Tạp chí Sông Hương - Số 330 (T.08-16)
Có một trường huấn luyện quân sự như thế
16:31 | 19/08/2016

KỶ NIỆM 71 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG 8 VÀ QUỐC KHÁNH 2/9

LÂM QUANG MINH

(Về Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế trong cách mạng tháng 8/1945 ở Thừa Thiên Huế)

Có một trường huấn luyện quân sự như thế
GS Tạ Quang Bửu và Luật sư Phan Anh - 2 sáng lập viên trường Thanh niên Tiền tuyến

Khác với các lớp huấn luyện quân sự ngắn ngày ở Trường Quân chính kháng Nhật do Đảng ta thành lập và trực tiếp lãnh đạo trong thời kỳ tiền khởi nghĩa ở chiến khu Việt Bắc, Trường quân sự “Thanh niên tiền tuyến”(1) cùng thời kỳ ở Cố đô Huế có những nét khá đặc biệt, ít ai biết đến:

- Trường do hai nhân sĩ trí thức yêu nước Phan Anh và Tạ Quang Bửu đứng ra thành lập, dưới cái bóng bảo trợ của Chính phủ thân Nhật - Trần Trọng Kim lúc bấy giờ, nhằm mục đích đào tạo một lớp cán bộ có một vốn kiến thức quân sự nhất định cho nước Việt Nam độc lập sau này.

- Trường chỉ vẻn vẹn có 43 học viên và 4 cán bộ khung, gồm những thanh niên: sinh viên đại học, viên chức cấp cao, học sinh tốt nghiệp tú tài. Trường lập tức được đặt dưới sự lãnh đạo của tổ chức Việt Minh nhà trường, trực thuộc ủy ban Việt Minh và Tỉnh ủy lâm thời Thừa Thiên - Huế.

- Cùng với các đội tự vệ vũ trang địa phương, học viên Trường Thanh niên tiền tuyến là lực lượng quan trọng nòng cốt trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền nhanh gọn ở Thừa Thiên - Huế tháng 8 năm 1945, nòng cốt xây dựng và chỉ huy 25 phân đội giải phóng quân đầu tiên của tỉnh, cung cấp nhiều phân đội kịp thời chi viện cho các chiến trường miền Nam và Lào.

Sau khi thi đỗ Tú tài toàn phần ở Trường Quốc Học Huế, vào giữa năm 1945 tôi cùng một số anh em bạn đồng trang lứa rủ nhau gia nhập Trường “Thanh niên tiền tuyến”. Toàn bộ cơ sở trường trại chỉ là một ngôi nhà ngói cũ ở ngoài kinh thành Huế, ngay trước cửa Quảng Đức, thường xuyên đóng kín, cạnh đường quốc lộ 1 bên bờ sông Hương.

Tuy gọi là trường, nhưng chỉ có một lớp gồm 43 học viên và 4 cán bộ khung từ khắp nơi hội tụ về: sinh viên các trường đại học và cao đẳng từ Hà Nội về (các anh Nguyễn Thế Lâm tức Nguyễn Kèn, Tôn Thất Hoàng, Đặng Văn Việt, Lê Thiệu Huy, Nguyễn Thế Lương tức Cao Pha, Hà Đổng, Phan Hạo, Hoàng Xuân Bình, Võ Quang Hồ,...), giáo sư (Cao Văn Khánh, Phan Hàm), kỹ sư (Đào Hữu Liêu) còn lại là học sinh tốt nghiệp tú tài các khóa Trường Quốc Học. Người cao tuổi nhất là anh Cao Văn Khánh, rồi đến Phan Hàm, Nguyễn Thế Lâm suýt soát tuổi 25 - 30, còn lại trung bình từ 20 tuổi trở lên. Thành phần xuất thân cũng từ đủ mọi tầng lớp: nông dân, địa chủ, trí thức, viên chức quan lại, có cả người trong hoàng tộc. Tuy có cách biệt nhau chút ít về trình độ học vấn, tuổi tác, nhưng sống với nhau rất chan hòa tình cảm, anh em bạn bè cùng chung một hoài bão, một lý tưởng.

