Tạp chí Sông Hương - Số 331 (T.09-16)
Từ “Thân Việt” (Annamophilie) đến hội chứng “Hoài Việt” (Namstalgie) của “Chủ bút Đô Thành Hiếu Cổ” (Bulletin des Amis du Vieux Hue - BAVH)
10:00 | 26/09/2016

ĐỖ TRINH HUỆ

Cadière đến Việt Nam cuối thế kỷ 19 và hoạt động văn hóa những năm đầu thế kỷ 20, vào thời điểm mà người Pháp còn mang tư tưởng nước lớn và mẫu gương của nhân loại trong nhiều lĩnh vực.

Từ “Thân Việt” (Annamophilie) đến hội chứng “Hoài Việt” (Namstalgie) của “Chủ bút Đô Thành Hiếu Cổ” (Bulletin des Amis du Vieux Hue - BAVH)
Bìa của tập san B.A.V.H năm 1918 - Ảnh: internet

Từ xa xưa họ đã tự mặc định cho mình cái sứ mạng khai phóng: Guibert de Nogent từ Thập tự Chinh thứ nhất đã khẳng định Gesta Dei per francos (Thượng đế hiển thị hành vi qua nhóm người Franc). Sau đó là thời Phục Hưng họ cũng mặc cho mình sứ mạng văn hóa. Từ Humanisme, thường được dịch là Chủ nghĩa Nhân bản, thật ra nguyên nghĩa của tiếng la-tinh Humanitas là Văn hóa, vì thế chúng tôi nghiêng về Chủ nghĩa Nhân văn hơn. Nó dạy cho con người một thứ minh triết (sagesse) và một triết lý sống (philosophie de la vie) với những bài học về hào hoa lịch lãm, biết sống và tao nhã. Rồi đến thế kỷ 17 với một hào quang văn học khó bì sánh kịp, mệnh danh là “Đại Thế Kỷ”, tiếp theo là “Thế kỷ Ánh sáng” (tk 18) như thể muốn nhắc nhở hoặc khai lối cho nhân loại về những tư tưởng khai phóng về triết học và cả mô thức chính trị tam quyền. Đúng là người Pháp rất tự hào và họ có cơ sở tự hào như trong cuộc đối thoại giữa người lính Đức và viên y tá Pháp trong mẫu truyện “Bản Giao Hưởng số 3” - la 3e symphonie- của Georges Duhamel (?), khi hai cựu thù ca ngợi về những giá trị văn hóa của đối phương: người y tá Pháp thì ca ngợi về âm nhạc của người Đức còn người lính Đức đáp lại bằng ca ngợi văn học Pháp: cả 24 chữ cái, từ A cho đến Z, đều có thể tìm được tên một nhà văn. Và quả như vậy, bắt đầu vần A là Anatole France và kết thúc vần Z là Zola.

Cái hào nhoáng có cơ sở ấy càng thể hiện rõ khi người ta hỏi André Gide là nhà văn, nhà thơ nào là tiêu biểu nhất của Pháp. André Gide đã thở dài, trả lời: Than ôi, đó là V. Hugo! (Hélas, c’est Victor Hugo). Cái “than ôi” ở đây không phải là một ca tụng mà biểu thị một “bất đắc dĩ”, đành phải kể một người nhưng cũng khó mà minh định với nhiều tên tuổi lỗi lạc khác; nói cách khác còn có nhiều tên tuổi xứng danh nữa, nhưng đành chọn một vị chưa hẳn là toàn bích. Nhưng cùng một câu hỏi như thế đối với nhiều dân tộc khác thì chắc chắn việc lựa chọn xem ra sẽ dễ hơn nhiều: với Ấn Độ đơn giản là Tagore, Tây Ban Nha với Cervantes, Ý sẽ là Dantes, Hy Lạp với Homère, La-mã thì có Virgil, Anh với Shakespeare, và Việt Nam thì dứt khoát là Nguyễn Du...

