Tạp chí Sông Hương - Số 42 (T.4&5-1990)
Hồ Chí Minh với văn học Trung Quốc (Sự gặp gỡ giữa những nhân cách văn hoá và cá tính sáng tạo)
10:00 | 18/05/2017

LƯƠNG DUY THỨ

…Hồ Chí Minh là một nhân cách văn hoá lớn. “Sự đóng góp quan trọng về nhiều mặt trong các lĩnh vực văn hóa giáo dục và nghệ thuật đã kết tinh truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của nhân dân Việt Nam” (Nghị quyết của UNESCO).

Hồ Chí Minh với văn học Trung Quốc (Sự gặp gỡ giữa những nhân cách văn hoá và cá tính sáng tạo)

Nhân cách văn hóa đó dĩ nhiên là sự thăng hoa của truyền thống văn hóa dân tộc, nhưng cũng chung đúc hương hoa nhiều nền văn hóa gần gụi, trong đó rõ nhất là văn hóa Trung Hoa và văn hóa Pháp.

Văn hóa Trung Hoa là một di sản đồ sộ và có thể chia ra hai bộ phận khác nhau: văn hóa cổ trung đại và văn hóa cận hiện đại. Mặc dù có nội dung rất phong phú và có sự biến hóa phức tạp qua các giai đoạn, nhưng có thể thấy văn hóa cổ trung đại Trung Hoa mang đậm dấu ấn của Nho giáo và tư tưởng Lão Trang, đặc biệt là trong văn học nghệ thuật. Những nhà thơ nhà văn nhà hội họa lớn của Trung Quốc đều hoặc ít hoặc nhiều tiếp thu nhân sinh quan tích cực nhập thế của Nho giáo và tư tưởng thẩm mỹ cởi mở phóng khoáng của Lão Trang. Còn văn hóa cận hiện đại Trung Quốc thì lại chia ra ba thời kỳ rõ rệt. Từ chiến tranh thuốc phiện (1840) đến cách mạng Tân Hợi (1911) có sự vật lộn giữa Tân học (mà đại biểu xuất sắc nhất là hai nhà cải lương tư sản Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu) với Cựu học. Thời kỳ từ Cách mạng Tân Hợi đến 1949, đặc biệt là từ 1924 khi Tôn Trung Sơn thắng thế trên vũ đài chính trị thì lại theo xu hướng chủ nghĩa Tam dân. Thời kỳ từ 1949 trở về sau có thể gọi là chủ nghĩa Mác Lênin theo kiểu Trung Quốc.

Tóm lại, nói đến văn học Trung Quốc là nói đến một di sản đồ sộ, trong đó có nhiều giai đoạn khác nhau. Với những nhà văn hóa có ảnh hưởng đậm nhạt khác nhau đối với đời sống tinh thần xã hội. Trong hàng loạt nhà văn hóa đó, Bác Hồ đề cập nhiều hơn cả đến Khổng Tử thời cổ đại, đến các nhà thơ Đường thời trung đại, đến Tôn Trung Sơn và Lỗ Tấn thời cận hiện đại.

Bài viết này không nhằm khảo cứu chứng minh Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng nhà văn hoá Trung Quốc nào, mà chỉ muốn xuất phát từ một cái nền rộng là văn hóa để đi sâu vào một khu vực hẹp là văn học, nhằm cảm nhận cho được một sự gặp gỡ giữa các nhân cách văn hóa và cá tính sáng tạo văn học phương Đông.

***

Có thể nhận ra hàng loạt cách nói, cách viết vận dụng sáng tạo các ý niệm và mệnh đề của Khổng Mạnh vốn rất quen thuộc với nhân dân để giáo dục đạo đức cách mạng trong các bài nói và bài viết của Bác. Những trung, hiếu, tín, dũng, liêm; những tiên ưu hậu lạc; những phú quí bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất; những không sợ thiếu chỉ sợ không công bằng, không sợ đói chỉ sợ lòng dân không yên v.v…(1).

