Tạp chí Sông Hương - Số 333 (T.11-16)
Ký ức Minh Hải
08:09 | 17/11/2016

LINH THIỆN

Đã gần 30 năm, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư Phạm Huế, tôi được phân công về dạy học ở tỉnh Minh Hải1 - mảnh đất tận cùng của Tổ quốc.

Ký ức Minh Hải
Huyện Thới Bình tỉnh Minh Hải - Ảnh: wiki

Nghe tin tôi đi dạy xa vậy không ít người bà con của tôi ở Huế đều lắc đầu, tặc lưỡi. Nhiều người bàn ra tán vào rằng vùng đất đó muỗi như trấu, lại còn đùa tối đến chỉ cần thò tay là bắt được muỗi, vào đó không bị sốt rét, thì cũng bị rắn cắn chết, rồi bao chuyện “kinh thiên” khác nữa. Dù quyết tâm đi nhưng nghe bàn tán cũng làm tôi băn khoăn. Trong những người thân thì mẹ tỏ ra lo lắng nhất, mẹ thường “bàn lui” chuyện tôi đi dạy học xa. Sau này về nhà được nghe kể lại, ngày tôi vào Nam, mẹ khóc mấy đêm liền, sưng húp cả mắt. Riêng ba tôi thì không nói gì, sự im lặng đó đồng ý cho chuyện tôi nhận công tác xa. Trong mắt ba, giờ đây tôi đã trở thành người đàn ông chững chạc.

Trong thời gian chờ ngày đi vào miền Nam, bạn bè chúng tôi gặp nhau để chia tay. Không khí lúc đó háo hức, gặp nhau chỉ bàn tán việc nhận công tác. Người thì được ở lại Huế, người phân công lên Tây Nguyên, vào miền Đông, xuống miền Tây… Vào tỉnh Minh Hải khóa đó chỉ có ít người thôi, trong đó có T. - sinh viên khoa Toán là đồng hương, người đi cùng tôi trên hành trình nhận nhiệm sở vùng xa xôi, tận cùng. Tôi đến từ giã thầy cô. Đến thăm cô H, nghe tôi chuẩn bị vào miền Tây, vẻ mặt cô rạng rỡ lên, cô nói và lý giải rất thú vị về vùng đất và con người nơi này như là người nghiên cứu, trong đó tôi hiểu có nhiều câu chuyện cô kể với mục đích là động viên tôi.

Tôi lên xe vào thành phố Hồ Chí Minh, rồi từ đó về Minh Hải. Chuyến xe từ thành phố Hồ Chí Minh đến tỉnh Minh Hải không tới 400km thế mà ô tô thời đó đi những hơn một ngày. Đợi lâu nhất là qua hai phà Mỹ Thuận và Cần Thơ, có lúc ngủ một giấc thật đã đời để chờ phà, tỉnh dậy vẫn thấy chưa đến lượt xe mình. Bến phà như một chợ đặc sản, ở đó bán đủ các loại quà để mua, từ bánh pía, lạp xưởng Sóc Trăng; kẹo dừa Bến Tre; cá khô, tôm khô Cà Mau; nem của ông Tư Râu,… cho đến những trái cây của từng vùng miền ở Nam bộ, không thiếu thứ gì. Không khí bán buôn ở bến phà tập nập, hối hả, nhưng không hiểu sao, cứ mỗi lần qua đây, nhìn những đám lục bình trôi lềnh bềnh trên dòng nước cuồn cuộn đục ngầu của sông Tiền và sông Hậu, lòng tôi gợn lên nỗi buồn dùng dằng xưa cũ.

