Tạp chí Sông Hương - Số 328 (T.06-16)
Biển tuệ, vườn từ ái
09:50 | 07/07/2016

NGUYỄN THỊ THANH XUÂN

(Tìm hiểu một số trước tác của Ni sư Thích Nữ Trí Hải)

Biển tuệ, vườn từ ái
Ni trưởng Trí Hải cùng đại gia đình thâm tín Phật - Ảnh: internet

1. Tên của Ni sư Thích Nữ Trí Hải: Phùng Khánh, đã đi vào ký ức tôi qua bản dịch Câu chuyện dòng sông của Hermann Hesse vào những năm sáu mươi của thế kỷ trước. Nửa thế kỷ đã trôi qua với bao bể dâu ghê gớm, Người đã vân du mười ba năm (7/12/2003), tôi ngồi đọc lại những trang viết của Người, lòng cứ tiếc sao duyên lành đến muộn.
 

Năm 1964, Ni trưởng tốt nghiệp Thạc sỹ Văn chương tại Đại học Princeton, Hoa Kỳ

Tháng Ba cũng chính là tháng Công Tằng Tôn Nữ Phùng Khánh được sinh ra (9/3/1938), ở một nơi mà dấu ấn của Phật Giáo thật là đậm nét: xứ Huế. Giữa chốn kinh đô lộng lẫy xưa, có một làng quê, đơn sơ, bình yên, lặng lẽ: thôn Vỹ Dạ, mảnh đất đã chứng kiến cuộc vào đời của một người nữ mang hạt mầm Bồ tát, nguyện phục vụ chúng sinh. Phùng Khánh lớn lên trong phúc ấm gia đình, trong hương lành chánh đạo, trong giáo dục khai phóng của nhà trường: con đường phát triển tinh thần và nghề nghiệp của Người hoàn toàn suôn sẻ. Người đã bước chân vào con đường dạy học, một trường trung học lớn ở Đà Nẵng: Phan Chu Trinh và chẳng bao lâu sau, từ đó, Người xuất dương du học (1960). Bên cạnh Phật pháp, hẳn chữ nghĩa, sách vở cũng là niềm yêu của Phùng Khánh, nên ở Hoa Kỳ, Phùng Khánh chọn học chương trình thạc sĩ ngành thư viện. Về nước, được làm việc ngay trong Viện Cao đẳng Phật học và các chùa, một năm sau (1964), Phùng Khánh xuất gia tại chùa Hồng Ân (Huế).

Từ ngày ấy, chúng ta đã có một ni sư mang tên Trí Hải, pháp hiệu ấy chính là cốt cách của người (những ai là Phật tử cũng có thể nghiệm ra từ bản thân mình điều kỳ diệu ấy). Bên cái minh triết tự nhiên thấm nhuần từ kinh sách nhà Phật, sư Trí Hải còn được trang bị kiến thức chuyên môn hiện đại và kỹ năng làm việc khoa học. Bốn mươi năm (1964 - 2003), Sài Gòn, Viện Đại học Vạn Hạnh, Thiền Viện Vạn Hạnh và nhiều ngôi chùa khác đã in đậm dấu ấn của vị ni sư khả kính, tài hoa này.1 Người ra đi khi còn khá trẻ, nhưng đã lưu lại một sự nghiệp trước tác lớn đến ngạc nhiên: 66 công trình, gồm dịch thuật, biên soạn, và phóng tác2, trong đó phần lớn là kinh sách Phật học và một vài tác phẩm văn chương, tất cả đều đạt đến sự uyên áo về tư tưởng và trong sáng, tinh tế về văn phong.

2. Lấy nhan đề Biển tuệ, vườn từ ái, chúng tôi muốn chia sẻ một cảm nhận, một ước mong, một hành trình của một Phật tử đang làm việc trong lĩnh vực văn chương, nghĩ về Ni sư Trí Hải, tìm hiểu một số trước tác của Người.

Biển Vườn, hai không gian của Tự nhiên, chất chứa nhiều linh diệu, mà con người là kẻ nhận biết, gọi tên và nương theo các linh diệu đó để khám phá chính mình, từng bước tìm đến tự do. Được khai mở từ Đức Phật, con đường đến với biển tuệ, vườn từ ái luôn là nỗi hân hoan của mỗi chúng sinh.