Người còn nhắc lại những ấn tượng sâu sắc về các tín điều nho giáo đến với tuổi ấu thơ:

“Bác gần 80 tuổi rồi mà vẫn còn nhớ hình ảnh ông Tử Lộ đội gạo nuôi mẹ trong sách giáo khoa ngày xưa"(2).

Có lần Người hỏi một cán bộ chính trị: “Chú còn nhớ những chuyện Nhị thập tứ hiếu không? Bác gần 80 tuổi mà vẫn còn nhớ chuyện ông Lão Lai, vợ chồng Quách Cự, chú bé Hán Lục Tích hiếu thảo với cha mẹ như thế nào?"(3)

Nói đến nhân cách văn hóa Hồ Chí Minh không thể không đề cập đến Nho giáo; Bởi vì khi tâm hồn còn là tờ giấy trắng của tuổi ấu thơ, Người đã được học sách vở Nho giáo và người thầy vỡ lòng không ai khác là cụ Nguyễn Sinh Sắc - một nhà khoa bảng được đào tạo nơi cửa Khổng sân Trình. Sau này chính Người khẳng định:

“Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân”(4)

Cần lưu ý là Người chỉ nhắc đến vế thứ nhất trong bốn vế liên hoàn của đạo đức chính trị nho gia (tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ) và Người chỉ nói đến Khổng Tử chứ không nói đến những người học trò cực đoan của đạo Khổng như các nhà Hán nho, nhất là Tống nho.


***

Như mọi người đều biết, với tư cách công khai là người thông dịch cho phái bộ Bôrođin(5) bên cạnh Tôn Trung Sơn(6) Bác Hồ đã làm việc bên cạnh nhà cách mạng dân chủ này và sau đó, bên cạnh chính phủ cách mạng Quảng Châu gần 3 năm (1925-1927) Người am hiểu sâu sắc tư tưởng Tôn Văn với đường lối chính trị: Dân tộc: độc lập; Dân quyền: tự do; Dân sinh: hạnh phúc - với sách lược: liên Nga, liên Cộng, phù trợ công nông - với tư tưởng triết học: tri hành hợp nhất.

Tháng 9 - năm 1943, sau 13 tháng bị bắt giam trái phép và bị giải tới giải lui qua 13 huyện tỉnh Quảng Tây, Người được trả tự do (thực chất là giam lỏng) để nghiên cứu chủ nghĩa Tam dân tại Cục chính trị Đệ tứ chiến khu trong thời gian 8 tháng (9/43 - 5/44). Theo Trần Dân Tiên: “Trong tất cả các lý luận cách mạng, ông Nguyễn cảm thấy chủ nghĩa Tôn Văn là thích hợp nhất với hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Chủ nghĩa Tam dân của bác sĩ Tôn Dật Tiên có thể tổng kết lại là:

Chủ nghĩa dân tộc: độc lập cho mọi dân tộc.
Chủ nghĩa dân quyền: tự do của nhân dân.
Chủ nghĩa dân sinh: hạnh phúc và hưởng thụ của nhân dân.

Đây là cái mà Việt Nam cần. Đây là cái mà dân tộc Việt Nam đòi hỏi. Đây là cái mà Nguyễn Ái Quốc tìm kiếm. Từ đó về sau, Nguyễn Ái Quốc có lòng kính trọng sâu sắc đối với vị lãnh tụ vĩ đại này của nhân dân Trung Quốc và trở thành người học trò trung thực của ông ta”(7)

