Tạp chí Sông Hương - Số 337 (T.03-17)
Tác phẩm mới tháng 03/2017
09:16 | 24/03/2017

NGỒI THẤY XA XĂM VÀ NHỮNG BÀI THƠ KHÁC (Tập thơ), tác giả Nguyễn Công Thắng, Nxb. Văn học, 2016.

Tác phẩm mới tháng 03/2017

Tập thơ phảng phất những nỗi niềm của một dòng suy tư chất ngất về cuộc đời, về thế sự, nhẹ nhàng mà sâu lắng của tác giả. Những suy tư ấy được Nguyễn Công Thắng đẩy đến tận cùng khi hướng cái nhìn của mình về một vùng miền xa ngái, phiêu du trong vòng xoáy bơ vơ và hoang hoải về giá trị của cuộc hiện sinh. Mạch thơ Nguyễn Công Thắng lúc nào cũng muốn đeo đuổi một nỗi hoài vọng về vùng mờ của những giấc mơ bị trôi dạt. Ở đó, có những sự gặp gỡ, những nỗi ngạc nhiên, những lạc lõng, và những mộng mị dàn trải vào chốn ải nhập nhòa của khói thuốc và ánh đèn vàng. Ngồi thấy xa xăm mà cứ ngỡ như là một cuộc viễn du về miền bất tận của sự kết đọng xúc cảm giữa chốn ải miên trường đầy tục lụy này!


NHỮNG CHỮ QUA CẦU TÂM LINH (Tản văn và tiểu luận), tác giả Triệu Từ Truyền, Nxb. Thuận Hóa, 2016. Tập tiểu luận trình bày những quan niệm về thơ, những suy nghĩ về bản chất của thơ ca, những cái nhìn về bản tính của từ ngữ thông qua mối mạch tâm linh ẩn sâu trong dòng chảy sáng tạo của thơ ca nói riêng và nghệ thuật nói chung. Với Triệu Từ Truyền, cõi thơ luôn đồng hành cùng với cõi miền tâm linh. Linh thức của thơ ca từ lâu vẫn luôn được nhìn về dưới cái nhìn thấm đẫm màu sắc của những mối mạch thông giao giữa xúc cảm và linh cảm. Sự triển khai quan niệm của tác giả ở tập tiểu luận này được thể nghiệm thông qua hành vi sáng tạo nghệ thuật, mà ở đó, từ ngữ được tác giả xem xét như là giao điểm của tâm thức và tri thức. Tập tiểu luận còn thể hiện được kiến văn sâu rộng của tác giả trong việc củng cố những luận điểm để hướng đến một quan niệm chung nhất: chiếc cầu tâm linh như là phương thức sáng tạo thơ ca.


BỘ CÔNG CỤ MỚI (Triết học), tác giả Francis Bacon, Đỗ Minh Hợp và Nguyễn Trọng Chuẩn dịch, Nxb. Tri Thức, 2016. Francis Bacon là nhà triết học, nhà khoa học, chính khách, nhà hùng biện, nhà luật học người Anh. Ông được xem như là người đặt viên gạch đầu tiên cho chủ nghĩa duy nghiệm. Các tác phẩm của ông đã đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình nên phương pháp nhận thức một cách có khoa học, đó là phương pháp quy nạp và quan sát kỹ lưỡng đối với những sự kiện diễn ra ở trong tự nhiên. Trong phần I của Bộ công cụ mới, những trở lực đối với nhận thức của con người được Bacon đặt tên là những ngẫu tượng. Nhận thức của con người, theo Bacon, bị thao túng bởi 4 ngẫu tượng, đó là, ngẫu tượng bộ lạc, ngẫu tượng chợ búa, ngẫu tượng hang động, và ngẫu tượng nhà hát. Ở phần hai, Bacon tiến hành xây dựng phương pháp quy nạp với mục đích khắc phục những ngẫu tượng ấy ngõ hầu có thể đưa chiều hướng tư duy của con người trở lại mạch suy luận khách quan trong việc nghiên cứu giới tự nhiên.


NGẪU NHIÊN VÀ TẤT YẾU (tác phẩm sinh học), tác giả Jacques Monod, Hà Dương Tuấn và Đặng Xuân Thảo dịch, Nxb. Tri Thức, 2017. Jacques Monod là nhà sinh vật học phân tử người Pháp. Ông cùng với hai cộng sự tại Viện Pasteur Paris là François Jacob và André Lwoff nhận giải Nobel trong lĩnh vực y học và sinh học vào năm 1965 nhờ những khám phá liên quan đến cơ chế di truyền ở cấp độ phân tử. Ở tác phẩm này, Monod đã tiến hành giải thích các quá trình tiến hóa, ông cho rằng sự sống chỉ là một hệ quả của các quá trình tự nhiên, gọi là sự ngẫu nhiên thuần túy. Cuốn sách được truyền cảm hứng từ câu nói của triết gia nổi tiếng thời Hy Lạp cổ đại Democrit “vạn vật hiện hữu trong vũ trụ là kết quả của ngẫu nhiên và tất yếu”. Quan niệm cơ bản được đề ra trong tác phẩm này là những thực thể ở cấp độ sinh học phân tử đều có thể được giải thích mà không cần phải viện dẫn đến tính nhân quả.

(TCSH337/03-2017)





 

Các bài mới
Cung đàn (31/03/2017)
Má đào (30/03/2017)
Các bài đã đăng
ViLi Ở Giverny(*) (17/03/2017)