nhổ cây cỏ, đến lúc ấy, không những dòng giống mà cả sự sống, cả những gì vốn có của làng Ngát cũng không còn tồn tại. Mặc vậy, đám đàn ông con trai vẫn thản nhiên ra đi bất chợt. Sớm, chiều, tối, khuya, thậm chí có kẻ đang ăn cơm, bảo đau bụng, vậy là vượt sông luôn. Hình như đã nhắm nhe cũng mấy hôm rồi, quần áo và một ít tư trang giấu sẵn trong bụi cây sát rìa sông. Cả nhà cứ đợi về ăn nốt cơm, chờ mãi, chờ mãi, chẳng hiểu đau bụng quái gì mà lâu đến vậy, không chừng gió máy, vậy là cả nhà túa đi tìm. Cả đám gia đình thường gạo mắm than củi cũng túa đi, tìm mãi, tìm mãi vẫn không thấy. Hắn đã vượt sông! Gia đình bần thần. Còn đám con gái ấy, sau phút chưng hửng, đồng loạt sực tỉnh cùng gào toáng lên anh ơi anh hỡi sao bỏ chúng em mà đi. Chúng tiếc gì kể nấy. Vừa khóc hùi hụi, vừa lăm lô kể tất tật hàng thước lời. Những lời kể không thứ tự, không chờ đợi, cứ giẫm đạp lên nhau, chen lấn… Đám đàn bà làng Ngát phẫn nộ lắm, ra sức canh chừng ráo riết, vậy mà vẫn không bịt được cái mạch vỡ. Họ bắt đầu chụm lại, thì thào ngay trên lối đi, ở trong bếp, ngoài bến sông, cả bên nạp chè tàu:
- Chị Cả, cứ thế này chúng ta mất hết đàn ông mất!
- Phải đấy phải đấy, phải chặn họ lại.
Chị Cả, người được mọi người gọi với cái tên như vậy, nhíu trán đăm chiêu:
- Tôi có cách này, các cô thấy được không?
…
- Nhưng vậy thì ác quá! - Một cái lè lưỡi và lúc lắc đầu.
- Vậy còn hơn mất không à! - Có tiếng gay gắt chen vào - Đàn ông làng Ngát không thừa cho đàn bà bên ngoài…
- Phải đấy, phải đấy! - Tiếng đám đông lại đồng loạt nhao lên - Không vậy họ sẽ đi sạch đấy, chị Cả à!
Họ thống nhất theo ý kiến chị Cả. Rất cương quyết.
Vậy là, vào một ngày, từ sáng sớm, đám đàn bà làng Ngát ai nấy lũ lượt đội lễ, mang nhang ra ngôi miếu ở đầu làng, sát bờ sông. Nghe nói ngôi miếu này linh thiêng lắm. Họ kính cẩn dâng lễ, thắp nhang và cùng rì rầm khấn nguyện. Họ nói nhiều, nhắc đến tiên tổ và các dòng họ của làng Ngát. Họ nói đến đặc thù của làng Ngát như đàn ông hiếm hoi, còn đàn bà thì nhan sắc kém cỏi… Trình bày hoàn cảnh xong, họ một lòng thành kính kính xin Thần Miếu phù hộ độ trì giữ chân đàn ông làng Ngát lại… Họ lại đốt những bó nhang lớn, thay nhau cắm trên lư miếu, trong miếu, quanh quất miếu và rải dài bên bờ sông, xong rồi cúi rạp người khẩn cầu. Cả ngôi miếu, cả khúc sông, khói nhang rợp rợp lòng thành. Đột nhiên, từng nắm nhang bắt lửa, cháy bùng thành ngọn phừng phực. Người ta bảo, Thần Miếu linh thiêng đã chấp thuận lời thỉnh cầu…
Đám đàn ông làng Ngát mặc đám đàn bà muốn làm gì thì làm. Vài ba điều khấn nguyện, hơi đâu… Đợi nhang tàn, miếu lạnh và những người đàn bà hỉ hả mãn nguyện lũ lượt kéo nhau về, đám đàn ông lại tiếp tục vượt sông. Cứ tưởng, nhoai mình, ù một hơi qua đến bờ bên kia là xong, ai dè, những lần vượt này, họ đều không thành. Không ai vượt qua được nửa dòng bên kia, dẫu đàn ông trai tráng xứ này vốn quen bơi lội. Họ lớn lên bên dòng sông, từ nhỏ đã có thể tung tẩy dưới nước như cá. Vậy mà bây giờ, vượt qua khúc sông, họ lại không thể. Đến giữa dòng là chân tay cứng đờ, không với, không đạp nước được nữa. Như bị ai nhấn xuống. Nhanh thì quay đầu về bờ, thế mới thoát. Còn không, ngoan cố thì cơ thể chìm dần, chìm nghỉm… Đám đàn bà khóc ngất.
