Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.3-17)
Đôi nét về tranh minh họa qua Tạp chí “Những người bạn cố đô Huế” đầu thế kỷ XX
08:44 | 14/04/2017


NGUYỄN THỊ HÒA

Đôi nét về tranh minh họa qua Tạp chí “Những người bạn cố đô Huế” đầu thế kỷ XX
Phụ bản CCXXII: Cổng đền Kiên Thái Vương. Chất liệu: Màu nước. BAVH số 1/19. Tác giả: Tôn Thất Sa. Nguồn: Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế

1. Đôi nét về Tạp chí Những người bạn Cố đô Huế (Bulletin des Amis du Vieux Huế (viết tắt là BAVH)

Trong quá trình khai hóa văn minh bản xứ với những mong muốn tìm tòi những phát hiện mới về giá trị văn hóa phương Đông, với mục đích sưu tầm, bảo tồn và truyền bá những kiến thức về chính trị, tôn giáo, văn học nghệ thuật Âu châu cũng như bản xứ, liên quan đến Huế và phụ cận, đã xuất hiện Hội BAVH như một lẽ tự nhiên, một luồng gió mới tạo ra cơ hội nhìn lại và bảo tồn văn hóa Huế.

Hội Những người bạn Cố đô Huế được thành lập vào cuối năm 1913 theo đề xuất của linh mục Léopold Cadière và sự chung tay xây dựng của những bạn bè trong giới trí thức, nhân sĩ ở Huế. Hội đã đặt ra trụ sở tại tòa Tân Thơ Viện trong Thành nội Huế nay là Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế)1.

Hoạt động của Hội BAVH là hội đoàn học thuật, đã tập hợp, khai mở và lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa nghệ thuật bản địa vô giá, những gì gợi nhớ đến quá khứ huy hoàng phần nhiều gắn với vùng đất và con người xứ Huế.

Những năm đầu thế kỷ XX, tạp chí, tập san, sách báo nghiên cứu ở Huế có nhiều tranh minh họa về đất nước và con người Việt Nam như: Đào Duy Anh (1942), Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du, Hội Quảng Tri - Huế xuất bản; tờ báo Tràng An (1935 - 1945); tạp chí Đông Dương (1913 - 1919); tạp chí Viễn Đông Bác Cổ… Ở Huế có tạp chí Những người bạn Cố đô Huế (BAVH) do linh mục L.Cadière làm chủ bút, được xuất bản bằng tiếng Pháp trong 30 năm (1914 - 1944), và đình bản vào năm 1944 do các biến động chính trị xã hội thời bấy giờ. Có thể nói cho đến nay, hầu như tất cả các học giả khi nghiên cứu về văn hóa, lịch sử xứ Huế, đều lấy các bài viết và hình vẽ minh họa trong tạp chí BAVH làm tài liệu tham khảo chính yếu. Tạp chí BAVH, có số lượng tranh minh họa nhiều hơn những tạp chí cùng thời, do những họa sĩ nước ngoài và người Việt (người Việt là chủ đạo) sáng tạo nên, có ý nghĩa thực tiễn và giá trị về nghệ thuật tạo hình ở Huế. Cùng với các chuyên khảo, các bài nghiên cứu, sưu tầm… tranh minh họa đã góp phần đưa tạp chí BAVH trở thành một trong những công trình độc đáo rất riêng của Huế so với bối cảnh văn hóa bản địa thời đó.

Phụ bản LI: Trên mặt nước xanh của đầm phá, chiếc thuyền lướt đi, như châu chấu màu đà
Chất liệu: Màu nước
BAVH số 4/23
Tác giả: M.E.Gras
Nguồn: Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế


2. Vấn đề giao lưu học thuật của các họa sĩ Việt - Pháp trong tạp chí BAVH

Những năm đầu thế kỷ XX ở Việt Nam chưa có trường mỹ thuật chuyên nghiệp. Các họa sĩ người Việt hầu hết không có điều kiện được học vẽ mang tính nghệ thuật bài bản chính thống, có một số họa sĩ tự học. Quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa Việt - Pháp, đã tạo sự chuyển biến mới cho mỹ thuật ở Huế vào đầu thế kỷ XX như: thành lập trường Kỹ nghệ Huế; đưa môn mỹ thuật vào giảng dạy ở trường Quốc Học; nghệ thuật tạo hình Pháp theo chân các giáo sĩ truyền giáo đến Huế, mà cụ thể như linh mục L.Cadière đã giúp các họa sĩ Việt - Pháp có dịp lưu lại nét vẽ trong tạp chí BAVH… khởi đầu là những họa sĩ Pháp như V.F.Ducro, Délétré, A.Bonhomme, lần đầu tiên công bố 9 hình vẽ về Cửu đỉnh ở Đại Nội, 2 bức tranh phong cảnh, và 33 hình vẽ (sưu tầm) đồ đồng mỹ nghệ thời Minh Mạng trong tập số 1/1914. Về sau có sự tham gia của các họa sĩ bản địa, hầu như phần lớn các họa sĩ Việt chưa qua đào tạo từ môi trường mỹ thuật chính quy, nhưng có năng khiếu bẩm sinh, được người Pháp phát hiện, tạo điều kiện để tiếp nhận kiến thức hội họa hiện đại và tham gia vào những công trình kiến trúc và nghệ thuật.

Những tác phẩm minh họa tạp chí BAVH gắn liền với tên tuổi và sự nghiên cứu của các họa sĩ, đánh dấu sự hiện diện của lớp họa sĩ hiện đại chính thức đầu tiên ở Huế. Các họa sĩ được thu nhận kiến thức của nền hội họa phương Tây hiện đại, góp phần vào những công trình mỹ thuật, trong đó có tác phẩm BAVH. Hơn 20 họa sĩ Việt - Pháp cùng ở Huế đã tâm huyết sáng tạo khoảng 2100 tác phẩm minh họa/2940 các hình minh họa trong hơn 15.000 trang viết và các trang phụ bản của 120 số/91 tập BAVH, tạo ra nét riêng, để lại dấu ấn đặc trưng trong minh họa của tạp chí BAVH, có những đóng góp thiết thực cho nghệ thuật tạo hình hiện đại đầu thế kỷ XX ở Huế.

3. Một số dấu ấn trong tranh minh họa qua tạp chí BAVH
 

Phụ bản LXVII: Công chúa Annam trong trang phục áo cưới
Chất liệu: Màu nước
BAVH số 3/34
Tác giả: Phi Hùng
Nguồn: Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế
Phụ bản XXXIV: Gốm Bình Định: mẫu gốm tráng men
Chất liệu: Màu nước
BAVH số 3 - 4/27
Tác giả: Nguyễn Thứ
Nguồn: Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế
Phụ bản LXXV: Bia mộ của lăng Minh Mạng
Chất liệu: Bút sắt
BAVH (photo) 4/37
Tác giả: Nguyễn Thứ và M. Ch. Lichtenfelder
Nguồn: Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế
Phụ bản (Tiêu bản)
Nguồn: Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế
Phụ bản (Kết bản)
Tác giả: Nguyễn Thứ
Nguồn: Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế

Có thể thấy từ tạp chí BAVH, nghệ thuật tạo hình hiện đại Huế đã được đề cập từ năm 1914 - 1944, (trước khi Trường Mỹ thuật Đông Dương ra đời vào năm 1925). Mỹ thuật Huế gần như được tái hiện qua các tác phẩm của các họa sĩ với sự tỉ mỉ từng chi tiết, diễn tả rất chân thực đối tượng nghiên cứu, kết nối tình cảm với người xem và tạo ra những giá trị về thẩm mỹ đặc trưng, khai thác nhiều đề tài, khía cạnh khác nhau trong đời sống văn hóa nghệ thuật Huế2.

