Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.12-16)
NHÂN 100 NĂM CUỘC KHỞI NGHĨA CỦA VUA DUY TÂN Ở HUẾ
14:16 | 10/01/2017

Thông reo hồn chí sĩ

LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG - TRẦN VĂN DŨNG

NHÂN 100 NĂM CUỘC KHỞI NGHĨA CỦA VUA DUY TÂN Ở HUẾ
Cổng An lăng, bên trong là nơi chôn cất và thờ cúng vua Dục Đức, Thành Thái và Duy Tân - Ảnh: wiki

Có những chiều mưa tôi lang thang dọc đường Duy Tân với bao kỷ niệm thời hoa niên. Ngày đó, con đường Duy Tân bé nhỏ, con con hàng quán và những hàng cây đại thụ xanh xanh quen chân chúng tôi một thời sinh viên la cà xóm vắng. Phòng trọ của hai người bạn Chương, Nam gần cổng vào An Lăng là khu mộ chung của ba thế hệ làm vua: Dục Đức (cha), Thành Thái (con) và Duy Tân (cháu). Những câu chuyện, những cuộc tranh luận với chúng tôi thời ấy xoay quanh chủ đề này khá nhiều. Riêng vua Duy Tân và cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang Phục Hội năm 1916 gây ấn tượng mạnh. Vua tên húy là Nguyễn Phước Vĩnh San sinh ngày 19/9/1900 tại Kinh thành Huế, là con trai thứ 5 của vua Thành Thái. Vua lên nối ngôi năm 1907 chỉ vừa 7 tuổi khi vua cha bị phế ngôi, lấy niên hiệu là Duy Tân. Một vị vua trẻ lên ngôi trong hoàn cảnh đất nước bị thực dân Pháp, đô hộ, quyền lực chính trị của triều đình hầu như không có. Tôi nhớ mãi câu của vị nhỏ tuổi nhưng sớm nuôi chí lớn “Nước dơ phải lấy máu mà rửa”. Câu nói bất hủ ấy được sử sách ca tụng như ý chí của một vị anh hùng, yêu nước bằng chính con tim rực cháy khát vọng tự do, độc lập.

Có đêm trăng, chúng tôi mang rượu ra nhâm nhi bên bãi cỏ nhỏ trước cổng An Lăng. Bóng trăng nghiêng nghiêng soi bóng xuống khe nước nho nhỏ, nơi ban ngày có thể thấy những chiếc lá tre, trúc chảy hàng đoàn xanh thắm. Khung cảnh yên bình, thơ mộng ấy trái ngược hẳn với khúc nghẹo Trần Phú tới cầu Kho Rèn chật cứng xe cộ. Tôi nhớ như in những bài học hồi đó về vua Duy Tân, sau khi khởi nghĩa không thành đã bị lưu đày ra đảo La Réunion ở Ấn Độ Dương trong năm 1916. Bà Suzy, một người con gái của vua Duy Tân kể rằng nhà vua là người có nhiều tài, ông có thể chơi vĩ cầm, viết văn, cưỡi ngựa, đánh kiếm và làm thơ. Đặc biệt, ông là người rất ham mê máy móc kỹ thuật, nhất là kỹ thuật truyền tin. Vì vậy, chính quyền đảo La Réunion đã đặt ông thiết lập một hệ thống truyền tin đầu tiên trên đảo thời bấy giờ. Và đặc biệt thay, vua Duy Tân sau khi bị đưa đến đảo La Réunion, đã mưu sinh bằng cách mở một tiệm sửa chữa máy móc cho cư dân trên đảo. Tiệm có tên là La Radio. Sau này vua Duy Tân tham gia không quân của quân đội Pháp và mất trong một tai nạn máy bay ở Trung Phi năm 1945. Tháng 4/1987, hài cốt của vua Duy Tân được đưa về nước, và được an táng tại khu An Lăng, cạnh nơi an nghỉ của vua cha Thành Thái, và vua Dục Đức (ông nội) mà chúng tôi đương ngồi đây.

Trong một lần tìm hiểu, nghiên cứu về vua Duy Tân, chúng tôi đã tìm thấy một phần Di chúc của vua Duy Tân, đăng trên nhật báo Combat của Pháp ngày 16/7/1947 có đoạn: “Điều mà tôi mong muốn là tất cả các con dân Việt Nam ý thức được họ là một quốc gia và ý thức ấy sẽ thúc đẩy họ dựng nên một nước xứng danh là quốc gia”. Từ ý tưởng đó, một bài viết về vua Duy Tân được được thực hiện như một công việc nhóm cho cuộc seminar trước lớp với những tranh luận. Rằng có thông tin ít nhất 4 lần được người ta đề nghị nhà vua cùng trốn khỏi đảo để trở về Việt Nam nhưng vua Duy Tân đều từ chối, bởi người muốn trở về một cách công khai đàng hoàng. Tư cách hành biện và ứng xử của vua Duy Tân là một chuẩn mực lớn, là nhân cách lớn của một vị vua yêu nước.