*
Hôm ấy, một chiều đông lạnh, rất lạnh và xám xịt. Gió heo may hù hụ từ ngoài sông vần về từng luồng lạnh cóng. Chẳng ai muốn ra đường vào lúc này. Nhà nhà đóng cửa kín mít. Những người đàn bà cơi bếp, xòe quạt quạt hừng lò than, khệ nệ bưng vào đặt cạnh người đàn ông. Họ đang đợi bữa cơm chiều. Bữa cơm chiều ngày đông, lạnh nhưng ấm cúng. Tất cả đều tề tựu đông đủ vây quanh mâm cơm. Người đàn ông ngồi vào vị trí trang trọng nhất, trước mặt được bày những thức ăn ngon nhất, tiếp đến là đám trẻ, nữa là đám đàn bà sắp xếp theo vị thứ ngồi lẫn vào những đứa trẻ còn rất bé, họ vừa bới cơm, vừa tiếp thêm thức ăn và bón từng thìa cho mấy đứa bé. Khi người đàn ông cầm đũa, cả mâm người còn lại mới được phép cầm theo. Như một quy tắc bất di bất dịch. Ngay khi đó, họ nghe tiếng gõ cành cạch yếu ớt và tiếng kêu thảm thiết đuối lịm:
- Cứu, cứu với…
Một cánh tay cố ghì chặt mép cửa cho khỏi bật tung, một cái đầu chưa thò hết ra ngoài, một đôi mắt quét vào người đàn bà què quặt xa lạ cùng chiếc bọc ướt sũng khư khư ôm trên tay, rồi cất giọng khàn khàn:
- Gì vậy?
- Bà ơi, cứu… Lạnh… đứa bé...
Hai hàm răng va vào nhau lập khập, tiếng nói bị thít nghẹn trong vòm họng. Hai cọng chỉ khiêm tốn lại khó nhọc cố giãn ra quét vào người đàn bà tật nguyền một lần nữa. Rồi đột nhiên, cái đầu thụt lại, cánh tay buông khỏi cánh cửa, cánh cửa đập lạt sạt những tiếng khô khốc vào bờ vách trong tiếng hu… ù… ù của gió. Loáng cái, người đó đã biến mất. Một lát sau, một đám đàn bà líu ríu kéo nhau ra. Những cái đầu to bè, những khuôn mặt kì dị và những đôi chân bé tí, thấp chũn, họ chen nhau tò mò nhìn vào người đàn bà. Người đàn bà quá thảm thương. Cả đứa bé trong bọc nước ướt sũng. Những người đàn bà động lòng. Có lẽ, họ cũng là đàn bà, họ cũng có con. Những đứa trẻ của họ đang quây quần quanh mâm cơm và hưởng hơi ấm của bếp lửa. Còn người đàn bà tật nguyền và đứa trẻ, họ không thể tiếp tục đứng trước cái lạnh giá mà tiếp tục chịu đựng. Sức người có hạn, phận người thì mỏng manh. Biết đâu! Họ đưa hai mẹ con người đàn bà xa lạ vào nhà sau cái gật đầu hờ hững của người đàn ông. Họ chụm lại, xoắn hết lên:
- Đặt xuống đây. Trời, rét mướt lạnh lẽo thế này đem con đi đâu cho khổ vậy?
- Họ ướt hết rồi. Cho mẹ con thay quần áo khô, sưởi ấm trước, rồi ăn uống, có gì hỏi sau.