Sơ lược một chút như thế để trở về với Việt Nam ở đầu thế kỷ 20, khi tờ báo BAVH ra đời. Phải nhận rằng cái hào quang của văn học Pháp cũng mang lại khá nhiều hào quang cho văn học Việt. Xuân Diệu chỉ đổi một từ “đi” trong “partir, c’est mourir un peu” (đi là chết một ít) của Edmond Haraucourt bằng động từ “yêu” và biến thành một câu thơ thuần Việt “Yêu là chết trong lòng một ít”. Rất nhiều người khó nhận ra điều ấy nếu không biết câu thơ này trên cửa miệng người Pháp nay như thứ ca dao, tục ngữ của dân tộc họ. Nhưng Xuân Diệu đã có công Việt hóa bằng thêm hai từ trong lòng cùng với âm hưởng bằng trắc tiếng Việt để trở thành câu thơ riêng của tác giả, và chúng ta tự hào với cung cách ẩn nhập tài tình ấy. Cũng không ngoa khi khẳng định rằng “Sầu đã chín hay trái sầu rụng rơi” của Huy Cận và tâm hồn rối loạn của một Vũ Hoàng Chương “đầu thai nhầm thế kỷ” đã vay mượn nguồn thi hứng từ sầu thế kỷ (le mal du siècle) của thế kỷ 19 trong văn học lãng mạn Pháp. Về văn xuôi cũng vậy, ta thấy dáng dấp tình cảm nhân vật Paul Sellery của Francois Coppée trong Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng với từng nốt nhạc cung thứ “lá rụng” điểm dấu cho từng giọt buồn nội tâm không ngớt rơi vào lòng. Thử đọc lại:

Khái Hưng:

Mặt trời đã lặn sau đồi tây (...).
Lan đứng chắp tay tụng niệm, con mắt lờ đờ nhìn xuống con đường đất quanh co lượn khúc dưới chân đồi.
Gió chiều hiu hiu...
Lá rụng


(Văn xuôi lãng mạn Việt Nam Nxb. VHXH. Hồn Bướm Mơ Tiên, Khái Hưng, tr 107).

Francois Coppée: “Mặt trời đã lặn, chìm xuống chân đồi, và bỗng vụt tắt. Trong khoảng không gian xám tối màu ngọc, gió thổi hiu hiu nối tiếp ngày tàn (...); và bỗng nhiên lá vàng rơi rụng như cả một trận mưa vàng óng ánh (...)

Lá rụng! Lá rụng
!

(Mais, il s’est couché, il a plongé derrière l’horizon; et brusquement, tout s’éteint. Sur le paysage assombri dans le vaste ciel couleur de perle, se répand le frisson funèbre qui se succède à l’adieu du jour (...); la rivière est comme un miroir terni. Tout à l’heure, dans le rayon, les feuilles mortes, en tombant, étaient pareilles à une pluie d’or...Les feuilles tombent! Les feuilles tombent!

(Francois COPPEE, Toute une jeunesse, tr. 322).

Tôi không được phép dài dòng để minh chứng thêm rất nhiều biến ứng của văn học Pháp tràn ngập đó đây trong cách hành văn và kể cả trong nếp tư duy (Như trường hợp Ngọn cỏ gió đùa của Hồ Biểu Chánh, Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách và nhiều dấu vết đâu đó trong Tự Lực Văn Đoàn), nhưng cũng nên đơn cử bài Tôi đi học của Thanh Tịnh mà mọi người trong chúng ta đều có thể đọc thuộc lòng với tất cả say sưa: “Hằng năm, cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc...” bốn yếu tố cơ bản 1/ hàng năm, 2/ cứ vào cuối thu, 3/ lá ngoài đường rụng nhiều, và 4/ trên không có những đám mây bàng bạc đều được tìm thấy trong câu mở đầu của Anatole France (chết năm 1924 khi Thanh Tịnh mới 13 tuổi): Je vais vous dire ce que me rappellent, tous les ans, le ciel agité de l’automne, les premiers diners à la lampe et les feuilles qui jaunissent dans les arbres qui frissonnent. (Anatole France. Le livre de mon ami).

