Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.12-16)
Chuyện trạng Vĩnh Hoàng
08:35 | 09/02/2017

PHẠM XUÂN DŨNG

Đã từ lâu lắm rồi chuyện trạng Vĩnh Hoàng đã thành món ăn tinh thần - văn hóa không thể hiếu được trong những dịp hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng, trong sinh hoạt cộng đồng của huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) cũng như trong cuộc sống hàng ngày.

Chuyện trạng Vĩnh Hoàng
Vợ chồng Trần Đức Trí - nghệ nhân kể chuyện trạng Vĩnh Hoàng

Người dân ở đây quen với cách nói trạng, kể chuyện trạng Vĩnh Hoàng như thể cơm ăn nước uống, không khí hít thở hàng ngày. Vậy nên người ta mới nói: Vĩnh Hoàng cả làng nói trạng. Điều đó làm nên sức sống lâu bền một chiếc nôi chuyện trạng nổi danh cả nước. Nổi tiếng đến mức được một nhà nghiên cứu như cố tiến sĩ Võ Xuân Trang từ hồi còn tỉnh Bình Trị Thiên so sánh với làng trạng trứ danh Gabrôvô của nước Bungari và được nhà thơ lớn Chế Lan Viên tự hào quảng bá tận châu Âu thời kháng chiến chống Mỹ. Chuyện trạng Vĩnh Hoàng còn thu hút nhiều nhà nghiên cứu, nhà báo tìm hiểu và phản ánh những báu vật dân gian cổ truyền vẫn còn lưu giữ ở một vùng quê từng được mệnh danh là “Lũy thép Vĩnh Linh”. Chị Hoàng Dạ Hương, cán bộ văn hóa xã Vĩnh Tú, Vĩnh Linh, một người gắn bó và tâm huyết với chuyện trạng Vĩnh Hoàng gần một phần tư thế kỷ cho biết đây là di sản văn hóa phi vật thể quý giá của Vĩnh Linh - Quảng Trị, cần được gìn giữ và lưu truyền.

Nhưng cũng cần nói rõ để tránh nhầm lẫn, hiện tại ở Vĩnh Linh không có địa danh nào mang tên gọi Vĩnh Hoàng. Đây là cái tên ra đời trong kháng chiến chống Pháp bao gồm khu vực các xã như Vĩnh Tú, Vĩnh Nam, Vĩnh Trung, Vĩnh Thái. Chính nơi đây nở rộ tinh thần hài hước dân gian truyền thống nên gọi chung là chuyện trạng Vĩnh Hoàng và cách gọi này tồn tại cho đến ngày nay. Vòng quanh địa bàn này sẽ thấy nhiều rừng cây mới trồng sau này và cả những truông dài rú rậm còn sót lại sau chiến tranh tàn khốc cũng như sự khai phá đất đai của nhiều thế hệ con người. Vùng đất lắm rừng rú lại gần viển khơi, cát trắng đến nhức mắt, nhưng bàu nước quý báu ở một vùng khô hạn lại như ân tứ của đất trời. Và không thể không nói đến đến xã Vĩnh Tú, núm ruột của chiếc nôi chuyện trạng. Cũng cồn cát, cũng lùm cây, cũng bàu nước mát trong như Bàu Trạng, Bàu Thủy Ứ ai một lần tới đây cũng đều mang về những kỷ niệm khó quên. Ở vùng đồng bằng nhưng thiên nhiên vừa khắc nghiệt lại vừa kỳ vĩ, có sức quyến rũ khó quên. Và những giếng nước của làng quanh năm luôn có nước, chứa đựng một sức sống bền bỉ và bí ẩn. Chính một cảnh quan thiên nhiên như vậy đã rèn giũa cho người dân bản địa một tính cách kiên cường, hào sảng và đặc biệt là khả năng hài hước, ngạo nghễ trước mọi cảnh ngộ dù gian nguy đến mấy. Nói trạng và chuyện trạng được sinh hạ từ một miền quê như thế tạo nên nét riêng độc đáo, không hề lẫn lộn với bất cứ nơi đâu. Nhà văn Xuân Đức, nguyên GĐ Sở VHTT tỉnh Quảng Trị khẳng định rằng đây là loại hình diễn xướng văn nghệ dân gian, có tính khu biệt bởi phương ngữ Vĩnh Hoàng. Theo ông, chuyện trạng hay nhờ vào hai yếu tố: bản thân câu chuyện và tài nghệ người trình diễn. Cũng theo nhà văn Xuân Đức thì nói trạng dù có nét giống nhưng nếu để ý thì vẫn phân định được sự khác nhau so với nói khoác ở miền Bắc và nói dóc ở miền Nam. Nói khoác và nói dóc dù cũng dựa vào yếu tố phóng đại, nói quá lên so với hiện thực; còn nói trạng thì khác, nó bắt đầu từ thực tế cuộc sống, dù có phóng đại đến mấy vẫn có cái nhân hợp lý bắt nguồn từ hiện thực. Chính vì vậy nói trạng và chuyện trạng Vĩnh Hoàng dễ được chấp nhận hơn và đi vào cuộc sống dân gian từ xưa đến nay.

