PTS NGUYỄN NGỌC THIỆN
Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị (năm 1987) đã nêu lên những tư tưởng cơ bản cực kỳ quan trọng về bản chất của văn học, đặc thù của sáng tạo và tiếp nhận văn học... nhằm “đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới”.
Nghị quyết soi sáng bản chất đặc thù của văn học, nghệ thuật trong tính nhân bản phổ quát, giá trị nhân đạo và giá trị thẩm mỹ của nó: “Văn học, nghệ thuật là bộ phận đặc biệt nhạy cảm của văn hóa, thể hiện khát vọng của con người về chân, thiện, mỹ, có tác dụng bồi dưỡng tình cảm, tâm hồn nhân cách, bản lĩnh của các thế hệ công dân; xây dựng môi trường đạo đức trong xã hội, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa”.
Việc bảo đảm quyền tự do sáng tác cũng được xem như một vấn đề sống còn đối với sự phát triển của văn nghệ, đáp ứng đòi hỏi thiết tha của trí thức văn nghệ sĩ. “Khai thác mạnh mẽ tiềm năng sáng tạo là tư tưởng chỉ đạo bao trùm để phát triển văn hóa, văn nghệ hiện nay... Đảng khuyến khích văn nghệ sĩ tìm tòi, sáng tạo, khuyến khích và yêu cầu có những thể nghiệm mạnh bạo và rộng rãi trong sáng tạo nghệ thuật”.
Tuy nhiên, từ Nghị quyết đến thực tế vẫn còn có một khoảng cách đáng kể. Những tư tưởng lớn trên đây của Nghị quyết đang cố gắng đi dần vào cuộc sống, nhưng cũng còn gặp những trở ngại không nhỏ, khiến văn học nghệ thuật phát triển chậm chạp, co kéo, trí thức văn nghệ sĩ không thôi băn khoăn, trăn trở, ngại ngần.
Trở ngại đó, theo tôi, vẫn còn tồn tại trong nhận thức xã hội trong thể chế và bộ máy quản lý chưa kịp thay đổi cho phù hợp.
Về nhận thức: vẫn còn tồn tại và lưu hành những quan niệm thô thiển, dung tục và ấu trĩ (thật là lạ lùng!) xung quanh những vấn đề a, b, c của văn học, nghệ thuật. Chẳng hạn, ý đồ đồng nhất đời sống hiện thực với thế giới sáng tạo trong văn học, nghệ thuật, xem nó chỉ là tấm gương phản ánh một cách sao chép máy móc hiện thực (do hiểu lệch lạc, phiến diện “Phản ánh luận” của Lênin). Đi liền với cách hiểu này là thói quen phê bình, đánh giá văn học, nghệ thuật theo kiểu xã hội học dung tục, chỉ chăm chăm đối chiếu, so sánh điểm nọ, điểm kia có ăn khớp hay không giữa hiện thực và cái được “phản ánh” trong tác phẩm - đây là một cách làm gò ép, khiên cưỡng, vì luôn luôn muốn quy chiếu mang tính áp đặt theo chủ quan của người đánh giá, đẩy nghệ sĩ vào thế bị động, khiếp nhược trước hiện thực. Tác phẩm văn học, nghệ thuật, như vậy, bị hạ thấp yêu cầu, thuần túy trở thành một cái gì thụ động kiểu “tấm gương phản chiếu”, trở thành sơ đồ, minh họa chán ngắt.
Lại nữa, văn học, nghệ thuật với tư cách là người mở đường, khai phá, dẫn dắt tư tưởng, nhận thức và lương tâm xã hội, hoàn thiện nhân cách, nâng cao mỹ cảm, vai trò tiên tri (còn có thể gọi là dự báo), vai trò là ký ức và lương tri của con người và thời đại của nó... cũng có một thời không được nhìn nhận đúng mức. Công khai hay ngấm ngầm, đã có một sự coi thường, rẻ rúng văn nghệ, xem nó chỉ là một thứ đại loại chỉ để giải trí, tiêu khiển; còn trí thức văn nghệ sĩ được xem như những người vô công rồi nghề, chỉ làm trò mua vui cho một xã hội được tiếng là “dân chủ”... - cảm quan này thực sự vẫn còn lưu hành, dưới những dạng vẻ khác nhau, khá phổ biến trong tâm thức của những người lãnh đạo cũng như công chúng. Do vậy, những chức năng cao quí của văn nghệ như nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ... đã bị vô tình hay hữu ý hiểu một cách sai lạc. Văn học, nghệ thuật trở thành công cụ của tuyên truyền, một sự hỗ trợ cho thói sính rao giảng đạo đức sống sượng. Người quản lý và công chúng hình như có vẻ bằng lòng với loại tác phẩm văn nghệ nghèo nàn, đơn điệu, rập khuôn, giả tạo, cốt chỉ để kiếm tiền và làm hài lòng một số người nào đó. Thay vì một thị hiếu phong phú, đa dạng và lành mạnh cần phát huy, là một sự báo động xuống cấp nghèo nàn và suy yếu về phía công chúng tiếp nhận văn học, nghệ thuật.
