Tạp chí Sông Hương - Số 333 (T.11-16)
Làng cổ Dương Hóa
09:31 | 07/10/2016

TRẦN VIẾT ĐIỀN

Di tích lịch sử Đình Dương Xuân Hạ nằm ở khu vực thuộc làng cổ Dương Hóa, với bề dày lịch sử trên dưới 500 năm.

Làng cổ Dương Hóa
Đình Dương Xuân Hạ - Ảnh: internet

Ở di tích này với những di vật di chứng thuộc về những tầng  văn hóa phát hiện được một cách ngẫu nhiên, dẫu chưa có những thao tác khảo cổ học nghiêm túc, cũng hé lộ những thông tin quí hiếm giúp các nhà nghiên cứu hình thành giả thuyết công tác trong nghiên cứu vương phủ Dương Xuân, có phủ Dương Xuân cũ. Nghiên cứu di tích lịch sử Đình Dương Xuân Hạ, với tiền thân của nó, mới phát hiện; rằng nhà Lê đã có sách lược tốt khi tạo điều kiện cư dân Chăm (bản địa) và cư dân Việt(di cư), dẫu có những khác biệt về ngôn ngữ, tín ngưỡng,.., đã hòa nhập thành một cộng đồng cư dân sống nhờ  nông nghiệp , như làng cổ Dương Hóa. Đặc biệt,  cư dân bản địa đã biết chọn một cát địa tốt về phong thủy, đẹp và hoành tráng về cảnh quan để xây dựng những công trình phục vụ tín ngưỡng, tâm linh. Tín ngưỡng, tâm linh  không dừng lại ở một ngôi làng mà lan tỏa ra các làng lân cận, thậm chí vào chính dinh, đô thành Phú Xuân.  Khi triều đình các chúa Nguyễn, vua Nguyễn trưng dụng cát địa ấy thì dân sở tại tạm dời miếu thờ đến những thửa đất lân cận.Khi những công trình của nhà nước suy tàn, hoang phế do binh hỏa thì  dân sở tại lại phục dựng miếu thờ xưa của họ.  

Sau đây là những minh họa cho một số vấn đề đã nêu:

Khai canh Dương Hóa trở thành khai canh Dương Xuân:

Làng cổ Dương Hóa, nay gọi là thôn Dương Hòa, có khi gọi Xuân Hóa, Thiên Hòa…, thành lập thời Trần [đầu thế kỷ 14] vào thuở Ô Lý về Đại Việt. Ban sơ cư dân Dương Hóa đa phần là người Chăm, một bộ phận người Việt di cư, ở lẫn với người Chăm để khai phá vùng đồi núi bao quanh vùng trũng Bàu Vá [xứ Bộ Hóa] bên bờ một nhánh sông Bồ Giang, sau thành sông Linh Giang rồi Hương Giang; gần và đối diện cồn Giả Viên. Người Dương Hóa cùng với quân lính, tù binh Chăm tiếp tục khai khẩn vùng bán sơn địa cạnh làng, hai bên suối lớn (về sau thành sông An Cựu), hình thành một số ấp phía tây như Sơn Điền, Cử Sĩ, Trân Bái, số ấp phía đông nam như Phủ Tú, phiá đông như Đông Hưởng, Hô Lâu… cài răng lược với những làng như An Cựu, Thụy Lôi, Cư Hóa… thế là làng Dương Xuân sớm hình thành, độc lập với Dương Hóa. Về sau làng Dương Hóa với dân số không đủ thành một làng, khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, làng nhập vào làng Dương Xuân, trở thành  một ấp của làng Dương Xuân, nay là ấp Hạ 1.

