Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.6-16)
Những dấu hỏi cho mình
10:42 | 10/08/2016

ĐẶNG MẬU TỰU

Có nhiều thứ không hề liên quan đến mình mà cứ mắc vào, nhưng không phải cái gì cũng quên được. Những lúc tụ tập cà phê hay quanh cuộc rượu chuyện gẫu đều có những câu hỏi cho nhau, rồi nửa vời để trống! Thế nhưng nhiều lúc những câu hỏi ấy lại cứ lởn vởn, rồi thấy cũng cần thử lý giải theo cách của riêng mình xem sao.

Những dấu hỏi cho mình
Phù sa - Hs Lê Văn Nhường

Dấu hỏi một: Làm thế nào để có chất Huế trong tác phẩm nghệ thuật?

Có lần một anh bạn rất nhiệt huyết với Huế nói: “Sao không tổ chức một cuộc hội thảo về chủ đề tìm bản sắc Huế trong sáng tác mỹ thuật Huế?”

Không riêng gì mỹ thuật mà hầu như cái gì thuộc về văn hóa người ta cũng nói cái đặc trưng mang tính bản sắc ấy, ở mỗi vùng miền đều có với những tương đồng và khác nhau. Bởi nó có sự giao thoa, dịch chuyển, tiếp nhận và chọn lọc, mỗi nơi đều có quyền tự hào về nét văn hóa vốn có. Huế là một vùng đất có quá trình lịch sử, văn hóa lâu đời, tinh hoa của cả nước tập trung tạo lập nên những giá trị để định danh nền tảng của một triều đại, đã hình thành một nét riêng trong văn hóa vật thể và phi vật thể. Trong mỹ thuật và kiến trúc cung đình Huế người ta nhận rõ những khác biệt của Huế với những nơi khác, và ngay trong từng triều vua cũng thể hiện những sở thích của mình. Chính cá tính của từng vị vua đã góp phần sáng tạo nên những công trình độc đáo, tạo nên sự phong phú trong kiến trúc và mỹ thuật triều Nguyễn.

Trong sáng tạo mỹ thuật tiếp nối thời kỳ phong kiến, những họa sĩ có mặt ở Huế sau 1945 với sự tiếp thu từ nhiều nguồn đào tạo ở trong và ngoài nước đã góp cho Huế nhiều tác phẩm giá trị. Họ - là người chính gốc Huế hoặc tạm trú, hoặc làm khách vãng qua đôi lần, xúc cảm và vẽ về Huế. Tác phẩm của họ đã tạo nên diện mạo mới. Người đời vốn quen nhìn về tác phẩm của họ rồi ăn sâu trong trí nhớ và sẵn sàng định kiến với những gì khác cái đã có. Những họa sĩ kế thừa nền tảng đó có nhiều thuận lợi nhưng cũng đầy thử thách. Thuận lợi là không bị đứt quãng bởi nền tảng được gây dựng của người lớp trước, còn thử thách cho người đương thời là làm thế nào tiếp nối cái đã có nhưng không cũ.
 

Khát vọng - Hs Ngô Tâm
Đất vỡ hoang - tranh của Đặng Mậu Tựu

Nhận định về mỹ thuật Huế có người bảo Huế chưa có nền mỹ thuật, nói thế hóa ra phủ định sạch trơn? Nếu gọi là nền thì phải tính từ những cái nhỏ nhất trong sinh hoạt đời thường đến cái hiện tại và những gì sắp xảy ra. Chưa nói đến bản sắc hay trường phái, người ta vẫn dễ thấy được cái rất riêng khi tác phẩm của các họa sĩ Huế trong những cuộc hội ngộ nghệ thuật tranh từ nhiều nơi; dù các họa sĩ Huế có sử dụng thủ pháp hay các khuynh hướng nào, từ hiện thực hay trừu tượng, lập thể, biểu hiện thì vẫn có nét riêng của nó. Vậy cái riêng đó là từ đâu? Và đó có phải là phong cách và đã thành bản sắc chưa? Có người hỏi tranh trừu tượng chỉ thấy những nét, những mảng màu, chẳng thấy hình thù gì cả. Các họa sĩ tìm những khuynh hướng nghệ thuật theo các trào lưu hiện đại thường không có bóng dáng của Huế; vậy thì Huế ở đâu?

Thiển nghĩ, cái chất Huế luôn có sẵn và tiềm tàng trong con người Huế hoặc người rất yêu Huế, để rồi những tín hiệu trong vô thức cứ thế tuôn tràn kết tinh trong tác phẩm. Khi họ sáng tạo, nó toát lên âm hưởng cái nơi họ yêu quý; nó có thể là những hình thể, những tín hiệu, những màu sắc của mây trời, rêu phong trên tường thành, những đường cong mái ngói, hoa văn kết nối với những dáng hình liêu trai mỏng mảnh, những màu sắc bàng bạc khói sương hay thâm sâu với nâu trầm cổ tích, huy hoàng với vàng son một thuở, v.v. Khi người họa sĩ vẽ hiện thực từng có không có nghĩa là chép lại mà xem cái đã có chỉ là cái cớ để họ gửi gắm nỗi niềm. Nhưng số người không vẽ lên một hình ảnh nào mà chỉ toàn màu sắc, mảng khối, đường nét thì trong đó những xung động va đập trong tác phẩm đã nói thay, đừng bắt họ phải giải thích cái đã được tạo ra.

