Tạp chí Sông Hương - Số 333 (T.11-16)
Nobel văn chương 2016: sự giao hòa giữa âm nhạc và thi ca
16:12 | 05/12/2016

PHẠM TẤN XUÂN CAO

Chiều ngày 13/10/2016, Hội đồng Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã chính thức công bố giải Nobel Văn chương thuộc về nhạc sĩ, ca sĩ, nhà thơ người Mỹ Bob Dylan với thông cáo giải thưởng được trao vì những phát kiến của ông trong việc tìm kiếm những cách diễn đạt thi pháp mới lạ cho truyền thống âm nhạc Mỹ.

Nobel văn chương 2016: sự giao hòa giữa âm nhạc và thi ca
Ảnh: internet

Hẳn là, việc Dylan được nhận giải Nobel văn chương năm nay đã gây ra một nỗi ngạc nhiên lớn trong lòng công chúng yêu văn học, bởi lẽ, âm nhạc đã lấn sân văn học, hay chúng ta có thể đẩy cái nhìn rộng hơn một chút, sẽ thấy được rằng văn hóa đại chúng (tạm thời) soán ngôi văn hóa đương đại, khi mà lớp công chúng yêu văn học luôn đặt kỳ vọng vào những tác giả với các tác phẩm dày cộp mang âm hưởng của kiểu hình yêu thích tiểu thuyết trước đây. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra trước sự kiện này sẽ hướng đến một diện mạo mới, một cái nhìn mới về sự liên hệ chặt chẽ đến phạm vi của lý thuyết tiếp nhận, mà đặc biệt là vấn đề về ranh giới giữa các hình thức và thể loại nghệ thuật.

Bob Dylan là nghệ danh của Robert Allen Zimmerman, ông sinh ngày 24 tháng 5 năm 1941. Ông là một trong những nghệ sĩ danh tiếng của thế kỷ XX. Đặc biệt, ông còn tham gia vào các phong trào xã hội mà những ca khúc thời kỳ đầu của ông như Để gió cuốn đi (Blowin’ in the Wind) đã trở thành những bài thánh ca cho các hoạt động nhân quyền và phản đối chiến tranh. Ca từ của Dylan có một sự kết hợp rộng rãi và độc đáo giữa chính trị, xã hội, văn học và triết học. Không những được biết đến dưới danh hiệu nhạc sĩ, ca sĩ, Dylan còn là diễn viên, họa sĩ, nhà văn và nhà biên kịch. Năm 2008, ông được nhận giải Pulitzer báo chí cho những đóng góp lớn về âm nhạc và văn hóa mà đặc biệt là sự kết hợp phức tạp giữa thi ca và âm nhạc. Năm 2004, ông được tờ tạp chí Rolling Stone, bầu chọn là nghệ sĩ vĩ đại thứ hai mọi thời đại, chỉ sau ban nhạc The Beatles. Năm 2012, ông được tổng thống Mỹ Barack Obama trao Huân chương Tự do. Tính đến nay, Dylan đã nhận được tổng số giải thưởng danh giá là 11 giải Grammy, 1 giải Oscar và 1 giải Quả cầu vàng.