Nhưng phải thừa nhận rằng các đoạn văn mà chúng tôi trích dẫn để lập luận là những đoạn văn xuất sắc, thuần Việt, không mang dấu ấn “đạo văn”, nhưng là một sự hòa nhập tinh tế đã được tiêu hóa nhuần nhuyễn biến thành nhân tố thuần Việt. Đặc biệt Thanh Tịnh đã biến ứng tài tình và đoạn văn mang đậm phong cảnh làng xưa. Từ “cậu bé ba lô trên lưng vừa đi vừa nhảy như con chim sẻ” của Anatole France, Thanh Tịnh đã biến thành một hình ảnh thân thương khác biệt “Tôi không lội qua sông thả diều như thằng Quý và không ra đồng nô hò như thằng Sơn nữa. Trong chiếc áo vải dù đen dài, tôi cảm thấy mình trang trọng và đứng đắn”. Làm sao ta có thể xem đó là “vay mượn” mà phải thán phục thừa nhận đúng là một sự hội nhập đến hòa đồng, biến thành bản sắc riêng của mình mà sau này khó tìm thấy được trong nhiều tác giả. Cách biến nhập thiên tài không khác gì trường hợp La Fontaine thế kỷ 17 với Esope thế kỷ thứ VII-VI trước Công Nguyên thời cổ đại Hy Lạp, hoặc chính phong trào lãng mạn Pháp đã du nhập tinh thần romantic của người Anh, giữ nguyên từ, không cần dịch, chỉ biến âm theo cách đọc thành romantique.

Điểm qua một vài chi tiết về tâm tình và sự ngưỡng mộ minh khai hay tiềm ẩn đối với Văn hóa Pháp thời ấy, có người hẹp lượng sẽ khoác cho cái áo “vọng ngoại”; nhưng thiển ý chúng tôi là muốn nêu rõ trong khi văn học Pháp và biến rộng ra văn hóa Pháp đầu thế kỷ 20 đã được không ít người Việt xem là khuôn vàng thước ngọc, là một mơ ước và không ngừng cảm phục những thành quả và giá trị của “Đại Pháp”, thì ngược lại có một trí thức Pháp, đã hết mình “bênh vực” và muốn bảo tồn những giá trị truyền thống của một dân tộc mà trong con mắt không ít người Âu còn ở trạng thái man di, cần được khai phóng.

Người đó là Léopold Cadière, chủ bút tờ BAVH, vào tuổi 84, khi được đề nghị trở về Pháp, đã van nài: “Cho tôi được ở lại và chết nơi đây”. Nguyên do thật đơn giản: “Cả đời tôi, tôi đã dâng cho xứ này rồi”(1).

Vậy cái gì đã thúc đẩy Cadière xin ở lại và không từ bỏ dân tộc mà ông trải 61 năm sinh sống cho đến thời điểm ấy? Không chỉ mình ông. Yersin cũng cùng ước vọng và còn biết bao người khác. Trường hợp của nữ văn sĩ Marguerite DURAS cũng không ngoại lệ. Chỉ với tác phẩm l’Amant (Người tình) cả thế giới biết đến bà khi tuổi đã xế chiều và trước đó chưa từng được nổi tiếng. Tác phẩm đã dựng thành phim, thu hút một lượng độc giả đáng kinh ngạc, bối cảnh và tình tiết câu chuyện là một quãng đời ở Nam Bộ nước Việt. Phải chăng đó là một “hội chứng An Nam” như về sau có người dám quả quyết? Gần đây thôi, bà Catherine Guy, phụ trách bảo tàng Pháp cho biết trong “Kho lưu trữ Toàn cầu” ở Paris người ta trân trọng lưu giữ đến 840 bức ảnh về Việt Nam của Léon Busy, đặc biệt khá nhiều bức về Hà Nội 36 phố phường, số lượng chỉ xấp xỉ thua kém 900 bức về Paris, vượt xa số lượng ảnh lưu giữ về Trung Quốc (hơn 400 bức) và Nhật Bản (500 bức). Những con số trên cũng nói lên nhiều điều, nhất là những “vấn vương” của một thời xưa cũ.