Động cơ vào trường của mỗi người chúng tôi cũng có cái khác nhau: người thì đã được tổ chức Việt Minh ở Hà Nội giác ngộ trước khi về Huế nên thấy rõ con đường tương lai là phục vụ lâu dài cho cách mạng; có người khâm phục, mến mộ anh Tạ Quang Bửu, một huynh trưởng Hướng đạo có uy tín, muốn làm một người công dân tốt phục vụ cho đất nước Việt Nam độc lập sau này; nhưng cũng có người thì chịu ảnh hưởng của bạn bè, có người còn mang theo chút màu sắc lãng mạn tiểu tư sản “anh hùng hảo hán, da ngựa bọc thây” của những tiểu thuyết kiếm hiệp. Nhưng cái chung nhất trong anh em là lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước, chống thực dân Pháp, ghét phát xít Nhật, mong muốn góp phần xây dựng một nước Việt Nam độc lập thực sự sau này, chứ không hề nghĩ rằng ra trường sẽ phục vụ cho chính phủ Trần Trọng Kim, càng không phải để phục vụ quân Nhật, với cái thuyết bịp bợm mỹ miều “Đại Đông Á” của chúng. Ngay ông Bộ trưởng Thanh niên Phan Anh khi đến dự khai giảng lớp học (2/9/1945) cũng nói chung chung là học xong thì tùy từng người tự chọn con đường tương lai cho mình. Giám đốc kiêm huấn luyện viên chính của trường là Phan Tử Lăng, một sĩ quan tiến bộ trong quân đội Pháp, cùng khóa với Dương Văn Minh (sau này là đại tướng quân đội Việt Nam Cộng hòa dưới thời Mỹ - Thiệu). Lúc này anh Lăng đang chỉ huy Bảo an binh và được Việt Minh giác ngộ, về sau đưa cả đội Bảo an về với cách mạng trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 ở Thừa Thiên - Huế. Giúp việc anh Lăng còn có ba anh em khác: anh Võ Lương - một quản khố đỏ tiến bộ, anh Lê Khánh Khang - một viên chức tù chính trị vừa mới ra tù, anh Lê Đình Bân - một học sinh thân tín của thầy Bửu ở Trường Trung học Pellerin.

Mọi sinh hoạt trong trường đều theo chế độ tự quản. Anh em nhất trí bầu anh Cao Văn Khánh làm lớp trưởng, luân phiên thay nhau làm trực nhật, cắt cử mỗi ngày hai người lo việc bếp núc, chẻ củi, chở nước; lương thực, thực phẩm hằng ngày đã có nhà thầu mang đến. Trừ số anh em Hướng đạo sinh đã từng quen công việc, nhiều anh lần đầu vào bếp lóng ngóng trông thật tội nghiệp, nhưng rồi cũng quen. Có lần Bộ trưởng Phan Anh xuống thăm trường ở lại cùng ăn trưa, được hai cậu đầu bếp thết đãi bộ trưởng một bữa cơm khê, nhưng ông vẫn khen xã giao “được ăn một bữa cơm ngon”, khiến hai cậu càng đỏ mặt tía tai.

Vài ngày sau lễ khai giảng, các anh trong tổ chức Việt Minh Hà Nội móc nối thành lập một Ban Việt Minh trong trường, gồm các anh Nguyễn Thế Lâm, Lê Khánh Khang, Võ Quang Hồ, Đặng Văn Việt, Phan Hàm, bắt liên lạc và hợp nhất với Ủy ban Việt Minh thành phố thống nhất thành tổ chức Việt Minh Nguyễn Tri Phương, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy lâm thời Thừa Thiên - Huế. Thế là ngay từ những ngày đầu, trường đã có một tổ chức chính trị lãnh đạo, có nhiệm vụ tuyên truyền vận động lần lượt tổ chức anh em tham gia Việt Minh. Đến giữa tháng 8 năm 1945, có thể nói toàn Trường Thanh niên tiền tuyến đều đã được “Việt Minh hóa”, sẵn sàng tham gia giành chính quyền ở Thừa Thiên - Huế.

Về chương trình huấn luyện, có các khoa mục cơ bản: hành quân dã ngoại, động tác đội ngũ, lăn lê bò toài, tháo lắp sử dụng vũ khí (nhưng chưa bắn đạn thật), các mục điều lệnh: nội vụ, cảnh bị... Ngoài ra, có một số môn học ngoại khóa ở Trường Kỹ nghệ thực hành, tập nhảy cầu và bơi ở bể bơi thành phố, động tác cưỡi ngựa ở sở Canh nông trong thành... Nhiều khoa mục khác cho người chỉ huy phân đội chưa kịp học, trước phong trào cách mạng sục sôi nên đành bỏ dở.

