Tạp chí Sông Hương - Số 328 (T.06-16)
Biến đổi kiến trúc nhà vườn truyền thống Huế
08:32 | 28/06/2016

TRẦN VĂN DŨNG

Nhà vườn truyền thống là di sản đặc trưng tạo nên bản sắc văn hóa Huế, ảnh hưởng lớn đến việc hình thành tính cách, tâm hồn của con người xứ Huế.

Biến đổi kiến trúc nhà vườn truyền thống Huế
Nhà vườn Xuân Viên Tiểu Cung ở Kim Long



Hiếm có nơi nào trên đất Huế có phong cảnh sơn thủy hữu tình cùng quyện hòa thanh thái trong không gian kiến trúc nhà vườn truyền thống. Kỳ thực, các nhà vườn truyền thống ấy đã từng vang bóng một thời và nay là nơi lưu giữ những ánh hào quang quá vãng của vùng đất danh hương xưa, mà nếu thiếu vắng, thì bức họa đồ xứ Huế sẽ trở nên nhạt nhòa vì thiếu những gam màu sâu lắng, cô liêu. Tiếc rằng ngày nay, nhà vườn truyền thống ở Huế đã và đang bị biến đổi một cách nhanh chóng trong quá trình đô thị hóa.

1. Nhà vườn truyền thống Huế

Nhà vườn truyền thống Huế xuất hiện khá sớm, nhất là sau khi thủ phủ chúa Nguyễn được xây dựng ở làng Kim Long, bên bờ tả ngạn sông Hương vào năm 1636 và đặc biệt phát triển mạnh dưới triều Nguyễn. Sự khác biệt về lối sống, tâm thức, tín ngưỡng, luật lệ triều Nguyễn cùng với khí hậu, địa hình, thổ nhưỡng xứ Huế đã tạo nên nét đặc trưng nhà vườn truyền thống về lịch sử hình thành, cảnh quan kiến trúc, kết cấu kiến trúc và không gian xã hội mà những nhà ở truyền thống thuộc các vùng miền khác nhau trên đất nước Việt Nam hiếm nơi nào có được. Nhà vườn Huế là một thành tựu văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của vùng đất này, nó ẩn chứa những giá trị độc đáo thuộc nhiều lĩnh vực: kiến trúc, nghệ thuật, lịch sử, triết học, tôn giáo tín ngưỡng... phản ánh sự kế thừa trong dòng chảy văn hóa Việt, đồng thời mang đậm bản sắc riêng của chốn kinh kỳ xưa. Do đó, “vườn Huế là nơi ẩn chứa thân tình với nhau, với đồng loại chung quanh1; là tổ ấm kết nối sức sống của gia đình, dòng tộc tạo nên sự đoàn kết tình thân ruột thịt, trong đó nuôi dưỡng những truyền thống tốt đẹp, nề nếp gia phong...

Những ngôi nhà vườn truyền thống Huế được quy hoạch trong một không gian thoáng rộng, gắn bó mật thiết với môi trường tự nhiên, tuân theo quy luật “phong thủy”, bao gồm: cổng ngõ, bình phong, hòn non bộ, bể cạn, sân, nhà rường, vườn cây… Do đó, “ngôi vườn - ngôi nhà trở thành của nhau, gắn bó và tôn tạo nhau, phản ánh sức sống, lối sống, quan niệm sống, cũng như những đặc điểm mà con người đã làm nên, qua quá trình thích ứng về mặt địa lý, lịch sử, xã hội2. Nhà vườn Huế giống như một Kinh thành Huế thu nhỏ, với bình phong thay núi Ngự Bình, bể nước thế dòng sông Hương, hòn non bộ, hang động, thác nước, các loại cây cảnh, hoa và cây ăn quả… mang nhiều giá trị văn hóa, kiến trúc nghệ thuật đặc sắc. Như vậy, “người Huế đã thu gọn không gian kiến trúc ấy vào trong các khu vườn của mình với một bố cục tương tự3.

Nhà vườn Huế tạo ra sự gần gũi giữa con người và thiên nhiên, giữa nông thôn với thành thị tạo nên một sự quyến rũ độc đáo, trở thành biểu tượng của miền đất sông Hương núi Ngự. Nhà nghiên cứu Chu Sơn khi mô tả nhà vườn Huế đã có một nhận định rất hay: “Vua chúa ở nhà rường. Hoàng thân quốc thích ở nhà rường. Quan lại ở nhà rường. Người giàu ở nhà rường. Phật, Thánh ở nhà rường. Ma quỷ cũng ở nhà rường. Ông bà tổ tiên ở nhà rường. Con cháu cũng ở nhà rường4. Nếu có một ngày nhà vườn Huế biến mất đồng nghĩa với việc thành phố vườn sẽ mất đi. Huế không còn là Huế nữa.