Chuyên chú và hân hoan đi trên còn đường ấy, đã hành đạo bằng những hoạt động đa dạng, trong biểu hiện nhất quán, thuần thành và tỉnh thức, Ni sư Trí Hải đã hiển hiện và lưu dấu như một Hành nhân đẹp, một Chủng tử tốt, một Bồ tát giữa đời.

Cái uyên bác của trường quy, cái mỹ lệ của văn chương, cái hùng biện của ngôn từ, Ni sư Trí Hải đều đã trải, nhưng hình như tất cả không làm Người thay đổi. Trang viết, trang dịch của Trí Hải luôn trong trẻo như nước suối nguồn, xanh biếc một tuệ giác uyên nguyên, sống động một nhịp đập của trái tim từ bi, lân mẫn.

Theo tài liệu mà chúng tôi tiếp cận được, con đường trước tác của Ni sư khởi đầu bằng dịch thuật. Tác phẩm đầu tiên được ra mắt mọi người là Câu chuyện dòng sông3 và sau đó là nhiều công trình khác thuộc về văn chương, triết học4. Cùng với người em gái thân yêu của mình là Phùng Thăng, Phùng Khánh đã bắt tay chuyển ngữ một tác phẩm được xem là hàng đầu của Hermann Hesse có tên nguyên tác là Siddhartha. Những ai đã đọc nhà văn này, sẽ nhận ra sức sống kỳ diệu của Phật Giáo trong hành trình chinh phục phương Tây, đặc biệt là nước Đức, vốn là một trong những cái nôi của triết học. Đã có nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới viết về Hermann Hesse, đặc biệt là sau khi ông được giải Nobel văn chương. Trên góc độ một độc giả Phật tử Việt Nam, người viết cảm nhận rằng cái lớn lao nhất dung chứa trong sự nghiệp văn học của Hermann Hesse chính là nhà văn này đã hiểu thấu yếu tính của Phật Giáo, cả trong tư tưởng lẫn trong hành ngôn. Dùng văn học để chuyển đạt triết lý và câu chuyện nhà Phật, Hermann Hesse đã vượt qua một cách ngoạn mục cái hấp lực vốn có của nghệ thuật văn chương. Những hư cấu tất nhiên của tiểu thuyết sẽ làm sao để không tạo nên cảm giác đó là sự tô vẽ rườm rà. Những câu văn và hình ảnh đầy sức gợi cũng không kéo ta đi xa sự thực, đưa ta vào những cảm xúc phù phiếm. Trong suốt lịch sử trao truyền tư tưởng của mình, các vị Tổ sư Phật giáo đã luôn cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn trong lời. Vô ngôn đã được xem là một điều kiện tối ưu dẫn đến khoảnh khắc giác ngộ.
 

Phùng Khánh thời sinh viên

Tuổi đôi mươi, Phùng Khánh đã sớm nhận ra những giá trị đích thực như vậy xuyên qua trùng trùng sách vở. Những gì Hermann Hesse tìm thấy được qua những năm tháng dài trải nghiệm kiến thức Tây - Đông, đã được Phùng Khánh tiếp nhận một cách tự nhiên, trẻ trung của một tâm hồn nữ Việt Nam. Khi chuyển ngữ tiểu thuyết Siddhartha, Phùng Khánh và Phùng Thăng đã tự nhiên phả vào bản dịch cái Phật tính mà gia đình của hai dịch giả đã thấm nhuần tự bao đời5. Vì vậy, thay vì giữ nguyên nhan đề là Siddhartha của nguyên tác (có thể dịch ra là Tất Đạt Đa) hai dịch giả đã lấy một cái tên mới: Câu chuyện dòng sông. Hơn 40 năm qua, Hermann Hesse và tác phẩm của ông đã trở nên quen thuộc hơn với công chúng Việt, và không ít người sau này muốn chuyển ngữ tiểu thuyết Siddhartha nhưng rõ ràng cái tên mà Phùng Khánh và Phùng Thăng chọn và văn bản mà hai cô làm nên đã rất khó thay thế.

