Tạp chí Sông Hương - Số 326 (T.04-16)
Nhiếp ảnh và văn chương - những cuộc gặp gỡ
09:52 | 29/04/2016

LÊ VIỄN PHƯƠNG  

Tuy văn chương và nhiếp ảnh mỗi lĩnh vực đều có cách tư duy nghệ thuật riêng biệt, được thiếp lập trên những phương tiện, chất liệu riêng biệt nhưng giữa chúng có điểm chung đó là đều thể hiện được cái nhìn của người nghệ sĩ về con người, về cuộc đời, về thế giới khách quan và thế giới chủ quan.

Nhiếp ảnh và văn chương - những cuộc gặp gỡ
Bèo bọt – Nguyên Quân

Suy cho cùng, nghệ thuật thành công, trước hết là ở chỗ người nghệ sĩ đứng ở đâu để nhìn về đối tượng, để khai thác đối tượng. Người ta gọi đó là góc nhìn, điểm nhìn. Góc nhìn nghệ thuật trước hết giúp người nghệ sĩ bày tỏ được cách anh ta nhìn về thế giới, từ đó đưa ra được thông điệp của mình. Đứng ở đâu để nhìn đối tượng, lựa chọn những đối tượng nào để cấu thành nghệ thuật cũng là những điều chứng minh bản lĩnh của một nhà văn hay một nhiếp ảnh gia. Cái cuối cùng của nghệ thuật văn chương hay nhiếp ảnh là đưa được thông điệp của mình tới người đọc và người xem.

Một người nghệ sĩ có thể thực hành nghệ thuật trên nhiều lĩnh vực khác nhau, mỗi lĩnh vực sẽ giúp họ bày tỏ được quan niệm của mình về cuộc sống. Dĩ nhiên môi trường, nền văn hóa, lịch sử, con người... của mảnh đất mà người nghệ sĩ đang tồn tại sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sáng tác của họ. Huế là một vùng đất mà từ khởi thủy đã sản sinh ra nhiều tác giả lớn, theo dòng mạch đó, đến ngày nay, Huế vẫn là nơi khởi đi cho nhiều tài năng. Đối với một nghệ sĩ sống ở vùng đất này thì làm nghệ thuật trên một lĩnh vực có lẽ không được thỏa mãn bởi Huế có nhiều thứ để mộng mơ và dự phóng. Gần đây, chúng ta thấy có một số nhà văn ở Huế, với đam mê của mình đang bước qua lĩnh vực nhiếp ảnh, hoặc đó là sự ngẫu hứng trong một thời điểm nhất định; tất nhiên họ sẽ song trùng giữa văn chương với nhiếp ảnh và thực sự nhiếp ảnh đã nuôi dưỡng cho họ lòng đam mê đối với nghệ thuật và sự khát khao phát đi thông điệp của mình qua những tác phẩm.

1.

Nhà văn đầu tiên đam mê nhiếp ảnh mà chúng tôi muốn nói tới đó là Nguyên Quân, một người viết nhiều thể loại và có nội lực. Nguyên Quân mới bước vào lĩnh vực nhiếp ảnh trong một thời gian ngắn gần đây nhưng anh đã có tác phẩm được giới thiệu trang trọng trên Khoảnh khắc đẹp của Sông Hương. Quan sát sự chuyển biến trong nghệ thuật nhiếp ảnh của Nguyên Quân chúng tôi đi tới một kết luận là nghệ thuật nhiếp ảnh của anh có tư duy trùng khít với văn học của anh. Với Nguyên Quân, nghệ thuật bắt đầu từ đau khổ. Không gian trong nhiếp ảnh của Nguyên Quân không phải là những không gian rộng lớn mà không gian đó chủ yếu nằm trong lòng thành phố Huế. Nhưng không gian bên ngoài, không gian được hiện lên qua các hình ảnh mà Nguyên Quân chộp bắt chỉ mới là một nửa trong tác phẩm, phần không gian rộng hơn, nặng hơn, sâu hơn chính là không gian bên trong của mỗi tác phẩm, không gian đó không phải bất cứ người xem nào cũng nhìn thấy được. Đó là cái không gian thăm thẳm của nội tâm, không gian đó tưởng chừng như vô ngôn nhưng sự tác động của chúng rất lớn trong việc khiến người xem suy ngẫm về cõi nhân sinh hữu hạn.