Biết bao sự kiện đáng ghi nhớ đã xảy ra trong thời gian ngắn ngủi ấy (chỉ hơn hai tháng từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 9 năm 1945). Nhân dân Huế còn nhớ mãi hình ảnh những chàng trai hùng dũng trong bộ đồng phục màu kaki, ca lô đội lệch trên đầu, đội ngũ chỉnh tề, hiên ngang đều bước hát vang các bài ca yêu nước hùng tráng thịnh hành lúc bấy giờ: Tiếng gọi thanh niên, xếp bút nghiên, Lên đàng... bước chân dồn dập qua các đường phố chính của thành phố, hàng ngày từ trường qua Phu Văn Lâu, ngã ba cửa Thượng Tứ, qua cầu Trường Tiền, vượt đồng An Cựu đến chân núi Ngự Bình hoặc vòng qua khách sạn Morin, ngang qua hai trường Đồng Khánh - Quốc Học, hướng lên Đàn Nam Giao luyện tập. Khi đoàn quân quay về, bước chân đều đặn theo tiếng hô dõng dạc của anh đội viên trực nhật, rầm rập bước trên cầu Trường Tiền, âm thanh cộng hưởng làm cho cầu như uốn cong xuống dưới gót chân mình, trước những cái nhìn thán phục và đầy thiện cảm của bà con hai bên đường.

...Rồi đến những ngày sục sôi chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Huế và cả tỉnh Thừa Thiên. Trường Thanh niên tiền tuyến trở thành một lực lượng nòng cốt xung kích đi đầu, được phân công đảm nhiệm nhiều công việc khác nhau của một đội vũ trang đặc biệt, bên cạnh những lực lượng khác, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy và cả Xứ ủy Trung Kỳ, đứng đầu là các anh Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Chánh... Tôi còn nhớ như in những ngày sôi động đó ở Huế mà chúng tôi đã hăm hở tham gia hết mình, với một tinh thần hào hứng phấn khởi chưa từng thấy: những cuộc xuống đường biểu tình tuần hành thị uy rầm rộ của quần chúng khắp các phố phường, tổ chức hạ cờ quẻ ly, treo cờ đỏ sao vàng trên Kỳ Đài trước cửa Ngọ Môn, trước họng súng của cả đại đội lính khố vàng chiều 21 tháng 8 năm 1945 (do hai anh Đặng Văn Việt và Nguyễn Thế Lương thực hiện) làm nức lòng bà con xứ Huế. Cuộc mít-tinh ở sân vận động Huế có hàng vạn người từ khắp nơi đổ về thành phố ngày 23 tháng 8 năm 1945), trong đó nổi bật lên lớp Thanh niên tiền tuyến trang phục chỉnh tề tham gia diễu hành và góp phần giữ gìn trật tự an toàn cho cuộc biểu dương lực lượng của quần chúng. Tiếp đó là những cuộc tham gia trực tiếp vây bắt gọn 6 tên sĩ quan Pháp ở Hiền Sĩ hòng bắt liên lạc với bọn Pháp đang bị quản chế tại Huế và 3 tên khác từ cửa Thuận An vào. Đặc biệt, buổi mít tinh lịch sử nhận ấn kiếm của vua Bảo Đại thoái vị của Đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng Lâm thời trước cửa Ngọ Môn chiều 30 tháng 8 năm 1945 mà lớp Thanh niên tiền tuyến chúng tôi là lực lượng bảo vệ nòng cốt. Ngoài ra lớp Thanh niên tiền tuyến còn tham gia theo dõi bọn Việt gian và trừng trị những tên phản động hòng cấu kết với bọn Pháp, Nhật lật đổ Việt Minh, canh gác dưới thuyền trên sông Hương theo dõi hành tung của bọn tàn quân Nhật còn đang đóng ở Huế, ngày đêm canh gác ở thành Nội, lần đầu trực tiếp tiếp xúc và nói chuyện bình đẳng với công dân Vĩnh Thụy trong hoàng cung, hộ tống Vĩnh Thụy (cựu hoàng Bảo Đại) ra Hà Nội gặp Bác Hồ và nhận chức Cố vấn trong Chính phủ của hai anh Lê Thiệu Huy và Nguyễn Thế Lương...