Chúng tôi xin liệt kê một số địa danh tiêu biểu tập trung nhiều nhà vườn truyền thống:

Vùng Kim Long - Hương Long có các nhà vườn truyền thống tiêu biểu như: Nhà vườn An Hiên (58 Nguyễn Phúc Nguyên), Phủ thờ Đức Quốc Công (2 Kim Long), Xuân Viên Tiểu Cung (3/22 Phú Mộng), nhà vườn ông Nguyễn Văn Trọng (28 Phú Mộng), nhà vườn bà Nguyễn Thị Ngộ (3 Phạm Thị Liên), nhà vườn ông Đoàn Kim Khánh (145 Vạn Xuân), nhà vườn ông Mai Khắc Lưu (180 Lý Nam Đế), nhà vườn ông Lê Lương (38 Nguyễn Hoàng), nhà vườn ông Đoàn Văn Khuyến (137 Vạn Xuân)...

Vùng Thủy Biều có các nhà vườn truyền thống tiêu biểu như: Nhà vườn ông Hồ Xuân Doanh (51 Thanh Nghị), nhà vườn ông Đặng Phi Hùng (43 Lương Quán), phủ thờ Huấn Vũ Hầu (27 Lương Quán), nhà vườn ông Hoàng Trọng Dũng (1/12 Ngô Hà), nhà vườn ông Hồ Xuân Đài (501/24/10 Bùi Thị Xuân), nhà vườn ông Hồ Xuân Bổng (32 Thanh Nghị), nhà vườn ông Tôn Thất Tòa (13A Lương Quán)...

Vùng Chi Lăng - Gia Hội có các nhà vườn truyền thống tiêu biểu như: Phủ thờ Công chúa Ngọc Sơn (31 Nguyễn Chí Thanh), phủ thờ Tuy An Quận Vương (148 Nguyễn Chí Thanh), nhà vườn ông Mai Hữu Bảo (45 Nguyễn Chí Thanh), nhà vườn ông Thái Nguyên Hạnh (180 Bạch Đằng), nhà vườn ông Phan Hồng Sâm (4/24/228 Bạch Đằng), nhà vườn ông Trần Quốc Việt (38 Lê Đình Chinh), nhà vườn ông Phạm Quang Đức (15/228 Bạch Đằng)...

Vùng Vỹ Dạ có các nhà vườn truyền thống tiêu biểu như: Phủ thờ Tuy Lý Vương (98 Nguyễn Sinh Cung), phủ thờ Diên Khánh Vương (228 Nguyễn Sinh Cung), phủ thờ Phong Quốc Công (306 Nguyễn Sinh Cung), nhà vườn bà Cao Thị Đạm (40 Tuy Lý Vương), nhà vườn ông Vĩnh Tháp (310 Nguyễn Sinh Cung), ...

Ngày nay, theo dòng chảy của nhịp sống hiện đại, với nền kinh tế thị trường phát triển sôi động thì xu hướng đô thị hóa ở Huế là một điều tất yếu. Sự tác động của quá trình đô thị hóa, kết hợp với sự gia tăng dân số, nhu cầu nhà ở mới phát sinh, nhu cầu đa dạng của đời sống hiện đại, cộng thêm ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt, và các mặt hạn chế trong việc thực thi chính sách bảo vệ, quản lý nhà vườn Huế đã đưa đến hệ quả nhiều nhà vườn truyền thống đã và đang bị biến đổi một cách nhanh chóng.

2. Biến đổi kiến trúc nhà vườn truyền thống ở Huế
2.1. Biến đổi cảnh quan kiến trúc nhà vườn truyền thống ở Huế
2.1.1.
Vị trí, cảnh quan