Mặt cá thể và tính đơn nhất trong lao động nghệ thuật cùng với sản phẩm của nó cũng có tình trạng chưa được xem trọng đúng mức. Bình diện cái chủ quan nghệ thuật - tức chủ thể sáng tác - bị chìm đi trong tương quan với cái khách thể (cái bên ngoài, thuộc chất liệu và đối tượng của sự nhận thức và chiếm lĩnh nghệ thuật). Vì vậy, cái tôi, cái bản sắc riêng của nghệ sĩ không được phát huy đầy đủ và chăm lo gìn giữ. Người ta yên tâm với sự bao cấp về tư tưởng xã hội, e ngại và khó chịu khi văn nghệ đi dần vào đúng với quỹ đạo và thiên chức của nó: nhận thức, khám phá, sáng tạo bản chất cuộc sống cùng là thế giới bên trong của con người.
Về thể chế và quản lý văn nghệ: Đã hơn 2 năm trôi qua, song vẫn chưa có sự thay đổi lớn để dân chủ hóa các hoạt động của sản xuất tinh thần. Hầu như vẫn trượt trên cơ chế với bộ máy quản lý kém hiệu lực như trước đây. Các chế độ, chính sách đãi ngộ có được cố gắng sửa chữa chút ít, nhưng cũng lại tỏ ra lạc hậu trước sự phát triển của tình hình. Phần lớn văn nghệ sĩ phải kiếm sống bằng tác phẩm của mình (mà giá của lao động nghệ thuật thì quá rẻ mạt, muốn sản phẩm bán được có khi phải chạy theo thị hiếu thấp kém) nên vội vã cho ra đời những tác phẩm kém chất lượng nghệ thuật, chỉ cốt bán được, có người tiêu thụ. Những tác phẩm đích thực, con đẻ đứt ruột của tài năng và thăng hoa nghệ thuật, của sự thai nghén lâu dài với bao tâm huyết gửi vào đó... quả còn là một số lượng hiếm hoi.
Chúng ta không thể bằng lòng và tự ru ngủ mình trước thực trạng như vậy. Theo tôi, để làm chuyển biến cơ bản tình hình, cần phải tiến hành khẩn trương các công việc với biện pháp đồng bộ, có sự tham gia đông đảo của các giới: sáng tác, lý luận - phê bình, quản lý và công chúng văn nghệ. Tựu trung phải giải quyết các vấn đề như sau:
I. Về quan điểm nhận thức, lý luận.
1. Phải đẩy mạnh việc nghiên cứu cơ bản về mỹ học, lý luận văn học (trong/ngoài; xưa/nay; Mác-Lênin/Những người khác...), làm rõ bản chất cội nguồn của sự ra đời, tồn tại và phát triển của văn nghệ, với tư cách là sản phẩm của một kiểu tư duy và lao động đặc thù: tư duy nghệ thuật và lao động nghệ thuật. Văn học, nghệ thuật là không thể thiếu được, không thể thay thế được, đối với con người và xã hội, vì nó đáp ứng các nhu cầu:
- Về phía người sáng tạo: nhu cầu, khát vọng sáng tạo cái đẹp, tự mình chiếm lĩnh và thể hiện, trình bày sự nhận thức, cảm thụ cuộc sống với sự phong phú, phức tạp, đa đoan của nó, theo cái nhìn riêng tư và bản lĩnh nghệ thuật độc đáo của mình. Nghệ sĩ luôn khát khao truyền lại, chia xẻ với đồng loại, tìm kiếm sự đồng cảm và đối thoại của công chúng, trong những tìm tòi nghệ thuật để nhận thức cuộc đời, chân lý cuộc sống.