Vào những năm 1990, xuất hiện trên tạp chí GEO tại Pháp - một tạp chí chuyên về Văn hóa và Du lịch - một từ rất mới lạ: “Namstalgie” (hoài Việt).

Thực ra từ mới này đã được cấu tạo theo từ Nostalgie (hoài hương) đã xuất hiện từ thế kỷ 17 để chỉ một trạng thái “tâm bệnh” vào năm 1688 do Johannes Hofer, còn gọi là “mal du pays”, để chỉ hiện tượng hoài hương, nhớ quê cũ. Từ Nostalgie gồm hai yếu tố Hy lạp “nostos”(trở về) và “algos” (nỗi đau) và từ “Namstalgie” cũng được cấu tạo theo kiểu ấy (mặc dù phải thêm vào hai chữ st sau từ Nam, có thể cho dễ đọc, mà cũng có thế muốn lưu lại một phần thành tố “nostos” để diễn tả ý niệm “hoài nhớ”).

Namstalgie, hoài Việt, là một loại hình du lịch đáp ứng nhu cầu những con cháu, hoặc chính bản thân những người đã có năm tháng dài sống và làm việc tại “An Nam xưa” muốn trở về “quê cũ” thăm lại nơi họ đã từng sống, làm việc và gởi gắm tâm tư.

Để minh thị trường hợp của Cadière về tâm thức này, tôi chỉ dùng một bài viết ngắn của chính tác giả, năm 1942, vào lúc 73 tuổi, cái tuổi đối với rất nhiều người đã là “xưa nay hiếm”, nhân mừng Ngân Khánh và cũng đánh dấu 50 sống ở Việt Nam (1892 - 1942). Bài phát biểu ngắn gọn chỉ trên dưới 250 từ và không quá 45 dòng(2), nhưng bao quát toàn bộ những dấu ấn tình cảm của ông trong các lĩnh vực nghiên cứu. Ông nêu lên sáu lý do làm ông thương mến đất nước này:

1. Thật ngạc nhiên khi đề cập đến ngôn ngữ như là mối dây ràng buộc đầu tiên:

Tôi học tiếng họ từ ngày tôi mới đến, tôi vẫn còn tiếp tục học(3) và nhận thấy rằng tiếng Việt rất tinh tế về mặt cấu trúc, và cũng không nên xem nhẹ về sự phong phú về từ ngữ như có người suy nghĩ”. (Cadière, sách đã dẫn).

Rõ ràng là một lối biện luận ít nhiều mang tính bênh vực và phát xuất từ thiện cảm sẵn có.

Người Pháp vẫn tự hào về ngôn ngữ của họ, lấy những nguyên tắc của Boileau(4) như là chỉ đạo trong cách xếp đặt tư duy để biểu cảm. Thầy giáo dạy tiếng Pháp thường nhắc nhở học sinh của mình: Không rõ ràng, không phải là tiếng Pháp (Ce qui n’est pas clair, c’est pas francais). Cấu trúc chặt chẽ của tiếng la-tinh còn hiển thị qua nhiều quy luật ngữ pháp phải tuân theo trong tiếng Pháp, đến nỗi nhiều người cho rằng tiếng Pháp là một “ngôn ngữ đào tạo”, langue de formation.

Từ năm 1925, Cadière đã viết bài tham luận “Bàn về một số quy thức tư duy của người Việt qua ngôn ngữ”(5). Đây là một bài tham luận sâu sắc; chúng ta không thể phân tích toàn diện, chỉ xin đơn cử một “phát hiện” của tác giả về trật tự thời gian trong lối phát ngôn của người Việt: Tôi đi bắn về. Ba hành động đi/bắn/về rõ ràng là theo một trật tự thời gian hoàn hảo. Ông còn trích dẫn thêm nhiều dẫn chứng như “uống rượu say” (uống trước, say sau), hoặc “lấy roi mà đánh” (lấy roi trước, đánh sau) để minh thị cái “tuần tự thời gian” trong tư duy người Việt, xem như đó là một “ưu điểm luận cứ cổ điển” theo kiểu diễn cảm bất hủ của danh tướng La Mã trình bày chiến tích chớp nhoáng của mình “VENI, VIDI, VICI (tôi đến, tôi thấy, tôi thắng). Bài diễn văn vỏn vẹn có 3 từ tuần tự theo thời gian rất chớp nhoáng của CESAR vào năm 47 cho đến nay vẫn có lẽ là bài tường trình ngắn gọn, súc tích và biểu cảm nhất mà nhân loại biết đến và truyền trên cửa miệng qua nhiều thế hệ. Cadière đã tỏ ra rất tinh thông trong lý luận về cấu trúc cũng như liệt kê được một số lượng khổng lồ ngạn ngữ dân gian(6) mà thậm chí nhiều nhà ngôn ngữ học người Việt chưa chắc đã quán triệt được như ông về tiếng mẹ đẻ của mình.

