Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.3-17)
Có “Gánh Rối nước” rong Xứ Huế như thế!
08:59 | 04/04/2017

VĂN HỌC

Nhân kỷ niệm 61 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị thành lập nên Ngành Nghệ thuật Múa rối chuyên nghiệp Việt Nam (12/03/1956 - 12/03/2017). Khi đó Người đã dạy: “Cần có đoàn múa rối chuyên nghiệp để các cháu thiếu nhi có thêm niềm vui thêm tiếng cười”.

Có “Gánh Rối nước” rong Xứ Huế như thế!
Đạo diễn Nguyễn Phi Tuấn chuẩn bị con rối nước phục vụ các bé

Đầu xuân này, xin giới thiệu “Gánh rối nước” rong tại miền Trung do Giám đốc - Đạo diễn Nguyễn Phi Tuấn sáng lập với tên gọi là “Nhà hát Múa rối Cố đô Huế”, cũng là để hiểu rõ thêm về một đơn vị trong ngành múa rối đã và đang học tập, làm theo lời Bác Hồ dạy năm xưa.

Kể từ sau chuyến lưu diễn thành công ở châu Âu của Nghệ thuật Múa rối (NTMR) nước của Việt Nam vào năm 1983 trở lại đây; từ đó cũng là cơ hội để sân khấu múa rối nước cổ truyền của dân tộc Việt ngày càng được đề cao và đua nhau khởi sắc, phát triển rộng khắp trên cả ba miền Bắc - Trung - Nam. Đâu đâu cũng thấy xuất hiện các Đoàn NTMR nước đang hoạt động, nhất là ở các thành phố lớn và nổi tiếng về du lịch tại Việt Nam.

Không riêng gì các đơn vị nghệ thuật múa rối nước do nhà nước quản lý, mà ngay đến các tổ chức tư nhân, ngoài công lập cũng đua nhau làm rối nước, nó nở rộ chẳng khác gì “nấm gập mưa rào”.

Như gần đây, cũng chỉ trong một không gian nhỏ hẹp quanh bờ Hồ Hoàn Kiếm - Hà Nội, thế mà cũng đã có tới hai (02) đơn vị làm rối nước đối diện nhau cùng thi tài. Đó là Nhà hát Múa rối Thăng Long - Hà Nội, và mới đây lại có Nhà hát Ca Múa Nhạc Đương đại Việt Nam cũng làm thêm cả sân khấu rối nước nữa! Nghĩa là để cùng sát cánh chen vai đỏ đèn trong cùng một chương trình nghệ thuật múa rối nước gần như giống nhau “y trang” của rối nước cổ truyền Việt Nam ta!

Phải chăng những nhà quản lý và hoạt động sân khấu lúc này đã tìm thấy tiềm năng phục vụ của môn NTMR nước cổ truyền là vô cùng phong phú và hấp dẫn, nhất là đối với các khán giả ngoại quốc khi lần đầu tiên đến Việt Nam và được tiếp xúc với một chương trình NTMR cổ điển độc đáo và vô cùng đặc sắc mang đậm nét truyền thống và giàu bản sắc của dân tộc Việt.

Chính vậy mà nhiều nơi đã không tiếc công sức và tiền bạc, cố bằng mọi cách để xây dựng cho được mô hình sân khấu NTMR nước tại địa phương mình hoặc cho những cá nhân đó... Đương nhiên tại các văn bản của các dự án này đệ trình lên cấp trên phê duyệt, người ta luôn đề cao và đặt lên hàng đầu mục đích “Bảo tồn và phát triển NTMR nước cổ truyền của dân tộc Việt” cùng với các phương án kèm theo như: quảng bá giới thiệu môn nghệ thuật này tới đông đảo mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam... Đó cũng được coi như là tôn chỉ và phương châm hoạt động xuyên suốt của đơn vị!

Song thực tế tại các show diễn rối nước này của các đơn vị trên, chúng ta nhận ra ngay số lượng khán giả người Việt đến xem rối nước cũng lèo tèo chỉ đếm được trên vài đầu ngón tay và số khán giả còn lại đa phần là các du khách nước ngoài. Đồng thời với nhiều lý do khác nhau nên tại những buổi diễn rối nước của các nhà hát như trên, ta cũng hiếm thấy các khán giả trẻ thơ là những em bé người Việt đến xem rối nước!

