Tạp chí Sông Hương - Số 333 (T.11-16)
Truyện kể của người đánh cắp tượng Phật Thích Ca Mâu Ni - TRUYỆN HAY KÝ?
09:16 | 25/11/2016

MAI VĂN HOAN

Vào một ngày cuối tháng 5/2016 nhà thơ Vĩnh Nguyên mang tặng tôi tác phẩm Truyện kể của người đánh cắp tượng Phật Thích Ca Mâu Ni vừa mới “xuất xưởng”.

Truyện kể của người đánh cắp tượng Phật Thích Ca Mâu Ni - TRUYỆN HAY KÝ?

Nghe cái tên khá hấp dẫn, tôi đã định đọc ngay nhưng vì có việc đột xuất phải ra quê nên tôi tạm thời gác lại. Tiếp theo là chuyến đi thực tế biển đảo… Chiều, ngồi hóng mát trên đảo Ngọc, một anh bạn trong đoàn đi thực tế bất ngờ hỏi tôi: Theo Mai Văn Hoan, tập Truyện kể của người đánh cắp tượng Phật Thích Ca Mâu Ni có phải là truyện không? Tôi thú thật là chưa kịp đọc. Anh bạn lấy làm tiếc và hẹn tôi khi nào đọc xong sẽ gặp nhau trao đổi cho vui. Câu hỏi của anh bạn càng kích thích trí tò mò của tôi. Thế là sau chuyến đi thực tế biển đảo về, tôi dành trọn một ngày đọc liền mạch tập truyện ngắn của Vĩnh Nguyên và nhận thấy sự băn khoăn của anh bạn là có cơ sở.

Theo một số nhà lý luận phê bình thì truyện (gồm truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết) là một thể loại văn học đòi hỏi người viết có khả năng xây dựng hình tượng nhân vật vừa cụ thể vừa khái quát, chủ yếu thông qua hư cấu, tưởng tượng. Ký (gồm ký sự, ghi chép, bút ký, hồi ký…) là thể loại văn học trung thành với sự thực, có hư cấu chút ít (chủ yếu thông qua sự sắp xếp các tình tiết một cách nghệ thuật). Đó là lý thuyết, song trong thực tế không ít tác phẩm pha trộn giữa truyện và ký. Giai đoạn 1965 - 1975, loại truyện pha ký nở rộ, trở thành một xu hướng. Xu hướng này xuất hiện một số tác phẩm gây sự chú ý như: Bất khuất (Nguyễn Đức Thuận), Sống như anh (Trần Đình Vân), Người mẹ cầm súng (Nguyễn Thi), Họ sống và chiến đấu (Nguyễn Khải)… Người ta gọi những tác phẩm này là truyện ký. Vậy tập Truyện kể của người đánh cắp tượng Phật Thích Ca Mâu Ni là truyện hay ký?

Ngay cái tiêu đề tập sách Truyện kể của người đánh cắp tượng Phật Thích Ca Mâu Ni đã mang tính truyện. Người đọc tò mò muốn biết: Ai là người đánh cắp tượng Phật? Tượng Phật sao lại đánh cắp? Đánh cắp bằng cách nào? Hậu quả ra sao? Và nhân vật xưng “tôi” lần lượt dẫn dắt người đọc đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Cái tên thị xã Đồng Giàu không có trên bản đồ Việt Nam. Chùa Đồng Giàu cũng không có tên trong hàng nghìn ngôi chùa ở trong Nam, ngoài Bắc. Các chi tiết: ăn cắp tượng Phật, đốt tượng, cất giấu tượng… qua lời kể của anh Tỵ (nhân vật chính) hết sức cuốn hút. Nếu không có trí tưởng tượng phong phú, làm sao nhà thơ Vĩnh Nguyên có thể tái hiện lại một cách cụ thể như thế này: “Tôi đã cầm ngọn lửa. Họ đẩy tôi đến chỗ các Ngài khi các Ngài đã được chất lên như một đống củi gộc đã được tưới dầu! Giờ các Ngài đang thành những thỏi lửa…”. Câu chuyện gợi lại một thời nông nổi và ấu trĩ của các vị “quan” đối với vấn đề tôn giáo, cho rằng: “Phật Pháp là duy tâm cần bãi bỏ”. Họ biến chùa Đồng Giàu rất đỗi tôn nghiêm thành kho chứa vôi, xi măng “chất đầy ba gian chính điện thờ”. Bao nhiêu tượng Phật trong chùa đều lôi ra đốt sạch. Bằng sự kính trọng, tình yêu thương, lòng dũng cảm, trí thông minh của mình, anh Tỵ đã may mắn cứu được một Ngài. Sau khi anh Tỵ mất, vợ anh tiếp tục thay chồng kể lại câu chuyện đánh cắp tượng Phật Thích Ca Mâu Ni. Đó chính là lời nhắc nhở các thế hệ tiếp nối tránh xa lỗi lầm đáng tiếc của lớp người đi trước. Truyện có một vài chi tiết khá đắt, như chi tiết ở trong chùa mà lại không có lấy một chỗ để cắm hương, chị cả “đành phải cắm đại lên đống phân đạm”. Hay chi tiết “quan xã” miệng thì sa sả khuyên người dân không nên mê tín, dị đoan nhưng lại sợ các Ngài nên không ai dám tự tay châm lửa đốt các pho tượng Phật, phải tìm cách chuốc rượu anh Tỵ… Nếu tách ra khỏi tập thì Truyện kể của người đánh cắp tượng Phật Thích Ca Mâu Ni là một truyện ngắn đúng nghĩa, mặc dù tác giả nhào nặn lại trên cơ sở câu chuyện có thật. Những chị cả, thầy tôi, vợ chồng anh Tỵ… là những người thật ngoài đời, được tác giả biến hóa thành nhân vật của tác phẩm văn chương.