Tôn Trung Sơn là lãnh tụ vĩ đại của cách mạng dân chủ tư sản Trung Quốc, được nhân dân Trung Quốc đương thời gọi là “cha già dân tộc” (dân tộc chi phụ). Đặc biệt, sau đại hội lần thứ nhất Quốc Dân Đảng (1-1924, có các đảng viên đảng cộng sản tham dự) ông đã đổi chủ nghĩa Tam dân cũ thành chủ nghĩa Tam dân mới (dân tộc: độc lập, chống đế quốc, các dân tộc bình đẳng; dân quyền: tự do, chống thiểu số tư sản thao túng; dân sinh: hạnh phúc, bình quân ruộng đất, hạn chế tư sản, cải thiện đời sống công nông). Trong bức thư gửi TƯ Đảng Cộng sản Liên Xô trước khi mất (12-3-1925) ông tha thiết hy vọng vào sự hợp tác Trung Xô. Ông là nhà cách mạng dân chủ được Lênin gọi là “Nhà cách mạng vĩ đại” cũng là người đã cưu mang nhiều nhà cách mạng Việt Nam.

Mặc dù chúng ta chưa có điều kiện nghiên cứu đầy đủ mối quan hệ giữa Nguyễn Ái Quốc và Tôn Trung Sơn, nhưng những điều nói ở trên có thể cho thấy một sự gặp gỡ vĩ đại.

*

Hai cuộc gặp gỡ vừa nêu ở trên là gặp gỡ về tư tưởng - chính trị, tư tưởng triết học và tư tưởng đạo đức. Cuộc gặp gỡ giữa Hồ Chí Minh và Lỗ Tấn lại nghiêng về tư tưởng văn nghệ và cá tính sáng tạo.

Lỗ Tấn bắt đầu nổi tiếng từ truyện vừa AQ chính truyện đăng báo năm 1921 và hàng loạt bài tạp văn chống phong kiến, chống đế quốc, vạch trần sự mê muội, an phận của Quốc dân Trung Hoa. Năm 1923 tập truyện Gào thét (gồm 14 truyện sáng tác từ 1918 đến 1922 như Nhật ký người điên, Thuốc, AQ chính truyện v.v...) được ấn hành và nổi tiếng khắp cả nước. Trường Đại học Tôn Trung Sơn ở Quảng Châu đã nhiều lần mời Lỗ Tấn đến giảng bài và năm 1927, chính phủ Cách mạng Quảng Châu đã mời ông về làm trưởng phòng đào tạo Đại học Tôn Trung Sơn.

Từ tháng 12-1924 đến 4-1927 Nguyễn Ái Quốc công tác ở Quảng Châu và có lẽ “Ông Nguyễn thích đọc Lỗ Tấn bằng tiếng Trung Quốc"(8) là chỉ thời gian này. Tác phẩm Lỗ Tấn chắc chắn đã gây nhiều hứng thú cho ông Nguyễn, bằng chứng là trong cuộc đời hoạt động cách mạng, thỉnh thoảng Người lại nhắc đến Lỗ Tấn.

Thăm triển lãm hội họa 1946 ở Hà Nội, Người nói: “Tôi nhớ mường tượng như Lỗ Tấn, nhà văn hào cách mạng Trung Quốc đã nói ở đâu một câu đại ý như thế này: Người trần lên tiên có lẽ cũng thích thật. Nhưng nhìn thấy mãi cái đẹp không thay đổi rồi cũng thấy chán nản, nhạt nhẽo và mới biết rằng: muốn tìm thấy sự thay đổi, sự ham mê thật, phải trở về với cuộc sinh hoạt thực tại của con người..."(9).

Trong Lời kết thúc buổi ra mắt của Đảng Lao động Việt Nam Người nói:

"Nói về người cách mạng và đảng cách mạng, nhà đại văn hào Trung Quốc là ông Lỗ Tấn có câu thơ:

Hoành mi lãnh đối thiên phu chỉ
Phủ thủ cam vi nhũ tử ngưu
.

Xin tạm dịch là:

Trợn mắt xem khinh nghìn lực sĩ,
Cúi đầu làm ngựa các nhi đồng
.