Một bằng chứng hết sức thuyết phục là hai làng Dương Xuân Thượng và làng Dương Xuân Hạ thờ chung ngài Đô tổng binh thiêm sự Lê quí công, hiệu Kim Ngọc, người làng Dương Hóa,  là bổn thổ  khai canh. Trong Ô châu cận lục có chép: “Kim Ngọc tổng binh (khuyết tên)... Ông người xã Dương Hóa huyện Kim Trà. Từng làm các chức vệ sở, lần lần được thăng Tổng binh Thiêm sự Quảng Nam”. Hiện nay còn mộ ngài khai canh làng Dương Xuân (Thượng, Hạ) ở thôn Phủ Tú, xứ Thẩm Khê, với bia đá có văn khắc chữ Hán: “ Đại Nam Hoàng Triều Cáo Thụ Đại Đô Tổng Binh Thiêm Sự Lê Quí Công Khai canh trứ phong tặng vi Dực Bảo Trung Hưng linh phò tôn thần chi mộ” Lạc khoản : “ Kỷ Dậu niên tứ nguyệt cát nhật phụng” “ Dương Xuân thượng hạ nhị xã đồng cẩn chí”. Tổng binh thiêm sự có từ thời Lê Thánh Tông!Chức tước này không có thời Đại Nam của triều vua Minh Mạng. Trong B.A.V.H (Tập XV, 1928), có đoạn viết về ngôi mộ khai canh làng Dương Xuân, Cadière dựa vào dòng bia của mộ đoán vị Đô Tổng Binh Thiêm Sự thuộc về triều Gia Long. Điều này dẫn đến làng Dương Xuân được thành lập vào đầu thế kỷ 19. Vô lý! Thực ra bia dựng vào năm Thành Thái thứ 17, sau khi làng thắng kiện, các vị chức sắc của làng lập bia lại khắc bia như trên nên có sự nhầm lẫn vừa nêu.


 

Mộ ngài Đô tổng binh thiêm sự Lê Kim Ngọc, khai canh làng Dương Xuân

Thành Hoàng làng Dương Xuân, có ấp Dương Hóa, là Lê Bôi:

Vì tiền thân làng cổ Dương Hóa là làng Chăm có tháp Chăm ở khoảnh đất  vào loại cát địa, bao quanh Bàu Vá, có khe Triều Tiên chảy từ tả sang hữu. Khi trở thành làng Việt, có thêm người Việt tụ cư thì tháp Chăm bị đổ, làng Dương Hóa tôn trí các tượng thần bằng đá ở miếu thần Xích My, miếu Thiên Y A Na... Làng dựng miếu Thành Hoàng thờ nhân thần Lê Bôi, công thần khai quốc triều Lê. Liên tiếp ba năm (1444 – 1446), vua Chiêm Bi Cai vào cướp phá Châu Hoá, Lê Nhân Tông sai Thái Bảo Lê Bôi cùng tổng quản Lê Khả đem quân bình Chiêm, từng đóng quân ở Dương Hóa, Dương Xuân, bắt sống Bi Cai, …
 

Miếu Thành Hoàng Lê Bôi

 

Khi vua Lê Thánh Tông lên ngôi, niên hiệu Quang Thuận, vua Chiêm là Trà Toàn đưa đại quân cướp phá Hóa Châu năm 1470, năm sau vua Lê Thánh Tông hạ chiếu thân chinh bình Chiêm, lệnh Thái sư Đinh Liệt và Thái bảo Lê Niệm lãnh ấn Chinh lỗ tướng quân, thống lĩnh 10 vạn quân đi trước, mười ngày sau nhà vua thân hành đốc suất 15 vạn quân chinh Nam. Đại bản doanh nhà vua có khi ở Bộ Hóa thượng (cồn Bông Sứ), vì lẽ đó về  sau dân sở tại lập miếu thờ vua Lê Thánh Tông ở cồn Bông Sứ. Đến thời chúa Nguyễn Phúc Tần,  nhà chúa đã tôn tạo thành miếu lễ Lê Thánh  Tông. Khi vua Minh Mạng dựng miếu lễ Lê Thánh Tông mới, gần miếu Lịch Đại đế vương, cũng trên đất Dương Xuân, miếu cũ hoang phế, trên nền cũ người ta dựng am Phổ Phúc, sau dựng thành chùa Vạn Phước và chùa Tịnh Độ.