*

Tôi và T. có mặt tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Minh Hải lúc trời đã tối. Người đầu tiên tôi gặp là một cán bộ Sở vì nhà xa nên anh ở lại đêm tại Sở. Sau vài lời trình bày của chúng tôi, anh nói ngay: “Hai em chưa ăn cơm tối phải không? Đi ăn cơm với anh”. Nói vậy nhưng anh chỉ ngồi tiếp chuyện, vì anh đã ăn cơm rồi. Lần đầu tiên chúng tôi được thưởng thức những món ăn đậm chất Nam bộ: canh chua cá lóc, cá rô kho tộ, thịt kho tàu, mắm cá lóc đồng…

Đêm ấy, tôi và T. ngủ tại Sở. Anh cán bộ sở treo mùng cho chúng tôi, hỏi thăm gia đình và giới thiệu cho tôi biết về tình hình giáo dục ở đây. Sau một ngày dài ngồi xe mệt mỏi, tôi lăn ra ngủ lúc nào không biết cho đến khi anh đến gọi dậy để đi ăn sáng. Anh dẫn chúng tôi dạo quanh một vòng ở thị xã, không khí thật mát mẻ, dễ chịu. Sau đó, chúng tôi được gặp Trưởng phòng Tổ chức cán bộ và Giám đốc Sở. Với phong cách nói chuyện gần gũi, chân tình, chị trưởng phòng hỏi về chuyện công tác: “Hai em có nguyện vọng gì không?”. T. trả lời ngay: “Tụi em đã từ Huế vào đây, giờ thì phân công chỗ nào cũng được. Nguyện vọng là cho hai đứa em về cùng một trường”. Chị nói: “Tại thị xã Cà Mau và Bạc Liêu thì không thiếu giáo viên nữa, chỉ còn các huyện ở Cà Mau thôi”. Nói xong, chị chỉ tấm bản đồ treo ở vách tường rồi lần lượt giới thiệu từng huyện, nào là: Đầm Dơi, Cái Nước, Thới Bình, U Minh,… Nghe cái tên “Thới Bình” cũng thấy là lạ, tôi hỏi: “Thới Bình hay Thái Bình hả chị?”. Chị cười: “Thới chứ không phải Thái em ạ! Về đây có con sông Trẹm đã được viết thành tiểu thuyết “Bên dòng sông Trẹm” của nhà văn Dương Hà”. Trao đổi nhanh với T. tôi nói luôn: “Cho hai đứa em về Thới Bình”.

Chúng tôi tìm đến bến đò để về huyện Thới Bình2. Ngồi trên đò, tôi ngắm nhìn cảnh vật, sông nước mênh mông. Nhiều nhà lá dừa, nhà ván đơn sơ tạm bợ mọc bên sông. Trời chuyển mây đen kịt, sấm chớp đì đùng rồi bất ngờ đổ mưa to. Có chiếc tàu lớn đi ngược, sóng đánh làm đò tròng trành, nước bắn tung tóe. Những hàng đước với rễ chùm bám chặt mọc hai bên bờ sông để giữ đất, xa xa là vườn tràm ngút ngàn xanh tươi, đâu đây vang lên lời ca:

“U Minh bốn bề là tràm
Chẳng biết tháng nào nở hoa
Mà hương thơm dường như suốt mùa…”.


Đò cập bến, đón chúng tôi là một người đàn ông dáng người ông thấp bé, da ngăm đen. Ông mặc chiếc quần lửng và cái áo pun đã bạc màu. Hỏi chuyện, tôi mới biết ông là hiệu trưởng của trường mà tôi sắp đến. Cả người ông ướt sũng vì gặp mưa, trao đổi ba câu ông nhanh tay phụ giúp chúng tôi chuyển đồ đạc xuống xuồng. Xuồng đi thoăn thoắt. Từ máy cát-xét nhà ai vang lên những lời ca vọng cổ mùi mẫn, da diết. Tôi sực nhớ đến cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu3 với bản “Dạ cổ hoài lang” đi vào lòng người…

“Từ là từ phu tướng
Báo kiếm sắc phán lên đàng
Vào ra luống trông tin nhạn
Năm canh mơ màng”


Như đồng điệu cùng hoàn cảnh của tôi lúc này. Được biết, ông hiệu trưởng khi nghe hai chúng tôi về nhận công tác tại trường ông rất mừng vì trường đang thiếu giáo viên và nói đúng hơn là biết chúng tôi được đào tạo từ “lò” Đại học Sư phạm (ĐHSP) Huế. Về trường, nhiều giáo viên cũng đánh giá cao về Trường ĐHSP Huế vì nó có “uy” lắm, làm cho chúng tôi được “thơm lây” và luôn tự nhủ với lòng mình phải cố gắng dạy dỗ cho đàng hoàng. Các em học sinh được cái là rất ngoan hiền và lễ phép.