Cho nên việc các khán giả người Việt lúc này ít hào hứng đến xem các chương trình múa rối nước như hiện nay cũng là một hiện thực phổ biến, không riêng gì tại các nhà hát múa rối ở các thành phố lớn đã như thế, mà ngay tại các địa phương - nơi “chôn rau cắt rốn” của các phường hội rối nước cổ truyền cũng đang trong tình trạng không hơn gì.

Đặc biệt là đối với các cháu nhỏ, nếu trước kia NTMR nước của các phường hội sau lũy tre làng luôn là nguồn cảm hứng lôi cuốn mọi thích thú và khơi dậy mọi ước mơ, trí tưởng tượng bay bỗng của chúng; thì giờ đây “nông thôn bây giờ cũng không còn như xưa nữa rồi. Hết vụ mùa mọi người lại lo lắng tìm việc kiếm tiền. Muốn tồn tại rối nước phải có kinh phí. Còn lũ trẻ thì thích xem hoạt hình, phim chưởng cơ. Có mấy đứa nào háo hức với múa rối nước nữa đâu!”. Đó cũng là lời tâm sự đắng cay của ông Nguyễn Văn Dậu - Trưởng phường rối nước Chàng Sơn - Huyện Thạch Thất - Hà Nội đã được nhắc tới trong cuốn “Nghệ thuật Múa rối cổ truyền Xứ Đoài” (Nxb. Hội Nhà văn 2015, NSĐD Văn Học chủ biên).

Song ngay từ những năm đầu của thế kỷ XXI, nhà báo Quang Huy trên tờ An Ninh Thủ Đô số ra ngày 27/08/2000 trong bài “Múa rối bao giờ hết rối”, bằng cách nhìn sâu sắc và chính xác. Ông đã phát đi một tín hiệu báo động để toàn ngành múa rối hãy cảnh giác trước những hiện tượng lúng túng và bất cập của NTMR nước hiện nay. Theo nhà báo Quang Huy: “Sở dĩ rối nước không thu hút được khán giả (VN) bởi nguyên nhân nghèo nàn về chương trình, quanh đi quẩn lại hàng chục năm nay vẫn là những vở diễn (trò rối nước) lặp đi lặp lại nhàm chán như vậy, thì chính những khán giả hâm mộ nhất - là những em nhỏ sẽ quay lưng lại với rối nước!” Có lẽ vì vậy mà các đơn vị NTMR nước đang hoạt động lúc này cũng chỉ mong và hướng tới đối tượng khán giả nước ngoài là chủ yếu... Phải chăng đó cũng là con đường đi duy nhất không thể khác được, nó như một cứu cánh cho các đơn vị này đang cố muốn bám lấy rối nước để được tồn tại dài dài.

Trái lại, khác xa với những suy nghĩ và cách làm rối nước của các đơn vị trên, chủ yếu là chạy theo xu thế hướng ngoại. Song đến nay có một đơn vị múa rối nước ở ngoài công lập, đã hình thành tại xứ Huế và hoạt động với chỉ một mục đích duy nhất là “làm theo đúng lời Bác Hồ đã dạy”. Nghĩa là “Bằng mọi cách để đưa môn NTMR nước cổ truyền của dân tộc Việt được đến với các em nhỏ Việt Nam. Để các bé thơ được thưởng thức và làm quen rồi dần thấm hiểu những cái hay cải đẹp mà NTMR nước cổ truyền của dân tộc đã đem lại cho các bé. Đặc biệt với các em nhỏ tại những vùng miền xa xôi hẻo lánh của mảnh đất xứ Trung kỳ - tuy đã hẹp nay lại còn bị thắt thêm cái eo nữa, là sẽ luôn được đơn vị ưu tiên!”

Các bé ngồi trên các bục chắc chắn thoải mái xem rối nước


Thoáng nghe qua, tưởng đó là một câu chuyện phiếm của những người thích đùa, hay là của những ai mà “ic” đang có vấn đề! Bởi vì muốn có được một đơn vị làm rối nước tàm tạm hay nhàng nhàng bậc trung thôi... cũng là cả một con đường dài gian khổ và tốn kém. Trước tiên là phải có một đội ngũ diễn viên, cán bộ kỹ thuật sân khấu được đào tạo có thể không giỏi lắm, nhưng tối thiểu cũng phải am hiểu về NTMR nước... rồi trang thiết bị phông màn đạo cụ, âm thanh ánh sáng cùng lỉnh kỉnh tới hàng trăm quân rối nước... Và vì làm rối nước nên không thể thiếu được ngôi “Nhà Thủy Đình” - buồng trò của rối nước, rồi một bế nước lưu động để tạo nên một mặt sàn diễn bằng nước, rộng vừa đủ để cho các quân rối nước thỏa sức vẫy vùng. Khi xem rối nước thường khán giả đứng hoặc ngồi từ trên cao nhìn vào bế nước, vì vậy cũng cần phải xây dựng một hệ thống bục bệ chỗ ngồi cho thật hợp lý, để các cháu ngồi sau không bị các bé ngồi phía trước che khuất tầm nhìn.