Trước khi đi vào phân tích tác phẩm Bèo bọt, chúng tôi muốn nhìn về thế giới văn chương của Nguyên Quân để thấy được sự nhất quán trong tư duy nghệ thuật của nhà văn này. Có thể kể tới những truyện ngắn hay của Nguyên Quân như Vỏ và cánh, Sâu hút, Mê cung… truyện dài Căn phòng có ánh đèn vàng cùng với nhiều tập thơ đã được xuất bản. Văn chương của Nguyên Quân có cái nhìn về cuộc sống có phần ảm đạm. Dù ở lĩnh vực nào, là văn xuôi hay thơ thì tác phẩm của Nguyên Quân cũng mang cái sức nặng của những suy nghiệm về cuộc đời, về con người, về thân phận của những người cùng khổ, những người bị rớt lại với cuộc sống nghèo hèn. Cái làm nên sức nặng trong văn chương của Nguyên Quân bắt đầu từ những tìm tòi về bút pháp và sau đó là đề tài lựa chọn. Nguyên Quân thường nhìn về phía những thân phận không may trong xã hội. Cũng bởi vì thế văn chương của anh có sự thật, đôi khi là sự thật trần trụi chua chát nhưng chúng luôn hiện tồn trước mắt. Đó là những nỗi thống khổ của người mẹ, của người tình, của tha nhân và của chính chủ thể sáng tác. Cảm thức cô đơn và nỗi hoài nghi cũng luôn đeo bám Nguyên Quân. Nguyên Quân hoài nghi sự thật, hoài nghi tình yêu, thân phận và hoài nghi về chính sự có mặt hay vắng mặt của chính bản thân mình.

Trở lại với tác phẩm nhiếp ảnh Bèo bọt, chúng ta thấy rằng tư duy nghệ thuật trong văn chương và nhiếp ảnh của Nguyên Quân gần như trùng khít với nhau. Không gian trong tác phẩm Bèo bọt là một không gian hẹp. Màu đen choán lấy mọi vật. Dòng sông đen, tường thành đen, nhân vật xám, thỉnh thoảng có vài đốm sáng điểm xuyết bởi những hạt nước tung tóe vì những cái khua chèo mệt mỏi của con người, tường thành trăm năm lở loét như đang ôm lấy con người nhỏ bé và hữu hạn. Con thuyền nhỏ nhoi, con người mỏi mệt đang dần bị nuốt chửng bởi hố đen chính giữa tác phẩm. Có ánh sáng nhưng đó chỉ là ánh sáng của những hạt nước trong khoảnh khắc, khi sức người cạn kiệt thì nước sẽ trở về sông đen và ánh sáng từ nước sẽ tắt. Con thuyền có thể đang đi nhưng đi trong một không gian chật chội, và đi không định hướng. Sự đối lập giữa cái vĩnh cửu của tường thành và thân phận con người càng khiến không gian nặng nề hơn… Tất cả xô đẩy người xem vào một cảm giác bí bức trước khi nhìn thấy cái đẹp của sự u sầu.