Nghìn lực sĩ có nghĩa là những kẻ địch mạnh, thí dụ lũ thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ. Cũng có nghĩa là sự khó khăn gian khổ. Các nhi đồng nghĩa là quần chúng nhân dân hiền lành đông đảo. Cũng có nghĩa là những công việc ích quốc lợi dân”(10)

Chẳng cần phân tích chứng minh, đối với một nhà cách mạng bôn ba bốn biển năm châu, vào tù ra tội, chỉ chừng ấy dữ kiện cũng đủ để khẳng định một sự gặp gỡ, một sự tâm đầu ý hợp, một sự đồng điệu về tâm hồn.

Nhưng sự đồng điệu ở đây không chỉ dừng lại ở tư tưởng cách mạng, ở nhân cách cá nhân, mà còn ở một quan niệm văn chương.

Lỗ Tấn sở dĩ được nhân dân Trung Quốc gọi là “linh hồn dân tộc”(11) bởi vì cả cuộc đời ông đã dốc toàn bộ tâm huyết và tài năng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ban đầu ông học thuốc để chữa bệnh cho đồng bào, về sau ông nhận ra rằng, thân thể cường tráng mà tinh thần ốm yếu thì cũng không thể vươn dậy được. Thế là ông chuyển sang “chữa bệnh tinh thần”, mà theo ông phương thuốc chữa bệnh tinh thần không gì bằng văn nghệ. Thế là ngòi bút của ông tập trung chỉ ra căn bệnh đớn hèn, cam chịu, an phận của quốc dân. Ông cũng thấy được sự mê muội của dân chúng chính là cái cột trụ chống đỡ cho tòa nhà cũ kỹ, lỗi thời và phản động. Cho nên ngòi bút của ông còn tập trung phê phán những tư tưởng cũ, phong tục cũ, lề thói cũ mà biểu hiện tập trung là những tín điều nho giáo bị lợi dụng như bùa phép mê tín. Với ông, ngòi bút nhà văn phải góp phần gạt bỏ mọi chướng ngại trên con đường giải phóng dân tộc. Từ tấm lòng yêu nước nhiệt thành ấy mà ông tìm đến chủ nghĩa Mác Lênin, chủ nghĩa quốc tế vô sản. Tư tưởng văn nghệ của ông, nói cụ thể hơn quan niệm văn chương của ông là chân thực bởi vì nó xuất phát từ chức năng thực sự của văn chương để đạt đến mục đích chân chính của văn chương.

Hồ Chí Minh không chủ trương lập nghiệp bằng văn chương. Chúng ta lại thấy phảng phất đâu đây ý vị nho giáo như là một triết lý sống phương Đông. Khổng Tử yêu cầu con người phải lập đức, lập công trước rồi sau đó mới đến lập ngôn. Có lẽ điều đó là đúng đối với hoàn cảnh đất nước còn bị nô lệ, nhân dân chưa có tự do, vậy thì việc trước tiên phải là hun đúc ý chí và dồn tâm huyết cho hành động. Đại ngôn đại luận chưa cần thiết bằng hành động cụ thể. Bác nói: tất cả mọi điều Bác viết ra chỉ bao gồm trong một đề tài, đó là chống đế quốc chống thực dân, mưu cầu giải phóng dân tộc. Sự thực là như thế, có điều đằng sau ngòi bút hừng hực ngọn lửa cách mạng ấy chúng ta lại cảm nhận được một tâm hồn văn chương đích thực.

Chúng ta nhớ lại nhận xét của người thầy giáo người Pháp của Nguyễn Tất Thành ở trường Quốc Học Huế: con người này nếu không có thiên hướng cách mạng thì có thể trở thành một nhà văn hay một nhà bác học. Ở đây có một sự gặp gỡ kỳ thú giữa nhà bác học, nhà nghệ sĩ, và nhà cách mạng. Quả vậy, chân lý chỉ có một, và bằng những con đường khác nhau những tài năng và tâm huyết đích thực sẽ gặp gỡ ở chân lý.