*

Mãi sau này, một lần nói chuyện với anh Trần Văn Dũng, một người trẻ nghiên cứu về những lịch sử - văn hóa Huế. Trong một lần điền dã, tôi có dịp theo anh đến thăm nhà thờ cụ Võ Đình Cơ - nơi vua Duy Tân bị Pháp bắt. Ngôi nhà thờ cụ Võ Đình Cơ có địa chỉ tại số 119 đường Thiên Thai, phường An Tây, thành phố Huế là địa điểm ghi dấu sự kiện vua Duy Tân, chí sĩ Thái Phiên, Trần Cao Vân và một số đồng đội tham gia cuộc khởi nghĩa đã bị Pháp bắt vào ngày 6/5/1916. Theo lời kể của ông Võ Đình Nam (57 tuổi) là hậu duệ đời thứ 4 của cụ Võ Đình Cơ, hiện đang ở và hương khói nhà thờ. Ông Nam thường được nghe mệ nội và cha mình kể chuyện về sự kiện vua Duy Tân đến ẩn nấp và bị Pháp bắt tại nhà của mình. Theo ông, cụ cố Võ Đình Cơ làm chức Đội trưởng Đội Nhã nhạc dưới triều vua Duy Tân, người dân thường gọi là Đội Cơ. Khi vua Duy Tân và các cận vệ vượt đường rừng núi đến đây ẩn nấp thì cụ cố đang ở Đại nội Huế. Lúc này bà cố Hồ Thị Lan nhầm tưởng vua Duy Tân là người đi thăm mộ vì nhà vua lúc này cải trang thành thường dân chân đi đất, đầu chít cái khăn đen, mình mặc áo cụt đỏ sẫm và quần vải trắng. Sau một hồi nói chuyện với vua Duy Tân thì bà cố biết vua Duy Tân ngự tại nhà mình và bắt một con gà mái đang ấp trứng để nấu cháo gà dâng vua. Sau khi nhà vua ăn bát cháo gà xong thì quân Pháp do Đổng Lý của Tòa Khâm Le Fol, Chánh mật thám Trung Kỳ Sogny cầm đầu kéo đến bắt vua Duy Tân. “Gặp tình thế vậy, vua Duy Tân vẫn thản nhiên không chút gì sợ hãi, vẫn nói chuyện như lúc còn ở triều”; và chửi luôn tên Trần Quang Trứ thông đồng với người Pháp là “Phải, ta nhớ mặt mi: đồ phản quốc!» Đây là một cuộc đối thoại lịch sử, dù là câu trả lời như thế nào thì vua Duy Tân đều tỏ rõ ý chí chống thực dân Pháp xâm lược rất quyết liệt. Ông Võ Đình Nam còn cho chúng tôi biết thêm thông tin mà các tư liệu sử sách trước đây không nhắc đến đó là khi vua Duy Tân bị Pháp bắt, một số cận vệ đi theo bảo vệ vua đã tuẫn tiết bằng cách treo cổ trên thân cây gần nhà mình để tránh không rơi vào tay giặc. Trong quá trình điền dã khảo sát các khu đất tiếp giáp với nhà thờ cụ Võ Đình Cơ chúng tôi đã phát hiện một số am miếu nhỏ mà người dân ở đây nói là để thờ tự các vị quan cận vệ vua Duy Tân đã hy sinh và cũng được nghe các vị cao niên trong làng kể nhiều chuyện ly kỳ về sự linh thiêng họ truyền tụng cho đến ngày nay.

*

Hằng năm, vào đầu xuân, anh em văn nghệ sĩ Huế tổ chức Viếng mộ thi nhân. Những lần ấy, chúng tôi đều ghé vào nghĩa trang đồi Từ Hiếu, nơi có khu mộ chung của hai chí sĩ Thái Phiên - Trần Cao Vân. Những nén nhang ấm cúng giữa ngày xuân, giữa những cơn mưa phùn bay trên những ngọn thông vi vu đất trời. Mới đây, tôi có dịp đưa nhà báo Kiều Mai Sơn đi thăm mộ, vừa tròn kỉ niệm 100 năm khởi nghĩa Việt Nam Quang Phục hội, nhìn bát hương lạnh, hoa đèn ngả nghiêng bên ngôi mộ chung của hai chí sĩ, không khỏi chạnh lòng trước cảnh hoang tàn đổ nát.