Sau hàng loạt những sự kiện trên, anh em Thanh niên tiền tuyến chúng tôi được mặc nhiên công nhận là lớp cán bộ quân sự đầu tiên của Thừa Thiên - Huế và được trên tin cậy giao cho nhiệm vụ gấp rút xây dựng các phân đội giải phóng quân để cùng với các lực lượng vũ trang khác sẵn sàng chiến đấu bảo vệ địa phương, bảo vệ chính quyền còn non trẻ vừa mới thành lập. Chúng tôi dời về đóng ở Trường Quốc Học, thành lập Ủy ban Giải phóng quân, cử hai anh Phan Hàm và Cao Văn Khánh làm Chủ tịch và Phó Chủ tịch; cơ quan chỉ huy gọn nhẹ, gồm một số ngành: quân báo (do Nguyễn Thế Lương phụ trách), công binh (Đào Hữu Liêu), quân giới (Võ Sum), thông tin...

Vừa thành lập hôm trước thì hôm sau, thanh niên thành phố ùn ùn kéo đến xin gia nhập: viên chức tạm rời nhiệm sở, học sinh trung học và tú tài tạm “xếp bút nghiên”, thợ thủ công, có cả đội viên và hạ sĩ quan khố xanh khố vàng trong đội quân của Nam Triều. Cứ xếp xong 36 người thành một phân đội (trung đội) gồm 3 tiểu đội, giao cho một anh Thanh niên tiền tuyến chỉ huy, cấp phó anh em tự bầu (thường là một hạ sĩ quan cũ). Có đơn vị tổ chức xong kéo luôn ra thao trường tập luyện, có phân đội được đưa ngay về một địa phương trong tỉnh, vừa luyện tập vừa sẵn sàng chiến đấu bảo vệ địa bàn, mọi việc ăn ở nhờ bà con chăm lo chu đáo. Vấn đề trang bị vũ khí đạn dược cho các phân đội giải phóng quân và lực lượng tự vệ có nhiều thuận lợi, có thể nói là khá dồi dào, so với nhiều địa phương khác: lấy từ các đồn bảo an, sục sạo vào các kho của Nhật, vào đồn Mang Cá của Pháp để lại, từ khu hầm do quân đội Nhật bí mật cất giấu ở phía Tây Huế. Có một điều đặc biệt và khá thú vị là với mấy trăm miệng ăn hàng ngày của mấy phân đội giải phóng quân cùng với cơ quan điều hành ở Trường Quốc Học mà Ban chỉ huy vẫn không hề phải bận tâm lo lắng, vì đã có một tổ chức tự nguyện tự phong cho cái tên là “Đội phụ nữ tiếp tế giải phóng quân Huế”, gồm đông đảo các mẹ các chị (trong đó có nhiều mẹ và chị của chiến sĩ giải phóng quân, các chị tiểu thương chợ Đông Ba và các chợ khác, các nữ sinh trung học Đồng Khánh, có chị con em trong gia đình quan lại) do ba chị Võ Thị Thể, Ngô Thị Chính và Trần Thị Cúc Hoa, Hiệu trưởng và giáo viên Đồng Khánh, trực tiếp phụ trách và điều hành chu đáo. Các kho lương thực, thực phẩm vơi rồi lại đầy, thực đơn thay đổi từng bữa, món ăn sốt dẻo đậm đà hương vị xứ Huế, phục vụ không kể giờ giấc... nói lên tấm lòng tha thiết của bà con đối với cách mạng, đối với con em mình, một biểu hiện độc đáo của công tác “hậu cần nhân dân” ngay từ những ngày đầu cách mạng.

Tôi còn nhớ những phân đội (trung đội) đầu tiên trong số 25 phân đội được lần lượt thành lập ở Huế: Phân đội 1 giao cho Đặng Văn Việt, Phân đội 2 giao cho Hà Đổng, Phân đội 3 giao cho Đoàn Huyên, tôi nhận Phân đội 4, Phan Khôi nhận Phân đội 5, Trần Kỳ Doanh nhận Phân đội 7, Phan Viên nhận Phân đội 11, Mai Xuân Tần nhận Phân đội 14, Đào Hữu Liêu nhận Phân đội 16 công binh... Phân đội 4 của tôi được phân công ra đóng và tập luyện ở Cổ Bi - Hiền Sĩ, được nhân dân địa phương tiếp đón nồng nhiệt, giúp đỡ tận tình từ nơi ăn chốn ở đến việc tiếp tế nấu ăn hàng ngày. Tất cả anh em đều hào hứng phấn khởi, hăng say luyện tập không kể đêm ngày, mưa nắng.