- Về phía công chúng: nhu cầu đón nhận, thưởng thức, “tiêu dùng” văn học, nghệ thuật, như là món ăn tinh thần không thể thiếu được - một món ăn cao sang, không phải bất kỳ ai cũng có thể làm ra được, không có cái nào hoàn toàn giống cái nào, để hoàn thiện nhận thức bản thân và đồng loại, về thế giới bên ngoài, để “tẩy rửa”, hoàn thiện nhân cách, làm đẹp và tăng thêm ý nghĩa cho cuộc sống của mình. Và cũng để thư giãn, giải trí sau những căng thẳng, vật lộn, lo toan mưu sinh cho sự tồn tại hiện hữu của bản thân.
2. Tính đặc thù của sáng tác văn nghệ và tư duy nghệ thuật là ở chỗ nào? Có thể hiểu thế này chăng:
Nghệ sĩ, trong tác phẩm của mình, bằng hư cấu, tưởng tượng và kỹ thuật nghề nghiệp, với những chất liệu tạo chữ, tạo hình, tạo âm thanh... dựng lên một mô hình mới về cuộc sống và con người, trên cơ sở chất liệu của đời sống, nhưng không bị lệ thuộc vào hiện thực cuộc sống, không đồng nhất, hòa tan vào nó. Nghệ sĩ gửi gắm trong tác phẩm tư tưởng thẩm mỹ và tài nghệ, ngón nghề sử dụng chất liệu. Qua tác phẩm, nghệ sĩ đưa ra một cách nhìn, cách lý giải riêng, cá nhân về đời sống, trình bày về một kiểu tư duy và tồn tại... Người quản lý và công chúng có quyền phán xét công việc của anh ta, chấp nhận hay từ chối tác phẩm của anh ta. Song tuyệt đối không được bác bỏ thô bạo, vô lối công trình sáng tạo nghệ thuật hoặc lớn tiếng bắt bẻ, đòi hỏi nghệ sĩ phải đáp ứng, chiều nịnh yêu cầu, mong muốn chủ quan của một người hay nhóm người nào đó, cho gọi là hợp với “gu chuẩn”.
Cần bình tĩnh chờ đợi, ưu ái trong khâu thẩm định giá trị tác phẩm. Tác phẩm nghệ thuật có thể bị người đương thời lạnh nhạt, thờ ơ hoặc đánh giá sai, song nên bình tĩnh để thời gian và công chúng sàng lọc, khảo nghiệm giá trị thực của nó. Mọi sự đánh giá tùy tiện, quy chụp là thiếu khách quan, công bằng, dân chủ, tỏ rõ sự thiếu am hiểu lao động sáng tạo, những tìm tòi căng thẳng, tâm huyết nơi nghệ sĩ, tính đa nghĩa của tác phẩm. Nếu đánh giá nghệ sĩ và tác phẩm của họ một cách bất công, thiên kiến, sẽ không tránh khỏi những phản ứng ngấm ngầm hoặc công khai của họ, có thể dẫn tới thái độ từ chối công tác của họ, vô tình thúc đẩy nghệ sĩ bi phẫn về sự người đời không hiểu mình để chui sâu vào “tháp ngà” riêng tư và cô độc. Tài năng của họ sẽ bị uổng phí, thiệt hại cho cá nhân anh ta cũng là cho cả xã hội nữa.
3. Nghệ thuật tồn tại “kép”, vừa cho cuộc sống xã hội, vừa cho chính bản thân nó. Vì thế, trong một ý nghĩa nào đó, nó vừa là “vị nhân sinh”, đồng thời lại “vị nghệ thuật” nữa. Không phải như vậy là “nhị nguyên”, nhưng rõ ràng là không nên đối lập siêu hình giữa cái gọi là “nghệ thuật vị nghệ thuật” với cái gọi là “nghệ thuật vị nhân sinh”, như thuở nào chúng ta đã làm.
Cũng nên hiểu lại cách nói “nghệ thuật là vô tư, khách quan, không vụ lợi” ở khía cạnh đúng đắn của nó, khi ở đây nhấn mạnh tính trung thực với mình, với người, với chân lý khách quan của nghệ thuật, như một phẩm chất bẩm sinh, nếu không, nghệ thuật không còn là nghệ thuật, sẽ tự đánh mất mình, sẽ “tha hóa”.
4. Nghệ thuật chứa đựng trí tuệ, lương tâm, tài năng của con người văn minh, khát khao vươn tới cái thật, cái tốt, cái đẹp sâu xa, vĩnh cửu. Con người tìm đến nghệ thuật không phải để ru ngủ trong sự tự thỏa mãn, an bài. Nghệ thuật chỉ thích hợp với một định hướng rộng, không chấp nhận sự gò bó, nó đòi hỏi phải mở ra một không gian cho tự do sáng tác, tự do thể nghiệm, tự do tìm tòi (có thể là sai!). Không ai hiểu nghệ sĩ bằng chính anh ta và những người tri âm, tri kỷ. Vì vậy, sự chỉ bảo, răn đay từ phía những người thiếu hiểu biết nhưng cứ tự cho là mình thông minh, là chân lý... là hoàn toàn thô kệch, chướng tai, không thể chấp nhận được.