Trấn lỗ tướng quân thành nhân thần của Dương Xuân:

Dựa vào chính sử và gia phả họ Võ làng Nam phổ được biết trong cuộc thân chinh của vua Lê Thánh Tông năm 1471, các tướng lĩnh khá đông,  ngoài Chinh lỗ tướng quân Đinh Liệt, Lê Niệm còn có Phi vận tướng quân Nguyễn Phục, Đô tổng binh thiêm sự Lê Kim Ngọc, Tướng quân Võ Tử Thành,... Sau cuộc thân chinh thắng lợi, quân ta có bắt vua Chăm là Trà Toàn cùng hàng vạn tù binh, một ít đưa về Thăng Long, phần lớn giam ở Thuận Hóa và vua Lê đã cử Đô tổng binh thiêm sự Lê Kim Ngọc, người làng Dương Hóa, trước đó công cán ở Quảng Nam, sau về lại Dương Hóa tiến hành “cải tạo” một phần tù binh Chăm, khai phá vùng bán sơn địa quanh làng Dương Hóa, sớm lập làng Dương Xuân. Khi đại quân vua Lê về Thăng Long, chỉ vài tháng sau, vua Chăm là Trà Toại lại gây rối Hóa Châu. Do có quân công, tướng quân Võ Tử Thành lại được lệnh vua chinh Nam, giữ chức Tổng bá quan, chỉ huy quân lính chinh Nam đánh dẹp Trà Toại, thắng trận,  được lệnh vua trấn thủ Thuận Hóa, chỉ huy binh lính và tù binh khai phá vùng Thuận Hóa, làm kế ngụ binh ư nông, đề phòng người Chăm nổi loạn, kết quả  nhiều làng mới ra đời trong đó có làng Nam Phổ. Khi mới vào Hóa Châu, Tổng bá quan Võ Tử Thành cũng đóng quân ở Bộ Hóa, có nhà riêng ở Dương Hóa và khi qua đời, ngài Võ Tử Thành được táng ở Dương Hóa như gia phả họ Võ làng Nam Phổ đã chép: “ 墓  在  香  茶  縣  楊  化 社 “ ( Mộ tại Hương Trà huyện Dương Hóa xã)”. Hậu duệ của ngài ở Nam Phổ, qua truyền ức và ghi chép về Võ Tử Thành trong gia phả, trên bia mộ, biết họ Võ Nam Phổ rất  tự hào về ngài tổ Võ Tử Thành. Ngoài chức Tổng bá quan (Tổng tư lệnh) phụ trách trấn thủ Thuận Hóa, coi giữ tù binh Chăm, khuyến dụ dân khai hoang lập ấp, trong đó có làng Nam Phổ, ngài còn là vị tướng được lệnh vua lên núi Đá Bia để khắc bia trong cuộc thân chinh của vua Lê Thánh Tông năm 1471. Tương truyền Tổng bá quan Võ Tử Thành [武 子成] được quân dân Thuận Hóa tôn ngài là Võ Hoàng Thành [武 隍 城 ] theo nghĩa vị Tổng bá quan  như một “thành hào chắc chắn” ngăn giặc ở phên giậu phương Nam. Mộ ngài Võ Tử Thành ở Dương Hóa nổi tiếng linh hiển, dân Dương Hóa, Dương Xuân thường đến cầu đảo. Về sau con cháu đã dời mộ của ngài Võ Tử Thành về xứ Cồn Mồ của Nam Phổ. Năm 1988 lại cải táng về chỗ hiện nay. Làng Dương Hóa lập miếu thờ gần mộ đã dời của Võ Tử Thành để phụng cúng như một vị nhân thần.  Như thế thời Lê Thánh Tông dân Dương Hóa, Dương Xuân đã tôn Lê Bôi làm Thành Hoàng của làng, Đông Hải Đại Vương Nguyễn Phục nhân thần, tôn Đô tổng binh Thiêm sự Lê Kim Ngọc là bổn thổ khai canh và Tổng bá quan Võ Tử Thành (hiệu Võ Hoàng Thành)làm bổn thổ nhân thần. Hằng trăm năm, làng Dương Xuân bao gồm Dương Hóa là một ấp, vẫn thờ phụng các  nhân thần nêu trên.

 

Miếu thờ ngài Võ Tử Thành (trên hậu chẩm của nơi nguyên táng Tổng bá quan Võ Tử Thành) thuộc làng cổ Dương Hóa.

Hành cung chúa Nguyễn, nơi tránh lụt và nơi cầu đảo. 