Dylan được coi là một trong số những nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ XX, từ âm nhạc đến văn hóa. Trong danh sách “Các nhân vật quan trọng nhất của thế kỷ XX” của tờ tạp chí Time với lời tựa “nhà thơ bậc thầy, nhà phê bình xã hội chua cay và linh hồn thủ lĩnh gan dạ của thế hệ phản văn hóa.” Tổng thống Obama nói về ông trong lễ trao Huân chương Tự do hồi năm 2012, không có một tượng đài nào vĩ đại hơn. Tính đến năm 2008, ông đã bán được trên 120 triệu album trên toàn thế giới. Nhạc sĩ Paul Simon cho rằng, những sáng tác thời kỳ đầu của Dylan đã vượt ra khỏi khuôn khổ của nhạc folk thông thường. Như với ca khúc “Để gió cuốn đi” có giai điệu vô cùng ấn tượng, Dylan đã thả mình đi xa hơn môi trường của nhạc folk và góp phần định nghĩa lại thể loại này. Khi Dylan tiến hành phối trộn các thể loại nhạc với nhau, nhiều nhà phê bình nhận ra nơi ông có một sự ảnh hưởng về văn hóa một cách sâu đậm, khi chất nhạc của ông xuất hiện sự hòa trộn của các yếu tố ngày một trở nên phức tạp. Mike Marqusee cho rằng Dylan đã tạo ra một khối lượng sản phẩm rất khó lẫn lộn, ông ấy đã tiến hành hòa quyện folk, blues, đồng quê, rock’n’roll, Phúc âm, nhạc nền Anh, thơ tượng trưng, thơ cách tân và thi ca thế hệ Beat cũng như chủ nghĩa siêu thực và Dada, theo kèm là biệt ngữ và quan điểm xã hội.

Sự nghiệp của ông đã được rất nhiều những nhà chuyên môn, những nhà phê bình nghiên cứu một cách tỉ mỉ. Tiêu biểu như nhà phê bình văn học Christopher Ricks đã từng công bố cuốn sách dày tới 500 trang về những nghiên cứu tác phẩm của Dylan, ở đó tác giả cuốn sách đã đặt ông ngang hàng với Eliot, Keats và Tennyson, bên cạnh đó tác giả còn cho rằng Dylan hoàn toàn xứng đáng là một nhà thơ đúng nghĩa. Nhà thơ Andrew Motion từng đề nghị rằng ca từ của Dylan nên được đưa vào chương trình giảng dạy trong nhà trường. Kể từ năm 1996, rất nhiều lần Dylan được đề cử vào danh sách Giải Nobel Văn chương của Viện hàn lâm Thụy Điển. Về vấn đề chất giọng của Dylan, Robert Shelton đã mô tả nó như một thứ chất giọng khàn đục giúp ta gợi nhớ về Guthrie, nhưng cũng chua chát như Dave van Ronk. Nhà phê bình Micheal Gray còn đánh giá phần hát của ông trong bài “Like a Rolling Stone” đạt tới điểm trẻ trung và châm biếm sâu cay. Bên cạnh đó, nhà phê bình Christophe Lebold còn nhận xét về chất giọng của ông gần như vỡ vụn, qua đó giúp cho Dylan giới thiệu với thế giới tính âm thanh hoàn toàn mới của ca khúc, một thứ chất giọng đã mang chúng ta qua bao góc nhìn của thế giới tan vỡ, sụp đổ.
 

Sự nghiệp ca hát của ông cũng đã gây ảnh hưởng lớn lên nhiều thể loại âm nhạc khác. Edna Gundersen cho rằng thứ âm nhạc của Dylan đã len lỏi vào từng dòng chảy của nhạc pop kể từ năm 1962. Nhạc sĩ Joe Strummer ca ngợi Dylan đã đặt nền móng cho ca từ, giai điệu, sự nghiêm túc, tính tinh thần và sự sâu sắc của nhạc rock. Nếu xem những tác phẩm trong thập niên 1960 của Dylan là góp phần mang tính trí tuệ tới âm nhạc quần chúng thì sang đến thế kỷ XXI, giới phê bình ngày nay đánh giá ông đã mở rộng văn hóa nhạc folk đi xa hơn rất nhiều so với lúc ông mới tiếp nhập với nó. Theo lời của Sara Danius, Thư ký thường trực của Ủy ban giải Nobel, khi cho rằng nếu ta quay ngược trở lại 2.500 năm trước đây, về đến thời của Homer và Sappho hẳn nhiên chúng ta sẽ tiếp xúc với các tác phẩm sử thi dùng để nghe và trình diễn cùng với các nhạc cụ, tuy nhiên, sức sống của hình thức nghệ thuật này đến ngày nay không phải là đã tàn lụi, người ta vẫn đọc và thưởng thức các tác phẩm của họ như một tác phẩm văn học, đối với Bob Dylan cũng vậy, người ta có thể nghe ông và hẳn là muốn hiểu ông hơn người ta nên đọc những tác phẩm của ông. Qua đây, chúng ta có thể rút ra được một nhận xét tổng quan về giải Nobel năm nay như một minh chứng cho sự giao hòa giữa âm nhạc và thi ca. Có thể xem phần văn học của Dylan thuộc về ca từ của ông, tuy nhiên, xét trên bình diện nghệ thuật, điểm đặc biệt còn nằm ở sự cách tân của ông trong phạm vi của nghệ thuật trình diễn.