Do cơ cấu quy hoạch thay đổi “làng - thị”, quỹ đất nông nghiệp ở Huế dần thu hẹp, dẫn đến còn ít nhà vườn truyền thống giữ được nguyên vẹn cảnh quan xưa mà thay vào đó là cảnh quan xen lấn giữa các công trình mới cao hơn, có quy mô lớn hơn. Kết quả nhà vườn Huế trở nên nhỏ bé và khiêm nhường trong một không gian đô thị chật hẹp. Nguyên tắc phong thủy đã được người xưa áp dụng một cách chặt chẽ khi tạo dựng nhà vườn nhưng nay đã bị biến đổi. Một số trường hợp, chủ nhân nhà vườn đã phá hủy yếu tố bình phong, bể cạn... nên không còn phát huy tối đa tác dụng về mặt phong thủy nhà vườn truyền thống. Điều này dẫn đến, cảnh quan nhà vườn Huế cũng có sự thay đổi, không còn phổ biến nhà vườn kiểu chữ “đinh”, nay xuất hiện kiểu chữ “khẩu” do chủ nhân đã xây dựng thêm các công trình kiến trúc hiện đại để ở, tránh lũ lụt, mưa bão hoặc kinh doanh dịch vụ trong khuôn viên nhà vườn truyền thống. Ví dụ điển hình như nhà vườn của bà Nguyễn Thị Ngộ tọa lạc tại phường Kim Long, Tp. Huế. Đây là một nhà vườn truyền thống đặc trưng, có giá trị kiến trúc nghệ thuật độc đáo nhưng do bà đã hết tuổi lao động nên nguồn thu nhập chính không còn, đã xây dựng thêm các ki ốt giáp mặt tiền đường Phạm Thị Liên để cho thuê mặt bằng tổ chức hoạt động buôn bán kiếm thêm thu nhập. Những ki ốt kinh doanh mới xây dựng đã làm biến đổi và phá vỡ cảnh quan kiến trúc nhà vườn truyền thống.

2.1.2. Cổng ngõ

Phần lớn kiến trúc cổng ngõ nhà vườn Huế đã bị triệt hạ hoặc hư hỏng, xuống cấp khó phục hồi nguyên vẹn được như xưa. Chủ nhân nhà vườn đã tu bổ, trùng tu cổng ngõ bằng những vật liệu hiện đại, đắp nổi, vẽ hoa văn trang trí tân thời nên ảnh hưởng đến sự nhận diện những nét nguyên thủy ban đầu của kiến trúc cổng ngõ nhà vườn truyền thống hoặc có trường hợp xây dựng lại cổng ngõ có kiến trúc hiện đại để phù hợp với đời sống đương đại. Ví dụ, chủ nhân nhà vườn xây dựng cổng ngõ to rộng để thuận tiện cho xe ô tô đỗ được trong nhà vườn. Hệ quả cổng ngõ xây dựng mới hoặc trùng tu có hình dáng, mô típ trang trí hiện đại làm mất vẻ mỹ quan, không cân đối với không gian nhà vườn Huế.

2.1.3. Hàng rào

Hàng rào bằng cây chè tàu, dâm bụt là kiểu thức đặc trưng của nhà vườn Huế, nó được ví như một loại thành xây bằng lá xanh nhằm phân định mốc ranh giới và điểm tô cho mảng xanh của nhà vườn truyền thống. Song, trước xu thế đô thị hóa nhanh, cùng với lối sống đô thị đã làm thay đổi quan điểm thẩm mỹ của người dân. Do đó, nhiều chủ nhân nhà vườn đã bê tông hóa hàng rào, thay đổi theo kiểu cách đương đại, số khác do nằm trong khu vực quy hoạch, mở rộng đường phố nên bắt buộc phải chặt phá hàng chè tàu làm phá vỡ cảnh quan của nhà vườn truyền thống. Điều đó cho thấy hàng rào bằng vật liệu kiên cố đang dần thay thế hàng rào xanh ở nhà vườn truyền thống Huế.

Một số vườn phủ đệ của tầng lớp hoàng thân quốc thích, quan lại quý tộc xưa nguyên thủy có tường rào là hệ thống la thành được xây dựng kiên cố và quy mô bằng chất liệu gạch, nền móng bằng đá cũng đang bị biến đổi. Nhiều đoạn tường rào bị phủ kín rêu phong, cây cối bám vào tường gạch gây nứt đổ, nhiều nơi do mưa bão, lũ lụt mà từng đoạn tường bị sụt lở dẫn đến nguy cơ bị sụp đổ như trường hợp phủ thờ Đức Quốc Công, phủ thờ Cẩm Xuyên Quận Vương, thậm chí hiện nay có một số nhà vườn hệ thống tường rào bị hủy hoại hoàn toàn như phủ thờ Diên Phúc trưởng công chúa, phủ thờ Lê Văn Duyệt.

2.1.4. Bình phong

Trong những năm gần đây, hầu hết các bình phong nguyên thủy điều bị biến đổi về mặt cấu trúc, nghệ thuật trang trí qua các lần tu bổ hoặc bị hủy hoại hoàn toàn. Trong lúc cải tạo nhà chính và khuôn viên sân vườn, một số bức bình phong cổ đã bị đập bỏ vì sự thiếu hiểu biết của một số chủ nhân nhà vườn truyền thống.