Khác với Truyện kể của người đánh cắp tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, truyện Hai ông kẻ khoán hai làng giáp ranh thì chất ký có phần lấn át chất truyện. Các tên làng Vĩnh Tuy, Văn La, Trung Trinh thuộc tổng Long Đại đều có ghi trong sử sách, xã chí địa phương. Tên một số nhân vật cũng là tên thật ngoài đời (như anh Hà Văn Cách, bà Hương Lộc, anh Đỗ Ngộ…). Nếu lược bỏ đi hai ông Kẻ Khoán (kẻ coi đồng) của hai làng Viễn Tuy (sau này đổi thành Vĩnh Tuy) và Trung Trinh thì truyện sẽ trở thành một thiên phóng sự về việc tranh giành, lấn chiếm đất đai từ xưa đến nay. Đây là đề tài “nóng” mang tính thời sự. Từ lời đồn đại nửa hư, nửa thực về ngôi Mả Ngài chôn chung hai ông Kẻ Khoán, nhà thơ Vĩnh Nguyên đã hư cấu thành một câu chuyện mang ít nhiều yếu tố huyền ảo đan xen vào câu chuyện có thực diễn ra ngay trên quê hương tác giả. Cái giai thoại hai ông Kẻ Khoán chỉ vì bảo vệ phần đất của làng mình mà đánh nhau đến chết, được tác giả thuật lại đầy kịch tính: “Bên cắn cứ cắn không nhả. Bên bóp cứ bóp không rời. Đôi chân của họ đã bện vào nhau như là bốn con rắn”. Khi người hai làng hay tin chạy đến thì hai ông tắt thở từ lúc nào. Họ phun hết mấy can rượu cố tách hai ông ra nhưng không tài nào tách được: “Thân hai ông cứng như đá”. “Tay chân hai ông cuộn lấy nhau chắc như đinh đóng”. Cuối cùng hai làng quyết định xây cho hai ông một nấm mộ chung. Chuyện tranh giành, lấn chiếm đất đai của hai làng cũng chấm dứt từ đó. Cùng với Truyện kể của người đánh cắp tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, truyện Hai ông Kẻ Khoán hai làng giáp ranh đã phần nào chứng tỏ khả năng tưởng tượng và hư cấu của nhà thơ Vĩnh Nguyên. Bên cạnh nhân vật hai ông Kẻ Khoán đã trở thành giai thoại là những con người thực. Nhân vật người điên có lai lịch hẳn hoi: “Ông điên sinh vào khoảng năm 1925, tên thật là Đỗ Ngộ. Ông là con ông Đỗ Bui. Nghe đồn từ nhỏ Ngộ học rất giỏi. Ngộ nói được tiếng Pháp”. Thời đó, những người biết tiếng Pháp như Đỗ Ngộ đã được xem là “trí thức” của làng, của tổng. Nhưng Ngộ không được làm thông ngôn. Sau một cơn sốt cao, Ngộ bị điên. Ngộ “xé áo quần, tồng ngồng chạy khắp nơi, miệng vừa la vừa thét: Giết! Giết! Giết nó!” Ngộ “đè khúc chuối xuống ruộng, hai tay đánh vào cây chuối tới tấp. Mắt trợn trừng. Miệng kêu ặc ặc”. Ngộ khiến dân làng nhớ đến hình ảnh hai ông Kẻ Khoán đánh nhau đến chết ngày xưa… Người làng đồn Ngộ bị hai ông Kẻ Khoán “phạt”. Nhân vật Ngộ góp phần làm cho câu chuyện càng thêm ly kỳ. Với lối kết cấu đan xen, xâu chuỗi như vậy, với những tình tiết hư hư thực thực như vậy, tác giả đã sáng tạo nên một thiên truyện ký đặc biệt ấn tượng.