Nói trạng và chuyện trạng nảy sinh và lan tỏa từ cuộc sống và sinh hoạt đời thường của mỗi gia đình. Khi bà con lao động vất vả, để tự động viên mình và mọi người, nói trạng và chuyện trạng ra đời qua nhu cầu giao tiếp, giao lưu tình cảm hàng ngày. Về Vĩnh Tú chứng kiến những mái nhà ba, bốn thế hệ cùng nhau chung sống, cùng chia ngọt sẻ bùi qua bữa cơm sẽ cảm nhận đầy đủ hơn cuộc sống và môi trường sản sinh chuyện trạng. Chuyện trạng sinh thành từ con cá tràu mà nhiều nơi gọi là cá quả có mặt trong bữa ăn thường nhật hay từ chuyện chè xeng đựng đụa mà tiếng phổ thông gọi là chè xanh đứng đũa, rồi trái dưa Vĩnh Hoàng cũng khác thường như được nảy mầm từ mơ ước dân gian. Tất cả những điều tưởng chừng rất đỗi đời thường, không có gì quan trọng và to tát đã làm nên phong vị trạng Vĩnh Hoàng, bản lĩnh Vĩnh Hoàng không dễ gì có được. Ai có dịp chứng kiến hai vợ chồng Trần Đức Trí và Trần Thị Liệu kể chuyện trạng cũng phải trầm trồ thán phục. Những câu chuyện như “Bắt cọp”, “Lỡ một buổi cày”, “Câu cá tràu”, “Ăn khoai phải đeo kính”… trở thành hành trang văn hóa dân gian thân thiết của mỗi người dân quê nơi đây.

Tre già măng mọc âu cũng lẽ thường. Hơn nữa đó còn là điều thật sự đáng mừng khi những nghệ nhân kể chuyện trạng tuổi cao sức yếu nay cũng đã gần đất xa trời. Những chú bé bên cạnh chuyện học hành đã hứng thú với kho tàng chuyện trạng và còn góp phần sáng tác ra những câu chuyện mới. Những truyền nhân tuổi còn niên thiếu nhưng đã không làm hổ danh một vùng đất nổi danh chuyện trạng. Chúng tôi cùng bà con làng Huỳnh Công Tây ngồi nghe hai cậu bé Trần Nhật Khanh và Trần Quốc Cường, 14 tuổi kể chuyện trạng mà cười vui sảng khoái, mừng cho hồng phúc quê hương.

Tranh minh họa chuyện trạng Vĩnh Hoàng của lão nông TRẦN HỮU CHƯ


Chuyện trạng không chỉ có mặt trong lời ăn tiếng nói dân gian, trong sinh hoạt cộng đồng mà còn được những người tâm huyết như ông Trần Hữu Chư bao năm mày mò trở thành họa sĩ của làng trạng Vĩnh Hoàng. Những câu chuyện kể hài hước mang đậm chất nói trạng được ông chuyển thể, minh họa bằng tranh vẽ. Những bức tranh của lão nông chưa hề học vẽ qua trường lớp đã cuốn hút người xem.