Bình phong được làm bằng hàng chè tàu cắt tỉa gọn gàng dần vắng bóng. Các vị cao niên kể lại rằng: Trước đây nhiều nhà vườn truyền thống trong làng dùng chè tàu để làm bình phong, chỉ có vườn phủ đệ mới xây bằng gạch. Điều này cho thấy, bình phong bằng chè tàu một thời phổ biến hầu khắp các nhà vườn truyền thống Huế nay chỉ còn gìn giữ được ở một số nhà vườn truyền thống, còn bình phong xây bằng vật liệu gạch, bờ lô ngày càng phổ biến.

Một số chủ nhân nhà vườn có điều kiện đã phục hồi lại bình phong nhưng không thể giống như cũ vì yếu tố gốc cấu thành bình phong đã bị phá hủy từ lâu nên bình phong mới trùng tu có trường hợp quá to so với nhà chính hoặc nhỏ so với nhà chính đã xảy ra hiện trạng không cân đối, ảnh hưởng đến cảnh quan và không phát huy hiệu quả thuật phong thủy theo ý đồ của tiền nhân tạo dựng nhà vườn truyền thống.

2.1.5. Bể cạn, hòn non bộ

Bể cạn, hòn non bộ là một yếu tố quan trọng cấu thành nhà vườn Huế nhưng nhiều chủ nhân đã hạ giải bể cạn, hòn non bộ trong các đợt trùng tu, sửa chữa nhà vườn. Có gia chủ giải thích rằng do đất vườn ngày càng bị thu hẹp, do phải chia tách cho con cháu làm nhà ở nên bể cạn, hòn non bộ cổ phía trước nhà chính phải phá hủy để tạo khoảng không gian trước sân thông thoáng nhằm phục vụ nhu cầu tiện ích hiện nay như làm chỗ để xe, sân phơi... Trường hợp khác, bể cạn, hòn non bộ bị phá hủy từ lâu do chiến tranh, thiên tai nhưng nay gia chủ đã xây dựng mới bể cạn, hòn non bộ hoặc mua bể cạn, hòn non bộ ở ngoài phố về thay thế. Những bể cạn, hòn non bộ mới có màu sắc sơn công nghiệp đỏ, xanh đặt trong nhà vườn tạo ra sự khập khiễng, không cân xứng với nhà chính, phá vỡ cảnh quan nhà vườn truyền thống.

2.1.6. Biến đổi vườn cây và hệ cây trồng

Nhà vườn truyền thống có diện tích hàng ngàn mét vuông ở Huế ngày càng bị thu hẹp, phân chia thành những khoảnh đất nhỏ, dẫn đến cảnh quan khu vườn bị phá vỡ, hệ cây trồng trong nhà vườn Huế cũng bị biến đổi. Tâm lý chủ nhân nhà vườn đã có sự thay đổi, trước đây họ trồng những cây họ cần như cây nghi lễ để thờ cúng tổ tiên, cây dược liệu để chữa bệnh... nhưng nay họ trồng những cây họ thích, dù đó là những loại cây không thuộc danh mục cây truyền thống ở nhà vườn Huế.

Trước đây, các loại cây ở nhà vườn Huế biểu lộ chất phong lưu, thể hiện nét đẹp truyền thống và nhân sinh quan của gia chủ hoàn toàn không thiên về kinh tế. Ngày nay, hệ vườn rau, cây cho hoa hay ăn trái để đơm cúng và giải quyết bữa ăn hàng ngày, được thay thế bằng hệ cây mang những tiêu chí giá trị khác gần gũi nhiều hơn với sự hưởng thụ nghệ thuật của giới thượng lưu. Những khu vườn trồng cây hương liệu, dược liệu, gia vị… sau bếp không còn. Nhiều gia đình đã chặt bỏ các loại cây không mang lại hiệu quả kinh tế để thay vào đó là trồng thêm một số loại rau, củ quả, cây ăn quả và các loại hoa màu khác nhằm phục vụ mục đích buôn bán, nhu cầu của khách tham quan hoặc dịch vụ ẩm thực trong khung cảnh nhà vườn dẫn đến sự biến đổi về cấu trúc khu vườn truyền thống. Điều này cho thấy, các tầng cây xanh theo trục dọc cũng như sự phân bố các giống loài trên mặt bằng ngày càng xa dần với mẫu hình truyền thống. Những khu vườn đặc trưng đã dần bị mai một, thay vào đó là hình ảnh của những tiểu cảnh Nhật Bản hoặc Trung Hoa. Mặt khác, do ảnh hưởng của thời tiết, nhiều loại cây trồng bị sâu bệnh phá hoại, một số nơi bị ngập lụt thường xuyên nên không giữ được hệ cây đa dạng đặc trưng như ngày xưa.

