(Ý kiến của Nguyễn Văn Bổng, Xuân Cang, Nguyễn Kiên, Hà Minh Đức, Hoàng Ngọc Hiến)
Để chuẩn bị cho số chuyên đề về những cây bút trẻ, Tòa soạn Sông Hương đã phỏng vấn một số nhà văn, nhà phê bình với 3 nội dung:
1) Xin cho biết 5 cây bút trẻ có tác phẩm đáng chú ý trong thời gian qua?
2) Những ưu điểm, những đóng góp đáng kể nhất của lực lượng trẻ?
3) Những mặt hạn chế (hoặc là những nhược điểm) của họ? Từ đó, có gì cần nhắn gửi, tâm sự với các cây bút trẻ?
Có ý kiến trả lời không đủ cả 3 nội dung, cũng có ý kiến rộng hơn những vấn đề Tòa soạn đặt ra. Cùng với bài viết của nhà văn Nguyên Ngọc, Trưởng ban sáng tác Hội nhà văn Việt Nam, những ý kiến chúng tôi giới thiệu sau đây sẽ đóng góp một cách nhìn, một cách đánh giá tình hình văn học vừa qua thể hiện qua những cây bút trẻ (Chúng tôi cũng đã gửi phỏng vấn tới nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú và nhà thơ Hữu Thỉnh, 2 ủy viên BCH Hội nhà văn đặc trách công tác hội viên, nhưng rất tiếc chưa nhận được bài trả lời.)
SH
NGUYỄN VĂN BỔNG
I- Mắt tôi hiện nay đọc rất khó. Tuy vậy, gặp những truyện như Dị mộng của Cung Tích Biền trên Sông Hương số 2 năm 1990 - với tên của tác giả và truyện được in trên giấy trắng chữ rõ- tôi đã cố đọc và rất mừng thấy Cung Tích Biền vẫn tiếp tục viết. Tôi mong được gặp trên sách báo của ta ngày nay không chỉ những cây bút mới mà cả những cây bút đã từng quen biết trước đây ở Sài Gòn và các đô thị miền Nam.
Cũng có những tác phẩm tôi nhờ đọc để biết như gần đây Đám cưới không có giá thú của Ma Văn Kháng, hay Góc tăm tối cuối cùng của Khuất Quang Thụy... Nhưng phần lớn là tôi lắng nghe các dư luận trên báo chí, hoặc giữa bạn bè, anh em, thì thấy trong văn học của ta hiện nay quả thật có những cái mới đáng mừng. Cái mới đáng kể nhất là nó đã góp phần phá vỡ những cấm kỵ - hoặc thành văn, hoặc không thành văn, có điều có lý hay cần thiết trong hoàn cảnh lịch sử nhất định, nhưng nhiều điều vô lý và không cần thiết - những cấm kỵ đã gây nên gò bó, kể cả lo sợ, trở ngại cho sáng tác văn học nghệ thuật.
Chiều hướng đó trong văn học ta hiện nay cần được khuyến khích mạnh mẽ, cần được bảo vệ chống lại những sự đả phá, hạn chế. Tuy nhiên cũng đã đến lúc không nên bỏ qua những lệch lạc sẽ làm chậm phát triển nền văn học của chúng ta. Tôi không muốn nói về những quyển sách chạy theo thị hiếu tầm thường của người đọc đang lan tràn trên thị trường. Tôi cũng không muốn nói đến những sách viết ẩu hay còn quá vụng về, mà bằng cách này hay cách khác vẫn được tung ra... Tôi muốn nói về những cây bút đầy tâm huyết, viết về những vấn đề mình ôm ấp từ lâu và, đã tạo ra tác phẩm có giá trị như trường hợp Đám cưới không có giá thú. Trong những quyển sách tôi được biết hiện nay, đây là quyển tiểu thuyết tôi thấy "dữ dội" nhất, không phải vì nó dồn nói về cái xấu, cái tiêu cực; không phải nó động đến những nhân vật này hay tập thể kia; mà vì nó động đến những vấn đề trọng đại trong xã hội: chính trị, tôn giáo, đạo đức... với những suy nghĩ mạnh dạn, phần lớn rõ ràng là đúng, nhưng đây đó không khỏi không có những suy nghĩ cần được thảo luận lại.
Sự đổi mới trong văn học cần những sự trao đổi, thảo luận công khai và thiện ý đối với nền văn học, đối với các tác giả.