Vuốt mắt cho em Chị Hộ là hai truyện ngắn được Vĩnh Nguyên viết theo lối tự sự gia đình. Hai nhân vật chính: Phú (trong Vuốt mắt cho em) và chị Hộ (trong Chị Hộ) đều là người thân của tác giả (chị Hộ là chị cả, Phú là em gái út). Cuộc đời, tính cách của Phú và chị Hộ hiện lên một cách hết sức chân thật. Những biến động đất nước ảnh hưởng trực tiếp đến quê hương, gia đình tác giả. Chuyện thời Cải cách ruộng đất, chuyện làm ăn hợp tác xã, chuyện đánh phá của giặc Mỹ… đều được Vĩnh Nguyên tái hiện lại. Đây là đoạn anh viết về việc “chia quả thực” (lấy tài sản của địa chủ chia cho bần cố nông) trong của cải ruộng đất (qua lời kể của chị Hộ): “Út xuống dưới bếp mà coi. Chạn bát chúng khiêng hôm trước, hôm sau chúng lại đến xăm soi còn cái gì là lấy. Nó thấy cái dĩa mẻ nhưng hoa văn đẹp nằm dưới đất, còn chút ruốc bám trên đó là chị vừa chấm quả khế ăn. Cái “con khỉ” sau xóm kia kìa (chị trỏ ngón tay về phía ấy). Nó cầm lên. Nó lấy chiếc lá mít khô lau sạch ruốc rồi ù té chạy về nhà nó. Tệ mạt chưa?” Lời ăn, tiếng nói, phong tục, tập quán… của người dân quê Quảng Ninh, Quảng Bình được Vĩnh Nguyên đưa vào truyện một cách tự nhiên. Đọc Vuốt mắt cho emChị Hộ, tôi bỗng nhớ đến một số truyện ngắn trong Chân trời cũ của Hồ Zếnh. Tình vợ chồng, tình anh em, tình thông gia, tình bằng hữu trong hai thiên tự sự ấy khiến người đọc cảm động đến ứa trào nước mắt. Một nhân vật được nhắc nhiều trong hai thiên tự sự gia đình là “thầy tôi”. “Thầy tôi” chính là thân sinh của nhà thơ. Ông xứng đáng được viết riêng thành một truyện dài. Chuyện “thầy tôi” nối dõi ông nội theo nghiệp tu hành, chuyện “thầy tôi” vào tu nghiệp ở Huế; chuyện “thầy tôi” trụ trì ở chùa Đồng Giàu, trụ trì ở chùa Phước Huệ và lập chùa Bảo Thiên ở vườn nhà; chuyện “thầy tôi” lấy vợ, sinh con; chuyện “thầy tôi” tham gia công tác cách mạng (có người làm chứng) nhưng gia đình vẫn chưa được công nhận là gia đình có công… Nhờ những năm tháng tuổi thơ sống bên “thầy tôi” mà Vĩnh Nguyên khá am tường tư tưởng, nghi lễ, kinh kệ, ngôn ngữ Phật giáo. Điều này góp phần tạo nên nét riêng trong những trang viết của anh. Hình như nhà thơ Vĩnh Nguyên không hề che giấu điều gì. Trong lòng anh thế nào anh đều phơi bày trên trang giấy tất cả. Anh chẳng kiêng nể một ai. Có người khuyên Vĩnh Nguyên không nên “vạch áo cho người xem lưng” nhưng anh vẫn bỏ ngoài tai. Tôi có cảm tưởng hình như anh thật quá chăng? Theo tôi, nếu viết bút ký, ký sự, hồi ký là chuyện khác nhưng đã viết thành truyện thì cũng nên biến hóa một chút.

Ở những truyện còn lại: Điều ấy đã xảy ra, Giếng Tiên, Xôn xao làng Chẻ thì chất ký đậm đặc hơn. Nhà thơ Vĩnh Nguyên là tác giả của 3 tập bút ký: Theo thuyền đánh cá mập, Vua trầm, Ngày Valentine tôi dông xe ra Bắc nên chất ký trộn lẫn trong các truyện ngắn của anh cũng là điều dễ hiểu. Chất lượng tác phẩm không nằm ở thể loại. Viết được một thiên bút ký hay còn hơn viết một truyện ngắn dở. Và ngược lại.

Từ trước đến nay bạn đọc chỉ biết đến một Vĩnh Nguyên sáng tác thơ, viết bút ký. Bây giờ bạn đọc biết thêm một Vĩnh Nguyên viết truyện ngắn. Mặc dù truyện ngắn của anh pha trộn nhiều chất ký (như đã trình bày ở trên) nhưng những hư cấu, tưởng tượng của anh là rất đáng khích lệ. Truyện kể của người đánh cắp tượng Phật Thích Ca Mâu Ni như là sự thể nghiệm bước đầu. Độc giả có quyền chờ đón những tập truyện ngắn đặc sắc hơn tiếp theo của anh.

M.V.H
(TCSH333/11-2016)




 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Còn có em nghe (23/11/2016)
Bóng đêm (22/11/2016)
Ký ức Minh Hải (17/11/2016)