2.2. Biến đổi kết cấu kiến trúc nhà vườn truyền thống ở Huế
2.2.1. Nhà chính


Sau một quá trình trùng tu, tôn tạo, nhà chính thường đặt trên nền cao, nền lát gạch Bát Tràng hoặc tráng xi măng. Gia chủ thường sử dụng kết hợp các vật liệu khác như sắt thép, gỗ công nghiệp,... để thay thế nguồn nguyên liệu gỗ ngày càng đắt đỏ trong quá trình trùng tu, tôn tạo nhà vườn truyền thống. Sự tham gia của những nguyên vật liệu xây dựng mới biểu hiện khá rõ trong kết cấu ngôi nhà, đặc biệt ở phần nội thất và hệ thống cửa.

Những vách ngăn trong nhà vườn truyền thống hiện nay hầu hết có sự tham gia của tường gạch chứ không hoàn toàn bao quanh bằng gỗ như trước kia. Việc mở rộng mặt bằng sinh hoạt, tăng chiều cao mái nhà sử dụng biện pháp giảm số cột cột nhà, nâng cột nhà chính để phù hợp với điều kiện sinh hoạt hiện tại của gia đình. Chủ nhân nhà vườn có xu hướng nâng cột chính để làm nền nhà cao hơn so với sân vườn, tránh ngập úng vào mùa mưa bão, tránh không gian ẩm mốc cho nhà vườn truyền thống vào mùa đông. Sự phân chia hoặc quy ước về chỗ ở của các thành viên trong gia đình bị xóa bỏ hoặc cải biên (phong tục) đã dẫn đến kiến trúc nhà vườn truyền thống thay đổi. Cấu trúc nội thất các buồng, phòng thay đổi ngày càng có tính chất chuyên biệt để thích ứng với cuộc sống hiện đại. Ngoài ra, do nhu cầu sinh hoạt của đời sống hiện đại, chủ nhân nhà vườn xây thêm vỏ cua hoặc tiền phòng để tăng không gian tiếp khách và sinh hoạt chung.

Hệ thống mái ngói liệt truyền thống trải qua thời gian mưa bão bị thấm dột, hư hỏng nhiều nên chủ nhân nhà vườn phải thay bằng mái ngói móc, mái tôn hoặc mái bro xi măng để đảm bảo nhu cầu ăn ở và sinh hoạt trong nhà chính. Phần mái một số nhà vườn, chủ nhân còn cho xây các đoạn bê tông chạy dọc để bảo vệ hệ thống mái liệt trong mùa mưa bão xứ Huế. Điều này cho thấy, người dân đã bắt đầu sử dụng phổ biến các vật liệu lợp mái hiện đại để thay thế mái ngói liệt truyền thống. Theo ý kiến của các chủ nhân nhà vườn, lợp mái ngói móc, mái tôn hoặc mái bro xi măng tiện lợi và chi phí rẻ, ngược lại nếu chủ nhân tiến hành phục hồi hệ thống mái ngói liệt truyền thống thì họ phải bỏ ra khoản chi phí mua vật liệu và chi trả công thợ rất đắt. Có trường hợp chủ nhân nhà vườn muốn lợp lại mái liệt nhưng việc tìm thợ giỏi, lành nghề lại rất khó khăn nên họ cũng bỏ cuộc.

Loại hình nhà vườn truyền thống ở Huế có sự biến đổi theo nhiều xu hướng khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của gia chủ nhà vườn. Điều này cho thấy qua các lần trùng tu, tôn tạo, hầu hết chủ nhân do không đủ kinh phí trùng tu phục hồi nguyên trạng nhà chính như xưa nên họ buộc lòng phải hạ giải 2 chái. Kết quả nếu nhà chính thuộc dạng 3 gian 2 chái sẽ thành kết cấu nhà chính 3 gian bít đốc hoặc 1 gian 2 chái. Còn trường hợp nhà 5 gian hiện nay nguyên thủy là nhà chính có kết cấu 5 gian 2 chái.