Chúng tôi tình cờ chứng kiến những cây văn nghệ địa phương đang gấp rút hoàn thành các tiết mục của mình. Đây là đội văn nghệ xã Vĩnh Tú đang tập luyện những tiết mục cây nhà lá vườn tham gia hội thi của huyện Vĩnh Linh. Những lời ca tiếng hát, điệu múa mộc mạc từ chiếc nôi Vĩnh Hoàng cũng đã lôi cuốn người xem. Nhưng có một chi tiết thú vị không thể bỏ qua, đó là dù có biểu diễn tiết mục gì đi nữa thì các diễn viên quần chúng không hề quên giới thiệu mình đến từ chiếc nôi chuyện trạng.

Cũng cần nhắc lại rằng người có công lao đầu tiên với chuyện trạng Vĩnh Hoàng chính là cố tiến sĩ Võ Xuân Trang, một nhà nghiên cứu văn học dân gian của tỉnh Bình Trị Thiên. Hồi ấy, sau khi nước nhà thống nhất được mười năm, ông đã từ Huế ra sưu tầm và biên soạn cuốn sách “Chuyện trạng Vĩnh Hoàng” do Sở VHTT Bình Trị Thiên ấn hành. Ông còn tham gia hội thảo chuyện trạng Vĩnh Hoàng do huyện Bến Hải, tỉnh Bình Trị Thiên tổ chức, một hoạt động văn hóa hiếm có và mang nhiều ý nghĩa trong thời kỳ bao cấp. Trong giai đoạn này đã có luận văn tốt nghiệp của sinh viên khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Huế làm về chuyện trạng Vĩnh Hoàng.

Chuyện trạng đi vào văn chương với truyện ngắn ấn tượng của nhà văn Nguyễn Quang Lập “Người lính kể chuyện trang”. Và sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến một bài thơ hay của nhà thơ có quê ngoại Vĩnh Linh, đó là Ngô Minh với bài thơ khá nổi tiếng “Nghe chuyện trạng Vĩnh Hoàng” được nhiều người yêu thích. Đây cũng là trường hợp hiếm có khi chuyện trạng vào thơ:

Bom hất sang sông đỡ tốn tiền đò
Đi bứt tranh bứt nhầm đuôi cọp
Người kể chuyện quả quyết rằng có thật
Ai chưa tin xin mời đến làng tôi.
Người kể chuyện xòe hai bàn tay
Săn mùi đất và chai lì vỏ hến
Người nghe chuyện thường say tán thưởng
Chẳng nghi ngờ câu chuyện của anh
Tôi đã nghe dễ đến trăm lần
Và tôi yêu như yêu màu đất đỏ
Yêu bao điều như hạt tiêu kỳ lạ
Yêu mắt nhìn sinh ngọn gió bình yên
Vĩnh Linh ơi từ địa đạo bước lên
Tưởng trắng rợn một màu tang trắng
Ai ngờ dưới tro những câu chuyện trạng
Lại lên xanh lấp lánh mắt cười.
Một củ khoai phải luộc đến năm nồi
Chuyện như chẳng thể nào tin được
Nhưng đến Vĩnh Linh vốc lên từng nắm đất
Hiểu thêm nhiều sự tích lạ lùng hơn.


Nhưng làm gì để sức sống của chuyện trạng vẫn tiếp tục lan tỏa trong đời sống nhân dân, đâm sâu gốc rễ trong tâm hồn và sinh hoạt dân gian. Đây quả thực là những câu hỏi không hề đơn giản được đặt ra với những người am hiểu và nặng lòng với văn hóa cổ truyền của quê hương. Theo nhà văn Xuân Đức thì nên trả lại cho chuyện trạng không gian diễn xướng của nó, nơi sinh thành ra cách thức nói trạng, kể chuyện trạng độc đáo này. Đó chính là những xóm làng, những cụm nhà hôm sớm bên nhau, hôm sớm có nhau, chân tình và gần gụi để nảy nở chất folklore hài hước hiếm nơi nào có được. Vẫn mong và tin rằng chuyện trạng Vĩnh Hoàng vẫn đâm hoa kết trái trên vùng quê Vĩnh Linh, Quảng Trị, vẫn làm nên một bản sắc lạc quan, trào phúng, vượt qua mọi nhọc nhằn, thử thách, mãi mãi tươi xanh, trong trẻo một chất sống như mùa xuân của chuyện trạng Vĩnh Hoàng.

P.X.D  
(SHSDB23/12-2016)


 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Đoản văn (08/02/2017)
Gái Sịa (16/01/2017)