Để nhìn về cuộc sống mà chính mình đang lưu trú, đang đối mặt, để có thể lột tả được sự đau khổ của nó trước hết Nguyên Quân đưa ra một cảm thức hoài nghi. Cảm thức hoài nghi chính là cảm thức chung của nghệ thuật hiện đại. Nghệ sĩ ngày nay, đứng trước cuộc sống có nhiều biến đổi, cảm thức cuộc sống hiện đại không ngừng va đập và tâm trí họ nên sự nghi ngờ, hoài nghi về mọi thứ là điều không thể tránh đối với tâm hồn nhạy cảm. Trước hết Nguyên Quân hoài nghi chính bản thân mình qua chính những bức chân dung của chính anh. Nhìn vào những tấm ảnh và người nhiếp anh đang tự vẽ mình, Nguyên Quân tự hỏi mình là ai, mình tới từ đâu, đâu là con người thật của mình... Điều đó chính thơ anh cũng đã từng nói: “Nó và tôi/ ai là người/ ai là dư ảnh của thời hiện sinh...”. Theo triết học hiện sinh thì con người sinh ra đã vướng mắc vào những điều phi lý mà con người không thể tự giải thoát, con người lao vào những cuộc chơi tự mình bày ra và đôi khi chính con người trở thành con thú mắc bẫy với những vết thương không thể chữa lành. Những tác phẩm nhiếp ảnh thuộc dòng Chân dung phố của Nguyên Quân như buộc chính con người tự soi vào khuôn mặt mình để hiểu mình, nhìn rêu mốc trên khuôn mặt mình để tự hỏi về sự đọa đày của thân xác trên mặt đất hoang vu. Cuộc sống buồn đau hơn khi Nguyên Quân khai thác nhiều về hình tượng những người đàn bà vô danh hay những người mẹ u uẩn. Nếu như xem dòng tác phẩm nhiếp ảnh Chân dung phố và đọc thơ của Nguyên Quân thì chúng ta sẽ thấy nhiều hơn về những nỗi đau: “Phận người trìu trĩu nón mê/ bàn chân kéo chiếc dép lê cùng trời...”. Sự u uẩn, bóng tối nhiều hơn ánh sáng bám lấy thân phận những người mẹ đi cho đến khi chấm dứt cõi tạm bợ này được thể hiện trong nhiếp ảnh và cả trong thơ của Nguyên Quân: “Mẹ ơi cho đến bây giờ/ cái hắt hiu đó trong mơ vẫn còn.”

Bắt bóng - Nguyên Quân


Với chúng tôi thì tác phẩm Bắt bóng của Nguyên Quân là một tác phẩm đẹp. Tất nhiên trước hết cái đẹp ở đây không nằm ở sự mới lạ bởi chủ đề này đã được nhiều nhiếp ảnh gia khai thác nhưng đây là cái đẹp của nội giới, của thế giới bên trong tác phẩm. Tác phẩm này không được chụp từ cảm thức duy mỹ thuần tùy mà ở đây cái đẹp đến từ sự trĩu nặng của lòng người, của người chụp và của đối tượng. Thông thường thì chúng ta thấy những tác phẩm chụp cảnh sông nước, chụp cảnh ngư dân lao động trên sông nước thường hướng tới một cái đẹp lãng mạn với không khí “đèm đẹp” nhưng ở đây dường như không còn cái không khí đó. Một hình nhân không rõ hình dạng đang chơi vơi giữa dòng nước có màu xanh lạnh đang bị màu đen ăn dần, chiếc bóng của hình nhân trở nên yếu ớt trong cái lan tỏa của màu đen. Lưới tung lên không trung dường như muốn khoát khỏi cái không gian o bế nhưng bất lực, rồi tất cả bị nuốt chửng vào dòng sông lạnh… Tác phẩm này của Nguyên Quân làm tôi nhớ tới không khí trong truyện dài Căn phòng có ánh đèn vàng của chính anh. Căn phòng có ánh đèn vàng xét riêng về kỹ thuật viết thì cái thành công của nhà văn Nguyên Quân trong tác phẩm này đó là sự xây dựng nên một không gian có sức ám ảnh và gợi mở cho biên độ của trí tưởng tượng ở bạn đọc. Đó là một không gian lạnh, nhiều bóng tối, trộn lẫn giữa hiện thực và tưởng tượng, giữa những hình ảnh của ký ức, thực tại và những hình ảnh dự phóng ở phía trước. Trong không gian đó thân phận con người dần dần được hé mở. Con người luôn đi tìm hơi ấm, đi tìm hạnh phúc trên những niềm đau. Họ tự thắp lửa để cùng nhau vượt lên sự tủi nhục của thân phận người. Căn phòng có ánh đèn vàng luôn kiềm lời, ngôn ngữ lạnh lùng thậm chí có khi chua chát. Tác phẩm này có nhiều khoảng trắng vẫy gọi sự kiến giải của người đọc.