Sự gặp gỡ giữa Lỗ Tấn và Hồ Chí Minh chính là sự gặp gỡ giữa tâm huyết và tài năng, giữa những tâm hồn nghệ sĩ bẩm sinh.

*

Nhưng kỳ thú hơn cả là sự gặp gỡ giữa thơ Hồ Chí Minh và thơ Đường. Đây là sự gặp gỡ giữa sáng tác với sáng tác, là sự bộc lộ cụ thể và rõ ràng tâm hồn văn chương. Sự gặp gỡ này chủ yếu thể hiện trong thơ chữ Hán là loại thơ không nhằm “tuyên truyền cách mạng” (lời của chính Bác) mà chỉ nhằm bộc bạch cảm hứng cá nhân. Hơn thế, chủ yếu thể hiện trong thơ chữ Hán từ kháng chiến chống Pháp trở đi nghĩa là lúc mà cách mạng đã có một giang sơn, nhân dân đã tự do hơn, nhà thơ đã có thể ung dung tự tại hơn để lắng nghe được một “tiếng suối trong như tiếng hát xa”, để cảm nhận được cái ấm áp và sung mãn của “Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền". Người viết bài này đã khảo sát âm vang thơ Đường trong Nhật ký trong tù, nơi mà nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc là Quách Mạt Nhược đã phải thốt lên “có một số bài đặt lẫn vào thơ Đường Tống cũng không phân biệt được”(12). Ở đây chủ yếu nói đến những bài thơ chữ Hán làm trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Tập Thơ Hồ Chí Minh do NXB Văn Học in năm 1970 có 16 bài thơ chữ Hán trong đó 11 bài làm trong kháng chiến chống Pháp. Còn khoảng 20 bài làm rải rác trong kháng chiến và sau hòa bình sẽ được công bố nay mai(13).

Hầu hết những bài này làm theo thể tứ tuyệt, thất ngôn hoặc ngũ ngôn - thể thơ phổ biến trong thơ luật Đường, cũng là thể thơ tương đối tự do hơn so với bất cứ và thích hợp với việc ghi lại cảm hứng thoáng qua, gợi mở một suy tư mà không miêu tả, lập luận. Đề tài Thượng sơn, Nguyên tiêu, Đối nguyệt, Đăng sơn v.v... cũng là đề tài quen thuộc trong thơ Đường. Nhưng sự gặp gỡ cần nói đến nhất là cách cấu tứ.

Thơ Đường nhằm khám phá sự thống nhất mà chủ yếu là sự thống nhất giữa con người và thiên nhiên, gợi nên sự giao cảm, đưa đến cho người đọc những bạn tri kỷ tri âm. Cách cấu tứ của các bài thơ nhằm khám phá sự thống nhất, sự giao cảm của các tâm hồn ấy đã xóa đi mọi ranh giới ngăn cách, tạo ra cái âm hưởng vang vọng các tâm hồn.

Trong cách biểu hiện, một phần do khuôn khổ gọn nhẹ, một phần do cách cấu tứ nói ở trên, thơ Đường chú ý gợi mà không tả, gửi gắm mà không nghị luận, phân tích.

Đọc bài Thượng sơn (Lên núi) chúng ta thấy mặt trời như bạn đồng hành đang giơ bàn tay kéo nhà thơ lên chót vót đỉnh cao và dòng suối đang reo vui nở một cành mai(14).

Trong bài Nguyên tiêu (Rằm tháng giêng)(15) nhà thơ như dấu mình đi cho sông nước thêm mênh mang êm ả và hình như dừng cả mái chèo sợ vỡ mất một thuyền đầy trăng! Trăng trong thơ Hồ Chí Minh có vinh dự cùng người anh hùng đi đánh giặc nước, trăng như trải bạc trải vàng cho con thuyền kháng chiến lướt nhanh đến bờ thắng lợi.