Nghệ sĩ có nhân cách, biết mình biết người, chỉ viết về những cái mình tâm đắc, sở trường. Không nên buộc nghệ sĩ rơi vào tình trạng “điếc không sợ súng”, phải chấp nhận làm bằng được đơn đặt hàng của cá nhân, một tổ chức hay nhân danh xã hội. Áp đặt, dù được che đậy bằng đủ thứ mỹ miều, không thể đem lại kết quả tốt. Chỉ nên gợi ý, với tất cả sự hiểu biết và tế nhị cần thiết, để giúp vào hình thành ý đồ sáng tác của nghệ sĩ, và dừng lại ở đó, không nên đi xa, đi sâu hơn. Nghệ sĩ hưởng ứng hay không, sáng tác hay không, là do sự thôi thúc nội tâm, do sự hối thúc của đời sống, phụ thuộc vào bản lĩnh, trình độ nghề nghiệp có cho phép anh ta hoàn thành sáng tác có chất lượng nghệ thuật hay không.
5. Trong nghệ thuật, phải “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, tức xem trọng chất lượng hơn khuyến khích số lượng. Không nên khuyến khích ra đời thứ văn nghệ làm dối, làm ẩu, minh họa, phục vụ kịp thời đến mức xoàng xĩnh. Phải biết tôn trọng sự độc đáo của tư duy nghệ thuật, của tài năng, những tìm tòi về bút pháp để không tự lặp lại mình, không chìm lẫn và hòa đồng với người khác. Nghệ sĩ thực thụ là một thế giới riêng biệt, sừng sững tồn tại, tỏa sáng lấp lánh, có sức thu hút người đọc, người xem, người nghe, bởi cá tính độc đáo, vô song của anh ta. Họ là tài sản quý của quốc gia, phải chăm lo vun trồng, bảo vệ.
Với nghệ sĩ, cần khiêm tốn trau dồi bản lĩnh, trình độ nghề nghiệp, chăm sóc cái chủ quan nghệ thuật sao cho phong phú, độc đáo. Không có thực tài, thì dù có kiếm được danh hiệu này nọ, chức vụ cao sang, vẫn không được đồng nghiệp và xã hội thừa nhận, tốt nhất là anh ta nên chuyển làm nghề khác có ích hơn.
Rõ ràng, nghệ thuật tối kỵ bất tài, hư danh, cùn mòn. Nó chỉ mở cửa cho chân tài, cho những tìm tòi cháy bỏng khát khao đổi mới, sáng tác. Nghệ thuật ghê sợ sự giả dối, cơ hội, bởi luôn luôn đòi hỏi trung thực, tự nguyện hết mình, trong sự tự bộc lộ, dấn thân “sinh ư nghiệp, tử ư nghiệp”.
6. Công chúng có quyền tự do lựa chọn trong tiếp nhận nghệ thuật. Không thể nhân danh bất cứ cái gì, dù là thiêng liêng, tốt đẹp đến đâu đi nữa, để tự cho mình cái quyền chọn sẵn cho công chúng một món ăn, một loại món ăn tinh thần nào đó, cho dù là bổ béo. Ăn là theo nhu cầu nội tại của cơ thể và tâm lý, theo khẩu vị của từng người không thể chọn hộ “ăn hộ”, “ăn lấy được, ăn lấy lòng”.
Phê bình nghệ thuật phải khách quan, trung thực. Phải chống lối phê bình xu phụ, phê bình cánh hẩu, phê bình vô học theo lối ấn tượng, cảm thấy... đã một thời gây tác hại không nhỏ đến đời sống văn học chúng ta. Bởi vì, như thế sẽ lẫn lộn giá trị thật và giả, lãng phí giấy mực và thời giờ của người đọc, người nghe, làm hỏng hoặc thui chột tài năng. Phải hết sức coi trọng phê bình chuyên nghiệp. Phê bình của quần chúng rộng rãi phải được khuyến khích, sống không nên lấy ý kiến số đông làm chuẩn. Cái đúng, chân lý, chỉ được thuyết phục bởi sự am hiểu thấu đáo nghề nghiệp và công việc sáng tác nghệ thuật. Kẻ vô học, không bao giờ tiếp cận được chân lý nghệ thuật. Quần chúng muốn sáng tác và phê bình nghệ thuật được tốt, cần phải được học tập đến nơi đến chốn. Kiểu phê bình theo ấn tượng chủ quan, thất thường, phê bình của người thất học và “ngoại đạo” chỉ có ý nghĩa tham khảo và không nên dùng nó để áp đảo nghệ sĩ, áp đảo loại ý kiến đúng nhưng chỉ chiếm số ít người.