Những người mẹ, những người đàn bà vô danh là những hình ảnh thường thấy trong nhiếp ảnh của Nguyên Quân. Mẹ và đêm tối chính là hai hình ảnh song trùng, kéo lê nhau đi miết đêm thâu. Trước hết những hình ảnh này đến từ thơ của anh: “Dạ thưa mẹ đêm rất dài/ tiếng chân hoang thú vọng hoài rừng mưa...”. Xen lẫn với hình ảnh của mẹ, của đêm là hình ảnh của những người đàn bà tội nghiệp: “Khi thành phố đã ngủ yên/ chị còn lê chổi quét phiên chợ chiều...”; hay “đêm nay có mảnh sao rơi/ tiếng chỗi quét chợt nữa vời lặng thinh/ chị quay về phía bóng mình/ con mắt ướt đẫm vô tình lẫn nhau...

Hình ảnh của những người đàn bà giấu đêm tối vào trong mắt mình cứ kéo lê nhau đi mãi trong hành trình đầy u ám mà Nguyên Quân đã chụp và đã viết nên. Có lẽ điểm chung của những nghệ sĩ có nhiều vương lụy, nhiều đau buồn, nhiều đỗ vỡ là họ thường quan sát những người đàn bà, thân phận của những người đàn bà khốn khổ để mà bám vúi lấy hơi ấm mong manh của họ, kiểu như tìm về với suối nguồn của đời mình vậy: Người đàn bà mắt sững sờ/ người đàn bà đa mang/ người đàn bà phù vân khóc ào... tất cả là một bức tranh được đắp nổi lên bởi màu tím bầm, màu rêu xanh, màu đục trắng màu xanh leo lét của phận người trong nhiếp ảnh của Nguyên Quân...

2.

Nhà văn đến với cuộc đời thông qua chữ viết, người nghệ sĩ nhiếp ảnh đến với cuộc đời bằng ống kính máy ảnh. Vì chất liệu, phương pháp sáng tác khác nhau nên sự tác động tới người thưởng thức nghệ thuật cũng sẽ khác nhau. Nhưng tựu trung, tất cả đều đi ra từ tâm thức của nghệ thuật, từ tiếng lòng nghệ sĩ. Tâm thức nghệ sĩ sẽ được phóng chiều qua tác phẩm và để lại trong tác phẩm những tiếng nói đa thanh, những tiếng nói chờ đợi sự đồng sáng tạo của người yêu nghệ thuật. Lấy tâm thức Phật giáo để nhìn về vạn vật là lối thực hành nghệ thuật của Nhụy Nguyên trên cả lĩnh vực văn chương cũng như ở sự đam mê nhiếp ảnh của anh. Nhụy Nguyên đến với đọc giả văn chương bằng những truyện ngắn ấn tượng như: Tiên Thiên vũ nữ, Vòng luân hồi của chữ v.v. Truyện ngắn của Nhụy Nguyên khó tiếp nhận bởi dung lượng kiến thức và triết học tôn giáo, văn hóa đòi hỏi ở người đọc một căn nền. Mặt khác, truyện ngắn của anh thường đảo chiều thời gian, không gian, cấu trúc truyện phức tạp, chằng chéo nhiều chi tiết và cái khó tiếp cận nữa là truyện của Nhụy Nguyên thiên về truyện ngắn ý niệm. Chỉ khi nhìn thấy ý niệm ẩn sau truyện ngắn của tác giả thì người đọc mới nhận thấy cái hay, cái thú vị.