2. Lý do thứ hai bàn về tôn giáo tín ngưỡng. Cũng thật lạ lùng khi một “nhà truyền đạo” lại đi ca ngợi hết mình một tôn giáo khác:

“Tôi đã nghiên cứu tín ngưỡng, các thực hành lễ nghi tôn giáo, phong tục tập quán của họ và phải thừa nhận rằng người Việt rất sâu sắc về tôn giáo, tín ngưỡng của họ trong sáng và khi họ cầu cứu đến Trời, tế tự Trời thì cũng có thể họ cùng đến với một đấng toàn năng mà tôi gọi bằng Chúa, và tự đáy lòng họ đang lưu giữ một tia sáng tôn giáo tự nhiên mà Tạo hóa vốn ấn dấu vào tâm khảm của nhân sinh”. (Cadière, sđd).

Chúng ta biết rằng, cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, nước Pháp thường được gọi là “trưởng nữ” của Giáo Hội La Mã và đã rất sùng đạo khi gởi rất nhiều “thừa sai” (missionnaires) khắp trên thế giới để “loan truyền Tin Mừng”, thì trong Hội thảo về “Dân tộc học và Tôn giáo” Cadière vẫn khẳng định: Người Âu châu dẫu sùng đạo, thường vẫn không sống hết toàn bộ thời gian với Thượng đế của mình; người Việt ngược lại, dù ở giai cấp nào, đều cảm thấy mình trực tiếp thường xuyên với các thần thánh trong thiên nhiên.”

Khi nghiên cứu về tôn giáo, ông đã ví von tôn giáo người Việt như dãy núi Trường Sơn cỏ cây chen chúc không biết đường ra lối vào, gốc lai từ đâu đến, hòa trộn chen lẫn để rồi nở rộ những hoa đại đóa rực lửa cả một khung trời.

3. Lý do thứ ba của tình cảm mến thương với người Việt là lịch sử hào hùng của cả một dân tộc. Người Việt có cái may mắn là ở vào một địa thế thuận hợp cho những giao thoa của hai nền văn hóa lớn từ Phương Nam tỏa lên và cả từ Phương Bắc tràn xuống. Nhưng cũng vì thế mà gánh chịu những xung đột triền miên, chiến đấu không ngừng, và tự thân giữ cho bằng được tiếng nói tập tục như là dấu chỉ thể hiện bản sắc của mình.

“Tôi đã nghiên cứu lịch sử của họ, xuyên qua các thế kỷ, đặc biệt là từ Triều Nguyễn, và nhận thấy rằng đất nước Việt Nam, từ nguyên thủy, đã không ngừng nung nấu một ý hướng cao về phát triển và tiến bộ, đã miệt mài theo đuổi thực hiện ý hướng ấy với hào hùng can đảm và linh hoạt thích ứng vào từng hoàn cảnh trên con đường tiến bước của mình.” (Cadiere, sđd).

Nhiệm sở đầu tiên của Cadière là ở Quảng Bình, 1902, nơi đây từng là yếu ải của Vương quốc nhà Nguyễn, ông đã nghiên cứu “Lũy Thầy Đồng Hới”. Theo Paul Boudet bài nghiên cứu nói lên được “toàn bộ lịch sử chính xác (...) phơi bày trọn vẹn nỗ lực dai dẳng của nhà Nguyễn để thiết định, bành trướng và bảo vệ di sản của tiên tổ Nguyễn Hoàng” (Paul Boudet. Préface à la première édition Croyances et Pratiques religieuses des Vietnamiens Q.I tr.XI).