Người đàn bà cơ hồ lớn tuổi nhất lên tiếng.
Bên đống lửa, mẹ con người đàn bà tật nguyền ấm dần lên. Da đứa bé đã dần dần hồng lại, đôi mắt nó đã mở to, thao láo nhìn xung quanh. Cả mẹ nó, cả những cái đầu to bè đang chụm lại quanh nó lo lắng chợt sáng lên. Những chiếc mũi không có sống cắm nhẹ vào trán nó, vào tay nó, và cả đôi chân tí xíu của nó. Nó có biết gì đâu, chỉ biết nuốt ừng ực làn sữa ấm rực…
Hết tiếng nổ tí tách của củi, chỉ còn bếp than hồng hừng hực, càng lúc càng đượm hơn. Quanh bếp, những người đàn bà đan tay bó gối chăm chú lắng nghe người đàn bà tật nguyền kể lại chuyện cuộc đời mình. Ấy là khi còn nhỏ, bà chuyên trở thành trò chơi cho những đứa trẻ đồng trang lứa. “Cho mày chiếc dép này!” - thằng bé đứng trước mặt bà giật ngay chiếc dép trong chân bà ném qua cho đứa đứng gần đấy. “Trả dép cho tao!” - bà thét lên, giọng thét lạc đi đầy căm giận. Khi bà khập khiễng lại gần, thằng kia lại quẳng qua cho thằng kia nữa, xa hơn. Bà lại loi choi khập khiễng, vừa khập khiễng vừa chửi, cái tức giận dồn nén toát ra những lời lẽ thô tục gớm ghiếc từ một cái mồm vốn méo xệch kéo dài qua một bên, đám trẻ chỉ chờ có thế, không hề tức giận mà ôm bụng cười nghiêng ngả. Chúng hè nhau trêu cho đến lúc bà không nhoi được nữa, không chửi được nữa, chỉ ngồi phệt xuống đất mà khóc. Chúng bỏ đi. Khóc chán, bà khập khiễng đến nhặt chiếc dép, xỏ vào chân… Lớn lên, người ta vẫn bắt bà ra làm trò cười. Ấy là đám thanh niên cùng trang cùng lứa, mỗi khi qua nhà, nhìn bà ngồi thừ lừ trên bậc thềm, lại trêu: “Vợ ơi, vợ nấu cơm cho anh với nhá. Khi nào về, anh ghé anh ăn”. “Hi hi…”, “ Hí hí!”, cả đám lại ồ cười như phải thuốc. Mẹ bà bực lắm, cứ lẩm bẩm chửi đám con trai kia tàn nhẫn và xót xa nhìn con gái mình. Còn bà, không nói gì mà cũng chẳng hề giận đám trai. Ngược lại, bà lại thấy hay hay, thinh thích. Từ trong hiên nhà, bà trễ nải nhìn ra bên ngoài. Mắt chợt sáng lên. Tim đập rộn lên. Trái tim con gái dường như ấm lại trong phút chốc. Trái tim trong một cơ thể người tật nguyền vẫn rất khỏe mạnh, vẫn đập rộn rã, đều đặn và biết nhói lên những cảm xúc gì đấy. Ví như về một ai đó, một ai trong đám trai làng, chàng tóc xoăn hay chàng da ngăm ngăm rồi cả chàng có cái miệng tía lia mỗi khi qua ngõ nhà bà lại huýt gió từng hồi trêu con chó đang sủa càng sủa hăng. Hay có thể ai khác nữa, không trong đám trai làng kia. Một trái tim cứ thế lang thang, một tâm hồn cứ thế trôi dạt vạ vật. Cái vô định mơ hồ vĩnh viễn không bao giờ có thể thuộc về bà, hay nói một cách khác, đấy không thể là cái bến hiện thực cho con thuyền tật nguyền bà được phép neo lại. Nhưng dòng máu của bà vẫn cuồn cuộn chảy về tim, và lại hối hả chảy đi. Khổ thế. Dẫu đấy là quy luật. Để lại lắm lúc suy diễn mơ hồ về hạnh phúc. Những hạnh phúc mờ ảo xa xăm không với đến hiện thực lung linh. Hiện thực chỉ của những người đàn bà lành lặn, khỏe mạnh và những đứa trẻ lần lượt ra đời. Tất tật đấy là hạnh phúc. Với ai, chỉ là những bình thường trong hàng ngàn