Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.3-17)
Triệu Từ Truyền & 'Những chữ qua cầu tâm linh'
14:06 | 12/04/2017

NGUYÊN QUÂN

Một cảm nhận thật mơ hồ khi cầm trên tay tập sách, vừa tản văn vừa tiểu luận của nhà văn Triệu Từ Truyền gởi tặng. Sự mơ hồ từ một cái tựa rất mơ hồ bởi lẽ chữ là một thực thể hữu hiện và chiếc cầu tâm linh chính lại là một ảo ảnh rất dị biệt với thực thể hữu hạn của những con chữ.

Triệu Từ Truyền & 'Những chữ qua cầu tâm linh'

Nhưng đó chỉ là một thoáng cảm nhận ban đầu để người đọc có thế đặt từng bước chân lên một vùng đất luận giải thi ca chân xác đầy thống cảm để khai mở ra những ý niệm hoàn toàn lạ lẫm giữa những chiều kích thi ca đã từng hiện hữu trên văn đàn Việt.

Phải nói tác giả bắt đầu dẫn dắt người đọc từ một khái niệm đầy ngủng ngẳng u mặc, dường như đã hé mở cánh cửa cho độc giả bước vào chủ đề cốt tủy trong cuộc chơi đầy hệ lụy rắm rối và nghiệt ngả của ngữ nghĩa thi ca.

“Nhờ vậy, chiếc cầu tâm linh mới đủ sức chịu đựng “những âm binh chữ” vừa đi vừa quậy phá trước khi chịu thuần phục là một sinh thể thơ…”.

Và chính sự ngủng ngẳng mang tính chất U Mặc này sẽ dẫn độc giả đi trong trạng thái bình định chuẩn xác trên chếc cầu đầy trò chơi ảo ảnh, mộng mị và không thiếu phần ma mị quỷ quái của những con chữ được sinh hạ từ ý niệm của một gã làm thơ bất chấp mọi lề thói luật lệ, mọi quy ước câu thúc trong dạng thức cũng như trong ý niệm sáng tạo.

Hãy đi qua chiếc cầu để biết nhà thơ đang nối chiếc cầu chữ nghĩa từ trái tim của mình đến đâu, cái múi cầu kia sẽ vin níu vào điểm tựa vững chắc nào để có thể chịu đựng được tất cả những trò chơi đầy hiện sinh và hư vô của ngữ nghĩa. Đó có lẽ là nỗi mê hoặc dẫn dụ đầy hoài nghi với tôi hay bất kỳ ai khi lần giở những trang sách Những Con Chữ Qua Cầu Tâm Linh của nhà văn Triệu Từ Truyền.

Trở lại với chính bản thân của cuốn sách dày hơn hai trăm rưỡi trang này, với hai mươi bảy tiểu mục gồm tản văn và tiểu luận, mà tác giả đã dày công tuyển chọn trong gia tài khá đồ sộ của hơn nửa thế kỷ cầm bút.

Tôi nghĩ rằng với những thể loại mà tác giả đã đặt định cho tác phẩm của mình là tản văn và tiểu luận nghiêng hẳn về cõi thơ của các thi nhân thi bá đông tây kim cổ như Rabindranath Tagore hành trình và gặp gỡ; Paul Valéry nhà thơ tiếp bước sau trường phái tượng trưng; Lấn chiếm vĩnh hằng trong thơ Yves Bonnefoy… Hay Trương Vĩnh Ký, tương tác của hiền tài; Tri kiến trong thiền học Trần Nhân Tông; Từ Trần Nhân Tông đến Trần Đức Thảo v.v.

Bằng bản lĩnh tri kiến già dặn sâu sắc, tác giả đã chạm được đến được phần ẩn mật phía sau những con chữ, đó là chạm được cái phần hồn vía sâu thẳm của mỗi nhân vật mà tác giả đã chọn để chiêm nghiệm, tương tác và khai phá nó thành một hành trình du khảo xuyên suốt những trầm tích ẩn dụ tâm linh của dòng tư tưởng thi ca tuyệt đích mà hầu như chưa một ai đặt chân đến.

Ngoài những bài tiểu luận trên, thì tác phẩm Những Con Chữ Qua Cầu Tâm Linh của nhà văn Triệu Từ Truyền vẫn còn có khá nhiều bài viết về bạn bè, anh em mang tính rất thật rất đời thường. Có thể gọi đây là những con chữ tác giả đã nối thành chiếc cầu từ trái tim đến ký ức yêu thương. Mỗi con chữ tác giả viết lên đều đầy ắp sự rung cảm chân thật mà tác giả đã lưu trữ rất kỹ càng cẩn mật trong trái tim mình về chuỗi hành trình nhân sinh đầy biến động của một bối cảnh chiến tranh ly loạn tang tóc đau thương giữa những ý thức hệ đối lập ngay trong tình cảm anh em bạn bè, mà tác giả đã hóa giải được mọi phức tạp do ngoại lực áp đặt trong một thực tế đầy nghiệt ngã đa đoan, điều mà bao nhiêu người không thể tự bắc một chiếc cầu nối bằng ngữ ngôn trong trạng thái cực đoan tiểu ngã.

Với câu hỏi lửng như một khoảng trống lặng chưa có một đáp án hay không thể có một đáp án chuẩn mực Vì sao loài người làm thơ? trong bài viết cuối tập, Triệu Từ Truyền đã rất cẩn trọng khi đưa ra sự lý giải bằng một thông điệp gợi mở khá lý thú, sẽ khiến độc giả hay chính bản thân người làm thơ phải quay đầu nhìn lại những bước chân ý niệm mình đã từng đi qua cái cõi thi ca mông lung vô hạn.

“Thi sĩ làm thơ trước hết vì thỏa mãn nội giới của chính mình, nên nhiều nhà thơ quan niệm tôi làm thơ cho tôi, điều đó không sai ở góc nhìn chủ thể, nhưng hơn ai hết, thi sĩ cần biết mối quan hệ tôi và tha nhân, thi sĩ và người đọc cũng cùng một chỉnh thể thơ…”.

Thành Nội 5/3/2017
N.Q
(SHSDB24/03-2017)




 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Bức ảnh (07/04/2017)
Vùng ký ức (28/03/2017)