Ngoài những quyển như Thời xa vắng của Lê Lựu, các truyện của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài... tôi được đọc từ các năm trước, gần đây tôi nghe nói đến hàng chục, hơn cả chục tác phẩm đáng chú ý khác của các cây bút trong Nam, ngoài Bắc, cũ có, mới có... nhưng tiếc là tôi không đọc được, nên không thể trả lời câu hỏi này.
II. Tôi có thể nói gì với các anh chị em viết trẻ?
Tôi vừa nghe đọc xong truyện Thập giá gỗ của Lê Đình Trường trên tạp chí Tác phẩm mới số 2 năm 1990. Tôi biết tác giả ở Cà Mau, nhưng chưa gặp, chưa đọc gì của anh. Tôi coi anh là một cây bút trẻ, nhưng với một cây bút trẻ viết được một truyện như vậy, tôi biết nói gì? cần phải nói gì?...
Nếu phải nói, cũng chỉ quanh việc đổi mới của Văn học ta hiện nay. Văn học luôn luôn phản ứng lại cái cũ, cái mòn, cái quen thuộc. Bên cạnh sự đòi hỏi của xã hội, bản thân văn học cũng luôn luôn đòi đổi mới; trước năm 1945, văn học chúng ta đã có dòng hiện thực, dòng lãng mạn, có các thứ văn học đồi trụy, siêu hình, văn học đi vào ngóc ngách của tâm hồn, đi vào tâm linh, tiềm thức, vô thức. Có những giọng văn tàn nhẫn, kênh kiệu, chửi bới lung tung; có loại văn "hở nút" như thách đố mọi người... Đủ cả! Nếu không có Cách mạng tháng Tám, chưa biết văn học ta hồi bấy giờ còn đi đến đâu? Chắc sẽ có văn học hiện sinh, văn học phi lý, văn học cấu trúc, "tiểu thuyết mới" vân vân và vân vân...
Các nhà văn chúng ta trước 1945 đã bắt đầu thấy chán ngán, may thay có Cách mạng tháng Tám! Một cuộc đổi đời thật sự, đổi mới tư duy lớn lao. Họ lao theo cách mạng, theo kháng chiến với tất cả nhiệt tình người công dân và người cầm bút. Họ háo hức xây dựng một nền văn học mới, chứa đựng một chủ nghĩa nhân văn mới. Họ nhiệt tình muốn xây dựng những con người mới, một xã hội mới - xã hội chủ nghĩa.
Thiện chí của họ không có gì đáng chê trách. Nền văn học họ góp phần xây dựng nên trong năm mươi năm qua rất đáng tự hào. Tuy nhiên, vì những lý do này khác, mà chủ yếu là các quan niệm thô thiển, máy móc, thực dụng chủ nghĩa về văn học, nên đã có những hạn chế, khiến từ sau 1975, trong đời sống đòi hỏi đổi mới người ta thấy nhàm chán với nó. Người ta đổ xô vào tìm cái mới trong sách dịch của nước ngoài. Người ta quay lại với "cái mới" trong văn học lãng mạn trước 1945. Người ta chán ngán với các vấn đề chính trị, xã hội, trở lại với những vấn đề sâu kín của con người, đi vào tâm linh, tiềm thức, vô thức...
Phải ủng hộ mọi sự tìm tòi, đổi mới; thật sự vui mừng với những kết quả dầu còn nhỏ nhoi, non nớt. Nhưng phải là của thật. Văn học phản ứng lại cái cũ, cái mòn, nhưng văn học cũng chống lại cái giả. Tìm tòi, đổi mới phải tự đầu óc, trái tim, máu thịt của chính mình. Không thể có cái mới nào với vay mượn, bắt chước, học đòi, chạy theo thị hiếu, thời thượng. Không phải ai cũng ca tụng hay, hoặc phê phán hay. Không phải ai cũng viết giỏi về các vấn đề xã hội, hoặc biết tinh tế về các vấn đề của con người. Không phải ai cũng có cái nhìn sắc cạnh đối với thực tế đời sống, hoặc có trí tưởng tượng huyền ảo về thực tế... Tùy "cái tạng" của mỗi người chúng ta. Tùy hoàn cảnh đào tạo, trưởng thành của mỗi chúng ta.
Tìm được mình trong văn học rất khó. Có người hì hục suốt đời, đến những ngày cuối cùng mới chợt thấy mình lầm đường! Phải chân thành tự tìm mình từ những bước đi đầu, sẽ góp được cái mới của mình cho văn học.
4-90
XUÂN CANG
1- Những tác phẩm của Nguyễn Quang Lộc, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài; Phiên chợ Giát (Nguyễn Minh Châu). Nhà thơ áp tải (Thơ- Trần Nhuận Minh). Ngoài khơi miền đất hứa (Nguyễn Quang Thân).