hàng vạn vạn cái bình thường vốn dĩ ở trên đời. Như cỏ cây hoa lá, hễ mọc trên đất là sinh sôi. Còn với bà, không thể bằng cỏ cây hoa lá. Đàn bà làng này, có lúc bà nghĩ dẫu biết là vô duyên, rằng tại sao không sinh ra thiếu đi một ai đấy, thể chỉ khuyết đi hạnh phúc tí ti của một thế hệ, để có cơ may một người đàn ông thứ lẻ nào đấy cho bà có cái nho nhỏ mà hy vọng. Được làm đàn bà, làm mẹ… Nhưng sự thật, làng này không có đàn ông thừa. Mà nếu có thừa, cũng không phải dành cho bà. Đàn bà, tuổi càng lớn, cái bến mơ hồ càng xa vời vợi hơn. Nhưng bà vẫn khao khát. Cái khao khát chưa bao giờ biết nghỉ ngơi mà ngày càng cuồng liệt thôi thúc. Nói cho công bằng, đàn ông ở đây không quá khắt khe. Nhưng họ lại sợ điều tiếng. Và sợ cả những người đàn bà, nhất là người đàn bà của họ. Những người đàn bà biết tụ lại, tạo những đội quân rùng rùng hùng mạnh để bảo vệ cái của mình và loại bỏ cái tước mất của mình.
Tuy nhiên, cuộc đời đôi lúc cũng có ngoại lệ. Nhờ vậy, bà đã lén đặt được một bàn chân nhỏ nhoi trên cái bến hiện thực ấy, dẫu chỉ phút chốc, rồi cái bến vụt đi, như một nghĩa cử cao thượng, nhưng đã cho bà hạnh phúc. Người ta nhìn vào cái bụng bà. Trông nghi nghi, thật đấy, bà thấy hàng lông mày của nó chưa, xước ngược, dựng đứng. Và cả cái thóp cổ của nó nữa, giần giật, giần giật đấy! Xì, thứ đó, đàn ông có chột cũng không thèm rớ. Gớm ghiếc, xấu xí. Ăn vụng ăn miếng ngon cho nhớ đời, chứ ăn cặn ăn bã thêm muốn mửa. Lại mang tiếng đời, nhục cả kiếp… Miệng thiên hạ thì thiên hạ tùy dụng, muốn tròn cũng được, muốn dẹt cũng được. Còn cái bụng của bà cứ mặc nhiên dần lớn lên. Nghễu nghện, chình ình ngay trước mặt bàn dân thiên hạ. Có điều, cái bụng không can không cớ ấy lại khiến cho những người đàn bà khác lồng lộn, điên tiết cả lên. Họ không tin có thể là chồng mình. Rồi lại nghi ngờ là chồng mình. Những ý nghĩ xen lẫn mâu thuẫn giằng xé. Họ chỉ muốn xé toạc hết ra, lật tung hết lên để nhìn thấy hiện thực. Nhưng không xé được, không lật được, biết xé biết lật cái gì bây giờ, họ đành thêu dệt, và thêu dệt hộ nhau. Họ dệt những người đàn ông chung chung trở thành những kẻ chung chung tham lam chuyên ăn vụng nào đấy. Bắt được kẻ ăn vụng đó mới biết tay gia chủ. Họ đợi. Đợi đến lúc bà sinh con, chỉ chờ có thế, chẳng thân tình nhưng cứ lần lượt đến thăm mẹ con bà. Họ sầm sập bước vào nhà, đặt nhánh chuối hay chục trứng gà lấy lệ, coi như khoản phí để lấp liếm cái thô lỗ vô duyên, rồi bước lại gần đứa bé, rồi săm soi cái chân, cái tay, cái mắt… Mắt nó thế này, chân nó thế kia, cái miệng mỏng mỏng và một cái lỗ chênh chếch ở khóe môi. Một người đàn bà đã giật mình, líu ríu bước qua ngạch cửa. Ngày hôm sau, mẹ bà từ đâu chạy về run rẩy hớt hải:
- Con ơi, chạy nhanh, bồng cả con bé nữa, nhanh lên, họ giết mẹ con con mất. Thằng chồng không giấu nổi đã khai tuốt tuột với vợ nó rồi. Con mụ đó, nó kéo cả đoàn người, cầm con dao phay sáng loáng, nó nói là nó bằm, nó chặt. Ai chứ con mụ đó nói là bằm, là chặt thật đấy!