Sự linh hiển của các vị thần ở Dương Xuân càng ngày càng nổi tiếng, vì thế trăm năm sau, khi gặp thiên tai, các chúa Nguyễn thường cử thuộc viên đến cầu đảo ở những miếu thần nói trên. Đến đời chúa Nguyễn Phúc Tần, người ta đã dựng một hành cung nhỏ trên gò Dương Xuân,  gần các miêú nêu trên để tiện việc cầu đảo khi cần. Đến thời chúa Nguyễn Phúc Chu tôn tạo và mở rộng cung phủ thành vương phủ Dương Xuân thì hành cung nhỏ thời Nguyễn Phúc Tần thành phủ Dương Xuân cũ, miếu thần Xích Mi, miếu Đông Hải đại vương, miếu Thành Hoàng và các nhân thần phải dời qua sườn đồi gần ấp Tiên Tĩnh. Khi  tôn tạo Phủ Dương Xuân cũ, cơ Tả thủy đào ao trước phủ, phát hiện ấn “Trấn lỗ tướng quân chi ấn”. Ấn này thời Lê Thánh Tông từng giao tướng quân  Lê Đình Ngạn giữ trong lần Đại Việt đánh giặc Bồn Man và trấn giữ biên cương phía tây. Nhưng Lê Đình Ngạn không ở Hóa Châu.Do đó  trong cuộc chinh phạt Trà Toại, với chức Tổng Bá quan, trấn giữ Thuận Hóa  và kềm giữ tù binh Chăm thì có khả năng tướng quân  Võ Tử Thành giữ ấn này.  Tổng bá quan  Võ Tử Thành “định cư” ở Thuận Hóa, đóng bản doanh ở Dương Hóa, khi mất có thể con cháu chôn ấn “Trấn lỗ tướng quân chi ấn” như một đồ tùy táng của ông. Khi chúa Nguyễn Phúc Tần dựng hành cung trên gò Dương Xuân, phần hậu chẩm của mộ ngài Võ Tử Thành hay Võ Hoàng Thành bị động, con cháu họ Võ đã cải táng về Cồn Mồ Nam Phổ. Khi dời mộ có thể hậu duệ để  sót  ấn nơi lớp đất đầu  huyệt mộ, nằm ở trước phủ Dương Xuân cũ. Vậy ấn “Trấn lỗ tướng quân chi ấn” ở gần phủ Dương Xuân cũ là do vua Lê Thánh Tông ban cho Tổng bá quan Võ Tử Thành từ năm 1471. Vị trí nơi nguyên táng nhân thần Võ Tử Thành phải có miếu thờ ngài Võ!

Đến thời chúa Nguyễn Phúc Khoát xưng vương, quần thể phủ Dương Xuân lại được tôn tạo mở rộng. Đồi phía sau phủ cũ, hướng nam, được  dựng thêm điện, các, đài, tạ, hiên, hoa viên...Riêng phủ Dương Xuân cũ thì Võ  Vương làm nơi tiềm để của kế tử; sau khi kế tử thứ nhất mất sớm, Võ vương chọn kế tử Nguyễn Phúc Luân và  gia đình kế tử Nguyễn Phúc Luân sống ở phủ Dương Xuân cũ. Năm 1765, khi Võ Vương băng hà, phe Trương Phúc Loan âm mưu đổi di chiếu, giết Ngoại hữu Trương Văn Hạnh, Thị giảng Lê Cao Kỷ, tống ngục kế tử Nguyễn Phúc Luân.Sau khi ra khỏi ngục, kế tử Nguyễn Phúc Luân về phủ Dương Xuân cũ lâm bệnh nặng và qua đời. 

Nguyên nhân phủ Dương Xuân cũ bị mất tích:

Chỉ mười năm sau khi Võ vương qua đời,  quân Lê Trịnh đánh chiếm Phú Xuân, do các quân lính được lệnh đi kiếm củi để đúc tiền, họ không lên vùng núi xa như núi Ngọc Trản (Hòn Chén) để khai thác mà giựt sập các công trình   của vương phủ Dương Xuân, lấy cột kèo...về nộp. Qua triều Tây Sơn thì vương phủ Dương Xuân, có phủ Dương Xuân cũ hầu như bị xóa sổ phần lớn. Dân thôn Dương Hóa, trên nền móng cũ của phủ Dương Xuân cũ, đã dựng lại miếu khai canh Lê Tổng binh, hai miếu nhỏ thờ Thành Hoàng Lê quí công và nhân thần Vũ quí công.