  Ảnh: Nhụy Nguyên


Bộ ảnh Sen tàn của Nhụy Nguyên đã chứng minh được cách nhìn độc đáo của anh về thế giới. Thông thường, người ta hay tìm tới vẻ đẹp của sen lúc sen mới nụ hay khi sen đang vào mùa rực rỡ màu sắc. Nhưng có lẽ, nghệ thuật trước hết phải đến từ cách nhìn khác, nhìn khác và khai thác đối tượng ở những phía khuất lấp mà người khác ít để ý nhất thường đem tới sự thành công. Nhìn sen vào lúc sen tàn là lựa chọn của Nhụy Nguyên. Bộ ảnh Sen tàn đã chứng minh cho cách nhìn khác. Nhụy Nguyên không hướng tới cái rực rỡ mà hướng tới sự tàn phai sau khi sen đã đem đến cho đời hương sắc. Qua Sen tàn chúng ta thấy được lẽ sinh diệt của vạn vật, sự luân hồi của vũ trụ và kiếp nhân sinh bé nhỏ. Nhìn hình ảnh gương sen đã biến dạng lúc cuối mùa sen trong tác phẩm Sen tàn chúng ta sẽ nhớ về hình ảnh một nụ sen mới chớm trước đó rồi tới cái bông sen thơm ngát và sau đó là những cánh sen hồng mong manh lần lượt rơi xuống và cuối cùng chỉ còn lại gương sen. Tất cả dần tàn phai theo thời gian, tàn phai không thể cứu chuộc. Và rồi chỉ còn lại hai hạt sen sống sót trong gương sen khi các hạt sen khác đã héo úa. Các hạt đã khô quắt trong gương sen biến dạng đó chính là chứng tích của sự đau khổ, của sự đấu tranh để sinh tồn nhưng đã thất bại. Hai hạt sen khỏe mạnh vươn lên ánh sáng phía trên như minh chứng cho sức mạnh của sự sinh sôi, của sự kế thừa vụ trụ. Hai hạt sen chắc tròn như hai con mắt nhìn về sự sống, báo hiệu cho một mùa sen sau. Cứ thế, vòng tuần hoàn sinh diệt mãi mãi nằm ngoài sự chi phối của con người. Phía sau của gương sen biến dạng là những chiếc lá còn xanh và những chiếc lá đã héo rũ, lá còn xanh hay lá úa tàn rồi cũng biết mất khi đổi mùa. Sen sinh ra từ bóng tối rồi bung nở khi ánh sáng mặt trời chói chang và rồi chúng lại biến mất trong bóng tối của bùn lầy và nước. Tùy thuộc vào phong nền văn hóa, tâm thức khác nhau mà người ta nhìn sen với nhiều biểu tượng khác nhau. Người Ai Cập xem sen như là âm hộ mẫu gốc duy trì sự sống, suối nguồi của sự sống; người Ấn Độ xem sen như biểu tượng lớn nhất của tinh thần; Phật giáo xem sen là bản thể, là tiêu biểu cho pháp môn di diệu vượt thoát sanh tử. Dù nhìn nhận ở cảm quan nào thì sen luôn là biểu tượng cho những điều thiêng liêng và nhìn cái thiêng liêng khi nó đang đi vào hồi kết của một chu trình để đợi chờ một chu trình khác là cái nhìn rất riêng của Nhụy Nguyên.
 