Đồng thời là đơn vị nghệ thuật hoạt động theo mô hình “xã hội hóa” - tự thu tự trang trải mọi mặt, mà giá vé cho trẻ thơ lại quá “bèo”. Hơn nữa lại thường xuyên phải di chuyển liên tục, nếu gặp mưa bão, hay một sự cố nào trên đường phải dừng biểu diễn một vài buổi... mà tiền ăn-ở-lưu trú-tiền lương chi trả cho các thành viên cho các buổi nghỉ diễn này cũng không phải là nhỏ...

Mới chỉ tính sơ qua đã thấy muôn vàn khó khăn khi một ai đó (nhất là ở một cá nhân ngoài công lập) định làm rối nước lưu diễn chuyên phục vụ cho đối tượng trẻ thơ như trên, âu là mơ ước khó trở thành hiện thực được.

Trò "múa lân" của rối nước đang phục vụ tại sân trường Mầm Non Hướng Dương – TP Cam Ranh – Khánh Hòa


Cho nên khi nghe tin có Đoàn múa rối nước tư nhân của Cố đô Huế trên đường lưu diễn phục vụ các cháu nhỏ tại các tỉnh Tây Nguyên, đang ghé qua thành phố Cam Ranh - Khánh Hòa để biểu diễn rối nước cho các bé thơ tại các Trường Mầm non trên địa bàn thành phố biển Cam Ranh này; NSĐD Văn Học đã không quản đường xa, phóng xe từ Nha Trang vô Cam Ranh thăm Đoàn ngay, cũng chính là để tìm hiểu tường tận về mọi mặt sinh hoạt, cùng các phương thức tiếp cận, biểu diễn nghệ thuật múa rối nước phục vụ bé thơ... của một đơn vị tư nhân tận xứ Huế mộng mơ, cách Cam Ranh xa trên 600km ấy sẽ “làm ăn” như thế nào, để giữ được bền lâu!?

Song nếu có ai đã được “mục sở thị” tại đơn vị múa rối nước tư nhân này, để được trải nghiệm lang thang cùng họ trên mọi nẻo đường dài... cũng là để tận mắt chứng kiến mọi hoạt động thường nhật, từ di chuyến, làm sân khấu nhà thủy đình, lắp bể nước, dựng dàn bao, bục bệ ngồi... đến cách thức biểu diễn trước khán giả nhí - nghĩa là vừa diễn rối, lại vừa có thuyết minh để các bé hiểu hết cái hay cái hấp dẫn của từng trò rối nước; vì đây lại là lần đầu tiên chúng mới được làm quen, tiếp xúc với NTMR nước cổ truyền của dân tộc… Qua đó mới tin là sự thực!

Tôi được tiếp đón tại nơi lưu trú ăn nghỉ của Đoàn ngay tại khách sạn Thành Mỹ - Tp. Cam Ranh. Trước sự ngỡ ngàng của tôi, Giám đốc - Đạo diễn Nguyễn Phi Tuấn đã tươi cười giải thích: “Vì chúng em luôn phải đi lưu diễn dài ngày, cũng là để bảo đảm sức khỏe chung, nên cần có một nơi ăn chốn nghỉ cho đàng hoàng. Vì vậy tới đâu, trước tiên việc ăn nghỉ của mọi thành viên trong Đoàn cũng được chăm lo chu đáo thoải mái như vậy. Và quyết không để anh em phải chịu cảnh “đầu đường xó chợ”, “màn trời chiếu đất, gầm sân khấu...” như các gánh hát rong xưa cũ”.