Tuy nhiên một bộ phận của quần thể phủ Dương Xuân, ở sâu trong thôn Dương Hóa, dân sở tại bảo tồn dưới dạng miếu thờ đó là Phủ Dương Hòa. Phủ Dương Hòa có khả năng dựng từ thời chúa Nguyễn Phúc Chu, gồm một ngôi nhà ba căn hai chái nhỏ, nhà rường cột nhỏ, tường xây bằng đá gan gà, trát vữa ở trên sườn đồi. Phủ Dương Hòa còn có  nhà tả vu, hữu vu  là nơi ở và sinh hoạt của các bà lớn tuổi, từng là hậu phi của chúa tiền triều. Khi quân Lê Trịnh chiếm Phú Xuân 1775, nhà chúa tan đàn sẻ nghé, dân Dương Hóa liền biến phủ Dương Hòa thành nơi thờ nhân thần của ấp Dương Hóa. Làng Dương Xuân nói riêng và người Phú Xuân nói chung, lệ cũ khi  gặp thiên tai dịch bệnh thường đến các miếu thờ ở ấp Dương  Hóa của làng Dương Xuân để cầu đảo.Thời Tây Sơn, khi vua Quang Trung lâm bệnh, hôn mê, triều thần và nhất là Bắc cung hoàng hậu Ngọc Hân   lo lắng, ngoài đôn đốc các ngự y giỏi lo thuốc men cho vua, bà còn tự thân đến chùa, miếu để cầu đảo. Ở Dương Hóa, có miếu thờ Thiên Y A Na, có giếng Tiên, tương truyền bà Ngọc Hân có khi đến ở phủ Dương Hòa trong thời gian cầu đảo nên phủ này còn gọi là Phủ Tiên. Dân sở tại tôn kính bà thường gọi bà là bà chúa Tiên. Xóm có miếu Tiên, giếng Tiên, khe Triều Tiên hành cung của bà chúa Tiên về sau gọi là Ấp Tiên Tĩnh (nay là Hạ 2 làng Dương Xuân)

Miếu khai canh ấp Dương Hóa (gọi là phủ Dương Hòa)

Đền Vũ Sư được dựng trên nền cũ của phủ Dương Xuân cũ:

Khi Nguyễn Vương trở lại cựu đô, trăm công nghìn việc, rồi lên ngôi hoàng đế, lo Bắc phạt để thanh toán nốt triều Bảo Hưng Nguyễn Quang Toản, không thấy sử chép lần nào vua Gia Long hỏi về phủ Dương Xuân xưa. Thực ra vua Gia Long chôn nhau cắt rốn ở phủ Dương Xuân cũ nhưng tuổi thiếu niên ngài được Duệ Tông Nguyễn Phúc Thuần nuôi dưỡng ở cung điện khác ở thành Phú Xuân hoặc vương phủ Dương Xuân. Vua Minh Mạng sau khi nối ngôi lại đau đáu nổi niềm; rằng Phủ cũ Dương Xuân cũ, nơi phụ hoàng của nhà vua từng chào đời, nơi ông nội Nguyễn Phúc Luân từng sống, thi thoảng có hỏi các đại thần về phủ Dương Xuân cũ.  Đại Nam thực lục chính biên  đệ nhị kỷ, trang 374, chép: “Dựng chùa Khải Tường. Trước đây, vua bảo bộ Lễ: “Cố cung chỗ sinh Hoàng khảo Thế tổ Cao hoàng đế ta ở xã Dương Xuân, từ khi trải qua binh biến mất cả di chỉ.Sau khi cả nước được yên, tìm hỏi không ra mỗi khi nghĩ đến thương cảm không nguôi! Nhân đó nghĩ đến chỗ sinh ta ở nhà cũ của Tống quốc công phu nhân tại ngoại thành Gia Định,  vậy sai quan địa phương tìm hỏi xem”.Đến đây quan thành Gia Đinh để tìm hỏi được di chỉ ở lân Tân Lộc, vẽ địa đồ dâng lên.”. Vua Minh Mạng vì lý do nào đó, muốn che giấu phủ Dương Xuân cũ thì  không hỏi bộ Lễ về nơi “chôn nhau cắt rốn” của vua cha!