Hoảng. Không kịp nghe thêm lời nào của mẹ, bà quýnh quáng bồng đứa bé khập khiễng lao ra cửa sau, lách qua mấy bụi chuối, xuyên vườn, lao xuống bờ dốc, và cứ thế, cắm đầu cắm cổ bước những bước chơi vơi hẫng hụt… Không biết bao lần mẹ con bà té sấp té ngửa, nhưng vòng quay nào, bà cũng cố nghiêng bờ vai, gồng mình lên, không để con bé phải chạm vào đất hay va vào cành cây. Chỉ mình bà, trầy trợt, xước tưa tướp. Có điều, bà không hiểu vì sao, mình có thể qua được dòng sông. Bà không biết bơi. Bà nghĩ nhảy liều xuống đó mười phần thì chắc cả thảy mười phần chết. Chẳng thà chết thế này còn được ôm con mà chết. Bà sẽ ôm mãi như vậy, để cái chết vẹn nguyên, thỏa mãn như thể là hạnh phúc vẹn nguyên muộn màng cuối cùng của cuộc đời bà. Lềnh bềnh trong dòng nước lạnh cóng đến cứng đờ, cả thân mình hẫng hụt rồi đến lúc chân lờ đờ chạm đất, không ngờ, nhìn con bé, nó tím tái nhưng vẫn còn thoi thóp thở. Bấu vào tay mình, vẫn còn biết đau. Vậy là còn sống. Được sống, phải sống, vì cái hạnh phúc bà luôn khát mong ấp ủ ấy. Bà cố bươn qua làn gió quần quật, nhắm hướng ù vào làng… Kể đến đây, mắt bà sáng trưng, niềm hạnh phúc đầy ứ trên khuôn mặt khổ đau. Những người đàn bà sụt sịt khóc. Họ khuyên bà không nên trở về, cũng không nên ra đi, bởi như vậy, cuộc sống của hai mẹ con sẽ vô cùng nguy hiểm và khốn khó.
Vậy là bà ở lại, được ở lại, hòa vào đám đàn bà làng Ngát. Người đàn bà tật nguyền và đứa con gái còn đỏ hỏn. Thật khó khăn khi đất làng Ngát không màu mỡ. Cuộc sống của làng Ngát còn kham khổ nhiều bề. Phải vượt lên nhiều, phải bươn chải nhiều mới có thể tồn tại được. Nhưng những người đàn bà làng Ngát tuyệt nhiên không để họ đói. Họ chia những bát gạo, những manh áo, những chút mắm muối trong lọ cho mẹ con người đàn bà. Lòng người đàn bà tật nguyền rưng rưng. Con bé, nó lụi hụi bên bà, hưởng những lon gạo, bó củi, nắm rau ân huệ, ngày qua ngày rồi đột ngột lớn lên, phổng phao, trắng trẻo và xinh đẹp vô cùng.
Nếu cứ vậy thì có gì phải nói. Đằng này, trời ạ, nó lại phải lòng một chàng trai làng Ngát. Hai đứa xoắn xuýt quấn lấy nhau như trên đời này chỉ tồn tại mỗi chúng.
Vậy thì có chuyện phải nói rồi. Những người đàn bà làng Ngát thể nào yên, nhất loạt phản ứng kịch liệt:
- Nó không phải là đàn bà làng Ngát!