2.2.2. Nhà phụ

Nhà phụ có xu hướng biến đổi từ không gian nhà bếp thành phòng tiếp khách, nơi sinh hoạt thường nhật của các thành viên trong gia đình, có sự chuyển đổi chức năng từ nhà chính sang nhà phụ. Điều đó có nghĩa nhà chính dùng làm nơi thờ tự, trong khi các hoạt động của gia đình tập trung ở nhà phụ. Dẫn đến, hiện trạng nhà phụ bị biến đổi mạnh nhất trong kết cấu kiến trúc nhà vườn truyền thống ở Huế. Những loại trang thiết bị như: ti vi, tủ lạnh, điện thoại, máy giặt... đều được lắp đặt và bố trí tại nhà phụ để phục vụ nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của các thành viên sống trong nhà vườn. Một số trường hợp khác, gia chủ xây dựng thêm công trình phục vụ mục đích kinh doanh buôn bán liền kề nhà phụ. Những nhà vườn thay đổi theo loại này thường nằm trên các trục đường chính thuận tiện phát triển mục đích kinh doanh.

Một hiện tượng cũng cần được đề cập đến đó là xu hướng tháo dỡ hoặc hạ giải hoàn toàn nhà phụ để xây dựng lại kiểu mới theo hướng tân thời, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của các thành viên trong gia đình, bởi lẽ theo thói quen truyền thống, đa phần sinh hoạt của gia chủ thường diễn ra ở nhà dưới. Việc xây mới nhà phụ (thậm chí to hơn, đồ sộ hơn phần nhà chính) trong khi vẫn bảo tồn kiến trúc truyền thống ở nhà chính vô hình chung đã tạo nên sự mất hài hòa, phá vỡ cảnh quan kiến trúc nhà vườn truyền thống.

2.3. Biến đổi nghệ thuật điêu khắc, trang trí trong nhà vườn truyền thống ở Huế

Trải qua thời gian dài tồn tại dưới điều kiện khí hậu khắc nghiệt xứ Huế nên các cấu kiện gỗ có trang trí điêu khắc bị xuống cấp hoặc phá hủy, đặc biệt, những mảng chạm khắc tinh xảo hình tượng đầu rồng, họa tiết hoa lá ở các đầu cột kèo hiên. Hiện nay, chúng ta ít thấy trường hợp nhà vườn truyền thống còn bảo tồn nguyên vẹn mái hiên cổ vì đa số đã bị hạ giải để xây dựng mái hiên mới vững chắc bằng vật liệu bê tông hoặc mái tôn. Điều này dẫn đến sự biến đổi hoặc biến mất rất nhiều họa tiết trang trí độc đáo trên cấu kiện gỗ mái hiên nhà vườn truyền thống.

Chúng tôi quan sát các nhà vườn truyền thống có lịch sử trùng tu, tôn tạo từ 3 lần trở lên, đặc biệt là những lần gia chủ tiến hành trùng tu trong 10 năm gần đây xuất hiện những mảng trang trí hiện đại, không phù hợp với không gian kiến trúc nhà vườn truyền thống. Họ giải thích rằng những mảng chạm khắc truyền thống như tứ quý, tứ linh phải thuê những người thợ mộc lão thành mới có thể chạm khắc được đẹp và giống như xưa. Việc làm này gây tốn kém cho gia chủ nên họ thường bỏ qua không phục hồi các mảng trang trí điêu khắc truyền thống, thay vào đó là cấu kiện gỗ thường để trơn hoặc trang trí các mảng chạm khắc đơn giản.

Những bức hoành phi, câu đối, bài thơ chữ Hán là thành tố trang trí nội thất quan trọng trong nhà vườn truyền thống Huế. Những nhà vườn Huế còn bảo lưu khá nguyên vẹn hệ thống hoành phi, câu đối cổ treo khắp các gian nhà chính như: An Hiên, Xuân Viên Tiểu Cung, Đức Quốc Công, Thường Lạc Viên là những trường hợp thật hiếm hoi ở Huế hiện nay. Bởi lẽ, nhiều nhà vườn truyền thống ở Huế không còn gìn giữ được các bức hoành phi, câu đối cổ mà thay vào đó là những hoành phi, câu đối được làm mới trong khoảng 10 năm trở lại đây. Chủ nhân nhà vườn giải thích rằng do hoàn cảnh chiến tranh trong lúc chạy loạn, hoành phi, câu đối bị mất trộm, bị cháy hoặc do lâu ngày bị mục nát, một phần chủ nhân không biết đọc chữ Hán nên cũng bỏ đi hoặc chẻ củi. Một số chủ nhân nhà vườn khác còn cho biết do thiếu tiền trùng tu nhà vườn truyền thống nên đã bán một số hoành phi, câu đối cho những người buôn đồ cổ để lấy tiền làm kinh phí trùng tu nhà vườn truyền thống lúc xuống cấp nghiêm trọng. Sự mất mát lớn về di sản hoành phi, câu đối đã làm biến đổi nội thất nhà vườn truyền thống, làm suy giảm vẻ đẹp truyền thống, tinh thần hiếu học, coi trọng chữ nghĩa của người Huế xưa.