Có dịp tôi và T. đi nhiều huyện khác, đến đâu cũng có người Huế định cư, lập nghiệp làm ăn và không ít người chịu khó lăn lộn để mưu sinh đã thành đạt nơi vùng đất mới. Nhiều thầy cô giáo người Huế có mặt ở các trường, làm ấm lòng cho những người xa nhà như chúng tôi. Tuy không thành lập hội đồng hương nhưng những người con của Huế luôn liên lạc, gắn bó với nhau.

Ở Minh Hải có hai mùa khá rõ rệt: mùa khô và mùa mưa. Chúng tôi đến trường đang vào mùa mưa nên muỗi khá nhiều. Buổi tối phải đốt nhang muỗi, có khi đốt lá tràm tươi để đuổi chúng. Điện không có, chúng tôi soạn bài dưới ánh đèn dầu leo lét. Nước máy cũng không, nên đành dùng thứ nước uống có vị phèn chan chát được bơm lên từ giếng khoan. Tôi sợ nhất là rắn nên rất ngại đi ban đêm, nếu đi đâu phải có đèn pin. Thận trọng là vậy nhưng có một lần tôi và T. đi từ thị trấn về trường, lúc ấy mới vừa tối, mưa vừa xong, trăng mờ nhìn thấy đường đi nên có đèn pin tôi cũng không bật lên. Khi còn cách trường một đoạn, nhìn thấy giữa đường đi có một đám gì đen đen. Tôi và T. dừng lại bật đèn pin lên để xem. Không tin được, một con rắn hổ mang to gần bằng lốp xe máy nằm khoanh tròn. Tôi giật mình hốt hoảng lùi lại vài bước. Rồi hai chúng tôi rọi đèn một lần nữa, vẫn thấy nó nằm im bất động như đang chờ mồi. T. ném đá đuổi đi, khi thấy nó trườn nhanh vào đám lau sậy bên đường, hai đứa cầm dép chạy một mạch về đến nhà. Không biết điều gì xảy ra, nếu tôi và T. đi thêm vài bước chân nữa. Đến giờ nghĩ lại vẫn rùng mình cho sự may mắn của mình.

Chuyện về rắn ở Minh Hải phải kể một đoạn dài. Nghe học sinh giới thiệu, tôi cùng vài đồng nghiệp đi thuyền máy vào tận Lâm Ngư trường Sông Trẹm để xem người ta nuôi trăn, rắn hổ, cá sấu. Tại đây, được tận mắt chứng kiến rắn hổ mang chúa nặng hơn 15kg mà người ta bẫy được ở rừng U Minh hạ. Da nó sẫm bóng, đôi mắt lồi ra, sẵn sàng bành mang lên khi có người tiến lại gần chọc phá. Nó ốm đi nhiều so với lúc mới bắt về, mấy ngày đầu bị nhốt trong lồng sắt nó lồng lộn dữ lắm. Đến nơi nuôi trăn, hàng trăm chú trăn con khoảng mấy ngày tuổi chỉ to bằng ngón tay được nuôi trong từng ngăn hộc nhỏ (mỗi hộc 2 con), loại trăn gấm thì trông đẹp nhưng sờ vào nó cảm giác ươn ướt, lành lạnh, trơn trơn. Khi ra về, giám đốc lâm trường có tặng cho tôi và T. mỗi người một cặp nhưng thấy ghê ghê thế nào nên chúng tôi không dám nhận.

Rắn độc chỉ còn nhiều ở rừng sâu, còn nơi chúng tôi ở nhà cửa mọc lên nhiều, cỏ lau được phát quang, rồi nhiều người lùng bắt để bán nên rắn cũng ít đi. Giáo viên chúng tôi chưa ai bị rắn độc cắn bao giờ, dù họ có mặt ở vùng đất này trước tôi cả hơn chục năm. Có lần T. bạn tôi, nửa đêm đang ngủ bỗng dưng la toáng lên là bị rắn cắn, làm náo động cả dãy nhà tập thể. Nhìn T. ôm chân rên la, chúng tôi rọi đèn tìm quanh chẳng thấy rắn đâu mà chỉ thấy con rết to tướng đang nằm thu mình dưới chiếc gối. Nhà chúng tôi ở chủ yếu là bằng lá dừa, ẩm thấp nên loài rết rất dễ phát triển, ẩn nấp, nhiều con rất to và dài gần bằng cả gang tay. Trước khi ngủ phải rũ chiếu, rũ mền, mùng để đuổi chúng. Người dân sống ở đây nhìn dấu cắn sẽ biết đó là rắn hay là rết, thậm chí còn phân biệt được dấu cắn rắn độc hay không độc.