Tại sao Câu chuyện dòng sông? Quả thật, nội dung tác phẩm của Hermann Hesse đã nói đến “dòng sông”, nơi Siddhartha đi qua và trở lại, sau một quá trình tu tập. Nhưng khi Phùng Khánh và Phùng Thăng đưa dòng sông lên thành nhân vật chính, thì rõ ràng Tự nhiên thay thế Con người. Phải chăng, trong cái nhan đề mới này, cũng là tinh thần của tiểu thuyết, và chính xác hơn là quan niệm của nhà Phật, Siddhartha đã tựu thành chánh quả, đã giác ngộ, nhưng Ngài không là một anh hùng tự đắc, Ngài là người học trò hiểu thấu lời nhủ của Tự nhiên. Tôi tự hỏi con sông Hương có vai trò gợi ý nào không với Phùng Khánh, Phùng Thăng, một thời tuổi trẻ tươi hồng ở Huế?

Trong dịch thuật văn chương, Phùng Khánh còn có tác phẩm Bắt trẻ đồng xanh6, ra cùng thời điểm với Câu chuyện dòng sông. Khác với Câu chuyện dòng sông, xuất bản từ 1922, đã được thời gian khẳng định, tên tuổi tác giả đã vang danh như cồn sau khi nhận giải Nobel (1946), Bắt trẻ đồng xanh của J.D. Salinger chỉ xuất hiện trước bản dịch có 14 năm (1951), và từ khi ra đời cho mãi đến 1980, nó vừa được đề cao, bán rất chạy, vừa bị nhiều dư luận ở Hoa Kỳ lên án. Trong ba năm học cao học ở Hoa Kỳ, hẳn Phùng Khánh đã gặp tác phẩm này cũng như đã hiểu được dư luận xung quanh nó, thế mà cô gái trẻ tuổi đôi mươi, đang ngấp nghé đi vào thiền môn, lại chọn dịch Bắt trẻ đồng xanh để giới thiệu với công chúng Việt Nam!

Trong những bài viết đó đây và các comments ngắn của người đọc trẻ trên internet, khi Bắt trẻ đồng xanh được tái bản và dịch lại7, chúng ta vẫn nhận ra nỗi ngạc nhiên của họ trước sự độc đáo của tiểu thuyết này. Phùng Khánh của chúng ta thật là bản lĩnh! Cô không chỉ vượt qua các quy phạm thường tình của nhân sinh quan thông thường, cô còn vượt qua các chuẩn mực vốn có của ngôn ngữ vốn được xem là có học, hơn nữa, cô đã xé bỏ cái e dè vốn có của phái nữ (là con gái Huế hoàng tộc, kín cổng cao tường) trong mình, khi chuyển đạt những ý tưởng, hình ảnh trần trụi và những đối thoại, độc thoại thô, tục. Trong một bài viết hay và công phu về hiện tượng The Catcher In The Rye của J.D. Salinger, Quán Như cũng đã thắc mắc và ngạc nhiên: “Phùng Khánh dịch tác phẩm Câu chuyện dòng sông của Herman Hesse là điều dễ hiểu. Nhưng Bắt trẻ đồng xanh? Trong câu chuyện, Holden cũng như các thanh thiếu niên mới lớn khác văng tục “không ngừng da non”, nghịch ngợm phá phách đủ mọi cách, đánh nhau. Trong hai ngày ở New York, Holden giả “người lớn” vào quán rượu, say sưa, kêu một cô gái giang hồ lên phòng vân vân… Tôi tưởng tượng nỗi bối rối của Phùng Khánh khi phải tìm một chữ để dịch các tiếng chửi thề “goddamn” “Phony bastards” “my ass”… Tôi không nghĩ Phùng Khánh chỉ muốn dịch một tác phẩm ăn khách” 8.

Ni trưởng một đời chăm lo công tác xã hội và phiên dịch kinh điển


Chỉ có thể nói là Phùng Khánh đi theo tinh thần nhà Phật: phá chấp, hay là “cái tâm không phân biệt”, nói theo Quán Như. Đôi mắt xanh trong Phùng Khánh đã nhận ra sự nổi loạn của Holden là một phản ứng chống lại những gì mang tính công thức, giả dối. Người Phật tử trong Phùng Khánh đã nhìn thấy Phật tính trong Holden, một tâm hồn thuần khiết, từ ái, tràn đầy “đức hiếu sinh” “nhạy cảm đối với người khác, yêu tuổi thơ và muốn sống vô tư, tự nhiên và trung thực”9.