Vấn đề đặt ra trước giải Nobel Văn chương năm nay, phải chăng, Hội đồng trao giải có lý do riêng nào đó trong việc lựa chọn chủ nhân của giải thuộc về một nhạc sĩ hơn là một nhà văn, một ca sĩ hơn là một nhà thơ. Phần lớn ý kiến vẫn tập trung vào việc, sở dĩ, giải năm nay được trao cho một người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc chính là nhắm đến một sự tái định nghĩa về vấn đề thể loại hay loại hình nghệ thuật, mà đặc biệt là tính ổn định và ranh giới giữa các loại hình nghệ thuật dường như trở nên mong manh hơn trước sự giáp ranh, tiếp nhập của nhiều thể loại trong sự tương tác với nhau. Do đó, việc giải Nobel năm nay được trao cho một người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc với những cách tân trong việc trình diễn ca từ được xem như những tứ thơ, đoản thi hẳn nhiên, người ta sẽ không thể không tiến đến nhận xét về việc ranh giới giữa các loại hình nghệ thuật đã trở nên xô lệch đi. Hơn nữa, việc đẩy mạnh và liên hệ vấn đề này trên chiều kích lịch sử, qua đó, dường như có thể cho phép chúng ta có được một cái nhìn mới hơn về mối quan hệ giữa âm nhạc và thi ca, mà quan trọng hơn hết, ở đây chính là nguồn mạch chung của cả hai loại hình nghệ thuật có từ lâu đời này. Như thế, chúng ta có thể thấy được tính không bền vững giữa các loại hình nghệ thuật diễn ra trong giai đoạn hiện nay ra sao. Tính không bền vững của các thể loại, từ đó, đặt ra vấn đề nan giải cho lý thuyết tiếp nhận, rằng với một phương thức thể hiện nội dung đối với thể loại này chúng ta có thể tạo ra được những hệ quả tương ứng với những hệ quả mà thay vì không được thể hiện thông qua loại hình nghệ thuật trước nhưng vẫn có được chúng hay không.