Đúng, đó là một sự hiển nhiên. Không phải là đàn bà làng Ngát tất không thể là vợ của đàn ông làng Ngát. Kể cả có lăn lộn bươn bả kiếm từng gánh gạo, bó củi và những thứ mắm muối tất tật khác để gánh tới nhà một cậu trai nào đấy. Vả lại, chuyện xưa nay ở làng không có trai gái hẹn hò, còn chúi đầu vào nhau trước bàn dân thiên hạ, lại cả chuyện đàn bà nằm sải chân sai khiến đàn ông. Đàn ông hiếm hoi là đàn ông chung, chỉ thể chung của đàn bà làng Ngát, chỉ thể đàn bà làng Ngát được cung phụng. Họ quyết liệt nhao lên. Đám con gái của các gia đình đã đem tín vật tới nhà cậu trai này càng quyết liệt nhao lên. Không thể có chuyện trái lẽ thường tình đó. Lẽ thường tình của đám đàn bà làng Ngát, sẵn sàng chia sẻ và cưu mang người khác, không tiếc bát cơm, tấm áo, nhưng với người đàn ông của họ thì tuyệt nhiên không. Họ tất tưởi nhắn nhe người đàn bà tật nguyền về con gái của bà. Bà mẹ, tất nhiên rồi, không đời nào muốn mình trở thành kẻ vô ơn bạc nghĩa. Bà thẻ thọt dỗ dành con gái:
- Ơn nghĩa mẹ luôn ghi sâu vào tận đáy lòng, không chỉ kiếp này, mà kiếp nữa, kiếp nữa, mẹ muốn trả cũng không hết con ơi!
Bà muốn con gái hiểu. Nhưng nó không chịu hiểu. Hai con mắt nó càng sáng hơn:
- Mẹ ơi, con đã yêu, yêu rất nhiều. Như trái tim của mẹ ngày xưa ấy. Nhưng trái tim mẹ thì gửi gắm vô vọng. Còn con lại có nơi chốn hẳn hoi… Con không phải là đàn bà làng Ngát. Con không cần vị thứ, con chỉ cần tình yêu.
- Không được. Tuyệt đối không được. Có những thứ mình phải đặt lên trên ý thích bản năng con à. Chuyện ơn huệ, không thể phủi một cái như đánh đám cát bám sau đít quần. Không có họ, mẹ con mình đã chết từ lâu rồi.
- Thà con chết lúc ấy còn hơn không được yêu…
Cứ thế, bà nói, con bé đáp trả chẳng chịu thua. Lúc đầu còn thẽ thọt khẽ khàng. Càng sau càng lớn tiếng gay gắt. Bà nói nhiều, khóc nhiều, đến độ van nài nhưng xem ra không thuyết phục được con gái. Nó và cậu trai kia ngày càng quấn nhau chặt hơn... Những người đàn bà làng Ngát cũng không dễ buông tay. Họ lập tức cùng gia đình nhà trai tổ chức đám cưới cho cậu ta. Như thể cho ván đóng thuyền. Đám cưới làng Ngát, một chàng rể và nhiều cô dâu. Sau đám cưới là sự sắp xếp vị thứ. Những người đàn bà cần mẫn, người ra đồng, người lên núi, người dọc bờ sông tung lưới thả câu và răm rắp cung phụng chồng. Nhưng chàng trai, đã là chồng, mặc những đàn bà được gọi là vợ mình, vẫn thậm thụt hẹn hò với cô gái.
Họ hẹn hò nhau ngày mấy lần, ở đâu, làm những gì tất tật đều không qua được mắt đám đàn bà làng Ngát. Máu của những người đàn bà cuộn lên, sôi lên, thật dữ dội. Chuyện trai gái bất chính bất thuận không phải là chuyện động trời mà là chuyện xưa nay chưa từng có ở làng Ngát. Họ tức giận, và ra tay. Quyết liệt. Họ xỉa vào mặt mẹ con người đàn bà tật nguyền:
- Lũ khốn nạn, đồ vô ơn bạc nghĩa, thứ bội bạc phản trắc... Chúng mày không bằng con chó.