Đến mùa hạn, người dân thường tát đìa. Cá trong đìa rất nhiều, nào là cá rô, cá lóc, cá thác lác, cá sặc bổi, lươn. Tôi thường theo các em học sinh đi giăng lưới, chài cá, câu cá lóc bằng vịt, bằng nhái chí ít cũng khỏi đi chợ mua cá vài ngày. Đi chài mà gặp một vài con tôm càng xanh là coi như “trúng quả đậm” vì giá rất cao. Ở đây cá lóc cỡ vài ký là chuyện bình thường. Chợ thì bán đủ cả rắn, rùa, lươn, ếch. Thú nhất là đi câu cá thác lác. Những buổi chiều không đi dạy, tôi vác cần đi từ trưa, tìm bóng mát bên bờ kênh ngồi thả câu đến gần tối mịt mới về.

Trong đời chưa bao giờ tôi quên được khi câu con cá thác lác to bự, nói như người Huế mình là cá lác “cộ” mà không phải là “cộ” nữa là cá thác lác “khủng”. Chiều dài khi bỏ vào thùng gánh nước cũng không vừa. Không biết nó sống bao nhiêu năm, từ đâu về, mà theo người dân nơi đây là chưa thấy bao giờ. Nó ăn mồi rất nhẹ nhàng, chiếc phao chỉ từ từ lún nhẹ rồi chìm sâu chứ không phàm ăn như cá thác lác nhỏ. Giằng co với nhau khá lâu, vì cần câu bằng trúc của tôi quá nhỏ, có lúc cần câu phải cong tròn vì nó tìm cách để “rị” lại. Sợi cước thì căng như dây đàn. Cuối cùng tôi cũng đưa nó lên được bờ khi kéo bừa nó vào sát bờ cỏ ven kênh. Vui mừng vì “chiến lợi phẩm” quá cỡ, tôi đem nó về trường trong sự ngạc nhiên, sửng sốt của bao nhiêu người. Sau “sự kiện” đó, “phong trào” đi câu rầm rộ hơn nhưng chẳng bao giờ gặp được con cá như vậy.

Ấn tượng trong tôi là đi cầu khỉ, cầu ván, mới đầu chưa quen, vừa sợ lại vừa xấu hổ vì tay chân run lẩy bẩy, rờ rẫm từng bước “gây cản trở giao thông”, không ít lần đồng nghiệp, học sinh và người dân đứng nhìn mà không khỏi bật cười. Có khi đi đến giữa cầu thì đứng khựng lại, không dám bước nữa vì ván lát trên cầu bị hỏng, bị mất nhiều tấm, phải nhờ các em học sinh giúp.

Vào đây mà không biết uống rượu thì “kẹt” lắm, nhiều người dân nấu rượu và rất khoái nhậu, mà đã nhậu là phải “tới bờ tới bến”. Khoản bia rượu thì tôi thuộc dạng kém nên tìm mọi cách từ chối, dù có trình bày “hết lý, hết tình” nhưng cũng say “ngoắt cần câu” vài lần. Họ nhiệt tình, hiếu khách và khéo mời lắm, nhất là các chị, các em rất ngọt ngào: “Thầy chỉ nhấp môi thôi, còn bao nhiêu để em uống hết”, “Thầy uống đi, nếu say về không được thì ở lại nhà em”, “Thầy yên tâm đi, em lấy xuồng đưa thầy về đến tận nhà”… Thật là khó từ chối. Vài chục lần nhấp môi thì tôi cũng đã say khướt. Lại có “bài” gội đầu bằng nước ấm sẽ mau tỉnh rượu, tỉnh thì phải uống tiếp, rồi lại say… Người dân cũng không cầu kỳ khi nhậu, gặp nhau có khi chỉ vài khúc cá đuối phơi khô, hoặc cá kèo nướng lên rồi chấm nước mắm tương ớt thì cũng hết vài lít như chơi. Đã nhập cuộc rồi thì khó “thoát” lắm, bắt đầu là làm “lớt lớt”, “lai rai”, đến khi nhậu “sương sương”, có khi kéo dài từ chiều đến đêm.