Khảo cứu 120 tập của BAVH, có khoảng 840 hình được minh họa theo hình thức nhắc lại trong suốt tạp chí, 2100 hình minh họa (trong đó có 100 mẫu trang trí bìa, 1200 tranh vẽ, 400 sơ đồ và bản đồ, 400 vignette, tiêu bản và kết bản)… tùy thuộc vào yêu cầu nội dung của bài viết và chủ đề nghiên cứu của chủ bút đặt ra mà mỗi nhóm minh họa có đề tài, bố cục, chất liệu, và phương pháp thể hiện khác nhau, phản ánh tính đa dạng trong sáng tạo nghệ thuật của các họa sĩ, chủ yếu tập trung vào các tác phẩm và nhóm tác phẩm sau:

Tranh minh họa phong cảnh: Có khoảng 188 bức tranh đen trắng, đơn sắc, nhị sắc, và màu, được vẽ trong công trình BAVH, nội dung vẽ về Kinh thành Huế và phụ cận, khu vực Hoàng Thành, Tử Cấm Thành, Lăng tẩm của các vua Nguyễn như vua Gia Long, vua Minh Mạng, vua Khải Định... Đa phần các minh họa được vẽ rất tỉ mỉ, thể hiện vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên, người vẽ quan sát, chọn những chi tiết điển hình, thể hiện đúng với đối tượng miêu tả, tinh thần của cảnh vật, vừa đạt hiệu quả tạo hình, vừa biểu hiện được phong cảnh địa phương xứ Huế được vẽ bằng chất liệu màu nước của họa sĩ Tôn Thất Sa, của họa sĩ Trần Văn Phềnh, hay tranh khắc in của họa sĩ Nguyễn Thứ.

Những chuỗi tác phẩm tranh phong cảnh là đồng tác giả của họa sĩ Việt - Pháp như Nguyễn Thứ và M. Ch. Lichtenfelder, hai tác giả, hai hệ giá trị Đông - Tây được thể hiện hài hòa sáng tạo, ăn ý cùng chung bút trong một tác phẩm, kết hợp hoàn thiện khi cùng nhau khai thác các khía cạnh không gian kiến trúc nghệ thuật của tranh phong cảnh và họa tiết trang trí ở lăng Minh Mạng, thể hiện trong 12 tác phẩm đăng trong tập số 4/37 là những công trình kết hợp thân thiện trong sự giao lưu học thuật, như một minh chứng thể hiện tinh thần đoàn kết của tâm hồn Đông - Tây rất độc đáo của họa sĩ Việt - Pháp trong tạp chí BAVH.

Nổi bật trong công việc vẽ minh họa có chất lượng và hiệu quả trên nhiều trang trong tạp chí “BAVH” là họa sĩ Tôn Thất Sa. Ông cũng là người vẽ phong cảnh kiến trúc lầu chuông Quốc Học, hình ảnh gốc của ngôi trường quốc gia Việt Nam đầu tiên đăng vào tạp chí Những người bạn Cố đô Huế Pb.IX: Cổng lầu chuông Quốc học 1/1916, và sáng tác mẫu thiết kế cho hai công trình biểu tượng của truyền thống và hiện đại: Cổng trường Quốc Học và Đài Chiến sĩ Trận vong.

Tranh minh họa kiến trúc lăng mộ: Họa sĩ Nguyễn Thứ minh họa hơn 350 hình vẽ nhiều các thể loại chủ yếu ở tạp chí số 3/23, 1/25, 1/29, 4/30, 1/37, 4/37… Tạp chí số 1/28 có 131 hình vẽ cảnh quan không gian kiến trúc những lăng mộ, đền miếu, bản đồ, sơ đồ… tạo ra một phong cách riêng sinh động đọng lại trong tạp chí BAVH.

Tranh minh họa chân dung: có khoảng 87 bức tranh được vẽ và sưu tầm trên toàn tập BAVH. Các họa sĩ dụng công quan sát đặc điểm diện mạo của đối tượng nghiên cứu, rồi diễn tả sâu bằng đường nét, biểu lộ nội tâm, thần thái của chân dung, tình cảm, cá tính của nhân vật. Những tác phẩm mang sự biểu cảm này có thể kể đến bộ tranh chân dung các quan chức người Pháp vẽ bút sắt của họa sĩ Tôn Thất Sa. Hoặc cách vẽ đơn giản thể hiện bằng màu nước những hình khái quát để tôn chân dung các nhân vật của họa sĩ Phi Hùng.