Về phương diện dịch thuật, cũng như bản dịch Câu chuyện dòng sông, bản dịch Bắt trẻ đồng xanh đã đạt đến một giá trị cao, hài hòa, tinh tế cả về văn phong, nhịp điệu, ngôn ngữ đối thoại. Đặc biệt với nhan đề của truyện, Phùng Khánh đã làm công việc chọn lựa một lần cho tất cả.

Ngoài các bản dịch tác phẩm văn chương, Ni sư Trí Hải còn diễn giải giới thiệu các bộ kinh và phóng tác những câu chuyện mang triết lý Phật giáo.

Từ nguồn Diệu Pháp là một công trình diễn giải mà tư tưởng uyên áo của kinh sách đã được chuyển tải qua một ngôn ngữ trong trẻo tràn đầy chất thơ. Những câu văn tuôn chảy nhẹ nhàng, rót vào lòng người những nguồn nước mát lành, tinh túy.

Hãy đọc đoạn mở đầu của Từ nguồn Diệu Pháp:

“Qua Trung bộ kinh gồm 152 kinh do Hòa thượng Minh Châu phiên dịch, chú thích và giảng giải, chúng ta tìm thấy một nguồn sinh lực dạt dào của kinh tạng Pàli mà các học giả đều công nhận là gần với thời Phật nhất, ghi lại những lời dạy của Ngài qua 49 năm du hóa. Ở đây, Đức Phật được làm sống lại như một con người, và một con người tuyệt luân. Nghe Trung bộ kinh, chúng ta như được thở lại bầu không khí trong lành vườn Cấp cô độc ngày xa xưa ấy. Chúng ta cảm như được dự phần vào pháp hội đông đảo thính chúng của Phật gồm cả loài Người và chư Thiên. Chúng ta như được gần gũi chư vị Thánh đệ tử quen thuộc kính yêu mà khoảng cách thời gian dài 25 thế kỷ và không gian cả đại trùng dương không làm cho chướng ngại”10.

Trí Hải đã dùng những từ “tìm thấy”, “nghe”, “thở”, “cảm” “dự phần” “gần gũi”… để đánh thức trải nghiệm. Suốt công trình, các động từ chỉ tiếp nhận giác quan luôn chiếm một tần số rất cao.

Những kiến thức triết học, tâm lý học, văn học đã hòa quyện trong trang viết của Trí Hải, tạo ra một trường liên tưởng rộng rãi, cực kỳ linh hoạt. Người dẫn chứng các tư tưởng triết học (triết học hiện sinh, phân tâm học…) để đối chiếu. Người trích nhiều ý kiến của các triết gia và các nhà văn (Voltaire, Molière, Thomas Hobbes, V.Hugo, Chateaubriand…) và các tác phẩm văn chương (Say đi em của Vũ Hoàng Chương, Lời kỹ nữ, Chiều của Xuân Diệu, Cuồng nhân nhật ký của Gogol, Truyện Kiều của Nguyễn Du, Cây thông của Nguyễn Công Trứ, thơ của H.W. Longfellow, của Alfred de Musset, của Keats, của Mãn Giác thiền sư…).

Đường về nội tâm gồm 47 truyện, được ghi là phóng tác. Những thuyết thoại nghe được từ các vị thầy trong khi tu tập (tất cả đều có chú thích rõ ràng), đã được Ni sư viết lại trong tinh thần trao truyền Phật pháp. Tất cả đều tươi tắn như chính cuộc đời, ân cần kêu gọi chúng sinh bước vào con đường lành của chánh pháp. Đặc biệt, đôi khi Trí Hải đưa vào truyện những chi tiết sát với đời sống hiện tại, như Người của ngày xưa. Và cũng như Từ nguồn diệu pháp, Trí Hải đưa nhiều câu ca dao, câu thơ tham gia vào trong truyện.
 

3. Sáu mươi sáu năm tại thế, trong đó bốn mươi năm được hành trì Phật pháp, Ni sư Trí Hải đã có những đóng góp lớn lao cho Đạo và cho Đời. Sự nghiệp trước tác của Ni sư trải dài trong suốt thời gian ấy, là dịch thuật, biên soạn, hay phóng tác, hết thảy đều là những trang sách quý. Độc giả Việt Nam, nhiều thế hệ trẻ già, từ những năm 60 của thế kỷ trước cho đến đầu thế kỷ này, đặc biệt là tầng lớp trí thức, không ai là không nhớ đến tên Phùng Khánh - Trí Hải11. Ni sư Trí Hải đã mở nhiều cánh cửa, đã bắt nhiều nhịp cầu cho chúng sinh được cùng bước vào vui chơi khu Vườn Từ Ái, được cùng tắm trong Biển Tuệ, với Người. Tràn đầy lòng biết ơn, bài viết này chỉ mới chạm được đến một phần rất nhỏ trong di sản mà Người để lại. Những mong có một dịp gần, được nghiên cứu kỹ về tất cả.