Ở Thới Bình, bà con chủ yếu đi lại bằng thuyền, cho nên thầy cô giáo chúng tôi nhiều người cũng đã sắm thuyền. T. bạn tôi trước khi mua thuyền cũng đã mượn thuyền để tập chèo. Buổi đầu, lóng ngóng lắm, chiếc thuyền cứ vần quanh, tròng trành, bập bềnh trên mặt nước không theo ý mình do có nhiều đò máy qua lại. Có lần, lúng túng thế nào, T. ngã nhào xuống sông, lại không biết bơi, rất may là gần bờ, đồng nghiệp kéo lên sau khi T. uống no một bụng nước phèn.

Rồi đó, những năm, tháng xa nhà ở vùng sông nước Cửu Long, tôi luôn nhớ về sông Hương ngọt ngào và sâu lắng, khao khát được ngụp lặn trong dòng nước trong xanh, thưởng thức tô bún bò Huế, tô cơm hến cay nồng, ly chè bắp ở Cồn Hến…

Có dịp tôi cũng đã trở lại Cà Mau, về với Thới Bình. Thành phố Cà Mau ngày càng bề thế, tươm tất hơn, không còn ẩm thấp, chật hẹp như ngày trước. Bóng dáng của những chiếc cầu khỉ hoặc những cái cầu tạm bợ cũng đã dần dần đi vào dĩ vãng mà thay vào đó là những chiếc cầu rộng lớn, kiên cố bắt qua những con sông, kênh rạch, rất thuận lợi cho việc giao thương, đi lại. Giao thông không chỉ bằng đường thủy mà thay vào đó là đường bộ được rải nhựa phẳng phiu, đường bê tông chắc chắn. Về nông thôn, nhà tường, nhà tầng lầu lần lượt mọc lên thay cho những nhà lá dừa hở hang, nhà gỗ tràm xiêu vẹo. Điện, nước đã về đến tận vùng sâu. Bà con chuyển đổi nuôi trồng nên đời sống ngày càng khá giả hơn. Nhiều em học sinh của tôi ngày trước nay đã thành đạt trong cuộc sống, có địa vị trong xã hội. Lần nào cũng vậy, mỗi lần trở lại nơi này cũng đem lại trong tôi nhiều cảm xúc. Mới đây thôi, tôi được các em đón tiếp mặn nồng khi tôi trở lại Thới Bình đó là những học sinh lớp tôi chủ nhiệm ngày ấy, chỉ vắng vài em vì đang ở xa.

Dù được trở về với Huế, nhưng âm hưởng tiếng gió rừng xạc xào, mùi hương tràm thoang thoảng, những làn điệu dân ca man mác buồn và bóng dáng cô thôn nữ chèo xuồng trong chiếc áo bà ba với ánh mắt đò trăng năm nào vẫn còn vương vấn mãi trong tôi.

L.T
(TCSH333/11-2016)

---------------
1. Minh Hải là một tỉnh cũ ở miền Tây Nam Bộ. Tỉnh Minh Hải được thành lập vào ngày 10 tháng 03 năm 1976, sau đó dựa theo Nghị quyết của Quốc hội Việt Nam vào ngày 6 tháng 11 năm 1996 tỉnh Minh Hải được tách trở lại thành hai tỉnh Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu.
2. Thới Bình là một huyện nằm ở Đông Bắc tỉnh Cà Mau, đồng bằng sông Cửu Long. Thới Bình có địa hình đặc trưng của khu vực này là đồng bằng, ngập mặn. Huyện có một phần nằm trong rừng U Minh.
3. Cao Văn Lầu thường gọi Sáu Lầu, (1892 - 1976) ông là tác giả bài Dạ cổ hoài lang.






 

Các bài mới
Các bài đã đăng