Tranh minh họa ký họa: Rất nhiều tranh ký họa của các họa sĩ Việt - Pháp in trên các tập BAVH. Những minh họa sinh động và thú vị được tô điểm bằng những ký họa nhanh về cảnh quan xứ sở, trong đó có họa sĩ người Pháp M.E.Gras biểu hiện cảm xúc từ nét phác họa tốc ký sống động miêu tả về cuộc sống và con người, sinh hoạt tổng quan về Huế; ông vẽ nhiều minh họa theo phong cách hiện đại trong tập số 2/16 có 102 tranh minh họa, với bút pháp phóng khoáng, mảng hình dứt khoát, sắc độ chuyển phong phú, nắm bắt được sự chuyển đổi của màu sắc, ánh sáng, và khả năng diễn tả đậm nhạt họa sĩ đã khắc họa không gian, thời gian của những bức vẽ sinh hoạt người miền biển Thuận An. Họa sĩ M.E.Gras không chỉ gợi mở cho người xem trở lại ký ức của miền biển Thuận An cách đây hơn một thế kỷ, mà quan trọng hơn, gợi những cảm xúc thẩm mỹ từ hiệu quả tạo hình, thể hiện hài hòa của phong cách hội họa phương Tây, trong môi trường văn hóa phương Đông mang ấn tượng mạnh mẽ, có những tác động mở ra hướng nhìn mới về yếu tố tạo hình hiện đại cho mỹ thuật ở Huế.

Tranh minh họa mỹ thuật Huế: Mảng nghệ thuật Huế được các tác giả BAVH đặc biệt chú trọng bởi tính độc đáo, hấp dẫn và chiều sâu tư tưởng, văn hóa tiềm ẩn từ các mẫu sưu tập trang trí mỹ thuật ở Huế, các mô típ trang trí hình học, mẫu chữ Hán, tĩnh vật, hoa và lá, cành và quả, động vật, điêu khắc và phong cảnh… được vẽ tỉ mỉ, thu hút người xem về sự tinh tế của nghệ thuật chạm khắc, hội họa thời nhà Nguyễn qua bàn tay tài năng của nghệ nhân ở xứ Huế đầu thế kỷ XX và trở thành bộ sưu tập có số lượng tranh nhiều nhất trong tạp chí BAVH, do họa sĩ Tôn Thất Sa, Nguyễn Văn Nhơn, Lê Văn Tùng, Trần Văn Phềnh cùng nhau minh họa thâm diễn mọi chi tiết. Trong toàn bộ tác phẩm 1/19 có 263 các hình vẽ các thể loại, riêng phần L’art à Hué (Mỹ thuật ở Huế), tác giả L. Cadière phân chia từng phần cụ thể theo góc nhìn khoa học các đề tài các mô típ mỹ thuật như sau:

Phần I: Hoa văn mô típ trang trí hình học có 35 phụ bản; phần II: Hoa văn mẫu chữ Hán, có 18 phụ bản; phần III: Hoa văn tĩnh vật có 17 phụ bản; phần IV: Hoa văn hoa và lá, cành và quả có 48 phụ bản; phần V: Hoa văn động vật có 36 phụ bản hoa văn hình rồng, 21 phụ bản hoa văn hình kỳ lân, 4 phụ bản hoa văn con rùa, 16 phụ bản hoa văn hình con dơi, 5 phụ bản hoa văn hình sư tử, 6 phụ bản hoa văn con cá; phần VI: Điêu khắc có 6 phụ bản; phần VII: Phong cảnh có 11 phụ bản.

Đây là công trình được giới chuyên môn đánh giá cao về tính tạo hình chuyên nghiệp trong sự tinh tế, công phu, trí tuệ… và cả những tố chất của người họa sĩ làm nên những giá trị của tranh minh họa trong tập số 1/19, và nếu như không có tác phẩm L’art à Húe (Mỹ thuật ở Huế) thì giới nghiên cứu mỹ thuật Huế ngày nay sẽ thiếu hẳn những minh chứng xác thực phục vụ cho công tác nghiên cứu và bảo tồn văn hóa nghệ thuật Huế.
 