Tiến hóa - Nhụy Nguyên

Ngoài bộ ảnh Sen tàn, nhà văn Nhụy Nguyên còn những tác phẩm thuộc về nhiếp ảnh ý niệm. Dĩ nhiên, khi một nhà văn bước sang lĩnh vực nhiếp ảnh thì sẽ gặp nhiều khó khăn, hơn nữa nhiếp ảnh ý niệm đòi hòi ở người nghệ sĩ nhiều thứ ngoài kỹ thuật nhiếp ảnh. Nhiếp ảnh ý niệm đòi hỏi người chụp phải giàu ý tưởng, thậm chí là tư tưởng, phải có sự quan sát và kết hợp các hình ảnh với nhau để sản sinh ý niệm biểu đạt. Tiến hóa của Nhụy Nguyên theo chúng tôi là một trong những tác phẩm nhiếp ảnh ý niệm đáng chú ý. Đây là tác phẩm bao hàm trong nó nhiều tiếng nói khác nhau, nhiều cách diễn giải khác nhau tùy thuộc vào người xem. Tác phẩm gói gọn vào trong đó nhiều lớp không gian, nhiều khoảnh khắc thời gian. Ở đó có sự đối lập của các hình ảnh thông qua góc nhìn độc đáo của người chụp. Hình ảnh trung tâm của tác phẩm này là hai con khỉ. Cái mạnh nhất trong tác phẩm này chính là ý tưởng, một ý tưởng đột khởi. Tác giả chộp bắt khoảnh khắc khi nhìn thấy cái tượng khỉ thật và cái tượng khỉ được phản chiếu qua tấm gương chiếu hậu của một chiếc xe máy. Ngay lập tức không gian của vật thể được chia làm hai, người xem nghĩ ngay tới cái khởi nguyên và cái của thực tại, cái hư và cái thực, cái ngụy tạo và cái có thể nắm bắt được của sự vật. Cái được ngụy tạo nằm cạnh cái hiển hiện thực sự. Tượng khỉ phía ngoài gương nằm ở một khoảng không gian hoang phế, phải chăng đó là khởi nguyên. Con khỉ ở trong cái gương đang nằm trong cái không gian của cuộc sống hiện tại, một cuộc sống sôi động, ồn ào và bị bao vây của cơ giới. Như vậy, cùng một lúc, ở một điểm nhìn, người chụp đã kêu gọi vào trong tác phẩm nhiều lớp không gian, thời gian, bao hàm nhiều tiếng nói, nhiều suy ngẫm. Tác giả đặt tên bức ảnh là Tiến hóa, tất nhiên chúng ta không thể kết luận nhìn về phía nào là tiến hóa, nhìn về phía con khỉ khởi nguyên là tiến hóa hay nhìn về phía con khỉ thực tại trong gương là tiến hóa. Thông thường, người ta nghĩ rằng hướng đến cuộc sống hiện đại là tiến hóa những có lẽ ở một gốc độ nào đó chính cuộc sống cơ giới hiện đại đang dần đẩy thế giới đi vào sự hủy diệt thay cho sự tiến hóa theo cách hiểu thông thường.

3.

Em bé H’Mông - Lê Vũ Trường Giang


Lê Vũ Trường Giang là một tác giả trẻ nhưng đã định hình cho mình một phong cách khá riêng biệt trên văn đàn hiện nay. Là người viết đều với nhiều thể loại như văn xuôi, thơ, nghiên cứu văn hóa. Nhìn chung phương pháp sáng tác của Lê Vũ Trường Giang đó là đi và viết. Là tác giả trẻ nên anh đi nhiều, lấy tư liệu từ thực tế của những chuyến đi để  sáng tác. Thành công của Lê Vũ Trường Giang nằm ở chỗ nhà văn này đã kết hợp được những kiến thức văn hóa, lịch sử tộc người vào trong những tác phẩm văn chương hư cấu của mình. Là người đi nhiều và thường có thói quen chụp lại, lưu lại những hình ảnh trên những cung đường đi qua. Nhưng ảnh trong tâm thế, cảm quan, lăng kính của một nhà văn nên chúng giàu tính nghệ thuật chứ không chỉ là những bức ảnh mang tính chất tư liệu báo chí. Xem ảnh của Lê Vũ Trường Giang chúng ta thấy đúng là giữa tư duy nhiếp ảnh và văn chương của nhà văn này cũng như của Nguyên Quân và Nhụy Nguyên, tư duy sáng tác văn học và nhiếp ảnh rất gần gủi nhau. Lê Vũ Trường Giang thành công trên bút pháp viết truyện về đề tài lịch sử, những bút ký của anh thời gian gần đây cũng giàu tính văn hóa và giàu sự khám phá về những điều mới lạ trong tập quán của những vùng đất, con người nơi anh đã qua. Trong nhiếp ảnh, Lê Vũ Trường Giang cũng thường chú ý về những vẻ đẹp của một thời vang bóng, những nét đẹp tưởng chừng như đã nằm yên trong sử thi quá vãng. Bằng cái nhìn của một nhà văn, anh chụp lại chúng nhưng có lẽ ảnh của anh không chỉ dừng lại ở việc ghi lại hình ảnh vật thể mà còn kêu gọi được cái hồn cốt của đối tượng hiển lộ.