Cuối tháng 9 năm 1945, sau khi Pháp gây hấn ở Nam Bộ và lan dần ra các tỉnh Nam Trung Bộ thì có phong trào Nam tiến chi viện cho miền Nam từ khắp các tỉnh miền Trung và miền Bắc. Nếu tôi không nhầm thì Phân đội 5 của Phan Khôi và Nguyễn Quới có vinh dự đầu tiên được lệnh Nam tiến vào tận miền Đông Nam Bộ, rồi đến Phân đội 1 của Phan Hạo (thay cho Đặng Văn Việt) cùng Phân đội 3 của Đoàn Huyên chi viện cho Đồng Nai - Biên Hòa. Khi chiến sự sắp lan rộng ra đến Nha Trang (Khánh Hòa) thì hai phân đội của Võ Ngân, Phan Nhĩ, Lê Đình Bân do anh Nguyễn Thế Lâm chỉ huy được lệnh lên đường vào Nam. Tiếp sau đó, ngày 19 tháng 10 năm 1945 Phân đội 4 của tôi được lệnh cùng với các phân đội của anh Nguyễn Trung Lập và Võ Quang Hồ hợp thành một đại đội, tôi được trên chỉ định chỉ huy đại đội này hành quân lên tàu lửa Nam tiến, đến Khánh Hòa thì vừa kịp tham gia chiến đấu mở màn ở Mặt trận Nha Trang (23/10/1945). Về sau còn có các phân đội khác như Phân đội 14 của Mai Xuân Tần được điều động chi viện cho Mặt trận Sê Pôn - Lào, các phân đội còn lại được lệnh sáp nhập với Trung đoàn Trần Cao Vân vừa mới thành lập, dưới sự chỉ đạo thống nhất của anh Lê Tự Đồng - Ủy trưởng Quốc phòng Thừa Thiên - Huế. Đến đây, vai trò lịch sử của Trường Thanh niên tiền tuyến chấm dứt.

Gần bảy thập kỷ qua, bao nhiêu sự kiện đã xảy ra trong quãng thời gian này, nhưng những hình ảnh trên vẫn còn in sâu trong trí óc chúng tôi, 43 chàng trai năm nào, trừ hơn gần 3/4 đã hy sinh, qua đời (5 hy sinh, 30 qua đời), nay đều là những ông già gần hoặc trên chín mươi tuổi, đầu đã bạc, răng đã long, mỗi người một hoàn cảnh, một số phận. Nhưng dù là cấp tướng hay tá, giáo sư hay tiến sĩ, nhà khoa học, nhà ngoại giao hay nhà báo đã nghỉ hưu, có người đang phiêu bạt ở nước ngoài, nhưng đều có chung một kỷ niệm đẹp đẽ về một quãng thời gian tuy ngắn ngủi nhưng thật hào hùng, gây ấn tượng sâu sắc không phai mờ trong trí óc của mỗi người. Tình cảm bạn bè, đồng đội, đồng chí bắt đầu từ thuở ấy, thúc đẩy chúng tôi tìm đến nhau, nhắc với nhau về những kỷ niệm của một thời oanh liệt, nhẩm tính với nhau kẻ còn người mất, thăm hỏi gia đình những người bạn đã hy sinh, giúp đỡ người thân tìm lại hài cốt, liên lạc động viên anh em ở xa Tổ quốc tìm về cội nguồn, động viên nhau tùy theo hoàn cảnh mỗi người tiếp tục cống hiến và sống vui, sống khỏe, sống có ích trong những năm tháng còn lại của đời mình.

L.Q.M
(TCSH330/08-2016)

..................................................
(1) Tháng 9 năm 2010, Ủy ban Nhân dân Tỉnh Thừa Thiên Huế đã cấp Bằng xếp hạng “Di tích Lịch sử Cách mạng Địa điểm Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế 1945”.
 





 

Các bài mới
Huế trong tôi (30/08/2016)
Các bài đã đăng
Phố hoang liêu (19/08/2016)