Việc Hội đồng giải Nobel quyết định trao giải văn chương cho một nhân vật hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, trên một phương diện nhất định nào đó, vấn đề phát sinh đặt ra cho lý thuyết tiếp nhận giúp chúng ta hướng đến vấn đề về hiệu ứng thẩm mỹ giữa các thể loại, đặc biệt, giải thưởng này được xem như một chứng tích cho sự giao thoa giữa hai hình thức nghệ thuật gắn bó chặt chẽ với nhau: âm nhạc và thi ca. Từ thời xa xưa, thơ được thể hiện bằng lời, cụ thể là ngâm; ở đây, một điều rõ ràng, chúng ta có thể thấy được rằng, việc ngâm thơ chính là một cách trình diễn nó và cũng chính bằng cách ấy, chúng ta có thể tạo ra được những hiệu ứng tương tự như với một bài nhạc mà chúng ta nghe thấy. Vấn đề đặt ra ở đây, chính là hiệu ứng thẩm mỹ được tạo ra khi chúng ta diễn xướng thơ bằng cách ngâm nó, như thế, sự vào cuộc của âm nhạc sẽ là phương tiện giúp cho quá trình diễn ngâm của thơ được thăng hoa lên đến những mức độ nào đó mang tính lắng đọng hơn cho người nghe. Và xem xét một bài hát ở khía cạnh ca từ của nó, hẳn nhiên, chúng ta không thể không thấy được rằng, bản thân ca từ của một ca khúc cũng có thể được xem như là một bài thơ đúng nghĩa của nó. Lý do được nêu ra trong thông cáo của Viện hàn lâm Thụy Điển chính là những cách tân của Dylan trong việc biểu đạt mang tính thi ca qua lời nhạc của ông. Bản thân con người Dylan hội tụ một năng lực có thể dung hợp được những giá trị văn hóa từ đó giúp cho ca từ của ông thấm đượm trên những chiều kích muôn màu của cuộc sống. Hiệu ứng thẩm mỹ giữa thơ và nhạc từ lâu được xem như là điều gì đó chung đụng sâu xa giữa hai loại hình nghệ thuật này. Bởi lẽ, trong thơ sở hữu một thứ nhạc tính thuộc về những nguyên lý biểu đạt hay thể hiện có nguồn gốc từ xa xưa, và trong nhạc dường như được vang lên trên nền ca từ của thơ, một sự giải phóng nguồn mạch âm thanh trên sự cộng hưởng nhạc tính đến từ tứ thơ, vần, đối ứng trong sự liên kết của những cách điệu về âm luật.

Việc trao giải Nobel Văn chương năm nay còn hướng chúng ta đến với vấn đề mang tầm vĩ mô hơn, đó không là gì khác ngoài sự giao thoa giữa văn chương và xã hội. Đi từ tính hiệu ứng giữa hai loại hình nghệ thuật thân thuộc ấy, mà đặc biệt được hội lại nơi bản thân Bob Dylan, một con người có sức hút kỳ lạ, một tượng đài cho văn hóa đại chúng trong thời đại của chúng ta ngày nay. Người ta đã dành rất nhiều mỹ từ khi nói về sự nghiệp cũng như phong cách trình diễn của Dylan, tầm ảnh hưởng của ông giúp chúng ta hướng đến phạm vi đặc biệt mà ở đó văn chương cất đôi cánh từ âm nhạc để đến với số đông. Giá trị hiệu dụng của âm nhạc trong sự tương tác với số đông sẽ có được với một trị số lớn hơn thơ rất nhiều thế nhưng không vì qua đó mà chúng ta thuyên giảm tầm quan trọng của thơ đối với nhạc. Những cách điệu về thơ trong việc áp dụng vào ca từ chính là lý do cơ bản để Dylan lọt vào tầm ngắm của các ủy biên hội đồng trao giải Nobel năm nay. Và vấn đề phát sinh từ sự kiện Nobel năm nay hẳn nhiên sẽ không loại trừ khỏi sự quan tâm đến từ phân ngành xã hội học văn học. Sự bùng nổ của phương pháp nghiên cứu liên ngành nhìn về sự kiện này có thể xem như là một dấu mốc cho sự vượt qua tính cố kết của loại hình, một kiểu thể loại bị xô lệch.

Tóm lại, thông qua sự kiện của giải Nobel Văn chương năm nay chúng ta có thể rút ra ba vấn đề then chốt sau: liệu rằng tính ổn định của các loại hình nghệ thuật sẽ được đảm bảo tới mức nào; và hiệu ứng thẩm mỹ được tạo ra từ mỗi loại hình nghệ thuật cụ thể có thể mang lại một sức bật cộng hưởng nào hay không; hay mức độ của sự giao thoa giữa văn chương và xã hội sẽ được đẩy đến một mức độ như thế nào trong dòng chảy của văn hóa của chúng ta hiện nay.

P.T.X.C
(TCSH333/11-2016)




 

Các bài đã đăng