Trước đây, các khung cột kèo nhà chính đa số là gỗ mít, kiền kiền nên các đại gia đình đều phân công cho con nít trong nhà dùng lá chuối để đánh bóng các cột cho đỡ cũ, không bám bụi, màu sắc bóng loáng trông rất đẹp. Nhưng hiện nay, do điều kiện xã hội thay đổi, một số chủ nhân nhà vườn thiếu hiểu biết đã dùng dầu nhớt xe gắn máy đánh bóng khung cột kèo nhà chính, họ cho rằng biện pháp này sẽ làm cho nhà chính không bị mối mọt, mục nát. Tuy nhiên, hành động thiếu kiến thức bảo tồn này của chủ nhân nhà vườn đã làm cho nội thất nhà chính thiếu tính hài hòa, cột kèo không còn nhìn thấy các vân gỗ, nhìn rất phản cảm.

3. Bảo tồn và phát huy giá trị nhà vườn truyền thống ở Huế

Để bảo tồn và phát huy giá trị nhà vườn truyền thống ở Huế, người viết xin đề xuất một số giải pháp mang tính định hướng sau:

3.1. Về quản lý Nhà nước

Cần tiến hành khảo sát, đánh giá, xác định giá trị văn hóa lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của các nhà vườn truyền thống tiêu biểu ở Huế để đưa vào diện cần bảo tồn, xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, di tích kiến trúc nghệ thuật theo luật định, qua đó có đủ cơ sở pháp lý để tiến hành trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di sản nhà vườn truyền thống. Đối với những nhà vườn truyền thống chưa hội đủ điều kiện, tiêu chí cần thiết để xếp hạng di tích, cơ quan quản lý Nhà nước cần động viên, tuyên truyền, giúp đỡ, hỗ trợ cho các chủ nhân nhà vườn về phương pháp, kinh nghiệm trong việc bảo quản, sửa chữa đúng theo quy trình bảo tồn kiến trúc gỗ truyền thống, tránh những biến đổi làm ảnh hưởng xấu đến cảnh quan kiến trúc nhà vườn truyền thống. Hằng năm chính quyền địa phương cần dành ra một khoản ngân sách để hỗ trợ các gia chủ trong công tác bảo quản thường xuyên như chống mối mọt, sửa chữa một số hạng mục gỗ bị hư hỏng, cải tạo vườn. Đặc biệt, triển khai hiệu quả Đề án “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng”. Có hình thức tôn vinh và khen thưởng cho những gia đình có công gìn giữ và bảo vệ nhà vườn truyền thống để vừa khuyến khích bảo tồn, vừa phát triển du lịch nhà vườn truyền thống.

3.2. Về quy hoạch bảo tồn

Cần thiết phải soạn thảo và ban hành một đề án quy hoạch chi tiết mang tính dài hạn nhằm khoanh vùng và phân loại giá trị nhà vườn truyền thống ở Huế. Xếp hạng những nhà vườn truyền thống có giá trị đặc biệt để đưa vào diện quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị trong chiến lược phát triển du lịch địa phương. Tiến hành phân loại, xếp hạng theo nhóm những nhà vườn có nhà chính đang bị biến đổi, hư hỏng một phần, hư hỏng nặng, có nguy cơ sụp đổ hoặc vườn bị biến dạng… để có thể theo dõi và đưa vào chương trình, kế hoạch trùng tu, phục hồi trong tương lai khi có điều kiện về kinh phí. Ngoài ra, việc quy hoạch về yếu tố cảnh quan kiến trúc, môi trường văn hóa xã hội và đề xuất những yếu tố có khả năng tác động tiêu cực của vấn đề biến đổi khí hậu đến di sản nhà vườn truyền thống như mưa bão, lũ lụt… cũng cần được đề cập đến một cách nghiêm túc, khoa học.