N.T.T.X
(TCSH328/06-2016)

------------------
1. Nguyên thư viện trưởng và Giám đốc An sinh xã hội viện Đại học Vạn Hạnh - Phó viện trưởng viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Nguyên Giảng sư Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh, Trụ trì Tịnh thất Tuệ Uyển Vạn Hạnh, Liên Hoa, Diệu Không. Theo Linhsonphatgiao.com, dẫn nguồn ngày 18/3/2016.
2. Theo Phapbao.org, dẫn nguồn ngày 18/3/2016.

3. Câu chuyện dòng sông, Nxb. Lá Bối 1965, tái bản 1966. Nxb. An Tiêm, 1967.
4. Có thể kể thêm những bản dịch chính: Con Đường Thoát Khổ, dịch W. Rahula, Ban Tu Thư Vạn Hạnh,1966; Câu Chuyện Triết Học, dịch cùng Bửu Đích, Will Durant, Viện Đại Học Vạn Hạnh, Gandhi Tự Truyện, dịch Ghandhi, Võ Tánh, 1971; Thanh Tịnh Đạo, dịch B, Buddhaghosa; Tư Tưởng Phật Học, dịch W. Rahula, Vạn Hạnh, 1974, Giải Thoát Trong Lòng Tay, Thanh Văn xuất bản; Ảo hóa; Nhà khổ hạnh và kẻ lang thang; Thiền đạo, Đưa vào Mật tông… Tạng Thư Sống Chết, dịch The Tibetan Book of Living and Dying của S. Rinpoche, 1996; Tâm Bất Sinh, dịch Bankei, Hoa Đàm, 2005…
5. Thân phụ của Phùng Khánh là cụ Nguyễn Phước Ưng Thiều tự Mân Hương, pháp danh Như Chánh, thân mẫu là cụ bà Đặng Thị Quê, Pháp danh Trừng Xuân.
6. Jerome David Salinger, The Catcher in the Rye, 1951. Bắt trẻ đồng xanh, Phùng Khánh dịch, Nxb. Thanh Hiên, S. 1967.
7. Bắt trẻ đồng xanh, Phùng Khánh dịch, Nxb. Văn học và Công ty Nhã Nam tái bản, có sửa chữa năm 2008. Bắt trẻ đồng xanh, Đức Dương và Bùi Mỹ Hạnh dịch, Nxb. Phụ nữ, H. 1992, Nxb. Văn học 2005.
8. “Quán Như tên thật Phạm Văn Minh, tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn năm 1964, và Cao Học Giáo Dục tại Đại Học Sydney năm 1978, sống ở Úc từ trước 1975 cho đến bây giờ. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách nghiên cứu về Phật Giáo, trong đó tác phẩm mới nhất là cuốn Kinh tế Phật giáo”, 2012, Nguồn: Phamcaohoang.blogspot.com, dẫn ngày 18/3/2016.
9. Quán Như, Bđd, nt.
10. Từ nguồn diệu pháp, Budsas.org. Dẫn nguồn ngày 16/3/2016.
11. Viên Linh, một nhà văn, đã viết: “Có một điều gì đó ngoài ý muốn xảy ra mỗi khi người viết bài này sửa soạn viết về nhà văn nữ lớn nhất của miền Nam những năm ’60-’70, dịch giả Phùng Khánh hay Sư Bà Thích Nữ Trí Hải”. “Trí Hải dịch nhiều hơn sáng tác, dịch giả đúng hơn là tác giả, nhưng văn xuôi của tác giả thì cuồn cuộn như thác nước, nhất là văn kể chuyện, và nhất là trong tập san văn hóa Tuệ Uyển do tác giả sáng lập điều hành từ 1994 ở Sài Gòn, ra tới năm thứ chín thì con thiên nga đầu đàn bay về cõi Niết Bàn”. Khuonmatvannghe.com. Dẫn nguồn ngày 18/3/2016.







 

Các bài đã đăng