Việc ăn uống hàng ngày cũng do mọi người trong đoàn tự phân công đi chợ, thổi nấu... Có vậy dù phải xa nhà, nhưng những món ăn và cách chế biến theo khẩu vị Huế vẫn luôn gần gũi có mặt trong bữa ăn thường xuyên của đơn vị. Làm như vậy vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, lại vừa ngon vừa no và đầy đủ chất dinh dưỡng cho thực đơn ba bữa ăn sáng trưa chiều. Nếu tối nào phải chuyển điểm gấp, rồi làm ngay sân khấu, lắp bể nước, dựng dàn bao bục bệ ngồi… thì cũng có thêm suất ăn bồi dưỡng ca đêm.

Ngoài công việc chuyên môn chuyên trách của từng người, ở đây mọi thành viên trong đơn vị này đều rất năng động, luôn biết lo toan gánh vác các công việc chung. Đặc biệt khi tới giờ đón khán giả, các cháu được các cô chú trong đoàn dẫn đến từng chỗ ngồi được an toàn đế thoải mái reo hò xem rối nước...

Có được kết quả như ngày hôm nay, phải chăng cũng từ quá trình mày mò và tích lũy mà GĐ-ĐD Nguyễn Phi Tuấn đã trải nghiệm qua nhiều năm tháng, thành công cũng có, song thất bại cũng khá nhiều.

Đạo diễn Nguyễn Phi Tuấn chuẩn bị con rối nước phục vụ các bé


Anh sinh ra và lớn lên trên đất Bắc, nên khi nghe Phi Tuấn trò chuyện phát âm, ai cũng tưởng rằng đó là chàng trai Hà Nội thứ thiệt. Song anh lại là người con xứ Huế gốc, sau ngày đất nước thống nhất Phi Tuấn trở về nơi “chôn rau cắt rốn” xứ Huế mộng mơ. Với cái máu văn nghệ từ nhỏ, nên học xong THPT anh đã mải mê chạy theo ánh đèn sân khấu. Lăn lộn học nghề từ Đoàn Dân ca Kịch Huế, tới Đoàn Kịch nói Huế… rồi sau này cũng có lúc làm phóng viên của Đài Phát thanh - Truyền hình Thừa Thiên Huế… Song bất cứ ở nơi đâu, Phi Tuấn vẫn son sắt một lòng chung tình với cái nghiệp sân khấu đã đa mang.

Tới năm 1986 - 1990 Phi Tuấn theo học khoa diễn viên tại Trường ĐHSKĐA Hà Nội. Tốt nghiệp ra trường anh về công tác tại Sở Văn hóa Thông tin Đắc Lắk. Cũng tại mảnh đất này Phi Tuấn được làm việc với Đoàn Nghệ thuật Múa rối Tỉnh Đắc Lắk. Có lẽ đây là dịp tốt để anh được làm quen và được trực tiếp tìm tòi khám phá trong một loại hình sân khấu mới lạ - đó là NTMR mà các diễn viên đang hoạt động nói cười trên sân khấu kia... lại chính là những con rối vô tri vô giác.

Từ đó Phi Tuấn mới dần ngộ ra một thế giới mới của NTSKMR. Nó vô cùng độc đáo và đã làm mê hoặc, luôn ám ảnh anh như những trò ảo thuật mà Phi Tuấn luôn cần tìm hiểu và thôi thúc anh dấn bước khám phá... Song cái đó chỉ có thể có và chỉ tồn tại trên sân khấu NTMR mà thôi!

Để chuẩn bị cho thật đầy đủ hành trang làm nghề, một lần nữa Phi Tuấn lại cắp sách đến Trường ĐHSKĐA Hà Nội để theo học khoa đạo diễn sân khấu niên khóa 1998 - 2002.

Tốt nghiệp ra trường, Phi Tuấn trở về công tác tại xứ Huế. Sau này anh đã đảm nhận tới chức trách Trưởng phòng Nghiên cứu Nghệ thuật thuộc Nhà Hát Truyền thống Cung Đình Huế. Song cái nghiệp rối vẫn đeo đẳng và thôi thúc anh thành lập CLB Múa rối Xứ Huế tại Nhà Văn hóa thành phố Huế.

Lúc đầu CLB múa rối thành phố Huế mới xây dựng được những tiết mục rối nhỏ lẻ học hỏi theo các nơi khác để làm vốn hoạt động... Rồi dần tích lũy, mạnh dạn đầu tư kinh phí, mời những nghệ sĩ, đạo diễn có tên tuổi của ngành rối tại Trung ương vô Huế xây dựng chương trình múa rối mới cho CLB. Trước là để bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho hội viên CLB về mọi mặt kỹ thuật biểu diễn cũng như cách điều khiển các con rối thuộc các thể loại phức tạp mới... Đồng thời cũng là dịp để giới thiệu những tiết mục múa rối mới mang đậm đà những nét đặc trưng tiêu biểu nhất của con người và quê hương xứ Huế đầy thơ mộng này.