2- Những cố gắng phát hiện khám phá. Những tìm tòi riêng, những phong cách riêng, những lối nghĩ riêng, độc lập, cay đắng và đau đớn, trần trụi giữa đời thường, không biết sợ. Viết ít, sắc lẻm. Không ồn ào, không coi thường bạn đọc. Chọn bạn đọc cho mình. Đầy tì vết. Sù sì, gai góc.
3- Nhắn thôi. Chẳng nhủ và khuyên được gì hết. Một bên là núi cao, một bên là vực thẳm, phía trước trời hửng sáng, đằng sau cầu đã cắt, không có lối lùi, trên mình trang bị đầy máy móc mới nhưng không dựa được vào bất cứ thông tin nào hết, bản thân mình cũng là một cái máy phát. Đi chậm choại đầy nguy hiểm và đầy tự tin. Nhưng phải đi như thế mà thôi. Cả nhân loại đang dò dẫm. Chúng ta không đi một mình, không ồn ào, không sa đà. Vừa đi vừa hát những bài ca riêng của mình. Làm việc không ngừng. Chưa bao giờ dễ viết hay như bây giờ. Chưa bao giờ sáng tác bung ra như bây giờ. Nhưng cũng chưa bao giờ viết khó như bây giờ.
NGUYỄN KIÊN
Gần đây tôi có tham gia đọc bản thảo cho một vài cuộc vận động sáng tác và tuyển chọn truyện của các tác giả trẻ để làm sách, tôi xin trả lời câu hỏi 2 và 3.
2) Những người viết trẻ hiện nay khá đông, ở hầu khắp các miền đất nước, anh chị em viết nhiều, một số viết khá hay hoặc có những nét đặc sắc. Văn học ta trong giai đoạn trước thiếu đa dạng. Sự đóng góp của các tác giả trẻ, làm cho văn học ta đa dạng hơn, là rõ ràng. Nhiều tác giả trẻ có sự xông xáo và ý thức tìm tòi ráo riết trong cách cảm nhận cuộc sống và cách biểu hiện mà đôi khi, theo một thói quen nào đó, người ta thấy có cái gì lạ lẫm, có cái gì quá lớn. Đây là bước khởi đầu, với mặt mạnh và mặt yếu của một lực lượng mà chỉ một ngày mai gần gũi sẽ trở thành lực lượng chủ chốt của phong trào sáng tác.
3) Văn chương vừa là nghề vừa là một nghiệp mà người cầm bút tự vận vào mình. Có người viết lúc đầu chưa hay, về sau mới hay. Có người thì ngược lại. Cũng có người cứ viết đều đều mà chẳng bao giờ hay cả. Nó có vẻ rắc rối như thế không ai dám nói chắc. Nhưng có lẽ vì thế mà văn chương không chỉ là nghề như mọi thứ nghề.
HÀ MINH ĐỨC
Trong những năm gần đây văn học ta đang có một xu thế phát triển mới đặc biệt là trong văn xuôi. Cái khác biệt với những sáng tác trước đây là ở cách nhìn cuộc sống một cách thẳng thắn, chân thực không chịu những ràng buộc sách vở và định kiến xã hội, ở sự quan tâm đến số phận của con người trong dòng đời với nhiều mối quan hệ phong phú phức tạp, ở cách xử lý có tính chất nhân bản nhiều vấn đề xã hội. Và riêng nghệ thuật thực sự đã tạo được nhiều màu sắc – thẩm mỹ mới. Phần lớn những tác phẩm trên thuộc về những nhà văn đang sung sức của thời kỳ chống Mỹ, lớp nhà văn xuất hiện sau 1975 và nhiều tác giả trẻ. Nhiều cuốn tiểu thuyết cũng như truyện ngắn đầu tay của các tác giả trẻ đã ở một điểm xuất phát cao, có sức thuyết phục về tư tưởng và nghệ thuật. Tôi xin chân thành bày tỏ niềm vui và lòng tin cậy.
HOÀNG NGỌC HIẾN
1) Tôi quan niệm nhà văn trẻ là từ lứa tuổi ba mươi trở xuống. Phạm Thị Hoài, (sinh năm 1960), Tạ Duy Anh (sinh năm 1959) là hai nhà văn đang được công luận chú ý và tuổi đời còn trẻ.
2) Viết được và viết hay đôi điều mà những nhà văn ưu tú các thế hệ trước không viết.
3) Không viết được nhiều điều mà những nhà văn ưu tú thế hệ trước thời trẻ viết rất giỏi.
(TCSH43/06-1990)