3.3. Về nâng cao vai trò của cộng đồng

Cộng đồng là một phần không thể thiếu của di sản nhà vườn Huế, là linh hồn, là tâm điểm của di sản nhà vườn, đồng thời là nhân tố tích cực đóng vai trò quan trọng góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản nhà vườn truyền thống. Sự tham gia của cộng đồng chính là chìa khóa để bảo tồn và phát huy giá trị nhà vườn truyền thống. Vai trò của họ cần được thừa nhận và khuyến khích trong quá trình tham gia hoạch định, thực hiện và giám sát hoạt động thực thi đề án bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế. Các chủ sở hữu nhà vườn cần được khuyến khích sử dụng các kiến thức và khả năng truyền thống để chăm lo thường xuyên ngôi nhà vườn của mình. Cần phải khuyến khích, ủng hộ sự tham gia tự nguyện của người dân và các tổ chức xã hội trên cơ sở phối hợp với chính quyền các cấp. Nếu người dân cùng chung tay vào quá trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản nhà vườn thì hiệu quả mang lại từ kinh doanh du lịch là rất lớn.

3.4. Phát triển mô hình du lịch nhà vườn

Sự kết hợp tốt giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản nhà vườn truyền thống với phát triển du lịch bền vững sẽ là một lợi thế trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản nhà vườn truyền thống và phát triển du lịch. Di sản nhà vườn truyền thống phục vụ du lịch, du lịch góp phần quảng bá di sản nhà vườn và tạo nguồn thu nhập cho chủ nhân nhà vườn, qua đó khuyến khích việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản nhà vườn truyền thống được tốt hơn. Phối hợp với các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước đưa du khách đến với tuyến tham quan nhà vườn Huế bằng các chương trình homestay, gardentour... Đặc biệt, cần xây dựng dự án ở tầm vĩ mô kết hợp với du lịch sinh thái để thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nhà vườn một cách hiệu quả nhất.

3.5. Về công tác nghiên cứu khoa học

Tiến hành triển khai công tác nghiên cứu về kết cấu kiến trúc, nghệ thuật trang trí, hệ thống cây trồng…, và những tác nhân gây biến đổi di sản nhà vườn truyền thống để đề xuất những giải pháp kỹ thuật tu bổ tôn tạo thích hợp. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng các thành tựu khoa học bảo quản di tích (chống mối, mọt...). Tổ chức các hội thảo chuyên sâu về kiến trúc và quy hoạch nhà vườn truyền thống, từ đó có những đánh giá về tác động trong quá trình đô thị hóa đến nhà vườn Huế. Tham vấn các ý kiến chuyên gia trên nhiều lĩnh vực liên quan đến chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị nhà vườn truyền thống cũng như quy hoạch nhà vườn truyền thống trong tương lai. Tiếp tục biên soạn tài liệu nghiên cứu về nhà vườn truyền thống ở Huế.

3.6. Về hợp tác quốc tế

Tăng cường công tác hợp tác quốc tế theo hướng hợp tác song phương, đa phương, hợp tác trong các lĩnh vực nghiên cứu, tư vấn chuyên môn, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ về bảo tồn và quản lý nhà vườn truyền thống thông qua các chương trình dự án, hoặc tập huấn trong nước và nước ngoài. Trong quá trình hợp tác, sự giúp đỡ về tài chính của các nước là quan trọng, nhưng đáng quý hơn là kinh nghiệm, phương pháp và kiến thức chuyên sâu về bảo tồn của các chuyên gia nước ngoài, đặc biệt là các chuyên gia về kiến trúc gỗ truyền thống của Nhật Bản (Đại học Showa, Đại học Waseda…). Để việc hợp tác quốc tế có hiệu quả cần chuẩn bị sẵn một số dự án ở nhiều cấp độ khác nhau để có thể mời gọi các đối tác phù hợp.

Ngày nay, cho dù diện mạo nhà vườn truyền thống ở Huế đã có nhiều biến đổi trong quá trình đô thị hóa, thì vẫn còn đó những ngôi nhà vườn ẩn chứa nhiều bí ẩn cần được khám phá. Bởi, nhà vườn truyền thống Huế vốn là kiệt tác thơ về kiến trúc đô thị.

T.V.D  
(TCSH328/06-2016)

----------------
1. Liễu Thượng Văn, (1998), “Vườn Huế”, Tạp chí Sông Hương, Số 6, tr. 71.
2. Nguyễn Hữu Thông (2008), Nhà vườn xứ Huế, Nxb. Văn nghệ, Hồ Chí Minh, tr.61.
3. Trương Thìn (Chủ biên) (1996), Văn hóa phi vật thể xứ Huế, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, tr. 129.
4. Chu Sơn (1999), “Nhà Rường Huế”, Tập san Nghiên cứu Huế, tập 1, tr. 255.






 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Hồi sinh (21/06/2016)
Thương biển (21/06/2016)