Ba yếu tố thi nhạc họa quấn quyện khăng khít trong bài Thu dạ (Đêm thu)(16). Có điều đây không phải là những đường nét tĩnh của một bức tranh thủy mặc mà rất sống động, gợi ra một trường liên tưởng vô hạn.

Đã có nhiều người nói đến cái ung dung bình dị của vị thống soái trong bài Vô đề(17), ở đây chỉ xin nói thêm một khía cạnh thi pháp thơ Đường. Bốn câu 28 chữ, một bức tranh giàu đường nét, màu sắc và vang động một âm thanh rộn ràng. Trong khung cảnh rộn ràng với tiếng hoa rơi, tiếng chim vỗ cánh, với niềm vui “hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ” (có bạn từ nơi xa đến thăm, chẳng vui lắm ru!) hiển hiện phong thái điềm tĩnh, chủ động của nhà thơ. Nhưng cái điềm tĩnh ung dung ở đây bắt nguồn từ sự phân tích phán đoán khoa học (việc quân việc nước bàn tạm ổn) từ sự chủ động của con người làm chủ hoàn cảnh, làm chủ tình thế chứ không phải là cái ung dung than thản của con người “ngộ đạo, nhập thiền” như tác giả bài Tìm ẩn giả bất ngộ (tìm người ở ẩn mà không gặp)(18) mặc dù về cấu tứ và hình tượng thơ phảng phất giống nhau.

Cuối cùng xin nói đến một bài tuyệt cú vừa sưu tầm được, bài Phỏng hữu bất ngộ (Thăm bạn không gặp).(19)

Bách lý tầm quân vị ngộ quân
Mã đề đạp toái lĩnh đầu vân
Qui lai ngẫu quá sơn mai thụ
Mỗi đóa hoàng hoa mỗi điểm xuân
.

Dịch:

Đường trăm dặm tìm người chẳng gặp
Ngựa trèo non đạp rách mây trời
Đường về qua một gốc mai
Hoa vàng từng đóa hoa tươi điểm cành
.

Bài thơ làm năm 1953 trên đường đi chiến dịch Điện Biên Phủ ghé thăm một vị tướng quân. Không khí gấp gáp của buổi ra quân không làm mai một hồn thơ. Qui lai ngẫu quá sơn mai thụ - đường về vút qua một gốc mai rừng; Mỗi đóa hoàng hoa mỗi điểm Xuân - Quay nhìn lại, mỗi đóa hoa vàng đều rực rỡ mùa xuân. Vị tướng và nhà thơ! Con đường chiến trận và một bông hoa nhỏ, quyết tâm sắt đá của vị thống soái “đạp rách mây trời” và tấm lòng ưu ái đối với bông hoa dại bên đường!

Nhưng điều cần nói ở đây là thi pháp thơ Đường. Cái bút pháp gợi mà không tả, cái thoáng nhẹ, sâu lắng đầy âm vang, những đường nét khỏe khoắn và màu sắc tươi tắn có thể vẽ thành một bức tranh sống động.

Tóm lại, có thể cảm nhận được một sự gặp gỡ giữa thơ Đường và thơ Hồ Chí Minh, chủ yếu là trong bộ phận thơ bằng chữ Hán và đặc biệt thơ chữ Hán làm trong kháng chiến chống Pháp. Đây là sự gặp gỡ giữa những tâm hồn thơ, cũng là sự gặp gỡ của thi pháp thơ ca cổ điển phương Đông.

***

Để kết luận, có thể nói gọn một câu: Hồ Chí Minh am hiểu sâu sắc văn hóa Trung Quốc và thơ văn của Người gặp gỡ thơ văn ưu tú Trung Quốc. Đó là sự gặp gỡ của nhân cách văn hóa và cá tính sáng tạo mang sắc thái phương Đông.

Cũng giống như sự gặp gỡ với văn hóa Pháp, văn hóa Nga v.v... nó làm phong phú thêm tiềm năng văn hóa dân tộc vốn rất vững chãi trong nhân cách văn hóa Hồ Chí Minh.