Chú nghê bên cửa Hiển Nhơn - Lê Vũ Trường Giang


Tác phẩm Chú nghê bên cửa Hiển Nhơn của Lê Vũ Trường Giang là một trong những tác phẩm chụp về đề tài văn hóa lịch sử. Tác phẩm này đã chuyển tải được cái bề dày của lịch sử văn hóa ở một vùng đất qua điểm nhìn từ dưới lên. Vì lựa chọn điểm nhìn này nên hình ảnh chú nghê hiện lên với tư thế vững chãi và mang không khí của sự trường tồn vĩnh cửu. Góc nhìn từ dưới lên nên khiến cho khung cảnh được mở rộng, mọi thứ như được kéo lên cao hơn và vật thể trở nên to lớn hơn. Trung tâm của bức ảnh là điểm sáng màu đỏ trong tác phẩm, điểm sáng này được dựa trên phong nền màu xám xung quanh, tác phẩm vừa lấy tối để diễn sáng nhưng cũng vừa lấy sáng để diễn tối. Tối là sự thăng trầm của lịch sử, điểm sáng minh chứng cho sự sống của lịch sử, lịch sử ở đây không là lịch sử chết cứng mà lịch sử đang vận hành cùng thời gian, cùng vạn vật và lòng người.

Ngủ giữa trùng sơn là tập truyện ngắn đầu tay của Lê Vũ Trường Giang, bao gồm 9 truyện ngắn được triển khai với nhiều thủ pháp nghệ thuật khác nhau. Những tác phẩm trong tập truyện này hầu hết dựa trên nền tư duy lịch sử, lấy lịch sử làm căn cốt để từ đó hướng tới những khả thể hư cấu, tạo ra những cách lý giải khác biệt về lịch sử và con người. Văn chương và nhiếp ảnh của Trường Giang bổ trợ cho nhau, có thể nói trong thế hệ trẻ ở Huế hiện nay, Trường Giang là người chịu khó đi và viết vì thế sự dấn thân của anh đã có nhiều ảnh hưởng tới các cây bút trẻ khác.

Là một thạc sĩ chuyên ngành lịch sử nhưng khi bước vào khai thác đề tài này, Lê Vũ Trường Giang đã thoát ra khỏi những kiểu nhìn khô cứng về lịch sử; dựa trên vốn kiến thức về quá khứ, về những điều tưởng chừng đã ngủ yên, tác giả làm sống lại, thậm chí hướng những điều tưởng chừng như xưa cũ trở nên có sức ám ảnh hơn, mở ra được nhiều chiều hướng ý nghĩa mới bởi tính chất lấp lửng của hình tượng, biểu tượng và ngôn từ. Lê Vũ Trường Giang đã từng tâm tư với bạn đọc rằng: Chúng tôi còn quá trẻ để hiểu hết lịch sử nhưng chúng tôi tin rằng mình nuôi được một ngọn lửa cảm thức lịch đại để khi cần hóa thân vào đó và kể lại những câu chuyện thời nảo thời nao.

Sự liên kết giữa các loại hình nghệ thuật trong sáng tạo của một người nghệ sĩ là điều thường thấy, tuy nhiên không phải ai cũng thành công được trên nhiều lĩnh vực. Có thể, một nhà văn, một nhiếp ảnh gia chỉ xác lập được căn cước của mình trên lĩnh vực của họ. Nhưng việc thực hành sáng tạo nghệ thuật trên nhiều lĩnh vực để nuôi dưỡng, tìm cảm hứng và năng lượng của các nhà văn, nhà nhiếp ảnh ở Huế hiện nay là một điều đáng khâm phục để Huế lại có thêm một một mùa màng rực rỡ.

L.V.P
(TCSH326/04-2016)





 

Các bài mới
Bức tranh (06/05/2016)
Các bài đã đăng