Những lời lẽ điêu ngoa mạt sát thô tục không thể kìm nén. Người đàn bà tội nghiệp ngày ngày nghe những ân nhân của mình rỉa rói, lòng đau hơn muối xát, đau hơn dao cắt, chỉ biết khóc. Còn cô con gái thì ngược lại, chẳng vừa, nhảy xổ lên, cũng chống nạnh đanh đá, lời lẽ mạt sát thô tục nhạo báng đánh trả.
Những người đàn bà làng Ngát đã tức giận càng thể tức giận, túm lấy cô gái vò như nắm giẻ rồi giật, rồi cắt phựt mái tóc dài chấm lưng và cạo nhẵn luôn cả mái đầu của cô. Những cánh tay vạm vỡ không thương tiếc, những lời mạt sát thô tục không thương tiếc nã vào mặt. Cô gái gục xuống, quằn quại trong cơn đòn.
Một ngày, khi thịt da lành lại và mái tóc óng ả như thuở nào, cô gái càng xinh đẹp hơn. Như bông hoa rực rỡ kiều diễm, lung linh hương sắc nở bừng trên đám cỏ cây xác xơ cằn cỗi mặc sức thả hương. Cái mùi hương khêu gợi mê hoặc. Những con ong, trong tiềm thức, từ lâu vốn đã khát mật, chúng dè dặt ngắm từ xa, rồi không kiềm được, cùng ùa lại, xúm xít và ngốn ngấu bấu vào bông hoa, nhụy hoa.
Những người đàn bà làng Ngát không thể nào chịu được. Họ rầm rập kéo tới, định bụng bẻ phắt bông hoa kia, chà nát nó đi mới hả. Nhưng những người đàn ông còn nhanh hơn, họ cố bảo vệ cái quý giá của mình. Họ xúm lại, đưa cô lên một ngọn đồi, dựng cho cô một ngôi nhà chắc chắn rồi luân phiên canh giữ. Những người đàn bà hùng hổ lao phăm phăm lên ngọn đồi. Nhưng không được, những người đàn ông trấn giữ, cả bầy chó dữ, bầy chó đực được tuyển lựa kĩ càng, sấn sổ lao ra... Những người đàn ông đã chuẩn bị khá kĩ lưỡng. Họ cũng khôn ra trò. Trách gì, khi họ đã có ý quay lưng lại với người đàn bà của mình để dan díu bên ngoài, họ cũng lắm mưu lắm chước lắm. Có lúc còn ra mặt thách thức xem ai hơn ai. Những người đàn bà làng Ngát, họ hung hãn là vậy, nhưng chỉ hung hãn với địch thủ của mình thôi. Còn với đàn ông của họ, họ vẫn nem nép. Họ chửi chán chửi chê rồi buồn bã ra về. Chưa bao giờ họ buồn đến vậy. Buồn hơn cả mấy vụ mùa mất trắng.
Xúm xít bên bông hoa xinh đẹp mê hoặc, những người đàn ông làng Ngát không muốn nghĩ đến chuyện về nhà. Cho dù trên ngọn đồi này, họ phải tự tay mó vào bất cứ việc gì để có cái ăn, để có cái sống và cả cái để cung phụng người đàn bà của họ. Những thứ việc mà nếu sống với đàn bà làng Ngát, với họ là một sự sỉ nhục cùng mạt. Hôm nọ, mẹ cô gái, khóc lóc van nài con:
- Con ơi, nghe mẹ, hai mẹ con mình đi thôi. Đi cho kiếp này dứt khỏi ân oán với đàn bà làng Ngát. Nợ nần, đành để kiếp sau, những kiếp sau nữa mẹ sẽ làm sâu bọ rắn rết trả hết cho họ. Đi cho rồi con, mẹ xin con đấy, mẹ lạy con đấy!
- Đi à? Mẹ nhìn con đi. Mẹ không thấy con ở đây như bà hoàng sao? Việc gì phải bỏ xứ mà đi. Mẹ lên đây hưởng phúc đời với con!
- Trời ơi, phúc đời! Con với cái, khốn nạn!