7. Không thể độc tôn phương pháp sáng tác gọi là “chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa”. Sáng tác theo phương pháp nào là thuộc quyền lựa chọn của nghệ sĩ, phụ thuộc vào “tạng” của anh ta. Miễn là anh ta có tác phẩm hay, có ích cho cuộc sống và con người.
Nên thay cách nói “văn nghệ phục vụ chính trị, phục vụ công nông binh” bằng cách nói bao quát, rộng hơn, tránh một sự thiển cận và thiên vị. Nên chăng, nói là: Văn học, nghệ thuật vì sự tiến bộ xã hội, vì sự phát triển của đất nước, vì lý tưởng nhân đạo và dân chủ của xã hội, tất cả cho tự do, hạnh phúc của con người.
II. Về thể chế, bộ máy quản lý văn nghệ:
- Chỉ cử những cán bộ am hiểu văn nghệ để lãnh đạo, quản lý văn nghệ (ở cấp Trung ương). Riêng ở địa phương, cơ sở, phải bồi dưỡng, đào tạo cán bộ lãnh đạo chủ chốt, cán bộ ngành văn học, nghệ thuật những hiểu biết cơ bản, tối thiểu về bản chất, đặc thù của văn nghệ cùng là nghệ thuật lãnh đạo, quản lý nó. Không cho phép lãnh đạo đố kỵ, khinh bỉ hay coi thường văn nghệ sĩ. Nghệ sĩ không phải là tên hề đồng chạy đằng sau cuộc sống, lẽo đẽo thân phận nô bộc phục vụ một ông chủ nào.
- Lãnh đạo biết tôn trọng thực sự tính độc lập của tư duy nghệ thuật, không thành kiến về sự lập dị và cực đoan của nghệ sĩ (do tài năng thăng hoa, dồn nén mà tạo ra). Trân trọng và đòi hỏi nghệ sĩ nâng mình lên là đúng, song không nên bức bách làm thui chột tài năng của họ, thương hại đến lòng tự trọng và nhân cách của họ.
Nghệ sĩ rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương, chạnh lòng đau đời, cho rằng người đời không hiểu mình. Cũng dễ có những phản ứng tỏ sự “ngang bướng”, “chống đối” để khẳng định sự độc lập, tự do của mình không phụ thuộc vào cá nhân nào, vào khuôn nào, vào sự trói nào. Lãnh đạo phải biết “cởi trói” cho văn nghệ sĩ đồng thời với việc văn nghệ sĩ tự “cởi trói” mình, “cởi trói” cho nhau những ràng buộc hữu hình và vô hình.
- Nghệ sĩ không tránh được thói đố kỵ tài năng, đố kỵ giữa các cá tính sáng tạo và bản lĩnh nghệ thuật. Đây là một biểu hiện lành mạnh của “cạnh tranh” giữa các tài năng. Nên xem đó là điều bình thường, không nên lợi dụng để kích động văn nghệ sĩ chống đối nhau, gây mất đoàn kết. Lãnh đạo không được lấy ý kiến của cá nhân mình ra làm chuẩn đo đếm các giá trị nghệ thuật. Sự thiên vị trong đánh giá, chỉ do thiện cảm cá nhân, do “gu” thẩm mỹ khác nhau, là nên tránh, nếu không sẽ gây bất bình trong những nghệ sĩ có tài, chỉ có lợi cho loại người cơ hội, bất tài mọc lên như nấm.
- Văn nghệ quần chúng không thể thay thế văn nghệ chuyên nghiệp, mà song song tồn tại, bổ sung cho nhau. Song thường chỉ có văn nghệ chuyên nghiệp mới đưa tài năng lên tới những đỉnh cao. Cần đầu tư thích đáng cho đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, theo con đường chuyên nghiệp. Không bình quân trong đãi ngộ tài năng. Tài năng đích thực là của hiếm, phải bảo vệ nó, chống lại sự vùi dập tài năng chỉ do ghen ghét, đố kỵ, mang màu sắc cá nhân chủ nghĩa.
N.N.T
(Viện Văn học VN)
(TCSH42/04&05-1990)