Cũng từ đó CLB múa rối thành phố Huế ngày một phát triển, từ rối cạn tới rối tạp kỹ... và dần làm cả múa rối nước nữa. Giờ đây mọi công việc về múa rối luôn cuốn hút hết mọi tâm trí và thời gian hàng ngày của Phi Tuấn. Đã đến lúc không thể vừa làm việc tại Nhà hát Truyền thống Cung đình Huế lại vừa làm múa rối được. Nên tới năm 2012 anh đã quyết định xin thôi công tác tại cơ quan nhà nước - Nhà hát Truyền thống Cung đình Huế; để từ đây Phi Tuấn được toàn tâm toàn ý đóng góp cho NTMR xứ Huế một cách chuyên sâu hơn.

Tất nhiên những bước đi ban đầu của một đơn vị múa rối ngoài công lập không thể tránh khỏi, là phải chạy theo guồng quay của thị trường cũng giống như biết bao đơn vị múa rối khác đã làm. Nghĩa là vẫn phải lấy mục đích phục vụ du khách quốc tế tại thành phố Huế du lịch này là chủ yếu. Do đó đơn vị rối nước của Phi Tuấn luôn có mặt tại hầu hết các khách sạn cao cấp ở thành phố Huế... Sau này lại phát triển thêm nhiều nhóm rối nước nhỏ lẻ và đã lan tỏa đến các khách sạn cao cấp tại thành phố Đà Nẵng, cũng như tại khu phố cố Hội An...

Song hành với các hoạt động lưu diễn rối nước trên, Phi Tuấn còn phối kết hợp với nhiều nhà doanh nghiệp yêu thích NTMR. Nên ngay tại thành phố Huế, anh đã xây dựng được một Nhà hát Múa rối Cố đô Huế có cơ ngơi dáng vóc bề thế, với một “Nhà Thủy Đình” cổ kính đang tọa lạc trên một hồ nước thiên nhiên cùng các hàng ghế ngồi bóng bẩy và sang trọng, trông xa như một kỳ đài lộng lẫy đang khoe mình trong một khuôn viên hoành tráng tại Cố đô Huế.

Nhưng đây là những địa điểm phải thuê mướn mặt bằng, do đó hoạt động diễn rối nước không được bao lâu đã buộc phải phá đi để chuyển đến nơi khác. Nếu không nhầm, thì việc phá đi xây lại như thế này cũng đã có tới 3 - 4 lần rồi. Mà mỗi lần xây phá như trên cũng tốn kém biết bao công sức và tiền bạc. (Nghe đâu Phi Tuấn cũng đã từng 2 lần cầm sổ đỏ của gia đình để trang trải mọi nợ nần).

Phải chăng đến lúc này anh mới ngộ ra rằng: “Việc bon chen làm rối nước phục vụ du khách nước ngoài chỉ là việc làm tức thời và không thể bền vững. Ông cha ta xưa sáng tạo ra NTMR nước vô cùng độc đáo kia có phải là để phục vụ cho mấy “ông tây bà đầm” xem đâu! Mà cổ nhân làm rỏi nước chính là để phục vụ trong các lễ hội của làng quê mình, phục vụ cho bà con dân làng mình vào những lúc nông nhàn sau lũy tre làng, để rồi được vui cười thỏa thích thế đó”! Hơn nữa, trên 60 năm nay Bác Hồ kính yêu đã từng dạy: “Cần có đoàn múa rối chuyên nghiệp để các cháu thiếu nhi có thêm niềm vui thêm tiếng cười” đó sao! Vậy tại sao lúc này mình lại không làm múa rối nước phục vụ trẻ thơ, phục vụ cho những mầm non tương lai của đất nước mình! Vì chính các bé thơ, ngay từ lứa tuổi mầm non cũng cần phải biết và hiểu thêm về môn NTMR nước vô cùng thích thú và độc đáo của người xưa. Có vậy sau này công tác Bảo tồn và Phát triển NTMR nước cổ truyền dân tộc Việt mới được bền vững và đích thực.