4. Trong suốt thời gian chung sống với người Việt, ông đã tìm ra được những nét tương đồng giữa hai dân tộc. Cả hai đã cùng phát xuất từ nền tảng nông nghiệp và từ căn bản ấy văn hóa mới phôi thai chớm nở; trong đời sống du mục con người ít biết dừng lại để nghĩ suy. Vì thế trong ngôn ngữ Âu Tây từ “Culture” vừa chỉ “trồng trọt” vừa chỉ “văn hóa”. Cũng trong ý nghĩa ấy Voltaire kết thúc quyển Candide bằng một lời khuyên “il faut cultiver notre jardin”.(7)

“Tôi yêu mến họ vì những đức hạnh tinh thần. Thuộc tầng lớp nông dân, rồi sống ở Việt Nam giữa nông dân, tôi đã có thể thấy rằng nông dân Pháp và nông dân Việt giống nhau lạ lùng: Bên này cũng như bên kia, từng ý tưởng vụn vặt của cuộc sống hằng ngày, của đồng áng, chợ đò, của những bữa cơm thường nhật, của làng mạc... Mặt nữa, bên này cũng như bên kia, những tình cảm cao cả, tình yêu thương sâu đậm của gia đình, giúp đỡ và tương trợ lẫn nhau, chuyên cần trong công việc, nhẫn nhục trong cuộc sống nghèo hèn và khổ cực mỗi ngày.” (Cadière, sđd).

Một trong yếu tố tạo nên những đức hạnh tinh thần đó là nhờ hệ thống gia đình Việt Nam chưa đến hồi đổ vỡ như ở châu Âu. Nhưng chính châu Âu và cụ thể là nước Pháp cũng đã trải qua hoàn cảnh xã hội được thiết lập trên nền tảng gia đình, nhưng nay nền văn minh công nghiệp đã hủy hoại và Cadière đã tìm lại được hình ảnh êm đềm xa xưa của người Pháp ở nơi vùng ông mới đến để rồi nảy sinh lòng yêu mến. Khi viết rằng “Người Việt (không phải) - chưa phải - là một kẻ mất gốc(8)...” thì đã minh thị rằng ngày nào đó người Việt cũng rơi vào tình trạng “mất gốc” như “nền văn minh phương Tây (...) làm đảo lộn phân tán các gia đình”(9).

5. Lý do thứ 5 của lòng thương mến là yếu tố con người.

Tôi yêu mến họ vì tính tình của họ. Trước đây, khi tôi có dịp đi lại bằng võng hay bằng thuyền, tôi đã thấy được và cảm phục niềm vui sống, sự vui vẻ, tâm trí hồn nhiên của bác gánh võng hay người chèo thuyền, mặc dầu họ thật vất vả, nhọc nhằn suốt hàng giờ và hàng ngày tròn.” (CADIÈRE, Sđd).

Ông đã từng lên tiếng bênh vực trước những phàn nàn của các ông chủ người Âu sử dụng lao động Việt: “Những ai cho là người Việt biếng nhác, họ chỉ xét đoán trên một phần sự kiện ngoại lệ. Trên thực tế thì người Việt cần mẫn, chăm chỉ, năng động, chịu thương chịu khó, quả cảm, xoay xở giỏi khi họ làm việc một cách bình thường (...). Phải sống với họ, giữa họ để thấy phần đông người Việt lao nhọc như thế nào mới thấy được điều tôi kết luận trên là đúng. Rất nhiều tục ngữ ca dao nói lên điều ấy(10)”.

Thời gian chung sống với người Việt, ăn ở buồn vui và cảm thông sâu sắc với người Việt, Cadière đã hoàn toàn được “Việt hóa” từ cung cách ứng xử và cả trong cách ăn nếp ở: “học tiếng Việt không phải chỉ để nói giỏi như họ mà còn phải tâm tư nghĩ suy như họ”(11).