Khi hạn hán mất mùa vua Minh Mạng thường cử các đại thần ở bộ Lễ sắm lễ vật cầu đảo ở miếu Nam Hải long vương, Đền Thai Dương, Miếu Đại Càn quốc gia Nam Hải Tứ Vị Thánh nương…và ở miếu Đông Hải đại vương (Dương Hóa), …Để tiện và trang trọng, theo lời bàn của triều thần, trên nền móng cũ, phía trên và sau hai miếu nhỏ thờ ngài họ Lê và thờ ngài họ Võ của làng Dương Xuân, nhà vua đã nâng khu vực có miều thờ nhân thần trên nền cũ của phủ Dương Xuân cũ, thành Đền Vũ Sư. Có người biết Phủ cũ  Dương Xuân nhưng việc đã lỡ, họ phải im lặng, giấu kín để tránh rắc rối cho thôn Dương Hóa và  cho làng Dương Xuân vậy.Đó là  nguyên nhân Phủ Dương Xuân mất tích!          

Dưới triều Tự Đức (1848-1883), ở  làng Dương Xuân có hai vị thượng thư  là ông Nguyễn Hữu Bài và ông Lê Bá Thận tranh chấp ngôi tiên chỉ của làng nên làng chia thành Dương Xuân Thượng và làng Dương Xuân Hạ. Làng Dương Xuân Thượng có đình là đình cũ, còn làng Dương Xuân Hạ dựng đình mới ở vị trí gần phủ đệ của Tùng Thiện công về phía đông. Thời Khải Định (1916-1925), phần lớn đất Dương Xuân Hạ được cắt nhập vào phường Đệ Cửu (nay là phường Phú Nhuận) và khoảng năm 1918, làng Dương Xuân Hạ được lấy cơ sở Đền Vũ sư (hoang phế) để tôn tạo thành Đình Dương Xuân Hạ hiện nay.

Nơi đào được ấn “Trấn lỗ tướng quân chi ấn”
(Hồ trước đình Dương Xuân hạ, có miếu thờ ngài Võ Tử Thành).


Kết luận:

Các nhà nghiên cứu về phủ Dương Xuân cũ đều nhất trí một dấu hiệu quan trọng, đó là phủ Dương Xuân cũ phải là nơi cơ Tả Thủy của quân đội thời Minh vương Nguyễn Phúc Chu đào hồ và phát hiện ấn “ Trấn lỗ tướng quân chi ấn”. Tổng bá quan Võ Tử Thành, khai canh làng Nam Phổ, từng sống và làm việc ở làng Dương Hóa, với hành trạng của ông thì khả năng ông giữ ấn “ Trấn lỗ tướng quân chi ấn” từ năm 1471 là cao nhất. Tại sao ấn này lại nằm dưới lòng đất ở sát phủ Dương Xuân cũ hằng trăm năm? Tại vì Tổng bá quan Võ Tử Thành khi qua đời được táng ở Dương Hóa, phần mộ thuộc cát địa của làng, nơi có các miếu thần, con cháu đã chôn ấn trong số các đồ tùy táng. Hằng trăm năm sau, khi dời mộ tướng quân về làng Nam Phổ, hậu duệ họ Võ sơ ý không lấy hết đồ tùy táng, đã để sót ấn Trấn lỗ tướng quân chi ấn. Khoảnh đất có mộ cũ của ngài Võ Tử Thành, làng Dương Xuân vẫn giữ lại miếu thờ nhân thần họ Võ. Khi lập Phủ Dương Xuân cũ, miếu thờ nhân thần họ Võ phải dời. Sau khi phủ Dương Xuân cũ hoang phế, dân Dương Hóa lại phục dựng miếu thờ ngài họ Võ ở vị trí như xưa cùng với  miếu thành hoàng họ Lê. Tiếng đồn các nhân thần họ Lê, họ Võ rất linh hiển, vua Minh Mạng lại dựng đền Vũ Sư, có hai miếu nhân thần họ Lê, họ Võ, làm nơi cầu đảo mưa thuận gió hòa, vô tình làm mất tích Phủ Dương Xuân cũ. Vậy có thể khẳng định Phủ Dương Xuân cũ là tiền thân đình Dương Xuân hạ hiện nay.


Huế, ngày 2 tháng 10 năm 2016
T.V.Đ
(TCSH333/11-2016)









 

Các bài mới