Cuộc khởi nghĩa bi tráng thất bại, những nghĩa sĩ đều bị xử chém. Hai chí sĩ Thái Phiên và Trần Cao Vân tuy sinh không cùng năm nhưng lại cùng lý tưởng cách mạng cho sự nghiệp chống thực dân Pháp giành độc lập dân tộc, cùng hy sinh vào một ngày và cùng được an nghỉ với nhau chung một ngôi mộ. Sau khi bị thực dân Pháp áp giải đến pháp trường Cống Chém hành hình ngày 17/5/1916, thi thể của chí sĩ Thái Phiên và Trần Cao Vân bị vùi lấp bên cồn Mả Thí. Tháng 6/1925, bà Trương Thị Dương (người làng Hà Đồ, xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền) là đồng chí của hai ông trong Đảng Việt Nam Quang phục hội cùng một số đồng chí đã bí mật đưa hài cốt của hai chí sĩ Thái Phiên và Trần Cao Vân từ cồn Mả Thí về chôn cất gần tháp Hòa thượng Kiết Mao thuộc làng Dương Xuân Thượng, huyện Hương Thủy, phủ Thừa Thiên trước sự canh giữ gắt gao của triều đình Huế và thực dân Pháp. Sau đó 11 ngày việc cải táng có nguy cơ bị lộ, bà Dương lại bí mật dời hài cốt hai ông đem qua chôn chung một mộ phía bên này đường, tại đồi thông chùa Từ Hiếu.

Từ đó, bà Dương vẫn thỉnh thoảng vào Huế chăm sóc, hương khói cho ngôi mộ hai cụ Thái Phiên và Trần Cao Vân. Mãi sau khi Hiệp định Genève được ký kết, thực dân Pháp rút quân về nước, đến năm 1956 bà Dương mới kể lại cho con cháu và mọi người rõ về nguồn gốc ngôi mộ, rồi dựng tấm bia nhỏ bằng xi-măng trước mộ hai ông khắc dòng hàng chữ Hán: “Bính Thân nhị nguyệt cát nhật - Phụng vị Trần Cao quý công, Thái Duy quý công chi mộ”. Bắt đầu từ đây, ngôi mộ chung của hai cụ mới được nhiều người biết đến và được người dân thường xuyên hương khói.

Vào năm 1992, ngôi mộ chung của chí sĩ Thái Phiên và Trần Cao Vân được nhà nước quan tâm cấp kinh phí, tôn tạo khang trang xứng với tầm vóc và sự hy sinh của hai nhà chí sĩ yêu nước. Khuôn viên ngôi mộ chung có đài tưởng niệm cao 4,3m ghi hai dòng chữ Hán lớn: “Trần Cao quý công, Thái Duy quý công”. Ngôi mộ xưa vẫn được bảo tồn nguyên vẹn là nấm đất sỏi hình tròn, trước mộ là tấm bia xưa do bà Dương phụng lập để định danh vị cho ngôi mộ hai cụ. Ngôi mộ, đài tưởng niệm có bình đồ kiến trúc hình chữ nhật 7,2m x 7,6m, chung quanh có lan can bao bọc. Trên thành mộ có hai bảng khắc chữ Việt ốp vào tường. Bảng khắc bên trái (nhìn từ ngoài vào) ghi: “Thái Phiên (1882 - 1916), quê làng Nghi An, xã Hòa Phát, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Trần Cao Vân (1866 - 1916), quê làng Tư Phú, tổng Đa Hòa, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là thôn Tư Phú, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Hai nhà yêu nước đã có công lớn khởi xướng, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Duy Tân chống thực dân Pháp năm 1916. Cơ mưu bị lộ, hai ông bị bắt và tử hình tại Cống Chém, An Hòa, thành phố Huế ngày 17 tháng 5 năm 1916”. Có thể nói, tinh thần yêu nước và hình tượng ngôi mộ chung của hai chí sĩ Thái Phiên và Trần Cao Vân đã trở thành bất tử trong lòng người dân Việt. Với những giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, ngôi mộ chung của hai nhà yêu nước Thái Phiên và Trần Cao Vân đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử (lưu niệm) cấp quốc gia theo Quyết định số 575-QĐ/VH ngày 14 tháng 7 năm 1990.

*

Lập đông, chúng tôi về lại nghĩa trang giữa muôn trùng hoang vu, những âm thanh kỳ bí tràn đầy cây cỏ. Quá khứ lịch sử đã lùi xa nhưng hào khí oai hùng của cuộc khởi nghĩa vua Duy Tân năm xưa với những tên tuổi các anh hùng, nghĩa sĩ trên dải đất miền Trung đã như vua Duy Tân, chí sĩ Thái Phiên, chí sĩ Trần Cao Vân, chí sĩ Tôn Thất Đề, chí sĩ Nguyễn Quang Siêu đã trở thành bất tử, được hậu thế tri ân. Xin thắp nơi đây nén nhang thành kính giữa buổi mù sương xứ Huế.

L.V.T.G - T.V.D  
(SHSDB23/12-2016)










 

Các bài mới
Đoản văn (08/02/2017)
Các bài đã đăng