6. Ông thương mến xứ sở này với nhiều lý do, nhưng lý do cuối cùng đã ấn dấu mãnh liệt vào tâm khảm đến nỗi chúng tôi nhớ trọn vẹn cả nguyên văn: “Cuối cùng thì tôi thương mến họ vì họ khổ. (....) Những khốn cùng đôi khi phải cam chịu đã đành, nhưng thường là do định mệnh khắt khe vô tình”. “Cái định mệnh khắt khe vô tình” ấy nó nhân bản làm sao nhất là được thốt ra từ miệng một linh mục người nước ngoài, vốn được đào tạo rất kinh điển theo thần học Thiên Chúa giáo, tin tưởng tuyệt đối vào sự An Bài (Providence) và ở một môi trường Đông Tây nhiều điểm dị biệt.

Nay đọc lại những đoạn mô tả về các cách thờ bái ma thuật, hoặc những cách chữa trị kỳ bí, một số tập tục dã man, mà giới trẻ Việt Nam ngày nay không thể tin rằng đã có một thời ông cha ta đã hành xử như thế. Nhưng trước con mắt của Cadière, ngay vào thời buổi ấy, ông đã nhìn với một nhãn quan từ tâm: cũng bởi vì “họ khổ”. Xin được phép trích một dẫn luận ngắn ngủi giải thích vì sao đâu đâu cũng có miếu thờ “Bà Hỏa”:

“Phải có lần bị đánh thức giữa đêm đen do tiếng báo động quát thé, phải có lần được nghe tiếng kêu la hãi hùng của dân làng vội vã tán loạn, tìm con, tìm người già lão, phải có lần thấy ánh lửa đỏ ngầu vút lên trong đám khói đen cuồng nộ cùng tiếng mắt tre kèo, cột, mái nhà nổ vang như tiếng đại bác để rồi hôm sau thấy tận mắt cảnh tang thương của những vết tích còn lại, nhất là phải tự thân gánh chịu cái tai ương khủng khiếp ấy thì mới hiểu được người Việt sợ hỏa hoạn là như thế nào, thì mới biết tại sao họ đã nghĩ những tai ương kia là do thần thánh, thì mới hiểu được cách họ xử thế đối với mọi tai ương xảy đến, kể cả những trường hợp nhỏ nhặt nhất(12).

Về cách đối xử “tàn nhẫn” với những thi thể chết non, chết yểu, chết trùng, theo Cadière, chung quy cũng do “từ tâm” mà ra cả: muốn bảo vệ những trẻ được sinh ra sau này, và phải làm hết mọi cách. Bao dung theo kiểu Chu Mạnh Trinh khi luận về Kiều “chiếc lá rụng chọn gì đất sạch” mới thấu hiểu được hết các cách hành xử “cùng đường” mà ngày nay chúng ta khó lòng chấp nhận, để làm sao thoát ra được những khổ ải liên miên mà họ phải gánh chịu.

Thôi thì bỏ đi những cảnh man rợ và để phần nào xin lỗi các bé, xin ghi nhận rằng chẳng qua cũng do thương mến mà ra cả. Tình cảm tự nó là cao quý và đáng trân trọng, dẫu rằng cách thể hiện thì nhiều khi thật đáng lên án.”(13)