Mối liên hệ giữa người nghệ sĩ và trú sở không thể tách rời nhau, mảnh đất ấy đã dung dưỡng nuôi họ lớn lên. Biết bao điều được ghi nhận để hình thành nên một con người cụ thể, những kỷ niệm về chốn ở đã xếp nếp, ăn sâu trong tâm hồn để khi họ hành động đều thể hiện cái phong thái, tính cách, nếp văn hóa mang tính di truyền của xứ sở. Và người ta sẽ nhận ra ở trong tác phẩm của họ bóng dáng cái nơi họ đã sống và yêu thương nó, thậm chí mảnh đất ấy đã sản sinh ra tài năng ấy. Nhưng có những con người đã góp phần tạo nên phương danh cho vùng đất, hoặc có một nhóm người tài danh về một lĩnh vực nào đó trở thành niềm tự hào cho nơi họ đang sống như Bàn thành tứ hữu ở Bình Định (gồm 4 nhà thơ Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Xuân Diệu, Yến Lan trong nhóm Trường thơ loạn). Nói chung vùng đất tạo anh hùng nhưng anh hùng cũng tạo nên vùng đất.

Để có cái nền dĩ nhiên phải tích tụ tinh hoa của nhiều người, nhiều thế hệ, nhiều khuynh hướng, có cái riêng ta, có cái ta ảnh hưởng. Những tinh hoa ở lại đã được kết tinh và cứ thế người sau tiếp nối người trước; có thể họ phủ định để tạo ra cái mới hoàn toàn, có thể phủ định nhau để bảo vệ cho sáng tạo mới của họ, có người lại đào sâu vào những cái mà người trước đã làm, tất cả đều đáng được trân trọng vì đó là sự cần thiết để tạo cái nền của mỹ thuật Huế.

Nền mỹ thuật Huế hết sức da dạng, để phân tích cho ra thì không thể, mọi sự cố gắng lý giải cũng chỉ là tạm yên lòng. Người ta tốn bao nhiêu là giấy mực để nói về cái màu tím Huế mà đã đến bờ đâu! Có điều người ta cứ nghĩ Huế là bảo thủ, người Huế ưa lặng lẽ không thích ồn ào náo nhiệt, dè dặt với cái mới. Thế nhưng với mỹ thuật lại có nhu cầu về cái mới. Trong những năm 60 của thế kỷ trước Huế đã tổ chức những cuộc triển lãm tranh của các họa sĩ theo các trường phái hội họa hiện đại, người ta lại thích thú với các loại tranh đó, và dòng chảy của mỹ thuật Huế cứ thế phát triển, các khuynh hướng nghệ thuật được các thế hệ nghệ sĩ đã làm giàu có và sâu sắc thêm. Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Huế đã góp công rất lớn, ngoài việc đào tạo lực lượng họa sĩ sáng tác cho cả miền Trung, trường cũng đã đào tạo các nhà sư phạm mỹ thuật, nhờ vậy mà thị hiếu thẩm mỹ của một bộ phận công chúng Huế được nâng cao. Nói vậy để thấy mỹ thuật Huế rất đa dạng, biến đổi không ngừng, có lúc tưởng chừng như không phát triển nhưng đó là lúc cái mới ra đời, dẫu rằng cả công chúng và người trong cuộc chưa thật sự nhận ra sự chuyển biến khách quan về chất Huế trong mỹ thuật Huế hiện nay.

Dấu hỏi hai: Có câu chuyện như sau: Phóng sự trên VTV3 giới thiệu về Newspace Art và hai họa sĩ song sinh, người cùng đối thoại là biên tập viên Mỹ Linh; có một câu hỏi “Nghe người ta nói mỹ thuật Huế sến, vậy các anh nghĩ thế nào?” Hai anh họa sĩ không thấy trả lời mà chỉ nói đến việc làm của họ. Qua đó mình lại đặt dấu hỏi: Sến trong mỹ thuật là gì?

Từ “sến” trong âm nhạc thì người ta giải thích nhiều rồi. Còn Mỹ thuật thì sao? Mình chỉ nghe có tranh Sình, tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ... Và sau này có tranh bờ Hồ chỉ những tranh thị trường, hợp với túi tiền của người dân lao động, nó là loại tranh để trang trí, dễ hiểu, cũng góp cho sự hưởng thụ thẩm mỹ ít nhiều, thiết nghĩ cũng nên công bằng trong nhìn nhận.