Bà mẹ tức giận tát cái nảy lửa vào mặt con gái. Rồi bà không thẳng về nhà mà nhằm hướng bờ sông. Sông Ngát, dòng sông quanh năm nước tràn trề đầy ứ, hôm nay như đỏ hơn, đục hơn, quằn quặn hơn, như sẵn lòng chờ đợi một điều gì đấy, ban phát một điều gì đấy. Nhưng ra đến bờ sông, bà chững lại, bà chưa thể dứt kiếp nợ để lội xuống dòng như đã định, đành tập tễnh quay về.
Người mẹ tật nguyền bất lực. Cả những người đàn bà làng Ngát cũng bất lực. Họ đã thay nhau ra miếu thắp nhang khấn nguyện cầu xin nhưng đám nhang khói chỉ ngun ngút rồi tắt chứ không cháy bùng lên. Những người đàn bà chỉ còn biết vòng vọng nhìn lên ngọn đồi và mong có bóng đàn ông đi xuống chân đồi. Nhìn từ xa, ngọn đồi nhỏ lắm, nếu có bóng người đàn ông chắc càng nhỏ lắm…
Còn cô gái, từ trên đỉnh ngọn đồi cao, ngày ngày nhìn về phía làng Ngát. Cảnh làng ngày càng vắng vẻ, ảm đạm, hiu hắt thê thảm. Những người đàn bà giờ như những cái bóng di động, vật vờ trên các lối đi. Những cái bóng cơ hồ như đang nhỏ dần lại, chực tan biến vào hư không. Họ khác hẳn trước đây, lúc cưỡi lên mình cô mà xoe xóe, mà giáng đòn hội đồng, hung hãn nắm lấy mái đầu của cô mà phừn phựt, mà sồn sột… Lòng thù hận của cô, lúc nào cũng vậy, ngùn ngụt cháy. Cô muốn đám đàn bà làng Ngát héo hắt trong chờ đợi. Họ héo hắt rồi đấy. Và cả tàn tạ nữa…
Nỗi sung sướng, sự đắc ý giãn nở căng no mê man, đầy ứ trong con người cô gái. Hả hê cuồn cuộn như thác lũ, sùng sục man dại như mãnh thú bầy đàn… Có điều không ngờ, đến một ngày nọ, bỗng dưng, cái điểm đỉnh cuồn cuộn ấy đột tắc nghẹn, tắt lịm. Không phải lòng thù hận hay sự đắc ý của cô nguôi đi. Chỉ vì cô đau bụng, đau dữ dội và ngày đàn bà của cô kéo dài quá. Bảy ngày, mười ngày rồi cả tháng, hơn tháng. Những người đàn ông rối rít đi kiếm thuốc. Nhưng dù thuốc, đủ loại, bệnh tình vẫn không thuyên giảm mà ngày càng nặng hơn. Máu ra nhiều. Thân mình cô gầy đét, xám xịt. Máu và bệnh tật khiến cơ thể cô bốc lên mùi tanh tưởi lợm mửa. Ruồi nhặng kéo về ngày càng nhiều. Bâu vào mình cô, cả chiếc giường, căn nhà và tất tật đồ ăn thức uống…
Bóng những người đàn ông nhỏ bé lần lượt xuống chân đồi và rõ dần trên các lối đi. Người đàn bà tật nguyền hớt hải lao lên ngọn đồi. Con gái bà vùi trong đống ruồi, và máu, bẹp dí nơi góc giường thoi thóp. Bà hối hả vực con gái mềm oặt ra bờ sông Ngát. Bà phấp phỏng đợi và hốt hoảng gọi đò…
Chốn xa lạ, bệnh viện, người đông. Khoa Phụ sản, đàn bà nhiều lắm. Nói, đấy là thế giới riêng của họ, thế giới của đau đớn, của bệnh tật và của bị tước đoạt. Những khuôn mặt bợt bạt âu lo, cả la thét thất kinh, cả gào khóc, cả nước mắt và cả thở dài… Phòng mổ lặng như tờ. Những bóng áo xanh ngắt lặng lẽ làm việc. Cô gái từng làm đàn bà khép mắt lại, chìm vào giấc ngủ sâu. Giấc ngủ thay đổi kiếp phận…
L.P
(TCSH325/03-2016)