Thế là một mô hình về sân khấu học đường bằng NTMR nước đã hình thành và thôi thúc Phi Tuấn dấn bước. Thấm thoắt từ đó đến nay cũng đã ngót nghét 7 - 8 năm rồi, “Gánh rối nước” rong của xứ Huế này vẫn đều đặn nối trôi lênh đênh trên khắp mọi nẻo đường đầy nắng gió và mưa bão miền Trung… Từ Quảng Trị cát trắng, theo xứ Huế mộng mơ, qua Đà Nẵng cháy bỏng, về Quảng Nam thừa mưa, xuôi Khánh Hòa biển lộng và leo lên tới tận những vùng heo hút đất đỏ bazan trên Tây Nguyên... Đâu đâu các em nhỏ tại những vùng rừng sâu núi thắm xa lắc ấy... giờ đây cũng đã được tận mắt xem những trò rối nước ngộ nghĩnh, để rồi được vui cười thỏa thích, để rồi được sờ mó tận tay vào những con rối gỗ mộc mạc kia. Sao mà chúng thân thương và đáng yêu đến thế!

Đến đây, làm tôi nhớ lại câu chuyện nhỏ mà các thành viên “gánh rối nước” trên đường lưu diễn đã gặp. Tại một trường mầm non nọ, trong khi buổi diễn rối nước đã bắt đầu, thì có vài bé đang cố trèo lên cửa sổ lớp học, và thập thò ngó đầu nhìn ra ngoài coi. Thấy tội, các anh chị trong đoàn vào lớp dẫn các bé ra ngoài sân xem rối nước. Nhưng các bé đã từ chối và nhất định không chịu ra ngoài sân coi rối nước, và chỉ với một lý do duy nhất là “Bố mẹ các bé không có tiền mua vé, nên các con không ra ngoài đó coi đâu!”

Nghe kể đến đây làm tôi ứa nước mắt. Không biết có phải các bé sợ cô giáo phạt, hay vì sự tự trọng của những trẻ thơ lớn trước cái tuổi mầm non này nên chúng đã tự biết ứng xử như vậy chăng? Song với nhiều người lại nghĩ: Các bé thơ ơi! Đặc biệt là ở tại những vùng sâu vùng xa này, các con đã phải chịu thiệt thòi quá nhiều rồi. Nào là thiên tai dịch họa, nào là hạn hán rồi lại lũ lụt triền miên, nào là sự tàn phá thiên nhiên, hủy hoại môi trường của chính con người… Ngay bây giờ và cả đến tương lai sau này, chính các con sẽ là người lại phải gánh chịu tất cả mọi hậu quả này… Nhưng giờ đây, chỉ một niềm vui nho nhỏ, một nụ cười nho nhỏ mà múa rối nước đã đến tận các buôn làng xa lắc ấy đem tới các bé... Mà các trẻ thơ của chúng ta vẫn phải chịu thua thiệt như thế sao??

Ngôi Thủy Đình rối nước đang trên đường lưu diễn


Nhìn đoàn xe của “gánh rối nước” rong xứ Huế đang bon bon trên mọi nẻo đường dài, làm những bà con quanh đây đều lưu luyến đưa ánh mắt trìu mến nhìn theo. Đi đầu là chiếc xe 14 chỗ chở diễn viên, do chính GĐ-ĐD Phi Tuấn kiêm luôn tài xế cầm tay lái, hai bên thành xe có gắn theo dòng chữ lớn “Nhà hát Múa rối Cố đô Huế”. Nối theo sau là chiếc xe tải bán trung chở con rối và đồ nghề sân khấu... Song cái ngộ nghĩnh và rất rối nữa là chiếc mái nhà thủy đình của sân khấu rối nước, nay lại được đặt lên trên tạo thành cái nóc thùng xe tải để che mưa, che nắng cho con rối và mọi đồ nghề...

Lúc này nhìn chiếc xe tải chẳng giống ai kia, trông như là một ngôi Nhà Thủy Đình của NTMR nước đang biết di động.

Vâng, cái “gánh rối nước” rong xứ Huế này vẫn đang di động chuyển mình trên mọi nẻo đường dài. Nó thầm lặng và bền bỉ từng bước, từng bước cố gắng làm theo đúng lời Bác Hồ đã dạy. Cũng là để cố mang lại “thêm niềm vui thêm tiếng cười” tới các bé thơ trên những vùng đất đầy cát bụi xa lắc tại khắp xứ sở miền Trung.

V.H
(SHSDB24/03-2017)




 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Vùng ký ức (28/03/2017)