Vậy mỹ thuật Huế “sến” thuộc loại nào, cỡ nào, mà thật có sến không?

Phải nói rằng người ta chưa đi sâu vào ngõ ngách cuộc sống của những họa sĩ để thấy tác phẩm của họ, đời sống nghệ thuật của họ. Họa hoằn có vài cuộc triển lãm ở Hà Nội hay ở Sài Gòn được ai đó tài trợ hoặc đứng chung, những người đó quen biết nhiều người, còn đa số không có may mắn PR về mình; thi thoảng Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế tổ chức triển lãm, nhận mỗi họa sĩ tối đa hai tác phẩm, sẽ không hiểu hết nội lực của họ! Trong những cuộc triển lãm như vậy thường được đánh giá cao ở sự nghiêm túc, ở tìm tòi thể hiện cái mới, không thấy sự ủy mị hay khai thác những khơi gợi thấp kém, mang yếu tố bờ hồ. Có lẽ những người nhận định tranh Huế “sến”, là do họ thấy ở những hàng tranh thị trường, những tranh xuất hiện ở các quán bán tranh lạm dụng từ gallery, rồi nói là tranh sến chăng? Nhưng chợt nghĩ nếu có một dòng tranh này ở Huế cũng chẳng sao, giới bình dân họ tìm để chơi, nhà nào cũng có tranh treo cũng tốt, cũng đáng trân trọng.

Dấu hỏi ba: Có người nói họa sĩ Huế đông nhưng chưa có đỉnh?

Mình nghĩ không có đỉnh không có nghĩa là không cao, muốn đánh giá thì phải nhìn chung mặt bằng ấy có phát triển đều không? Có cái gì mới ở mỗi người không? Cái đỉnh ấy là gì? Có phải là cứ mỗi cuộc triển lãm anh phải chiếm giải thì mới là đỉnh? Tất nhiên những giải ấy là khẳng định tài năng; người ta chọn lấy số giải theo quy định của ban tổ chức, anh vẽ tốt và hợp với chủ đề do cuộc tổ chức đề ra, anh đạt giải là điều đáng ghi nhận. Nhưng nếu không vượt qua chính anh trong tìm kiếm thì anh vẫn cũ. Mình vẫn thích sự lấp lánh trong cuộc tìm tòi cái mới dù chưa được giải, nhưng khi đạt đến độ chín trong nghệ thuật thì sẽ có giải là lẽ thường. Tại những cuộc triển lãm mỹ thuật khu vực và toàn quốc trong thời gian qua có các tác giả ở Huế đạt giải cao, nhưng theo thiển ý thì cái người ta kính nể là nhân cách nghệ sĩ không bao giờ đánh mất mình vì những giá trị không thật.

Rồi tự hỏi Huế làm gì để Mỹ thuật khởi sắc, được chú ý nhiều hơn?

Mình rất đồng cảm với họa sĩ Lê Bá Đảng: Huế có thể thành kinh đô nghệ thuật. Đó không phải là lạc quan tếu mà có lý lắm.

- Trước hết là phải có sự thường trực ý nghĩ Huế phải khác trong các họa sĩ và lãnh đạo.

- Phải thiết lập các thiết chế để có kế hoạch ưu tiên cho những việc đơn cử như Trung tâm trưng bày mỹ thuật, Bảo tàng Mỹ thuật, quy hoạch tượng đài và tượng công cộng, các cơ sở bảo trợ mỹ thuật.

- Khuyến khích việc mua tác phẩm mỹ thuật trưng bày công sở và nơi làm việc.

- Giáo dục mỹ thuật trong các trường học và các điểm hoạt động thanh thiếu nhi một cách có hiệu quả.

- Hội Mỹ thuật cần nghĩ xa hơn, bắt đầu từ các cuộc triển lãm cho hội viên, và sao không nghĩ đến có những cuộc triển lãm ở Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh? Tắm mãi ao nhà nhiều rồi cũng chán?

- Bảo vệ cái mới, kết quả tìm tòi của hội viên.

Còn nhiều dấu hỏi nhưng có lẽ day dứt hơn cả là: Mỹ thuật Huế làm gì để khác hơn ngày hôm qua?

Đ.M.T  
(SHSDB21/06-2016)
 

Phố một thuở - Hoàng Đăng Nhuận
Đồng lúa vàng - Tôn nữ Tuyết Mai
Biển xô - Nguyễn Thiện Đức
Vú đất - Trương Bé
Âm vang - Nguyễn Duy Linh
Câu chuyện của dòng sông - Tô Trần Bích Thúy
Không gian vũ trụ nhân bản - Vĩnh Phối
Chợ vùng cao - Nguyễn Thế Hòa
Yên hàn - Nguyễn Thị Hải Hòa




 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Ký ức Hoàng Sa (09/08/2016)