Sự gặp gỡ ấy còn nói lên sự phong phú của tâm hồn cũng như tài năng văn chương đích thực, mặc dù Người không bao giờ nhận danh hiệu nhà thơ nhà văn và tập trung tâm huyết cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

15.11.1989
L.D.T
(TCSH42/04&05-1990)

--------------
1. Phảng phất ý niệm và mệnh đề của Khổng Mạnh như:
- Trí nhân dũng tam giả, thiên hạ đạt đức giả (Trung dung)
- Nhân giả bất ưu, trí giả bất hoặc, dũng giả bất cụ. (Luận ngữ)
- Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc (Phạm Trọng Yêm).
- Phú quý không làm cho xiêu ngã, nghèo hèn không làm cho thay đổi, quyền uy không thể khuất phục. (Mạnh Tử)
- Bất hoạ quả nhi hoạn bất quân, bất hoạn bần nhi hoạn bất an. (Luận ngữ)

2. Tuyển tập Hồ Chí Minh tr.484

3. Tuyển tập Hồ Chí Minh tr.492.

4. Trần Dân Tiên - Hồ Chí Minh truyện. Trương Niệm Thức dịch, NXB Tam Liên, Thượng Hải, 1949, tr.91.

5. M.M Bôrôdin (1884-?) trưởng đoàn cố vấn Xô viết bên cạnh Tôn Trung Sơn 1923-1927.

6. Tên thật Tôn Dật Tiên, tên chữ Tôn Văn, hiệu Trung Sơn (1866-1925).

7. Hồ Chí Minh truyện. Sđd. tr.81.

8. Trần Dân Tiên: Những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch.

9. Chuyển dần từ Phương Lựu: Lỗ Tấn - nhà lý luận văn học, tr.đầu, NXB ĐN và THCN 1976.

10. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6. tr53-54.ST. 1986.

11. Khi Lỗ Tấn mất, nhân dân Thượng Hải phủ lên quan tài ông lá cờ đỏ thêu ba chữ “dân tộc hồn".

12. Xin xem bài Âm vang thơ Đường trong NKTT in trong tập Suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù của Viện Văn học.

13. Xem Phan Văn Các: Nên sớm xuất bản Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh - Nhân dân Chủ nhật số 30 ngày 3-9-89.

14. Có thể dịch thật sát như sau:

Tháng sáu ngày hâm bốn
Lên tận đỉnh núi này
Ngẩng đầu: mặt trời cạnh
Bên kia suối: bông mai!

15. Có thể dịch thật sát như sau:

Trăng tròn vành vạnh đêm nguyên tiêu
Sông xuân trời nước tiếp liền nhau
Việc quân bàn bạc nơi khói sóng
Khuya về trăng chật một thuyền câu.

16. Bản dịch cũ tương đối tốt, nhưng “thu địch” mà dịch là “còi thu” thì không ổn; vả chưng tiếng sáo gợi cảm hơn nhiều.

17. Có thể dịch thật sát như sau:

Khách tới đường rừng phủ kín hoa
Rừng sâu quân chuyển chim bay cao
Việc nước việc quân bàn tạm ổn
Xách bương dắt trẻ tưới vườn rau.

18. Của Giả Đảo thời Đường:

Tùng hạ vấn động tử
Ngôn sư thái dược khứ
Chỉ thử tại sơn trung
Vân thâm bất tri sứ.

Tạm dịch:

Gốc tùng hỏi thằng nhỏ
Rằng thầy hái thuốc xa
Quẩn quanh ngọn núi kia
Mây mù nhìn chẳng rõ.

19. Phan Văn Các, sưu tầm, tên bài và bản dịch của Phan Quân.









 

Các bài mới
Không có Amêrica (09/06/2017)
Các bài đã đăng
Cái tủ thờ (12/05/2017)