Có lẽ chúng ta không quá ảo tưởng hoặc quá lạc quan để xem những tình cảm về giá trị của người Việt dưới nhãn quan của Cadière như là những giá trị vĩnh hằng, như là những bản sắc muôn thuở. Gần đây người ta nhắc nhở nhiều đến truyền thống, đến bản sắc dân tộc, xem như đó là một nhân tố bất biến, mà quên rằng chiều kích của văn hóa là sự biến ứng không ngừng, và cái còn lại sau khi đã được gạn đục qua nhiều thế hệ tưởng như vô thức, cái còn lại sau khi tất cả đã bị quên đi, nói theo kiểu Herricot từng quả quyết, đó là văn hóa, đó là bản sắc. Xây dựng bản sắc không vì thế mà tôn tạo lại y nguyên những tin tưởng hoặc những vỏ bọc cho những tin tưởng ấy như nhiều nơi đang làm và cần được báo động. Dẫn chứng cụ thể như những ảo thuật tà ma, những tin tưởng quái dị, những cách hành xử bất nhân với thi thể những em bé chết trùng chết yểu... Trong quá trình nghiên cứu, Cadière trình bày sự việc như đang xảy ra (tel qu’il est) chứ không hề mang tính giáo điều đòi hỏi nên như thế này, nên như thế kia (tel qu’il devrait être) với con mắt khoa học chứ không phải theo chiều kích luân lý hay đạo giáo, để tìm cái do lai cốt lõi của vấn đề. Vì thế, Cadière không bao giờ sử dụng từ “dị đoan” nhưng không vì thế mà cho rằng Cadière ca ngợi hoặc muốn bảo tồn những tệ nạn bùa ma đó. Ông trình bày vụ việc thật chi ly, xác thực để giải thích sự việc, tìm ra nguyên do để lý giải và rộng mở để cho người đọc tự đặt thêm nghi vấn và rút ra được kết luận cho chính mình, theo phương pháp “hộ sinh” (maïeutique) từ thời Socrate cổ đại; cho đến nay phương pháp ấy vẫn còn rất hiện đại và được các nhà giáo dục cổ vũ.

Nhưng cũng phải thú nhận rằng vì chút lòng yêu mến người Việt như chúng tôi đã lần lượt trích dẫn ở trên mà Cadière cũng có ít nhiều thiên vị, nặng nghĩa nặng tình.

Thay lời kết tôi xin phép trích dẫn ít dòng tâm sự của tác giả để minh chứng thay vì biện luận: “Tuy vậy, cũng xin nhắc lại rằng, tôi hầu như luôn ở trong những hạn chế của những giải thích mà người bản xứ cung cấp cho tôi, suốt trong quá trình nghiên cứu nhiều năm và tôi nghĩ chắc họa hoằn lắm tôi mới vượt ra khỏi tâm linh người Việt bởi lẽ những thực hành lâu đời ấy đã trở thành thân thương quen thuộc đối với tôi.”(14)

Huế, 12/2014
Đ.T.H
(TCSH331/09-2016)


.............................................
1. Nguyễn Tiến Lãng, Au R.P Léopold CADIERE, Bulletin des Missions Etrangères de Paris tr 29.
2. Được đăng trong Croyances et Pratiques Religieuses des Vietnamiens (CPRV), q.1 trang VII Bản dịch bài này: Tôn Giáo Văn Hóa Người Việt, Đỗ trinh Huệ, tr.12 hoặc Văn Hóa, Tín Ngưỡng và Thực Hành Tôn Giáo Người Việt, Đỗ Trinh Huệ, Nxb. Thuận Hóa,  2010. Tr.9  
3. Lúc ấy Cadière đã 73 tuổi.
4. Ce que l’on conçoit bien s’énonce clairement / Et les mots pour le dire arrivent aisément.
5. Extrême-Asie (Saigon, H.Ardin) 1925, tr.251-258. Bản dịch: Văn hóa, tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt, Đỗ Trinh Huệ Tập III, Nxb. Thuận  Hóa 2010 , tr 201.
6. Bản dịch: Văn hóa, tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt, Đỗ Trinh Huệ Tập III, Nxb. Thuận  Hóa 2010 , tr 201.
7. Phải chăm bón thửa vườn của mình. (cultiver=trồng trọt; homme cultivé = người có văn hóa).
8. CPRV Q. I tr 80
9. CPRV Q. I tr 58.
10. CPRV Q. III tr 116
11. Souvenirs d’un vieil annamitisant, Indochine, 1942
12. CPRV Tome II tr. 53.
13. CPRV. Tome II. tr 209

14. Le Culte des arbres . CPRV Tome II tr 70. 





 

Các bài mới
Gió xanh (30/09/2016)
Các bài đã đăng
Nhớ Huế (26/09/2016)
Trương Chi (22/09/2016)