Phụ bản XLIII: Người đẵn củi
BAVH (photo) 1/37
Tác giả: Khuyết danh
Nguồn: Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế

Hiện nay, nghiên cứu về tranh minh họa và các họa sĩ cộng tác vẽ minh họa với BAVH vẫn đang trong quá trình khảo sát, tìm kiếm và bổ sung, trong đó có cả những tác phẩm của họa sĩ khuyết danh, không có lai lịch tác giả. Học giả Yves Laubie nhận định: “Tranh trang trí trên giấy như chúng ta đã thấy, một căn bản về nghệ thuật vẽ độc đáo và người sáng tạo vẽ ra bức tranh, đối với người Annam thường là vô danh, không ai biết đến. Người sáng tạo ra bức vẽ không cảm thấy nhu cầu phải diễn tả một cách cá nhân”3. Một số tác phẩm khuyết danh được tác giả Yves Laubie sưu tầm đăng trong tập số 1/37.

Ngoài ra, trong công trình tư liệu minh họa của tạp chí BAVH, các họa sĩ còn chú ý diễn tả làm nổi bật giá trị gốc, nguyên bản của một số đối tượng nghiên cứu, sự chân thực cho mỗi hình vẽ ở các đề tài khác nhau như: sinh hoạt, phẩm phục Hoàng triều, tế phẩm, nghi lễ cung đình triều Nguyễn, những vật dụng, phục trang, bàn thờ, hoành phi, câu đối, tượng nhà mồ ở Trường Sơn - Tây Nguyên, cảnh xưa Việt Nam…

“Chính quá trình tiếp xúc giao lưu văn hóa văn minh Đông - Tây hồi cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX đã để lại nhiều di sản quý giá, trên nhiều phương diện, cho đất nước Việt Nam nói chung và Huế nói riêng. Hơn lúc nào hết, chính sự đụng độ giữa hai nền văn minh, văn hóa đó là một ngoại lực đặc biệt quan trọng, một cơ hội lớn để kiểm nghiệm, thức tỉnh làm giàu thêm cho di sản văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế”4. Như vậy nguồn tranh minh họa trong tạp chí BAVH là minh chứng sinh động nhất cho sự hiện hữu về giá trị lịch sử, cũng như nghệ thuật tạo hình hiện đại Huế, khi tiếp xúc kiến thức tạo hình phương Tây, các họa sĩ được cộng hưởng, kết hợp giữa tri thức nghệ thuật tạo hình Pháp với đặc trưng hội họa truyền thần hiện thực phương Đông, tạo ra nét hài hòa trong thẩm mỹ tạo hình theo hướng nhìn hiện đại.

N.T.H.H
(SHSDB24/03-2017)


-------------------------
(1) Nguyễn Thanh Hải (2014), “Kế thừa và phát huy giá trị các công trình nghiên cứu trong tập san BAVH phục vụ công cuộc bảo tồn di sản văn hóa Huế hiện nay”, 100 năm BAVH và vấn đề tiếp xúc văn minh Đông - Tây đầu thế kỷ XX, Kỷ yếu tọa đàm khoa học, Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Huế, tr.134.

(2) Nguyễn Chí Bền (2004), “Văn hóa nghệ thuật miền Trung suy nghĩ về định hướng nghiên cứu”, Tiếp cận Văn hóa Nghệ thuật miền Trung, Viện Văn hóa Thông tin - Phân Viện nghiên cứu Văn hóa Thông tin tại Huế.

(3) Yves Laubie (1937) “Suy nghĩ về Tranh dân gian ở Bắc Kỳ”, Những Người bạn Cố đô Huế, BAVH, Bản dịch tiếng Việt của Hà Xuân Liêm, Hiệu chỉnh và biên tập: Nguyên Anh, Nhị Xuyên, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2010, tập XXIV, tr.133.

(4) Trần Đình Hằng (2015), “Vấn đề giao lưu văn hóa Đông - Tây đầu thế kỷ XX ở Huế”, Tạp chí Văn hóa học, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Hà Nội, số 4(20), tr.9.






 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Giả lập (14/04/2017)
Bức ảnh (07/04/2017)